label

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

DÒNG THÁNH GIA 89 NĂM THÀNH LẬP 50 NĂM HIỆN DIỆN TẠI VIỆT NAM VÀ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

DÒNG THÁNH GIA 89 NĂM THÀNH LẬP

50 NĂM HIỆN DIỆN TẠI VIỆT NAM VÀ

 GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 

Sáng nay đi dự thánh lễ Thánh Gia và mừng bổn mạng dòng, lòng tôi rất vui mừng vì như được trở lại với căn nhà thân thương nơi tôi đã sống được đào tạo và làm việc gần 20 năm. Dù không còn là tu sĩ của dòng nhưng tôi vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của dòng. Giật mình, vì nơi tôi được đào tạo đã thành lập 89 năm và khi ngồi viết bài này đã là 90 năm (1931-2021) con số đẹp, cũng được gọi là có tuổi. Một điều đặc biệt nữa, dòng thuộc giáo phận long xuyên 50 năm so với tuổi đời của giáo phận 60 năm.

Nghe Đức Cha giảng về trách nhiệm của giáo phận với hội dòng và trách nhiệm của hội dòng với giáo phận, cũng như tầm nhìn đào tạo khi nói về Simêon nhìn thấy trẻ Giêsu trong bài phúc âm, ông đã tiên đoán về trẻ và mẹ Ngài: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ" (Lc 2,33-35).

Nghe những điều trên làm tôi suy nghĩ, dòng Thánh Gia 90 tuổi đời nhưng đã trải qua những biến cố tưởng chừng bị xóa sổ (cáp duồl 1970; biến cố 1975) nhưng Gia đình Thánh Gia vẫn quan phòng, gìn giữ để tồn tại, phát triển. Nhìn lại sự phát triển của dòng hình như tôi thấy còn nhiều trăn trở, khiêm tốn và dường như đang vướng mắc một khúc gút nào đó mà chưa cập nhật được với nhu cầu, đường hướng, lối ra trong phục vụ. Không biết có phải nằm trong ý Chúa hay còn mắt xích nào chưa gỡ được. Một số suy nghĩ về nhà dòng theo thiển ý của tôi  

1-Về con người: Sau 90 năm chỉ có 70 tu sĩ trong đó có 20 linh mục, nguồn tương lai có 5 tập sinh, 10 đệ tử. Tính về con số thì mỗi năm chưa được một người trở thành tu sĩ. Đầu vào thì rất đông, nhưng sau một thời gian đào tạo số người chuyển đi làm linh mục, sang dòng giáo sĩ, trở về gia đình khá nhiều làm hao hụt nhân sự và tốn kém trong đào tạo.

2- Về đạo đức: Đang tiến vào chiều sâu nhưng thoáng hơn. Tuy nhiên vẫn phải nhớ và đặt mình trong tư duy theo Chúa Kitô sống giữa đời, phục vụ cho đời, là ánh đuốc soi đời, trộn lẫn với đời nhưng không bị hòa tan trong đời

3- Về tri thức: Có chiều hướng tốt, đã đạt được những học vị cao, nhưng có lẽ một phần nào đó còn tự ti mặc cảm yếu kém nên cứ tung đi học lấy bằng cấp mà không có kế hoạch cần phải học gì, mục đích để làm gì?. Bình thường đào tạo bắt buộc: văn hóa, tu đức, Hiến pháp dòng, Triết, Thần. Nếu muốn đào tạo chuyên sâu hơn ở nước ngoài thì phải đào tạo có mục đích kẻo tốn tiền, tốn thời gian và không xử dụng được. Thí dụ: cần đào tạo một ê kíp giáo sư với đủ các môn, đủ khả năng thành lập Đại chủng viện giảng dạy cho dòng, hoặc thỉnh gỉang cho các Đại chủng viện, Liên viện..làm được như vậy mới đáng nể.

4- Về cơ sở vật chất: Khang trang hơn, ngoài nhà mẹ tại Long Xuyên có thêm nhiều cơ sở khác tại TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đà Lạt, Cần Thơ, Túc Trưng, Buôn Mê, Pháp, Mỹ. Tuy nhiên kinh tế thì chưa có chân trụ phải sống vào các nguồn hỗ trợ và tiền lễ từ các linh mục của dòng. Nếu chỉ lo về đời sống thì tạm đủ, nhưng lo cho học hành thì quả là một điều kỳ diệu vì thế phải tính kinh tế lâu dài, có chân trụ, hữu hiệu (như trước kia có sản xuất gạch, làm ruộng, chăn nuôi). Gần đây đã có vài cơ sở làm kinh tế như nhà yến, vườn cao su, nội trú sinh viên, học sinh nhưng chưa thấm vào đâu.

5- Về nhân sự: Số nhân sự xin đi tu ơn gọi dòng Thánh Gia dường như ít đi mặc dù cuộc sống có thoải mái hơn, học hành tiến triển bài bản hơn, nhưng có điều gì đó chưa hấp dẫn. Một trong những lý do tôi biết đó là dòng Giáo dân số lượng làm linh mục có hạn, theo hiến pháp cũ là 1% đến nay đã nhiều hơn nhưng vẫn không lôi kéo được nhân sự. Hỏi một số thầy, hầu như ai cũng khao khát làm linh mục để dễ phục vụ hơn và chỉ có 2 thầy là không muốn làm linh mục. Nếu cho rằng phải giữ theo đặc sủng của đấng sáng lập, có lẽ không còn phù hợp với việc rao giảng và tìm ơn gọi tại Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ lâu nhà dòng cũng đã và đang xin giáo phận để chuyển mình từ dòng giáo dân sang dòng giáo sĩ, mà là dòng giáo sĩ của Giáo phận Long Xuyên chứ không làm như  nhiều dòng ở Việt Nam, sát nhập với các dòng Giáo sĩ khác. Thủ tục đã làm, nhưng không biết còn vướng ở mắt xích nào.

Về mặt giáo phận, tôi nghĩ chính Đức Cha và các vị cố vấn đã thấy điều này, vì đây là đứa con mình đã cưu mang 50 năm, hiểu rõ tính tình và những nhu cầu của con mình, chính vì thế mà Đức cha Trần Văn Toản Giám mục giáo phận Long Xuyên, trong bài giảng lễ Thánh gia năm 2019, Ngài đã ngụ ý chuyển dòng Thánh Gia thành dòng Giáo sĩ và năm 2020 khi đưa hình ảnh ông Simêon trong đào tạo có nghĩa là giáo phận đã nhìn thấy, giáo phận đã tiên đoán cần phải chuyển đổi để hoạt động của dòng phát triển hơn, phù hợp hơn với công việc rao giảng tin mừng tại Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Như ông Simêon, tôi tiên đoán Đức cha của chúng ta đã nói là làm, mọi mắt xích sẽ được Ngài mở ra và chắc chắn năm 2021 sẽ hoàn thành. Lời tiên tri của Simêon 33 năm đã ứng nghiệm và cái nhìn đào tạo của Đức Cha sẽ là đẹp nhất tại thời điểm 50 năm mừng lễ vàng dòng hiện diện tại giáo phận Long Xuyên.

Cuối cùng tôi tin rằng Thánh Gia đang gìn giữ hội dòng, nhưng mỗi người hãy cộng tác tích cực, lắng nghe vì mục đích chung thì mọi điều sẽ diễn ra tốt đẹp. Nguyện xin gia đình Thánh Gia yêu thương luôn đồng hành và gìn giữ Hội dòng. Cầu chúc mọi phần tử dòng sống thánh thiện, phục vụ, sống tinh thần gia đình để hội dòng ngày càng phát triển.

Thiên Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét