label

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

CÁO PHÓ: Cha Cố Phêrô Nguyễn Hữu Tuyến

CÁO PHÓ: Cha Cố Phêrô Nguyễn Hữu Tuyến





 

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2)

 

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh,

TGM Giáo phận Long Xuyên kính báo:

 

CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN HỮU TUYẾN

 

Sinh ngày 20 tháng 08 năm 1948 

Tại: Tân Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình

đã trở về Nhà Cha trưa ngày 28 /11/2021,

tại nhà riêng Biên Hòa, Đồng Nai

Hưởng thọ 73 tuổi.

 

Thi hài Cha cố hiện được quàn tạị nhà riêng

thuộc giáo xứ Phúc Hải, Biên Hòa, Đồng Nai

 

Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 15g00

chiều thứ Tư ngày 01/12/2021,

tại nhà thờ giáo xứ Tân Hải, kinh C2, Vĩnh Thạnh, GP. Long Xuyên

 

Xin quý Cha trong giáo phận dâng 3 Thánh lễ 

cầu cho linh hồn Cha cố Phêrô

Xin anh chị em cầu nguyện cho cha cố Phêrô

mau về hưởng Tôn nhan Chúa.

 

Long Xuyên ngày 29/11/2021

TGM kính báo

 

TIỂU SỨ LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN HỮU TUYẾN

 

CHA PHÊRÔ NGUYỄN HỮU TUYẾN

Sinh ngày 20 tháng 08 năm 1948 

Tại: Tân Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Vào Tiểu chủng viện: Á Thánh Phụng, năm: 1961, thuộc giáo phận: LX

Vào Đại Chủng viện: Thánh Giuse Sài Gòn, năm 1968

Chịu chức linh mục ngày: 15-6-1975, Tại: ĐCV Thánh Giuse SG

Do Đức cha: Phaolô Nguyễn Văn Bình

 

Từ khi chịu chức linh mục (hoặc từ khi gia nhập GPLX) đã phục vụ tại:

- Giáo xứ Hải Hưng, C1: 1975-1977

- Giáo họ Kitô Vua, C1: 1977-1993

- Giáo xứ Martinô E1: 1993-2007

- Giáo xứ Tân Hải, C2: 2007- 2021

- Qua đời ngày: 28/11/2021

- Tại: Biên Hòa, Đồng Nai

- Lễ an táng ngày: 01/12/2021Tại: Nhà thờ giáo xứ Tân Hải kinh C2, Vĩnh Thạnh, Cần Thơ 

CÓ THIÊN CHÚA THẬT KHÔNG

 

Có Thiên Chúa thật không?

  •  
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 30: CÓ THIÊN CHÚA THẬT KHÔNG ?

Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM

Câu hỏi: Nơi môi trường đại học, nhiều lần con nghe giảng viên nói tôn giáo chỉ là trò bịa đặt. Thiên Chúa cũng chỉ là sản phẩm phóng chiếu của con người. Thú thật, để giải thích hoặc đối thoại với các giảng viên ấy, hay chứng minh cho chúng bạn về sự hiện diện của Thiên Chúa, thật thách đố với con. Xin giúp con vài cách để chia sẻ về sự hiện diện của Thiên Chúa cho người khác!

Trả lời:


Bạn thân mến,

“Có Thiên Chúa thật không?” là câu hỏi không biết bao nhiêu người đã từng đặt ra. Đây là một câu hỏi lớn của nhân loại và cũng chính là một lời mời gọi để mỗi người chúng ta khởi đầu hành trình kiếm tìm chân lý.

Trước hết, bạn hãy hỏi vũ trụ vạn vật...

Bạn hãy dành thời gian quan sát mà xem: biết bao nhiêu vẻ đẹp lạ lùng của thiên nhiên: những rực rỡ lung linh của bầu trời trăng sao, sự hùng vĩ của núi sông, biển cả, sự huy hoàng của ánh bình minh chiếu sáng hay khi hoàng hôn buông nhẹ bóng xế tà, nét kiều diễm của từng bông hoa cùng hương thơm dịu dàng của chúng, tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót véo von, tiếng gió rì rào qua kẽ lá… Rồi bạn hãy hỏi: “Ai đã làm nên những vẻ đẹp này?” Thánh Augustinô xưa cũng đã từng hỏi như vậy, và ngài nhận được câu trả lời: “Còn ai nữa, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ thay đổi!” Phần bạn, nếu bạn nghiệm ra rằng: những vẻ đẹp ấy không phải do ngẫu nhiên hay tình cờ, nhất định phải có một nguyên nhân rất tinh tế, phải có một tác giả rất tài tình của những vẻ đẹp ấy, là bạn đã bắt đầu tìm thấy câu trả lời rồi đó.

Ngày nay, với các phương tiện khoa học kỹ thuật, bạn có thể khám phá thế giới bao la, vũ trụ rộng lớn. Và bạn sẽ thấy rằng: hằng hà sa số những vì sao trên bầu trời kia không phải là một mớ hỗn độn khổng lồ đâu, mà tất cả đều vận hành theo một trật tự ngăn nắp. Chúng tuân theo những định luật cực kỳ chính xác.

Chẳng hạn, Trái Đất của chúng ta tự quay chung quanh mình mỗi ngày một vòng, đang khi nó vẫn chạy theo quỹ đạo chung quanh Mặt Trời mỗi năm một vòng với vận tốc 30km/giây (108 ngàn km/giờ). Tương tự, các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời: sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ... cùng vận hành xoay quanh Mặt Trời. Các quỹ đạo của chúng gần như tạo thành một mặt phẳng gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Cũng thế, mỗi ngôi sao, hệ sao, quần tinh và các thiên hà đều vận hành theo những quy trình nhất định. Thật tuyệt diệu phải không bạn?

Nhà bác học Newton sau khi khám phá vũ trụ đã khẳng định: “Nhờ dùng kính viễn vọng để tìm đến nơi tận cùng, tôi đã nhìn thấy dấu vết của Thiên Chúa”. Sự hiện hữu của các định luật vật lý chính là bằng chứng rõ rệt nhất của Đấng Sáng Tạo là Thiên Chúa.

Bây giờ bạn hãy thôi quan sát vũ trụ để tìm hiểu các nguyên tử rất nhỏ bé và bạn cũng sẽ phát hiện ra những điều kỳ thú. Mỗi nguyên tử vật chất là cả một Thái dương hệ thu nhỏ, gồm có một nhân ở trung tâm giống như Mặt Trời. Chung quanh nhân là chi chít những electron chuyển động xoay tròn quanh hạt nhân với vận tốc 297.000 km/giây, thật không khác gì các hành tinh xoay lượn chung quanh Mặt Trời.

Những điều trên cho ta thấy tính trật tự và tính quy luật của toàn thể vũ trụ vật chất, từ cái cực lớn đến cái cực nhỏ. Liệu tất cả những điều vi diệu đó chỉ là do ngẫu nhiên và tình cờ mà thôi sao? Tình cờ và ngẫu nhiên có thể tạo nên những cấu trúc, những hệ thống được không hay chỉ là hỗn độn, bừa bãi, thậm chí là hư vô trống rỗng? Chiếc đồng hồ với hệ thống kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây chạy nhịp nhàng là do ngẫu nhiên mà có, hay là đã  có người thợ chế tạo ra nó?

Vật chất vô tri đã thế, các loài sinh vật còn kỳ diệu hơn nhiều. Từng quan năng, từng tế bào, từng phân tử trong tế bào đều được cấu tạo cách cực kỳ phức tạp tinh tế và thông minh. Bác sĩ Alexis Carrel (1837–1944) nhà sinh vật học người Pháp, người đã được trao giải Nobel năm 1912, đã diễn tả về sự tăng triển kỳ diệu của sự sống từ một tế bào như sau:

Con vật được cấu tạo bởi những tế bào, cũng giống như cái nhà được xây dựng bằng những viên gạch. Nhưng con vật xuất phát từ chỉ một tế bào duy nhất, như thể cái nhà chỉ bắt nguồn từ một viên gạch vậy. Một viên gạch đầu tiên tự tạo lấy những viên gạch khác, chỉ với nước suối, những chất muối hòa tan trong nước và khí trời. Rồi những viên gạch ấy không cần đến kiến trúc sư vẽ kiểu, không cần đến bàn tay của thợ xây, đã tự động kết hợp thành những bức tường. Các viên gạch cũng tự động biến thành các tấm kính để làm cửa, ngói để lợp mái… Lạ không?

Trái Đất này tràn đầy sự kỳ diệu như thế. Dưới lòng đất, trên núi cao, giữa biển sâu, trong rừng vắng, chỗ nào cũng đầy sự kỳ diệu, đến nỗi bạn không còn để ý đến. Còn những ai để ý sẽ không thể không kinh ngạc thán phục. Như nhà bác học Pasteur chẳng hạn, ông tuyên bố: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin có Thiên Chúa”. Còn bạn thì sao?

Gần đây, khám phá về phân tử ADN trong nhân tế bào càng làm các nhà khoa học kinh ngạc. Việc giải mã bộ gen người vô cùng tinh vi càng làm các nhà khoa học kinh ngạc hơn. Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc chương trình Bản đồ gen người này, đã quả quyết rằng mã ADN chính là “ngôn ngữ của Chúa” – những chỉ thị để sự sống hình thành và phát triển. Qua đó ông biết được bí mật của sự sống mà Chúa đã cài đặt trong ADN. Từ một người vô thần, ông đã trở thành người có đức tin và nói: “Đạo Thiên Chúa đã đem lại cho tôi chuỗi chân lý vĩnh hằng đặc biệt.” Còn bạn thì sao?

Bạn hãy hỏi tiếng Lương tâm:

Bây giờ bạn hãy nhìn vào ngay trong nội tâm mình để khám phá ra rằng trong đó có một thứ lề luật mà chính bạn không đặt ra, luật đó vẫn luôn nhắc nhở bạn phải làm điều thiện và tránh điều ác. Luật đó chính là lương tâm. 

Lương tâm luôn luôn theo cùng mỗi người mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Ta có thể phớt lờ tiếng lương tâm để mà ăn gian nói dối, trộm cắp, giết người… nhưng ta vẫn biết, vẫn cảm thấy việc mình làm là sai trái, là không tốt. Cho dù việc ta làm chỉ một mình ta biết, nhưng ta vẫn thấy day dứt không nguôi. Chính vì sự day dứt này mà có nhiều thủ phạm giết người, dù đã rửa sạch mọi dấu vết và không bị phát giác, nhưng nhiều năm sau, kẻ ấy bỗng nhiên đi đầu thú để được đền bù lẽ công bằng. Nguyên do là vì kẻ ấy không chịu nổi sự dày vò trách cứ của lương tâm.

Hẳn nhiên, lương tâm không phải do mỗi người tự đặt ra cho chính mình. Bởi vì nếu mỗi người tự đặt ra cho mình thì chúng ta sẽ phải đặt ra những gì dễ dãi và có lợi cho bản thân. Còn lương tâm thì khác hẳn, chúng không luôn phù hợp với khuynh hướng xấu của con người. Mặt khác, nếu mỗi người tự đặt ra lề luật cho mình thì luật ấy sẽ muôn hình vạn vẻ. Nhưng lương tâm luôn có sự thống nhất và mang tính phổ quát cho toàn thể nhân loại.

Lương tâm cũng không phải do môi trường xã hội đặt ra, bởi vì có khi nó còn cao hơn những đòi hỏi của xã hội và đôi khi đi ngược lại với những bó buộc sai trái của xã hội. Cho nên lương tâm là bẩm sinh. Cha mẹ, thầy cô hay xã hội chỉ là đóng vai trò phụ thuộc, giúp cho luật ấy phát triển và sáng tỏ hơn hoặc cũng có thể làm cho nó bị bóp méo lệch lạc mà thôi. Vậy lề luật này ở đâu ra khi chính chúng ta không tự đặt ra lề luật ấy cho mình? Nhờ phán quyết của lương tâm này mà nhiều người đã ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa. Bạn thấy sao?

Bạn hãy hỏi những tấm lòng vị tha:

Vượt lên trên cả tiếng lương tâm, trong mỗi người còn có một sức mạnh khác, một sự thôi thúc của lòng vị tha. Lòng vị tha là sự trao tặng không vụ lợi của một người dành cho người khác mà không hề có động cơ vị kỷ; hy sinh cho người mà không cần được người đền đáp. Rất nhiều người đã bất chấp sự nguy hiểm của bản thân để giúp đỡ người khác.

Một gương mặt tiêu biểu mà có lẽ bạn đã từng thấy trên các phương tiện truyền thông là thánh Têrêsa Calcutta. Thánh nhân được cả thế giới kính cẩn gọi là mẹ vì sự giúp đỡ không chút vị kỷ của mẹ đối với những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ tại Calcutta và nhiều nơi trên thế giới. Tuy đang sống yên ổn tại dòng Loreto với công việc giảng dạy, mẹ Têrêsa quyết định rời tu viện để giúp đỡ người nghèo và sống chung với họ.

Từ hai bàn tay trắng, mẹ khởi đầu một dòng tu với mục đích chăm sóc người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, bệnh nhân phong, bất cứ ai đang cảm thấy thừa thãi, bị căm ghét, ruồng bỏ trong xã hội, những người đang là gánh nặng của xã hội và bị mọi người xa lánh, người tị nạn, người khuyết tật, già lão, nghiện rượu, người nghèo và người vô gia cư, nạn nhân lũ lụt, dịch bệnh, và nạn đói… Những người vô gia cư sắp chết cũng được mẹ và các nữ tu mang về chăm sóc để họ được chết “một cái chết đẹp” như những thiên thần. 

Vào thời điểm mẹ Têrêsa từ trần (1997), dòng tu của mẹ có hơn 4.000 nữ tu, với sự hỗ trợ của 300 tu sĩ, và hơn 100.000 người tình nguyện. Họ điều hành 610 cơ sở từ thiện tại 123 nước trên thế giới. Thật là một điều phi thường. Mẹ Têrêsa và dòng tu của mẹ là tiêu biểu trong vô số những người có lòng vị tha trong xã hội. Hành động của các vị ấy trái ngược hoàn toàn với lối sống thực dụng và ích kỷ của bản tính con người.

Thậm chí trong một số trường hợp, lòng vị tha có thể lớn tới mức hy sinh cả tính mạng mình để cứu giúp người khác, tiêu biểu như thánh Maximilianô Maria Kolbê. Ngài là một linh mục trong trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã, đã tình nguyện chịu chết thay cho một người bạn tù vì anh này còn có vợ con.

Không phải ai trong chúng ta cũng có thể dám hy sinh thân mình để cứu giúp người khác như thế. Nhưng chắc chắn là hầu hết chúng ta đều từng cảm thấy có một sự thúc gọi bên trong là hãy giúp đỡ một người lạ đang gặp khó khăn, dù biết bản thân mình chẳng được lợi lộc gì. Và nếu chúng ta đã từng làm như vậy thì phần thưởng dành cho chúng ta thường là một cảm giác vô cùng ấm áp vì đã làm được một điều gì đó đúng đắn và hữu ích cho người khác.

Đạo diễn Trần Văn Thủy và đoàn làm phim tài liệu Việt Nam trong tác phẩm nổi tiếng “Chuyện tử tế” sản xuất năm 1985, đã phỏng vấn các thầy thuốc làm việc lâu năm tại trại phong Quy Hòa:

– Ai là người tận tâm chăm sóc cho các bệnh nhân phong?

 Mọi người đều trả lời:

– Các bà sơ, chuyện đó phải kể đến các bà sơ.

Khi đoàn làm phim hỏi các bà sơ:

– Đâu là nơi bắt đầu để các sơ yên tâm tận tụy phục vụ các người phong?

Các sơ trả lời:

– Chỗ bắt đầu của chúng tôi là Niềm Tin.

Câu trả lời đã gây một ấn tượng sâu sắc cho người nghe.

Còn bạn, khi chiêm ngưỡng những tấm lòng vị tha, nhất là gương các thánh, bạn có nhận ra thấp thoáng hình ảnh Thiên Chúa chưa?

Bạn hãy hỏi Chúa:

Cuối cùng, bạn hãy hỏi chính Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ có câu trả lời cho bạn. Thực ra, Ngài đã trả lời cho bạn rồi. Bạn hãy đọc Kinh Thánh, đó chính là Lời Chúa nói với loài người và cũng là nói với bạn.

Bề ngoài, Kinh Thánh là bộ sách đứng đầu mọi thời đại và là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Ước tính mỗi năm có thêm hàng trăm triệu bản được in ấn và phát hành. Đây cũng là bộ sách được dịch nhiều lần nhất, sang hơn 2.508 ngôn ngữ của hơn 90% dân số thế giới (năm 2009). Cho tới nay, Kinh Thánh đã lưu truyền mấy nghìn năm chưa bao giờ ngừng. Chẳng những hơn hai tỉ người thuộc các giáo hội Kitô giáo vẫn thường đọc hay nghe Kinh Thánh hàng ngày, mà Kinh Thánh còn ảnh hưởng tới hàng tỉ người ngoài Kitô giáo.

Nhưng tính chất quan trọng của Kinh Thánh không chỉ thể hiện ở chỗ sách này được in nhiều nhất, số lượng người đọc và trích dẫn là nhiều nhất, nhưng ở chỗ: Nhờ Kinh Thánh mà con người nhận biết chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ Kinh Thánh con người cũng biết được Thiên Chúa là ai và Người muốn con người phải sống thế nào cho phải đạo. Nhờ Kinh Thánh mà con người biết rằng Thiên Chúa không phải là “Ông Trời” xa tít, nhưng là một “chủ thể” vừa siêu việt vừa gần gũi với mình.

Kinh Thánh sẽ nói với bạn rằng:

“Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa,
từ muôn thuở cho đến muôn đời.” (Tv 90,2)

Tuy Kinh Thánh đã được viết từ rất lâu và cũ kỹ, nhưng nó lại chứa đựng nội dung, sứ điệp không hề thay đổi theo thời gian. Không có một bộ sách nào vừa cổ kính vừa mới mẻ, vừa cao xa vừa hiện thực như Kinh Thánh. Trong thời đại chúng ta, thời đại bùng nổ thông tin, nhưng chẳng có thông tin nào đem lại cho chúng ta niềm tin yêu, hy vọng. Tất cả đều tỏ ra là phù du. Cũng như mọi thứ tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ chẳng đáp ứng được các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Cho nên, để xây dựng cuộc đời, để khám phá nguồn vui, để kiếm tìm chân lý, chúng ta cần đến những nền tảng chắc chắn, và nền tảng ấy chính là Kinh Thánh. Kinh Thánh thánh đã đem lại niềm tin và sức mạnh cho hàng tỉ người, bao gồm cả những vĩ nhân trên thế giới. Bạn đừng thờ ơ hay xem thường nhé.

Đến đây, không biết bạn đã tìm ra câu trả lời chưa? Dù rồi hay chưa thì mình cũng giới thiệu bạn hãy đến với người này: Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Thiên Chúa. Đấng đã từ nơi Thiên Chúa mà đến để giới thiệu và loan báo cho chúng ta biết dung nhan đích thực của Thiên Chúa tình yêu. Chính Người đã nói về mình rằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Nếu bạn thực sự muốn tiếp cận chân lý, hãy đến với Đức Giêsu, Đấng vẫn hằng hiện hữu cách thiêng liêng giữa Hội Thánh của Người.

Thân ái.

Đọc thêm:

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

BẢN TIN CUỐI CÙNG VỀ SỨC KHOẺ CHA SỞ PHAOLÔ TRẦN VĂN KHOA

  BẢN TIN CUỐI CÙNG VỀ SỨC KHOẺ CHA SỞ PHAOLÔ TRẦN VĂN KHOA

Trước tiên xin cám ơn mọi người xa gần đã quan tâm thăm hỏi và cầu nguyện cho cha trong những ngày qua. Nhờ lời cầu nguyện của quí vị cũng như sự nhiệt tình chữa trị của nhân viên y tế, đến nay sức khoẻ của Ngài đã hoàn toàn bình phục và đã xuất viện vào ngày thứ năm 25/11/2021. Hiện tại Ngài đã làm việc lại và cũng trên Facebook của Ngài, Ngài đã viết.  "Xin gửi mọi người bài" Cảm tạ Hồng Ân"như một tâm tình luôn Tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban, và như một lời tri ân mọi người đã cầu nguyện cho tôi trong những ngày qua".

Thiên Sinh


THƯ MỤC VỤ THÁNG 12/2021 GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

 THƯ MỤC VỤ THÁNG 12/2021



GIÁO PHẬN LONG XUYÊN HIỆP HÀNH

HƯỚNG VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XVI

 

***

Anh chị em thân mến,

Giáo Hội hoàn vũ đã bước vào giai đoạn khởi sự tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI, với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Các giáo phận khắp nơi trên toàn thế giới đã bắt đầu từ ngày 17/10/2021, riêng tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 28/11/2021, Chúa Nhật I Mùa Vọng. Vì thế, thư mục vụ tháng 12 có chủ đề: Giáo Phận Long Xuyên Hiệp Hành Hướng Về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Lần Thứ XVI.

 

► Trước hết, Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 15 là chất liệu để chúng ta cùng suy tư về chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI này. Theo trình thuật, ngay trong Giáo Hội sơ khai đã có vấn đề tranh luận cần giải quyết (c.1). Để giải quyết vấn đề, các Tông Đồ đã cùng nhau hội họp tại Giêrusalem (c.2). Trong cuộc họp, nhiều người đã lên tiếng, cụ thể là Phêrô, Phaolô, Barnaba, Giacobê. Trong khi có người trình bày, thì mọi người thinh lặng và lắng nghe (c.12-13). Cuối cùng, tập thể các Tông Đồ đi đến quyết định với công thức: “Thánh Thần và Chúng tôi quyết định” (c.28) và cắt cử người đi thông báo quyết định (c.22). Mọi thành phần Dân Chúa đón nhận quyết định với niềm vui mừng (c.31). Vấn đề trong Giáo Hội đã được giải quyết cách hiệp hành, nên Giáo Hội được bình an, hiệp nhất và cùng nhau thực hiện quyết định (c.32-33). Dựa vào quyết định này, sứ vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện đầy linh động, sáng tạo và hiệu quả, cụ thể là Phaolô đã thực hiện các cuộc hành trình loan báo Tin Mừng (c.35). Như vậy, Giáo Hội sơ khai đã là một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ, vì mọi người trong cộng đoàn được mời gọi suy tư, trình bày, lắng nghe, phân định, quyết định và thực hiện.

 

► Theo hướng dẫn của văn phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, những điểm chính về chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này cần được nhấn mạnh là:

 

Tính hiệp hành thuộc về bản chất của Giáo Hội vì Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Như vậy, nhờ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mọi thành phần trong Giáo Hội cùng nhau tiến bước trong tình hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm để phục vụ lẫn nhau qua các ơn huệ mà ta nhận được từ Chúa Thánh Thần và cùng nhau thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Kitô trong thế giới ngày nay.

 

Vì tính hiệp hành, nên mọi thành phần Dân Chúa, được mời gọi cùng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần từ các dấu chỉ của thời đại, qua việc lắng nghe mọi người thuộc mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là những anh chị em sống bên lề, ngoại vi, và cả những người thuộc các niềm tin khác ngoài Kitô Giáo; lắng nghe để phân định; phân định để khám phá ra ý Chúa; khám phá ra ý Chúa để cùng nhau thực hiện. Đây là kinh nghiệm về hiệp hành để phân định thiêng liêng trong bầu khí thánh thiêng và cầu nguyện của Hội Thánh.

 

Theo cách tổ chức của Thượng Hội Đồng lần thứ XVI này, tiến trình Thượng Hội Đồng giai đoạn Giáo Phận là nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo, trong đó toàn thể Dân Chúa được tạo điều kiện để có được kinh nghiệm hiệp hành trên hành trình hướng tới một Giáo Hội ngày càng có tính hiệp hành hơn. Đây là cơ hội để các mục tử và Dân Chúa gặp gỡ, lắng nghe và phân định; lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe Dân Chúa, gặp gỡ, lắng nghe để cuối cùng đi đến phân định nhờ Lời Chúa. Lời Chúa giúp ta mở ra với phân định thiêng liêng và soi sáng tiến trình phân định ấy, vì mỗi lần hội họp là một biến cố ân sủng trong tiến trình chữa lành và canh tân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

 

► Với những ý tưởng trên, Giáo phận Long Xuyên sẽ thực hiện:

 

1. Tổ chức:

♦ Giáo Phận hình thành một Ban Điều Hành Giáo Phận (Linh hoạt viên) bao gồm 5 thành viên để tham vấn và cộng tác với Đức Giám Mục Giáo Phận tổ chức tiến trình Thượng Hội Đồng cấp Giáo Phận.

 

♦ Giáo Phận cũng hình thành Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận 10 thành viên), Nhóm Điều Phối Viên (cấp giáo hạt khoảng 6 thành viên, cấp giáo xứ khoảng 6 thành viên). Nhóm điều phối viên sẽ bao gồm giáo dân nam nữ, tu sĩ nam nữ và linh mục. Nhóm điều phối viên sẽ cộng tác với để tổ chức các cuộc học hỏi và gặp gỡ tại các giáo hạt, các giáo xứ, hay các tập thể trong Giáo Phận.

 

♦ Giáo Phận phân chia tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo Phận thành 2 giai đoạn:

 

Giai đoạn I là học hỏi, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng 28/11/2021 đến Chúa Nhật II Phục Sinh 24/04/2022: Trong giai đoạn này, sẽ tổ chức các cuộc học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo Phận.

 

Giai đoạn II là Thỉnh Ý Hiệp Hành, từ Chúa Nhật II Phục Sinh 24/04/2022 đến 30/06/2022. Trong giai đoạn này, sẽ kết hợp với các nhóm điều phối viên tổ chức các cuộc gặp gỡ - lắng nghe - phân định trong bầu khí cầu nguyện cho các tập thể, cụ thể là tập thể các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân… tại các địa phương khác nhau trong Giáo Phận.

 

♦ Giáo Phận sẽ tổ chức kết thúc tiến trình Thượng Hội Đồng cấp Giáo Phận. Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận sẽ phối hợp với các Nhóm Điều Phối Viên trong Giáo Phận tổ chức các cuộc gặp gỡ của đại diện mọi thành phân Dân Chúa trong Giáo Phận, để cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định con đường hiệp hành mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn Giáo Phận thực hiện.

 

2. Cầu nguyệnMọi thành phần Dân Chúa được kêu gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục.

 

♦ Chúa Nhật I Mùa Vọng 28/11, vì tình trạng dịch bệnh, nên Giáo Phận sẽ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo Phận với Thánh Lễ khai mạc trực tuyến vào lúc 5:00 từ nhà nguyện Toà Giám Mục Long Xuyên. Xin các cộng đoàn Kitô hữu trong Giáo Phận cùng hiệp ý tham dự.

 

♦ Đọc kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục hàng ngày trước Thánh Lễ, khích lệ các gia đình và các đoàn hội đọc kinh này trong các giờ kinh nguyện.

 

♦ Các giáo xứ giáo họ được khích lệ chầu Thánh Thể và làm giờ thánh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục vào các tối thứ Năm hàng tuần. Toà Giám Mục sẽ trực tuyến giờ thánh này vào lúc 19:00 thứ Năm hàng tuần.

 

♦ Trong các cuộc học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng như các cuộc gặp gỡ thỉnh ý hiệp hành, mọi thành viên sẽ đọc kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục .

 

3. Học hỏi

♦ Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục.

♦ Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận sẽ tổ chức học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục.

+ Hàng tuần trên trang mạng;

+ Hàng tháng trong thư mục vụ;

+ Tại TGM dành cho các linh mục trong TGM và Nhà Thờ Chánh Tòa;

+ Dành cho nhóm điều phối viên của giáo phận, của 9 giáo hạt và của các giáo xứ, giáo họ;

+ Dành cho các linh mục, tu sĩ và chủng sinh dịp tĩnh tâm hàng tháng;

+ Dành cho linh mục đoàn dịp tĩnh tâm năm của linh mục;

+ Dành cho các cộng đoàn tu sĩ đang hiện diện và hoạt động trong giáo phận;

 

4. Thỉnh ý hiệp hành: Gặp gỡ - Lắng nghe - Phân định

Từ Chúa Nhật II Phục Sinh cho đến cuối tháng 6, Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận kết hợp với các Nhóm Điều Phối Viên tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa có thể tham dự các cuộc gặp gỡ thỉnh ý hiệp hành trong Giáo Phận. Cụ thể là Tòa Giám Mục, các linh mục trong giáo hạt, các tập thể tu sĩ, các điều phối viên của các giáo hạt và giáo xứ, giáo dân tại giáo xứ, giáo họ, các đoàn hội… đặc biệt quan tâm đến thành phần “bên lề”. Dù tình trạng dịch bệnh, Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận sẽ sáng kiến để có cách tổ chức cho càng nhiều người tham gia vào thỉnh ý hiệp hành càng đạt hiệu quả theo đúng đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

Anh chị em thân mến,

Bước vào niên lịch phụng vụ 2021-2022, Giáo Phận hiệp hành với Giáo Hội hoàn vũ, với Giáo Hội Việt Nam, bằng cầu nguyện, học hỏi và thực hiện thỉnh ý hiệp hành, đi vào chương trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục về một Hội Thánh hiệp hành. Đây là một thiện chí để mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận lắng nghe, phân định và thực hiện ý Chúa, dưới sự bảo trợ của gia đình Thánh Gia, và thánh giáo dân tử đạo Emmanuel Lê Văn Phụng và thánh linh mục tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý, là gương mẫu cho chúng ta hướng về một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ.

 

Ý NGHĨA LOGO CHÍNH THỨC CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH

 Ý NGHĨA LOGO CHÍNH THỨC

CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH 

1. Hình cây


Đây là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Cây này mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời. Đồng thời, các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay hoặc đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.

2. Dân Chúa


Dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Điều này liên hệ trực tiếp đến từ “Thượng hội đồng - Synod”, có nguyên nghĩa là “bước đi cùng nhau”. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, động lực này được Cây Sự Sống truyền vào trong họ, và cũng từ động lực này mà họ cất bước.

15 bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Điều này được mô tả bằng sự đa dạng của các màu sắc tươi sáng, vốn biểu trưng cho niềm vui. Không có tính chất phẩm trật giữa những người này, họ cùng bước đi trên một mặt đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ. Một cách hoàn toàn tự nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên là những người mở đường cho họ, điều này liên hệ tới những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. (Mt 11,25)

3. Chủ đề


Đường chân ngang của logo với chủ đề: "Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ" chạy từ trái sang phải theo hướng của cuộc hành trình, nhằm tăng cường và củng cố nó, và kết thúc với tiêu đề "Thượng hội đồng 2021 - 2023", là sự kiện đỉnh cao tổng hợp toàn bộ hành trình.

Tải về file Logo tiếng Việt tại đây!

Tải về file Logo ngôn ngữ khác tại đây!

Văn Việt chuyển ngữ từ synod.va

WHĐ (26.11.2021)

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Quốc tế người khuyết tật

 

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Quốc tế người khuyết tật



Ngày 25/11/2021 Toà Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Quốc tế người khuyết tật, được Liên Hiệp quốc cử hành hàng năm vào ngày 3/12. Trong sứ điệp Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người khuyết tật. Ngài nói với họ rằng Giáo hội thật sự là nhà của họ; Giáo hội yêu thương họ và cần họ để hoàn thành sứ vụ phục vụ Tin Mừng.

Hồng Thủy - Vatican News

Vào năm 1992, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố cử hành Ngày Quốc tế người khuyết tật hàng năm, nhằm cổ võ quyền và hạnh phúc của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và sự phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về tình trạng của người khuyết tật trong mọi khía cạnh chính trị, xã hội, đời sống kinh tế và văn hóa.

Chúa Giêsu là bạn của chúng ta

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có chủ đề "Anh em là bạn hữu của Thầy" (Ga 15,14). Trong Sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng Chúa Giêsu là bạn của chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, ngay cả những khi dường như Người đang im lặng... Người ở bên cạnh chúng ta dù chúng ta đi bất cứ nơi đâu (Christus Vivit, 154). Chúng ta được mời gọi trở thành bạn của Chúa Giêsu!

Đức Thánh Cha nói thêm: "Có Chúa Giêsu làm bạn là một niềm an ủi vô biên. Nó có thể biến chúng ta trở thành môn đệ biết ơn và vui tươi, người có thể chứng tỏ rằng sự yếu đuối mỏng manh của chúng ta không phải là trở ngại cho việc sống và loan báo Tin Mừng". Tình bạn với Chúa Giêsu là điều then chốt giúp chấp nhận những giới hạn của chúng ta và sống an hoà với chúng.

Giáo hội thật sự là nhà của anh chị em!

Nhờ bí tích rửa tội mỗi người trở thành thành viên trọn vẹn của Giáo hội. Đức Thánh Cha khẳng định rằng "Giáo hội thật sự là nhà của anh chị em! Chúng ta, tất cả chúng ta là Giáo hội, bởi vì Chúa Giêsu đã chọn làm bạn của chúng ta".

Kỳ thị trong Giáo hội

Đức Thánh Cha cũng than phiền rằng ngày nay vẫn còn nhiều người khuyết tật bị đối xử như những cơ thể ngoại lai của xã hội. Sự kỳ thị tiếp tục ở mọi cấp độ xã hội và dẫn đến thành kiến, sự thiếu hiểu biết và một nền văn hóa khó đánh giá đúng giá trị không thể đo lường được của mỗi người. Ngài lưu ý đặc biệt đến xu hướng xem khuyết tật là một loại bệnh và điều này khiến cho đời sống của người khuyết tật bị tách biệt và kỳ thị.

"Hình thức kỳ thị tồi tệ nhất là thiếu chăm sóc phần thiêng liêng", đôi khi thể hiện qua việc từ chối cho lãnh nhận các bí tích. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "không ai có thể từ chối cho người khuyết tật nhận các bí tích”.

Giáo hội gần gũi với người khuyết tật

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng Chúa Giêsu gần gũi và bảo vệ chúng ta trong những lúc khó khăn, như trong đại dịch. Nghĩ đến những người khuyết tật đang sống trong các khu dân cư và nỗi đau phải xa cách những người thân yêu, Đức Thánh Cha nói với họ: "Hãy biết rằng Đức Giáo hoàng và Giáo hội đặc biệt gần gũi với anh chị em, với tình yêu và sự trìu mến! Giáo hội ở bên những người đang còn chiến đấu với virus corona. Giáo hội luôn yêu cầu rằng mọi người được chăm sóc và khuyết tật không ngăn cản họ được chăm sóc tốt nhất.

Ơn gọi nên thánh

Đức Thánh Cha nói thêm với những người khuyết tật rằng Chúa Giêsu muốn mọi người được hạnh phúc. Người muốn chúng ta trở thành những vị thánh và không được định sẵn cho một cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường. Công đồng Vatican II nói rằng "mọi tín hữu của Chúa Kitô dù ở cấp bậc hay địa vị nào, đều được mời gọi đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của lòng bác ái”. "Họ phải tận hiến chính mình cho vinh quang của Thiên Chúa và phục vụ tha nhân".

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha lưu ý rằng bất cứ khi nào những người khuyết tật gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của họ đã thay đổi sâu sắc, và họ trở thành nhân chứng của Người, như người mù từ lúc mới sinh trong Phúc âm thánh Gioan.

Không có ai yếu đến mức không thể cầu nguyện

Ngỏ lời với từng người khuyết tật, Đức Thánh Cha kêu gọi họ cầu nguyện và bảo đảm rằng Chúa chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của những ai tin cậy nơi Người. Ngài nói: “Cầu nguyện là một sứ mạng, một sứ mạng mà tất cả mọi người có thể làm được, và tôi muốn giao sứ mạng đó cách cụ thể cho anh chị em. Không có ai yếu đến mức không thể cầu nguyện, thờ phượng Chúa, tôn vinh Danh thánh của Người và khẩn cầu cho ơn cứu độ của thế giới”.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đại dịch đã cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và dễ bị tổn thương; tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết; tất cả chúng ta được kêu gọi cùng chèo thuyền. Và “cách chính để làm điều đó chính là cầu nguyện”.