Họp mặt Ủy ban Loan báo Tin Mừng tại giáo phận Hưng Hóa
Hạ tuần tháng 7/2024, khi tiết trời oi bức của mùa hè đang dịu lại kèm theo những cơn mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cũng tạo nên những ngày hè đầy ý nghĩa. Ở miền Tây Bắc của tổ quốc tại Giáo phận Hưng Hóa, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức cuộc Họp Mặt Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng với chủ đề: “Huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng” trong dịp chuẩn bị cử hành năm thánh truyền giáo 2025 ‘Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng’ với sự tham gia của các thành viên Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc 27 Giáo phận (chỉ thiếu vắng đại diện của Giáo Phận Phan Thiết), đại diện một số Dòng Tu và giáo dân diễn ra tại Trung Tâm Mục Vụ Hà Thạch, Tỉnh Phú Thọ thuộc Giáo phận Hưng Hóa. Tổng số thành viên và khách mời tham dự cuộc họp mặt lần này là 41 người bao gồm 2 giám mục, 35 linh mục gồm triều và Dòng, 2 nữ tu, 1 nam tu sĩ và 1 giáo dân cũng nằm trong ban thường trực của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng. Dù đường xá xa xôi cho các tham dự viên đến từ các giáo tỉnh miền Nam và miền Trung, các tham dự viên đều đến đúng hẹn để tham dự buổi họp mặt huynh đệ thường niên và cùng nhau chia sẻ, học hỏi về “Huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng”.
Tấm hình lưu niệm
Vì đây là lần đầu tiên cuộc họp mặt Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng của 27 Giáo phận quy tụ về đây, và Đức Giám Mục Giáo phận Hưng Hóa đồng thời đang là Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên mọi người cũng cần biết về Giáo phận truyền giáo đa đạng, rộng lớn và phong phú này.
Hội nghị với chủ đề: “Huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng”
Giáo phận Hưng Hóa được tách từ địa phận Tây Đàng Ngoài năm 1895 do Đức Thánh Cha Lêô XIII, đời Đức Cha Đông (Gendreau), giám mục Tây Đàng Ngoài và cha Paul Ramond (Lộc) được đặt làm giám mục tiên khởi của địa phận mới: Địa phận “Thượng Bắc Kỳ” hay “Địa phận Đoài”. Ngày 03/12/1924, khi các địa phận mới ở Việt Nam đổi tên, địa phận Đoài mới được đổi tên thành “Địa phận Hưng Hóa”. Trụ sở Tòa giám mục lúc đầu tọa lạc tại Hưng Hóa (nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), nhưng vì chiến tranh, ngày 02/11/1950, trụ sở này phải sơ tán về Giáo xứ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây và trụ ở đó cho tới nay.
Về diện tích, Hưng Hóa là một Giáo phận rộng nhất trong các Giáo phận Việt Nam hiện nay: khoảng 58.000 km². Hưng Hóa trải rộng trên địa bàn của 10 tỉnh thành, trong đó có Sơn Tây cũ (nay thuộc TP. Hà Nội), Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một phần các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong số đó chỉ có huyện Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ và tỉnh Sơn Tây cũ là đồng bằng, một phần là trung du, còn lại hầu hết là rừng núi.
Vấn đề ưu tiên nhất của Giáo phận Hưng Hóa lúc này là loan báo Tin Mừng và tái loan báo Tin Mừng vì có nhiều nơi trong Giáo phận vẫn đang trong tình trạng ‘trắng’ tôn giáo do sự kiểm soát của chính quyền. Tỉ lệ công giáo mới chỉ là ≤ 4% dân số.
Các dân tộc ít người ở giáo phận truyền giáo này hầu hết chưa biết đạo, mới chỉ có người H'Mông đón nhận Tin Mừng, và mới có một số nơi có nhà thờ, còn lại phải sinh hoạt đạo nhờ nhà của các giáo dân. Một số nhỏ là người Dao Đỏ và người Mường cũng đã đón nhận Tin Mừng. Còn lại các dân tộc khác, chỉ những người kết hôn với người công giáo mới theo đạo Công giáo.
Giáo phận Hưng Hóa đang dần trưởng thành nhờ ơn Chúa trợ giúp, với sự đồng hành, hướng dẫn của vị Giám mục trẻ trung đầy nhiệt huyết và sự cộng tác của gần 200 linh mục triều và Dòng, cộng với sự dấn thân không mệt mỏi của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, Dòng thánh Phaolô, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ… Bên cạnh đó có sự hoạt động tích cực của các hiệp hội tín hữu như Huynh đoàn Đa Minh, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Cùng Theo Chúa, Legio Mariae... Đội ngũ giáo lý viên cũng là những tông đồ giáo dân đắc lực trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Đặc biệt là nhờ lời bầu cử của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và Thánh cả Giuse quan thầy, Giáo phận Hưng Hóa đang chờ đón những mùa gặt bội thu.
Bản đồ Giáo phận Hưng Hóa
Thánh lễ khai mạc cho những ngày họp mặt Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng do Đức Giám Mục Giáo phận Hưng Hóa Đaminh Hoàng Minh Tiến - ngài cũng là Chủ tịch của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng chủ sự để chào đón các tham dự viên và vị khách mời đặc biệt đến từ Malaysia là Đức Tổng Giám Mục Simon Poh của Tổng Giáo Phận Kuching- chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Malaysia với bốn bài chia sẻ cho việc huấn luyện người môn đệ của Tin Mừng và những phương thế mới cho việc Loan Báo Tin Mừng cách hiệu quả.
Đức cha Đaminh - Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng chủ tế Thánh lễ khai mạc
Cha Tổng Thư Ký của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Đaminh Ngô Quang Tuyên cũng điểm lại một số hoạt động và sinh hoạt của Ủy Ban trong 2 năm qua với Bản Ghi Nhớ của Đại Hội Loan Báo Tin Mừng tại Đền Đức Mẹ Tân Hiệp thuộc Giáo phận Long Xuyên để cùng rút ra những gì đã làm được cũng như những hạn chế trong việc loan báo tin mừng. Những hạn chế chưa thực hiện đó ngài cũng mong muốn cuộc họp mặt lần này có thể được tháo gỡ khi các tham dự viên có thể đưa ra những góp ý và sáng kiến cho Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cho những năm tới, cách riêng cho Năm Thánh 2025 ‘Cùng nhau Loan Báo Tin Mừng’ và Đại Năm Thánh của Giáo Hội Toàn Cầu vào năm 2033 khi Giáo Hội kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu chết, sống lại và khai sinh Giáo Hội.
Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên - Tổng Thư Ký của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng
Trong những ngày họp mặt này, đại diện của các giáo phận lần lượt chia sẻ những khó khăn và thuận lợi trong việc loan báo tin mừng của giáo phận mình từ khi thành lập đến nay. Những thuận lợi là được các vị chủ chăn và các bề trên ủng hộ cũng như được sự cộng tác của nhiều đoàn thể, ban ngành và các dòng tu nam nữ. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn là thiếu ngọn lửa nhiệt tình truyền giáo trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và các giáo dân. Một số giáo phận kỳ cựu ở giáo tỉnh Miền Trung như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế thì người trở thành công giáo không tăng vì những yếu tố khách quan như sự kiểm soát của chính quyền, sự thành kiến đối với đạo công giáo từ xa xưa và giới trẻ công giáo thoát ly đi làm ở xa nên chỉ dừng lại ở việc giữ đạo. Các giáo phận ở giáo tỉnh Miền Bắc thì chỉ lo chú trọng việc xây dựng nhà thờ, các sinh hoạt lễ hội hoành tráng dù cũng có nhiều nơi chú trọng đến việc loan báo tin mừng cho các sắc tộc miền xuôi. Các giáo phận thuộc giáo tỉnh Miền Nam, cách riêng ở đồng bằng Nam Bộ, theo lời chia sẻ của các linh mục phụ trách về Loan Báo Tin Mừng, có thể ví như những cây lục bình trôi theo những con kênh và các dòng sông Nam Bộ, dù nhiều người cũng có nhiệt huyết truyền giáo nhưng cũng chỉ dừng lại ở những biển hiệu chứ chưa có những biểu hiện cụ thể nào. Các giáo phận ở miền Tây Nam Bộ có nhiều người địa phương mà đa số là sắc tộc Khmer, người Hoa và Champa đang thực hành các tôn giáo và tín ngưỡng địa phương như việc thờ kính ông bà tổ tiên, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo… nên họ cũng không mấy mặn mà về Công giáo. Các tác nhân loan báo tin mừng nhiệt thành luôn tìm mọi cách len lỏi vào nền văn hóa của họ để nói về Chúa cho những người lương dân cũng như những anh em các sắc tộc này qua những ngày đại lễ như Giáng sinh, Phục sinh.
Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện - Trưởng ban Loan Báo Tin Mừng Giáo phận Hải Phòng
Tuy nhiên, nhiều giáo phận cũng đã có những định hướng cụ thể cho việc loan báo tin mừng khi có những vị đặc trách và những những tác nhân loan báo tin mừng đầy nhiệt huyết luôn quan tâm đến việc sống còn của giáo hội là việc truyền giáo. Chỉ tiếc một điều là chúng ta chưa dám mạnh dạn đổi mới phương thức trong việc loan báo tin mừng và sống chứng nhân trong việc loan báo tin mừng.
Cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh - Đại diện Ban Loan Báo Tin Mừng Giáo phận Long Xuyên
Một đại diện giáo dân từng làm việc nhiều năm trong các phong trào công giáo tiến hành tại Miền Nam chia sẻ những ưu tư về việc loan báo tin mừng chính là việc sống đạo tốt chứ không chỉ dừng lại ở việc giữa đạo, sống nhân bản trưởng thành mà không cậy dựa vào uy tín và lời nói của các vị mục tử nếu vị mục tử ấy có những ý hướng không đúng. Người giáo dân cũng cần phải sống thánh thiện và nêu gương sáng trong đời sống hôn nhân gia đình khi biết chu toàn trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Đây chính là lời chứng hùng hồn nhất vì nếu không sẽ trở thành phản tin mừng. Khi sống đúng và chu toàn như vậy thì lúc đó chỉ cần ‘thì thầm’ về Chúa với người khác thì mọi người sẽ dễ dàng đón nhận Tin Mừng và theo Chúa vì giáo dân là những người sống giữa đời và sống với đời.
Bác Phanxico Xavie Nguyễn Thái - Tông đồ Giáo dân Truyền Giáo - Tổng Giáo phận Sài Gòn
Vị khách mời để thuyết trình về đề tài Loan Báo Tin Mừng tại Á châu là Đức Tổng Giám Mục Simon Poh của Tổng Giáo Phận Kuching. Ngài hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Malaysia và thành viên của Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC). Theo lời chia sẻ của ngài, ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Lão giáo vì ông bà của ngài là người gốc Hoa. Năm ngài 16 tuổi thì cả gia đình ngài theo đạo Công giáo dù những người thân gièm pha, chống đối. Ngài chia sẻ rằng ở Malaysia- một quốc gia Hồi giáo, những người không phải Hồi giáo thì không thể vào các trường đại học. Từ tiểu học ngài đã được học trong trường Công giáo nên tuổi thơ ngài đã từng được nghe về Chúa nên ngài đã có những ấn tượng đẹp với đạo Công giáo. Khi cả gia đình đều theo đạo và thường đi lễ vào ngày Chúa Nhật thì những người bà con ngài đã tò mò hỏi cả gia đình ngài đi đâu.
Đức Tổng Giám mục Simon Poh của Tổng Giáo Phận Kuching. Ngài hiện là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Malaysia và thành viên của Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC)
Ngài trả lời là cả gia đình thường đi đến với vị “Thiên Chúa - 天主” để cầu nguyện cho gia đình và người thân được bình an, khỏe mạnh và hạnh phúc. Rồi khi ngài nói ý định theo Chúa để trở thành linh mục thì nhiều người phản đối vì theo truyền thống Lão giáo, con trai cả như ngài trong gia đình phải lo gánh vác và lo lắng cho gia đình vì lúc đó gia đình ngài gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, người mẹ ngài đã nói là nếu con muốn thì con cứ đi, ở nhà ba mẹ sẽ lo. Ngài cũng nói với những người thân của ngài là khi ngài theo Chúa để trở thành linh mục, thì chính vị Chúa mà người Hoa gọi là ‘Thiên Chủ - 天主’ sẽ lo lắng cho gia đình của ngài. Và điều đó đã xảy ra khi mọi khó khăn trong gia đình ngài đều được giải quyết tốt đẹp kể từ ngày ngài đi tu rồi trở thành phó tế, linh mục và giám mục cũng ngay chính tại Nhà Thờ Chính Tòa của Tổng Giáo Phận Kuching, Malaysia nơi ngài đang là vị chủ chăn hiện nay. Chính nhờ những xác tín đó mà sau này những người họ hàng của ngài đã chứng kiến và tự nguyện theo đạo công giáo và chính ngài là người rửa tội cho những người thân yêu của ngài.
Vị tổng giám mục đơn sơ này chia sẻ rằng nhiều khi chúng ta chưa trở thành môn đệ của Chúa vì chưa hiểu Chúa, chưa yêu mến Chúa, chưa có những cuộc gặp gỡ thân mật với mà chúng ta chỉ mới trở thành những người được rửa tội hữu danh vô thực nên chúng ta dễ dàng rời xa Chúa khi có những khó khăn xảy đến. Chính Chúa Giesu đã dạy chúng ta là chúng ta hãy ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ, sau đó mới rửa tội và cuối cùng là dạy dỗ, đồng hành với họ. Đó là những bước loan báo tin mừng hiệu quả và đầy nhân văn. Nhiều người trong số chúng ta lại làm chiều ngược lại là dạy dỗ rồi rửa tội để lấy chỉ tiêu nên cuối cùng chúng ta lại mất hết. Để làm được điều đó trước hết những tác nhân truyền giáo phải biết hoán cải tâm hồn. Khi chúng ta cảm nhận mình đã hiểu Chúa, biết Chúa thì mới ra đi, mới có thể làm cho người khác trở thành môn đệ khi biết kết thân, làm bạn với mọi người. Rồi từ những cảm nghiệm cá nhân với Chúa, chúng ta có thể chia sẻ những cầu chuyện của mình với người khác. Khi họ đã có cảm tình với chúng ta về những câu chuyện cá nhân của chúng ta với Chúa thì lúc đó chúng ta có thể ‘thì thầm’ về Chúa Giêsu cho họ để họ cũng hiểu và biết về Chúa. Khi họ để hiểu và biết về Chúa thì mời gọi họ hoán cải như chúng ta và sau đó mới mời họ vào cộng đoàn qua nghi thức thánh tẩy. Như vậy, các bước loan báo tin mừng là tiến trình tiệm tiến nhưng chắc chắn để người ta có thể cảm nhận về Chúa cách sâu sắc hơn.
100%
Ngài cũng chia sẻ về một số phương thế mới trong việc loan báo tin mừng cũng như tái loan báo tin mừng cho con người ngày nay là các khóa đào tạo Alpha. Alpha là một tài liệu hội thánh có thể sử dụng để tạo ra một không gian và văn hóa mà mọi người hào hứng mời bạn bè bước vào một cuộc trò chuyện về Chúa Giêsu. Alpha có thể được tổ chức tại hầu hết tất cả mọi nơi, từ trong nhà thờ cho đến nhà hàng, công sở hoặc trên không gian mạng. Một trong những phần quan trọng nhất của Alpha: cơ hội để chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng về chủ đề, thảo luận trong nhóm nhỏ một cách cởi mở. Chính thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nhiều lần đề cập đến các lãnh vực về loan báo tin mừng là: Đến với muôn dân, chăm sóc mục vụ và tái phúc âm hóa hay tân phúc âm hóa. Xã hội ngày nay đang phát triển về nhiều mặt và dường như con người ngày nay đang xa lìa Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta cần phải đổi mới các phương thế trong việc loan báo tin mừng và những tác nhân loan báo tin mừng phải đọc được những dấu chỉ thời đại để có thể đem văn hóa hội nhập vào tin mừng.
Vị khách mời thứ hai là linh mục Jerome Nguyễn Đình Công hiện là giám đốc các hội giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam chia sẻ về sứ điệp truyền giáo 2024 của Đức Phanxico. Ngài đưa ra mối liên hệ giữa các sứ điệp truyền giáo từ năm 2022 đến nay liên quan đến việc loan báo tin mừng vì các hội giáo hoàng truyền giáo là phương tiện ưu tiên để thúc đẩy sự hợp tác trên cả bình diện tinh thần lẫn vật chất. Sứ điệp truyền giáo năm 2024 của Đức Phanxico được lấy ý tưởng từ Tin Mừng Mt 22,9: “Hãy đi và mời gọi mọi người đến dự tiệc”. Ngài chia sẻ rằng các hội giáo hoàng truyền giáo ‘là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi thơ, được thấm nhiễm cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến khích một cuộc quyên góp hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền giáo tùy theo nhu cầu của từng nơi’ (AG 38).
Linh mục Jerome Nguyễn Đình Công - Giám đốc các hội giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam
Dưới nhãn quan của một người đang phụ trách các hội giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam, vị giám đốc từng làm việc 7 năm trong vai trò này đưa ra vài nhận định mà giáo hội Việt Nam đang cần nhận ra để việc loan báo tin mừng ngày một khởi sắc là giáo hội Việt Nam đang thiếu những tác nhân truyền giáo thực sự dù có những giáo sĩ, tu sĩ giáo dân nhiệt thành, đạo đức, kiến thức uyên thâm; giáo hội Việt Nam cũng đang thiếu những người có tầm, có tâm lãnh đạo, hướng dẫn công cuộc loan báo tin mừng khi dám nói, dám làm dù có rất nhiều người lãnh đạo tài ba trong các giáo xứ, giáo phận, hội đoàn; giáo hội Việt Nam cũng đang thiếu những chứng nhân đức tin dù có những thầy dạy đức tin giỏi; giáo hội Việt Nam cũng đang thiếu những người huấn luyện việc loan báo tin mừng có kinh nguyện truyền giáo dù có nhiều người thao thức truyền giáo và đang là giáo sư truyền giáo. Ngài cũng có vài để nghị trong tư các là người lãnh đạo các hội giáo hoàng truyền giáo là cần thay đổi tư duy ấu trĩ, bảo thủ nhưng luôn biết lắng nghe, tôn trọng và cộng tác. Cần có một ‘Ratio’ cẩm nang về truyền giáo được áp dụng cho toàn quốc để huấn luyện cho những tác nhân truyền giáo. Đặc biệt là cần làm việc truyền giáo hay loan báo tin mừng theo chỉ dẫn của Hội Thánh chứ không theo ý riêng vì người ta thường nói muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau. Cần khiêm tốn hơn để cầu nguyện và nhận ra ý Chúa muốn; cần khiêm tốn hơn để lắng nghe nhau, nhất là lắng nghe hướng dẫn của Hội Thánh; và cần khiêm tốn hơn để có thể cộng tác với nhau tốt hơn trong việc loan báo tin mừng. Người môn đệ truyền giáo không phải là người mà được việc gì lớn lao nhưng là người phải có đời sống cầu nguyện trong tinh thần khiêm tốn.
Vị khách mời thứ ba là linh mục Phêrô Đỗ Cao Cương thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đang phụ trách giảng dạy tại Học Viện Công giáo. Ngài cũng giới thiệu sơ lược về Học Viện Công giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và phân khoa Truyền giáo do ngài làm chủ nhiệm. Mục đích của phân khoa truyền giáo là đáp ứng nhu cầu truyền giáo và năng động hóa tình thần truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Chính nhờ những khóa học truyền giáo mà học viên sẽ hiểu được công việc và sứ vụ mình sẽ thực hiện trong tương lai khi hiểu biết những nền tảng và định hướng truyền giáo qua các giáo huấn của giáo hội và từ đó có thể trở thành những tác nhân truyền giáo, những cộng tác viên đắc lực của giáo hội địa phương nơi mình được sai đến. Cha giáo của học viện cũng nhắn nhủ rằng chúng ta đừng quá lo lắng việc cử người đi học về truyền giáo rồi sau đó không được phân công làm việc trong lĩnh vực truyền giáo vì truyền giáo theo nghĩa rộng là tất cả những công việc của giáo hội nên khi hiểu biết về truyền giáo thì những tác nhân truyền giáo có thể áp dụng tất cả trong các lĩnh vực của đời sống giáo hội.
Linh mục Phêrô Đỗ Cao Cương thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đang phụ trách giảng dạy tại Học Viện Công giáo
Các tham dự viên thuộc 27 giáo phận được chia làm 5 nhóm để cùng nhau thảo luận về những ưu tư và đưa ra những đề nghị cụ thể cho Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng để mọi người cùng nhau làm việc hướng đến Năm Thánh 2025 và Đại Năm Thánh 2033 nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của từng giáo tỉnh và của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng để mọi người cùng nhau cộng tác. Các tham dự viên thuộc 27 giáo phận cũng đưa ra một số nhận định và đề nghị thiết thực để Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng có thể xem xét và phúc trình cho kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao vào tháng 9/2024 sắp tới. Những đề nghị cụ thể là cần có một Ban Thường Trực của Ủy ban Loan Báo Tin Mừng và Ban Đào Tạo Loan Báo Tin Mừng để huấn luyện, khuyến khích, động viên cho các Ủy Ban Tin Mừng các giáo phận cũng như các tác nhân truyền giáo. Đức Cha chủ tịch ủy ban và cha Tổng thư ký cần góp tiếng nói trong Hội Đồng Giám Mục về các hoạt động loan báo tin mừng ở tầm mức giáo phận cũng như tầm mức quốc gia để mọi người đều biết rằng đây là hoạt động chung của Giáo Hội chứ không phải là của một cá nhân. Bởi thế, cần có sự cộng tác của các hội dòng, các hội đoàn và các giáo dân. Các giáo phận cũng đều có đề nghị chung là cần có một cuốn cẩm nang và qui chế chung cũng như một ngân quỹ cho việc loan báo tin mừng. Các tham dự viên cũng đề nghị có một ngày truyền giáo cho Giáo Hội Việt Nam ngoài ngày Khánh Nhât truyền giáo hàng năm vào tháng 10. Và để chuẩn bị cho Năm Thánh truyền giáo 2025 cũng như Đại Năm Thánh của Giáo Hội vào năm 2033, các tham dự viên của 27 giáo phận cũng đề nghị là nên có một Kinh Truyền giáo cho toàn quốc và được đọc cách trang trọng trong các thánh lễ để nhắc nhở mọi người ý thức về việc loan báo tin mừng.
Thảo luận theo nhóm
Đức cha chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cũng là vị giám mục giáo phận Hưng Hóa nơi cuộc họp mặt đang diễn ra cũng có vài nhận định rất chân thành về những khó khăn cũng như những điều mà ngài cảm thấy chưa được như ý muốn là nhiều nơi và nhiều giáo xứ chỉ chú trọng bề ngoài qua các lễ hội hơn là đời sống nội tâm và ý thức về việc loan báo tin mừng cho muôn dân. Ngài cũng chia sẻ là ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn với các chính quyền địa phương dù chính quyền trung ương đã cởi mở hơn nhiều. Đó cũng là não trạng của những vị lãnh đạo trong giáo quyền của chúng ta khi trên bảo mà dưới không nghe vì chỉ biết hành xử theo ý riêng. Một khó khăn khác mà những tác nhân loan báo tin mừng phải đối diện là văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam chúng ta khác nhau nên làm việc truyền giáo phải luôn biết ứng biến và thích ứng. Nếu chúng ta còn áp dụng việc loan báo tin mừng bằng việc sử dụng vật chất như phát tiền, cho thực phẩm rồi sau đó dụ họ theo đạo thì thật sự không bền. Chúng ta phải theo lời dạy của Chúa là ra đi làm cho họ trở thành môn đệ, rồi rửa tội và dạy dỗ họ thì đó mới là cách loan báo tin mừng hữu hiệu. Bởi thế, các tác nhân loan báo tin mừng trước hết phải là người ‘có Chúa’, nghĩa là hiểu Chúa, biết Chúa, trở thành môn đệ Chúa rồi mới có thể nói về Chúa cho người khác. Những mục tử, những tác nhân loan báo tin mừng phải có cái tâm và có trách nhiệm trong việc mình làm chứ không chỉ an phận trong việc quản trị và muốn tìn giải pháp an toàn.
100%
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến - Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng
Những ngày họp mặt cũng là cơ hội để các tham dự viên gặp gỡ nhau trong những buổi chia sẻ, những bữa ăn huynh đệ, các thánh lễ và những chuyến đi đến các giáo điểm truyền giáo trong giáo phận do chính vị giám mục tổ chức. Mọi người có dịp hàn huyên, chia sẻ và cảm thấy gần gũi hơn.
Người loan báo tin mừng là người biết quên mình, luôn khiêm nhường, kiên nhẫn và tôn trọng đối tượng mình phục vụ. Những xì-căng-đan gần đây của những vị xàm tăng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta-những tác nhân loan báo tin mừng để chúng ta luôn biết nói với Chúa và nói về Chúa cho người khác chứ đừng đá lộn sân.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Anphongsô, sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, được ví như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời: “Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình. Lời thánh Kinh “Hãy đi, bán hết những gì con có. Đem cho kẻ khó. Và sau đó đến đây theo Thầy”( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ). Lời của Chúa nói với người thanh niên giầu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của ngài rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa… Thánh Anphongsô đã chọn và ngài đã nhất định dành tất cả cho Chúa. Xin cho tất cả chúng ta, những người đang bước theo Chúa trong việc dấn thân loan báo tin mừng biết tìm ra ý Chúa và tất cả vì vinh quang Nước Chua trong việc nói về Chúa cho người khác. Amen.
Nguồn: giaophanhunghoa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét