label

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Chiến thắng virus corona với một đức tin không biên giới

ĐHY Tagle: Chiến thắng virus corona với một đức tin không biên giới

ĐHY Tagle
“Covid-19 không biết biên giới, nhưng nó cũng không biết đức tin, niềm hy vọng và bác ái”. Điều này đã được ĐHY Louis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế khẳng định trong một sứ điệp được công bố trên trang web của Caritas Quốc tế nhân dịp lễ Phục sinh.
Ngọc Yến - Vatican
Đức Hồng y viết: “Trong lúc mọi người trên khắp thế giới mừng Phục Sinh nhưng lại không thể cử hành Thánh lễ như bình thường, điều này làm cho chúng ta suy tư sâu sắc hơn về ‘Thân Mình Chúa Kitô’ nghĩa là cho mỗi chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng Đức Kitô thực sự đã sống lại, và áng sáng của Người sẽ chiếu sáng vào bóng tối của cuộc khủng hoảng hiện tại”.
Chủ tịch Caritas Quốc tế mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự bình an trong việc chấp nhận những điều mà chúng ta không thể thay đổi, cho sự can đảm để thay đổi những gì chúng ta có thể thay đổi và sự khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt.
Tiếp đến Đức Hồng y hướng cái nhìn đến những người yếu đuối và những người dễ bị tổ thương, như “người di cư và người tị nạn, người già, người bệnh, người nghèo và người thất nghiệp” và nhấn mạnh rằng “đại dịch đang làm cho họ đau khổ thêm”; vì điều này, cần phải thúc giục “các chính phủ đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe và bảo vệ xã hội cho mọi người.
Đức Hồng y viết tiếp: “Lịch sử thế giới đã bước sang một bước ngoặt, một bước ngoặt đang ném cuộc sống và xã hội của chúng ta vào hỗn loạn. Vì lý do này, một số nhà lãnh đạo chính trị và xã hội phải biết thừa nhận rằng họ đã sai lầm trong việc đảm bảo điều kiện sống xứng nhân phẩm cho cả gia đình nhân loại”.

Đức Hồng y lưu ý, thực tế hiện nay cho thấy giữa những thiếu sót, bất an và đau khổ, các mối liên hệ gia đình nhân loại đang nổi lên một cách “không thể tin được”: Các mối tương quan trước đây chúng ta đã bỏ qua, giờ đây, sống thời gian cách ly và bị gạt ra bên lề và dễ bị tổn thương, làm cho chúng ta hiểu một cách đáng ngạc nhiên rằng chúng ta cần nhau. Theo một nghĩa nào đó, “nỗi sợ của ngày mai” và “đau khổ toàn cầu” đã hợp nhất nhân loại. Không chỉ vậy: một số thay đổi “không thể tưởng tượng” so với cách đây ba tháng: ở một số quốc gia chất lượng không khí đã được cải thiện và các bên tham chiến ở một số quốc gia đã kêu gọi ngừng bắn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng những vấn đề mà con người không thể giải quyết được không có nghĩa là tồn tại vĩnh viễn và cái chết không có lời cuối cùng khi hy vọng vần còn chỗ”. (CSR_2519_2020)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét