BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Sứ điệp gửi Quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024

Kitô hữu và Phật tử:
Cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình
bằng hòa giải và lòng kiên cường

Quý bạn Phật tử thân mến,

Đại lễ Vesak, một thời gian thiêng liêng để kính nhớ việc đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật, là cơ hội thích hợp để chúng tôi gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt nhất và cùng với các bạn suy tư về trách nhiệm chung của chúng ta, là những Kitô hữu và Phật tử, về việc thăng tiến hòa bình, tinh thần hòa giải và lòng kiên cường, những giá trị bắt nguồn sâu xa nơi mỗi truyền thống tôn giáo của chúng ta.

“Đừng bao giờ gây chiến tranh nữa, đừng bao giờ gây chiến tranh nữa! Hòa bình, chính hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc và của toàn thể nhân loại!” Lời kêu gọi vang dội này, do Đức giáo hoàng Phaolô VI đưa ra trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc vào ngày 4 tháng 10 năm 1965, đã được lặp lại trong những năm gần đây tại nhiều hội nghị liên tôn để lên án những tàn phá do chiến tranh gây ra trên khắp thế giới. Chúng ta đã nói về chủ đề này nhiều lần, nhưng sự leo thang liên tục của các cuộc xung đột trên khắp thế giới đòi hỏi phải chú tâm hơn nữa đến vấn đề cốt lõi là hòa bình và suy ngẫm sâu sắc hơn về vai trò của chính chúng ta trong việc vượt qua những trở ngại ngăn cản con đường phát triển của hòa bình. Tình hình hiện tại đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ, ngoài việc không ngừng cầu nguyện và hy vọng. Để góp phần chấm dứt hận thù và mong muốn báo thù dẫn đến chiến tranh, đồng thời chữa lành những vết thương mà chiến tranh đã gây ra cho nhân loại và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta phải dấn thân hơn nữa trong nỗ lực hòa giải và kiên cường.

Nếu những nguyên nhân sâu xa gây ra xung đột và bạo lực không được giải quyết thỏa đáng thì bình minh của hòa bình lâu dài vẫn chỉ là ảo tưởng, vì không thể có hòa bình và hòa giải nếu không có công bằng và công lý trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa. “Tha thứ và hòa giải không phải là giả vờ rằng mọi thứ khác với bản chất của nó. Đó không phải là tâng bốc nhau và làm ngơ trước cái ác. Hòa giải thực sự vạch trần nỗi kinh hoàng, sự lạm dụng, nỗi đau, sự suy thoái và sự thật” (Desmond Tutu, No Future Without Forgiveness, 218).

Những giáo huấn cao quý trong các truyền thống của chúng ta và cuộc sống gương mẫu của những người mà chúng ta tôn kính đã chứng minh rằng sự hòa giải và lòng kiên cường đem lại nhiều lợi ích. Khi tìm kiếm sự tha thứ và hàn gắn những mối tương quan đổ vỡ, những người bị xa lánh sẽ lại được hòa giải và sự hòa hợp được khôi phục. Tính kiên cường giúp các cá nhân và cộng đồng phục hồi sau nghịch cảnh và tổn thương. Nhân đức này nuôi dưỡng lòng can đảm và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn khi nó biến đổi cả nạn nhân lẫn thủ phạm và dẫn đến một cuộc sống mới. Sự hòa giải và kiên cường hợp nhất với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp vững chắc, giúp chữa lành những vết thương trong quá khứ, tạo nên những mối liên kết bền chặt và giúp con người đương đầu với những thử thách trong cuộc sống bằng lòng dũng cảm và tính lạc quan.

Như các nghi lễ và việc phượng tự của mỗi truyền thống tôn giáo riêng của chúng ta đã dạy, hòa giải và kiên cường là những phương thuốc cần thiết cho một nền văn hóa bạo lực vốn thường được coi là một đáp trả tuy đáng tiếc nhưng cần thiết đối với các hành động quân sự hung hãn hoặc khủng bố. Hòa giải và kiên cường cho phép chúng ta tha thứ và tìm kiếm sự tha thứ, yêu thương và bình an với chính mình và với người khác, cả với những người đã đối xử tệ với chúng ta.

Đức Phật đã để lại trí huệ vượt thời gian sau đây: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu.” (Kinh Pháp Cú, v. 5), còn Thánh Phaolô thì lặp lại lời kêu gọi tha thứ không giới hạn của Chúa Giêsu (Phúc âm Matthêu 6,14) để khuyến khích các Kitô hữu hãy đón nhận sứ vụ hòa giải do Thiên Chúa khởi xướng trong Chúa Kitô (Thư 2 Côrintô 5, 11-21).

Cùng với lời chào thân ái gửi đến các bạn nhân dịp đại lễ Vesak, chúng tôi mạn phép khẩn nài trí huệ vượt thời gian của Đại Trưởng lão Ghosananda, chứng nhân của cuộc diệt chủng kinh hoàng ở Campuchia và là nguồn cảm hứng cho cuộc hành hương hòa bình Dharma Yatra. Ngài là người khích lệ chúng ta “gỡ bỏ khỏi trái tim mình những quả mìn thù hận” (x. Lời kinh cầu cho hòa bình). Tương tự như vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô đoan chắc với chúng ta rằng “Sự hòa giải chữa lành sẽ hồi sinh và giải thoát chúng ta cũng như những người khác khỏi nỗi sợ hãi” (Fratelli tutti, 78). Ngài mời gọi những người từng hận thù nhau quyết liệt hãy “học cách nuôi dưỡng ký ức sám hối, một ký ức có khả năng chấp nhận quá khứ để tương lai không bị lu mờ vì những hối tiếc, những vấn đề và kế hoạch của riêng mình” (Fratelli tutti, 226). Tất cả chúng ta đều được mời gọi tái khám phá và trân trọng những giá trị có trong các truyền thống của chúng ta, làm cho những khuôn mặt tâm linh thể hiện những giá trị ấy được biết đến nhiều hơn và cùng nhau bước đi vì hòa bình.

Với những suy tư cùng tâm tình cầu nguyện này, chúng tôi chúc các bạn một đại lễ Vesak tốt đẹp!

Vatican, ngày 6 tháng 5 năm 2024

Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot, MCCJ

Bộ trưởng

Đức ông Indunil J. Kodithuwakku K.

Thư ký

Chuyển ngữ: Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam