label

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Thư Mục vụ tháng 8: Xin ơn thánh hóa các linh mục

Thư Mục vụ tháng 8: Xin ơn thánh hóa các linh mục

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

XIN ƠN THÁNH HÓA CÁC LINH MỤC

Anh chị em thân mến!

Trong lịch sử gần 60 năm của giáo phận Long Xuyên, một trong những ân huệ quý giá Chúa ban cho giáo phận là các linh mục. Sau lễ truyền chức linh mục ngày 11/7 vừa qua, linh mục đoàn của giáo phận là 325, bao gồm 3 giám mục, 278 linh mục triều, và 44 linh mục dòng. Và để mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4/8), Thánh Bổn Mạng của các linh mục, thư mục vụ tháng 8 có chủ đề là Giáo Phận Long Xuyên Xin Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục.

Trước hết, chúng ta dùng Lời Chúa về Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng, với 3 thuật trình chính, để chiếu dọi vào chủ đề của thư mục vụ: 

• Thuật trình thứ nhất, là trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ (Ga 13, 1-15):  Ơn gọi linh mục là để phục vụ tha nhân cách khiêm tốn. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (c. 14-15). Như vậy, linh mục sẽ nên thánh bằng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Vị Mục Tử Tốt Lành.

• Thuật trình thứ hai, là trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục (Mt 26, 26-29). Đời sống và tác vụ linh mục là hiến vật dâng tiến lên Thiên Chúa và trao tặng cho anh chị em mình. "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (c 26-28). Như vậy, linh mục sẽ nên thánh bằng hy tế đời mình để đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Hy Tế Thánh Thể.

• Thuật trình thứ ba, là trong bữa tiệc ly, Chúa tâm sự với các tông đồ (Ga 14-16). “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (c.5). Và kết thúc lời tâm sự, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các ông (Ga 17). “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con” (c 24). Như vậy, con đường nên thánh của linh mục là cuộc hành trình đi vào mối tương quan thân tình với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm.

Linh mục Long Xuyên đang thực hiện cuộc hành trình nên thánh giữa thế gian (Ga 17, 15-16). Ở đây, thư mục vụ nhắc tới tình trạng tục hóa đang lớn mạnh và vì thế, nhiều người đánh mất cảm thức về sự thánh thiêng và huyền nhiệm của cuộc sống. Một cách cụ thể đối với chức linh mục, lý tưởng linh mục được coi như một trong những giai cấp được trọng vọng trong xã hội, sứ vụ linh mục được coi như một trong những nghiệp vụ mang lại nhiều lợi nhuận và bổng lộc. Cũng trong bối cảnh này, cách sống của linh mục dễ bị lôi kéo đến những thỏa hiệp với những cám dỗ về tiền,  quyền, và thụ hưởng, nên cũng dễ dàng bị biến chất. Kết quả là hình ảnh linh mục nơi tâm trí nhiều người dân trở nên khác lạ với khuôn mặt của Đức Kitô.

Trong bối cảnh này, linh mục Long Xuyên được mời gọi chiêm ngắm Thánh Bổn Mạng Gioan Maria Vianney là gương mẫu trong ơn gọi nên thánh, và trong sứ vụ thánh hóa tha nhân.

Điểm nhấn mục vụ mà nhờ đó Cha Sở Ars thi hành sứ vụ linh mục, và cũng nhờ đó Ngài sống ơn gọi nên thánh của mình là Bí Tích Hòa Giải, Thánh Thể và Giáo lý.

Quả thật, Ngài đã tận lực thi hành tác vụ giải tội một cách không mệt mỏi. Trong chương trình sống, Cha sở Ars đã khởi đầu một ngày bằng ngồi tòa giải tội cho giáo dân. Ngài thường dành 10 giờ mỗi ngày, đôi khi là 15 giờ hay hơn nữa cho việc ngồi tòa. Đối với Ngài, đây là sự khổ chế trong tác vụ linh mục như một hình thức tử đạo của đời linh mục để kết hợp với hy lễ của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ cho con người.

Thứ đến, cuộc đời linh mục và tác vụ linh mục của Cha sở Ars là sự tập trung vào Chúa Giêsu Thánh Thể, là cử hành thánh lễ, sống hiệp thông Thánh Thể, và tôn thờ Thánh Thể. “Mọi công việc tốt lành cũng không có giá trị bằng hy tế của Thánh Lễ. Vì các việc lành là của con người, còn Thánh Lễ là công trình của Thiên Chúa”. Vì thế, mặc dù bị vây quanh bởi các hối nhân muốn xưng tội, luôn luôn ngài dành 15 phút trong thinh lặng để chuẩn bị dâng lễ. Ngài cũng dành thời gian, thường là trong đêm khuya, để một mình thay mặt cho dân, hiện diện trước Nhà Tạm.

Điểm nhấn mục vụ thứ ba của Cha sở họ Ars là huấn giáo, cụ thể là Giảng lễ và Dạy giáo lý. Chăm chỉ dọn giảng lễ ngày Chúa, dạy giáo lý cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em, đã trở thành một sinh hoạt mục vụ không thể thiếu trong chương trình sống hằng ngày của Ngài. Ngoài ra, Ngài cũng can đảm dùng Lời Chúa để khuyên răn, dạy bảo và trừ khử những điều xấu và tội lỗi trong cộng đoàn.

Anh chị em thân mến,

Xin đề xuất một số các sinh hoạt cụ thể để giáo phận góp phần mình vào lời cầu nguyện xin ơn Thánh Hóa các linh mục:

1) Mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là những người già cả, yếu đau, bệnh tật trong cộng đoàn, được mời gọi cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục. Như đã được đề nghị, là các cộng đoàn trong giáo phận sẽ đọc “kinh cầu cho các linh mục” vào các ngày thứ Sáu trong tuần.

2) Người giáo dân, đặc biệt là thân bằng quyến thuộc của các linh mục, có trách nhiệm bảo vệ sự thánh thiện của các linh mục, bằng những lời động viên, khích lệ các linh mục trung thành với những lời cam kết của bí tích truyền chức.

3) Các cộng đoàn Kitô Hữu trong giáo phận, đặc biệt là các đoàn hội đạo đức trong cộng đoàn giáo xứ giáo họ, sẽ cùng các linh mục xây dựng cộng đoàn thánh thiện nhờ vào Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải và các việc tôn sùng của lòng đạo đức bình dân trong cộng đoàn.

4) Các tông đồ giáo dân trong cộng đoàn, đặc biệt là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, sẽ “tham gia - hiệp thông - đồng trách nhiệm” với các linh mục trong sứ vụ hướng dẫn cộng đoàn trên con đường nên thánh.

5) Các Kitô hữu sẽ không nói xấu hàng giáo sĩ, nhưng hãy yêu thương chấp nhận những khác biệt, những giới hạn và yếu đuối của các linh mục. Hơn nữa, hãy can đảm và khiêm tốn xây dựng các linh mục theo lời dạy của Chúa Kitô (x.Mt 18,15).

Anh chị em thân mến,

Giáo phận Long Xuyên hãy thiết tha cầu nguyện và góp phần tích cực để xin Chúa thực hiện lời hứa của Chúa là “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước, chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi” ( Gr 3, 15 ).


+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên

Thư Mục vụ tháng 8: Xin ơn thánh hóa các linh mục

Thư Mục vụ tháng 8: Xin ơn thánh hóa các linh mục

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

XIN ƠN THÁNH HÓA CÁC LINH MỤC

Anh chị em thân mến!

Trong lịch sử gần 60 năm của giáo phận Long Xuyên, một trong những ân huệ quý giá Chúa ban cho giáo phận là các linh mục. Sau lễ truyền chức linh mục ngày 11/7 vừa qua, linh mục đoàn của giáo phận là 325, bao gồm 3 giám mục, 278 linh mục triều, và 44 linh mục dòng. Và để mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4/8), Thánh Bổn Mạng của các linh mục, thư mục vụ tháng 8 có chủ đề là Giáo Phận Long Xuyên Xin Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục.

Trước hết, chúng ta dùng Lời Chúa về Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng, với 3 thuật trình chính, để chiếu dọi vào chủ đề của thư mục vụ: 

• Thuật trình thứ nhất, là trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ (Ga 13, 1-15):  Ơn gọi linh mục là để phục vụ tha nhân cách khiêm tốn. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (c. 14-15). Như vậy, linh mục sẽ nên thánh bằng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Vị Mục Tử Tốt Lành.

• Thuật trình thứ hai, là trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục (Mt 26, 26-29). Đời sống và tác vụ linh mục là hiến vật dâng tiến lên Thiên Chúa và trao tặng cho anh chị em mình. "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (c 26-28). Như vậy, linh mục sẽ nên thánh bằng hy tế đời mình để đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Hy Tế Thánh Thể.

• Thuật trình thứ ba, là trong bữa tiệc ly, Chúa tâm sự với các tông đồ (Ga 14-16). “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (c.5). Và kết thúc lời tâm sự, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các ông (Ga 17). “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con” (c 24). Như vậy, con đường nên thánh của linh mục là cuộc hành trình đi vào mối tương quan thân tình với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm.

Linh mục Long Xuyên đang thực hiện cuộc hành trình nên thánh giữa thế gian (Ga 17, 15-16). Ở đây, thư mục vụ nhắc tới tình trạng tục hóa đang lớn mạnh và vì thế, nhiều người đánh mất cảm thức về sự thánh thiêng và huyền nhiệm của cuộc sống. Một cách cụ thể đối với chức linh mục, lý tưởng linh mục được coi như một trong những giai cấp được trọng vọng trong xã hội, sứ vụ linh mục được coi như một trong những nghiệp vụ mang lại nhiều lợi nhuận và bổng lộc. Cũng trong bối cảnh này, cách sống của linh mục dễ bị lôi kéo đến những thỏa hiệp với những cám dỗ về tiền,  quyền, và thụ hưởng, nên cũng dễ dàng bị biến chất. Kết quả là hình ảnh linh mục nơi tâm trí nhiều người dân trở nên khác lạ với khuôn mặt của Đức Kitô.

Trong bối cảnh này, linh mục Long Xuyên được mời gọi chiêm ngắm Thánh Bổn Mạng Gioan Maria Vianney là gương mẫu trong ơn gọi nên thánh, và trong sứ vụ thánh hóa tha nhân.

Điểm nhấn mục vụ mà nhờ đó Cha Sở Ars thi hành sứ vụ linh mục, và cũng nhờ đó Ngài sống ơn gọi nên thánh của mình là Bí Tích Hòa Giải, Thánh Thể và Giáo lý.

Quả thật, Ngài đã tận lực thi hành tác vụ giải tội một cách không mệt mỏi. Trong chương trình sống, Cha sở Ars đã khởi đầu một ngày bằng ngồi tòa giải tội cho giáo dân. Ngài thường dành 10 giờ mỗi ngày, đôi khi là 15 giờ hay hơn nữa cho việc ngồi tòa. Đối với Ngài, đây là sự khổ chế trong tác vụ linh mục như một hình thức tử đạo của đời linh mục để kết hợp với hy lễ của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ cho con người.

Thứ đến, cuộc đời linh mục và tác vụ linh mục của Cha sở Ars là sự tập trung vào Chúa Giêsu Thánh Thể, là cử hành thánh lễ, sống hiệp thông Thánh Thể, và tôn thờ Thánh Thể. “Mọi công việc tốt lành cũng không có giá trị bằng hy tế của Thánh Lễ. Vì các việc lành là của con người, còn Thánh Lễ là công trình của Thiên Chúa”. Vì thế, mặc dù bị vây quanh bởi các hối nhân muốn xưng tội, luôn luôn ngài dành 15 phút trong thinh lặng để chuẩn bị dâng lễ. Ngài cũng dành thời gian, thường là trong đêm khuya, để một mình thay mặt cho dân, hiện diện trước Nhà Tạm.

Điểm nhấn mục vụ thứ ba của Cha sở họ Ars là huấn giáo, cụ thể là Giảng lễ và Dạy giáo lý. Chăm chỉ dọn giảng lễ ngày Chúa, dạy giáo lý cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em, đã trở thành một sinh hoạt mục vụ không thể thiếu trong chương trình sống hằng ngày của Ngài. Ngoài ra, Ngài cũng can đảm dùng Lời Chúa để khuyên răn, dạy bảo và trừ khử những điều xấu và tội lỗi trong cộng đoàn.

Anh chị em thân mến,

Xin đề xuất một số các sinh hoạt cụ thể để giáo phận góp phần mình vào lời cầu nguyện xin ơn Thánh Hóa các linh mục:

1) Mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là những người già cả, yếu đau, bệnh tật trong cộng đoàn, được mời gọi cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục. Như đã được đề nghị, là các cộng đoàn trong giáo phận sẽ đọc “kinh cầu cho các linh mục” vào các ngày thứ Sáu trong tuần.

2) Người giáo dân, đặc biệt là thân bằng quyến thuộc của các linh mục, có trách nhiệm bảo vệ sự thánh thiện của các linh mục, bằng những lời động viên, khích lệ các linh mục trung thành với những lời cam kết của bí tích truyền chức.

3) Các cộng đoàn Kitô Hữu trong giáo phận, đặc biệt là các đoàn hội đạo đức trong cộng đoàn giáo xứ giáo họ, sẽ cùng các linh mục xây dựng cộng đoàn thánh thiện nhờ vào Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải và các việc tôn sùng của lòng đạo đức bình dân trong cộng đoàn.

4) Các tông đồ giáo dân trong cộng đoàn, đặc biệt là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, sẽ “tham gia - hiệp thông - đồng trách nhiệm” với các linh mục trong sứ vụ hướng dẫn cộng đoàn trên con đường nên thánh.

5) Các Kitô hữu sẽ không nói xấu hàng giáo sĩ, nhưng hãy yêu thương chấp nhận những khác biệt, những giới hạn và yếu đuối của các linh mục. Hơn nữa, hãy can đảm và khiêm tốn xây dựng các linh mục theo lời dạy của Chúa Kitô (x.Mt 18,15).

Anh chị em thân mến,

Giáo phận Long Xuyên hãy thiết tha cầu nguyện và góp phần tích cực để xin Chúa thực hiện lời hứa của Chúa là “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước, chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi” ( Gr 3, 15 ).


+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên

KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA 28/07/2019

KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA 28/07/2019

Suy niệm bài Tin Mừng của Thánh Luca, trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ "Kinh Lạy Cha", ĐTC Phanxicô mời gọi mỗi người cầu nguyện không ngừng, thưa chuyện trực tiếp với Chúa Cha và có mối tương quan cá nhân với Ngài, như các em nhỏ làm với cha của các em.
Ngọc Yến - Vatican
Cầu nguyện như Chúa Giêsu
Trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Lc 11, 1-13) Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ “Kinh lạy Cha”. Các môn đệ đã biết cầu nguyện theo công thức truyền thống Do Thái, nhưng các ông ước ao có thể sống đời cầu nguyện có “chất lượng” như Chúa Giêsu. Các môn đệ nhận thấy cầu nguyện là một chiều kích thiết yếu trong đời sống của Thầy. Thực tế, mọi hành động quan trọng của Thầy đều được đưa vào trong những giờ cầu nguyện. Hơn nữa các ông còn bị lôi cuốn cách thức Chúa cầu nguyện. Họ thấy Chúa cầu nguyện không như các vị thầy khác, nhưng lời cầu nguyện của Ngài là sự liên kết mật thiết với Cha. Vì thế các ông muốn được tham dự vào những giây phút kết hợp với Thiên Chúa để được nếm hưởng trọn vẹn sự ngọt ngào của nó.
Tính mới của cầu nguyện Kitô giáo
Như thế, một ngày kia, ở một nơi thanh vắng các môn đệ đợi Chúa cầu nguyện xong liền tiến tới hỏi Chúa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Trả lời câu hỏi của các ông, Chúa không đưa ra một định nghĩa trừu tượng về cầu nguyện, cũng không dạy kỹ thuật để cầu nguyện có hiệu quả và để “đạt được” một điều gì đó. Trái lại, Chúa mời gọi các ông trải nghiệm việc cầu nguyện, đặt mình liên lạc trực tiếp với Chúa Cha, khơi dậy trong họ một khát khao về mối tương quan cá nhân với Cha. Đây là tính mới của cầu nguyện Kitô giáo”! Cầu nguyện là cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau, cuộc đối thoại dựa trên sự tin tưởng, được nâng đỡ từ việc lắng nghe và mở lòng cho việc dấn thân.
Tình phụ tử trong cầu nguyện
Bởi thế, khi trao cho các môn đệ “Kinh Lạy Cha”, đó là trao ban một món quà quý giá mà Thầy Chí Thánh để lại cho chúng ta trong sứ vụ trần thế của Ngài. Sau khi mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người Con và của anh chị em, với lời cầu nguyện này Chúa làm cho chúng ta tham dự thâm sâu vào tình phụ tử của Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta cách thức để bước vào cuộc đối thoại cầu nguyện và trực tiếp với Cha, qua lòng tin tưởng của tình con thảo. Những gì chúng ta xin trong “Kinh Lạy Cha”, trong Người Con Duy Nhất tất cả đã được thực hiện và trao ban cho chúng ta: Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, lương thực hàng ngày, xin tha thứ và cứu khỏi sự dữ. Khi chúng ta cầu xin, chúng ta mở đôi tay đón nhận. Lời kinh mà Chúa dạy chúng ta là tổng hợp mọi lời cầu nguyện, và chúng ta luôn hướng đến Chúa Cha trong sự hiệp thông với anh chị em. Đôi khi trong cầu nguyện có sự lơ đãng nhưng thường chúng ta cảm thấy muốn dừng lại ở lời đầu tiên: "Cha" và cảm nhận được tình phụ tử đó trong tâm hồn.
Kiên nhẫn trong cầu nguyện
Rồi Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người bạn quấy rầy. Chúng ta phải kiên trì khi cầu nguyện. Tôi nghĩ đến các em nhỏ ở độ tuổi lên ba, lứa tuổi mà các em bắt đầu hỏi những điều mà chính các em chưa hiểu. Ở quê hương tôi người ta gọi là “tuổi của tại sao”, tôi tin rằng ở đây cũng như vậy. Các em bắt đầu nhìn người cha và hỏi: “Ba ơi, tại sao?, ba ơi, tại sao?”. Các em xin giải thích. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: khi người cha bắt đầu giải thích thì em bé lại hỏi một câu hỏi khác, không lắng nghe người cha giải thích. Chuyện gì xảy ra? Xảy ra là các em không cảm thấy an toàn về những điều chúng bắt đầu hiểu nửa chừng. Và các em chỉ muốn nhìn chăm chú vào người cha và đó là lý do các em luôn hỏi: “Tại sao, tại sao, tại sao?”. Trong Kinh Lạy Cha, nếu chúng ta dừng lại ở lời đầu tiên, chúng ta sẽ làm giống như khi chúng ta còn nhỏ, thu hút ánh mắt của người cha trên chúng ta và nói: “Cha ơi, cha ơi” và rồi chúng ta cũng hỏi: “Tại sao?” và Cha sẽ nhìn chúng ta.
Chúng ta cùng cầu xin Đức Maria, người phụ nữ cầu nguyện, giúp chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu để sống Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Lễ khánh thành Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô - Christ Cathedral - giáo phận Orange

Lễ khánh thành Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô - Christ Cathedral - giáo phận Orange




  •  
Một số hình ảnh lấy từ nguồn internet

LittleSaigon, Nam Cali -- Tám năm sau khi Giáo phận Orange mua Nhà thờ Crystal Cathedral, nơi mà trước đây mỗi Chúa Nhật đều có cuộc thuyết giảng trên truyền hình "Chương trình The Hour of Power" thời danh toàn cầu của Mục sư Tin Lành Robert H. Schuller - nhà thờ này nay thành Christ Cathedral (Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô) – nhà thờ chính tòa của giáo phận Orange, Nam California. Nơi đây cũng là nơi tập trung đông nhất người Việt Nam hải ngoại, và cũng chính trong khung viên nhà thờ mới này có Linh đài Đức Mẹ La Vang đang được xây dựng. 

Hiện tại Đức ông Christopher Smith là Chính xứ và Thủ trưởng có hai cha phó người gốc Việt là Cha Brandon Đặng, và Nizolaus Thái. Mỗi cuối tuần (thứ Bảy và Chúa Nhật) có 11 Thánh lễ bằng bốn ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt và tiếng Quan Thoại cho hơn 12.000 tín hữu tham dự.

Nhà thờ tân trang rộng 7250 mét vuông và khuôn viên xung quanh hiện là trung tâm của Công Giáo tại Quận Cam và là trụ sở của Đức Giám Mục Kevin Vann, hai Giám Mục Phụ Tá là Timothy Freyer và Thomas Nguyễn Thái Thành. 

Nhà thờ chính tòa Christ Cathedral vươn cao uy linh như một biểu tượng thể chất cho sự hiệp nhất của 62 giáo xứ trong Giáo phận Orange. Đây chính là trung tâm cho người Công Giáo Quận Cam và những người khác nữa.

Trong ngày khánh thành trọng đại hôm nay có Đức khâm sứ Tòa thánh Christopher Pierre, ĐHY Levada và ĐHY Mahony, gần 50 giám mục và gần 300 linh mục và Phó tế cùng trên 2000 giáo dân. 

Đoàn kiệu tiến vào nhà thờ chính tòa qua lối vào nhà thờ và trên tường lối đi có chân dung của một số vị thánh như: thánh Kateri Tekakwitha, người Mỹ bản địa đầu tiên; thánh Elizabeth Ann Seton, vị thánh đầu tiên sinh ra ở Hoa Kỳ; thánh Lorenzo Ruiz, người Philippines ở thế kỷ 17; và thánh Oscar Romero, tổng giám mục từ El Salvador, người đã lên tiếng chống lại nghèo đói và bất công và là người bị ám sát năm 1980 và được phong thánh năm ngoái bởi Giáo hoàng Phanxicô.

Bước vào trong nhà thờ chính tòa chúng tôi cảm nhận ngay luồng ánh sáng chan hòa từ những khung kính nhỏ nối tiếp vươn cao như cánh Thiên Thần bay lên trời cao. Đó chính là một khía cạnh sáng tạo của việc cải tạo nhà thờ mới. Đó là thêm vào 11.000 tấm kính “quatrefoils” từ bên trong che lấp khung sắt và những tấm kính phía ngoài. Kính quatrefoils bóng cửa sổ được thiết kế đặc biệt để kiểm soát ánh sáng mặt trời. Thay vì ánh sáng rực rỡ thường chiếu thẳng qua tòa nhà kính như trước đây, kính trắng quatrefoils mang đến ánh sáng dịu hơn, vì thế nhà thờ bên trong có một diện mạo thanh tao, ánh sáng dịu dàng và trong sáng.

Thánh giá Crux Gemmata nặng 450 ký (1.000 pound) được treo ngay trên bàn thờ đá cẩm thạch nguyên khối nhập cảng từ Italia. Ghế giám mục chính tòa và tòa giảng cũng bằng đá cẩm thạch nguyên khối. 

Nhà nguyện Thánh Thể nơi dành cho việc cầu nguyện riêng tư trước Thánh Thể; và một nhà rửa tội hình bát giác với một bể rửa tội hình chữ thập ở vị trí phía bên trái của nhà thờ.

Phía bắc nhà thờ có treo bức ảnh Chúa Kitô chung quanh có 4 thánh sử, phía nam của nhà thờ có bức tranh khảm mosaic Đức Mẹ Guadalupe, vị thánh bảo trợ của Giáo phận Orange và Châu Mỹ. Và 3 phía đối diện có màn hình lớn trực tiếp truyền hình khi có nghi lễ đại trào.

Lễ khánh thành Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô diễn ra trang nghiêm và sốt sắng, khởi dự từ lúc 10:30 sáng khi GM Kevin Vann làm phép trước của nhà thờ, Đức khâm sứ Tòa thánh đọc sắc phong Vương cung Thánh đường, và tiếp đến là Đức ông Smith mở của thánh đường. 

Đoàn rước tiến vào nhà thờ giữa tiếng hát ngân vang của các ca đoàn tổng hợp gồm 250 ca viên trên lầu ngay trên phía sau bàn thờ. Đoàn rước gồm đại diện của các sắc dân mang hài cốt các thánh tử đạo, các Hiệp sĩ Tòa thánh, các Hồng Y, Giám mục, Linh mục và Phó tế... Giáo dân được mời đã ngồi sẵn trong thánh đường. 

Nghi thức cung hiến bàn thờ ngay sau kinh Gloria và kinh Cầu Các Thánh.

Các thánh tích từ các Vị tử đạo Việt Nam, Hàn Quốc, Mexico và Hoa Kỳ và Thánh Giáo hoàng John Paul II – đã được long trọng được đặt trong bàn thờ trong ngày lễ Khánh thành hôm nay. 

Đức cha Kevin Vann đã đổ dầu thánh tràn trên bàn thờ và dùng tay thoa xức trên bàn thờ, sau than đỏ được bỏ vào hương để trong một bình lớn trên bàn thờ: khói hương nghi ngút lan tỏa khắp cung thánh và các phó tế mang bình hương đi xông hương chung quanh thánh đường và xông hương cho toàn thể tín hữu tham dự thánh lễ. 

Thánh lễ được tiếp diễn như thường lệ với các vài thánh ca linh thiêng vang vọng và sự tham dự sốt sắng của Cộng đồng dân Chúa.

Sau thánh lễ ai cũng khen nhà thờ đẹp và lộng lẫy, khung cảnh bên trong nhà thờ trang nghiêm, bàn thờ quí hiếm và đàn đại phong cầm thật tuyệt vời… Còn khung viên bên ngoài nhà thờ lộng lẫy và đẹp tuyệt vời… 

Tuy vậy cũng có một vài tiếng xầm xì là chỗ ngồi của ca đoàn xếp ngay sau bàn thờ, ngay phía trên lầu -- trên hàng ghế Giám mục chủ sự -- và đóng khung trong khung hình vuông, thì không được thích hợp! Vì khi tham dự thánh lễ bị chia trí bởi nhạc trưởng đánh nhịp ngay trên bàn thờ các giám mục và các linh mục chủ tế, làm chia trí và mất đi sự trang nghiêm. Nên chăng di chuyển đi chỗ khác được không?

Giáo phận Orange cũng đang trong quá trình xây dựng một Linh đài ngoài trời trong khung viên rộng 2 mẫu cho Đức Mẹ La Vang, Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với giáo dân La Vang của Việt Nam.

Ngoài việc thực hiện các chức năng của một giáo xứ bình thường, nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô còn phục vụ toàn giáo phận bằng cách tổ chức các Thánh lễ đặc biệt, như các lễ phong chức và các sự kiện đặc biệt khác của giáo phân khi Đức Giám Mục đề ra.



 FamedCrystalCathedral_01.jpg

FamedCrystalCathedral_06.jpg

FamedCrystalCathedral_18.jpg



FamedCrystalCathedral_03.jpg

FamedCrystalCathedral_04.jpg

FamedCrystalCathedral_05.jpg

FamedCrystalCathedral_07.jpg

FamedCrystalCathedral_08.jpg

FamedCrystalCathedral_09.jpg

FamedCrystalCathedral_10.jpg

FamedCrystalCathedral_11.jpg


FamedCrystalCathedral_13.jpg

FamedCrystalCathedral_14.jpg

FamedCrystalCathedral_15.jpg

FamedCrystalCathedral_16.jpg

 

LM John Trần Công Nghị (vietcatholic)
 

Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh

Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh

Ngày 18/7/2019 ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh, tiến sĩ Matteo Bruni, và nhiệm vụ bắt đầu từ ngày 22/7/2019.
Văn Yên, SJ - Vatican
Audio
Ông Matteo Bruni là người Ý gốc Anh, sinh ngày 23/11/1976 tại Winchester, Anh Quốc, tốt nghiệp về ngoại ngữ và văn chương hiện đại và đương thời tại Đại học Sapienza ở Roma.
Từ 2009, ông Matteo Bruni làm việc tại Phòng Báo chí Toà Thánh, phụ trách việc theo dõi các hoạt động công nhận nhà báo và quản lý truyền thông, làm việc với báo chí trong tư cách là điều phối viên của Bộ phận Công nhận.
Tháng 12 năm 2013, ông Bruni nhận trách nhiệm tổ chức và đồng hành với báo chí làm việc trên các chuyến bay tông du của Đức Giáo Hoàng bên ngoài nước Ý.
Từ đầu năm 2016, ông làm điều phối viên của bộ phận Hoạt động Truyền thông và Chứng nhận của Phòng Báo chí Tòa thánh. Trong vai trò này, ông điều phối sự tham gia của báo chí trong nhiều sự kiện khác nhau của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trong môi trường Giáo hội, ông cũng đã tham gia các dự án hợp tác nhân đạo và các chương trình hỗ trợ người già.
Ông Bruni kết hôn và có một cô con gái. Ngoài tiếng Ý, ông còn nói các tiếng Anh, Tây Ban Nha và Pháp.
Văn phòng Báo chí Toà Thánh đã khuyết vị trí giám đốc từ hơn sáu tháng qua từ khi ông Greg Burke từ chức ngày 31/12/2018 và chỉ thay vào đó vị trí quyền giám đốc tạm thời do ông Alessandro Gisotti đảm nhận.
Với việc bổ nhiệm này, Bộ trưởng Bộ truyền thông Toà Thánh, ông Paolo Ruffini đã phát biểu rằng: “qua việc tăng cường các nguồn lực nội bộ, đây là một bước tiến quan trọng trong việc xác định cơ cấu của Bộ Truyền thông.”
Trong lần bổ nhiệm này, Đức Thánh Cha còn bổ nhiệm hai phó giám đốc biên tập cho Bộ Truyền thông Toà Thánh: tiến sĩ Sergio Centofanti và tiến sĩ Alessandro Gisotti. Nhiệm vụ cũng bắt đầu vào ngày 22/7/2019.
Trưa ngày 18/7, trước khi tin bổ nhiệm được chính thức công bố, các nhân viên Vatican News đã chào đón các thành viên cấp cao mới của mình tại phòng hội của Bộ Truyền thông.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Cha Gerard Francisco Parco Timoner III người Philippines: Tân Tổng quyền dòng Đa Minh

Cha Gerard Francisco Parco Timoner III người Philippines: Tân Tổng quyền dòng Đa Minh


  •  
  •  
  •  
Cha Gerard Francisco Parco Timoner III người Philippines: Tân Tổng quyền dòng Đa Minh
Tổng Hội dòng Đa Minh nhóm tại Đại chủng viện Xuân Lộc đã bầu được Bề trên Tổng Quyền cho dòng, đó là Cha Gerard Francisco Parco Timoner III, người Philippines, Tổng Phụ Tá của dòng đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương.
Cha Parco Timoner III kế nhiệm cha Bruno Cadoré người Pháp, vừa mãn nhiệm kỳ 9 năm. Cha sẽ là người Á châu đầu tiên đảm nhận chức vụ Tổng quyền của Dòng.
 Cha Tân Tổng quyền năm nay 51 tuổi (26/1/1968), thụ phong linh mục năm 1995 và nguyên là Bề trên Tỉnh Dòng Đa Minh tại Philippines, kiêm Phó Chưởng Ấn Đại học Giáo Hoàng Thánh Tôma ở Manila. Cha cũng là thành viên Ủy ban thần học quốc tế.
 Ngày 20 tháng 2 năm 2017, cha được Cha Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré bổ nhiệm làm Tổng phụ tá đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương, kế nhiệm cha Vinh Sơn Hà Viễn Lự, thuộc tỉnh dòng Việt Nam.
 Cha Parco Timoner III đã được Tổng Hội thứ 290 của dòng Đa Minh bầu làm người kế vị thứ 88 của thánh Đa Minh trong phiên họp sáng ngày 13-7 tại Đại chủng viện Xuân Lộc.
Tổng hội nhóm tại Đại chủng viện Xuân Lộc từ ngày 8/7 với sự tham dự của 142 thành viên, gồm 104 vị có quyền bỏ phiếu, trong số này, có 2 cựu Bề trên Tổng quyền, 36 Bề trên giám tỉnh, 7 Bề trên các Phó tỉnh dòng, phần còn lại là các đại biểu của các tỉnh, phụ tỉnh và các đơn vị khác của dòng.
 Trong nghi thức tuyên thệ nhậm chức, trưa ngày 13/7, ngoài các thành viên Tổng Hội còn có nhiều đại diện của các tu sĩ nam nữ Đa Minh Việt Nam.
 Tổng Hội Đa Minh sẽ kết thúc vào ngày 14/8 tới đây.
Nguồn: Vatican News

Carlo Acutis: Thánh Thể - đường cao tốc dẫn đến Thiên Đàng

Carlo Acutis: Thánh Thể - đường cao tốc dẫn đến Thiên Đàng

Đấng Đáng kính Carlo Acutis
Hai cột trụ đạo đức của Carlo là lòng sùng kính Thánh Thể mà cậu gặp hàng ngày ở bàn thờ và nơi người nghèo, và lòng yêu mến Mẹ Maria. Từ khi được rước lễ lần đầu vào năm 7 tuổi, Carlo đã không bỏ Thánh lễ hàng ngày nào. Trước và sau khi cử hành Thánh lễ, Carlo đã cố gắng đứng trước Nhà Tạm để thờ phượng Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Hồng Thủy - Vatican
Carlo Acutis sinh năm 1991 tại Luân đôn và lớn lên ở Milano. Cậu qua đời năm 2006, vì bệnh bạch cầu cấp, khi mới mười lăm tuổi, để lại một khoảng trống lớn và sự ngưỡng mộ sâu sắc trong ký ức của những người biết cậu, và biết về những gì cậu đã thực hiện trong cuộc sống Kitô hữu ngắn ngủi nhưng đích thực và sâu sắc.
Một thiên tài đạo đức
Carlo là một thiên tài về tin học; cậu rất có năng khiếu với bất cứ thứ gì liên quan đến máy tính. Các bạn và cả những người lớn với những bằng cấp kỹ sư máy tính xem cậu là một thiên tài. Mọi người đều ngạc nhiên bởi Carlo, dù không được họ về tin học, lại có khả năng hiểu được những bí mật ẩn giấu của máy tính, điều mà thường chỉ có những người đã học tại trường đại học mới có thể hiểu được. Sở thích của Carlo trải dài từ lập trình máy tính đến biên tập phim, từ tạo trang web đến các tờ báo Carlo viết và dàn trang, và công việc tình nguyện giúp cho những người nghèo khổ - các trẻ em và người già. Chàng trai trẻ đạo đức của giáo phận Milan đã dâng những đau khổ của mình để cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng và Giáo hội trước khi qua đời.
Tôn kính Thánh Thể và yêu mến Mẹ Maria
Hai cột trụ đạo đức của Carlo là lòng sùng kính Thánh Thể mà cậu gặp hàng ngày ở bàn thờ và nơi người nghèo, và lòng yêu mến Mẹ Maria. Từ khi được rước lễ lần đầu vào năm 7 tuổi, Carlo đã không bỏ Thánh lễ hàng ngày nào. Trước và sau khi cử hành Thánh lễ, Carlo đã cố gắng đứng trước Nhà Tạm để thờ phượng Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Còn Đức Mẹ là người bạn tâm giao tuyệt vời của Carlo và cậu không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tôn vinh Mẹ bằng cách đọc kinh Mân côi hàng ngày. Sự hiện đại và hội nhập của Carlo kết hợp hoàn hảo với đời sống Thánh Thể sâu sắc và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Những điều này làm cho Carlo trở thành một cậu bé đặc biệt được mọi người ngưỡng mộ và yêu mến.
Thánh Thể - con đường cao tốc đến Thiên đàng
Cuộc đời chúng ta có đích điểm là Thiên đàng và chúng ta "chết như những bản sao giống nhau". Carlo thường nói rằng Lời Chúa phải là chiếc compa mà chúng ta không ngừng dùng để định hướng cho chính mình. Cần có những phương tiện tuyệt đối để đạt đến một đích đến cao cả như vậy: đó là các bí tích và cầu nguyện. Carlo đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là "đường cao tốc của tôi đến thiên đàng". Cậu luôn cố gằng chầu Thánh Thể và tin rằng "bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện".
Carlo thường tự hỏi tại sao tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể. Carlo nói rằng mọi người không nhận ra điều họ đang bỏ sót, nếu không thì các nhà thờ sẽ đông chật người đến mức bạn sẽ không vào được trong nhà thờ. Carlo lặp lại một cách say mê rằng trong Bí tích Thánh Thể - Chúa Kitô hiện diện cùng một cách như Người đã hiện diện 2000 năm trước vào thời của các Tông đồ. Trở lại thời đó, mọi người phải di chuyển thật xa để gặp Người, trong khi ngày hôm nay, chúng ta may mắn hơn, vì chúng ta có thể tìm thấy Người ở bất kỳ nhà thờ nào gần nhà của chúng ta. Theo lời của Carlo, "thành Giêrusalem ở ngay trước cửa nhà chúng ta."
Triển lãm các phép lạ Thánh Thể
Từ những ngày còn là một giáo lý viên tốt lành, Carlo đã cố gắng hết sức để tìm ra những cách thức mới để giúp người khác củng cố đức tin của chính họ và cậu đã dùng khả năng về tin học để làm việc tông đồ này. Cậu đã để lại các triển lãm của mình như một di sản, trong đó có triển lãm về các Phép lạ Thánh Thể nổi bật, để nói với mọi người về niềm vui được gặp Chúa Giêsu cách cụ thể nơi bí tích Thánh Thể.
Vào năm 2002, khi đến thăm cuộc triển lãm tại Hội nghị ở thành phố Rimini, Carlo đã quyết định tổ chức một cuộc triển lãm về các phép lạ Thánh Thể đã được Giáo hội công nhận. Gia đình của Carlo đã phải làm việc 2,5 năm để chuẩn bị cho công việc này. Các kết quả thiêng liêng do cuộc triển lãm mang lại không thể đoán được trước khi nó bắt đầu. Triển lãm hiện đã được tổ chức tại tất cả năm châu lục. Nhiều giáo xứ đã xin có tài liệu của triễn lãm. Chính ĐHY Angelo Comastri, nguyên giám quản đền thờ thánh Phêrô và giám đốc thành Vatican, và Đức cha Raffaello Martinelli, chánh Văn phòng Giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết lời tựa cho triển lãm. Từ khi đó, triển lãm đã thực hiện những điều kỳ diệu. Ở Hoa Kỳ, triển lãm đã được tổ chức tại hàng ngàn giáo xứ và hơn 100 trường đại học. Nó đã được thúc đẩy khuyến khích bởi một số Hội đồng Giám mục, bao gồm Hội đồng Giám mục Philippines, Argentina và Việt Nam, v.v. Triển lãm được đưa đến Trung Quốc và Indonesia. Các đền thờ và đền thánh quan trọng đã tổ chức triển lãm của Carlo, bao gồm đền thánh Đức Mẹ Fatima.

VỢ CHỒNG HÒA THUẬN: SỨC MẠNH LÀM NÊN GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

VỢ CHỒNG HÒA THUẬN: SỨC MẠNH LÀM NÊN GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Chúng ta đều biết rằng sự hòa thuận trong đời sống vợ chồng là điều quý giá và đáng mơ ước vô cùng. Nó là một điều kiện không thể thiếu được trong việc kiến tạo một đời sống hôn nhân hạnh phúc và một gia đình êm ấm.


Ông bà ta có câu, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều đó có nghĩa là khi vợ chồng thuận hòa với nhau thì họ có thể làm được những việc lớn lao, phi thường, họ có thể vượt qua mọi khó khăn, có thể chịu đựng mọi vất vả để giúp nhau tận hưởng hạnh phúc hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc duy trì được sự hòa thuận lâu dài giữa hai vợ chồng là điều rất khó khăn, có những trường hợp tưởng chừng như không thể được. Chúng ta nên biết rằng, trên đời này không có cuộc hôn nhân lý tưởng giữa hai vị thánh, mà chỉ có những cuộc hôn nhân giữa hai con người nam và nữ, giữa hai cá thể khác biệt, giữa hai tính cách có thể là rất tương khắc nhau…

Do đó, một cuộc hôn nhân thành công không phải là một cuộc hôn nhân không có sóng gió. Nghĩa là không có những căng thẳng và cãi vã giữa hai người. “Nên một” trong thể xác và tinh thần không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt giữa hai người. Mãi mãi người khác vẫn là người khác, có những nét cá biệt của họ. Mỗi người đều có những nhịp sống riêng của mình. Chàng có thói quen ăn nhanh, nàng thì trái lại ăn uống một cách từ tốn. Chàng thì điềm nhiên đến lạnh lùng. Nàng thì luôn luôn nhiệt tình đến nóng nảy. Nàng thích nghe nhạc, chàng lại thích thinh lặng để suy tư…

Một tâm lý gia nổi tiếng đã nêu ý kiến như sau: “Xét trên phương diện trí não, tinh thần và thể lý, thiên nhiên đã tạo nên một sự khác biệt to tát giữa người đàn ông và người đàn bà. Đến độ người đàn ông luôn nhìn thấy người đàn bà như đối thủ của mình và ngược lại. Đó chính là điều gây nên căng thẳng giữa hai phái. Nếu người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau thì có lẽ tất cả đều rơi vào trạng thái tĩnh và trái đất này sẽ trở nên khô cằn”. [1]

Quả thực, hôn nhân không phải là một dịch vụ sắp đặt hai con người cạnh nhau như hai pho tượng, mà không có một tương tác nào. Trái lại, hôn nhân là một chọn lựa của những con người có tự do và tình yêu, họ cam kết sống chung với nhau, chứ không chỉ là ngồi cạnh nhau. Họ đều theo đuổi mục đích đem lại sự nâng đỡ ủi an, chia sẻ vui buồn, cố gắng đem lại hạnh phúc cho nhau đồng thời hợp tác với nhau trong việc sinh sản, dưỡng nuôi và giáo dục con cái.

Tuy nhiên trong quá trình hợp tác với nhau, không phải lúc nào mối quan hệ vợ chồng cũng êm ả, xuôi chèo mát mái cả đâu, vì có mưa thì cũng có nắng, có lạnh thì cũng có nóng, có nụ cười thì cũng có nước mắt. Như một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên bản nhạc cuộc sống” (David Sarnoff). Những lúc căng thẳng, có khi mâu thuẫn cao độ, thì nguy cơ tan vỡ là điều có thực. Lúc đó nếu cái kiểu “ông nói gà bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” cứ tiếp diễn đi tiếp diễn lại thì tình hình sẽ không ổn. Hai bên phải biết tự kiềm chế và dừng lại đúng lúc. Đó là thời điểm mà hai bên cùng nhường nhịn nhau, cùng nhượng bộ nhau. Một sự nhịn chín sự lành.

Thực vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia về gia đình đã tổng kết nên các nguyên tắc sau đây trong cuộc sống gia đình: Chấp Nhận – Chịu Đựng – Điều Chỉnh – Thích Ứng. Theo họ, nếu các cặp vợ chồng thực hiện đúng theo các nguyên tắc thì nhất định sẽ có một gia đình bền vững. [2]   

Chắc chắn những nguyên tắc “Sống chung” trên sẽ giúp các đôi vợ chồng hóa giải được những mâu thuẫn thường ngày, tránh khỏi những va chạm, đổ vỡ đáng tiếc và giúp họ kiến tạo một cuộc hôn nhân bền vững và một gia đình êm ấm. Đó được coi là những điều kiện tâm lý cần có để hai vợ có thể sống hòa thuận lâu dài.     

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ HÒA THUẬN VỢ CHỒNG

Chúng ta cũng lưu ý một điều là, hòa thuận không có nghĩa là hai người “hòa tan” vào nhau, đến nỗi không ai còn cá tính, cá vị riêng của mình nữa. Bởi vì, “Ta với mình tuy hai mà một / Mình với ta tuy một mà hai”. Trong “hòa thuận” vừa có hòa hợp, hòa đồng lại vừa có tự do, tự ý ưng thuận nữa.

Xét về mặt thực tiễn, hòa thuận có những đặc điểm sau:

* Cùng hợp tác song phương

Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấy”. Đang khi người đàn ông xây nhà mà người phụ nữ “ngồi chơi xơi nước”, thì đó là điều không chấp nhận được. Hôn nhân là hôn ước trong đó hai người cùng thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm với nhau, và đảm nhận bổn phận cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Có người đã nói, “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).

Sự hợp tác song phương giữa đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi là yếu tố cực kỳ quan trọng nhờ đó hạnh phúc gia đình được đảm bảo chắc chắn. Khi nhìn vào một gia đình nào mà thấy hai vợ chồng biết hòa hợp, gắn bó để chăm lo việc nhà việc cửa, việc trong việc ngoài, thì biết ngay gia đình ấy đang hạnh phúc. Bởi “Họ là hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, là hai quả tim nhưng một nhịp đập” (Maria Lowell).

* Cùng chung chí hướng

Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Vợ chồng phải ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Một gia đình mà trong đó “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thì đó là biểu hiện của sự phân hóa, chia rẽ, bất đồng.

Hai người phải dành thời gian để thảo luận, có thể là tranh luận, về những mục tiêu phải theo đuổi. Chẳng hạn, trong vấn đề giáo dục con cái, trong việc quản lý và sử dụng tài chánh, trong việc giải quyết những nhu cầu vật chất, tinh thần trong gia đình vv. Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay “Một cây làm chẳng nên non / ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.       

* Cùng quan tâm đến nhau và đến những nhu cầu của đời sống chung

“Hãy thường xuyên quan tâm đến nhau”, đó là mệnh lệnh của tình yêu.

Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.

Bên cạnh đó, nhiều bà vợ than phiền rằng họ rất buồn tủi và cô đơn vì hầu như ông chồng chẳng tỏ ra quan tâm gì tới họ. Sau một ngày làm việc bên ngoài về nhà, chồng chỉ kịp ăn uống vội vàng rồi chui vào phòng xem TV hoặc chơi game. Nếu sự việc cứ tái diễn lâu dài như thế này, thì chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ sớm rơi vào tình trạng tan vỡ… 

* Hợp sức giải quyết những khó khăn trong đời sống

Người ta đã ví hôn nhân như bãi chiến trường chứ không phải là luống hoa hồng. Và hôn nhân nhìn xa cứ ngỡ như hạt kim cương nhưng khi lại gần thì đó chỉ là giọt lệ. Điều đó cho thấy khi bước vào đời sống hôn nhân, người ta sẽ khám phá ra rằng không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, êm ái cả.

Rất nhiều người khi mới kết hôn thì hồ hởi, vui sướng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ thất vọng. Có người than thở, “Hôn nhân là một pháo đài, kẻ ở bên trong thì muốn thoát ra, còn kẻ ở bên ngoài thì muốn chui vào ”. Đối với những người “bên trong” này, thì hôn nhân không còn thơ mộng như lâu đài cổ tích, hay đẹp như một túp-lều-tranh-hai-trái-tim-vàng nữa, nhưng là “ngục tù” chôn vùi tình yêu. Người ta nói, “Người phụ nữ khóc trước khi lấy chồng, còn người đàn ông khóc sau khi cưới vợ”. Cả hai cùng khóc, bởi cái viễn cảnh “hợp hợp tan tan” cứ ám ảnh họ. 

Tuy nhiên có nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua được những khó khăn thử thách trong đời sống hôn nhân, vì họ đã biết từ bỏ tính ích kỷ để cùng hợp sức với nhau giải quyết những vấn đề của mình.

Người ta đã ví hôn nhân là một chiến trường, vợ chồng là chiến binh, họ phải chiến đấu không mệt mỏi. Có người đã nói, “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller). Thực vậy, cuộc sống gia đình đầy những khó khăn, vất vả, cực nhọc. Khó khăn về kinh tế, vất vả trong công việc làm ăn, cực nhọc để giải quyết những vấn đề gia đình vv.

Từ thực tế khó khăn, phức tạp này, đã phát sinh biết bao hệ lụy. Có người bi quan đã nói, “Hôn nhân là một pháo đài, người ở trong muốn thoát ra, còn người ở ngoài lại muốn đi vào”. Gánh nặng của hôn nhân không chỉ là giải quyết vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn bao gồm tất cả những rắc rối phức tạp trong đời sống vợ chồng. Chẳng hạn, chuyện xung đột nảy sinh do tính tình khác biệt, do sở thích không đồng bộ, do nền giáo dục hấp thu không tương xứng, do trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv. Những bất đồng này xói mòn tình yêu đôi bạn, khiến họ không thể chịu đựng nhau được nữa, lúc đó phát sinh hậu quả ly hôn ly dị. Vì lý do đó mà có một danh nhân đã nói, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.

* Thực hành nghệ thuật nhượng bộ nhau

Trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự “bỏ mình” vì bạn đời. Ngày nay người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ”. Chuyện kể có một đôi vợ chồng già đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu đầy đàn. Trong ngày lễ kỷ niệm năm mươi năm thành hôn, con cháu tụ họp chúc thọ và chúc mừng hai cụ. Dịp vui này, các con cháu đồng thanh hỏi thăm bí quyết nào hai ông bà giữ được hạnh phúc bền vững cho đến ngày nay? Các cụ trả lời ngay, không có bí quyết nào bí mật cả, mà đơn giản đó chỉ là sự nhượng bộ nhau.

Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Người ta nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc...đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên...nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên... 

Tóm lại, để có được sự hòa thuận lâu dài trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên dõi theo và thực hành lời khuyên thiết thực sau đây của thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo...” (Cl 3,12-14)./.

Aug. Trần Cao Khải