label

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN CHIỀU THỨ BẢY: SINH LY TỬ BIỆT- ĐAU LẮM NGƯỜI ƠI!

CÂU CHUYỆN CHIỀU THỨ BẢY: SINH LY TỬ BIỆT- ĐAU LẮM NGƯỜI ƠI!
 (Đôi dòng tản mạn từ câu chuyện “Vật mang hơi ấm”, trích “Ngọt như canh phụ tử” của Lm Giuse Bùi Thanh Minh)

 Tình cờ đọc được câu chuyện “Vật mang hơi ấm”, lòng cảm thấy bồi hồi rưng rưng cùng bao cảm xúc khó tả. Có lẽ câu chuyện đem đến cho tôi một sự đồng cảm vì nhiều lẽ. Trước hết là vì tôi cũng là một người mẹ nên tôi thấu hiểu tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lớn lao đến mức nào. Vì thế tôi cũng đồng cảm với nỗi đau của bậc cha mẹ vì hoàn cảnh nào đó mà đành mất đi núm ruột của mình. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng gợi cho tôi nhớ lại nỗi đau của bà và mẹ tôi , hai người phụ nữ kính yêu trong đời tôi cũng đã trải qua nỗi đau mất mát này với những câu chuyện khắc sâu vào kí ức tuổi thơ.

Chuyện “Vật mang hơi ấm” kể về đứa em út bị tai nạn giao thông, ra đi khi tuổi đời còn rất nhỏ- mới những ngày đầu vào lớp 1. Câu chuyện ngắn chỉ vỏn vẹn hai trang giấy nhưng chứa đựng một tình cảm yêu thương dạt dào và một nỗi đau lớn: nỗi đau sinh ly tử biệt. Dẫu câu chuyện đã trôi qua 18 năm nhưng với những gì là thương yêu nhất thì thời gian không thể nào xóa nhòa được. Câu chuyện đánh thức ở người đọc một niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau mất mát chia ly, nỗi đau không thể tránh khỏi trong cuộc đời con người. Bởi ai trong cuộc đời cũng sinh ra và tồn tại theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, ai rồi cũng đến lúc già yếu và chết đi. Tuy nhiên, nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi nó đến bất ngờ hoặc đi ngược lại quy luật thông thường. Đó là khi người không nghĩ sẽ ra đi lại ra đi, hay kẻ đầu bạc phải tiễn kẻ tóc xanh, cha mẹ phải chứng kiến đứa con thương yêu của mình vì những bất trắc, tai nạn hay bệnh hoạn…mà phải ra đi trước.

Câu chuyện làm tôi nhớ đến bà tôi, một người bà cũng ôm mang nỗi đau mất con suốt cả cuộc đời. Chuyện vào một ngày mưa gió, có một người lính từ chiến trường xa mang theo gói di vật của người đồng đội không may nằm lại đất người.. Người lính ấy ghé nhà ngoại báo hung tin về đứa con trai thứ sáu của ngoại và trao lại gói di vật là mấy chiếc áo cũ và một cây sáo trúc. Người lính ấy là bạn của cậu tôi. Từ đấy, cứ vào những chiều mưa, ngoại lại âm thầm lôi mấy chiếc áo cũ và cây sáo trúc ra chiếc võng ở góc nhà và sì sụt cho đến khi nào mưa tạnh mới thôi. Chẳng biết bao chiều mưa và bao mùa mưa đi qua cho đến ngày ngoại tôi mất, chỉ biết hình ảnh quen thuộc nơi chiếc võng góc nhà với gói đồ cũ trong tay đã in đậm vào kí ức tôi cho đến tận bây giờ.

Câu chuyện cũng làm tôi nhớ đến mẹ cùng sự ra đi đột ngột của anh tôi. Mẹ tôi sinh con gái đầu lòng rồi sau đó đến anh. Anh là đứa con trai mong đợi của ba mẹ tôi. Niềm hạnh phúc tròn đầy vì có đủ nếp đủ tẻ của mẹ vơi dần khi anh tôi cứ đau ốm liên miên vì căn bệnh viêm phổi. Con nít đau bệnh là chuyện thường thế nhưng với anh tôi thì căn bệnh tiến triển khá nặng và thường xuyên phải nằm bệnh viện khi trái gió trở trời. Rồi ngày qua ngày, anh cũng sống chung với bệnh tật thuốc thang cho đến bốn tuổi. Cơ thể tuy ốm yếu nhưng anh rất khôn và rất ngoan. Ngày đó ba tôi vẫn thường đi làm đến quá trưa mới về. Cơm nước mẹ nấu sẵn ở nhà ăn trước chừa phần cho ba. Ấy vậy mà mỗi lần chị hai vào lấy cơm ăn là anh nhỏ tôi lại lẽo đẽo theo sau bảo chị: “Ăn nhớ chừa cho ba nữa đó nghe”. Câu nói ấy khắc sâu vào kí ức chị và mẹ khi anh tôi mãi ra đi không về nữa. Vào một ngày trở bệnh, anh được đưa vào bệnh viện như mọi khi và vĩnh viễn ra đi chỉ vì thuốc tiêm quá liều của một cô y tá thực tập. Trước đó, dọc đường vào bệnh viện, anh tôi còn đòi mua cây súng nước và ôm khư khư trong mình cho đến khi thân hình tím tái lịm đi vì sốc thuốc. Không giống ngoại và chắc không can đảm như ngoại, từ ngày anh mất, mẹ tôi chẳng bao giờ dám nhìn đến bất cứ một thứ vật dụng gì của anh. Đồ đạc của anh và cả cây súng nước mẹ tôi gói cất vào một góc tủ để không phải nhìn thấy nữa. Nhưng tôi biết mẹ vẫn nghẹn lòng và giấu nước mắt mỗi khi nghe đứa nào nói “ăn nhớ chừa cho ba nữa nghe”.

Từ câu chuyện “Vật mang hơi ấm” đến câu chuyện của bà và mẹ tôi, tôi hiểu rằng nỗi đau mất đi người mình yêu thương là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nó để lại những vết thương khó lành trong lòng người ở lại, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ. Vì thế, không ai muốn đối mặt hay gây ra nỗi đau ấy cho người mình yêu thương. Ấy vậy mà trong cuộc sống hôm nay, nhiều người trẻ lại không biết quý trọng bản thân mình, gây ra nỗi đau sinh ly tử biệt cho chính gia đình mình và những người thân yêu. Ở đây tôi muốn nói đến những trường hợp tự hủy hoại bản thân, tước đi sinh mạng của mình chỉ vì một phút giận hờn, thất tình hay bế tắc trong cuộc sống. Đáng tiếc thay, trường hợp tự tử không chỉ dừng lại ở những thanh thiếu niên mới lớn mà còn xảy ra cả ở những người từng trải, đã lập gia đình và có địạ vị xã hội. Cách đây hơn một năm, một vụ tự tử từng gây xôn xao dư luận ở trường đại học. Một cô giáo trẻ mới lập gia đình chưa đầy năm đã treo cổ tự vẫn trong căn nhà sau khu tập thể của trường. Một giảng viên đại học với tuổi đời ngoài 30, lại từng đi du học nước ngoài thì chắc chắn không thể gọi là bồng bột hay thiếu kinh nghiệm sống được. Tuy nhiên thói thường, khi người ta quẩn trí, người ta chỉ nghĩ đến lý do để chết chứ không nghĩ đến lý do để bám víu cuộc đời. Thôi thì người chết là hết chuyện nhưng người sống sẽ là những người gánh chịu nỗi đau mất mát dai dẳng. Nhất là cha mẹ cô, người đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu kì vọng để cô có được vị trí xã hội như hôm nay.

Dẫu biết rằng trong cuộc sống, con người phải gánh chịu nhiều nỗi đau và nỗi đau sinh ly tử biệt là một trong những nỗi đau lớn mà mỗi người trong đời ít nhiều hay sớm muộn đều phải đối mặt. Tuy nhiên, bản thân mỗi người chúng ta vẫn có thể hạn chế gây ra nỗi đau cho bản thân và gia đình bằng cách sống có trách nhiệm hơn, biết trân trọng bản thân và những người mình yêu thương. Đối với tôi, bài học khi tôi cô đơn và thất vọng là nghĩ đến ba mẹ và những người thân yêu. Tôi luôn nghĩ dù cho cả thế giới có quay lưng lại với mình thì gia đình vẫn sẽ là nơi luôn chờ đón, bảo bọc và chở che mình trước mọi sóng gió của cuộc đời. Thật vậy, gia đình không chỉ là chỗ dựa mà còn là động lực để tôi phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Lời nhắn nhủ với các bạn trẻ hôm nay, hãy trân trọng bản thân và sống có ích. Khi bế tắc hay tuyệt vọng đừng nghĩ đến những chuyện dại dột mà hãy nghĩ đến cha mẹ và những người yêu thương mình để vượt qua tất cả. Bởi cha mẹ cho ta hình hài, cho ta đến trong cuộc đời bằng tình yêu thương vô bờ bến. ta tuyệt đối không được làm tổn hại bản thân gây ra nỗi đau cho cha mẹ dù bất cứ lý do nào.
                BXM- LONG XUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét