ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh
Hôm 14-10-2018, Giáo Hội đã có thêm 7 vị thánh mới được ĐTC Phanxicô tôn phong trong thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 80 ngàn tín hữu.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
7 vị thánh mới gồm 1 vị Giáo Hoàng, 1 TGM, 2 LM, 2 nữ tu và một giáo dân. Xét về quốc tịch có 4 vị người Ý, 3 vị còn lại người El Salvador, Đức và Bolivia gốc Tây Ban Nha. Trên mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô có treo các bức ảnh lớn của 7 vị.
Các thành phần tham dự
Hiện diện tại Quảng trường có hơn 80 ngàn tín hữu, phần lớn là người Italia, nhưng cũng có 7 ngàn người El Salvador, hàng trăm người Bolivia. Từ giáo phận Milano có 2500 tín hữu, 130 LM và phó tế, do Đức TGM bản quyền Mario Delpini cùng với 7 GM phụ tá hướng dẫn. Đức Phaolo 6 từng làm TGM Milano trước khi được bầu làm Giáo Hoàng. Hàng ngàn tín hữu khác đến từ giáo phận Brescia, quê hương của Ngài. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có vài người đã được phép lạ của các thánh mới, như bà Cecilia Maribel Flores de Rivas, 34 tuổi, cùng với gia đình của bà. Bà đã được khỏi bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ lời chuyển cầu của Đức TGM Oscar Romero.
Có 15 phái đoàn chính phủ đứng đầu là phái đoàn Tây Ban Nha do Hoàng Thái Hậu Sofia hướng dẫn, tiếp đến là phái đoàn Italia, Chile, El Salvador và Panama do 4 tổng thống liên hệ cầm đầu. Đoàn Honduras, Đài Loan và Uganda do 3 vị Phó Tổng thống hướng dẫn. Các phái đoàn khác do một vị Bộ trưởng cầm đầu.
Đồng tế với ĐTC có đông đảo 600 vị Hồng Y và GM, trong đó nhiều vị cũng là nghị phụ Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ và 3 ngàn linh mục. Các HY và GM đứng cạnh ĐTC nơi bàn thờ là những vị bản quyền của các giáo phận nguyên quán của các vị thánh mới. Đặc biệt cũng có một phái đoàn Anh giáo do Đức nguyên TGM giáo chủ Rowan Williams hướng dẫn và gồm 10 vị Tổng Giám Mục.
Một chi tiết đáng để ý là trong phẩm phục ĐTC mặc tại buổi lễ, có giây cột áo chùng trắng đã được Đức TGM Oscar Romero dùng trong thánh lễ ngài bị sát hại cách đây 38 năm, dây có vết máu của Đức TGM, gậy mục tử, dây Pallium và chén lễ cũng là của Đức Chân phước Phaolô 6. Qua những cử chỉ này, ĐTC Phanxicô muốn bày tỏ sự gần gũi với các vị thánh mới.
Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 3 ca đoàn thuộc các giáo phận Brescia, Pontevico, Cosenza, ca đoàn giáo xứ Torre del Greco, sau cùng là ca đoàn Mẹ Giáo Hội.
Nghi thức phong thánh
Nghi thức phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ, với bài ca cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiếp đến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyên án phong thánh, tiến lên trước ĐTC, và ĐHY xin ĐTC ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội 7 chân phước: Phaolô 6, Oscar Romero, Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Kasper, Nazaria Ignatia và sau cùng là Nunzio Sulprizio. Tóm lược 7 vị chân phước được xướng lên trong dịp này.
Tóm lược tiểu sử 7 vị thánh
1. Đức Phaolô 6 sinh cách đây 121 năm, và làm Giáo Hoàng trong 15 năm, từ 1963 đến 1978. Trong vô số các sáng kiến của ngài, có công trình tiến hành và áp dụng Công đồng chung Vatican 2, các chuyến tông du ở nước ngoài, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài qua đời lúc 81 tuổi tại Castel Gandolfo ngày 6-8 năm 1978 sau một thời gian rất ngắn bị bệnh và được phong chân phước cách đây 4 năm.
2. Vị chân phước thứ hai được phong thánh hôm qua là Đức TGM Oscar Arnulfo Romero Galdámez, sinh năm 1917 tại thành phố Barrios ở El Salvador. Thụ phong LM năm 25 tuổi và làm cha sở 25 năm tại thành phố Miguel. Năm 1970 khi được 53 tuổi, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận thủ đô San Salvador rồi 7 năm sau thăng TGM chính tòa tại đây. Thời đó El Salvdor bị nội chiến, phe cực hữu thi hành bạo lực chống những người yếu thế, giết hại các LM và giáo lý viên. Đức TGM Oscar Romero bênh vực các tín hữu và ngày 24-3 năm 1980, ngài bị đội quân tử thần của phe cựu hữu sát hại trong lúc dâng thánh lễ. Đức TGM được phong chân phước cách đây 3 năm (2015).
3. Vị chân phước thứ ba được tôn phong là cha Francesco Spinelli người Italia, sinh tại Milano năm 1853, thụ phong LM năm 22 tuổi. Cha sáng lập dòng các nữ tu Thờ Lạy Thánh Thể và làm bề trên Hội dòng này. Cha qua đời năm 1913 thọ 60 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.
4. Vị thứ tư là Chân phước Vincenzo Romano, thuộc giáo phận Napoli, nam Italia sinh năm 1751 và làm cha sở giáo xứ Torre del Greco. Giáo xứ này bị núi lửa Vesusio tàn phá hoàn toàn và cha đã tái thiết đẹp đẽ và khang trang hơn. Cha Romano quen được gọi là thánh Gioan Maria Vianney của Italia, đã giúp hồi sinh về vật chất và nhất là về tinh thần và luân lý cho cộng đoàn tín hữu. Cha qua đời năm 1831, thọ 80 tuổi và được phong chân phước năm 1963.
5. Thứ năm là Nữ chân phước Maria Caterina Kasper người Đức, sinh năm 1820, có sức khỏe mạnh mẽ và lao tác trong các công việc đồng áng và xây đường. Chị thành lập một dòng chuyên phục vụ những người nghèo khổ nhất trong xã hội, đó là dòng Nữ Tỳ nghèo của Chúa Giêsu Kitô. Dòng phát triển mạnh, vượt ra ngoài Âu Châu và lan tới Mỹ châu. Chị qua đời năm 1898 thọ 78 tuổi và được phong chân phước năm 1978.
6. Thứ sáu là nữ Chân phước Nazaria Ignazia sinh tại Madrid Tây Ban Nha năm 1889 và cùng gia đình di cư sang Nam Mỹ, gia nhập dòng các nữ tu săn sóc những người già bị bỏ rơi năm 1908 tại Bolivia. Về sau đứng trước tình trạng xã hội ngày càng bi thảm, chị lập dòng các nữ tu đạo binh thánh giá của Giáo Hội. Chị qua đời năm 1943 lúc 54 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong chân phước năm 1992.
7. Sau cùng là chân phước giáo dân Nunzio Sulprizio, người Italia, sinh năm 1817 và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà ngoại săn sóc, nhưng bà cũng qua đời. Nunzio được người cậu làm thợ rèn đưa về nuôi, nhưng ông cũng hành hạ cháu, đến độ Nunzio mắc bệnh lao xương. Được đưa tới nhà thương ở Napoli, tại đây anh được rước lễ lần đầu. Bệnh nặng thêm, Nunzio qua đời năm 1836 lúc mới được 19 tuổi. Lòng can đảm trong bệnh tật của anh trong tinh thần đức tin đã làm cho nhiều cảm phục. Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã tôn phong Nunzio Sulprizio lên bậc chân phước năm 1963.
Phong thánh
Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã long trọng đọc công thức lấy quyền tông đồ truyền ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh, tuyên dương đức tin Công Giáo và gia tăng đời sống Kitô.
Cộng đoàn vỗ tay hân hoan tạ ơn Chúa trong khi ca đoàn ca bài ”Hãy reo mừng, hát lên mừng Chúa”, và thánh tích của các vị tân hiển thánh được rước lên bàn thờ. Thánh tích của Thánh Phaolô 6 là chiếc áo thung mang máu của ngài khi bị mưu sát ở Manila, Philippines. Mộ của thánh nhân, theo di chúc, tiếp tục giữ nguyên tại hầm đền thờ Thánh Phêrô, thay vì được di chuyển lên tầng trên như trường hợp thánh Gioan 23 và Gioan Phaolô 2. Thánh tích của 5 vị thánh khác là một mẩu xương, còn thánh tích của thánh nữ Nazaria Ignazia là một ít tóc.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng, trích từ đoạn 10 theo thánh Marco, về người kia, vốn đã chu toàn việc tuân giữ các giới răn, hỏi Chúa xem phải làm gì để gia sản là cuộc sống đời đời, và trong câu trả lời Chúa Giêsu đòi người ấy đi xa hơn nữa:
”Chúa đòi người ấy tiến từ việc tuân giữ lề luật tới sự hiến thân, từ thái độ làm cho mình tới việc ở với Chúa. Và Chúa đưa ra một đề nghị sống thật là ”sắc bén”: ”Anh hãy bán tất cả những gì anh có, cho người nghèo [..] rồi đến đây theo tôi!” (v.21). Chúa Giêsu cũng nói với bạn: ”Hãy đến đây, theo tôi!”. Hãy đến, chứ đừng đứng nguyên, vì không làm gì xấu, vẫn chưa chủ để thuộc về Chúa Giêsu. Hãy theo tôi: đừng chỉ theo Chúa Giêsu khi bạn thấy là thích hợp, nhưng còn phải tìm Chúa mỗi ngày; đừng hài lòng với việc tuân giữ các giới răn, làm phúc bố thí một chút và đọc vài kinh; hãy tin nơi Ngài Vị Thiên Chúa luôn yêu mến bạn, tìm nơi Chúa ý nghĩa cuộc sống của bạn, sức mạnh để hiến thân.
Bán của cải cho người nghèo
Và Chúa Giêsu còn nói: ”Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo”. Chúa không đưa ra lý thuyết về nghèo khó và giàu sang, nhưng đi thẳng vào cuộc sống. Chúa đòi bạn hãy bỏ đi tất cả những gì làm cho tâm hồn bạn nặng nề, hãy loại khỏi bạn những của cải để dành chỗ cho Chúa, là điều thiện hảo duy nhất. Ta không thể thực sự theo Chúa Giêsu khi ta bị sự vật đè nặng. Bởi vì nếu tâm hồn bị tràn ngập của cải, thì sẽ không còn chỗ cho Chúa, Chúa bị coi như một đồ vật giữa các đồ vật khác. Vì thế, Chúa Giêsu nói, của cải giàu sang là nguy hiểm, làm cho ta khó được cứu độ. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khác, không phải vậy, vấn đề là từ phía chúng ta: chúng ta có quá nhiều, ước muốn quá nhiều bóp nghẹt tâm hồn và làm cho chúng ta không còn khả năng yêu mến. Vì thế thánh Phaolo nhắc nhớ rằng ”Sự ham hố tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi nào người ta đặt tiền bạc ở trung tâm chỉ không có chỗ cho Thiên Chúa và cũng chẳng có chỗ cho con người”.
Buồn sầu vì bám víu của cải
Trước câu trả lời và yêu cầu của Chúa Giêsu, người ấy ra đi, buồn sầu (v.22). Người ấy đã thả neo nơi các giới răn và nhiều của cải, nên không muốn dâng hiến tâm hồn. Tuy đã gặp Chúa Giêsu và được cái nhìn yêu thương của Chúa, nhưng anh ta ra đi buồn sầu. Sự sầu muộn là bằng chứng về tình yêu không trọn vẹn. Đó là dấu chỉ một con tim nguội lạnh. Trái lại một tâm hồn được thảnh thơi khỏi của cải, tự do yêu mến Chúa, thì luôn tỏa lan niềm vui, niềm vui mà ngày hôm nay chúng ta rất cần. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 đã viết: Chính nơi trọng tâm những lo âu của con người ngày nay mà họ đang cần được biết niềm vui, cần nghe thấy tiếng ca của Chúa” (Tông huấn Gaudete in Domino, I). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui là cuộc gặp gỡ với Chúa, can đảm chọn lựa rủi ro để theo Chúa, thích từ bỏ cái gì đó để sống theo Chúa. Các thánh đã bước theo con đường đó.
ĐTC áp dụng vào cuộc đời 7 vị thánh mới:
Đức Phaolo 6 đã làm như thế, noi gương thánh Tông Đồ mà ngài nhận tên hiệu. Như thánh Phaolô, Người đã hiến thân vì Tin Mừng của Chúa Kitô, vượt qua các biên cương mới và trở thành chứng nhân của Chúa trong việc loan báo và trong cuộc đối thoại, thành vị ngôn sứ của một Giáo Hội hướng ngoại, nhìn đến những người ở xa và chăm sóc người nghèo. Cả trong những cơ cực và giữa những hiểu lầm, Đức Phaolô 6 đã say mê làm chứng về vẻ đẹp và niềm vui được hoàn toàn theo Chúa Giêsu. Ngày nay Ngài còn nhắn nhủ chúng ta, cùng với Công Đồng mà Ngài là người hướng dẫn khôn ngoan, hãy sống ơn gọi chung của chúng ta, ơn gọi mên thánh chung của tất cả mọi người. Không phải sống nửa chừng, nhưng là nên thánh.
Thật là đẹp vì cùng với Đức Phaolô 6 và các vị thánh nam nữ ngày hôm nay, có Đức Cha Romero, ngừơi đã từ bỏ an ninh trần thế, và chính an ninh của bản thân, để hiến mạng sống theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và dân của mình, với tâm hồn được Chúa Giêsu và các anh chị em thu hút. Cũng vậy chúng ta có thể nói về Cha Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Caterina Kasper, Nazaria Ignazia Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu và Nunzio Sulprizio. Tất cả các vị thánh này, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã diễn tả bằng cuộc sống Lời Chúa hôm nay, không chút nguội lạnh, không tính toán, nhưng với lòng nhiệt thành chấp nhận rủi ro và từ bỏ. Xin Chúa giúp chúng ta noi gương các ngài.
Phần cuối của thánh lễ
Thánh lễ được tiếp tục theo nghi thức thường lệ và trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Hội Thánh, các tin hữu Kitô bị bách hại, cho những người trẻ đang tìm ơn gọi, cho các đôi vợ chồng trẻ và đặc biệt bằng tiếng Hoa, mọi người cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính quyền.
Trong phần rước lễ, 350 LM và Phó tế được giao phó nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa.
Cuối thánh lễ, ĐTC cùng mọi người đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ. Trong dịp này ngài cám ơn các HY và rất đông đảo các GM và LM đến tự các nơi trên thế giới, và ngài không quên chào thăm và cám ơn các phái đoàn của các chính phủ đến dự lễ, đặc biệt là Hoàng thái hậu Sofia, Tổng thống Italia, Chile, El Salvador và Panama, và phái đoàn Anh giáo do Đức TGM Rowan Williams hướng dẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét