label

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU, THÁNH GIUSE LÀ CHA CHÚNG TA


CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU, THÁNH GIUSE LÀ CHA CHÚNG TA
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Đấng trông nom Chúa Cứu Thế dạy: “Chúng ta hãy phó thác chính mình để được Thánh Giuse chăm sóc, người mà Thiên Chúa tin tưởng phó thác những kho tàng vĩ đại và quí báu nhất, đồng thời hãy học hỏi nơi Người cách làm đầy tớ phục vụ trong nhiệm cục cứu rỗi. Mong Thánh Giuse trở thành người thầy đặc biệt dạy chúng ta phục vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Kitô, một sứ mạng mà mỗi người chúng ta và mỗi thành viên của Giáo Hội đều có trách nhiệm: vợ, chồng, cha mẹ, những người sinh sống bằng lao động chân tay hay bất cứ công việc gì, những người được gọi vào đời sống chiêm niệm và những ai làm việc tông đồ” (số 32).
Vâng lời vị Cha chung, chúng ta tìm những lý lẽ thích hợp nhất, giúp chúng ta noi gương đời sống thánh Giuse mà sống đẹp lòng Chúa, xứng danh là người được Chúa Kitô cứu chuộc.
Chúa Giêsu gọi thánh Giuse là Cha.
Một trong các lời kinh dâng kính thánh Giuse được Hội Thánh tuyên xưng: “Dưới dòng họ của Ngài (thánh Giuse), Con Thiên Chúa làm người thuộc hoàng tộc Đavit đã âu yếm gọi Ngài là Cha”.
Ngay trang đầu tiên của Tin Mừng, “Gia phả của Chúa Giêsu”, thánh Mathêô khéo léo cho thấy Chúa Giêsu là “con” của thánh Giuse: “Giacob sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16).
Bởi thánh Giuse chỉ là người được chỉ định dưỡng nuôi Chúa Giêsu, thánh Mathêô “đành” phải “rẽ ngang” gia phả để nhắc đến Đức Mẹ và gọi Đức Mẹ là “mẹ Đức Giêsu”. Sự khéo léo này như ám chỉ: Chúa Giêsu không được sinh ra từ thánh Giuse, nhưng vẫn là dưỡng tử của thánh Giuse, mang danh dòng họ thánh Giuse. Ngay từ thuở thiếu thời, Chúa Giêsu đã được thánh Giuse thương yêu như người con của mình.
Ngay cách đặt tên cho phần đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mathêô: “Gia phả Đức Giêsu Kitô”, Hội Thánh cũng đã kín đáo nhìn nhận Chúa Giêsu chọn cho mình một dòng tộc, một người cha, một mái gia đình để sinh ra làm người.
Kể từ đó, Tin Mừng không ngừng nhắc đi nhắc lại vai trò làm con của thánh Giuse, thuộc dòng tộc Đavit, mà Chúa Giêsu đảm nhận: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Mt 13,55Lc 3,23; 4, 22). “Con vua David” (Mt 9, 27; 21, 9; Mc 12, 35).Chúa Giêsu đã không bao giờ hổ thẹn vì những lời mà người đương thời của Chúa gán cho: Con của bác thợ mộc Giuse.
Truyền thống Hội Thánh vẫn tin rằng, thánh Giuse được Chúa thánh hóa trước khi sinh ra, vì Chúa đã chọn thánh nhân làm cha nuôi của Con Chúa. Bởi: “Khi Thiên Chúa muốn tuyển chọn ai, để nhận lãnh một ơn gọi đặc biệt, hoặc một chức phận cao sang, Chúa luôn ban những ân sủng cần thiết cho người được tuyển chọn để thi hành ơn gọi hay sống chức vụ của mình. Ân sủng của Chúa sẽ tô điểm rất đầy đủ cho người được tuyển chọn ấy” (thánh Bênađô thành Siêna, sách đã dẫn trang 124).
Hội Thánh tin như thế, vì điều đó không đi ngược những gì Thánh Kinh đã cho biết về thánh Giuse. Bởi địa vị của thánh Giuse quá cao trọng: Người được coi là cha của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Người là bạn của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Từ đời đời, Thiên Chúa đã tuyển chọn thánh Giuse làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Người là Đấng gìn giữ Con Thiên Chúa và gìn giữ gia đình thánh tại Nagiareth. Chúa Giêsu là cả kho tàng ơn cứu độ loài người, vì thế, hiểu một nghĩa hạn hẹp nào đó, khi gìn giữ Chúa Giêsu, thánh Giuse cũng là Đấng bảo hộ kho tàng ơn cứu rỗi của chúng ta.
Dù quyền cao chức trọng là thế, nhưng thánh Giuse lại sống âm thầm, giản dị, không khoe khoang, nhưng khiêm nhường rất mực. Đặc biệt, thánh nhân đề cao đức vâng lời trong suốt đời mình. Một lòng vâng theo thánh ý Chúa đến cùng.
Qua tất cả những lần Thánh Kinh đề cập như: đón nhận Đức Trinh Nữ làm bạn trăm năm của mình (x.Mt 1, 18-25); đưa con trốn sang Aicập và lại đưa con trở về sau khi nguy hiểm đi qua (x.Mt 2, 13-23); khi con cử hành nghi lễ cắt bì (x.Lc 2, 21); dâng con trong đền thờ (x.Lc 2, 22-38); tìm và gặp trong đền thờ (x.Lc 2, 41-49)… cho thấy đức vâng lời của thánh Giuse là một nhân đức tuyệt hảo, đáng là chuẩn mực cho sự vâng lời của chúng ta.
Chúng ta không biết ngày qua đời của thánh Giuse. Có lẽ thánh nhân qua đời trước cuộc thương khó của Chúa Giêsu, vì nếu không, thánh Giuse, một người cha đầy từ tâm, lân tuất, chắc chắn đã hiện diện, đã được Tin Mừng nhắc đến trong biến cố đau thương này. Và nếu có thánh Giuse bên cạnh, có lẽ Chúa không trối Đức Maria cho thánh Gioan (?).
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG


CHÚC MỪNG BỔN MẠNG HAI ĐỨC CHA, CHA PHÓ, HAI CỐ NHÀ HƯU DƯỠNG

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG HAI ĐỨC CHA, CHA PHÓ, HAI  CỐ NHÀ HƯU DƯỠNG
Kính dâng lẵng hoa chúc mừng


Hôm nay ngày 19-03 lễ Thánh Cả GIUSE 
bổn mạng của hai Đức cha 
Giuse Trần Văn Toản Giám mục chính tòa Long Xuyên
Giuse Trần Xuân Tiếu Nguyên Giám mục chính tòa Long Xuyên
Cha Phó giáo xứ Cần Xây Giuse Nguyễn Đức Thịnh
và hai cha cố nhà hưu dưỡng:
Toàn thể giáo dân Giáo xứ Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng hai Đức Cha, Cha phó, quí cố, nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để hai Đức cha, Cha phó, quí cố giúp Giáo phận, Giáo xứ ngày càng đi lên. Chúng con cầu nguyện thật nhiều cho hai Đức cha, Cha phó, quí cố trong thánh lễ kính Thánh Giuse và cả ngày hôm nay
                                                            Giáo dân Cần xây

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

BẠN CÓ BẬN LẮM KHÔNG, MA QUỈ ĐANG ĐÁNH VÀO SỰ BẬN RỘN CỦA BẠN


BẠN CÓ BẬN LẮM KHÔNG, MA QUỈ ĐANG ĐÁNH VÀO SỰ BẬN RỘN CỦA BẠN 
Satan mở cuộc hội nghị thế giới. Nó khai mạc bằng cách ngỏ lời với đám ác thần đang vây quanh xúm xít đông đảo. Nó bảo:
“Chúng ta không thể nào ngăn cản bọn Kitô hữu đi Nhà Thờ. Chúng ta không thể ngăn cản họ đọc Kinh Thánh và biết được chân lý. Chúng ta cũng không thể ngăn cản chúng tạo ra một mối tương quan thân mật với Đức Kitô … Nhưng nếu họ liên lạc được với Đức Giêsu, quyền lực của chúng ta đối với họ sẽ tiêu tan!
Vì vậy, hãy cứ để cho bọn họ đi Nhà Thờ, để cho bọn họ giữ nếp sống riêng, nhưng chúng ta nhất quyết cướp lấy hết thời giờ của chúng, để chúng không thể có được mối tương quan thân mật với Đức Kitô.
Đấy là điều ta muốn các ngươi phải làm, hỡi các ác thần đáng kinh tởm của ta! Hãy làm cho bọn họ xao nhãng việc tiếp xúc với Đấng Cứu Độ chúng và không tài nào giữ được mối liên lạc ấy suốt cả ngày!”
Đám ác thần nhao nhao lên: “Vậy chúng tôi phải hành động thế nào để làm được như thế?”. Satan liền trả lời một cách nham hiểm:
“Hãy làm cho bọn họ bận rộn với những điều không thiết yếu trong cuộc đời và tạo ra thật nhiều chương trình để cho đầu óc họ không rảnh rỗi. Hãy xúi giục họ tiêu xài, tiêu xài, tiêu xài rồi kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền …
Hãy thuyết phục các bà vợ đi làm nhiều giờ và các ông chồng đi làm 6, 7 ngày mỗi tuần, từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, để họ có thể thoải mái sống cái cuộc sống trống rỗng của họ. Hãy ngăn cản họ dành thời giờ cho con cái…”
“Khi vợ chồng con cái ly tán thì chẳng bao lâu gia đình sẽ bị công việc gây áp lực! Hãy kích thích tâm trí họ tối đa, để họ không còn có thể nghe ra tiếng nói êm dịu, nhỏ nhẹ kia…”
BẠN CÓ BẬN LẮM KHÔNG?
“Hãy khuyến khích họ mở máy radio hoặc cassette khi họ lái xe đi làm. Hãy để cho ti-vi, đĩa hình, đĩa nhạc và máy tính chạy suốt cả ngày trong nhà. Và làm sao cho các cửa tiệm và nhà hàng liên tục trổi lên những bản nhạc xa rời Kinh Thánh. Điều này sẽ làm cho đầu óc của họ bận rộn và cắt đứt được hoàn toàn mối liên lạc với Đức Kitô …”
“Hãy đặt trên bàn ăn sáng tất cả các tạp chí và nhật báo. Hãy chất đầy đầu họ với tin tức 24 giờ một ngày. Hãy làm ngập những giờ phút lái xe của họ với các bản quảng cáo. Hãy đổ tràn vào hộp thư họ những bức thư tào lao, những giấy đặt hàng, bảng cá cược, và mọi loại thư khuyến mãi tiếp thị các loại sản phẩm và dịch vụ miễn phí, cùng với những niềm hy vọng hão…”
“Hãy đặt các người Mẫu mảnh mai và xinh đẹp trên bìa những tạp chí để cho các ông chồng tin rằng, sắc đẹp ngoại hình là điều quan trọng, và họ sẽ chán ngấy bà vợ của mình. A ha!! Điều này sẽ làm cho các gia đình tan vỡ thật nhanh chóng!”
“Ngay cả trong các cuộc giải trí của họ, hãy biến chúng thành quá đà. Hãy làm cho họ đi nghỉ cuối tuần về nhà mệt nhừ, bất an và không sẵn sàng bắt đầu một tuần làm việc mới…”
“Đừng để họ đến với thiên nhiên để nhìn ngắm các kỳ quan của Chúa. Hãy đưa họ đến các công viên giải trí, các sòng bạc, các hoạt động thể thao, các nơi hòa nhạc và chiếu phim. Hãy làm cho họ bận rộn, bận rộn thật bận rộn!”
Và khi họ gặp nhau để chia sẻ tâm linh, hãy chuyền vào những lời nói xấu và tiếng to tiếng nhỏ để họ ra về với lương tâm bất ổn và tình cảm bất an…”
Tiến lên đi, hãy để cho họ dấn thân vào việc cứu vớt các linh hồn. Nhưng hãy đổ vào cuộc đời họ thật nhiều thiện ý đến độ họ không còn thì giờ tìm kiếm sức mạnh nơi Đức Kitô. Chẳng bao lâu, họ sẽ hoạt động bằng sức lực của chính mình, và rồi họ sẽ hy sinh sức khỏe và gia đình để phục vụ mục đích ấy. Biện pháp này hiệu quả đấy, hiệu quả lắm!”
Đấy chỉ là một cuộc hội nghị. Và bọn ác thần hăng say chia tay ra về với nhiệm vụ là làm cho các Kitô hữu khắp nơi bận rộn, thật là bận rộn, quá đỗi bận rộn, phải chạy từ nơi này đến nơi khác …
Tôi đoán là… Các bạn sẽ đặt câu hỏi: “Liệu ma quỷ có thành công trong chương trình của chúng vừa đưa ra ở trên không?” Bạn hãy tự xét lấy nhé!
Bản dịch của Trần Duy Nhiên
Trích: Nối Lửa Cho Đời - Phụng Vụ
(Lm.Lê Quang Uy DCCT Sưu tầm và biên soạn)

THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG 20 NĂM GIÁM MỤC CỦA ĐỨC CHA GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU

THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG 20 NĂM GIÁM MỤC
CỦA ĐỨC CHA GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU

Sáng nay ngày 16/03/2019, quý cha trong linh mục đoàn giáo phận cùng quý tu sĩ nam nữ và một số ít cộng đoàn dân Chúa đã quy tụ về nhà thờ chánh tòa Long Xuyên để cùng dâng lễ tạ ơn với Đức cha Cố Giuse Trần Xuân Tiếu nhân kỷ niệm 20 năm ngài được tấn phong giám mục, 45 năm linh mục và mừng thọ 75 tuổi.


Thánh lễ được tổ chức trong tinh thần đơn sơ và khiêm tốn: không khách mời, không nghi lễ rềnh rang... Mở đầu thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Luy. G Huỳnh Phước Lâm đã thay mặt cho Đức cha giáo phận và anh em linh mục đoàn cũng như mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cám ơn Đức cha Cố Giuse đã lèo lái con thuyền giáo phận trong suốt 20 năm qua. Dựa vào bức tâm thư của Đức cha Cố Giuse trong dịp ngài được ĐGH Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm, cha Tổng Luy đã khơi lại tâm tình của Đức cha Cố như sau: Trong suốt 20 năm phục vụ giáo phận trên cương vị là giám mục, Đức cha đã cố gắng chu toàn bổn phận của mình bằng việc trung thành với giáo huấn của giáo hội, tuân phục Đức Thánh Cha, và thánh hóa bản thân mình qua các trọng trách và sứ mạng mà giáo hội đã ủy thác. Vâng, đúng là Đức cha Cố đã hết lòng với giáo phận và hôm nay Đức cha Cố đã được nghỉ ngơi nhưng xin Đức cha vẫn cứ tiếp tục phục vụ giáo phận với khả năng của Đức cha nhất là qua lời cầu nguyện và thánh lễ Đức cha dâng mỗi ngày. Trong dịp này, Cha Tổng cũng cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương và quan phòng, Người không để cho giáo phận có giây phút nào bị trống tòa. Xin  cám ơn Đức cha giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã thưa 2 tiếng xin vâng để tiếp tục sứ mạng coi sóc đàn chiên giáo phận, một sứ mạng rất cao cả nhưng cũng rất nặng nề. Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse luôn gìn giữ 2 Đức cha trong bình an.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã nhấn mạnh đến khía cạnh xây dựng cộng đoàn trong thầm lặng. Ngài đã mượn hình ảnh của Thánh Giuse để triển khai ý tưởng này: thầm lặng thưa 2 tiếng xin vâng; thầm lặng thực thi ý Chúa; thầm lặng làm việc để xây dựng cộng đoàn Nagiarét…và ngay cả Đức Giesu cũng thực thi con đường thầm lặng này trong sứ vụ của Ngài. Giáo phận Long Xuyên với các Đức cha tiền nhiệm cũng đã và đang xây dựng cộng đoàn giáo phận bằng lối sống thầm lặng. Và hôm nay, khi Đức cha Cố Giuse về hưu thì ngài cũng sẽ đi vào con đường này để tiếp tục phục vụ giáo phận.

Cuối thánh lễ, Đức cha Cố Giuse cám ơn quý cha và mọi thành phần dân Chúa đã luôn nâng đỡ và yêu thương ngài trong suốt những năm qua, thì xin tiếp tục cầu nguyện và yêu thương ngài trong quãng đời còn lại. Cộng đoàn giáo phận chia vui cùng Đức cha trong sự kiện rất ý nghĩa và trọng đại này, và mong Đức cha luôn sống trong bình an trong tuổi già.









đau khổ trong cuộc sống là bước cần thiết nhưng chỉ tạm thời

ĐTC Phanxicô: đau khổ trong cuộc sống là bước cần thiết nhưng chỉ tạm thời

Cuộc Biến hình của Chúa Kitô tỏ cho chúng ta thấy chiều kích Kitô giáo của đau khổ: nó là bước cần thiết nhưng chỉ là tạm thời. Đích đến của hành trình dương thế là nơi đầy ánh sáng như gương mặt của Chúa Kitô biến hình: nơi Chúa có ơn cứu độ, có mối phúc, có ánh sáng, có tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa.
Hồng Thủy - Vatican
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 17.03, ĐTC Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu đã cho 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy Chúa biến hình, được nếm hưởng trước vinh quang Phục sinh, để giúp họ chịu đựng biến cố khổ nạn và cái chết đau thương của Người. ĐTC nhắc rằng các khó khăn, thử thách và đau khổ đều tìm được giải pháp khắc phục trong cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. 
Huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến,
Trong ngày Chúa nhật thứ II mùa Chay này, phụng vụ muốn chúng ta chiêm ngắm biến cố Chúa biến hình; trong biến cố này, Chúa Giêsu cho các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được cảm nếm trước vinh quang Phục sinh: điều thuộc về thiên giới nhưng xảy ra trên trần gian. Thánh sử Luca (x. 9,28-36) trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biến hình trên núi, nơi của ánh sáng; Chúa biến hình là một biểu tượng có sức thu hút về một kinh nghiệm đặc biệt được dành riêng cho ba môn đệ.
Ba môn đệ lên núi với Thầy của mình; họ nhìn thấy Người chìm đắm trong cầu nguyện và “dung mạo Người bỗng đổi khác” (c. 29). Đã quen nhìn thấy Người hàng ngày trong dáng vẻ đơn giản của con người, nay đứng trước sự huy hoàng mới, bao trùm toàn bộ con người của Chúa, họ bị kinh ngạc. Và Môsê và Elia xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu; họ nói với Người về cuộc “xuất hành” mà Người sắp thực hiện, nghĩa là cuộc Vượt qua cái chết và sống lại. Bấy giờ, Phêrô thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!” (c. 33). Ông muốn rằng giây phút ân sủng đó không bao giờ kết thúc!
Thập giá là con đường đưa đến sự sống vĩnh cửu
Biến cố Biến hình xảy ra vào thời điểm cụ thể trong sứ mệnh của Chúa Kitô, nghĩa là sau khi Người đã cho các môn đệ biết rằng Người phải “chịu đau khổ nhiều, … bị giết chết và sống lại vào ngày thứ ba” (c. 21). Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ không chấp nhận thực tế này và do đó Người muốn chuẩn bị cho họ chịu đựng biến cố đau thương về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa trên thập giá, để họ biết rằng đây là con đường mà qua đó Cha trên trời sẽ đưa Người Con được tuyển chọn của Người đến vinh quang, khi làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Và đây sẽ cũng sẽ là con đường của các môn đệ: không ai đạt đến sự sống vĩnh cửu nếu không theo Chúa Giêsu bằng cách vác lấy thập giá trong cuộc sống dương thế.
Đau khổ là giai đoạn cần thiết nhưng chỉ là tạm thời
Do đó, cuộc Biến hình của Chúa Kitô tỏ cho chúng ta chiều kích Kitô giáo của đau khổ: nó là giai đoạn cần thiết nhưng chỉ là tạm thời. Điểm đến mà chúng ta được mời gọi đến thì đầy ánh sáng như gương mặt của Chúa Kitô biến hình: nơi Người có ơn cứu độ, có mối phúc, có ánh sáng, có tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa. Khi bày tỏ vinh quang của Người, Chúa Giêsu trấn an chúng ta rằng thập giá, những thử thách, các khó khăn mà chúng ta gặp phải, đều có giải pháp và cách khắc phục trong cuộc Vượt qua của Người. Vì thế trong Mùa Chay này, cả chúng ta cũng đi lên núi với Chúa Giêsu! Bằng cách nào? Bằng cầu nguyện. Chúng ta hãy dừng lại suy tư trong một vài khoảnh khắc, hãy đắm chìm trong nội tâm vào gương mặt của Chúa và để cho ánh sáng của Người bao phủ chúng ta và tỏa chiếu trong cuộc đời của chúng ta.
Qua cầu nguyện, chúng ta được biến đổi
Thực tế là thánh sử Luca khẳng định rằng Chúa Giêsu đã biến hình "trong khi Người đang cầu nguyện" (c 29). Người đã đắm chìm trong cuộc trò chuyện mật thiết với Chúa Cha, trong đó cũng gợi lại Lề Luật và các Ngôn sứ - Môsê và Êlia – và trong khi Người hoàn toàn tuân theo thánh ý cứu độ của Chúa Cha, bao gồm cả thập giá, vinh quang của Thiên Chúa bao phủ Người và biến đổi cả diện mạo bên ngoài. Và cũng thế: lời cầu nguyện trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần biến đổi con người từ bên trong và có thể chiếu sáng tha nhân và thế giới xung quanh.
Chúng ta hãy tiếp tục hành trình Mùa Chay với niềm vui. Chúng ta hãy dành thời gian cho cầu nguyện và cho Lời của Chúa mà phụng vụ chuẩn bị cho chúng ta rất nhiều trong những ngày này. Xin Đức Trinh nữ Maria dạy chúng ta ở lại với Chúa Giêsu cả khi chúng ta không hiểu và không cảm nhận được những con đường của Người. Bởi vì chỉ khi ở lại với Người chúng ta mới nhìn thấy vinh quang của Người.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Điện thoại trong nhà thờ giống như có Satan cất giấu trong túi của bạn

Điện thoại trong nhà thờ giống như có Satan cất giấu trong túi của bạn



Tổng Giám mục than phiền rằng các bạn trẻ không ngừng gửi tin nhắn ngay cả khi họ đang cầu nguyện.
 
 
Người Công Giáo nên giữ chay một giờ bằng việc tắt đi điện thoại thông minh của họ khi ở nhà thờ trong Mùa Chay, Tổng Giám mục thành phố Lahore đã nói.
Tổng Giám mục Sebastian Shaw kêu gọi “một giờ ăn chay bằng cách tắt đi điện thoại thông minh để tránh chia trí khi tham dự 14 chặng đàng Thánh giá và Thánh lễ Chúa Nhật”.
“Điện thoại di động giống như có Satan cất trong túi của bạn khi bạn đến nhà thờ”, ngài nói thêm.

Theo AsiaNews, Tổng giám mục nói rằng những người Pakistan trẻ tuổi đang trở nên nghiện ngập vì điện thoại của họ. “Những người trẻ cứ liên tục gửi tin nhắn ngay cả khi họ đang cầu nguyện”, ngài nói.
Đáng lẽ họ nên sử dụng Mùa Chay để “xem xét đời sống và từ bỏ những thói quen và hành vi làm gia tăng khoảng cách giữa họ. Hãy đứng vững trước cơn cám dỗ”.

Giám mục Samson Shukardin của thành phố Hyderabad đã đồng ý với Tổng Giám mục Shaw. “Mặc dù nó là một nguồn thông tin tuyệt vời trong lòng bàn tay, nhưng việc sử dụng điện thoại di động không kiểm soát là mối nguy hiểm nhất đối với người trẻ. Chẳng hạn, làn sóng có hại và gây ung thư; một số người sử dụng nó vì những lý do xấu và nó có thể phá hủy các gia đình”.

Lm. Phan Du Sinh, OFM 
(vietcatholic 12.03.2019/ Catholic Herald)


Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi buồn của ngài với các linh mục Rôma

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi buồn của ngài với các linh mục Rôma






Theo một truyền thống khi bắt đầu Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma hôm thứ Năm 7 tháng Ba. Trong dịp này ngài trình bày những suy tư về cách thế tội lỗi làm biến dạng Giáo hội, và khích lệ các linh mục nhìn về tương lai với lòng tự tin nơi ơn quan phòng của Chúa.

Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng giáo sĩ của giáo phận Rôma trong những ngày đầu tiên của Mùa Chay, như thường lệ, đã diễn ra tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ chính tòa của Đức Thánh Cha trong cương vị Giám Mục Rôma.

Sau khi cử hành nghi thức sám hối, cùng với Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu cuộc gặp gỡ với việc giải tội cho một số linh mục, và lắng nghe một bài suy niệm Mùa Chay do chính Đức Hồng Y De Donatis thuyết giảng.

Khác với những năm trước, Đức Thánh Cha đã bỏ qua phần hỏi đáp với các linh mục Rôma. Nhưng Đức Thánh Cha đã có một bài phát biểu dài trong đó ngài xen kẻ giữa bản văn được soạn sẵn với những phát biểu ứng khẩu của mình. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến những đau đớn gây ra bởi những tai tiếng lạm dụng tính dục đang làm rung chuyển Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã chia sẻ nỗi buồn của chính ngài với hàng giáo sĩ Rôma như “những nỗi đau và sự trừng phạt không thể chịu đựng nổi mà làn sóng những tai tiếng đầy rẫy trên báo chí toàn thế giới, đang gây ra trong toàn bộ cơ thể giáo hội”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng đã có những lời hy vọng và khích lệ cho các giáo sĩ khi ngài nói rằng “Chúng ta đừng nản lòng, Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người. Chúa đang hoán cải tất cả chúng ta để quay về với Người. Ngài đang đưa chúng ta vào thử thách để chúng ta hiểu rằng không có Người chúng ta chỉ là tro bụi. Ngài đang ra tay cứu chúng ta khỏi thói giả hình, khỏi thứ tâm linh bề ngoài. Ngài đang thổi Thần Khí của Ngài ‘để khôi phục lại vẻ đẹp cho Hiền Thê của mình’”.

Ma quỷ đứng sau các tai tiếng lạm dụng tính dục

Đức Thánh Cha nói ngài tin rằng “ý nghĩa thực sự của những gì đang xảy ra có thể tìm thấy nơi tinh thần của quỷ dữ, nơi kẻ thù đang hành động như thể nó là chủ nhân của thế giới này.”

Ngài than thở rằng tội lỗi làm biến dạng Giáo Hội khiến chúng ta phải sống “với nỗi buồn và kinh nghiệm nhục nhã khi chúng ta hoặc một trong những linh mục hoặc giám mục anh em của chúng ta rơi vào vực thẳm không đáy của tội lỗi, băng hoại, hoặc còn tệ hơn nữa là tội ác phá hủy cuộc sống của người khác.” 

Hãy đặt Chúa trở lại trung tâm

Vào đầu Mùa Chay, “là thời gian của ân sủng, chúng ta hãy đặt Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì. Ngài phải là trung tâm,” Đức Thánh Cha nói.

Ngài đã kêu gọi các linh mục hướng về Chúa “mặt đối mặt” vì “Chúa biết sự trần truồng đáng xấu hổ của chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói thêm với các linh mục rằng Chúa biết sự trần truồng đáng xấu hổ của chúng ta, nhưng Ngài không bao giờ mệt mỏi sử dụng chúng ta để trao ban cho mọi người ơn hòa giải. “Chúng ta là những tội nhân rất bi đát, nhưng Chúa dùng chúng ta để cầu thay nguyện giúp cho anh chị em của chúng ta là những người chúng ta có nhiều điều phải cầu xin họ tha thứ.”

Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu các linh mục duy trì “một cuộc đối thoại trưởng thành với Chúa” và lo lắng cho dân được trao phó cho chính các ngài và tránh khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa là khuynh hướng nói rằng “đây là dân của tôi”. Vâng, đó là dân của anh em nhưng “chỉ là được ủy nhiệm thôi”, Đức Thánh Cha giải thích. “Dân không phải là dân của chúng ta, họ thuộc về Chúa”.

Năm thánh 2025

Vào cuối cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma, Đức Thánh Cha đã đề cập đến năm thánh 2025, được đánh dấu bằng những suy tư trích từ Sách Xuất hành, như là “một mô hình để chuyển từ dân tứ tán thành một dân tộc”.

Đức Thánh Cha cũng đã ca ngợi một sáng kiến của giáo phận Caritas địa phương mang tên “Thiên đường thế nào, đường phố cũng nên như thế”, đó là một tuần dành riêng cho việc bác ái cho người nghèo và người vô gia cư bắt đầu từ ngày 31 tháng 3 và kéo dài đến ngày 6 tháng 4.
Đặng Tự Do (VCN)

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Tàu bệnh viện “ĐTC Phanxicô” tại vùng Amazzonia

Tàu bệnh viện “ĐTC Phanxicô” tại vùng Amazzonia

Con tàu bệnh viện đi dọc theo khu vực sông Amazzonia, mang theo các bác sĩ, thuốc men, chăm sóc cho các cộng đồng bản địa ở những vùng có địa hình khó khăn.
Ngọc Yến - Vatican
Con tàu sẽ không đến kịp như một món quà dành cho Đức Giáo Hoàng nhân kỷ niệm sáu năm giáo hoàng như mong muốn của những người có sáng kiến này, nhưng đối với Thượng hội đồng về Amazzonia vào tháng 10, "con tàu bệnh viện ĐTC Phanxicô" có một ý nghĩa đặc biệt. Nó sẽ lướt trên vùng sông nước của Amazzonia mang theo các bác sĩ, thuốc men để chăm sóc cho các cộng đồng bản địa có địa hình khó tiếp cận.
Hiệp hội Thánh Phanxicô Assisi và Tu huynh Francisco Belloti cổ vũ dự án cho biết buổi ra mắt đã được lên kế hoạch vào tháng 3, nhưng vì đây là một dự án táo bạo đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các kỹ sư có trách nhiệm để tất cả mọi thứ có thể được thực hiện an toàn nên cần nhiều thời gian hơn. Như thế với sự hỗ trợ của Hải quân Brazil, con tàu bệnh viện dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 6 năm nay.
Như vậy, trong khi các Thượng phụ tụ hợp ở Rôma cho Thượng hội đồng Amazzonia thì con tàu bệnh viện ĐTC Phanxicô thực hiện cuộc hành trình đến các ngôi làng nằm rải rác bên bờ sông lớn, nơi điều kiện sức khỏe của người dân bấp bênh và việc tiếp cận với mạng lưới chăm sóc sức khỏe khó khăn.
Nguồn gốc sáng kiến bắt nguồn từ Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2013 tại Rio de Janeiro, nơi cũng đánh dấu sự khởi đầu của Giáo hoàng người Argentina mà con tàu được dành tặng cho Ngài. Cộng đoàn thánh Phanxicô cho biết về ý tưởng của dự án: "Chúng tôi đã vinh dự được đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại bệnh viện của chúng tôi, nơi Ngài đã hỏi Tu huynh Francisco rằng chúng tôi đã hiện diện ở Amazzonia. Câu trả lời là ‘Không!’. Ngay lập tức Đức Thánh Cha nói: ‘Vậy thì anh em phải đi’. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng vâng lời với tình yêu lớn lao chăm sóc hai bệnh viện ở Óbidos và Juruti tại khu vực Amazzonia. Bước đầu tiên đó đã nảy sinh một nhu cầu khác: Chúng tôi nhận ra rằng người dân sống bên bờ sông gặp khó khăn khi đến bệnh viện, do đó, ý tưởng về một bệnh viện, có thể nói như Giáo hoàng muốn một Giáo hội đi ra đến với những ai không thể di chuyển đã hình thành”.
Con tàu bệnh viện dài 35 mét, nó sẽ đưa 20 nhân viên y tế và đoàn thủy thủ gồm 10 người thi hành sứ vụ kéo dài mười ngày. Các nhân viên y tế là các bác sĩ tình nguyện và các nhân viên của các khoa khác nhau ở Brazil với những thỏa thuận đã được ký kết. Tàu bệnh viện sẽ cung cấp hỗ trợ y tế về phụ khoa, nhi khoa, tiết niệu, nhãn khoa, tim mạch, da liễu và thậm chí nha khoa, ước tính cho 700 nghìn người sống ở 12 đô thị phân bố dọc theo hàng ngàn km của Amazzonia.
Nghịch lý thay, các nguồn lực để xây dựng con tàu đến từ một quá trình ngược đãi môi trường và thiệt hại cho sức khỏe. Theo Cộng đoàn thánh Phaxicô số tiền cho dự án đến từ phần «Bồi thường thiệt hại tập thể về ô nhiễm môi trường ở thành phố Paulínia, thuộc bang San Paolo». Một vụ kiện được gọi là "Case Basf / Shell" đã kết thúc vào tháng 4 năm 2013 với việc tuyên án hơn 200 triệu đô la đối với tập đoàn hóa chất Đức Basf và công ty dầu lửa Anh-Hà Lan Shell cho các thiệt hại và bồi thường tập thể đối với nhân viên tiếp xúc với các chất độc hại trong một nhà máy thuốc trừ sâu cũ từ năm 1977 đến 2002.
Một phần của ngân sách đền bù sau đó đã được phân bổ cho các dự án tài chính trong lĩnh vực y tế, trong đó con tàu bệnh viện là một trong những dự án chính. Cũng theo cộng đoàn Thánh Phanxicô: "Hiện nay chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các cơ quan chính phủ, trường đại học, công ty và các tổ chức quốc tế cùng tham gia với chúng tôi trong dự án này và thu thập các nguồn lực để tiếp tục các sứ vụ".
 

Quỷ bỏ Người mà đi (10.3.2019 – Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm C)

Quỷ bỏ Người mà đi (10.3.2019 – Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm C)


  •  
  •  
  •  
Quỷ bỏ Người mà đi (10.3.2019 – Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm C)
Lời Chúa: Mt 4, 1-11
Sau khi chịu phép rửa, Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”
Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Ðức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Ðức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Suy nim:

Sống là chịu tác động của hoàn cảnh bên ngoài.
Có những điều nâng đời sống của ta lên,
và cũng có những điều khiến ta ngã qụy.
Chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ.
Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân...
Cám dỗ từ bên trong,
từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác,
từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim.
Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng phận người lại cao cả hào hùng
vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ
bằng một lựa chọn đầy tự do.

Nhìn lại ba cơn cám dỗ tiêu biểu của Ðức Giêsu,
ta thấy chúng có một mẫu số chung.
Ðó là Ngài bị lôi kéo sống cho mình,
lo cho mình, xây đắp cho mình.
Dù là dùng quyền năng Cha ban
để biến đá thành bánh ăn cho đỡ đói.
Dù là nhảy xuống từ nóc Ðền thờ
như một thách đố đối với Thiên Chúa yêu thương,
hay như một biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng.
Dù là sấp mình bái lạy Satan
để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước.
Giàu sang, quyền lực, khoái lạc
vẫn là những cám dỗ muôn thuở,
cho mọi người, mọi tập thể đạo đời.
Ðức Giêsu đã thắng được các cơn cám dỗ.
Cơn cám dỗ lớn nhất là quay vào mình,
chọn mình thay vì chọn Chúa và anh em.

Chúng ta cần nhận ra những cơn cám dỗ hiền lành,
mang một lớp vỏ bên ngoài vô hại.
Một số bạn trẻ Thái Lan mơ ước có được 7 điều,
tất cả đều bắt đầu bằng chữ C theo tiếng Anh:
xe hơi, điện thoại di động, quần áo, máy vi tính,
một căn hộ sang trọng, thẻ tín dụng, thuốc ngừa thai.
Không phải vật chất là điều xấu.
Nhưng nếu con người bị ám ảnh bởi vật chất
và coi đó là mục đích duy nhất của đời mình,
thì cuộc sống sẽ nghèo nàn biết chừng nào!
Sống đâu phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để hiến trao.
Con người đâu phải chỉ là thân xác, mà còn là tinh thần.
Cuộc sống đâu phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.

Cần tập chiến thắng cơn cám dỗ bằng cầu nguyện, hy sinh.
Hy sinh là làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng,
là khiêm tốn nhận mình yếu đuối, mỏng dòn,
là dám cương quyết từ chối: “Hãy xéo đi, Satan.”

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.