label

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

GIÁO LUẬT: GIÁM MỤC PHÓ

GIÁO LUẬT: GIÁM MỤC PHÓ

Ngày 25/08/2017 vừa qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản,  Giám mục phụ tá, làm Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên.


1- BỔ NHIỆM
1.1 Thủ tục Giáo luật
Điều 377 §3: “Trừ khi luật đã ấn định hợp lệ cách khác, mỗi khi phải bổ nhiệm một Giám mục giáo phận hoặc một Giám mục phó, thì đối với danh tính ba vị được đề nghị lên Tông Toà, Đặc sứ giáo hoàng điều tra từng vị một và thông báo cho Tông Toà biết ý kiến riêng của mình và những ý kiến của Tổng Giám mục và các Giám mục trong giáo tỉnh mà giáo phận ấy trực thuộc hay được sáp nhập vào, cũng như của chủ tịch Hội đồng Giám mục; ngoài ra, Đặc sứ giáo hoàng phải hỏi ý kiến những thành viên của ban tư vấn và của hội kinh sĩ nhà thờ chính toà, và nếu xét thấy thiết thực, phải bàn hỏi riêng rẽ và cách kín đáo với một số thành viên thuộc hàng giáo sĩ dòng và triều, cũng như với những giáo dân có tiếng là khôn ngoan”.

2.1 Giám mục phó với quyền kế vị
Giám mục phó (episcopus coadjutor) là Giám mục được đặt để giúp cho Giám mục giáo phận, với quyền kế vị:
“Nếu xét thấy thuận lợi, Toà Thánh có thể chiếu theo chức vụ đặt một Giám mục phó với những năng quyền đặc biệt; Giám mục phó có quyền kế vị (Điều 403 §3).
“Trong việc điều khiển giáo phận, cần phải lo liệu cho phận sự mục vụ của các Giám mục thế nào để ích lợi cho đoàn chiên Chúa luôn luôn là quy tắc tối cao. Để ích  lợi đó được thể hiện đúng mức, nhiều khi cần phải thiết lập các Giám mục phụ tá, vì Giám mục giáo phận một mình không thể chu toàn mọi chức vụ giám mục như ích lợi các linh hồn đòi hỏi; hoặc do giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của hoạt động tông đồ hay vì nhiều lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt đòi hỏi phải thiết lập Giám mục phó để giúp đỡ Giám mục giáo phận” (Christus Dominus, 25).
Bởi vì Giám mục phó đương nhiên và luôn luôn có quyền kế vị, nên mỗi giáo phận chỉ có thể bổ nhiệm một Giám mục phó mà thôi.

2- NHẬM CHỨC
Bởi vì Đức Cha Giuse Trần Văn Toản đã được tấn phong giám mục rồi (ngày 29/5/2014) nên không có nghi thức tấn phong giám mục mà chỉ còn nhận giáo vụ. Điều 404:
“§l. Giám mục phó nhậm chức khi ngài đích thân hoặc nhờ một người đại diện trình tông thư bổ nhiệm cho Giám mục giáo phận và ban tư vấn, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn toà giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức”.
“§3. Trong trường hợp Giám mục giáo phận bị ngăn trở hoàn toàn, Giám mục phó cũng như Giám mục phụ tá chỉ cần trình tông thư bổ nhiệm cho ban tư vấn, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn toà giám mục”.
Do quyết định của Bộ Giám mục ngày 31/08/1976, các Giám mục phó sẽ mang danh hiệu của chính giáo phận nơi mình phục vụ. Khi nhậm chức Giám mục phó, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản không còn là Giám mục hiệu tòa Acalisso, mà sẽ mang danh hiệu là Đức Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên.
Đối với Đức Giám mục giáo phận, Giáo luật quy định: “Việc nhậm chức theo giáo luật rất được khuyến khích thực hiện trong một nghi thức phụng vụ tại nhà thờ chính toà, trước sự hiện diện của hàng giáo sĩ và giáo dân” (Điều 382 §4). Đối với Giám mục phó và phụ tá, Giáo luật không quy định gì và chắc chắn cũng không phản đối việc các ngài nhậm chức theo giáo luật trong một nghi thức phụng vụ với sự tham gia của cộng đoàn dân Chúa.

3- BỔN PHẬN VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIÁM MỤC PHÓ
Điều 405 quy định:
-          Giám Mục phó có những bổn phận và quyền lợi được ấn định trong các điều khoản trong Bộ Giáo luật và được xác định trong văn thư bổ nhiệm (Điều 405 §l).
-          Giám Mục phó giúp đỡ Giám mục giáo phận lãnh đạo toàn giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hoặc bị ngăn trở (Điều 405 §2).
“Các Giám mục phó và Giám mục phụ tá phải được những đặc  quyền thích hợp sao  cho trong  khi  vẫn  giữ được sự duy  nhất  của  việc điều  khiển  giáo phận và duy trì quyền Giám mục giáo phận, các ngài hành động thêm hữu hiệu hơn và chức phẩm riêng của các Giám mục được bảo toàn hơn” (Christus Dominus, 25).

