THEO
DẤU CHÂN MỤC TỬ
(nhân chủ nhật Chúa Chiên Lành cầu cho ơn thiên triệu)
Có nhiều linh mục khi đổi xứ khác ngại trở về xứ cũ hoặc trở về cảm thấy cô đơn, ngượng ngùng vì nhìn thấy những ánh mắt xa xăm, không ai lại quất quít, chào hỏi. Tại sao thế? Có thể có nhiều lý do: Chưa hết mình vì đoàn chiên; sống cá nhân chủ nghĩa, nhưng ngại nhất là có phốt gì đó trong lúc đương nhiệm…Đặc biệt cuộc sống hôm nay với nhiều cạm bẫy, thăng trầm, chiên lạc bầy khá nhiều, quan niệm sống đạo khác xưa, đòi hỏi người mục tử phải hết sức sáng suốt, khôn ngoan trong giao tiếp và cách hành xử. Cuộc sống phải là tấm gương hiến dâng và cho đi “giữa bùn nhưng không bị hoen ố vì bùn”.
Chắc hẳn có rất nhiều linh mục còn sống hoặc đã ra đi, đã là những tấm gương phục vụ tuyệt vời cho đoàn chiên Chúa. Nhưng đâu đó vẫn còn những linh mục chưa thật xả thân và còn tìm vị đắng trần gian.
Trong phạm vi bài này tôi chỉ nói khía cạnh trở về nơi mình đã phục vụ. Chắc hẳn không phải là mục tiêu để đánh giá hoàn toàn mọi phẩm giá của linh mục, nhưng dù sao cũng là một khía cạnh phục vụ tích cực, lo cho đoàn chiên nơi mình hiện diện, để rồi khi mình ra đi để lại một tiếc nuối và khi trở về thăm lại chốn xưa có cả một cộng đoàn yêu thương, đón chào, thăm hỏi chứ không phải chỉ vài cá nhân.
Theo chân tình cờ với hai vị tôi sắp nói đây hiện đang sống và hoạt động bình thường với một cái tâm vì đoàn chiên. Một linh mục lớn tuổi và một linh mục trẻ tuổi, đại diện cho hai thế hệ sống mà tôi được trực tiếp tháp tùng khi các Ngài trở về xứ cũ.
Linh mục Phaolô Trần Văn Khoa khi thầy được bổ nhiệm về họ đạo Núi Tượng một nơi còn hoang sơ, nhà thờ op ẹp, giáo dân đủ thành phần, nghèo đói, đất nước đầy biến động, niềm hy vọng chịu chức linh mục mơ hồ. Theo lược sử giáo xứ Núi Tượng viết: “Năm 1975, Thầy Phaolô Trần Văn Khoa về giúp Xứ Núi Tượng. Đến năm 1990, thầy được chịu chức Linh mục, làm phó Xứ Núi Tượng. Ngày 10/09/1992, Cha sở Phêrô Mai Linh Ngùy qua đời, và cha Phaolô Trần Văn Khoa làm Cha sở Họ đạo. Năm 1994, khởi công xây dựng lại nhà xứ và nhà thờ. Ngày 30/05/1995, ngôi Thánh đường được Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần về khánh thành một cách trọng thể”.Trong gian khó cha đã biến nơi đây thành khang trang và trù phú. Có nhiều gia đình từ nghèo khó buôn thúng bán bưng nhờ cha giúp đỡ và tư vấn đã trở thành những doanh nghiệp nhỏ. Con em của nhiều gia đình được cha giúp đỡ cho ăn học đã thành tài… Dù xa giáo xứ Núi Tượng 14 năm (2008-2022) nhưng khi cha trở về mọi người như mừng vui, thân thương đón chào, kể cho nhau nghe, cha đã làm cái này cho con, cho gia đình này, gia đình kia. Em này giờ đã làm bác sĩ, ca sĩ có danh nhờ cha khuyên và đông viên. Thân thương hơn, người gói cho con gà, người cho trái cây.v.v.Ai cũng mời cha ghé thăm nhà, thật vui biết bao
Với cha Phêrô Nguyễn Trung Khiết cho dù tuổi đời linh mục chỉ mới năm năm và phó xứ Rạch Giá chẳng bao lâu nhưng đã để lại nơi đây nhiều quyến luyến. Ngày cha về làm phó xứ Cần Xây chỉ nhìn vào sự bịn rịn và số người đưa cha cũng biết thành quả của cha thế nào, đặc biệt là lời nói gửi gắm và quyến luyến của một ông chủ trẻ bán đồng hồ tại giáo xứ Rạch Giá “nhờ cha mà gia đình con được như hôm nay…”. Bên cạnh những kết quả đó nhiều người còn rất khen cha như: năng động, nhiệt tình với công tác bác ái và giới trẻ. Có dịp đi với Ngài trở về Rạch giá tôi còn ngạc nhiên hơn về tình cảm mọi người dành cho Ngài. Rất nhiều người xúm sít lại bên ngài tay bắt mặt mừng như chờ đón một người đi xa mới về. Ai cũng sẵn sàng giúp cha kể cả các doanh nghiệp khi cha cần.
Do đâu mà các cha có được như vậy? bởi vì các cha dám dấn thân, những việc các cha làm cho giáo dân hiệu quả. Các cha quan tâm đến từng gia đình, từng hoàn cảnh, từng điều kiện sống không phân biệt để có thể giúp đỡ bằng tinh thần hoặc vật chất. Xem họ như những đứa con trong gia đình để chăm sóc họ. Cầu xin Chúa cho Giáo Hội có nhiều mục tử tốt lành vì đàn chiên, sống với chiên và sẵn sàng đi tìm các chiên lạc.
Thiên Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét