GIÁO LÝ TÂN TÒNG VÀ GIÁO LÝ HÔN NHÂN
xem giáo lý hôn nhân click vào các bài về giáo lý hôn nhân
xem giáo lý hôn nhân click vào các bài về giáo lý hôn nhân
BÀI 1: BIẾT THIÊN CHÚA QUA TẠO THÀNH
Không một ai lại không biết đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Với Khả năng lý luận của lý trí, chúng ta có thể đạt tới sự hiểu biết là có Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng thế giới ký diệu mà chúng ta đang sống trên đó. Nhận xét này cũng đúng cho những ai chưa có ơn đức tin. Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại, đã nhắc nhở các Kitô hữu tại Roma về chân lý này rằng: “Từ buổi tạo thành vũ trụ, bản tính vô hình của Thiên Chúa, tức là quyền năng hằng có và thần tính của Người, được trí khôn ta nhìn ngắm qua công việc của Người làm.” (Rm 1:20)
Khắp nơi trong vũ trụ, chúng ta đều thấy có một trật tự và cách sắp xếp nào đó. Trật tự và cách sắp xếp này là những dấu chỉ chắc chắn chứng tỏ có bàn tay Thiên Chúa trong việc tạo thành. Giải thích về trật tự và sự sắp xếp như là những kết quả của ngẫu nhiên thật là một sự điên rồ! Chẳng hạn, bạn thử xem chiếc đồng hồ đeo tay của bạn. Bạn có thật sự nghĩ rằng nó có đó một cách tình cờ không? Hay miếng kim loại để làm thành chiếc đồng hồ, tự nhiên mà nó có cái dạng của chiếc đồng hồ? Hay một chuyện còn đáng làm ngạc nhiên hơn nữa, là các con số trên mặt đồng hồ tình cờ chúng nó đứng đúng ở chỗ chúng nó phải đứng với khoảng cách đều đặn để chỉ giờ một cách rất chính xác như thế sao? Dĩ nhiên là không!
Rồi bạn thử xem xét nhiều vật lạ lùng trong vũ trụ, hằng triệu lần phức tạp hơn một chiếc đồng hồ như: thái dương hệ, côn trùng, tính cá biệt của mỗi thân thể con người, vv. . . Bạn có nghĩ rằng tất cả những sự ấy ngẫu nhiên mà có và không cần một Đấng nào đó ra lệnh và chỉ huy để chúng được tạo thành chẳng?
Cùng với việc biết có Thiên Chúa, chúng ta còn có thể học biết một chút về Người qua việc học hỏi về sự tạo thành. Khi thấy sức mạnh khủng khiếp của biển cả với nước thuỷ triều lên xuống của nó, chúng ta học biết được Đấng làm ra chúng phải vĩ đại và hùng mạnh hơn nữa. Các hương thơm ngào ngạt và các màu sắc lộng lẫy của bông hoa mùa xuân, nói cho chúng ta biết rằng: Đấng tạo dựng ra chúng cũng tươi mát và xinh đẹp như chúng. Tất cả mọi tạo vật của Thiên Chúa đều nói một cái gì cho chúng ta về Người. Chúng phản ảnh một phần nào sự cao cả, vẻ đẹp và quyền năng của Người.
HỌC BIẾT VỀ TA NHỜ LÝ TRÍ
Như chúng ta có thể hiểu biết về Thiên Chúa bằng sử dụng khả năng lý trí của chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng có thể tìm hiểu về con người, về những ham muốn và những hành động của chúng ta như vậy. Một trong những điều trước tiên chúng ta nhận thấy được, chính là chúng ta có một thân xác giống như các loài vật. Chúng ta có chân để đi, có mắt để thấy. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là một thành phần của vũ trụ vật chất do Thiên Chúa tạo dựng nên.
Nhưng khi chúng ta nhìn đến sự khác biệt giữa chúng và loài vật, sẽ thấy ngay rằng chúng ta cao cả hơn chúng... vì chúng ta có lý trí và có tự do. Chúng ta kiểm soát được những hành động của mình, và có thể quyết định chọn lựa những gì mình muốn. Bạn thử xem ví dụ này: Một con chó bị đối xử cách tàn ác là người ta nhốt nó trong một cái chuồng hai ngày mà không cho nó đồ ăn hay nước uống gì. Một người nào đó đã thấy được con chó đáng thương ấy và đã đem cho nó chút đồ ăn. Khi thức ăn được bày ra trước mặt, nó phải ăn; nó không có sự lựa chọn nào khác. Sự thèm ăn sẽ hối thúc nó nhào tới đồ ăn. Nó không có tự do chọn lựa! Bây giờ chúng ta thử coi cùng một cách cư xử độc ác với con người, chẳng hạn những trường hợp tù binh chiến tranh. Nếu người ta đem thức ăn đến cho một tù nhân để mua chuộc anh ta phản bội quê hương của anh, anh ta có thể chọn nghe theo mà ăn; hoặc có thể từ chối không phản bội quê hương bằng cách nhất định nhịn đói. Anh ta có đặc ân tự do, nhờ đó có thể quyết định về những gì mình sẽ làm.
Sự tự do này chứng minh rằng chúng ta rất khác biệt với cả thế giới loài vật, vì có một phần tinh thần trong chúng ta, giúp chúng ta suy nghĩ, lựa chọn và quyết định. Chúng ta gọi phần này là linh hồn. Ví thế chúng ta có thể học biết về con người vừa có thân xác và vừa có linh hồn thiêng liêng (mắt không thấy nhưng có thật).
LÝ TRÍ CON NGƯỜI VÀ ƠN ĐỨC TIN
Trí óc con người thật kỳ diệu là chỉ có nó mới có thể học biết được những gì về Thiên Chúa và mục đích đời sống con người. Muốn biết thêm về những mầu nhiệm này, chúng ta cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho chúng ta ơn đức tin. Ơn huệ này chính là lòng tin tưởng vững vàng rằng một cái gì đó đã có thật vì Thiên Chúa đã tỏ bày như vậy, và cũng là điều biết chắc chắn vì Thiên Chúa không lừa gạt chúng ta. Đức tin còn có nghĩa là một bộ chân lý chúng ta là những người Công giáo đang tin.
Như đã thấy, lý trí có thể chứng minh rằng có Thiên Chúa, và cho chúng ta biết một vài điều về bản thân mình, nhưng nó không thể cho chúng ta sự tin tưởng vững vàng vào những chân lý của đức tin chúng ta. Nhưng lý trí có thể giúp chúng ta nhận thấy những giáo huấn của Chúa Giêsu là chân thật. Bằng cách nào? Thưa bằng nhìn vào những phép lạ lớn lao Ngài đã thực hiện. Lý trí nói với chúng ta rằng không ai có thể làm được những việc như biến nước thành rượu, cho kẻ mù trông thấy, và nhất là cho kẻ chết sống lại.
MẠC KHẢI HOÀN CHỈNH SỰ HIỂU BIẾT CỦA TA VỀ THIÊN CHÚA
Ở phần trên, chúng ta đã thấy được rằng Thiên Chúa phải toàn năng và tuyệt mỹ vì Người đã dựng nên biết bao điều kỳ diệu trên thế giới này. Chúng ta biết được điều đó bằng sử dụng lý trí của mình khi nghiên cứu việc tạo thành. Nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều hơn nữa về Thiên Chúa bằng việc nghiên cứu Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là một trong những phương cách Chúa tự tỏ mình cho con người. Mạc khải của Chúa sẽ làm cho sự hiểu biết của chúng ta về Người càng hoàn chỉnh và đầy đủ hơn. Nhờ mạc khải chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và trong mỗi cá nhân con người. Thiên Chúa là thần linh: nghĩa là Người không có thân xác là cái làm cho Người bị giới hạn ở một thời gian nào hoặc một nơi chốn nào đó. Kinh Thánh nhắc chúng ta về mầu nhiệm này: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài; lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan Ngài? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, hoặc đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. “ (TV. 130:7-10)
Chúng ta cũng học biết được rằng hết mọi người và mọi vật, tất cả những thứ đó, đang có và sẽ có:
“Người dò thấu vực sâu cũng như lòng dạ; Người thấu hiểu mọi bí mật của chúng ta. Vì Thượng Đế thấu hiểu mọi sự và nhìn thấy trước các điều sẽ đến. Người loan báo tương lai cũng như quá khứ; Người cho biết những bí ẩn của vực sâu. Không tinh khôn nào khuất được với Người; và không một điều gì có thể thoát khỏi Người.” (Huấn Ca 42: 18-20)
Chúa Giêsu đã mạc khải những điều cao cả nhất về Thiên Chúa khi nói rằng: trong một Thiên Chúa chân thật, có Ba Ngôi Vị. Chúng ta gọi là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có Chúa Cha (ngôi thứ nhất) Chúa Con (ngôi thứ hai - tức Ngôi Hai nhập thể) và Chúa Thánh Thần (ngôi thứ ba).
Nhờ Kinh Thánh, chúng ta nhận được mạc khải tuyệt đẹp này: Thiên Chúa là tình yêu (1Jn 4:6), và chính tình yêu ấy đã thúc đẩy Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và làm nên con người chỉ thua thiên thần một chút ít thôi, và Người cho họ một ân huệ kỳ diệu là lý trí.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT: (Cắt nghĩa và làm bài)
Lý trí con người - ơn đức tin - đức tin công giáo - Thiên Chúa Ba Ngôi.
*********************************************************
BÀI HAI: THIÊN CHÚA MẠC KHẢI
Trong chương đầu, chúng ta biết mình có thể sử dụng lý trí của mình để hiểu biết Thiên Chúa hiện hữu. Chúng ta cũng biết rằng chỉ lý trí của mình thôi không thể nào khám phá được tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa. Vì tình thương bao la đối với con người mà Người đã tỏ mình ra cho họ, trước hết qua dân Do Thái trong Cựu Ước, và sau này, trong chính cuộc đời của Đức Giêsu Kitô mà giáo huấn của Giáo Hội đã chuyển đạt đến cho chúng ta. Chúng ta gọi những chân lý Chúa muốn dạy nhân loại là Sự Mạc Khải của Thiên Chúa.
LỊCH SỬ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
Thiên Chúa không chỉ mạc khải bản thân Người cho một người ở một thời nào đó; nhưng Người đã mạc khải về Người dần dần. Những người trước tiên được biết Thiên Chúa là Ađam và Evà. Sau đó chính Người đã chọn một dân riêng gọi là dân Israel (tức Do Thái), để cất giữ đặc biệt những lời mạc khải của Người.
Thiên Chúa bắt đầu thành lập cộng đồng này bằng việc tuyển chọn ông Abraham. Abraham sống trong miền Mêxôpôtamia, cách đây khoảng 4000 năm. Người đặt Abraham làm tổ phụ sáng lập dân tuyển chọn. Những người này đã ghi lại mạc khải mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, lập thành một bộ sách chúng ta gọi là Cựu Ước.
Khoảng gần 2000 năm sau đời ông Abraham, thì đến thời điểm Thiên Chúa ban cho chúng ta mạc khải cao cả nhất của Người, một quà tặng là Con độc nhất của Người, Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã dạy cho dân tất cả mọi sự về Thiên Chúa, và sửa lại những quan niệm sai lầm mà họ có về Thiên Chúa. Để bảo đảm cho lời giáo huấn của Ngài được người ta hiểu và truyền lại cho người khác một cách đúng đắn, thì Ngài đã thành lập Giáo Hội... Ngài đặt mười hai tông đồ làm thầy dạy chính thức trong Giáo Hội và đặt các ông làm người canh giữ mạc khải của Ngài. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ giảng dạy Tin Mừng ấy cho những người khác vừa bằng rao giảng và vừa bằng viết lại (Tân Ước). Một số Kitô hữu thời nay không tin rằng Truyền Thống và Kinh Thánh là cần thiết cho những người tín hữu chân chính để học biết tất cả sự thật về Thiên Chúa. Nhưng Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng:
Truyền Thống và Kinh Thánh đi đôi với nhau và hướng về cùng một mục đích. Kinh Thánh là sứ điệp của Thiên Chúa được viết thành sách dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Còn Truyền Thống ban lại Lời Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần trao phó cho các tông đồ và những đấng kế vị các ngài... Do đó, cả Truyền Thống lẫn Kinh Thánh phải được tiếp nhận cùng một cách như nhau. (Dei Verbum (II, 9)
Một điều rất quan trọng phải nhớ là mạc khải của Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh cao nhất với cuộc đời của Chúa Kitô và những lời giảng dạy của 12 tông đồ. Những giáo huấn của Chúa đã được các vị ấy rao giảng lại một cách trung thành, và đã được đúc kết lại trong lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta gọi là Kinh Tin Kính của các tông đồ.
Kinh Tin Kính này là một lời khẳng định về những tín điều căn bản của chúng ta là những tín hữu công giáo. Kinh ấy tóm tắt tất cả những mầu nhiệm chính của lòng tin chúng ta. Mầu nhiệm là một chân lý (hay sự thật) vượt quá khả năng hiểu biết con người, nhưng chúng ta tin được là vì Chúa đã phán ra như vậy.
Khi vị tông đồ cuối cùng đã chết (tức thánh Gioan, vào khoảng năm 100 Công Nguyên), sự mạc khải công khai của Thiên Chúa về Người cho thế giới đã chấm dứt. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn con người biết để được ơn cứu độ đều đã được Chúa Giêsu và 12 tông đồ loan báo hết rồi, và như Công đồng Vatican II quả quyết: “Không còn một sự mạc khải công khai nào cho đến ngày Chúa Kitô sẽ đến lại.” (Dei Verbum I,4)
KINH THÁNH
Kinh thánh còn được gọi là Sách Thánh, là lời Chúa được linh hứng; đó là một trong những quà tặng lớn lao nhất Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta thường nghĩ về Kinh Thánh như là một cuốn sách, nhưng thật ra nó là một tập hợp gồm 73 quyển, được nhiều hạng người trong nhiều thời đại khác nhau đã viết ra. Kinh Thánh được chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước.
Cựu Ước:
Phần đầu của Kinh Thánh là Cựu Ước, đã được dân Do Thái sắp chung lại với nhau. Phần này gồm có 46 cuốn sách đầu của Kinh Thánh, và bàn về việc chuẩn bị thế giới đón Đấng Messia (Đấng Cứu Thế). Cựu Ước có ba loại thể văn căn bản:
Các Sách Lịch Sử:
Là những truyền thống tôn giáo và lịch sử của người Do Thái. Những sách này gồm có Ngũ Thư (5 cuốn đầu của Kinh Thánh, người Do Thái gọi là Tora hay là Luật Môsê).
Các Sách Khôn Ngoan:
Là một tuyển tập các kinh nguyện, những lời khôn ngoan, và các lời khuyên răn, thường được viết dưới dạng thi ca.
Các Sách Ngôn Sứ:
Là những lời và sứ điệp của những phát ngôn viên được Thiên Chúa tuyển chọn, là những ngôn sứ. Loại sách này cũng gồm có những sách Ai Ca và sách Baruc.
Tân Ước:
Phần thứ hai của Kinh Thánh, Tân Ước, là phần quan trong nhất của Kinh Thánh, vì phần này thuật lại đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của 12 tông đồ. Cũng bao gồm nhiều loại thể văn khác nhau:
Các Sách Tin Mừng:
Những sách này là 4 trình thuật về đời sống và sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu, do các tông đồ Matthêu và Gioan cùng hai môn đồ là Marcô và Luca soạn. Các ngài đã trung thành chuyển đạt lại cho chúng ta những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm khi Người còn tại thế.
Sách Công Vụ Sứ Đồ:
Đây là một lịch sử tóm tắt về Giáo Hội sơ khai, chủ yếu kể lại sứ vụ của Thánh Phêrô và công cuộc truyền giáo của Thánh Phaolô.
Các Thư của Thánh Phaolô: Đây là những lời giáo huấn của Chúa Kitô được áp dụng vào những nhu cầu của Giáo hội sơ khai và vào đời sống thường ngày của các Kitô hữu.
Các Thư cho Mọi Kitô Hữu: Những thư này do các tông đồ khác nhau đã viết, như là những giáo huấn công giáo và đại đồng cho mọi Kitô hữu.
Sách Khải Huyền: Sách này do Thánh Gioan Tông đồ viết ít lâu trước khi ngài qua đời. Sách Khải Huyền được coi là một nguồn khích lệ cho Giáo hội đang bị thử thách, và nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Giêsu sẽ chiến thắng mọi kẻ thù của Ngài.
TÁC QUYỀN VÀ ƠN LINH HỨNG CỦA KINH THÁNH
Chúng ta gọi Kinh Thánh là Lời Chúa, vì tác giả chính của Sách là Chúa Thánh Thần. Người đã tuyển chọn một vài người để làm tác giả nhân loại; các ông viết ra, thể theo ngôn ngữ và văn phong riêng của họ, và chỉ viết ra những gì Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho họ. Linh hứng nghĩa là Thiên Chúa thúc đẩy những người ấy viết về Người và Người hướng dẫn lòng trí họ để họ viết ra.
Bởi vì Thiên Chúa đã linh hứng cho những người này viết sách ấy, nên họ không viết một điều gì sai lầm được khi dạy chúng ta những gì về Chúa và những gì cần thiết cho sự cứu độ chúng ta. Phải nhớ điều này là Kinh Thánh được viết ra để dạy chúng ta về những chân lý tôn giáo, chứ không phải về các qui luật khoa học; chẳng hạn, các tác giả xưa nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mặt trời cùng các tinh tú chuyển vần chung quanh trái đất. Tuy nhiên, cái nhìn sai lạc thiếu khoa học này không ảnh hưởng gì đến những chân lý mà các ông đã viết ra để dạy về Chúa, và về những bổn phận của chúng đối với Chúa và giữa con người với nhau.
ĐẤNG BẢO VỆ VÀ THẦY DẠY CỦA MẠC KHẢI THIÊN CHÚA
Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mạc khải của Người ngang qua nhiều người và trong nhiều dạng khác nhau, nên Người chỉ định vài người để nên người bảo vệ và dạy dỗ chân chính về những chân lý này thì cũng là điều hợp lý thôi. Dầu sao, ở đây chúng ta không bàn đến những sự kiện của cuộc sống, nhưng về những chân lý siêu nhiên nhờ đó con người được ơn cứu độ. Ở đầu chương này, Ngài đặt Giáo Hội của Ngài trong tay các tông đồ và những kẻ kế vị của các ông khi Ngài nói: “Mọi quyền năng đã được ban cho Thầy... Vậy các con hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân...dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và này Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:18-20)
Những người kế vị các tông đồ ngày nay là Đức Giáo Hoàng (cầm giữ quyền hành của Thánh Phêrô) và các giám mục trên khắp thế giới. Quyền giảng dạy của các ngài được gọi là quyền giáo huấn (magisterium) hay là chức vụ giáo huấn chính thức của Giáo hội. Chỉ có các ngài (hay chính Đức Giáo Hoàng) mới có quyền dạy cho chúng ta biết điều gì là tín điều Kitô giáo đích thực. Quyền giáo huấn hướng dẫn các thành viên của Giáo hội Chúa Kitô về những gì các tín hữu trung thành phải tin và phải làm. Cũng như 12 tông đồ, Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài đều được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, được giữ gìn không phạm một sự sai lầm nào về đức tin, và là những người bảo vệ chính thức của mạc khải trên trần gian. Đặc ân này, giảng dạy không sai lầm về những gì thuộc về đức tin và luân lý, gọi là ơn vô ngộ. Với năng quyền và uy tín của Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng và các giám mục công bố Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu và dạy bảo chúng ta phải sống đời Kitô hữu thế nào trong hành trình của chúng ta về Thiên Đàng, là quê hương vĩnh cửu của mình
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Tân Ước - Cựu Ước - Mầu nhiệm - Truyền Thống - Sách Tin Mừng - Kinh Thánh - Linh hứng - Kinh tin kính - Mạc khải của Thiên Chúa - Ơn vô ngộ - Quyền giáo huấn.
PHẦN SINH HOẠT
I. Câu hỏi:
1. Những chân lý Chúa mạc khải là những chân lý gì?
Những chân lý Chúa mạc khải là những chân lý được tóm kết cách riêng trong Kinh Tin Kính của các tông đồ. Chúng được gọi là những chân lý đức tin, vì chúng ta phải tin những chân lý ấy, với một lòng tin tưởng vững vàng, như là do Chúa phán dạy, Người là Đấng không thể lừa dối mà cũng không thể sai lầm bao giờ.
2. Kinh Tin Kính của các tông đồ là gì?
2. Kinh Tin Kính của các tông đồ là gì?
Kinh tin kính của các tông đồ là bản tuyên xưng đức tin vào những mầu nhiệm chính yếu và những chân lý khác do Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô và các tông đồ, và được Giáo hội dạy lại.
3. Mầu nhiệm là gì?
Mầu nhiệm là một chân lý hoàn toàn vượt quá lý trí chúng ta, nhưng không nghịch lại lý trí, và chúng ta tin vì Chúa đã mạc khải ra điều ấy.
4. Những mầu nhiệm chính yếu mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh tin kính là gì?
Những mầu nhiệm chính yếu được tuyên xưng trong Kinh tin kính gồm hai mầu nhiệm này: Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể, Thương khó và sự chết của Chúa Giêsu Kitô.
5. Chúng ta tìm thấy ở đâu những điều Chúa đã mạc khải và đưa ra để chúng ta tin, qua trung gian của Giáo hội?
Những điều Chúa đã mạc khải và được đưa ra để chúng ta tin, qua trung gian của Giáo hội, được bảo tồn trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống.
6. Kinh Thánh là gì?
Kinh Thánh là một tập hợp những sách được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, trong Cựu Ước và Tân Ước, và Giáo Hội tiếp nhận như là công trình của chính Chúa.
7. Truyền thống là gì?
Truyền thống là giáo huấn sinh động của Đức Giêsu Kitô và của các tông đồ, và được Giáo hội chuyển đạt không suy chuyển từ các ngài đến chúng ta.
8. Ai có đủ uy tín để giúp chúng ta biết cách đầy đủ và đúng nghĩa những chân lý chứa đựng trong Kinh Thánh và Truyền thống?
Chỉ có Giáo hội mới có đủ uy tín để giúp chúng ta biết những chân lý chứa đựng trong Kinh Thánh và Truyền thống cách đầy đủ và đúng nghĩa của nó, vì Chúa đã trao phó kho tàng đức tin cho Giáo hội, và đã sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội. Chúa Thánh Thần trợ giúp Giáo hội liên tục, hầu Giáo hội không phạm một điều sai lầm nào trong khi thi hành bổn phận của mình.
************************************************
BÀI 3: SỰ TẠO DỰNG
Thiên Chúa thông chia cho chúng ta sự đẹp đẽ, quyền năng và vinh hiển của Người trong thế giới kỳ diệu mà Người đã dựng nên. Kinh Thánh bắt đầu với sách Khởi Nguyên (Genesis), trong đó kể lại chuyện tạo dựng vũ trụ. Để đánh giá đúng hơn quyền năng tối cao của Thiên Chúa, chúng ta nên biết rằng tạo dựng có nghĩa là làm nên một cái gì từ hư vô. Toàn bộ vũ trụ đã hiện hữu chỉ vì Thiên Chúa muốn nó hiện hữu! Người không sử dụng bất cứ vật liệu nào để tạo dựng vũ trụ như chúng ta phải làm khi chế tạo một vật gì. Thiên Chúa chỉ nghĩ về vũ trụ, là nó được tạo dựng nên ngay! Chính vì thế mà Sách Khởi Nguyên kể lại rằng Thiên Chúa chỉ nói: “Hãy có ánh sáng, tức thì liền có ánh sáng.” (Gen. 1:3)
Trình thuật được linh hứng về sự tạo dựng, theo nguyên thủy, là một phần của truyền khẩu (những trình thuật có tính cách tôn giáo) của dân Do Thái. Họ đã truyền lại trình thuật này từ thế hệ này qua thế hệ khác để dạy dỗ và nhắc nhở cho dân chúng rằng:
1.Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và Người là Đấng Tạo Hóa của tất cả những gì hiện hữu - còn người ngoại đạo thường tin rằng mỗi thần của họ đã tạo dựng nên những sự vật khác nhau trên thế giới này.
2.Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới một cách có thứ tự và là cách thông chia tình thương của Người cho con người - nhiều người ngoại đạo đã tin rằng thế giới này là kết quả của một cuộc chiến giữa các thần của họ, hoặc nó đã có bởi một sự ngẫu nhiên.
3.Mọi sự do Thiên Chúa tạo dựng nên đều là tốt lành - còn các người ngoại đạo thì tin rằng những sự vật đã được tạo dựng nên là công việc của một thần ác, muốn tạo dựng con người để làm nó khổ.
VIỆC TẠO DỰNG NHÂN LOẠI
Sách Khởi Nguyên cũng kể lại cho chúng ta nghe về việc tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên, tổ tông của cả nhân loại.
Và Thiên Chúa đã phán: “Ta hãy làm ra người giống hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta... Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình; theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng. Và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng và nói: Hãy sinh sôi nảy nở đầy dẫy trên mặt đất, hãy bá chủ nó. Hãy thống trị trên biển cả và chim trời, và mọi thứ sinh vật nhung nhúc trên đất. Thiên Chúa còn phán: Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ hoa cỏ sinh hạt giống, có trên cả mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm của ăn cho các ngươi.” (Gen. 1:26-27)
Trình thuật này kể rằng Thiên Chúa đã có một chương trình cho con người lớn hơn là tất cả thế giới thiên nhiên còn lại; Người đã cho con người quyền bính trên các loài thú và loài cây trên mặt đất, là những thứ được dựng nên cho con người sử dụng (để làm của ăn, áo mặc hay hưởng thụ thiên nhiên). Chương thứ hai của Sách Khởi Nguyên kể cho chúng ta một trình thuật khác về việc tạo dựng:
Giavê Thiên Chúa đã phán: “Không tốt cho con người nếu chỉ có một mình. Ta sẽ làm cho nó một cái gì trợ giúp đương đối với nó. Và Giavê Thiên Chúa đã giáng xuống trên con người một giấc ngủ tê mê, và khi nó đang thiếp ngủ, Người đã rút ra một xương sườn của nó... và đã làm thành người đàn bà với sườn đã rút tự người. (Gen. 2:18,19,21-22)
Tổ tông của loài người tên là Adam và Eva, vì Ađam có nghĩa là người, và Eva có nghĩa là mẹ các sinh linh.
CON NGƯỜI
Trong Sách Khởi Nguyên, chúng ta thấy Thiên Chúa, sau khi đã dựng nên thể xác con người, Người đã hà hơi sự sống (vào Ađam), và người đã có sự sống. (Gen 2:7) Điều này nói lên rằng mỗi người chúng ta đều được làm thành bởi một thân xác và một linh hồn. Thân xác thì làm bởi vật chất (cũng như tất cả mọi vật có thể thấy, có thể sờ được...) và như thế, điều này làm con người giống các thú vật và những tạo vật khác có thể chất. Nhưng linh hồn thì thiêng liêng, nghĩa là như Thiên Chúa, không thấy được nhưng có thật. Chính vì thế mà Kinh Thánh nói rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; vì được tham dự với Người vào thế giới thần linh, và khác với tạo vật có thể chất khác, con người sẽ sống mãi mãi vì có linh hồn bất diệt.
Linh hồn có hai khả năng thiêng liêng làm chúng ta rất giống Đấng Tạo Hóa, đó là lý trí và ý muốn. Nhờ lý trí mà chúng ta suy tưởng, lý luận và biết phải trái. Còn ý muốn giúp chúng ta lựa chọn cách tự do những điều mình sẽ làm, sẽ suy tưởng hay sẽ nói... Nó cho khả năng biết yêu, biết giận ghét, làm điều thiện hay ác, tội lỗi. Tất cả chúng ta đều biết: không có tạo vật nào trên trần gian có thể làm được những điều này.
Cả thể xác lẫn linh hồn đều quan trọng đối với con người, nều không, Thiên Chúa đã dựng nên nó. Tuy linh hồn bất diệt và có nhiều khả năng to lớn, nhưng không có xác, thì chúng tasẽ không phải là những con người thật sự và đầy đủ. Chúa truyền cho chúng ta phải tôn trọng và chăm sóc cả hai ân huệ ấy mà Người đã ban cho chúng ta.
THIÊN CHÚA ĐÃ BAN CHO CON NGƯỜI NHỮNG ÂN HUỆ ĐẶC BIỆT
Khi Thiên Chúa dựng nên Ađam và Eva, Người đã ban cho hai ông bà nhiều thứ hơn là thân xác tự nhiên và linh hồn của họ: Người đã ban cho họ những ân huệ đặc biệt. Những đặc ân này làm cho đời sống của họ được hợp nhau và bình an, giúp họï không cãi vã và hành động ích kỷ.
Thiên Chúa cũng gìn giữ họ khỏi đau khổ, bệnh tật và sự chết. Nhưng nhất là Người đã ban cho họ được thông phần vào sự sống Thiên Chúa của Người với ơn thánh hóa. Ơn này làm cho họ cao trọng hơn là những tạo vật khác của Người: nó làm cho họ trở nên con cái Chúa và là những kẻ thừa tự Nước Trời, nơi họ sẽ sống mãi mãi với Người! Những ân huệ này là của họ và sẽ được truyền lại cho tất cả con cháu của họ. Chúa chỉ đòi hỏi họ một điều là hãy yêu mến và phụng sự Người suốt đời họ.
VIỆC TẠO DỰNG THIÊN THẦN
Trước khi chúng ta bàn đến những biến cố đã dẫn con người đến sự mất mát các ân huệ của Chúa, chúng ta nên biết rằng Thiên Chúa trước tiên đã tạo dựng nên những thần linh đơn thuần từ hư không, gọi là các thiên thần. Họ là những vị có trí thông minh như chúng ta, nhưng không có thể xác. Các thiên thần thông minh và quyền năng hơn loài người, nhưng các ngài cũng được dựng nên để thờ phuợng và phụng sự Thiên Chúa.
Sau khi dựng nên các thiên thần, Người đã thử thách họ xem có tự do yêu mến và tuân giữ các lệnh truyền của Người không. Một số thiên thần do Lucifer cầm đầu đã từ chối phụng sự Thiên Chúa, và đã chống lại Người. Vì thế Người đã làm nên Hỏa ngục, nơi những tạo vật không chịu sống với Người sẽ đi đến đó. Những thiên thần này đều tốt lành khi Chúa dựng nên. Nhưng họ đã trở nên ác do tự do của mình. Chúng ta gọi các thiên thần bất tuân lệnh Chúa là những thiên thần sa đọa hay quỷ dữ. Họ theo Lucifer, còn được gọi là Satan, hay quỷ satan. Họ ra sức dụ dỗ tất cả mọi tạo vật quay lưng lại với Chúa, vì không muốn các tạo vật phụng sự Người.
Những thần linh yêu mến Chúa và tuân phục các lệnh truyền của Người được gọi là các thiên thần trung thành hay các thiên thần tốt. Họ có vị lãnh đạo là Tổng lãnh thiên thần Micae. Những thiên thần này giúp chúng ta sống đời sống tín hữu thánh thiện để phụng sự Thiên Chúa và sẽ được về sống với Người trên Thiên đàng sau khi chết. Chúa đã cắt đặt một thiên thần cho mỗi người chúng ta được gọi là thiên thần hộ thủ (bản mệnh) và nhiệm vụ là giúp chúng ta trên đường về trời.
CON NGƯỜI SA NGÃ
Cũng như các thiên thần, Thiên Chúa đã thử thách ông bà đầu tiên của chúng ta xem họ có yêu mến và phụng sự Người hay không. Người ban cho Ađam và Eva một vườn tuyệt đẹp để sống, Vườn Eđen (còn gọi là Địa Đàng). Và Người dạy họ được phép ăn tất cả những gì trong vườn, trừ trái của một cây nào đó. (thường gọi là cây biết lành biết dữ).
Quỷ thấy đó là dịp để dụ dỗ Ađam và Eva phản bội Chúa. Nó vào vườn và dụ dỗ hai ông bà tổ tông của chúng ta. Nó nói nều ăn trái cây cấm này, các ngài sẽ trở thành những thần linh giống như Thiên Chúa vậy! Tội nghiệp cho ông Ađam và bà Eva! Các ngài tin lời dối trá của Satan và đã ăn trái cấm. Ngay lúc đó, ông bà biết mình đã phạm tội, và lòng đầy xấu hổ. Ông bà cố tránh mặt Chúa, và điều này dĩ nhiên là không thể làm được.
Chúa gọi ông bà ra và phán bảo rằng từ nay họ phải bị đuổi ra khỏi Địa Đàng và phải chịu đau khổ, bệnh tật, và phải chết. Thiệt hại hơn nữa, từ nay họ không còn được sống trong tình trạng ơn thánh đã làm cho họ thành con cái và bạn hữu của Chúa, là những kẻ thừa tự Nước Trời. Từ đó họ đã truyền lại cho con cháu một bản tính nhân loại đã suy yếu vì tội lỗi.
Chúng ta gọi tội này của Ađam và Eva là tội nguyên tổ, vì là tội đầu tiên đã do con người phạm và đã truyền lại từ Ađam là nguyên tổ loài người. Những hậu quả kinh khủng của tội này (bị tách lìa khỏi Chúa, bệnh tật, chết chóc, nô lệ sự tội và ma quỷ) được gọi là những hiệu quả của tội nguyên tổ. Chỉ trừ Chúa Giêsu và Đức Maria là không mắc tội này, còn tất cả nhân loại kể từ thời Ađam và Eva đều mắc tội nguyên tổ và lãnh chịu những hậu quả của nó trong linh hồn của mình và cần được ơn cứu độ.
Chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa không tốt với chúng ta khi Người cất những ân huệ ấy khỏi chúng ta. Những ân huệ này là được ban cho, chứ không do ta đáng được. Với tất cả tình thương yêu của Người, Chúa đã nói rõ cho Ađam vả Eva biết hậu quả của việc bất tuân sẽ như thế nào khi Người phán: “Các ngươi được tự do ăn mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết tốt xấu. Các ngươi không được ăn trái cây đó; vì lúc nào các ngươi ăn trái của nó, chắc chắn các ngươi sẽ phải chết.” (Gen. 2:16-17)
THIÊN CHÚA HỨA BAN ĐẤNG CỨU CHUỘC
Cho dù con người đã phạm tội chống lại Chúa, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương Ađam và Eva. Người muốn họ và tất cả loài người phát xuất từ hai ông bà được sống trong tình nghĩa với Người. Cho nên Người đã hứa sẽ sai một Đấng Cứu Chuộc đến, một Đấng có thể giao hòa chúng ta lại với Chúa và phục hồi đời sống ơn thánh lại cho linh hồn chúng ta. Chúa đã phán với quỉ dữ rằng Đấng Cứu Chuộc này sẽ sinh ra từ một người nữ, khi phán rằng: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn ba, giữa dòng giống người và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân bà.” (Gen. 3:15)
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Tạo dựng - Thân Xác - Linh Hồn - Bất diệt - Ơn thánh hóa - Thiên Thần tốt - Thiên thần xấu - Thiên đàng - Hỏa ngục - Tội nguyê tổ - Đấng cứu chuộc.
PHẦN SINH HOẠT
- Các Câu hỏi:
1. Tại sao Thiên Chúa được gọi là Đấng Tạo dựng Trời và đất?
Thiên Chúa được gọi là Đấng tạo dựng trời đất, nghĩa là tất cả vũ trụ, vì Người đã làm ra nó từ hư vô. Làm một vật nào từ hư vô thì gọi là tạo dựng.
2.Thế giới này có phải là công trình của Thiên Chúa tất cả không?
Phải, thế giới này là công trình của Thiên Chúa tất cả, và sự vĩ đại kỳ diệu của nó, vẻ đẹp, và trật tự của nó phản ảnh quyền năng vô cùng, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Chúa.
Phải, thế giới này là công trình của Thiên Chúa tất cả, và sự vĩ đại kỳ diệu của nó, vẻ đẹp, và trật tự của nó phản ảnh quyền năng vô cùng, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Chúa.
3.Có phải Thiên Chúa chỉ tạo dựng vật chất có trong vũ trụ không?
Không, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng những sự vật chất có trong vũ trụ, nhưng Người còn dựng nên những thần linh đơn thuần, và Người dựng nên linh hồn của mỗi con người.
Không, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng những sự vật chất có trong vũ trụ, nhưng Người còn dựng nên những thần linh đơn thuần, và Người dựng nên linh hồn của mỗi con người.
4.Thần linh đơn thuần là gì?
Thần linh đơn thuần là những hữu thể thông minh mà không có thân xác.
5.Làm thế nào mà chúng ta biết được rằng có những tạo vật chỉ là thần linh đơn thuần lại hiện hữu?
Thưa bằng đức tin.
6.Những tạo vật nào là đơn linh đơn thuần mà chúng ta biết được bằng đức tin?
Bằng đức tin chúng ta biết được có những thần linh đơn thuần là những tạo vật tốt được gọi là các thiên thần, và những thần linh đơn thuần là những tạo vật xấu được gọi là quỉ dữ.
7.Các thiên thần là gì?
Thiên thần là những trợ tá vô hình của Chúa, và họ cũng là những kẻ bảo vệ chúng ta, vì Chúa đã giao phó mỗi người chun1g ta cho một trong những thiên thần bảo vệ ấy.
8.Chúng ta có những bổn phận nào đối với các thiên thần?
Chúng ta phải cung kính và tôn trọng các thiên thần; và đối với thiên thần hộ thủ, còn phải biết ơn, lắng nghe những điều các ngài soi dẫn, và không bao giờ xúc phạm sự hiện diện của ngài bằng phạm tội trọng.
9.Quỉ là ai?
Quỉ là những thiên thần đã nổi loạn chống lại Chúa vì kiêu ngạo và đã bị ném xuống hỏa ngục; vì ghét Chúa nên chúng cám dỗ loài người làm các điều ác.
10.Con người là ai?
Con người là vật có lý trí, gồm thể xác và linh hồn.
11.Linh hồn là gì?
Linh hồn là phần thần linh của con người, nhờ đó mà con người sống, hiểu biết và có tự do; do đó có khả năng biết, yêu mến và phụng sự Chúa.
12.Linh hồn con người co chết cùng với thể xác không?
Linh hồn sẽ không chết theo thể xác của nó, nhưng sẽ còn sống mãi vì nó là thực tại thiêng liêng.
13.Chúng ta phải săn sóc linh hồn mình thế nào?
Chúng ta phải quan tâm s8an sóc linh hồn mình, vì nó là phần cao trọng hơn trong chúng ta, nó bất diệt, và chi bằng cách cứu linh hồn mình mới có thể có hạnh phúc muôn đời.
14.Con người có tự do là thế nào?
Con người có tự do vì có thể làm hay không làm một việc gì gì, hoặc làm việc này hơn là việc khác, như kinh nghiệm cá nhân thường cho ta thấy.
15.Nếu con người có tự do, nó có thể làm điều ác không?
Vì có tự do, nên con người cũng có thể làm điều ác, nhưng nó không được phép làm điều ác vì là sự dữ. Do đó, tự do của con người chi được dùng để làm điều tốt mà thôi.
16.Ai là những người đầu tiên?
Đó là ông Ađam và bà Eva đã được Thei6n Chúa dựng nên trực tiếp. Tất cả những người khác đều được sinh ra từ họ. Đo đó họ được gọi là tổ phụ loài người.
17.Có phải con người đã được dựng nên yếu đuối và tội lỗi như hôm nay không?
Không phải con người đã được dựng nên yếu đuối và tội lỗi như chúng ta bây giờ, nhưng được đặt trong tình trạng hạnh phúc, với số phận và những ân huệ vượt quá khả năng và bản tính nhân loại.
18.Số phận Thiên Chúa giao phó cho con người là gì?
Chúa giao ph1o cho con người số phận cao cả là được thấy và hưởng mãi mãi dung nhan Người là Đấng tốt lành vô cùng. Nhưng vì điều này vượt quá khả năng và bản tính nhân loại, nên con người cũng lãnh nhận được tù Thiên Chúa một năng lực siêu nhiên để thực hiện số phận này gọi là ơn thánh.
19.Ngoài ơn thánh, Thiên Chúa còn ban cho con người điều gì nữa không?
Thiên Chúa còn ban cho con người ơn được khỏi phải yếu đuối và đau khổ của cuộc sống, và khỏi phải chết, miễn là đừng phạm tội. Nhưng bất hạnh thay! Ađam và Eva với tư cách là thủ lãnh nhân loại, đã phạm tội mà tham dự vào việc ăn trái cấm.
20.Tội Ađam là tội gì?
Đó là kiêu ngạo và bất phục tùng Thiên Chúa.
21.Tội của Ađam gây ra tai họa nào?
Tội ấy tước đoạt khỏi nguyên tổ và mọi nguời ơn thánh và tất cả mọi ơn siêu nhiên khác. Vì thế Ađam và mọi người đều dưới quyền của tội lỗi, ma quỷ và sự chết, của mê muội, của tất cả khuynh hướng xấu, của mọi thứ khốn khổ và sau cùng bị loại khỏi vường Địa Đàng.
22.Tội Ađam đã làm mọi người phải vướng do lỗi của ông gọi là tội gì?
Tội ấy gọi là tội nguyên tổ, vì nó xẩy ra từ lúc nguyên thuỷ của loài người và đã được truyền lại với bản tính nhân loại cho mỗi người và cho tất cả mọi người sinh ra từ một nguồn gốc của ông ba nguyên tổ.
23.Tội nguyên tổ gồm có những gì?
Tội nguyên tổ gồm có việc mất ơn thánh nguyên thuỷ mà Thiên Chúa muốn chúng ta có, nhưng chúng ta lại không có, vì tổ tông loài người đã làm mất ơn thánh này nơi ông bà và nơi nơi chúng ta là những kẻ được sinh ra từ họ, vì sự không vâng lời Thiên Chúa.
***************************************************
BÀI 4: CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Trình thuật kỳ diệu kể việc Thiên Chúa chuẩn bị thế gian đón Chúa Giêsu Kitô đến và kể việc Chúa Giêsu thực hiện chương trình này để cứu chuộc, hay là cứu độ loài người được gọi là lịc sừ cứu độ. Chúa Giêsu đến để phục hồi lại những gì đã mất do tội nguyên tổ loài người.
Thiên Chúa đã quyết địnhthành lập một dân cho Người, một dân tuyển chọn. Người sẽ mạc khải chính bản thân Người và chương trình cứu độ của Người. Từ trong lòng cộng đồng thánh này, Người sẽ chọn một người nữ để làm Mẹ của Đấng Cứu Chuộc.
THIÊN CHÚA KÊU GỌI ABRAHAM
Thiên Chúa chọn một người tên Abram sống ở trên vùng đất Mêsôpôtamia cách đấy gần 4000 năm. Người đã kết giao ước (thỏa thuận hay lời hứa) với ông, và hứa sẽ cho ông làm cha nhiều con cháu và họ sẽ trở thành một dân lớn. Thiên Chúa cũng cho ông biết là nước ấy sẽ tồn tại trong một nơi kỳ diệu gọi là Đất hứa.
“Ta sẽ cho ngươi thành một dân tộc lớn, ta sẽ chúc lành ngươi, và ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ được mọi chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi. Ai đụng đến ngươi Ta sẽ chúc dữ cho nó. Mọi thí tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau.” (Gen 12:2-3)
Abram đã bằng lòng lãnh nhận giao ước, và để chứng tỏ sứ mạng mới của ông trong cuộc sống, Thiên Chúa đã ban cho ông một tên mới là Abraham, có nghĩa là Cha của nhiều dân tộc. Khi Abraham bằng lòng nhận giao ước này, ông đã tin hoàn toàn vào Chúa, vì ông và vợ ông đã già lắm mà vẫn tin Thiên Chúa sẽ cho ông bà được nhiều con cái. Ông bà một lòng trông cậy nới Chúa đến nỗi sẵn sàng rời bỏ gia đình và nhà cửa lên đường đi tới Đất hứa. Các Kitô hữu đầu tiên nhìn nhận đức tin lớn lao mà ông Abraham đã đặt nơi Thiên Chúa. Điều này được nói đến trong thư gửi dân Do Thái: “Bởi tin, Abraham được kêu gọi và đã vâng lời ra đi đến xứ ông sẽ nhận lấy làm cơ nghiệp; ông ra đi mà không biết mình đi đâu.” (Hbr. 11:8)
Cho đến ngày nay, trong phụng vụ của Giáo hội Công giáo, chúng ta tôn kính con người thánh thiện này mà gọi: Abraham, cha của chúng ta trong đức tin. (Kinh Nguyện Thánh Thể I)
ISAAC TIẾP TỤC GIÁO ƯỚC
Sau khi Thiên Chúa hứa ban nhiều con cái, Abraham đã được một người con mà ông đặt tên là Isaac. Không cân phải nói, trẻ nhỏ ấy rất được cha mẹ gia yêu thương thắm thiết. Một hôm, Thiên Chúa muốn thử lòng tin của Abraham. Người ra lệnh cho ông phải tế lễ đứa con độc nhất yêu dấu ấy cho Người như là một việc thờ phượng Người: “Ngươi hãy đem con ngươi, con một ngươi mà ngươi yêu dấu tức là Isaac đi tới đất Moria, và ở đó, hãy dâng nó làm lế tế toàn thiêu.” (Gen. 22:2)
Ông Abraham hiểu rằng con người phải yêu mến và phụng sự Thiên Chúa hơn cả gia đình mình, nên ông đã dẫn Isaac lên núi, và chuẩn bị tế lễ Isaac như Thiên Chúa đã truyền dạy ông làm. Nhưng khi lưỡi dao ssắp đâm vào Isaac, Thì một thiên thần kêu Abraham hãy ngừng lại và cho ông biết đó chỉ là sự thử lòng. Bây giờ Thiên Chúa đã biết Abraham yêu mến Người cách chân thành hơn bất cứ người nào khác. Thiên Chúa đã ân thưởng tình yêu này bằng lời hứa tiếp tục giao ước của Người với Isaac. Sau khi ông qua đời, Isaac đã trở nên tổ phụ thứ nhì, hay là người lãnh đạo của dân được tuyển chọn.
Lễ hy sinh con một nhà Abraham đã sẵn lòng dâng là hình bóng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Một hình bóng là một người nào hay một biến cố nào xẩy ra trước một biến cố khác mà hai biến cố đều có cái gì giống nhau. Trong trường hợp này, hình bóng báo trước lễ hy sinh mà Thiên Chúa Cha sẽ làm, bằng cách để Chúa Giêsu Con Một của Người, chịu hy sinh trên thập giá vì tội lỗi của chúng ta.
GIAO ƯỚC TIẾP TỤC VỚI GIACÓP
Isaac cưới một người con gái tên là Rebecca, và sinh ra hai người con trai là Esau và Giacóp. Thiên Chú ađã chọn Giacóp là người mà Ngài sẽ giữ giao ước đã ký kết với Abraham, khi Ngài nói:
“Ta là Giavê Thiên Chúa của Abraham, cha ngươi, Thiên Chúa của Isaac. Đất người đang nằm, ta sẽ ban cho ngươi và dòng giống ngươi... Mọi dân tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà chúc phúc cho nhau. Ta sẽ ở cùng ngươi. Ta sẽ giữ gìn ngươi khắp nơi ngươi đi.”(Gen 28:13-15)
Ít lâu sau biến cố, Thiên Chúa ban cho Giacóp một tên mới, Israel, có nghĩa là “người đã đấu với Thiên Chúa”. Tên mới này rất quan trọng vì dân Chúa đẵ dúng nó như tên cho cộng đồng của họ: người Israel. Giacóp có 12 người con và tất cả đã trở thành cha của 12 chi tộc Israel, là thành phần dân tuyển chọn. Giacóp đã trở thành tổ phụ thứ ba của dân Chúa.
TRÌNH THUẬT VỀ GIUSE
Trong số các con đông đúc của Giacóp, có một người được ông yêu mến cách đặc biết đó là Giuse. Những người khác đã ganh tị với Giuse và tức bực với anh. Họ bàn tính với nhau để thanh toàn Giuse. Một hôm, khi ra đồng chăn chiên, họ đã bán Giuse cho một đoàn người chuyên buôn người nô lệ đang trên đường về Ai Cập. Rồi họ nói với cha là Giacóp đã bị thú rừng ăn thịt. Giacóp đau khổ vô cùng. Ông có ngờ đâu họ đã bán em họ với giá có mấy đồng bạc.
Truyện về Giuse này làm ta nhớ đến Chúa Giêsu là đấng đã bị một trong các bạn hữu của Ngài bán với giá 30 đồng bạc. Giuse cũng là một hình bóng báo trước về Chúa Giêsu vì ông sau này đã trở thành một vị cứu tinh cho các anh em của ông tại Ai Cập. Sự việc ấy xảy ra như sau:
Khi Giuse vừa đến Ai Cập, ông được một gia đìnhquyền thế ở đó mua, vì ông đẹp trai và thông minh. Sau đ1o ít lâu, ông đã trở thành một người hầu cận đáng tin cậy của Vua Pharaon (vua Ai Cập) và được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Ông còn trở nên nhân vật thứ hai của Nước Ai Cập. Trong thời gian ấy, xứ của dân Chúa tuyển chọn phải trải qua một thời đói kém, cho nên các con của ông Giacóp đi qua Ai Cập để tìm lương thực sinh sống. Họ đã ngạc nhiên biết chừng nào khi gặp lại Giuse là người có quyền thế.
Về điểm này, Giuse cũng là hình bóng của Chúa Giêsu. Giuse đã tha thứ cho những ai đã ăn ở không phải với ông và còn cho họ tất cả những gì họ cần để sống hạnh phúc. Điều này chúng ta nhớ đến Chúa Kitô, là Đấng đã tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta ân huệ và phúc lành, nên chúng ta cần sống đời sống của người Kitô hữu tốt lành đang trên hành trình tiến về quê trời, là quê hương đích thực của mình.
Dân Do Thái đã sống 400 năm trên đất Ai Cập. Trong suốt thời gian Giuse còn sống, người Ai Cập quí trọng và kính nể người Do Thái ở lại tại Ai Cập nhiều năm, và cuối cùng những người có quyền hành không muốn thấy họ ở đó nữa. Rồi một vua Pharaon đã bắt người Do Thái làm nô lệ cho người Ai Cập. Các cháu chắt của ông Giacóp bị bắt đi làm những việc nặng nhọc từ sáng sớm đến chiều tối. Họ bị đày đọa như các con vật kéo xe, để xây cất những kim tự tháp ở Ai Cập. Dân Chúa mới nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Họ tự hỏi không biết Thiên Chúa rút lại lời giao ước mà Người đã kết với Abraham, Isaac, và Giacóp không. Chính trong giai đoạn khó khăn đó của lịch sử họ, mà Thiên Chúa đã sai một nhân vật rất đặc biệt đến với dân Người.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Lịch Sử Cứu Độ - Giao Ước - Đất Hứa - Tổ Phụ - Israel - Hình Bóng Báo Trước
*************************************************************
BÀI 5: MÔSÊ - VỊ NGÔN SỨ THÁNH
Trước khi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc đến, nhân vật quan trọng bậc nhất trong dân Chúa tuyển chọn là ông Môsê, vị ngôn sứ đầu tiên của Thiên Chúa. Ông là người lãnh đạo thứ nhất, và đã làm dân Do Thái trở thành một dân tộc thống nhất.
Môsê được sinh ra tại Ai Cập, con của một người đàn bà Do Thái nghèo. Vào thời ông sinh ra, vua Pharaon đã ban một luật buộc giết hết mọi con trai của người Do Thái. Ông buộc như vậy vì ông thấy dân Do Thái đã trở thành một nhóm dân rất đông đúc; và nếu số dân họ cứ tiếp tục gia tăng, họ sẽ không chịu làm nô lệ một cách dễ dàng. Mẹ ông Môsê hy vọng có thể bảo vệ sự sống của con bà, nên bà đã giấu trẻ Môsê trong một cái thúng và đặt ở bờ sông Nilô.
Một ngày kia, con gái vua Pharaon tìm thấy bé Môsê và đã đem về nuôi như con ruột của bà. Môsê lớn lên trong cung điện nhà vua và được gọi là một người hoàng gia. Môsê biết mình thực sự là gốc Do Thái, nên ông thường viếng thăm những người Do Thái làm nô lệ. Một trong những lần đi thăm như vậy, ông đã thấy một người Ai Cập đánh đập một người Do Thái. Điều này làm ông rất giận dữ, và ông đã giết chết người Ai Cập đó. Sau đó nhận thấy mình sẽ gặp nhiều khó khăn vì vụ giết người này, ông đã trốn khỏi Ai Cập qua đất Mađian. Ở đó, ông làm nghề chăn dê cừu và cưới một người vợ tên là Sipôra, và ông đã có một gia đình.
THIÊN CHÚA KÊU GỌI MÔSÊ
Đã đến thời giờ Thiên Chúa nhớ lại giao ước đã ký với Abraham, Isaac và Giacóp, mà đáp lại lời cầu khẩn của dân Ngài đang bị làm nô lệ. Thiên Chúa đã hiện ra với Môsê trong một bụi gai bốc cháy và truyền ông phải trở về Ai Cập để giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta thấy rõ nỗi khổ của dân Ta ở bên Ai Cập và Ta đã nghe tiếng than chúng kêu lên trước đốc công, quả Ta đã biết nỗi khổ của chúng. Vậy bây giờ ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaon. Ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israel, ra khỏi Ai Cập... Ta sẽ ở với ngươi, và này những dấu chứng thực Ta đã sai ngươi. Khi ngươi đã dẫn dân ra khỏi Ai Cập... Các ngươi sẽ thờ Thiên Chúa trên núi này.” (Exodus 3:7,10-12)
Lúc ấy, Thiên Chúa cũng mạc khải danh Ngài cho Môsê. Ngài tự tỏ tên mình là Giavê, nghĩa là “Ta có” (I AM). Điều này nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là nguồn gốc mọi vật được hiện hữu (hay được sinh ra trên đời này). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng làm được mọi sự. Điều này cũng nhắc chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Hằng Có, nghĩa là sự sống của Người không có bắt đầu và sẽ không bao giờ hết.
MÔSÊ TRỞ VỀ ĐẤT AI CẬP
Vâng lệnh Chúa, Mosê đã trở về Ai Cập, và ông được người Do Thái công nhận là một ngôn sứ do Thiên Chúa gửi đến. Ông chọn anh mình là Aaron làm người cộng tác trong việc phục vụ Thiên Chúa. Cả hai đến gặp vua Pharaon với sứ mạng này: “Hãy tha cho dân ta đi ... ''(Gen. 5:1)
Nhưng vua Pharaon không đếm xỉa gì đến lời đó! Ngược lại, ông tăng thêm công việc cho những người Do Thái và còn đối xử tàn tệ hơn nữa. Để trừng trị sự cứng đầu của Pharaon, Thiên Chúa đã đổ trên dân Ai Cập 10 tai ương:
- Nước đã trở thánh máu
- Ếch nhái tràn ngập cả xứ Ai Cập
- Muỗi, ruồi và một trận bụi dày đặc bao trùm cả nước
- Súc vật ngã ra chết
- Mưa đá
- Châu chấu phá hoại mùa máng
- Cả Ai Cập chìm trong tối tăm suốt ba ngày đêm
Mặc dầu những dấu lạ kinh hoàng này đến, Pharaon vẫn không chịu vâng lới Thiên Chúa để cho dân Do Thái đi!
THIÊN CHÚA VƯỢT QUA
Trước khi gửi đến tai ương thứ mười (vì lần này tất cả con đầu lòng của người Ai Cập, dù là người hay súc vật đều phải chết), Thiên Chúa truyền ông Môsê bảo mọi gia đình Do thái hãy làm một bữa ăn có tính cách tôn giáo để nên dấu hiệu làm họ thành những phần tử của dân thánh. Mỗi gia đình phải giết một con chiên và ăn nó với bánh không men và rau đắng. Họ phải ăn bữa thánh này trong tư thế đứng như thể sẵn sàng để lên đường đi xa. Trước khi kết thúc lễ nghi này, họ phải rảy máu chiên trên thành cửa nhà mình, vì đó sẽ là dấu hiệu làm nhà đó được khỏi hình phạt của tai ương thứ mười! Thiên Chúa sẽ đi vượt qua nhà dân Ngài. Do đó bữa này được gọi là Lễ Vượt Qua. Cho đến ngày nay, mỗi gia đình Do Thái hàng năm tụ họp nhau lại để mừng Lễ Vược Qua. Lễ này thường được cử hành gần Lễ Phục Sinh của Kitô giáo.
Bữa Vượt Qua là sự chuẩn bị đặc biệt của dân Chúa để hiểu sự chết đem ơn cứu độ của Chúa Kitô và Thánh Lễ; Thánh Lễ là bữa tiệc thánh và hy lễ của dân mới của Thiên Chúa, tức Hội Thánh. Ta thử so sánh những biến cố quan trọng này:
1.Người Do Thái tụ họp lại để mừng Lễ Vượt Qua do lệnh truyền của Thiên Chúa.
- Người Kitô hữu tụ họp nhau lại mỗi Chúa Nhật để dâng Thánh Lễ do lệnh truyền của Chúa Kitô.
2.Trong lễ nghi Do Thái, người ta tế lễ một con vật được gọi là chiên vượt qua.
- Trong Thánh Lễ Công Giáo, chúng ta dâng lên Chúa Cha hy lễ của Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.
3.Trong bữa ăn Vượt Qua, người Do Thái ăn chiên con đã tế lễ.
- Trong Thánh Lễ, chúng ta được mời lên rước Mình và Máu Chúa Kitô.
4.Người Do Thái rảy máu của chiên bị giết trên thành cửa để thần chết không đến hại họ trong đêm ấy.
- Trong mọi Thánh Lễ, Máu Thánh Chúa Giêsu được đổ ra cách mầu nhiệm trong tích, vì tội chúng ta, để chúng ta được cứu rỗi khỏi chết đời đời.
5.Và cuối cùng, nhờ nghi lễ Vượt Qua và tai ương thứ mười, người Do Thái được thoát khỏi ách nô lệ.
Nhờ Lễ hy sinh của Chúa Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và khỏi quỷ dữ.
Vì những nghi lễ thánh này quá giống nhau, nên phụng vụ giáo hội trong tuần thánh và lễ Phục Sinh gọi sự đóng đinh và sống lại của Chúa Giêsu là “Mầu Nhiệm Vượt Qua,” của Chúa Giêsu. Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, ngài cũng dùng cùng một so sánh kho nói: “Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta đã được sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.” (1Cor 5:7-8)
XUẤT HÀNH KHỎI AI CẬP
Pharaon sợ quyền năng Thiên Chúa của người Israel, nên đã để dân Do Thái rời đất Ai Cập. Chúng ta gọi cuộc hành trình từ Ai Cập đến Đất Hứa này là cuộc xuất hành. Nhưng khi dân Do Thái vừa rời khỏi đô thị của ông, Pharaon liền đổi ý, đã sai quân lính đi đưa người Do Thái trở lại. Lúc đầu dân Do Thái sợ hãi khi thấy quân Ai Cập tràn tới, nhưng Môsê nói với họ hãy trông cậy vào Chúa. Khi dân Do Thái vừa tới Biển Đỏ, Thiên Chúa liền ra tay can thiệp để cứu họ. Ngài cho Môsê giơ gậy lên khiến dòng nước biển rẽ ra làm đôi, và một con đường khô mở ra để họ vượt ngang qua biển. Quân lính Ai Cập rượt theo người Do Thái, nhưng đã muộn qúa rồi. Khi người Do Thái cuối cùng vừa tới bờ biển bên kia, nước đã ập lại chôn vùi toàn quân Ai Cập. Ta có thể mường tượng được nỗi vui mừng khôn tả và lòng tin tưởng vào Chúa tràn ngập lòng dân Ngài thế nào rồi! Tuy nhiên, dù đã chứng kiến sự che chở lạ lùng này, không bao lâu dân đã tỏ ra chán nản vì phải đi trong sa mạc, thiếu thốn lương thực và nước uống. Họ phàn nàn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi ta Giavê trong đất Ai Cập ... Nhưng các ông đã đem chúng tôi ra sa mạc này để làm cả lũ chết đói ở đây!” (Exodus 16:3)
Môsê lên núi để tìm an ủi và sức mạnh nơi Giavê cùng cầu nguyện với Người. Thiên Chúa đã đáp lời và ban cho dân của ăn cách lạ lùng. Người đã ban cho họ một thứ bánh đặc biệt gọi là manna, và nước chảy ra từ một tảng đá. Bánh này do Thiên Chúa ban cách lạ lùng chính là hình bóng báo trước phép Thánh Thể, bánh bởi trời ban sự sống.
THIÊN CHÚA BAN MƯỜI GIỚI RĂN CHO MÔSÊ
Sau khoảng ba tháng đi quanh quẩn trong sa mạc, dân Israel đã tới chân núi Sinai. Môsê leo lên núi này để cầu nguyện một mình. Trong lúc ấy, Thiên Chúa hiện ra cho ông và ban cho ông Mười Giới Răn, cũng còn gọi là Lề Luật. Đang khi đó, dân chúng lại sinh ra chán nản và phàn nàn về tình cảnh của họ. Nhiều người đã quay lưng lại Thiên Chúa mà nói với Aaron rằng: “Đứng dậy đi! Hãy làm cho chúng tôi những thần để đi trước chúng tôi.” (Exodus 32:1)
Họ đem nấu chảy tất cả đồ nữ trang bằng vàng và đúc thành một hình tượng, hay hình một thần giả theo hình con bê. Họ thờ hình tượng này, nên đã phạm tội gọi là thờ quấy. Khi Môsê xuống núi Sinai, ông bừng bừng nổi giận trước tội của dân. Vì tại sao họ dám quay lưng lại với Thiên Chúa chân thật, Đấng đã kết giao ước với cha ông họ và đã giải thoát họ cách lạ lùng khỏi ách nô lệ! Môsê đã tiêu hủy hình tượng đó và trừng phạt những ai đã quỳ thờ nó. Dân Do Thái tỏ lòng thống hối với Thiên Chúa và Môsê, vì họ đã trót hồ nghi. Họ hứa sẽ làm tất cả những gì Chúa đòi hỏi để vẫn còn là dân tuyển chọn của Chúa. Môsê đã trở lên núi để lãnh nhận ý Chúa về việc này.
THIÊN CHÚA TÁI LẬP GIAO ƯỚC VỚI DÂN NGƯỜI
Thiên Chúa truyền dạy Môsê hãy nói với dân điều này: “Này Ta sắp kết một giao ước. Trước mặt toàn dân của Người, Ta sẽ làm những sự lạ chưa hề thấy ở một xứ nào, ở một nước nào... Nhưng phần các ngươi, các ngươi hãy giữ lấy điều Ta truyền cho các ngươi hôm nay.” (Exodus 24:10-11)
Môsê mới công bố Mười Giới Răn cho dân, và tất cả đều đáp lại: “Chúng tôi sẽ thi hành mọi điều Thiên Chúa đã phán.” (Exodus 24:3)
Từ ngày ấy trở đi, việc giữ các Giới Răn của Lề Luật đã trở thành đường lối của dân trong việc chứng tỏ lòng trung thành của họ với Thiên Chúa. Họ tự coi chính mình là những người Do Thái tốt bao lâu họ còn giữ Lề Luật. Họ có lòng cung kính sâu thẳm đối với Các Giới Răn, nên đã làm một Hòm Bia chứa nó, gọi là Hòm Bia Giao Ước. Người ta đặt các tâm bia Lề Luật trong đó, và mang nó theo trong suốt cuộc hành trình đi về Đất Hứa.
THIÊN CHÚA TRUYỀN DÂNG LỄ HY SINH
Một phần khác của giao ước được tái kết này là Thiên Chúa truyền các tư tế của Israel dâng của lễ hy sinh bằng súc vật để thờ phượng Người. Hy lễ là việc dâng lên Thiên Chúa một cái gì ta quý trọng. Các của lễ đó phải được dâng trên một Bàn Thờ đã được hiến thánh chỉ để dành riêng cho việc này mà thôi. Mỗi lần một lễ hy sinh được dâng, thì dân phải nhớ đến giao ước và đến bổn phận phải tuân giữ Lề Luật. Trong khi dâng lễ, các tư tế xin Chúa thứ tha các tội lỗi của dân.
Suốt mấy thế kỷ của lịch sử cứu độ sau đó (cho đến ngày Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá làm lễ Hy sinh), dân Do Thái vẫn tiếp tục dâng hy lễ lên Thiên Chúa. Như thế việc thờ phượng bằng hy tế là một biến cố tôn giáo quan trọng trong đời sống dân Chúa.
DÂN DO THÁI VÀO ĐẤT HỨA
Sau 40 năm hành trình qua sa mạc, cuối cùng dân đã vào được Đất Hứa. Tuy thế, Môsê không được vào vì đã có một lần ông nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa. Tuy là một người thánh thiện và là ngôn sứ, ông cũng phải chịu hình phạt này khi bất tuân lệnh Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ chỉ có một tội thì cũng qúa nhiều trước mặt Thiên Chúa. Môsê qua đời ngay khi dân đến Đ6át Hứa. Sau khi chốn cất ông xong, dân Do Thái đã vào đất Thiên Chúa hứa cho họ từ ngàn xưa, đất mà Người đã nói với Abraham, Isaac và Giacóp.
DO DUỆ VÀ CÁC QUAN ÁN ISRAEL
Gio Duệ là người kế vị ông Môsê với tư cách là người lãnh đạo và ngôn sứ của dân. Ông cũng là một chiến sỹ anh dũng đã chỉ huy dân Do Thái trong trận chiến chống các dân ngoại bang đã xâm chiếm đất của họ, khi họ bị làm nô lệ ở Ai Cập. Sách Gio Duệ trong Cựu Ước thuật lại cho ta nghe về con người can đảm này và cách ông đã phục vụ Thiên Chúa. Trước khi ông qua đời, ông đã triệu tập dân Do Thái và làm lại giao ước với Thiên Chúa.
Sau khi Gio Duệ qua đời, việc lãnh đạo dân Do Thái được thực hiện cách khác bằng các quan án. Những vị này không phải là những người ngồi xử án như các thẩm phán thời đại hôm nay, nhưng là những anh hùng đánh giặc đã thắng nhiều trận lớn lao cho dân Chúa. Thời đại các quan án kéo dài cho đến khi Israel cần những nhà quân sự để chiếm lại lãnh thổ của họ. Một khi cộng đồng dân Chúa đã được thiết lập vững chắc như một quốc gia rồi, thì công việc của các quan án chấm dứt. Và một hình thức lãnh đạo khác ra đời: đó là thời các vua.
CÁC VUA CAI TRỊ
Vào thời điểm này của lịch sử cứu độ, có một vị ngôn sứ thánh thiện tên là Samuel. Vì dân Israel muốn có một vua như các quốc gia khác, Giavê mới bảo Samuel xức dầu một vài người trung tín để làm vua dân của Chúa. Ông chọn một người tên là Saolê làm vua đầu tiên của dân Israel. Samuel xức dầu cho Saolê bằng cách đổ dầu lên đầu ông, để tỏ dấu ông được Chúa chọn. Nhưng Saolê đã tỏ ra ông làm một vua bất xứng và không bao lâu đã qua đời.
Người kế vị Saolê là Đavít, một trẻ chăn chiên, đánh thắng một tên lính khổng lồ Philitinh là Gôlêát. Đavít đã trở thành một vua vĩ đại nhất của dân Israel. Ông là một chiến sĩ anh dũng và một nhà cai trị tài ba. Tuy đã phạm vài tội khủng khiếp, nhưng ông đã thành tâm thống hối và Chúa đã tha thứ cho ông. Ông yêu mến Chúa và đặt nhiều bài kinh và thánh ca rất hay. Chúng ta gọi những bài ấy là Thánh Vịnh. Mãi đến bây giờ người ta còn dùng các bài ấy trong việc thờ phượng Chúa. Chính Vua Đavít là người đặt Giêrusalem làm kinh đô nước Do Thái và là trung tâm thờ phượng của họ. Thiên Chúa yêu mến Đavít và đã làm một lời hứa đặc biệt với nông: Người trong dòng dõi của ông sẽ làm vua muôn đời! Đó là lời báo trước về Chúa Giêsu, là miêu duệ của Đavít và là vua thật của dân Do Thái.
Sau khi vua Đavít qua đời, con của ông là Salômon lên thay thế. Salômon là nhà cai trị rất khôn ngoan, đã làm cho nước ông trở thành một nơi lý tưởng để sống. Những lời khuyên của ông được chép lại và có thể tìm thấy trong vài sách của Cựu Ước có tính cách giáo huấn. Salômon đã cho xây một đền thờ lộng lẫy tại Giêrusalem. Đền thờ này được trang hoàng rất xinh đẹp, bên trong lát vàng, vải qúi và các đồ trang trí lộng lậy.
Nhưng ít lâu sau khi Salômon qua đời, vương quốc Israel đã gặp nhiều khó khăn. Những người Do Thái sống ở miền Bắc đánh nhau với miền Nam. Họ đã chia đất hứa yêu qúi thành hai nước riêng biệt. Vương quốc miền Bắc gọi là Israel; còn miền Nam gọi là Giuđa. Chỉ vương quốc Giuđa còn trung thành với Thiên Chúa và chính sách của Đavít. Chính từ dân này mà Đức Kitô đã đến với chúng ta.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Lề Luật - Xuất Hành - Thần tượng - Bàn Thờ - Hiến Thánh - Xức Dầu - Thánh Vịnh - Giavê - Lễ Vượt Qua - Mầu Nhiệm Vượt Qua - Hòm Bia Giao Ước.
Mười Giới Răn của Thiên Chúa
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm Chớ giết người.
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.
(Mười điều răn ấy tóm về hai điều sau đây: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự; Sau là yêu người như mình ta vậy. Amen.)
**********************************************************
BÀI 6: NHỮNG PHÁT NGÔN VIÊN ĐẶC BIỆT CỦA THIÊN CHÚA: CÁC NGÔN SỨ
Khi học về lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy những người làm ngôn sứ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong những quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Nhiều người hiểu sai vai trò của một ngôn sứ. Đa số nghĩ rằng ngôn sứ là một người báo trước những biến cố sắp xảy ra trong tương lai bằng những cách lạ lùng và bí nhiệm. Thật ra cũng đúng một phần, sứ mạng của ngôn sứ có thể báo trước những biến cố tương lai. Nhưng đó không phải mục đích chính của con người thánh thiện này. Ngôn sứ là một người được Chúa chọn để nói lên một sứ điệp lãnh nhận từ Thiên Chúa cho dân, thường thường sứ điệp này liên quan đến những lo âu hiện tại của họ, một cái gì mà họ cần nghe vì ích lợi thiêng liêng. Ngôn sứ nói những lời này dựa vào quyền bính, hay với phép lạ và quyền năng của Thiên Chúa.
SỨ MẠNG CỦA CÁC NGÔN SỨ TRONG ISRAEL
Thiên Chúa sai nhhiều người như thế này đến với dân Ngài. Họ được sai đến để nhắc nhở dân Do Thái về giao ước đã ràng buộc họ với Chúa. Các ngọn sứ nói cho dân biết phải trung thành với lề luật và phải khước từ thờ lạy tà thần như những láng giềng ngoại đạo của họ đã làm. Khi làm những việc này, các ngôn sứ thật sự đang chuẩn bị cho dân Do Thái chờ đón Đấng Messia đến, có nghĩa “Kẻ được xức dầu.” Người được xức dầu tiếng Hy Lạp là Christos, nghĩa là người được Thiên Chúa chọn để đóng một vai trò đặc biệt. Trong trường hợp này, người được xức dầu là Đấng Cứu Chuộc mà Thiên Chúa đã hứa sẽ sai đến cho nhân loại là Đức Giêsu Kitô.
Các ngôn sứ khuyến khích dân trông cậy vào Chúa, đừng trông cậy vào những quốc gia hùng mạnh trên thế giới để được hòa bình và che chở. Họ cảnh cáo dân rằng Chúa sẽ trừng phạt dân nếu không sống như dân thánh của Ngài bằng tuân giữa Lề Luật.
CÁC NGÔN SỨ LOAN BÁO SỨ ĐIỆP CỦA GIAVÊ BằNG NHIỀU CÁCH
Các ngôn sứ loan báo sứ điệp Giavê bằng nhiều cách. Họ nói bằng lời, đặt lời đó thành thơ, và đôi khi bằng những lời trào phúng! Họ nhiệt tình tận tụy với Chúa và với sứ mạng của họ đến nỗi sử dụng mọi cách có thể làm để buộc dân phải nghe lời Chúa và vâng phục lời ấy.
NHỮNG HẠNG NGÔN SỨ KHÁC NHAU
Những ngôn sứ của Thiên Chúa mà chúng ta biết là những vị mà những loan báo và đới sống đạo đức được ghi lại trong sách Cựu Ước. Họ được chia ra làm hai nhóm: Các ngôn sứ lớn và các ngôn sứ nhỏ. Các ngôn sứ lớn là những vị đã viết nhiều. Các vị đó là: Isaia, Giêrêmia, Eâdêkien và Daniel. Các ngôn sứ nhỏ không viết nhiều lắm như Hôsêa, Joel, Amos, Abdia, Jona, Mica, Nahum, Habacuc, Sophonia, Zacaria, và Malakia.
NGÔN SỨ ELIA VÀ ELISHA
Có hai ngôn sứ đại tài không có tên trong danh sách trên, vì các ngài không để lại cho chúng ta một bút tích nào. Nhưng đời sống của các ngài được ghi chép lại trong Kinh Thánh và các ngài là những người quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Tên các ngài là Elia và Elisha. Elia còn là vị ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ. Ông rất tận tình với Chúa. Ông được nổi tiếng sau vụ tranh tài với các tư tế ngoại đạo trên núi Carmêlô. Ông muốn chứng tỏ cho dân biết rằng: Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa thật, cho nên ông đã bào các tư tế ngoại đạo dựng tế đàn và cầu khẩn thần linh của họ để lửa xuống trên các bàn thờ. Dĩ nhiên, họ đã cầu nguyện rất nhiều nhưng không có gì đã xảy ra. Còn Elia, khi ông dựng bàn thờ và cầu xin Thiên Chúa cho lửa xuống, thì một ngọn lửa từ trời xuống đốt cháy và thiêu hủy con vật được đặt trên ấy. Sự thánh thiện của Elia đã lôi kéo nhiều người đến với ông. Họ cũng muốn phụng sự Thiên Chúa.
Một trong các ngôn sứ quan trọng khác là Elisah. Ông đã sống với ngôn sứ Elia và đã thấy Elia được đưa về trời trên một chiếc xe bằng lửa (2Kgs 2:11) . Elisha phụng sự Thiên Chúa với lờng mến và sự tận tụy đã tràn nghập tâm hồn thầy ông là Elia. Elisha đã làm nhiều phép lạ. Một trong những phép lạ đó là hóa bánh ra nhiều cho kẻ nghèo ăn. Như Chúa Giêsu đã làm sau đó mấy thế kỷ.
Elia và Elisha quan trọng cách đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo, vì một trong những dòng tu lớn nhất, dòng Carmelô, đã được khai sinh nhờ các đệ tử của những vị ngôn sứ này. Các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân thuộc về dòng Carmelô đã dâng hiến đời họ để cầu nguyện và hy sinh cho Thiên Chúa, để cầu cho những nhu cầu của dân, gìống như các vị ngôn sứ thánh thiện đã làm cách đó nhiều thế kỷ.
NGÔN SỨ ISAIA
Một ngôn sứ nữa quan trọng nhất với người Kitô hữu là ngôn sứ Isaia. Ngài đã sống 8 thế kỷ trước khi Chúa Kitô giáng sinh. Hơn các vị ngôn sứ khác, Isaia đã nói về Đấng Cứu Thế sẽ đến. Đây vài lới báo trước về Đấng Cứu Thế:
Ngươì nữ đồng trinh, Mẹ của Đấng Messia: “Một cô nươn gsẽ thụ thai và sinh con, và bà sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (có nghĩa là Chúa ở cùng chúng tôi). (Is. 7:14)
Đấng Messia là một ánh sáng lớn: “Dân đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng lớn, trên những kẻ ở xứ âm u, một ánh sáng đã rạng ngời.” (Is 9:1)
Đấng Messia sẽ là Đấng thống trị lớn lao: “Vì một trẻ đã sinh ra cho ta, một con trai được ban xuống cho ta. Vai Ngài đỡ lấy quyền bính, và thiên hạ hô tước hiệu Ngài là cố vấn kỳ lạ, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an. Quyền bính của Ngài bao la và bình an vô tận trên nước của Ngài.” (Is. 9:5-6)
Đấng Messia sáng ngời trên dân Ngài: “Hãy vùng đứng, hãy bừng sáng! Vì đến rồi ánh sáng của Người và trên ngươi, vinh quang Giavê đã rạng... Hướng về ánh sáng ngươi, các dân cất bước, và vua chúa, theo ánh bình minh rạng trên ngươi.” (Is 60: 1,3)
Chúng ta dùng những lời ngôn sứ này về Đấng Messia, lấy từ Isaia trong Phụng Vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh của Giáo Hội Công Giáo.
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ, VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG MESSIA
Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, và độc nhất hiện diện trong Tân Ước là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là “chiếc cầu” nối liền hai phần của lịch sử cứu độ, và Ngài có sứ mạng đặc biệt chuẩn bị cho dân Do Thái để đón nhận Đấng Cứu Thế. Gioan sinh ra trước Chúa Giêsu chỉ có sáu tháng. Ông là anh họ của Chúa Giêsu (mẹ ông là người họ hàng của Đức Maria). Thân sinh của ông là ông Zacaria và bà Elizabeth, đều cao tuổi và không có con. Ông bà rất muốn có đứa con! Một hôm khi Zacaria đang làm việc thờ phuợng Chúa trong đền thờ, một thiên thần hiện ra báo tin vui này: “Đừng sợ! Zacaria, vì lời khẩn nguyện của ngươi đã được nhận. Elizabeth vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một người con và ngươi đặt tên nó là Gioan. Ngươi sẽ vui mừng hoan hỉ, vì nó sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa.” (Lc 1:13-14)
Khi Gioan được sinh ra, Chúa Thánh Thần đã khởi hứng người cha với những lời lạ lùng về đứa trẻ. Ngài tỏ cho Zacaria biết Gioan sẽ là người tiền hô và báo trước về Đấng Messia. Người tiền hô là người đi t rước một người khác để chuẩn bị dân chúng đón Đấng Cứu Chuộc đến. Người báo trước sẽ báo một nhân vật quan trọng (trong hoàng gia) sẽ đến. Chúa Thánh Thần đã tỏ cho Zacaria những lời này về Gioan:
“Hài nhi con ơi, con sẽ được gọi là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, vì con sẽ đi trước mắt Chúa, dọn lối cho Người, để ban cho dân Người biết ơn cứu độ, bởi ơn tha thứ của tội khiên.” (Lc 1:76-77)
Khi Gioan lớn lên, ông bắt đầu sứ mạng của ông trong vùng gần sông Gioađan, không xa thành Giêrusalem bao nhiêu. Ông dạy dân hãy ăn năn hối cải (từ bỏ những ước muốn và hành động tội lỗi của họ). Ông được gọi là “tẩy giả” vì ông sẽ dội nước trên những người muốn từ bỏ tội lỗi của mình, như một dấu hiệu họ ước ao thống hối. Ông thường nói với đám đông đến với ông: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng có người sẽ đến và quyền thế hơn tôi... Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.” (Lc 3:16)
Gioan nói về Chúa Giêsu, Đấng sắp xuất hiện giữa dân chúng. Cũng giống như tất cả các ngôn sứ khác được Chúa sai đến, Gioan cũng bị hành hạ. Vua Hêrôđê sống đời sống tội lỗi và dâm dật, không muốn nghe Gioan nói rằng những hành động của ông ta là sai quấy. Hêrôđê đã bỏ Gioan Tẩy Giả vào tù và sau đó ra lệnh chém đầu ngài.
Gioan không bận tâm về việc ông phải chết, vì ông đã làm công việc mà ông phải làm. Ông đã trung thành chuẩn bị dân chúng nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nên ông sẵn sàng chết với một tâm hồn trung kiên. Thánh Gioan Tẩy Giả là một trong những vị thánh quan trọng nhất của Hội Thánh, sau Mẹ Maria, Gioan lãnh nhận vinh dự cao cả nhất trong lời kinh và phụng vụ của Hội Thánh.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Ngôn sứ - Messia - Lời tiên báo - Người tiền hô - Thống hối.
*********************************************************
BÀI 7: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA VÀ LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC CHÚNG TA
Thiên Chúa Giavê đã hứa với Ađam và Eva sẽ sai một Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ hòa giải tội nguyên tổ và sự chia rẽ mà tội đã gây ra giữa con ngưòi và Đấng Tạo Hóa. Chúng ta đã thấy Thiên Chúa khởi sự chương trình cứu chuộc chúng ta bằng cách chọn một cộng đồng dân tộc, dân Do Thái, để Người mạc khải chương trình ấy. Người đã gửi các ngôn sứ đến với dân tộc này để chuẩn bị họ đón Đấng Messia, “Người được xức dầu” của Thiên Chúa đến.
Nhiều ngôn sứ khác nhau đã báo cho dân Do Thái biết Đấng Cứu Thế đến với họ, nhưng các ngôn sứ không bao giờ nói cách chính xác Đấng ấy là ai. Đa số dân chúng mong đợi một vị lãnh tụ quân sự vĩ đại và quyền uy sẽ giải thoát họ khỏi áp bức chính trị. Còn việc nghĩ rằng Đấng Cứu Thế này chính là Thiên Chúa từ trời xuống để giải thoát họ khỏi ác nô lệ thiêng liêng do tội lỗi gây nên, và khỏi ma quỷ, thì điều đó họ không bao giờ mong đợi.
Những ngôn sứ đã cho dân vài chỉ dẫn về Đấng Messia và vài cách thức để nhận ra được Người khi Người đến. Họ nói Người thuộc chi tộc Giuđa (Gen 49:8-10). Người sẽ được một trinh nữ sinh ra (Is 7:14) trong thành Belem (Mica (5:2-4), một ngôi sao chiếu sáng trên trời để báo cho biết Đấng Messia đã sinh ra (Deut. 24:17), và Ngài sẽ ở một thời gian bên Ai Cập (Hosea 11:1-4) Dấng Cứu Chuộc này sẽ rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho dân nghèo và người khiêm cung (Is 5:1-3). Nhưng Người sẽ bị dân Người từ bỏ và điều này sẽ làm cho Người đau khổ rất nhiều. (Is 53:1-12)
Chắc chắn bạn có thể nhận ra đời sống của Chúa Giêsu trong các lời tiên báo nói trên. Một số người Do Thái nhìn nhận Ngài là Đấng Messia do Thiên Chúa gửi đến. Nhưng có nhiều người khác lại không tin.
CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI
Trong tất cả mọi người nữ của dân được tuyển chọn, Chúa đã chọn ra một người và qua người ấy Ngài sẽ thực hiện lời hứa cứu độ: Đức trinh nữ Maria thành Nazareth. Một hôm Thiên Chúa sai thiên thứ Gabriel đến nói với bà rằng: Vui lên, hỡi bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Người! Maria, đừng sợ, vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này, người sẽ thụ thai và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu Đa vít Cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Gia Cóp cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô tận. “ (Lc 1:28,30-33)
Đức Maria là một trinh nữ, như Giáo Hội luôn dạy như thế, và lời Ngài đáp lại thiên sứ chứng tỏ điều này: “Làm sao sự ấy có thể được, vì việc phu thế tôi không nghĩ đến?” (Lc 1:34)
Thiên sứ nói với bà rằng: Quyền năng Đấng tối cao của Thiên Chúa sẽ làm sự lạ cao cả nơi bà. Bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, một trẻ sẽ được cưu mang trong bà. Giuse, người kết hôn với cô Maria, được coi là cha của đứa trẻ, nhưng ông chỉ là cha nuôi và người bảo trợ của Chúa. Dức Maria sẵn sàng tuân theo mọi điều Chúa muốn cô làm, đã trả lời với thiên sứ: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời ngài.”(Lc 1:38)
Qua những lời này, Đức Maria đã tỏ ra phó thác biết bao vào ý định của Chúa về đời bà và về sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài tự coi mình là tôi tớ của Chúa, nói một cách khác, Ngài là người đầy tớ hay là người nô lệ của Chúa, luôn sẵn sàng làm những gì Chúa muốn.
Ngay sau khi Đức Maria tỏ ý ưng thuận theo ý Chúa, Đức Giêsu đã được thụ thai trong lòng bà. Chín tháng sau, Ngài giáng sinh trong một thị trấn nhỏ tên là Belem, và sự ra đời của Ngài được báo cho biết bởi ngôi sao lạ như đã nói trước. Chúng ta gọi biến cố này, tức việc Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm của chúng ta là sự Nhập Thể.
THIÊN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU
Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi từ trời xuống để chia sẻ đời sống con người của chúng ta. Hơn nữa, Ngài đã tự do chọn sống nghèo nàn, để chúng ta có thể hiểu rằng sự giàu có và những thú vui trần tục không làm chúng ta hạnh phúc thật sự. Ngài muốn trở thành một người, để chúng ta được giải thoát khỏi tội nguyên tổ và được kết hiệp lại với Thiên Chúa bằng phép Rửa Tội, và có thể trở nên con cái của Chúa Cha trên trời như Ngài. Thánh Irênê một Giám mục thánh thiện trong thế kỷ thứ II đã nói: “Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, vì lòng yêu mến ta quá bội, đã trở nên giống như cúng ta, ngõ hầu làm chúng ta giống như chính bản thân Ngài.”
Suốt ba mươi năm trường Chúa Giêsu sống đời sống của một người bình thướng với Đức Maria và Thánh Giuse, làm nghề thợ mộc trong làng Nazareth. Ngài làm như thế để chúng ta hiểu rằng cho dù những sự việc làm tầm thường như công việc và đời sống gia đình đều rất quan trọng đối với Chúa. Phần đầu của đời sống Chúa Kitô được gọi là đời sống ẩn dật, vì suốt thời gian này, không ai biết Ngài thật sự là ai và vì chúng ta không biết nhiều về giai đoạn này.
Khi Chúa Giêsu được chừng 30 tuổi, Ngài bắt đầu giai đoạn sống mà ta gọi là đời sống công khai của Ngài, nghĩa là ba năm Ngài đi rao giảng, dạy dỗ và làm nhiều phép lạ. Những phép lạ này là những dấu chứng về thiên tính của Ngài. Các phép lạ ấy chứng minh rằng Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa. Phép lạ là một biến cố vượt quá khả năng của con người hay của thiên nhiên. Chỉ có Chúa mới làm được phép lạ, vì Ngài là Thiên Chúa và là chủ vạn vật.
Cuộc sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu với việc tẩy rửa của Ngài do thánh Gioan Tẩy Giả làm tại sông Giođan. Khi ấy các thánh sử (sách Tin Mừng) kể lại rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu và có tiếng của Chúa Cha: “Đây là Con chí ái Ta, Đấng Ta sủng mộ”.(Mt 3:17) Đó là lần đầu tiên Đức Giêsu thành Nazareth được công khai mạc khải là Con Thiên Chúa. (Dĩ nhiên Đức Maria và thánh Giuse đã biết Ngài là ai rồi). Và đây cũng là lần đầu tiên mầu nhiệm Ba Ngôi được biểu lộ. Trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã nói về mình như là Con Thiên Chúa: “Quả thật, quả thật Ta bảo các ngươi: trước khi có Abragham, Ta đã có” (Jn 8:58). (Hãy nhớ rằng: Ta có là danh Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Môsê trong bụi gai cháy).
Qua tất cả những biến cố được ghi lại trong sách Tin Mừng ta thấy rằng: Chúa Giêsu Kitô vừa là Chúa vừa là người. Đây là một mầu nhiệm cao cả của đức tin, ta phải chấp nhận điều này là sự thật, vì Thiên Chúa đã mạc khải cho ta. Chúng ta gọi mầu nhiệm này là sự kết hiệp nhân tính và thần tính (hypotestic union). Thuật ngữ này do chữ Hy Lạp muốn nói rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và con của Đức Maria, trọn vẹn là người như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi.
NHÂN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu có tất cả mọi cái của một con người: một thể xác với tất cả quan năng, một linh hồn bất diệt với khả năng của lý trí và ý muốn. Theo điều kiện là một người thì Ngài phải lớn lên hằng ngày trong sự hiểu biết của một con người, và Ngài cũng cảm nghiệm những nỗi vui buồn như tất cả chúng ta. Sách Tin Mừng kể lại rằng Ngài cảm thấy đói và khát ( Lc 4:2); Ngài yêu mến các trẻ con (Mc 10:13-16); Ngài biết đau xót và khóc về sự chết của một người bạn (Jn 11:32-36); Ngài cảm thấy cô đơn (Mt 26:37-46); Ngài vui với tình bạn hữu (Lc 19:1-10); Ngài cảm thấy vui mừng (Lc 10:21); Ngài đã chịu đau khổ và chết (trình thuật Thương Khó trong bốn sách Tin Mừng).
Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (Do Thái 4:15). Vì Ngài là Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nên Ngài là Đấng thánh thiện vô cùng. Những điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không bị cám dỗ phạm tội. Các sách Tin Mừng cho thấy rõ ràng Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta (Mt 1:13; Lc 4:2-13). Vì Ngài là người như chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta cũng có thể sống mà không phạm tội, với sự trợ giúp ân huệ của Chúa luôn luôn được ban cho chúng ta, qua các bí tích. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy một đời sống không phạm tội như Ngài là điều có thể làm được.
NHỮNG SAI LẠC VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
Xuyên qua lịch sử Kitô giáo, có một số người tin Chúa đã dạy những giáo lý sai lầm về mầu nhiệm nhập thể. Những tà thuyết lạc đạo rất nguy hiểm cho đức tin, vì nó làm người ta hiểu sai về sự thật dẫn đến ơn cứu độ.
Tà thuyết lạc đạo đầu tiên tấn công những chân lý Hội Thánh đã có trong những ngày các tông đồ còn sống, tà thuyết đó được gọi là tà thuyết nhân tính giả (Docetism). Tà thuyết ấy chủ trường Chúa Giêsu không phải là người, mà chỉ có dáng một con người. Có một số người đã tin theo, vì họ coi thể xác là một cái gì xấu, cho nên theo suy luận của họ, Chúa không thể mặc lấy một thể xác thật. Giáo hội kết án chủ trương của những người chủ trương thuyết nhân tính giả LÀ MỘT ĐIỀU LẠC ĐẠO; và thánh Gioan đã viết trong sách Tin Mừng của ngài một phần để chứng minh sự sai lầm của họ. Nhưng tà thuyết này còn tồn tại đến ngày nay trong số những kẻ cho rằng thể xác con người là đầy tội lỗi và không phải là cái mà Thiên Chúa đã dựng nên tốt lành. Tà thuyết này cũng ảnh hường đến những Kitô hữu chỉ nhìn nơi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà thôi, chứ không phải là một con người đầy đủ.
Một lạc đạo khác đã mọc lên giữa các Kitô hữu vào đầu thế kỷ thứ IV. Thuyết này do một linh mục chủ trương phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu. Tên ông là Arius, và tà thuyết của ông được gọi là thuyết không thiên tính (Arianism) . Người theo tà thuyết này tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Messia do Thiên Chúa sai đến, là người cao cả nhất trong các bậc thầy và là người thánh thiện nhất giữa loài người, nhưng họ không tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Một điều đáng tiếc về tà thuyết này là họ đã lôi cuốn được hàng ngàn Kitô hữu, kể cả một số giám mục. Một bài học cho ta là kể các các linh mục và giám mục cũng có thể đi lạc đường nếu họ không liên kết với Đức Giáo Hoàng, vì hồi ấy chỉ có Đức Giáo Hoàng và một số ít giám mục trung thành còn dạy rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Tà thuyết này có một tầm tác hại quan trọng, nên Công Đồng Chung thứ nhất (hội nghị của tất cả Giám Mục với Giáo hoàng) đã được triệu tập để công khai lên án tà thuyết lạc đạo này. Công Đồng này được gọi là Công Đồng Nicêa (năm 325), và sau khi hội nnghị này, ta có bản tuyên tín (kinh Tin Kính) Nicêa thường đọc vào các ngày Lễ Chúa Nhật hôm nay.
Không may mắn cho chúng ta, tà thuyết này còn tồn tại đến ngày nay, trong số những người này gọi Chúa Kitô là một vĩ nhân và một nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng từ chối không nhìn nhận thiên tính của Ngài. Những người này đã đặt Chúa Giêsu ngang hàng với những vị sáng lập các tôn giáo khác (như Đức Phật hay Mahômét) và coi Kitô giáo chỉ là tôn giáo như các tôn giáo khác. Họ không thấy được rằng Thiên Chúa đã làm người vì họ, vì mọi người chúng ta, để chúng ta có thể sống thật sự với Ngài trên trần gian này và mãi mãi trên thiên đàng.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Phép lạ - Giáng Sinh - Sự kết hợp nhân tính và thần tính - Các thánh sử - Nhập thể - Tà thuyết lạc đạo - Thuyết nhân tính giả - Thuyết không Thiên tính - Công Đồng chung - Kinh Tin Kính Nicêa
PHẦN SINH HOẠT
Câu Hỏi:
1.Con Thiên Chúa làm người cách nào?
Con Thiên Chúa làm người bằng cách nhận lấy như chúng ta một thân xác và một linh hồn, trong cung lòng Đức trinh nữ Maria bởi tác động của Chúa Thánh Thần.
2.Con Thiên Chúa có hết làm Thiên Chúa khi xuống thế làm người không?
Khi Thiên Chúa làm người, Ngài không hết làm Thiên Chúa, nhưng vẫn còn là Thiên Chúa thật sự; ngoài ra, Ngài bắt đầu trở nên con người thật sự.
3.Có mấy bản tính nơi Chúa Giêsu Kitô?
Nơi Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại.
4.Khi có hai bản tính, Chúa Giêsu có hai ngôi không?
Khi có hai bản tính, Chúa Giêsu không có hai ngôi, nhưng chỉ có một ngôi của Con Thiên Chúa.
5.Làm sao người ta biết Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa?
Người ta biết Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa vì Ngài chịu phép rửa và khi Ngài biến hình trên núi Taborê, Đức Chúa Cha đã tuyên bố: “Đây là Con chí ái Ta, Đấng Ta sủng mộ”; và cũng vì Đức Giêsu Kitô đã tự mình tuyên bố khi Ngài còn sống ở dưới thế này rằng Ngài là Con Thiên Chúa. (Mt 3:17; Lc 9:35)
6.Chúa Giêsu Kitô có hiện hữu luôn luôn không?
Theo tư cách là Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô luôn luôn hiện hữu; nhưng theo tư cách là một người thì Ngài chỉ bắt đầu hiện hữu khi Ngài nhập thể.
7.Chúa Giêsu Kitô sinh ra bởi ai?
Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi Đức trinh nữ Maria, nên Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa và thật sự như vậy.
8.Còn Thánh Giuse có phải là cha thật của Đức Giêsu Kitô không?
Thánh Giuse không phải là cha thật của Chúa Giêsu; nhưng chỉ là cha nuôi. Nghĩa là, với tư cách là chồng của Đức Maria và là người bảo vệ Đức Giêsu, nên người ta nghĩ Ngài là cha của của Chúa Giêsu, nhưng thật sự không phải vậy.
9.Chúa Giêsu sinh ra ở đâu?
Ngài sinh ra ở Belem, trong một chuồng súc vật và được đặt trong máng cỏ.
10.Phép lạ là gì?
Phép lạ là một điều vượt quá tất cả sức mạnh và luật thiên nhiên, cũng như vượt quá khả năng con người; và do đó là điều chỉ có Thiên Chúa làm được, vì Ngài là Chúa và là Cha thiên nhiên.
11.Chúa Giêsu đã xác định giáo lý của Ngài và chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa thật bằng những phép lạ nào?
Thưa Ngài đã làm cho người mù thấy lại, người điếc nghe được, người câm nói được, nhiều người mắc đủ mọi thứ bệnh tật được bình phục và nhất là làm cho kẻ chết sống lại. Rồi với tư cách Thiên Chúa và chủ tể vạn vật, Ngài đã khiến quỷ dữ và sức mạnh thiên nhiên vâng phục. Trên tất cả mọi phép lạ, phép lạ vĩ đại nhất là Ngài đã tự mình sống lại.
************************************************************
BÀI 8: CHÚA GIÊSU RAO GIẢNG
Khi Chúa Giêsu được ba mươi tuổi, Ngài bắt đầu sứ mạng của Ngài. Trước tiên, Người đến gặp người anh em họ của Ngài là ông Gioan Tẩy Giả. Lúc ấy Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ cao cả. Nhiều đám đông dân chúng đến để nghe ngài giảng về sự thông hối và chịu phép rửa như một dấu hiệu ăn năn tội lỗi của mình. Vài người đã tưởng Gioan là Đấng Messia, nhưng ông đã nói ràng mình chỉ là người tiền hô cho Đấng Cứu Thế: “Tôi là tiếng của người hô trong sa mạc... 'hãy dọn đường đi'... Đấng đến sau tôi, mà tôi không xứng đáng cởi quai dép Ngài.”
Cho nên, Gioan phảo ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu lội xuống sông Giođan. Gioan nói: “Chính tôi cần phải được ngài thanh tẩy cho.” Nhưng Chúa Giêsu cứ cố nài, dù ngài không cần phải được thanh tẩy. Ngài muốn chia sẻ mọi sự với dân chúng, kể cả lòng thống hối tội lỗi. Sau khio Chúa Giêsu được thanh tẩy, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Ngài, và có tiếng Chúa Cha từ trời phán: Ngài là Con chí ái Ta, người Ta sủng mộ.”
Sau đó Chúa Giêsu đi vào hoang địa để cầu nguyện và ăn chay 40 đêm ngày. Ngài biết công việc của Ngài sẽ gặp nhiều khó khăn, nên Ngài cần thời gian này để chuẩn bị. Sau 40 ngày, Satan đến cám dỗ Chúa Giêsu. Satan muốn thuyết phục Chúa Giêsu tìm một cuộc sống dễ chịu cho bản thân với những quyền năng kỳ diệu Ngài có, để tỏ ra là một người lãnh đạo uy hùng trên trần gian này. Nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn làm theo ý Chúa Cha. Ngài không muốn và cũng không thể phạm tội. Ngài đã đuổi Satan đi chỗ khác.
Sau khi từ hoang địa trở về, Chúa bắt đầu giảng dạy trong các làng mạc tại Galilê. Ngài rao giảng trong các hội đường, ở ngoài đường, gần bờ biển, và trên các sườn đồi. Chúa Giêsu không muốn mất nhiều thời gian với những người Pharisiêu có kiến thức, hay với các nhà lãnh đạo trong thời Ngài. Ngài chỉ muốn đem Tin Mừng Cứu Độ cho người nghèo, cho kẻ tội lỗi và cho tất cả những ai mà thế gian này coi họ là hạng người thấp cổ bé họng. Các môn đồ của Ngài là những người chài lưới mộc mạc, và có cả một người thâu thuế mà mọi người ghét cay ghét đắng. Các em thiếu nhi thời đó cả trai lẫn gái đều thích gần Chúa Giêsu. Đây thật là một rabbi (thầy tôn giáo) được gọi là bạn thân của chúng.
Chúa Giêsu dạy dân chúng những sự thật về Thiên Chúa, về Thiên Đàng, và con đường dẫn họ đến Thiên Đàng. Ngài nói rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ như một người Cha và hằng mong mỏi những người tội lỗi trỉ về với Ngài. Chúa Giêsu dạy họ về nước trời, mà các thành viên trong đó không phải là những đầy tớ, nhưng là con cái Thiên Chúa. Các con cái của nước trời phải có một lối sống phản ảnh tình thương Thiên Chúa. Họ phảo tha thứ và cầu nguyện cho những ai đã xúc phạm đến họ. Chúa Giêsu nói họ sẽ bị xét xử theo cách họ đã đối xử với những người đói khát, bệnh tật, những kẻ tù tội, và tất cả những ai không thể tự lo liệu cho mình.
Để giúp dân chúng hiểu rõ hơn về Nước Trời, Chúa Giêsu đã kể những câu truyện ngắn gọi là dụ ngôn. “Nước Trời giống như hạt cải. Nó là thứ nhỏ nhất trong các hạt. Nhưng khi mọc lên, nó lại lớn hơn các cây khác. Nó trở thành một cây lớn.” (Mt 13:31-32) Điều này giúp chúng ta hiểu công việc của Chúa Giêsu và của giáo hội Ngài khởi sự một cách nhỏ nhoi. Đối với thế gian, Hội Thánh là một cái gì không đáng kể, như một hạt cải. Nhưng Nước Trời lớn lên cho đến khi nó trở thành một Nước thiêng liêng lớn nhất trên thế gian này. Như cây cải, nó sẽ mọc vươn hẳn mọi nước của loài người.
Lúc khác, Chúa Giêsu ví Nước Trời như một lưới lớn đánh cá được ném xuống nước. “Khi lưới đã đầy, người ta kéo nó lên bãi rồi ngồi tại đó, người ta lựa thứ tốt bỏ vào giỏ, còn thứ xấu thì quăng ra ngoài.” (Mt 13:47-51) Thời tận thế, Thiên Chúa sẽ tập hợp mọi người lại và phân tách người lành ra khỏi kẻ dữ. Nhưng trong hiện tại, xét xử người khác không phải là công việc của chúng ta, cũng như cá trong lưới kia không thể tự mình định đoạt con nào tốt và con nào xấu. Xét xử cá là việc của người đánh cá; còn xét xử linh hồn người ta thì tốt hơn dành cho Thiên Chúa.
Một trong những dụ ngôn hay nhất là dụ ngôn về kho tàng trong ruộng. (Mt 13:44) Một người làm ruộng, khi thấy được một kho tàng giấu trong đó. Biết được giá trị của kho tàng ấy, anh đi bán tất cả những gì mình có mà tậu thửa ruộng kia. Khi chúng ta tìm được Nước Trời, là tìm được một kho tàng quí giá hơn mọi kho tàng khác. Chúng ta không ngần ngại dâng cả mạng sống cho Chúa Giêsu, vì Ngài sẽ ban lại cho chúng ta sự sống đời đời trên Thiên Đàng. Những người khác có thể không hiểu tại sao chúng ta theo Chúa Giêsu. Có lẽ người được nói trong dụ ngôn này được nhiều người khác cho là dại dột, đã bán tất cả vốn liếng của mình để tậu một thửa đất vô giá trị. Họ không biết là có một kho tàng cất giấu trong đó. Cũng vậy, niềm vui của Thiên Đàng bị giấu khỏi nhiều người trên đời. Nhưng những ai tìm được Nước Trời mới biết nó đáng giá biết bao.
Chúa Giêsu chọn mười hai người để nên các bạn thân cận nhất của Ngài, nên các môn đệ của Ngài. Họ đã sống với Chúa Giêsu lâu hơn bất cứ người nào khác. Một ngày nào đó họ sẽ thi hành công tác của họ là đi giảng đạo, rửa tội, và dẫn dắt Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thành lập.
Trong mọi sự, Chúa Giêsu luôn làm theo ý Cha Ngài. Những dặm đường trường từ thành này đến thành nọ làm Ngài mệt nhọc. Rồi một số người từ chối không nghe Tin Mừng Ngài loan báo làm Ngài buồn phiền. Nhưng trên hết mọi sự, Chúa Giêsu vẫn sung sướng biết rằng Ngài đang thi hành chương trình của Cha Ngài là cứu độ thế gian và toàn thắng tội lỗi. “Ta đến để làm theo ý của Đấng đã sai Ta.” Chúa Giêsu tuyên bố như vậy, cho dù ý của Cha Ngài một ngày kia sẽ đưa Ngài đến sự đau khổ và cái chết. Chúa Giêsu biết điều này, nhưng Ngài vẫn can đảm bước tới, vì lòng yêu mến Cha Ngài và yêu mến nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Thầy chí thánh, xin hãy thiết lập Nước Chúa trong
lòng chúng con: “một nước sự thật và sự sống, một nước thánh thiện và ân sủng, một nước công chính, yêu thương và an bình” (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua).
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT: Dụ Ngôn
********************************************************
BÀI 9: SỨ VỤ CỨU ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU
Đức Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian cứu độ nhân loại. Thánh Gioan Tông Đồ đã rao giảng sứ vụ cứu độ này của Chúa Giêsu và nhắc cho chúng ta rằng đó là ý định, là kế hoạch của Chúa Cha cho Con của Ngài: “Phải, Thiên Cbúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Vì Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Jn 3:16-17)
ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC CHÚA CHA
Tâm trí Chúa Giêsu luôn hướng về Cha Ngài, là Đấng mà Ngài đã yêu mến hết lòng. Ngài đã biểu lộ tình thương sâu sắc này bằng việc trung thành làm theo ý của Thiên Chúa, cho dù điều này có nghĩa phải chịu đau khổ và nhục nhằn khi đang hấp hối trogn Vườn cây dầu hay chịu chết trên thánh giá.
Chúa Giêsu thường hay nói đến sự hiệp nhất của Ngài với Đức Chúa Cha. Một hôm, sau khi đã hóa bánh ra nhiều để nuôi những người nghèo đói, Chúa Giêsu nói: “Tôi tự trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Jn 3:68)
Nhiều lần khác trong đời, Chúa Giêsu đã tỏ bày quan hệ thân thiết mà Ngài thường có với Cha của Ngài: Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Ngài. (Jn 3:35)
Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, chính vì tôi hy sinh mạng sống để rồi lấy lại ((Jn 10:17)
Nhưng đó là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. (Jn 14:31)
Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. (Jn 16:32)
Từ những lời ấy, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã làm mọi sự vì lòng yêu mến Thiên Chúa và để tuân phục ý của Người. Không một điều gì Chúa Cha đòi hỏi nời Ngài mà Ngài cảm thấy là quá nhiều hay quá khó, vì lòng yêu mến của Chúa Giêsu không biết đến giới hạn.
NGÔN SỨ, TƯ TẾ VÀ VƯƠNG ĐẾ
Chúa Cha sai Đức Giêsu đến để nên vị ngôn sứ vĩ đại nhất, nên vị tôn sư giảng dạy sự thật về Thiên Chúa. Ngài cũng được sai đến để nên vị tư tế, tự hiến mình làm hy lễ dâng lên Chúa Cha, và nên vị vua của chúng ta, đến để khai mạc triều đại của Thiên Chúa trên trần gian. Chúng ta gọi vai trò này là ba chức vụ của Chúa Giêsu.
CHÚA GIÊSU, VỊ TÔN SƯ CỦA CHÚNG TA
Chúa Giêsu ngôn sứ, hay vị tôn sư, giúp chúng ta đạt tới Thiên Đàng bằng cách dạy cho chúng ta biết phải sống thế nào để làm đẹp lòng Chúa. Và chỉ trong lời giáo huấn của Ngài, chúng ta mới tìm ra con đường dẫn ta đạt tới Thiên Đàng. Ngài nói về chính Ngài: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Jn 14:6)
Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe về tình thương yêu lớn lao mà Chúa Cha đã yêu thương chúng ta, bằng lời nói và gương lành của Ngài; Ngài đã mạc khải rằng Chúa Cha đã sai Ngài đến như Đấng cứu thế của chúng ta, là Đấng sẽ xóa hết tội trần gian. Chúng ta gọi điều này là Tin Mừng về ơn Cứu Độ nhân loại.
Chúa Giêsu đã thông chia vai trò Thầy của Ngài với các môn đệ của Ngài. Ngày nay Ngài dạy chúng ta qua quyền giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Nhiệm vụ chia sẻ niềm tin với những kẻ khác cũng là một thành phần rất quan trọng của đời sống Kitô hữu. Với Bí Tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta được gọi san sẻ niềm tin này với những người khác bằng lời nói, gương lành và các việc tông đồ.
CHÚA GIÊSU, VỊ TƯ TẾ CỦA CHÚNG TA
Chúa Giêsu thật là vị tư tế độc nhất của chúng ta. Với hy lễ Ngài dâng trên thập giá, Ngài đã dành được cho chúng ta ơn thánh hóa. Và như ta đã học trong bài về việc tạo thành con người, ơn thánh hóa này là sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn mình. Và về đời sống ơn thánh này có thể đạt tới mọi người ở mọi nơi và trong mọi thời đại, Chúa giêsu đã ban cho chúng ta các Bí tích và dạy các tông đồ của Ngài hãy đem những quà tặng thánh thiện này đến cho cả thế gian. Mỗi Kitô hữu được thông chia chức tư tế của Chúa Giêsu qua việc xức dầu thánh trong Bí tích Rửa tội và Thêm Sức. Nghĩa là chúng ta được tách khỏi những người nam nữ khác, theo tư cách là những kẻ thờ phuợng Thiên Chúa cách đích thực. Thờ phượng là kinh nguyện và việc tôn thờ Chúa, nhất là nhờ Thánh Lễ và việc cử hành các Bí Tích. Chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa nhiều cách thức khác nhau như cầu nguyện bằng các kinh nguyện...
CHÚA GIÊSU, VUA CỦA CHÚNG TA
Ngay cả trước khi sinh sra, Đấng Messia (Chúa Cứu Thế) được gọi là Vua cao cả, là Đấng trị vì dân Chúa. Thiên Thần Gabriel đã tiết lộ cho Đức Maria: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Vua Đavít... và vương quyền củaNgười sẽ vô cùng tận.” (Lc. 1:32-33)
Người Do Thái cứ nghĩ rằng Đấng Cứu Thế sẽ trị vì một vương quốc phàm trần, nhưng Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế đã điều chỉnh lại cái nhìn sai lầm ấy khi Ngài nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này.” (Jn 18:36)
Chúa Giêsu muốn nói rằng Nước Thiên Chúa có tính cách thiêng liêng. Mọi người sống mà có ơn thánh hóa trong lòng đều thuộc về nước của Chúa Kitô là Giáo Hội của Ngài. Nước Chúa (cũng gọi là Nước Trời hay Triều Đại Thiên Chúa) là một nơi vĩ đại nhất mà con được sống trong đó. Chúng ta đang sống trong Nước ấy khi còn ở dưới thế này, khi chúng ta là những thành viên trung kiên của Giáo Hội, và sẽ sống trong nước ấy mãi mãi trên Thiên Đàng.
Thật là điều kỳ diệu khi nghe Chúa Giêsu kể một dụ ngôn hay một câu chuyện. Ngài thường so sánh Nước Trời với một kho tàng, một viên ngọc (Mt 13:44-46). Ngài nói rằng người tìm được kho tàng ấy, sẽ hiểu được giá trị của nó và sẽ từ bỏ mọi vật cản trở trên đường đưa tới kho tàng ấy.
“Vật” thường cản trở ta đạt tới kho tàng của Nước Trời. Vì lý do đó mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bí Tích Rửa Tội và Thống Hối; nhờ những nghi thức thánh này, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và trở nên những thành viên thánh thiện của Nước Ngài. Thể theo lời của dụ ngôn, nếu chúng ta coi trọng Nước Trời thực sự, chúng ta sẽ từ bỏ tội lỗi để viên ngọc và kho tàng kia sẽ thuộc về chúng ta muôn đời.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Chúa - Ba chức vụ - Tin Mừng - Thờ phượng - Nước Thiên Chúa - Dụ ngôn
SINH HOAT: Câu hỏi:
Chúa Giêsu đã thực hiện được những gì trong suốt đời trần thế của Ngài?
Trong đời trần thế của Ngài, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta sống theo ý Chúa, bằng gương sáng và lời nói của Ngài, và Ngài củng cố đạo lý của Ngài bằng các phép lạ. Cuối cùng, để thanh toàn món nợ của chúng ta do tội gây ra và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, và cũng để mở cửa trời cho chúng ta vào, Ngài đã hy sinh chính mình Ngài chết trên thánh giá. “Ngài là Đấng trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người.” (1Tim. 2:5)
******************************************************
BÀI 10: CHỨC TƯ TẾ CỦA CHÚA GIÊSU
Trong chương vừa rồi, chúng ta được biết rằng một trong những chức vụ của Chúa Kitô theo tư cách là Đấng Cứu Thế chính là vị Tư Tế của Chúng ta. Như thế có nghĩa Chúa Giêsu phải dâng một hy lễ vẹn toàn để đền tội cho chúng ta, nên chúng ta sẽ bàn đến chức vụ tư tế của Chúa Giêsu trong chương này.
DÂNG NHỮNG HY LỄ LÊN THIÊN CHÚA
Chúng ta đã thấy rằng ý niệm dâng những hy lễ lên Thiên Chúa là một phần của lịch sử cứu độ từ ngày Xuất Hành. Nhưng thật sự nó đã có từ lâu trước, từ thời Cain và Abel, các con của Adam và Eva.
Những hy lễ được nhắc đến trong Kinh Thánh là những hy lễ của hai anh em này: “Sau nhiều ngày, Cain dâng trái trăng đồng ruộng làm lễ vật cho Giavê. Còn Abel, phần mình thì dâng chiên cừu đầu lứa cùng với mỡ béo của chúng. Và Giavê đã nhìn đến Abel và lễ vật của nó. Còn Cain và lễ vật của nó Người không nhìn đến.” (KN, 4:3-5)
Trình thuật tiếp tục kể lại ta nghe rằng Thiên Chúa chấp nhận hy lễ của Abel vì ông có một tấm lòng trong sạch, trong khi lòng của Cain đầy ghen tuông đối với em mình.
Kinh Thánh cũng kể rằng Noê đã dâng lên Chúa trên bàn thờ một con vật, để tạ ơn Người đã gìn giữ gia đình ông trong cơn đại hồng thủy, và nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa và là Đấng Tạo Hóa của trái đất.
Sách Lêvi trong Cựu Ước, đã bàn rộng rãi tới sự dâng hiến hy lễ lên Chúa; sách ấy thuật lại rằng những hy lễ này đã được Chúa truyền làm như một cách thức để tỏ lòng thống hối các tội đã phạm. Ngang qua những hy lễ này, dân được tuyển chọn hy vọng lãnh nhận được ơn tha thứ.
Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được ba điều rất quan trọng liên quan đến việc dâng hy lễ lên Chúa:
1.Của hiến dâng phải được dâng với một tấm lòng tinh sạch hay không vướng tội.
2.Hy lễ là một của lễ tạ ơn Chúa vì được sự chúc lành và che chở của Người.
3.Việc dâng hy lễ là để tỏ lòng hối tiếc vì tội đã phạm và lòng ao ước được ơn tha thứ.
Những trình thuất của Cựu Ước về hy lễ cũng nhắc cho ta là trong mọi hy lễ phải có ba điều này:
1.Một vị tư tế, nghĩa là một người để dâng của lễ. Trong dân Do Thái thì chính Thiên Chúa đã chọn lấy một vài người để làm tư tế của Người.
2.Một vật hy sinh, nghĩa là một cái gì để hiến dâng. Chúa dạy dân Do thái phải dâng một vài thú vật, nhất là Chiên Vướt Qua.
3.Một bàn thờ, nghĩa là một nơi nào đó để cử hành việc dâng hiến. Đối với dân Do Thái, các bàn thờ dâng hy lễ được đặt trong Đền Thờ.
CHÚA GIÊSU, VỊ THƯỢNG TẾ TINH TUYỀN CỦA CHÚNG TA
Tất cả những hy lễ Do Thái chỉ là một sự chuẩn bị cho một hy lễ vẹn toàn mà Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa. Ngài được gọi là vị Thượng Tế của chúng ta, nghĩa là Ngài là vị tư tế cao cả nhất của Thiên Chúa. Tại sao? Vì Ngài vô tội, là Con Thiên Chúa, từ trời xuống để dâng một việc thờ phượng toàn hảo lên Chúa Cha. Những tư tế khác chỉ là những con người bất toàn, không thể thờ phượng Thiên Chúa với một tấm lòng tinh tuyền được.
CHÚA GIÊSU, LỄ VẬT HY SINH TINH TUYỀN CỦA CHÚNG TA
Cùng với chức vụ là Tư Tế của hy lễ Ngài dâng, Chúa Giêsu cũng là Vật Hy Sinh. Bàn thờ của ngài, hay là nơi Ngài dâng của Lễ, là bàn tiệc ly và thập giá trên đồi Calvariô: hai nơi dâng lễ khác nhau, nhưng chỉ có một Tư Tế, một vật hy sinh và một Hy Lễ.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu, vị Tư Tế vẹn toàn đã hiến mình cho Chúa Cha dưới hình bánh và rượu. Ngài đã biến đồi những vật này thành chính bản thân Ngài với những lời sau đây: “Này là Mình Thầy... Này là Máu Thầy.” Thế là vật hy sinh vẹn toàn đã được hiến dâng.
Những lời này: “... sẽ bị nộp vì các con... sẽ đổ ra cho các con” (Lc 22:20) nói lên cho chúng ta hai điều: Chúa Giêsu đang dâng hiến một hy lễ lên Chúa vì chúng ta, và Hy lễ Tiệc Ly được gắn liền với Hy Lễ trên thập giá, đã xẩy ra ngày sau đó.
Trên đồi Calvariô, nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh, cũng một hy lễ được tiến dâng lên Chúa Cha. Cũng như trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu là vị Tư Tế đã tự hiến mình. Ngài là Vật Hy Sinh, nhưng lần này là một cuộc hiến dâng có đổ máu và đầy đau đớn. Nhờ sự chết của Ngài, mà Chúa Giêsu đã hiến dâng vì chúng ta, cuối cùng của lễ đền tội duy nhất và thật sự đã được dâng lên Chúa. Khác với những vật các Tư Tế Do Thái đã dâng, Hy Lễ này sinh kết quả thật sứ! Vì hy lễ này xóa được mọi tội lỗi và giao hòa chúng ta với Chúa Cha.
Làm sao chúng ta biết chắc được điều này? Vì Chúa đã phục sinh. Biến cố Phục Sinh chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã chấp nhận hy lễ mà Con của Người đã dâng. Chúng ta không còn phải thắc mắc về điều này - Chúa Giêsu đã được giải thoát khỏi nanh vuốt của tử thần là một dấu chỉ rằng chúng ta cũng được giải thoát khỏi sự chết và khỏi nguyên nhân của sự chết là tội lỗi. Thánh Phaolô viết về điều này trong thư gửi cho giáo đoàn Colôxê và Corintô: “Đức Kitô đã chịu chết để thực hiện cho anh em sự hòa giải trong con người bằng xương thịt của Ngài, hầu anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa .” (Col. 1:22)
“Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy (từ cõi chết) thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1Cor 15:17)
CHÚA GIÊSU, VỊ TRUNG GIAN ĐỘC NHẤT CỦA CHÚNG TA
Ngoài việc dâng hiến hy lễ, tư tế xưa còn có nhiệm vụ cầu nguyện cho dân của mình, xin Chúa đoái nhìn đến những của lễ của họ và tha tội lỗi của họ. Việc làm này được gọi là trung gian, làm môi giới, và tư tế là người trung gian.
Với tư cách là người trần, Chúa Giêsu là vị trung gian độc nhất và vẹn toàn của chúng ta. Những vết thương của Ngài do cuộc đóng đinh không còn nhức nhối và rướm máu nữa, nhưng nó là những kỷ niệm vẻ vang nhắc cho Chúa Cha về sự hy sinh của Ngài. Và cũng với tư cách là người trần, Ngà đã cầu xin Cha cho chúng ta. Ngài đã bày những vết thương do cuộc đóng đinh, nay là những dấu tích vẻ vang, cho Chúa Cha, để Người nhớ lại hy lễ vẹn toàn đã tẩy xóa tội lỗi của chúng ta. Thánh Phaolô tỏ bày chân lý này về Chúa Giêsu là vị trung gian của loài người cho thánh Timôtê, người bạn của ngài và là một đồng nghiệp giám mục như sau: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Đức Giêsu Kitô.” (1 Tim. 2:5)
MỘT VỊ TƯ TẾ NHƯ MEN-KI-XÊĐÊ
Chức Tư Tế của Đức Kitô được báo trước trogn Cựu Ước: “Chúa đã thề rằng, và sẽ không đổi ý: Người là tư tế đến muôn đời theo phẩm trật Menkixêđê.” (Tv. 110:4)
Memkixêđê là ai và ông có liên quan gì đến chưc tư tế của Chúa Giêsu thế nào? Menkixêđê là vua thành Salem (sau gọi là Giêrusalem) và là một tư tế đã dâng tiến bánh và rượu cho Thiên Chúa làm hy lễ. Cho nên Thánh Phaolô nói lý do tại sao ông được so sánh với Chúa Giêsu. Trước Đức Kitô, không một ai đã dâng bánh và rượu. Ngay cả ngày nay, trong nghi thức phong chức của linh mục công giáo, câu lầ từ thánh vịnh 110 đã được dùnh như một trong những lời kinh của Thánh Lễ.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT: Tư Tế - Vật Hy Sinh - Bàn Thờ - Người Trung Gian
****************************************************
BÀI 11: CHÚA KITÔ, NGUỒN MỌI ƠN THÁNH
Con Thiên Chúa làm người để chúng ta có thể lãnh nhận ân huệcủa Thiên Chúa đã bị nguyện tổ làm mất. Chúng ta gọi Người là nguồn mọi ơn thánh, vì nhờ Người chúng ta lãnh nhận món quà kỳ diệu là sự sống Thiên Chúa trong linh hồn mình.
Thánh Gioan tông đồ nhắc lại chân lý này: “Ngôi Lời đã làm người, và ở giữa chúng ta, đầy tràn ân sủng và chân lý... Và từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Jn 1:14:16)
Ơn thánh hóa là món quà vĩ đại nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ơn ấy làm cho họ trở nên con cái Chúa, thành anh chị em của Chúa Kitô, và trở nên đềnthờ của Chúa Thánh Thần. Những ai chết trong sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn mình thì được lên Thiên Đàng hưởng hạnh phúc vô tận với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ và toàn thể thiên thần và các thánh. Không có gì trong toàn vũ trụ này có thể thấy tại sao Chúa Giêsu đã xem ơn thánh là một caí gì quan trọng đến nỗi Người phải chết vì nó.
SỨ VỤ BAN ƠN THÁNH CỦA CHÚA GIÊSU
Mỗi khi Thiên Chúa ban cho ai một sứ vụ, thì Người cũng ban cho họ mọi sự họ cần có để thực hiện sứ vụ ấy. Người không bao giờ đòi bất cứ ai làm một cái gì không thể làm được. Sự Nhập Thể đã ban cho Đức Giêsu Nazareth tất cả những gì Người cần để thực hiện sứ vụ của Người. Vì vừa là Thiên Chúa vừa là Người, nên Chúa Giêsu được tràn đầy ơn thánh. Mọi hành động của Người đều hoàn hảo và thánh thiên, vì đó là những hành động của Con Thiên Chúa, chứ không chỉ là những hành động của một người tốt.
Vì vừa là Thiên Chúa vừa là người, Chúa Giêsu có những quyền năng siêu nhiên làm cho Người có thể cứu chuộc chúng ta, nghĩa là giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ. Bốn sách Tin Mừng đầy dẫy những chuyện có thật biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và Satan: Người có thể xua đuổi những thần linh ô uế hay ma quỷ ra khỏi những người chúng ám: “Đúng lúc đó, trong Hội Đướng, có một người bị quỷ ám la lên: Này ông Giêsu Nazareth, chúng tôi có can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! Nhưng Chúa Giêsu quát mắng nó: Câm đi, hãy xuất khỏi người này! Quỷ lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.” (Mk 1: 23-26)
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ và giảng dạy một cách có quyền uy, làm mọi người kinh ngạc “Mọi người đều kinh ngạc bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền! Ông ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo. Tức khắc danh tiếng Người đồn ra khắp cả miện Galilê.” (Mk 1:27-28)
Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người có thể tha tội: “Đang khi Người giảng lời Thiên Chúa cho họ nghe, bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ tê liệt... Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người tê liệt: Này con, con đã được tha tội rồi... Vậy để các ông biết ở dưới đất này Con Người có quyền tha tội, Tôi truyền cho anh: hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà! Người tê liệt đứng dây, và lập tức vác chõng đi ra... Ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! “ (Mk 2:3-12)
CHÚA GIÊSU BAN ƠN THÁNH CHO MỌI NGƯỜI
Chúa Giêsu đã chu toàn sứ vụ của Người. Người đã đem về cho ta ơn cứu chuộc, ơn ấy làm cho bất cứ ai tin vào Người thì có thể sống đời sống mới, đời sống được chúc phúc vì được làm bạn hữu với Thiên Chúa, và đời sống ấy còn tồn tại mãi mãi. Chúng ta lãnh nhận lần đầu tiên sự sống mới này qua Bí Tích Rửa Tội, và chúng ta lớn lên trong đời sống ấy nhờ cầu nguyện và lãnh nhận các Bí Tích khác.
Chúa Giêsu gia phó những Bí Tích này cho Giáo Hội của Người, là Nước Thiên Chúa trên trần gian. Qua lời cầu nguyện và giảng dạy vủa các linh mục của Ngươì, Chúa Giêsu tiếp tục đánh bại Satan và chiến thắng tội lỗi. Qua các linh mục của Chúa, Người tiếp tục ban ơn thánh cho tất cả những kẻ tin.
Ơn thánh tức sự sống mới được ban cho chúng ta nhờ vào sự sống, chết và phục sinh của Đức Kitô, là Nguồn Mọi Ơn Thánh: “Nhờ Người mọi ơn lành được ban cho thế gian.” (Kinh Nguyện Thánh Thể III)
Vì không có Chúa Giêsu, chúng ta không có ơn thánh, và vì Chúa Giêsu được thụ thai và sinh ra bởi đức tring nữ Maria, nên Đức Maria cũng thường được gọi là vị Trung Gian chuyển thông ơn thánh.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Nguồn mọi ơn thánh - Cứu chuộc - Đấng Trung gian.
****************************************************
BÀI 12: BỮA TIỆC LY
Để bắt đầu, ta hãy đọc chuơng 6 của Tin Mừng Thánh Gioan.
Chúa Giêsu đã làm những kẻ theo Ngài phải khó chịu khi Ngài nói sẽ cho họ ăn chính Thịt và uống máu Ngài, và họ sẽ không có có sự sống trong họ nếu không chấp nhận điều này. Sau lời đó, nhiều kẻ đã bỏ Ngài. Phêrô đã trả lời thay cho những người trung thành còn ở lại. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Còn các anh nữa, các anh có muốn bỏ Ta mà đi không?” Phêrô thưa: “Lạy Chúa, chúng con sẽ đi theo ai? Ngài mới có những lời đem đến sự sống đời đời.” (Jn 6:68-69)
Phêrô và những môn đệ trung thành không thấy trước được việc Chúa Giêsu sẽ làm khi Ngài nói như vậy. Họ không có chút quan niệm nào về việc sẽ xẩy ra. Nhưng rồi họ đã biết và yêu mến Chúa Giêsu; họ đã khao khát lời hằng sống phát xuất từ Ngài; và họ đã tin.
Ngày trước khi Chúa Giêsu nói với họ điều này, Ngài đã chứng tỏ quyền năng của Ngài bằng nuôi đám đông dân chúng khoảng 5000 người với vài mẩu bánh và vài con cá; và Ngài đã báo trước về những sự cả thể hơn nữa sẽ xẩy đến. Nhưng Ngài không giải thích gì thêm. Khi đến giờ Chúa Giêsu phải rời các môn đệ của Ngài, Ngài đã ban cho họ một kho tàng vô giá - là chính Thịt và Máu Ngài trong Phép Thánh Thể. Ngài đã tìm ra một phương thức rất đơn giản để ban cho họ Thịt Ngài để ăn và Màu Ngài để uống: Chúa đã biến bánh thành Thịt Mình Ngài và rượu thành Máu Ngài.
Biến cố kỳ diệu này đã xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các tông đồ của Ngài trước khi Ngài chịu chết. Họ đang cử hành một trong những lễ trọng đại nhất của dân Do Thái: Lễ Vượt Qua. Khi Chúa Giêsu làm việc này, Ngài đã chấm dứt hy lễ của Giao Ước cũ và thiết lập Giao Ước Mới.
LỄ VƯỢT QUA
Lễ Vượt Qua kỷ niệm việc Thiên Chúa giải cứu dân tuyển chọn của Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập, khi Người làm những dấu cả thể và những việc lạ lùng qua trung gian tôi tớ Người là ông Môsê, để gieo sự sợ hãi Thiên Chúa trong lòng dân Ai Cập, nên Pharaon phải trả người Do Thái và cho phép họ ra đi.
Thật ra vua Pharaon đã tỏ ra rất ngang bướng cho đến khi thiên thần gieo sự chết trong một đêm, đã đi ngang qua Nước Ai Cập đánh chết mọi con trai đầu lòng của họ.
Người Do Thái, qua trung gian của Môsê, đã được Thiên Chúa truyền dạy dâng một hy lễ đặc biệt trong đêm ấy: một con chiên vô tì tích. Mỗi gia đình một con. Sau biến cố này, người Ai Cập cuối cùng phải để cho người Do Thái ra đi, vì sự sợ hãi Thiên Chúa đã giáng xuống trên họ.
Tất cả những sự viêc này đầu quan trọng nếu chúng ta muốn hiểu những gì Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Ta có thể thấy tình trạng nô lệ của người Do Thái là hình ảnh tình trạng nô lệ của mọi dân tộc đối với tội lỗi. Và Chúa đã giải phóng dân Do Thái thế nào, thì Người cũng giải phóng chúng ta như thế. Lễ hy sinh giải phóng con người khỏi tội lỗi là sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là chiên Vượt Qua.
Hàng năm, người Do Thái ăn mừng kỷ niệm Vượt Qua - và những biến cố uy quyền đã dẫn đưa họ tới đất tự do - bằng một bữa ăn đặc biệt. Một gia đình sẽ dâng một chiên Vượt Qua làm lễ hy sinh và sẽ ăn nó với bánh không men và rau đắng. Đó là những chi tiết nhắc nhớ Lễ Vượt Qua tiên khởi.
Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài cử hành bữa ăn này khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc lành, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Hãy cấm lấy mà ăn, này là Mình Thầy.” Rồi Ngài cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống, vì này là máu Thầy, máu giáo ước mới, sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội.” (Mt 26:26-28)
VẬT HY SINH HOÀN HẢO
Từ sau khi Adam sa ngã, loài người luôn cảm thấy có nhu cầu dâng lên Thiên Chúa một Lễ Vật công cộng để đền tội mình và xin ơn tha thứ. Hoa quả đầu mùa, chiên con hay dê - một vật gì cần có sự sống - tất cả những lễ vật sẽ do một tư tế thiêu hủy trên bàn thờ để chứng tỏ rằng những vật ấy thuộc về Thiên Chúa - cũng như tất cả mọi vật đang hiện hữu. Con người mong muốn được phục hồi trong tình bằng hữu với Thiên Chúa, mà tội lỗi đã làm tan vỡ. Những hy lễ của họ là một cố gắng để thực hiện điều này.
Dâng hy lễ có bốn mục đích riêng biệt: để thờ phượng Chúa, tạ ơn Người đền tội và xin ơn phù giúp. Trước khi Chúa Kitô đến, đã có nhiều của hy lễ được dâng lên Thiên Chúa, nhưng không một hy lễ nào có thể đền được tội của loài người. Một mình con người không thể dâng lên Chúa một vật gì xứng hợp và quí báu để có thể đền bù một sư ïxúc phạm đến Chúa nặng nề ngần ấy. Nhưng Thiên Chúa đã thương yêu ta vô cùng và muốn giao hòa chúng ta lại với Người đến nỗi Người đã cho chúng ta một hy lễ rất đáng chấp nhận để đền trả nợ của chúng ta.
Đức Giêsu mà Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta là hy lễ chấp nhận ấy. Hy lễ Thiên quốc này đã được tế lễ trên Thập giá để giao hóa giữatrời và đất một lần thay cho tất cả.
Chữ dâng hiến để chỉ sự dâng hiến để chỉ sự dâng hiến toàn bộ vật hy sinh hoặc một món quà trong một lễ hiến tế. Trong việc dâng hiến của Chúa Giêsu Kitô, Ngài vừa là Tư Tế, vừa là vật hy sinh. Bởi chưng Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá chỉ vì lòng yêu thương của Ngài; Ngài có thể xuống khỏi thập giá bất cứ lúc nào, nhưng Ngài không muốn. Ngài đã tự hiến thân mình. Tất cả những gì xẩy ra cho ngài trong hình một tội nhân, nhưng không giống với bất cứ tội nhân nào bị đóng đinh, chính Ngài đã tự hiến thân mình.
VỪA LÀ CHÚA VỪA LÀ NGƯỜI
Sau khi các tông đồ rước lễ, Chúa Giêsu nói với họ rằng: Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy (Lc 22:19) Khi Ngài nói lời này, Ngài đã phong chức linh mục cho các ông; vì khi bảo họ hãy làm những gì Ngài đã làm - tức biến bánh và rượu thành mình và máu Ngài - Ngài đã ban cho họ quyền năng để làm việc ấy.
Năng quyền cao cả nhất của chức linh mục là quyền dâng hy lễ Mình và Máu Chúa Giêsu. Lễ này cũng là một lễ Chúa Giêsu đã dâng trong Bữa Tiệc Ly và ngày hôm sau trên Thánh Gía. Nhờ năng quyền này, Mình và Máu Chúa Giêsu còn tiếp tục dâng lên Thiên Chúa dưới hình bánh và rượu mỗi khi cử hành Thánh Lễ.
Như thế, Chúa đã để lại cho chúng ta một hy lễ vĩnh cửu phong phú và quyền năng không có gì trên đời này có thể sánh được.
Các tông đồ sử dụng quyền năng của các ngài để nuôi dưỡng giáo hội mới của Chúa Kitô bằng Bánh Bởi Trời; và các ngài chia sẻ quyền năng này với các anh em khác, những cộng sự viên và những người kế vị các ngài, để Giáo Hội có thể tiếp tụctư 2thế hệ này qua thế hệ khác dâng lễ tế cao cả và làm tái diễn mầu nhiệm này.
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Vượt qua - Tiệc ly - Biến đổi bản thể - Mầu nhiệm - Thánh Thể - Dâng hiến – Hy lễ.
****************************************************************
BÀI 13: CHÚA CHỊU CHẾT VÀ SỐNG LẠI
Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đến vườn Cây Dầu để cầu nguyện. Ngài dặn các môn đệ hãy thức với Ngài, nhưng họ đều thiếp ngủ cả. Chúa Giêsu thức một mình trong cơn hấp hối của Ngài.
Đêm ấy, Chúa Giêsu thấy hết cả tội lỗi nhân loại và điều ấy làm Ngài buồn sâù. Ngài nghĩ đến tất cả những đau khổ Ngài sẽ chịu để đền tội cho chúng ta. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người. Với tư cách là người, Ngài cũng có những cảm xúc sâu xa. Đêm ấy, Ngài cảm thấy buồn bã và sợ hãi. Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất khỏi con sự đau khổ này.” Nhưng rồi Ngài nói tiếp: “Song không phải ý con mà là ý Cha được thành sự.” Chúa Cha đã sai một thiên thần đến an ủi Ngài.
Theo luật định, các đầu mục Do Thái không thể đụng tới Chúa Giêsu cho tới khi họ có phép của tổng trấn Roma tại Giuđê là ông Pontiô Philatô. Ông này có quyền thả Chúa Giêsu. Ông biết Chúa Giêsu vô tội. Nhưng Philatô rất sợ làm mất lòng dân. Khi đám đông dân chúng cứ tiếp tục la ó rằng: Hãy đóng đinh nó, Philatô đã nhượng bộ. Ông không bảo vệ Chúa Giêsu. Ông đã kết án tử hình Ngài như các kẻ thù của Ngài yêu cầu. Các tên lính túm lấy Chúa Giêsu và xử tệ với Ngài như với một tên gian ác. Họ đánh đòn Ngài. Họ đặt một vòng gai nhọn trên đầu Ngài. Họ nhạo báng Ngài và nói những lời vô lễ: Chào Vua dân Do Thái!
Lúc ấy Chúa Giêsu đã yếu nhược lắm rồi, nhưng những tên lính càng làm Ngài đau đớn hơn. Họ bắt Ngài vác một cây thập giá nặng. Họ không cho Ngài một chút nghỉ ngơi hay miếng nước nào. Chúa Giêsu đã té ngã ba lần, nhưng họ cứ bắt Ngài phải bước đi. Khi Chúa Giêsu đã lên tới đỉnh núi Calvariô, họ đóng chân tay Ngài vào thập giá, rồi dựng nó lên, và để Ngài chết trong đau đớn.
Dầu đang ở trong đau khổ cùng độ, Chúa Giêsu vẫn đầy lòng thương yêu. Ngài xin Chúa Cha tha tội cho các tên lính hung dữ ấy. Ngài ban cho người trộm cướp cùng bị đóng đinh bên cạnh Ngài lòng hy vọng và ơn tha thứ. Ngài xin Đức Mẹ Maria nhận làm mẹ của môn đồ Ngài yêu mến là Gioan, và làm mẹ cho cả loài người.
Vài người lúc đó đã chê cười Chúa Giêsu và nói: Ông ấy đã cứu chữa người khác nhưng lại không cứu được mình! Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và Ngài có đủ quyền năng để thoát khỏi cựu hình thập giá. Nhưng Ngài đã ở trên thập giá. Ngài đã chọn lấy sự đau khổ và cái chết tự do vì yêu thương nhân loại. Ngài muốn đền tội thay cho họ, muốn cứu chuộc họ để họ được hưởng phúc Thiên Đàng.
Cuộc thắng trận vĩ đại của Chúa Giêsu dạy chúng ta hiểu giá trị của sự hy sinh. Cuộc chịu nạn và chịu chết của Ngài đã cứu thoát nhân loại. Khi chúng ta dâng lên những việc làm của mình vì lòng yêu mến, là chúng ta đang tham dự vào sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chúng ta đền tội cho mình và cho người khác. Một cách nào đó, chúng ta giúp Chúa Giêsu cứu độ thế gian. Những việc từ bỏ mình có thể đơn giản như cho đi một cục kẹo mà mình muốn giữ lấy, hoặc giúp đỡ cha mẹ khi các ngài mệt mỏi... Những việc yêu mến này trở thành một phần của sự hy sinh của Chúa Giêsu để đem lại ơn thánh cho gian trần.
Lần sau bạn đi lễ, bạn hãy tìm xem các chặng Đàng Thánh Giá trong Nhà Thờ. Hãy nhớ là Chúa Giêsu đã yêu thương bạn đến nỗi chịu mọi khổ hình và đã chết vì bạn. Bạn rất quý đối với Ngài. Hãy nói với Ngài là bạn sẽ yêu mến Ngài mãi mãi.
Không có lòng mến nào lơn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.
Các Chặng Đàng Thánh Giá:
1. Chúa Giêsu bị kết án tử hình.
2. Chúa Giêsu vác thánh giá.
3. Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất.
4. Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài.
5. Ông Simon giúp Chúa Giêsu vác thánh giá.
6. Bà Veronica lấy khăn lau mặt Chúa Giêsu.
7. Chúa Giêsu ngã lần thứ hai.
8. Chúa Giêsu nói với các người phụ nữ Giêrusalem.
9. Chúa Giêsu ngã lần thứ ba.
10. Chúa Giêsu bị quân dữ lột hết áo quần.
11. Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.
12. Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá.
13. Các môn đệ hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thánh giá.
14. Chúa Giêsu được táng trong mồ.
CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI
Sáng sớm này Chúa Nhật sau khi Chúa Giêsu chết, Maria Mađalêna và vài người phụ nữ khác lên đường dẫn đến mộ. Các bà muốn bổ túc nghi thức an táng theo phong tục Do Thái và ướp xác Chúa Giêsu với hương liệu. Các bà không có đủ thời gian để làm việc này mấy ngày hôm trước. Luật cấm đụng đến xác người chết trong ngày Sabath.
Dù hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, nhưng tâm hồn các bà không được thanh thản nhẹ nhàng. Thầy mà họ yêu và tôn kính như Đấng Messia đã chết. Các môn đệ thì còn trốn trong nhà, lòng đau buồn rười rượi vì các chết của Thầy mình, và lo âu vì sợ hãi cho mạng sống bấp bênh của mình nữa. Điều làm các bà lo lắng hơn cả là sẽ không thể chu toàn việc yêu mến lần cuối cùng, là ướp hương thi hài của Thầy mình.
Ngôi mộ bị đóng kín bằng một tảng đá lớn mà các bà không thể di chuyển được. Và các bà không chắc rằng các lính canh Roma được sai đến đó để giữ ngôi mộ khỏi tay các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ sẵn lòng giúp các bà. Có lẽ các bà tự nghĩ rằng quyền lực sự dữ đã thắng trận một cách tàn bạo.
Khi đến cửa mồ, các bà ngạc nhiên thấy tảng đá đã lăn ra ngoài. Một thiên thần ngồi trên tảng đá nói: “Đừng sợ, tôi biết các bà đang tìm Đức Giêsu, Đấng đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây, vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói. Hãy đến mà xem nơi người ta đặt Ngài nằm. Rồi hãy đi loan tin cho các môn đệ của Ngài rằng Ngài đã sống lại.” (Mt 28:5-7)
Các bà vội chạy về nhà các môn đệ ở. Các ông không biết nghĩ sao về câu chuyện các bà vừa kể, nhưng Phêrô và Gioan liền chạy vội đến mộ. Maria Mađalêna cũng chạy theo các ông. Các ông nhhìn vào trong mộ. Tấm khăn liệm của Chúa Giêsu đưọc cuộn lại gọn gàng và để qua một bên. Gioan hiểu rằng các tên trôm thường trộm cắp các mồ mả không thể làm như vậy được. Ông nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói về việc sống lại. Phải! Chính thế! Bây giờ đã xẩy ra thật sự như vậy. Ngay khi đó, Gioan đã trở nên người thứ nhất tin vào sự phục sinh. Phêrô và Gioan chạy trở về nhà để báo cho các môn đồ khác về điều các ông đã thấy.
Nhưng Maria Mađalêna còn ở lại nơi mộ. Mệt mỏi và lo âu bởi những gì đã xẩy ra, bà không thể suy nghĩ minh bạch được. Bà chỉ biết một điều là xác của Chúa Giêsu đã biến mất, có thể do những tay ác ôn đánh cắp. Bà bắt đầu khóc thì nghe thấy tiếng động sau lưng bà: Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai? Mắt đã bị lòa vì nước mắt, Maria tưởng đó là người làm vườn. Nhưng khi người ấy nói lần thứ hai, thì không thể lầm được nữa. “Maria”, Ngài nói. Maria nhìn lên và thấy ngay Chúa Giêsu đứng đó. Bà thưa Ngài: Lạy Thầy! Hầu như đớ lưỡi không nói được gì vui mừng. Chúa Giêsu mới sai bà đi loan báo cho các môn đồ.
Chúa Giêsu đã thực hiện một chiến thắng trọng đại hơn cả. Ngài đã đánh bại tội lỗi và toàn thắng sự chết là hình phạt của tội lỗi. Sự Phục Sinh của Ngài cho các môn đệ của Ngài thấy rằng Ngài là Con Thiên Chúa thật sự, là Vua trên các Vua, là Chúa trên các Chúa. Sự phục sinh là dấu hiệu Thiên Chúa đã chấp nhận lễ hy sinh mà Chúa Giêsu đã dâng lên để cứu chuộc nhân loại.
Sau khi sống lại, thân xác của Chúa Giêsu đã biến đổi, hay nói khác là được vinh hiển. Bây giờ Ngài không còn bị giới hạn trong thân xác của Ngài như tất cả chúng ta đều bị. Ngài có thể hiện ra hay biến đi bất cứ nơi nào Ngài muốn. Ngài có thể đi xuyên qua tường và cửa khóa kín. Ngài không còn đau khổ hay cảm thấy khó chịu, như đói hay khát. Đồng thời, Chúa Giêsu vẫn còn một thân thể thực sự. Ngài không phải là ma, và khi Ngài hiện đến với các môn đồ, Ngài chứng tỏ bằng việc ăn uống và cho các môn đồ sờ vào các vết thương của Ngài.
Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một trong những chân lý trọng yếu nhất của đức tin chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta hóa ra vô ích”. Vì Chúa Giêsu đã sống lại, linh hồn chúng ta đã chết vì tội lỗi, được sống lại trong ơn thánh hóa nhờ Bí Tích Rửa Tội. Vì Chúa Giêsu sống lại mãi mãi, chúng ta cũng có thể hy vọng sẽ sống mãi mãi trên Thiên Đàng.
“Ngài đã xuống ngục tổ tông: ngày thứ ba Ngàu sống lại từ kẻ chết...”
NHỮNG CHỮ NÊN BIẾT
Calvariô - Lễ hy sinh - Cuộc chịu nạn - Cứu chuộc.
PHẦN SINH HOẠT
Câu hỏi:
1.Tại sao Con Thiên Chúa làm người?
Con Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta, nghĩa là để cứu chuộc chúng ta khỏi tội và đem lại cho chúng ta Nước Thiên Đàng.
2.Chúa Giêsu Kitô đã làm gì để cứu độ chúng ta?
Để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã đền tội cho chúng ta bằng cách chịu đau khổ và hy sinh chết trên thập giá, và Ngài cũng dạy chúng ta phải sống thế nào cho đúng ý Chúa.
3.Chúa Giêsu Kitô đã chết theo tư cách là Chúa hay là người?
Chúa Giêsu đã chết theo tư cách là người, vì với tư cách là Chúa, Ngài không thể chịu đau khổ hay chết được.
4.Hy lễ là gì?
Hy lễ là dâng hiến cách công cộng lên Thiên Chúa một sự vất có thể thiêu hủy được, để tuyên xưng rằng Chúa là Đấng Tạo Hóa chủ tể muôn loài thuộc về Ngài.
5.Sau khi chết, Chúa Giêsu đã làm gì?
Sau khi chết, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông bằng linh hồn Ngài, để viếng linh hồn các người công chính đã chết từ trưóc đến lúc ấy, và đem họ về Thiên Đàng với Ngài. Rồi Ngài sống lại từ kẻ chết, lấy lại thân xác đã được an táng trong mồ.
6.Xác Chúa Giêsu Kitô đã ở lại trong mồ bao lâu?
Xác Chúa Giêsu ở lại trong mồ ba ngày, tuy không phải là ba ngày tròn; từ chiều thứ sáu cho đến sáng ngày mà bây giờ gọi là Chúa Nhật Phục Sinh.
****************************************************
BÀI 14: CHÚA GIÊSU NGỰ VỀ TRỜI
Trong những ngày trong tuần sau ngày Chúa Nhật thứ nhất Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Người. Người dùng những lần viếng thăm này để dạy dỗ các ông trong công việc truyền bá Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên trần gian. Người bắt đầu công cuộc giáo huấn này ngay lần đầu Người hiện ra cho các ông. “Như Cha đã sai Thấy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Jn 20:21-23) Và như thế, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ một năng quyền đặc biệt mà các ông cần có như là những linh mục và giám mục đầu tiên của Hội Thánh: Quyền Tha Tội. Với năng quyền này, các tông đồ có thể đem đến cho các Kitô hữu lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Sau đó, các ông sẽ truyền lại năng quyền này cho các người khác sẽ kế vị các ông.
Một trong mười một tông đồ, tên là Tôma, không có mắt trong buổi họp mắt ấy. Oâng chưa thấy Chúa Giêsu phục sinh và cũng không chịu tin điều này. Ông nói: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra. Lần này có cả Tôma nữa. Chúa Giêsu mới nói: “Tôma, lại đây, đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin.” Oâng Tôma thưa Người: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (Jn 20:24-29).
Chúng ta phải vui mừng với lời Chúa Giêsu nói với Tôma, vì Người cũng nói với chúng ta. Người nói: “Vì thấy Thầy nên anh đã tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Chúng ta tin Chúa Giêsu dù chúng ta không thấy Người. Đức tin của chúng ta sẽ được ân thưởng.
Sau đó ít lâu, các tông đồ quyết định đi thả lưới ở biển hồ Tibêriát, cũng như trước kia các ông thường làm, khi chưa biết Chúa Giêsu. Các ông đã thả lưới trọn đêm nhưng không bắt được con cá nào. Khi các ông đang chèo vào bờ lúc trời tảng sáng, một người đứng trên bờ đã la to hỏi các ông: Các anh có bắt được gì không? Các ông đã trả lời: Không được gì! Người ấy bảo: Cứ thả lưới xuống bên phải mạng thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá.” Họ vâng theo lời khuyên dạy và kéo lên môt5 mẻ cá kinh hoàng. Oâng Gioan mới la to lên: Chúa đó! Ông Phêrô vui mừng nhớ lại việc Chúa Giêsu đã cho ông lần đầu tiên một mẻ cá kỳ diệu như vậ. Ngày ấy là ngày Người đã kêu gọi các ông đi theo Người. Bấy giờ, ông Phêrô liền nhảy xuống hồ và lội vào bờ, trong khi các môn đệ khác chèo thuyền và kéo lưới đầy cá lên. Chúa Giêsu nhen lửa lên và Người đã dọn cho họ một bữa điểm tâm.
Khi các ông ăn xong, Chúa Giêsu đứng dậy và nói với Phêrô. Người hỏi ông: “Phêrô, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thấy có!” và Chúa Giêsu nói tiếp: “Hãy chăn dắt đoàn chiên con của Thầy.” Chúa Giêsu lại hỏi lại xem Phêrô có yêu mến Người không. Ông Phêrô lại thưa có, và Chúa Giêsu nói: “Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.” Khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô lần thứ ba, “Này anh Simon, anh có mến Thầy không?” Phêrô buồn, phải chăng Thầy nghi ngờ mình sao? Ông đã thưa lại: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con mến Thầy” Một lần nữa Chúa Giêsu bảo: Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy.”
Với những lời trên đây, Chúa Giêsu đã chọn riêng ông Phêrô để đặt ông làm thủ lãnh Giáo Hội của Người. Người đặt ông Phêrô làm kẻ chăn của cả đoàn chiên - kể cả những tông đồ khác. Chính vì lý do đó, mà Phêrô đã trở nên vị thủ lãnh của Hội Thánh trên trần gian - là vị Giáo Hoàng tiên khởi.
Khi bốn mươi ngày đã trôi qua, đã đến giờ Chúa Giêsu trở về cùng Cha Người trên Thiên Đàng. Các môn đệ đã học được nhiều điều nơi Chúa Giêsu trong thời gin này, nhưng Chúa Giêsu biết các ông cần những gì nữa trước khi các ông có thể đi rao giảng Tin Mừng một cách can đảm và trung thành. Người đã hứa ban cho các ông Chúa Thánh Thần, là Đấng ban cho các ông sự thông hiểu, đức tin và quyền năng cấn thiết.
Chúa Giêsu dẫn nhóm mười một và nhiều người đã theo Người lên núi Cây Dầu. Người ban cho họ lời giáo huấn cuối cùng: Thầy đã được toàn quyền trên trời dưới đất. Vật anh em hãy đi đến muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:18-20). Nói xóng, Người lên trời. “Người lên trời trước mắt các ông, và có đám mây đến rước Người lên, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (CVSĐ 1:10) Và đang lúc các ông đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai thiên thần hiện ra nói, “Này các bạn miền Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các bạn và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các bạn đã thấy Người lên trời.”
NHẬN RA CHÚA GIÊSU NƠI THA NHÂN
Các môn đệ không nhận ra Chúa trên đường Emmau. Chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta đang có Chúa Giêsu với mình, nhưng vẫn không nhận ra điều ấy.
Làm sao có thể nhận ra Người? Ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng: “Mỗi khi anh em làm điều này cho một người nhỏ mọn nhất trong những người anh chị em của anh em. Là anh em đã làm cho Thầy.” Chúa Giêsu hiện diện trong những kẻ nghèo khó, đới khát, bệnh tật, cô đơn và tất cả những ai đang cần đến tình yêu của chúng ta.
Khi chúng ta nghĩ đến giúp người thiếu thốn, chúng ta hay nghĩ rằng mình cho tiền, thức ăn hay quần áo cho những người mình sẽ không thấy bao giờ. Nhưng thực ra Chúa Giêsu luôn hiện diện trong mọi người sống chung quanh chúng ta. Người em trai đang sống cô đơn và cần đến tình bạn của bạn; người mẹ và ngươì cha cần đến sự giúp đỡ công việc lặt vặt trong nhà; người bạn cùng lớp không người nào ưa thích: trong mỗi người ấy, chúng ta hãy nhận ra Chúa Giêsu.
Trong một đêm giá buốt cách đây nhiều thế kỷ, một người lính tên là Martinô đã gặp một người ăn xin hầu như không có quần áo trên tấm thân,. Martinô không có gì khác để cho ngoài chiếc áo choàng. Thế là ông đã chắt đôi chiếc áo choàng và tặng cho người ăn xin một nửa, nửa còn lại ông quấn quanh mình. Đêm ấy, Martinô nằm mơ thấy Chúa Giêsu hiện ra mặc nửa chiếc áo choàng kia. Ngài nói: “Chính Martinô đã cho Ta phần áo ấy.” Ít lâu sau, Martinô đã thành một Kitô hữu và tiến tiển trong sự đại độ và thánh thiện. Ngày nay chúng ta biết người lính ấy chính là Thánh Martinô thành Tours.
CHỮ NÊN BIẾT : Thăng thiên
PHẦN SINH HOẠT
Câu hỏi:
1.Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã làm gì?
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn ở lại bốn mươi ngày với các môn đệ. Rồi Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha toàn năng.
2.Tại sao Chúa Giêsu ở lại dưới đất 40 ngày sau khi sống lại?
Chúa ở lại dưới đất 40 ngày sau khi sống lại là để chứng tỏ Người đã thật sự chỗi dậy từ kẻ chết, để củng cố lòng tin của các môn đệ tin vào Người, và để dạy họ hiểu cách sâu sắc hơn giáo huấn của Người.
Kính chào Đức Cha,
Trả lờiXóaCon rất xúc động khi đọc phần Giáo Lý Tân Tòng, vì cách nay hơn 30 năm con cũng là một tân tòng. Sau đó, con đã hướng dẫn người khác cũng trở thành tân tòng như con, phần lớn con dựa vào kinh Hoà Bình của Thánh Francis Assissi.
Nay, tuổi đã cao, với tấm lòng thành, con đã viết lại lời kinh ấy bằng bài hát do con soạn và tự hát mặc dù ngày nay ở khắp mọi nơi đã có Thánh ca hay gấp bội. Con kính xin Cha phổ biến bài hát này đến tất cả mọi Dự Tòng và Tân Tòng như là món quà tặng chúc mừng của con.
Thành kính,
Phạm văn Phú
Cộng Đồng Tam Biên
bestchristianlife@yahoo.com
https://www.youtube.com/watch?v=7YtGMSncoEw
Xin Dùng Con Làm Khí Cụ Bình An của Chúa
Tác giả: Phạm văn Phú (biên soạn theo kinh Chúa Thánh Thần và kinh Hoà Bình)
( Điệu Lưu Thuỷ):
Lạy Chúa Trời từ nhân, con chắp tay, cúi đầu, kính lạy, tôn vinh
với tấm lòng thành, trông, cậy, tin của kẻ bề tôi.
Con thiết tha khẩn cầu Chúa khai tâm mở đàng chỉ lối, soi sáng tâm linh con, dạy con biết yêu thương người.
Con cầu khẩn lạy Thiên Chúa cho con là khí cụ bình an, để:
nơi oán thù con gieo mầm yêu thương;
nơi bị lăng nhục con gieo mầm hạt thứ tha;
ở nơi bất thuận bất hoà con rắc gieo giống hạt an hoà;
chốn nơi nào lỗi lầm sai con gieo mầm sự thật chân lý;
những chốn nghi nan, nghi hoặc con gieo niềm tin tưởng vĩnh cửu chân chính;
đến những nơi lâm vòng tuyệt vọng, con khơi nguồn cậy trông khiến mọi người chứa chan hy vọng;
vào nơi tối tăm con rọi khơi nguồn ánh sáng;
và tới những nơi sầu thảm con đem lại nụ cười hân hoan.
Xin Chúa thương, nhậm lời cho con làm khí cụ an bình.
(Điệu Kim Tiền):
Con kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài.
Xin Chúa ban cho con lòng từ nhân vị tha, lo cho người hơn cho bản thân:
Tìm người để an ủi người, tìm người để hiểu biết người, tìm người để yêu mến người, nhiều hơn con được người kiếm để ủi an, hiểu biết, cảm thông, hay dang rộng vòng tay mến thương. Vì chính khi hiến dâng là lúc nhận lãnh; chính vào lúc tha là lúc ta được thứ tha; lúc chết đi được sống lại đời đời an vui.
Con kính xin Chúa khai tâm mở rộng lòng con. Xin Ngài ban xuống thế gian cho tất cả những ai mà lòng tràn đầy thiện chí, biết yêu biết thương mọi người, ơn an bình của Ngài.
(Điệu Xuân Phong-Long Hổ):
Lạy Chúa Trời, Đấng toàn năng. Con kính xin Chúa soi sáng dạy dỗ con làm điều lành vì công nghiệp vô cùng của Chúa, Chúa Giê Su Ki Tô từ nhân. Xin dạy con biết hết lòng, quên bản thân, đem niềm tin, ánh sáng, hy vọng, tình thương đến cho mọi người.
Rất cảm động khi ông làm được điều đó là tái rao giảng tin mừng khi ông đã nhận được tình thương yêu của Chúa. Đặc biệt đã dùng lời ca của mình để diễn đạt về tình Chúa và điều Chúa mong muốn. Thánh Phaolo khi được Chúa cảm hoá đã trở thành tông đồ nhiệt thành của chúa. Chúc ông luôn là đèn soi vào chỗ tối tăm và là sự an bình đến những nơi bất ổn. Rất cám ơn ông về bài thánh ca theo điệu dân gian gần với mọi người.
Trả lờiXóa