3.1. Tổng Đại Diện
Giám mục phó phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện (x. Ðiều 406 §1)
“Giám mục phó, là đấng được bổ nhiệm với quyền kế vị, luôn luôn phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện. Trong những trường hợp đặc biệt, ngài còn có thể được Thẩm quyền ban cho những đặc quyền rộng hơn (Christus Dominus, 26).

3.2. Trong việc mục vụ giáo phận
Điều 407 quy định:
- Nhằm cổ vũ lợi ích hiện tại và tương lai của giáo phận một cách tối đa, Giám mục giáo phận, Giám mục phó và Giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt, phải hội ý với nhau trong những vấn đề quan trọng hơn (x. Điều 407 §1).
- Vì được mời gọi chia sẻ trách nhiệm với Giám mục giáo phận, nên Giám mục phó phải thi hành nhiệm vụ của mình thế nào để có sự hiệp nhất với Giám mục giáo phận trong tinh thần cũng như hành động (x. Điều 407 §3).
“Ngoài ra, vì được mời gọi chia sẻ mối lo lắng của Giám mục giáo phận, các Giám mục phó và Giám  mục phụ tá  phải thi hành nhiệm vụ của mình để hành động được  hiệp  nhất với Giám mục giáo phận trong mọi công việc. Hơn nữa, các ngài phải tỏ lòng tuân phục và kính trọng Giám mục giáo phận. Còn phần Giám mục giáo phận cũng hãy lấy tình huynh đệ mà yêu mến và quý mến các Giám mục phó và Giám mục phụ tá (Christus Dominus, 25).

3.3. Nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác
Mỗi khi được Giám mục giáo phận yêu cầu và nếu không bị ngăn trở chính đáng, Giám mục phó buộc phải cử hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác thuộc bổn phận của Giám mục giáo phận (x. Điều 408 §1).
Giám mục giáo phận không được thường xuyên ủy thác cho người khác những quyền lợi và những nhiệm vụ thuộc về Giám mục mà Giám mục phó (hoặc Giám mục phụ tá) có thể thi hành (x. Điều 408 §2).

3.4. Quyền kế vị
Khi Toà giám mục khuyết vị[1], Giám mục phó đương nhiên và tức khắc trở thành Giám mục của giáo phận vì đó mà ngài đã được đặt lên, không cần thủ tục nào cả, miễn là ngài đã nhậm chức hợp lệ (Điều 409 §1).

3.5. Cư sở
Giám mục phó buộc phải cư trú trong giáo phận, và chỉ được rời giáo phận trong thời gian ngắn, trừ khi phải thi hành một nhiệm vụ ngoài giáo phận hoặc khi đi nghỉ, nhưng kỳ nghỉ không được quá một tháng (x. Điều 410).

3.6. Một số bổn phận và quyền lợi khác của Giám mục phó
- Tham dự Công đồng chung và địa phương (Điều 339 §1 và 443 §1, 20).
- Thành viên đương nhiên của Hội đồng Giám mục (Điều 450 §1).
- Đương nhiên có quyền biểu quyết trong các phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục (Điều 454 §1).
- Thành viên công nghị giáo phận (Điều 463 §1, 10).
- Thành viên của ban tư vấn (Điều 473 §4).
- Khi Tòa Giám mục bị cản trở (sede impedita), nếu Tòa Thánh không dự liệu cách khác, việc lãnh đạo giáo phận thuộc quyền Giám mục phó (Điều 413 §1).
- Có quyền giảng Lời Chúa khắp mọi nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám mục địa phương đã minh nhiên cấm giảng trong những trường hợp đặc biệt (Điều 763).
- Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức (Điều 882).
- Năng quyền giải tội ở khắp nơi trên thế giới, trừ khi Giám mục giáo phận từ chối điều đó trong một trường hợp đặc biệt (Điều 967 §1).
- Thừa tác viên của bí tích Truyền Chức Thánh (Điều 1012).
- Thừa tác viên cử hành việc thánh hiến và cung hiến ((Điều 1169 §1 và 1206).
- Thừa tác viên ban phép lành dành riêng cho các Giám mục (Điều 1169 §2).
- Có quyền thiết lập cho mình một nhà nguyện tư và lưu giữ Thánh Thể tại nhà nguyện tư của Giám mục (Điều 1227; Điều 934 §1, 20).
- Có quyền tha hình phạt tiền kết do luật thiết lập nhưng chưa được tuyên bố ở tòa ngoài, và nếu Tông Tòa không dành riêng việc giải cho mình, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải Tội (Điều 1355 §2).
- Giám mục được dành riêng cho Đức Giáo Hoàng quyền xét xử trong những vụ án hình sự (Điều 1405 §1, 30).
- Giám mục được dành riêng cho Tòa Thượng Thẩm Roma quyền xét xử trong những vụ án hộ sự (Điều 1405 §3,10).
- Người nào dùng vũ lực thể lý chống lại một người có chức giám mục, thì bị vạ cấm chế tiền kết; nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết nữa (Điều 1370 §2).

Lm LG Huỳnh Phước Lâm




[1] Toà giám mục khuyết vị khi Giám Mục giáo phận qua đời, khi sự từ nhiệm của ngài được Đức Giáo Hoàng chấp thuận, khi ngài được thuyên chuyển và khi lệnh bãi nhiệm được thông báo cho ngài ( Điều 416).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét