label

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Những yếu tố góp phần làm nên sự thành công của bài giảng lễ

 

Những yếu tố góp phần làm nên sự thành công của bài giảng lễ

  •  
  •  


NHỮNG YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM NÊN
SỰ THÀNH CÔNG CỦA BÀI GIẢNG LỄ

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (02.4.2023) - Ngày 21-3-2023 vừa qua, trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) có đăng bài “Giảng lễ thế nào cho hay?” của Linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc SJ[1]. Tác giả viết:

“Là linh mục, tôi thường đặt câu này cho chính mình. Mục đích không phải để mình nổi tiếng với những bài giảng hay. Hơn hết, mục đích của các bài giảng là giúp giáo dân hiểu thêm về Lời Chúa. Khi học về cách giảng, tôi được tiếp cần một tài liệu rất tốt của Giáo hội: Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium. Trong đó, những lời khuyên không chỉ dành cho người giảng, nhưng cũng dành cho mỗi người tham dự, cho người lắng nghe Lời Chúa.”

Tiếp theo, Linh mục Phạm Đình Ngọc đã dựa theo Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) (TH.NVTM) của Đức Thánh Cha Phanxicô để đưa ra ba điểm chính nhấn mạnh đến một bài giảng hay. Đó là: Bài giảng phải đạt mục đích của rao giảng Lời Chúa, bài giảng điều tiết sao cho thời lượng vừa đủ, bài giảng phải đạt được hiệu quả diễn tả và truyền đạt tình yêu của Lời Chúa là những lời yêu thương đến cho mọi người. 

Trước đây ngày 28-1-2023, cũng trên trang của HĐGMVN, có đăng bài của dịch giả Tý Linh chuyển ngữ từ bài viết của tác giả Gilles Donada trên nhật báo La Croix, tựa là “Ba bí quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô để làm cho bài giảng thành công”, với đoạn mở đầu như sau:

“Đức Phanxicô thường xuyên nổi giận với những bài giảng tồi, vốn làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của các linh mục và giáo dân. Đức Thánh Cha đã nhắc nhở là bài giảng nằm ở “trung tâm của Thánh lễ”, và đồng thời ngài cũng đưa ra ba lời khuyên dưới dạng các điểm cần lưu ý: - Đừng ngần ngại dành thời gian cho bài giảng; - Kết nối tốt với công chúng của mình; - Nói ngắn gọn và đơn giản”.[2]

Chúng ta biết rằng, Đức Thánh Cha Phanxicô là người rất quan tâm đến việc giảng lễ của linh mục. Riêng trong TH.NVTM ngài đã dành 3 chương có tựa “Loan báo Tin Mừng” gồm các đoạn từ 135 đến 159 để đề cập đến việc giảng lễ của mục tử. Ngài từng nhấn mạnh:

Tôi rất khuyến khích việc chuẩn bị bài giảng và chăm lo việc giảng thuyết”. Bởi vì theo ngài, “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. …Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên” (TH.NVTM số 135).

Có thể nói đại đa số giáo dân khi đến tham dự Thánh lễ đều chú ý đến bài giảng của linh mục. Một Thánh lễ mà không có bài giảng thì như một bữa ăn thịnh soạn nhưng còn thiếu một món gì đó đặc biệt! Và như những thực khách “sành điệu”, người giáo dân ngày nay luôn kỳ vọng các vị linh mục, các nhà giảng thuyết sẽ cung cấp cho họ những món ngon, mới, lạ, thích hợp... Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kỳ nhà giảng thuyết nào cũng ban tặng cho cộng đoàn những món ăn ngon mà họ luôn mong đợi. Thỉnh thoảng chúng ta có dịp nghe người này người kia nhận xét, chẳng hạn: “Cha giảng dài quá, nghe mệt và chẳng hiểu cha muốn nói gì...”, hoặc “Bài giảng rườm rà mà cha thì nói nhỏ, nhanh, khó nghe lại khó hiểu, chẳng nhớ được gì...”, hoặc “Cha giảng như đọc, nghe buồn ngủ quá, chẳng sinh động gì cả, chán!” vv...

Đây là một thực tế rõ ràng, cụ thể. Và còn hơn thế nữa, như một vị giám mục đã chia sẻ:

“...Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ. Bài giảng không dọn nói mãi không kết được khiến cha giống như máy bay không tìm được phi trường. Người nói thường không cảm thấy dài nhưng đối với người nghe là cả một sự chịu đựng. Nhất là nếu chúng ta không có lợi khẩu, chúng ta làm khổ giáo dân, biến họ thành nạn nhân hơn là nâng tâm hồn họ lên. Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị triệt hạ những người đối lập. Không làm được thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ để bêu riếu bôi bác”.[3]

Quả vậy, nếu giáo dân không hài lòng về bài giảng của linh mục, thì đó không phải là họ không muốn nghe giảng trong Thánh lễ, mà vì họ cảm thấy việc giảng ấy không đem lại hứng thú và lợi ích gì. Cảm giác không hứng thú sẽ dẫn đến việc buồn ngủ, lơ là, lo ra... và nhất là cảm giác bị tra tấn bởi phải nghe một diễn giả nói dài, nói dai và... nói dở! Tội nghiệp cho cử tọa khi phải rơi vào tình huống “khó chịu” như thế. Thực ra, giáo dân không đòi hỏi quá đáng đâu, vì “nếu mỗi linh mục đều ý thức giảng thuyết là một phần trong nghề nghiệp của mình, thì tất yếu chúng ta sẽ chẳng có những bài giảng thiếu chuẩn bị, nghèo nàn”.[4]

Trước khi bàn về những yếu tố khả dĩ giúp cho bài giảng thành công, sau đây chúng ta thử đề cập về ý nghĩa và mục đích chính yếu của việc giảng lễ là gì.

I- Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC GIẢNG LỄ

1. Ý nghĩa việc giảng lễ

Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ trong bài viết “Bài giảng trong Thánh lễ: Khía cạnh pháp lý và mục vụ” trên trang web Gp Qui Nhơn ngày Chúa nhật  05-11-2017 đã nêu ra ý nghĩa và tầm quan trọng của giảng lễ, nguyên văn như sau:[5]

Ý nghĩa từ ngữ Giảng lễ (Homilia): Trong những hình thức giảng Lời Chúa, giáo luật đặc biệt lưu ý giảng lễ (điều 767) và giảng tĩnh tâm hoặc tuần đại phúc (điều 770). Giảng lễ là một hình thức giảng thuyết nhưng không phải bất cứ sự giảng thuyết nào cũng là giảng lễ. Homilia theo nguyên ngữ Hy lạp để chỉ một sự đàm thoại, cuộc nói chuyện thân mật. Trước đây, homilia còn để chỉ lời cầu nguyện hoặc bài giảng của Giám mục.

Trong một số văn kiện của Giáo Hội, homilia được dùng để chỉ bài giảng trong khung cảnh cử hành phụng vụ nói chung mà đặc biệt để chỉ bài giảng trong thánh lễ, là một phần không tách rời của thánh lễ và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu. Ở đây theo mạch văn của điều 767 và nhiều văn kiện khác, chúng ta chỉ giới hạn xét homilia là bài giảng sau khi công bố Tin Mừng trong khung cảnh Thánh lễ và có thể gọi tắt là giảng lễ.

Giảng lễ là gì? Dường như không có một định nghĩa ngắn gọn nào nhưng có những cách diễn tả về giảng lễ. Chẳng hạn theo Hiến chế về Phụng vụ Thánh, “bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng vụ”. Theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani), “bài giảng lễ (homilia) là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường Lễ hay phần Riêng của Thánh Lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả”.

Như vậy, bài giảng lễ phải “phản chiếu ý nghĩa của các bài đọc và các lời nguyện của việc cử hành phụng vụ dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua; bài giảng lễ dẫn đưa cộng đoàn đến việc cử hành bí tích Thánh Thể nơi đó mọi người hiệp thông với nhau trong chính mầu nhiệm Vượt Qua.

Riêng Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Khảm, giáo phận Mỹ Tho trong cuốn “Giảng thuyết - Hồng ân và Trách nhiệm” đã viết như sau: “Không dễ để có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về homilia. Tuy nhiên, dựa vào những gì đã khai triển, có thể đề nghị một định nghĩa tạm thời nhằm hướng dẫn như sau: Homilia là bài giảng gắn liền với Phụng Vụ nhằm công bố mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Homilia gọi mời và giúp người nghe đến với đức tin, tham dự cách sâu xa hơn vào cử hành Thánh Thể, và sống đời môn đệ Chúa Ki-tô cách mạnh mẽ hơn trong Giáo hội”.[6]

2. Mục đích việc giảng lễ

Linh mục Phạm Đình Ngọc, trong bài “Giảng lễ thế nào cho hay?” đã dẫn trên, đã nêu lên mục đích của rao giảng Lời Chúa như sau:

“Cần nhớ rằng: Việc rao giảng lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong cuộc tụ họp Thánh Thể, không phải là thời gian suy niệm hay huấn giáo cho bằng một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các hành vi cứu độ vĩ đại được công bố và các đòi hỏi của giao ước được liên tục nhắc lại. (TH.NVTM số 137) Vì mục đích này, Giáo hội khuyên các linh mục cần giảng lời như lời của người mẹ nói chuyện với con (TH.NVTM số 139-148). Nói sao cho con dễ hiểu, thích nghe và dễ thực hành là điều đáng chú tâm.

“Để đạt được mục đích trên, các linh mục cần chú tâm đến những lời nói giúp trái tim bừng cháy. Người tham dự cũng cần chú ý đến mục đích này, để lòng mình được sáng lên: Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô. (Rm 10,17). Như vậy, những lời của linh mục như là lời trung gian của Thiên Chúa nói với dân. Linh mục nào càng gần Thiên Chúa, càng lắng nghe Lời Chúa, người ấy càng có khả năng nói cho dân hiểu. Như lời Giáo hội nhắn nhủ các phó tế và linh mục: Trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ.” (TH.NVTM số 149)

Trên thực tế chúng ta thấy rằng, nhiều vị giảng lễ đã làm “hỏng” bài giảng của mình vì đã đi chệch mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ giảng lễ. Các ngài đã say sưa với ý và lời riêng của mình mà quên rao truyền Lời Chúa. Các ngài chăm chú vào việc “độc thoại” mà quên hẳn việc kết nối với Dân Chúa, khiến cho họ cảm thấy lạc lõng và bơ vơ mặc dù họ ngồi đó chăm chú nghe giảng. Các ngài thích sa đà vào việc “thuyết giáo” hơn là giảng lễ khiến cho cộng đoàn Phụng Vụ mất đi bầu khí thánh thiêng của bàn tiệc Lời Chúa…

Trong bài “Linh mục hãy thôi lạm dụng bài giảng” nhắc lại nội dung bài giảng của Đức Tổng Giám mục Socrates b. Villegas, OP, ngài thuộc Huynh đoàn Giáo sĩ Đa Minh, Tỉnh dòng Đa Minh Philippines, ngày 12-6-2015, có đoạn viết sau:

“Chúng ta đã từng chứng kiến cách linh mục lạm dụng, từ việc lạm dụng rượu bia, tình dục, trẻ em, cờ bạc, tiền của, lạm dụng đi du lịch và các kỳ nghỉ. Hôm nay, tôi mời mọi người cùng suy ngẫm về một sự lạm dụng rất phổ biến khác vốn đang lan tràn trong hàng ngũ linh mục, đó là lạm dụng bài giảng. Vâng, đó là lạm dụng lòng tốt của dân Chúa, buộc họ phải nghe những bài giảng dài dòng, loanh quanh, miên man, nhàm chán, không đầu không đuôi. Sự thiếu chuẩn bị dẫn đến lầm bầm, hoặc nói bông đùa nhưng với dụng ý rõ ràng. Những điều đó khiến dân Chúa nói rằng bài giảng của chúng ta là những đòn tra tấn mà họ cực chẳng đã phải chịu mỗi khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật.

Hãy thận trọng trong mọi bài giảng. Thiên Chúa sẽ phán xét mọi lời các linh mục thốt ra. Hãy tin những gì mình đọc. Hãy dạy những gì mình tin. Và thực hành những gì mình dạy.

Hãy cẩn thận với mọi bài giảng. Giáo dân muốn nghe Lời Chúa chứ không phải lời của linh mục; chỉ có Lời Chúa mà thôi, luôn luôn là như vậy.

Hãy ý tứ với bài giảng của mình. Hãy thương hại dân Chúa. Đừng lạm dụng bài giảng nữa. Hãy để bài giảng của mình truyền cảm hứng và nung nóng trái tim người tín hữu.”[7]

II- CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN THÀNH CÔNG CỦA BÀI GIẢNG

Khi bàn về sự thành công của việc giảng lễ, chúng ta không bàn đến khái niệm “hay” (Giảng thế nào cho hay!?) của bài giảng cho bằng muốn nhắm đến cái hiệu quả của việc rao giảng mà vị giảng lễ đã đem đến cho cộng đoàn. Bởi vì xét cho cùng, nếu bài giảng không thành công, đó không phải là lỗi do người nghe cho bằng do sự thiếu sót của người nói. Đối với người tín hữu, thông qua bài giảng, họ được đưa vào cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Linh mục vừa là người hướng dẫn cuộc gặp gỡ, vừa là người khai mở cuộc đối thoại thân mật, vừa là trung gian truyền đạt Lời Chúa một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy có nhiều người đã được biến đổi cách kỳ lạ sau một hai bài giảng của linh mục. 

Thực vậy, với đức tin và lòng mến của mình, người tín hữu theo dõi, lắng nghe vị linh mục giảng như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc. Có thể khẳng định như sau, “Công việc của linh mục quan trọng nhất trong mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã trao cho con người như là phương thế  để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.[8]

Sau đây, với suy nghĩ và cảm nghiệm của một tín hữu giáo dân trong cộng đoàn Dân Chúa, tôi xin tạm liệt kê một số yếu tố thực tế có liên quan đến sự thành công của một bài giảng.

1. Yếu tố liên quan thời lượng bài giảng

Chúng ta biết rằng yếu tố thời lượng của bài giảng tuy không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảng lễ, nhưng lại có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của bài giảng. Bàn về vấn đề giảng ngắn hay dài, Linh mục Phạm Đình Ngọc trong bài đã dẫn có viết:

“Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi ý về dung lượng thời gian cho một bài giảng giải Tin Mừng Chúa Nhật là 8 phút. Điều này được một linh mục tiến sĩ Fábry Kornél người Hungary, chuyên về phụng vụ, giải thích dí dỏm như sau: Trong một bài giảng, 7 phút đầu là những lời của Thiên Chúa, 2 phút sau là những lời của người giảng, những phút còn lại là những lời của ma quỷ!!!... Hẳn nhiên đó là những lời nói vui, nhưng có thể giúp mỗi người giảng như chúng tôi là các linh mục cần “bác ái” với người nghe. Trong Kinh Thánh chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên về cách chuẩn bị một bài giảng thế nào để có thể đến được với dân một cách hiệu quả nhất: Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32,8). Nghĩa là một bài giảng tốt phải có một ý tưởng, một tình cảm, một hình ảnh.”[9]

Có thể khẳng định là đa số giáo dân rất sợ bài giảng dài, nhất là đó lại là “bài giảng 3D” (dài – dai – dở!). Khi phải nghe “bài giảng 3 D” thì ai cũng ngao ngán, buồn ngủ, chỉ muốn vị giảng lễ kết thúc càng sớm càng tốt. Thực ra, bài giảng dài ngắn cũng tùy đối tượng nghe và tùy hoàn cảnh, nhưng theo các nhà chuyên môn về giảng lễ thì nên giới hạn từ 8 đến 10 phút, hay dài lắm thì cũng chỉ 12 phút mà thôi.

Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong TH.NVTM đã dạy như sau:

Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành. Nó là một thể loại đặc trưng, vì việc giảng dạy được đặt trong khung cảnh một cuộc cử hành phụng vụ; thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình. Một giảng viên có thể thu hút sự chú ý của người nghe trong suốt một giờ đồng hồ, nhưng lúc ấy các lời giảng của họ trở thành quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ: sự cân bằng và nhịp độ” (số 137).

2. Yếu tố liên quan việc dàn dựng bố cục bài giảng

Tại sao chúng ta lại đề cập đến yếu tố này? Vì rằng một bài giảng chứa đựng các ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu được sắp xếp trong một bài nói có bố cục chặt chẽ, mạch lạc và lối hành văn đơn giản sẽ thu hút người nghe nhiều hơn là một bài giảng ý tưởng cầu kỳ, bố cục phức tạp và lối hành văn rối rắm. Thực tế có nhiều vị giảng lễ khi vừa bước lên giảng đài đã bắt đầu thao thao bất tuyệt nhưng cử tọa thì không biết ngài bắt đầu nhập đề từ chỗ nào, chỗ nào thì diễn giải vấn đề, chỗ nào mở, chỗ nào đóng vv… tất cả là rối mù và mọi người chỉ còn biết chăm chú lắng nghe nhưng thực tế là chẳng hiểu ngài muốn nói gì!

Trong bài “Ba bí quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô để làm cho bài giảng thành công” đã dẫn trên, tác giả Gilles Donada có nhắc lại việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các tân linh mục mà ngài vừa phong chức: “Các con hãy nói cách đơn giản, hãy nói với các tâm hồn.” Ngài nói thêm, có nguy cơ nói đi nói lại mãi: hãy nói cách ngắn gọnkhông hơn mười phút. Đức Thánh Cha tóm tắt các thành phần của một bài giảng hay trong ba từ khóa: Một ý tưởng, một hình ảnh và một cảm xúcvà ngài nêu rõ:

Hãy để mọi người ra về với một ý tưởng, một hình ảnh và một điều gì đó lay động trong tâm hồn họ. Việc loan báo Tin Mừng thật đơn giản! Và Chúa Giêsu đã rao giảng như thế, Ngài lấy chim trời, Ngài lấy đồng ruộng, Ngài lấy (…) những điều cụ thể, nhưng mọi người hiểu được.

Đức Giám mục GB Bùi Tuần, giáo phận Long Xuyên là người rất quan tâm nhiều tới việc giảng lễ đã có dịp chia sẻ kinh nghiệm vắn tắt như sau:

Một bài giảng được dàn dựng cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người sẽ làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu bởi vì thính giả thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học.”[10]

Một bài giảng được soạn thảo một cách cẩn thận sẽ không bỏ qua việc dàn dựng thiết kế bố cục sao cho ăn khớp với chủ đề và thời lượng cần có. Cử tọa sẽ được dẫn dắt từng bước vào lộ trình của bài giảng thông qua lời dẫn nhập, rối đến phần triển khai đề tài, sau cùng là kết thúc bằng việc nhắc lại ý chính, chủ điểm của bài giảng. Trên thực tế có nhiều vị giảng lễ, vì không đầu tư nhiều cho bài giảng nên bắt đầu giảng là bắt đầu đi lòng vòng, kể hết chuyện này đến chuyện kia, trong khi cử tọa kiên nhẫn chờ đợi xem ngài sẽ nói gì, vấn đề gì là trọng tâm, điều gì là quan trọng trong thông điệp của bài giảng. Cuối cùng, vị giảng này đã đi trật đường rầy lúc nào không biết, vì một bài giảng không mở, không dẫn, không triển khai và không kết thúc. 

Quả thực, khi nghe giảng, giáo dân mong đợi một bài giảng có chủ đích, có chủ điểm. Họ muốn diễn giả luôn xoáy vào trọng tâm vấn đề để họ có thể nắm bắt được ý hướng Phụng vụ của Thánh lễ đang tham dự. Nếu khi soạn bài giảng, linh mục biết mình sẽ nói gì, nói như thế nào, thì giáo dân khi nghe giảng cũng muốn rằng họ đang được nuôi dưỡng bằng lương thực nào, chất lượng ra sao. Nhiều diễn giả thích nói lời mình hơn Lời Chúa, trong khi giáo dân rất đói khát Lời Chúa!

Linh Mục Christopher Chatteris S.J, khi đề cập đến việc giảng thuyết, đã dựa trên kinh nghiệm và các tác phẩm của Đức Giám mục Kenneth Untener, nguyên giám mục giáo phận Saginaw, Michigan (Hoa Kỳ) cho biết là trong tác phẩm “Giảng tốt hơn”, Đức Giám mục Untener đưa ra vài gợi ý được lấy ra từ những buổi phỏng vấn một số tín hữu trong giáo phận. Ngài viết rằng, người Mỹ chú trọng đến hiệu quả công việc, nên thường không thích những bài giảng nặng nề, dài dòng. Đừng nhập đề vòng vo, đặc biệt khi nó chẳng liên quan gì đến sứ điệp chính mà ta muốn trình bày. Ngài khuyên, “Đi ngay vào vấn đềĐiều này cũng hợp lý thuận tình thôi, vì bài giảng cần phải lấy từ Thánh Kinh. Người nghe thường dị ứng, khó chịu nếu bài giảng bắt đầu với một câu chuyện chẳng ăn nhập gì, hoặc với một truyện cười không thích hợp, hay mở đầu bài giảng bằng một thông báo…

Bên cạnh đó, cũng theo Đức Giám mục Untener, để bài giảng được ngắn gọn, ngài khuyên chỉ nên khai triển một ý chủ đạo hay một điểm son nào đó – một viên ngọc quý – sự sống của bài. Thay vì theo đuổi nhiều ý tưởng phụ thuộc. Thật là vô lý nếu biết rằng càng nói nhiều người ta càng không nghe mà lại cứ nói thêm. Điều quan trọng là trình bày một điểm chính thật kỹ càng, một điểm thôi nhưng có chiều sâu. Giảng thuyết là công việc lao động thực sự - một lao động của tình yêu, của học hỏi, của cầu nguyện, của thảo luận, và của suy tư.

Thiết nghĩ một bài giảng được dàn dựng một cách khoa học, được thiết kế với cấu trúc rõ ràng, thì sẽ tránh được sự nhàm chán, thất vọng nơi người nghe. Vì quả thực, giáo dân muốn linh mục khi giảng nên đi thẳng vào trọng tâm bài giảng và chỉ nói những gì cần phải nói mà thôi. Lạc đề là điều mà cử tọa dễ nhận ra. Nguyên tắc mong đợi, đó là “Diễn giả phải làm chủ đề tài của mình” (Albert J. Beveridge).

3. Yếu tố liên quan giọng nói người giảng và âm thanh trên giảng đài

Một yếu tố có tính chất “kỹ thuật” xem ra cũng khá quan trọng góp phần đem lại sự thành công của bài giảng, đó là giọng nói của người giảng và chất lượng của hệ thống âm thanh trên giảng đài. Nhiều vị giảng lễ không quan tâm đến giọng nói của mình khiến cử tọa rất khó nắm bắt được những gì ngài nói hay diễn đạt. Giọng tối, ù ù, phát âm không rõ, không chuẩn, lại thiếu “tròn vành, rõ chữ” nữa… cộng thêm cái âm thanh oang oang nhiều “écho” khiến cho người nghe mặc dù kiên nhẫn lắm cũng phải lắc đầu và cảm giác khó chịu.

Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, trong cuốn Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm, khi bàn về ngôn ngữ diễn cảm trong giảng lễ đã có nhận xét như sau:

“Tiếng nói không chỉ là phương tiện truyền tải ý nghĩa của ngôn từ, mà còn truyền thông cả tâm tư tình cảm của người nói đến với người nghe. Diễn giả thành công là người không chỉ truyền thông những ý tưởng mà còn có khả năng khơi dậy nơi người nghe những cảm xúc mà mình đang có, được gói ghém trong ngôn từ cũng như cung cách diễn giảng. Vì thế, người giảng cũng phải quan tâm đến những khám phá của ngành truyền thông về giọng nói, để có thể diễn đạt cách hiệu quả nội dung Lời Thiên Chúa.[11]

Tác giả linh mục Thomas V. Liske S.T.D, giáo sư Hùng Biện trong cuốn “Thành công trên tòa giảng” khi đề cập vấn nạn ở chương tám Thính giả muốn gì?, đã viết như sau:

“Qui tắc hướng dẫn tốt nhất để biết xem giọng giảng có hiệu quả không là: Đáp ứng được những đòi hỏi của thính giả. Mà các đòi hỏi của họ rất dứt khoát. Họ muốn giọng nói của diễn giả phải: Dễ nghe, Rõ ràng, Êm tai và Đúng nhịp. Diễn giả phải đáp ứng đủ bốn đòi hỏi này của thính giả. Đòi hỏi của họ xem ra rất hiển nhiên và xác đáng. Ấy vậy mà nhiều diễn giả cứ coi như không. Một số linh mục giảng thuyết không hề biết đến bốn đòi hỏi này. Nếu hỏi thử giáo dân về bài giảng của mình và phản ứng của họ, linh mục hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy nhiều người không nghe rõ lời mình giảng vì mình nói quá lẹ hoặc quá chậm, quá gằn giọng hay tệ hơn nữa, có vẻ như mình gay gắt với họ.”[12]

Cũng liên quan giọng nói của diễn giả, các nhà chuyên môn về diễn thuyết/ diễn giảng đều cho rằng, một trong những điểm đáng phê phán nhất ở những người diễn thuyết đó là giọng nói quá đều đều đơn điệu. Người nghe sẽ cảm thấy người diễn thuyết này thật buồn chán và tẻ nhạt. Đa số người nghe đều thừa nhận rằng họ chẳng lĩnh hội được gì mấy và đánh mất sự chú ý rất nhanh khi phải nghe những người diễn thuyết/ diễn giảng không chịu học cách điều chỉnh giọng nói của mình…

Thực vậy, cuộc đối thoại được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Ngài có thể được sánh với “môi trường hiền mẫu và Giáo hội” mà “ngôn ngữ là một cung giọng truyền đạt lòng can đảm, khí thế, sức mạnh và sự thôi thúc”. Nơi người giảng thuyết, nó được biểu lộ bởi “sự ấm áp của cung giọng, sự nhẹ nhàng của cách hành văn, niềm vui trong các cử chỉ” (Đức Phanxicô TH.NVTM số 139-140)

4. Yếu tố “tâm và tầm” của vị giảng thuyết

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở các mục tử:

Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của dân Người. Đối thoại giữa Thiên Chúa với dân của Người kiện cường giao ước giữa họ và củng cố tình bác ái. Trong bài giảng, lòng các tín hữu giữ thinh lặng để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói chuyện với nhau bằng vô vàn cách thức mà không cần đến trung gian. Nhưng trong bài giảng, họ muốn có người làm trung gian và bày tỏ tình cảm của mình sao cho sau bài giảng, mỗi người có thể quyết định mình sẽ tiếp nối cuộc đối thoại theo cách nào mình thích.” (số 143)

Có thể nói sự thành công của vị giảng lễ không tùy thuộc ở những lời lẽ hoa mỹ, bóng bẩy hay ở cái phong thái hấp dẫn của một nhà hùng biện, cho bằng tùy vào thái độ ân cần và tấm lòng cởi mở của vị mục tử yêu thương và quan tâm tới cộng đoàn. Trên thực tế có nhiều vị giảng lễ khi bước lên giảng đài, hầu như quên rằng mình đang nói với ai và đang nói gì? Với một tư thế lạnh lùng, vô cảm, ngài giảng như giảng cho mình, ngài giảng như đọc một bài văn soạn sẵn, ngài không biểu lộ một dấu hiệu gì gọi là kết nối với cộng đoàn. Cặp mắt của ngài thay vì hướng về cử tọa thì lại dán chặt vào bài giảng viết sẵn trong cuốn sổ. Gương mặt, giọng nói, cử điệu của ngài cứng đơ, không tỏ một chút linh hoạt, gợi cảm và gần gũi thân mật với người nghe…

Đức Thánh Cha Phanxicô từng nhắc nhở các mục tử về việc kết nối tốt với công chúng của mình trong việc giảng lễ. Ngài nói:

“Chính trong bài giảng mà chúng ta đo lường được mức độ gần gũi của người mục tử với đoàn dân của mình”. Ngài khuyến khích các linh mục “gần gũi”, “đến gần” dân chúng, biết các vấn đề của họ, cách sống và cách thể hiện của họ, những hoàn cảnh họ đang trải qua. Điều quan trọng là giữ kết nối với cuộc sống hằng ngày để không trở nên mơ hồ. Đức Thánh Cha nói: “Hãy nhớ rằng chúng ta không bao giờ cần trả lời cho những câu hỏi mà không ai đặt ra”.

Nếu cái Tâm giúp cho vị giảng lễ gần gũi, thân mật với người nghe thì cái Tầm giúp cho ngài nắm bắt được các nhu cầu thiết yếu của họ về đời sống tâm linh, đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Người đầu bếp giỏi khi chuẩn bị món ăn cho thực khách luôn biết rõ những sở thích, khẩu vị và thói quen ăn uống của người mà mình phục vụ. Khi vị giảng lễ hiểu được tâm tư, tình cảm và kiến thức của cộng đoàn ắt là ngài sẽ cung cấp cho họ một bài giảng chất lượng cao như là những món ăn thích hợp và bổ dưỡng.

Một trong những yếu tố giúp bài giảng lễ của linh mục thành công, đó là việc ngài mở rộng tầm nhìn để thấy được những góc cạnh hữu hình và những góc khuất vô hình của cộng đoàn mà ngài đang hướng dẫn. Có nhiều thực tế mà vị giảng lễ phải “xâm nhập” và đi sâu vào cộng đoàn mới thấy được hết những “vấn đề” ẩn khuất của họ. Thấy, hiểu, thấu cảm để mà chuẩn bị cho họ những bài giảng thiết thực, cụ thể, gần gũi và thích hợp.

Một trong những phương cách hữu hiệu để vị diễn giảng mở rộng tầm nhìn, đó là không ngừng học hỏi. Đức Tổng Giám mục Socrates b. Villegas, OP trong bài đã dẫn, đã nói như sau:

“Đọc sách và nghiên cứu phải được tiếp tục sau khi đã chịu chức linh mục. Nếu chúng ta ngừng đọc sách và nghiên cứu, chúng ta sẽ làm tổn hại linh hồn của giáo dân. Nếu ngừng học hỏi, là chúng ta bắt đầu thúc ép người khác đọc cái gọi là cuốn sách cuộc đời chúng ta – một cuốn truyện khôi hài, không cảm hứng, hết sức lố bịch và tai tiếng khủng khiếp. Khi đó bài giảng trở thành câu chuyện đời chúng ta chứ không phải câu chuyện về Đức Giêsu. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian để đọc sổ chi tiêu cũng không phải là cách để chuẩn bị bài giảng.”[13]

5. Yếu tố nội dung bài giảng

Có thể nói, yếu tố nội dung bài giảng là yếu tố cốt lõi nhất của việc giảng lễ. Vì thế khi bước lên giảng đài, vị giảng lễ sẽ luôn đặt câu hỏi cho mình là “Giảng gì? Giảng cho ai?” Tất nhiên câu trả lời rõ ràng là ngài sẽ giảng Lời Chúa và giảng cho người hôm nay. Bên cạnh đó, “còn có nhiều câu hỏi quan trọng khác mà người giảng phải đặt ra cho mình: về cộng đoàn phụng vụ, về bản văn Kinh Thánh, về mùa phụng vụ, về hoàn cảnh sống của người nghe. Nhưng câu hỏi nền tảng vẫn là “Chúa là ai? Chúa ở đâu?” đối với con người hôm nay. Người giáo dân đến nhà thờ để dự lễ Chúa Nhật. Họ tin vào Chúa nhưng họ muốn hỏi linh mục giảng: Chúa là ai? Chúa đang ở đâu? Chúa có mặt trong những biến cố đời sống tôi đang trải qua không?...”[14]

Nói về việc chuyển tải nội dung Lời Chúa trong bài giảng lễ, Đức cha Mat-thêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Chánh tòa Qui Nhơn đã nhắc nhở các tân chức trong bài giảng lễ truyền chức ngày 7-1-2021 như sau:

Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hàng ngày cho dân Chúa. Bài giảng thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, nếu có đề cập đến giáo huấn của các tôn giáo khác hay tư tưởng của các tác giả đời, như các triết gia, văn thi sĩ, nhạc sĩ hay chính trị gia, thì cũng chỉ để đối chiếu mà thôi.

Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa. Càng không được dùng tòa giảng để làm nơi phê bình chỉ trích cá nhân. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng. Về vấn đề này Hội Thánh đã dạy: “Các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Ngoài các bài giảng trong thánh lễ, các con cũng hãy tận dụng những dịp khác để trình bày Lời Chúa cho anh chị em tín hữu và cả cho những người lương dân trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày.[15]

6. Yếu tố liên quan việc chuẩn bị một bài giảng

Có thể nói rằng muốn cho bài giảng lễ thành công, vị giảng thuyết phải quan tâm rất đặc biệt tới việc soạn bài giảng. Chúng ta biết rằng, “Mọi diễn giả thành công đều là những diễn giả soạn giảng kỹ lưỡng.” (Thomas V. Liske).

Cha sở họ Ars là một tấm gương về mục vụ giảng thuyết. Chuyện kể lại, cha rất quan tâm soạn bài giảng thật kỹ lưỡng. Cha thường dùng phòng áo để dọn giảng cho yên tĩnh. Cha nghiên cứu các tác giả, có khi xem tới 7 tác giả. Cha đánh dấu những đoạn cần phải chép lại và lắm khi phải phiên dịch tới 40 hay 50 trang sách. Học thuộc lòng trước vào thứ bảy và buổi tối sau khi bổn đạo về nhà, cha đi chung quanh nghĩa địa để lập lại những đoạn khó. Cha lại không quên cầu nguyện trước khi giảng... Cha giảng rất hùng hồn. Có người hỏi: “Tại sao lúc cầu nguyện thì cha nói nhỏ mà khi giảng cha lại nói to thế ?”. Cha trả lời: “Khi giảng phải nói to vì người nghe họ buồn ngủ và nặng tai, nhưng khi cầu nguyện với Chúa thì nói nhỏ vì Người không nặng tai”. Cha giảng rất hùng hồn và dạy dỗ với uy quyền. Bài giảng rất cụ thể với đời sống Dân Chúa và chỉ bảo phải làm gì hay làm như thế nào để giáo dân dễ thực hành.

Một nhà giảng thuyết phục vụ tốt không nhất thiết phải là một nhà thông thái, mà trên hết là một mục tử thánh thiện, một tông đồ nhiệt tình và một nhà truyền giáo đam mê việc gieo trồng Lời Chúa.         

Sau đây là chứng từ sống về vấn đề giảng thuyết của một linh mục:

Một hôm, có người hỏi cha Mc Nabb, một nhà giảng thuyết thời danh, xem ngài đã dành ra bao nhiêu thời gian để soạn bài giảng. Ngài trả lời, 40 năm... Khi trả lời như thế, cha Nabb muốn nói là ngài luôn quan tâm chăm lo nghiên cứu và bài giảng đó là kết quả của 40 năm phát triển về phương diện thiêng liêng và trí thức... Có thể nói, kinh nghiệm mục vụ, lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa đã ảnh hưởng sâu sắc đến điều ngài giảng từ giảng đài... ”[16] ./.



[3] ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên Gp Đà Lạt tháng 2-2009

[4] Linh mục Thomas V. Liske STD - Thành công trên tòa giảng - ĐCV Á Thánh Quý Cần Thơ 1995

[6] Đức Giám mục P. Nguyễn Khảm – Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm – Tái bản lần I NXB TG năm 2020 trang 34

[8] Linh mục Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D -  Thành Công Trên Tòa Giảng - ĐCV Á Thánh Quý Cần Thơ 1994

[10] Đức Giám mục GB Bùi Tuần - Chủ đề “Truyền giáo” - Tĩnh tâm linh mục Gp Long Xuyên 1990

[11] Đức Giám mục P. Nguyễn Khảm – Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm – Tái bản lần I NXB TG năm 2020, trang 98

[12] Linh mục Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D -  Thành Công Trên Tòa Giảng - ĐCV Á Thánh Quý Cần Thơ 1994, trang 74

[14] Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Khảm – Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm – Tái bản lần I NXB TG năm 2020 trang 30

[16] Ferdinand Valentine OP - Giảng thuyết, một nghệ thuật - ĐCV Sao Biển Nha Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét