label

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Năm điều cần biết về chức vụ thừa tác vụ giáo dân của giáo lý viên

 

Năm điều cần biết về chức vụ thừa tác vụ giáo dân của giáo lý viên






Một giáo lý viên chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu.

 

Ngày 10 tháng 5, Đức Phanxicô ký tự sắc Thừa tác vụ cổ kính, “Antiquum ministerium”, một mục vụ có từ rất xưa bằng tiếng la-tinh. Sau đây là những điểm cần để hiểu thừa tác vụ mới này, để nhận ra “tầm quan trọng của giáo dân trong công việc truyền bá phúc âm”.

 

1. Nhiệm vụ của giáo lý viên

Đức Phanxicô nhắc trong tự sắc, nhiệm vụ của giáo lý viên là đồng hành trong tất cả các giai đoạn của việc phúc âm hóa, “từ lời lời thông báo đầu tiên để giới thiệu Kerygma (trọng tâm đức tin kitô giáo), chỉ dẫn giúp chúng ta hiểu về đời sống mới trong Chúa Kitô (…) cho đến khi được đào tạo thường xuyên. Việc đào tạo này giúp cho bất cứ ai đã được rửa tội “ghi lại niềm hy vọng trong Ngài.” Người giáo lý viên là “nhân chứng đức tin, người thầy và nhà sư phạm, người đồng hành nhân danh Giáo hội giảng dạy”.

 

Nếu tất cả những người đã rửa tội đều được kêu gọi để thành giáo lý viên, thì bây giờ, theo yêu cầu của giám mục, “người giáo lý viên đầu tiên của giáo phận” thiết lập mục vụ mới này cho giáo dân, theo cách thức của các mục vụ hiện có như chức đọc sách và giúp lễ. Tuy nhiên, ngài cảnh báo chống lại bất kỳ hình thức giáo sĩ hóa nào.

 

2. Ai được gọi là giáo lý viên?

Thừa tác vụ mới này có “giá trị ơn gọi mạnh mẽ” bao gồm các “giáo dân có đức tin sâu đậm” và những người chín chắn “tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng.” Họ phải “có khả năng tiếp đón, quảng đại và có đời sống hiệp thông huynh đệ”. Một giáo lý viên phải đã có “kinh nghiệm dạy giáo lý trước” và phải được “đào tạo về Kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm”.

 

Chúng ta không thể quên rất nhiều giáo dân đã tham gia trực tiếp vào việc truyền bá Phúc Âm bằng cách dạy giáo lý.

Được bổ nhiệm bởi giám mục, các giáo lý viên “phục vụ Giáo hội địa phương” và phải là “cộng tác viên trung thành của các linh mục và phó tế”. Cuối cùng, Đức Phanxicô nhấn mạnh họ phải có “lòng nhiệt thành tông đồ thực sự”.

 

3. Thừa tác vụ này đến từ đâu?

Thừa tác vụ giáo lý không phải là một sáng kiến mới của Đức Phanxicô. Ngay từ những hàng đầu, Tự sắc đã viết: “Chức vụ giáo lý viên trong Giáo hội đã có từ rất lâu. Các nhà thần học đã thấy những ví dụ đầu tiên trong Tân Ước”. Đức Phanxicô trích dẫn một số ví dụ, trong đó có thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, đề cập đến “những người có trách nhiệm giảng dạy”.

 

Ngài cho thấy, sứ mệnh giáo lý viên này đã được các giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ thực hiện một cách hiệu quả trong hai ngàn năm nay, ngài giải thích: “Chúng ta không thể quên rất nhiều giáo dân đã tham gia trực tiếp vào việc truyền bá phúc âm qua việc dạy giáo lý.”

 

Ngài cũng nhắc lại, năm 1972 Đức Phaolô VI đã mời các hội đồng giám mục thúc đẩy “mục vụ giáo lý viên” trong số các mục vụ khác. Như thế, Đức Phanxicô đặt quyết định của mình vào Truyền thống vĩ đại của Giáo hội.

 

4. Tại sao bây giờ thành lập thừa tác vụ này?

Đức Phanxicô khẳng định: “Việc tông đồ giáo dân có một giá trị thế tục không thể chối cãi”. Một giá trị mà tầm quan trọng của Giáo hội đã được nhắc lại tại Công đồng Vaticanô II, trong đó giáo dân cam kết loan báo Tin Mừng. Dựa trên sắc lệnh Đến với muôn dân, Ad Gentes ban hành năm 1965, Đức Phanxicô nhấn mạnh chức năng của giáo lý viên “có tầm quan trọng lớn lao” trong nghĩa, có rất nhiều cách truyền bá Tin Mừng, trong khi chỉ có “một số nhỏ giáo sĩ”. Trong thế giới toàn cầu hóa “đòi hỏi một cuộc gặp gỡ đích thực với các thế hệ trẻ”, sự cộng tác của giáo dân trong việc dạy giáo lý đã trở nên không thể thiếu.

 

Cuối cùng, ngài nhấn mạnh, ngay cả ngày nay, Thần Khí cũng kêu gọi giáo dân nam nữ lên đường đến với những người chờ để biết cái đẹp, sự tốt lành và chân lý của đức tin kitô giáo. Tự sắc này cũng phải giúp khơi dậy lòng nhiệt thành cá nhân của tất cả những người đã được rửa tội, và làm sống lại ý thức trong việc kêu gọi để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cộng đồng”.

 

5. Cụ thể điều gì sẽ xảy ra?

Qua tự sắc này, Đức Phanxicô đưa ra thủ tục phải tuân theo để được áp dụng một cách cụ thể. Trước tiên, ngài yêu cầu Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đảm bảo, “càng sớm càng tốt” công bố “nghi thức tổ chức thừa tác vụ giáo dân giáo lý viên”

 

Ngài cũng xin các hội đồng giám mục làm cho mục vụ này trở nên “hiệu quả”, bằng cách thiết lập một quy trình đào tạo cần thiết và các tiêu chuẩn để đạt được mục đích này. Cuối cùng, văn bản cho biết, các thượng hội đồng Giáo hội Đông phương và các Hội đồng Giáo phẩm sẽ có thể nhận tự sắc này trên cơ sở quyền cụ thể của họ.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét