label

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

ĐTC kêu gọi ngừng phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ucraina

 

ĐTC kêu gọi ngừng phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ucraina



Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 1/6/2022, Đức Thánh Cha đã kêu gọi đưa ra một giải pháp về việc phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ucraina, lên án việc sử dụng một loại lương thực quan trọng “như một vũ khí chiến tranh”.

Hồng Thủy - Vatican News

Đức Thánh Cha nói: “Việc phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ucraina, thứ mà cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là các nước nghèo nhất, đang phụ thuộc vào đó, đang rất được quan tâm. Tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành rằng hãy cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này và đảm bảo quyền được nuôi dưỡng của con người trên toàn cầu. Xin đừng sử dụng lúa mì, một loại lương thực chính, làm vũ khí chiến tranh!”

Nguy cơ đói kém từ việc phong toả xuất khẩu ngũ cốc

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ucraina, việc Nga phong tỏa các cảng trên Biển Đen của Ucraina đã ngăn nước này xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc.

Việc thiếu hụt hàng xuất khẩu từ Ucraina, quốc gia được biết đến trước cuộc chiến Nga-Ucraina với tên “rổ bánh mì của châu Âu” đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nga tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, trong khi nhiều chính phủ phương Tây chỉ ra rằng Nga phong tỏa các cảng biển của Ucraina.

Ông David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, đã nói rằng việc đóng các cảng của Ucraina “sẽ dẫn đến nạn đói và bất ổn và di cư hàng loạt trên khắp thế giới.” Ông nhận xét: “Điều hoàn toàn cần thiết là chúng ta cho phép các cảng này mở cửa bởi vì đây không chỉ là về Ucraina, đây là về những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên toàn thế giới, những người đang trên bờ vực của nạn đói như chúng ta nói.”

Việc Nga và Ucraina, là hai quốc gia trong số 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, giảm nguồn cung lúa mì đã đẩy giá lên mức chưa từng có trên các thị trường hàng hóa ở châu Âu và Hoa Kỳ. Sự gia tăng giá lúa mì đã được ghi nhận ở Syria và ở các quốc gia khác, nơi bánh mì đã trở thành một mặt hàng mà dân cư nghèo nhất không thể mua được. Đồng thời, một số quốc gia có trữ lượng ngũ cốc đang thực hiện các biện pháp bảo vệ. Một ví dụ là Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai trên hành tinh, để tránh tình trạng thiếu hụt nội bộ hoặc tăng giá, đã quyết định cấm xuất khẩu lúa mì. Do đó, việc ngăn chặn chiến tranh ở Ucraina và tìm ra các giải pháp bền vững lâu dài để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là một nhu cầu ngày càng cấp thiết. (CNA 01/06/2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét