Chúa Giêsu bị đâm cạnh sườn bên phải hay bên trái
Trích sách Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin
Vị trí nhát đòng
Nhát đòng đã đâm vào chỗ nào của cạnh sườn? Một truyền thống vững chắc đặt vị trí của nó ở phía bên phải ngực và đó là sự kiện hết sức quan trọng. Vì ý kiến chung kể cả thời của chúng ta đây, là đặt trái tim ở bên trái, đó là điều sai lệch. Thực chất trái tim nằm ở giữa về phía trước, trên cơ hoành, giữa hai lá phổi, sau tấm chắn ức sườn, trong trung thất trước. Chỉ có mỏm tim là rõ ràng lệch về bên trái, nhưng đáy của nó vượt quá về bên phải xương ức.
Truyền thống về nhát đòng ở bên phải có hai dấu tích làm dẫn chứng: Thánh Augustinô viết trong tác phẩm Kinh Thánh Thiên Chúa: “Người ta đã mở cửa nơi cạnh sườn bên phải Người, quả thực đây hẳn là vết thương, khi cạnh sườn Người bị đóng đinh đã bị lưỡi đòng gây thương tích.” Đức Giáo Hoàng Innôcentê III viết: “Chén được đặt bên phải các của lễ, như thể chứa đựng máu mà chúng ta tin là đã chảy ra tràn trề từ cạnh sườn bên phải của Đức Kitô.”
Nhưng chúng ta hãy căn cứ vào đoạn Tin Mừng: Một người lính lấy giáo đâm thủng cạnh sườn, tức thì máu và nước chảy ra. Bác sĩ Pierre Barbet đã dựa vào khoa giải phẫu và việc thử nghiệm để giải thích câu Tin Mừng này, hãy xem những khoa này trả lời ra sao.
Tấm khăn liệm rõ ràng có những dấu vết của vết thương ở cạnh sườn bên trái, mà hình in trên tấm khăn là hình đã bị đảo ngược, nên tử thi đã chịu vết thương ở bên phải.
Thật là điều kỳ lạ, mặc dù thành kiến thông thường vẫn cho là tim bên trái, đang khi chỉ có mỏm tim là ở đó thôi, nhưng người ta vẫn không bao giờ chọc tức bác sĩ Pierre Barbet về vấn đề cạnh sườn. Hơn nữa, không bao giờ người ta phản đối ông về sự kiện những người được in dấu thánh. Kỳ thực, Thánh Phanxicô Assisi mang vết thương bên phải sườn. Nhưng sau Ngài lại có những người được in dấu thánh với vết thương cạnh sườn bên trái, chẳng hạn như chị Theresa Neumann… Vì thế, người ta tìm nhiều cách giải thích vấn đề mà chẳng giải thích được đến nơi đến chốn. Ví dụ như: người được in dấu thánh vết thương cạnh sườn trái là được định vị vết thương đối diện với vết thương của Đức Giêsu mà người đó đang chiêm ngắm. Theo bác sĩ Pierre Barbet thì nên tôn trọng tính mầu nhiệm của các hiện tượng đó hơn là đề xuất những lý thuyết có vẻ khoa học.
Trên vết in phía trước của tấm khăn liệm, người ta nhìn từ phía bên trái (do đó là ở phía phải của tử thi) thấy một dòng máu lớn, một phần bị che lấp trên mép ngoài thân, do một miếng vải mà các nữ tu dòng Clara Chambery đã may vào sau lần bị cháy năm 1532. Vệt máu này ở phía trên có bề rộng 6 cm và chảy xuống như gợn sóng rồi thu hẹp dần với chiều cao 15 cm. Mép trong của tấm khăn bị đứt đoạn một cách kỳ lạ bởi những lỗ khuyết tròn, mà thoạt đầu không thể giải thích được đối với một dòng máu trên một tử thi bất động và dựng đứng. Bờ máu này không lan ra một cách thuần nhất và còn cho thấy một vài chỗ không có.
Xem xét trên tấm khăn liệm bằng mắt thường, một vệt máu chảy đọng dưới vết thương cạnh sườn và đọng lại quanh thắt lưng, cho thấy có một lượng máu lớn tràn ra khi bị đâm và tiếp tục chảy khi đã hạ xác và di chuyển xác. Dòng máu này tiếp tục chảy và tụ lại vòng quanh thắt lưng như có một vòng đai chặn lại không cho chảy lan xuống dưới thắt lưng. Theo vị trí vết thương, ngọn giáo đã xuyên qua cạnh sườn, đâm thấu vào tâm nhĩ phải. Chỉ từ tâm nhĩ phải mới có nhiều máu chảy ra như vậy; các nơi khác của tim không có được lượng máu lớn như vậy.
Mũi giáo đi chếch từ dưới lên ở phía lồng ngực phải, đâm xiên xé toạc màng ngoài tim, đi vào tâm nhĩ phải. Phân tích vết máu tại cạnh sườn trên tấm khăn liệm, xác nhận có máu và nước dịch huyết thanh; máu và nước chảy ra cùng lúc không hoà lẫn vào nhau. Máu chảy từ tâm nhĩ phải và huyết thanh chảy từ màng ngoài tim, xảy ra đồng thời khi ngọn giáo đâm vào, chứng tỏ Người trong tấm khăn liệm đã chịu đau đớn cùng cực do tràn dịch màng ngoài tim bởi các chấn thương trầm trọng của các trận đòn tàn khốc và việc vác thập giá nặng nề.
Với hình âm bản ba chiều, người ta nhìn thấy rõ vết thương cạnh sườn nằm bên phải Người trong tấm khăn liệm, vị trí vết thương nằm ngay dưới bờ ngực.
Trích từ sách Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin
Gioakim Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét