label

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

CHÚA GIÊSU VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY


CHÚA GIÊSU VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 

Chúng ta đang kỷ niệm và sống lại những ngày thương khó của Chúa Giêsu, vì thế cảnh tượng các nhà thờ trong tuần thánh thật ảm đạm: không hoa, ảnh tượng phủ màu tím, các bài đọc chuẩn bị cho cái chết, sự phản bội và cuộc chia ly của Chúa với các môn đệ. Chiều thứ năm chúng ta cùng theo chân Chúa vào phòng tiệc ly, vườn cây dầu, cũng như diễn biến hành trình Chúa bị bắt, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị đóng đinh và chết trên thập tự. Hãy sống trong Chúa Giêsu để cảm nghiệm cuộc thương khó của Người

Là con người ai cũng phải chết nhưng mọi người đều mong cái chết đến một cách nhẹ nhàng không đau đớn, có lẽ vì thế mà rất ít người biết được giờ chết và chết cách nào để bớt hoang mang, sợ hãi. Chúa là Thiên chúa và là con người, Ngài nhìn thấy thấu suốt về từng chi tiết cái chết của ngài: bị đánh ra sao, gai đâm thế nào, bao nhiêu cực hình, đóng đinh chân tay… sợ đến nỗi mồ hôi và máu chảy ra. Tâm trạng của Chúa khi vào vườn cây dầu cầu nguyện, Ngài bắt đầu cảm thấy buồn sầu xao xuyến thốt lên với ba môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26, 38).

Thầy cần các ông như nguồn an ủi trong cơn khốn khó, Thầy cần những người bạn tâm phúc. Những lúc các ông gặp khó khăn chính Thầy đến để an ủi trợ giúp. Lúc này thầy đang buồn sầu và biết mình sắp chết, Thầy xin các ông ở lại để canh thức với Thầy. Hóa ra trong mọi cơn thách đố của cuộc đời, ai cũng cần người thân để nương tựa, cần trợ lực để vượt qua. Những bệnh nhân và những người sắp lìa cõi đời càng cần người thân bên cạnh. Tiếc là các ông không hiểu Thầy đang phải chịu những gì; do đó mắt các ông trĩu nặng. Chúng ta cũng đang nhắm mắt vì tội lỗi đã làm chúa cô đơn nhưng Chúa vẫn vì ta thông cảm cho ta cũng như các môn đệ.

Thánh Mát-thêu kể tiếp sau lần cầu nguyện thứ nhất, Thầy quay lại chỗ ba môn đệ. Buồn thay, các ông đang ngủ. Thầy lay Phê-rô dậy, Gio-an và Gia-cô-bê cũng tỉnh giấc. Thầy nhắc ba ông: “Thế ra anh em không thể thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26, 40-41).

Nỗi buồn của Chúa Giêsu gia tăng khi các môn đệ thân tín của mình hồn nhiên ngủ. Thật ra sau một ngày ròng rã với Thầy, một Bữa Tiệc Ly dài có thể với ít nhiều rượu, nhiều thông điệp Thầy trao, họ đều mệt mỏi vả buồn ngủ! Thầy thông cảm và tiếp tục đi cầu nguyện một mình với Chúa Cha.

Rồi Lần thứ hai Thầy đi cầu nguyện. Tôi cảm nhận được bước chân Thầy trĩu nặng, chiếc áo thấm đẫm mồ hôi, mặc dù trời lúc này là đêm, sương rơi gió mát. Thầy tuôn mồ hôi mà theo thánh Luca ghi nhận là như những giọt máu rơi xuống đất. Khi trở lại thấy các ông vẫn đang ngon giấc. Mắt các ông không chiến thắng được cơn buồn ngủ dù các ông biết cần phải canh thức với Thầy. Đúng là xác thịt thì yếu đuối khiến các ông khó canh thức với Thầy. Thầy không đánh thức các ông vẫn thông cảm để cho các ông ngủ.

Thầy đi cầu nguyện lần thứ ba vẫn một nội dung như hai lần trước. Những cực hình khủng khiếp Thầy đã nhìn thấy. Thầy sấp mặt xuống cầu nguyện cùng với Cha. “Áb-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc14, 36). Lúc này Chúa Giêsu bị đặt trong mối giằng co giữa sự sống và lòng tuân phục Chúa Cha. Nhưng dẫu sao, là con người, tâm trạng Chúa không tránh khỏi nỗi buồn sầu đau trước giờ lâm tử.

Đúng là một sự dằn vặt vô kể giữa sự sợ hãi và vâng phục để cứu nhân loại trầm luân, Thầy Giêsu đã có câu trả lời minh thị từ Chúa Cha: Thầy phải chết để cứu độ con người! Từ lúc đó, Thầy đón nhận tất cả và theo như mạch văn của thánh Gioan, Thầy chủ động trong cuộc khổ nạn. Thầy đứng dậy, đến chỗ các môn đệ và nói: “Lúc này còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới.” (Mt26, 45-45).

Dù biết các môn đệ yếu đuối, con người chúng ta yếu đuối nhưng cuối cùng Chúa vẫn kêu gọi họ đứng dậy, ta đi nào, đi về đích của vinh quang nhưng sẽ phải trải qua đau thương.  


Bị hành hạ, bị đánh đập, bị làm nhục, bị đóng đinh nhưng chưa một lúc nào trong cuộc hành trình lên đồi Can vê Người không tha thứ. Theo Thánh Luca, cái chết của Chúa Giêsu rửa sạch mọi thứ, tha thứ và chữa lành. Tất cả mọi tội lỗi nặng nề thế nào đi nữa nếu có lòng ăn năn đều được tha thứ hết. Để làm rõ điều này chúng ta theo Chúa lên đồi Can vê

Đầu tiên là vụ bắt Chúa Giêsu ở Vưòn Giếtsêmani, Thánh Luca kể, khi một trong các môn đệ chém người đầy tớ của vị thượng tế làm người này bị đứt tai, Chúa Giêsu sờ vào tai người đầy tớ và chữa lành. Theo Thánh Luca, sự chữa lành của Chúa Giêsu bao gồm mọi hoàn cảnh, thậm chí cả trong hoàn cảnh cay đắng, phản bội và bạo lực. Cuối cùng ân sủng của Chúa sẽ chữa lành cả những tổn thương do hận thù.

          Kế đó, sau khi Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, Chúa Giêsu quay lại nhìn ông Phêrô với ánh nhìn yêu thương, cảm thông làm ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Ánh nhìn đó không phải là dấu hiệu của tuyệt vọng và buộc tội, một ánh nhìn làm Phêrô khóc vì hổ thẹn, đúng hơn đây là cái nhìn thấu hiểu và thông cảm mà Phêrô chưa bào giờ thấy trước đây, làm ông nhẹ nhõm khóc, biết rằng mọi chuyện sẽ ổn và ông được bình tâm.

Một điều đặc biệt Thánh Luca kể về phiên tòa Chúa Giêsu trước Philatô, một vấn đề không có trong các phúc âm khác, biết Chúa Giêsu thuộc thẩm quyền của vua Hêrôđê, Philatô đã gởi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê và hai người này cho đến thời điểm này vẫn là kẻ thù của nhau, nhưng bắt đầu từ “hôm đó hai người thân thiện với nhau.” Như Ray Brown nói về bản văn này “Chúa Giêsu có tác dụng chữa lành ngay cả với những người ngược đãi Ngài.”

Trên Thánh giá Ngài nói những lời mà giờ ai cũng biết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Những lời này được các tín hữu kitô luôn xem là tiêu chuẩn tối hậu trong cách đối xử với kẻ thù, những người đối xử xấu với chúng ta. Chúa thấy và hiểu cả trong các hành động xấu xa nhất của chúng ta: không phải là ý xấu nhưng làm điều gì đó vì sự thiếu hiểu biết, a dua không cưỡng lại được.

Trong bối cảnh này Ngài cũng tha thứ cho người trộm lành. Điều ngài nhấn mạnh ở đây, vượt lên cả những chuyện hiển nhiên, người trộm lành được tha thứ không phải vì nó không có tội, nhưng bất chấp tội của nó như thế nào, nó nhận nhiều vô hạn hơn những gì nó xin. Chỉ một câu “Khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi”; và cuối cùng Chúa Giêsu sẽ không chết khi chưa làm xong việc, phải xóa tội cho người này trước. “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đáng với ta”

Cuối cùng trong lời kể của Thánh Luca, ngược với Thánh Mác-cô và Mathêu, Chúa Giêsu không chết trong từ bỏ nhưng chết trong sự tin tưởng hoàn toàn: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Thánh Luca muốn chúng ta thấy nơi những lời này một tấm gương theo cách mà chúng ta đối diện với chính cái chết của mình, dù chúng ta yếu đuối như thế nào. Leon Bloy có lần đã viết, “điều buồn duy nhất trong cuộc đời, đó là không nên thánh. Vào cuối giờ, khi mỗi người đối diện với chính cái chết của mình, khi đó hối tiếc lớn nhất của chúng ta, là chúng ta đã không thánh thiện”. Hãy tin tưởng Chúa cho dù khi chết chúng ta còn đang trong tình trạng yếu đuối hãy biết rằng chúng ta đang chết trong bàn tay nhân lành của Chúa. Theo thánh Luca: “Cái chết của Chúa Giêsu rửa sạch mọi thứ, mỗi chúng ta và cả thế giới. Chúa chữa lành tất cả, thông hiểu tất cả và tha thứ tất cả – dù chúng ta thiếu hiểu biết, yếu đuối và phản bội”. 

Để dọn tâm hồn cho mỗi người hòa nhập được vào cuộc thương khó của Chúa và lãnh nhận được nhiều hồng ân cũng như sự tha thứ của Chúa. Giáo xứ Cần Xây đã tổ chức mời cha khách về giảng phòng 2 buổi, ngồi tòa trong ngày tĩnh tâm và các buổi sáng lễ đèn. Các nghi thức đã được chuẩn bị tốt nhằm hướng mọi người vào cuộc thật sự với Chúa Giêsu. Chúc mọi người sống thật sự với tam nhật vượt qua và hồng ân phục sinh cũng như hưởng được các ơn toàn xá trong ngày thứ năm, thứ 6, thứ 7 và chủ nhật phục sinh.

Thiên Sinh

 






Hình ảnh thứ 6 tuần thánh









Hình ảnh thứ 5 tuần thánh












Chủ nhật phục sinh















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét