Tông hiến Episcopalis Communio của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục
TÔNG HIẾN EPISCOPALIS COMMUNIO
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
1. Tính hiệp thông giữa giám mục với Đấng kế vị Thánh Phêrô được thể hiện một cách đặc biệt trong Thượng Hội đồng Giám mục. Thượng Hội đồng Giám mục được Đức Thánh Cha Phaolô VI thiết lập ngày 15 tháng 9 năm 1965, là một trong những thành quả quý giá nhất của Công đồng Vatican II [1]. Tuy thể chế có vẻ mới mẻ, nhưng Thượng Hội đồng Giám mục là một ý tưởng thôi thúc đã có từ rất lâu, đem lại sự nâng đỡ hữu hiệu cho vị Giáo hoàng Rôma, qua những phương thức mà chính ngài đã thiết lập, trong những vấn đề mang tầm quan trọng lớn lao, nghĩa là, những vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết và phán đoán đặc biệt về những gì đem lại thiện ích cho toàn thể Giáo hội. Do đó, Thượng Hội đồng Giám mục, “đại diện cho toàn thể các Giám mục Công giáo, nói lên rằng tất cả các Giám mục có mối hiệp thông phẩm trật để chăm lo cho Giáo hội phổ quát” [2].
Trong hơn 50 năm qua, các phiên họp của Thượng Hội đồng đã chứng tỏ là một phương tiện quý giá cho các Giám mục chia sẻ những điều hiểu biết, cầu nguyện chung với nhau, chân thành trao đổi với nhau, đào sâu học thuyết Kitô giáo, cải cách các cơ cấu của Giáo hội, và thúc đẩy hoạt động mục vụ trên toàn thế giới. Bằng cách này, các phiên họp của Thượng Hội đồng đã không chỉ trở thành nơi có đặc quyền giải thích và đón nhận Huấn quyền phong phú của Công đồng, nhưng còn là sự khích lệ đáng kể cho Huấn quyền giáo hoàng sau đó.
Ngày nay cũng vậy, trong thời điểm lịch sử khi Giáo hội khởi đầu một “chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng” [3], giai đoạn đòi Giáo hội phải hiện diện “trên khắp thế giới... thường xuyên trong trạng thái truyền giáo.” [4] Cũng như các định chế khác của Giáo hội, Thượng Hội đồng Giám mục được mời gọi để “được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của chính Giáo hội.” [5] Trên hết, Thượng Hội đồng nhận ra rằng “sứ mạng loan báo Tin Mừng ở khắp nơi trên thế giới trước tiên là sứ mạng của Giám mục đoàn”, theo từ ngữ của Thánh Công đồng là “phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt động truyền giáo, một phận vụ quan trọng nhất và thánh thiêng nhất của Giáo hội.” [6]
2. Chính nhờ Chúa quan phòng mà Thượng Hội đồng Giám mục được thiết lập trong bối cảnh của Công đồng đại kết gần đây nhất. Thật vậy, Công đồng Vatican II, theo bước chân của Công đồng Vatican I [7], đã đào sâu giáo lý về chức Giám mục trong Truyền thống chính thức của Giáo hội, đặc biệt chú trọng đến tính Bí tích và bản chất hiệp đoàn của chức Giám mục” [8]. Do đó, rõ ràng là mỗi Giám mục có trách nhiệm đồng thời và không thể tách rời là chăm sóc mục vụ cho Giáo hội địa phương được trao phó cho ngài và chăm lo cho Giáo hội phổ quát.[9]
Sự quan tâm này, diễn tả chiều kích vượt ra ngoài khuôn khổ giáo phận của nhiệm vụ giám mục, được thực thi một cách long trọng trong Công đồng đại kết và cũng được diễn tả trong hành động hiệp nhất của các Giám mục tản mác khắp nơi trên thế giới, một hành động như thế phải do Đức giáo hoàng Rôma yêu cầu hoặc được ngài tự do chấp thuận.[10] Phải nhớ rằng tùy theo nhu cầu Dân Chúa, Đức giáo hoàng có quyền tuyển chọn và đề xướng những cách thức để Giám mục đoàn thi hành thẩm quyền thích hợp của mình đối với Giáo hội phổ quát.[11]
Trong tiến trình các cuộc thảo luận của Công đồng, song song với giáo thuyết về tính hiệp đoàn của Giám mục, nhiều lần đã xuất hiện lời yêu cầu các Giám mục phải liên kết với sứ vụ phổ quát của Giáo hoàng Rôma qua một cơ quan trung ương thường trực, khác với các cơ quan khác của Giáo triều Rôma. Người ta hy vọng rằng cơ quan này, vượt ra ngoài khuôn khổ long trọng và ngoại thường của Công đồng đại kết, sẽ biểu lộ được sự quan tâm chăm sóc của Giám mục đoàn đối với các nhu cầu của Dân Chúa và đối với sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương.
3. Để đáp ứng những yêu cầu này, ngày 14 tháng 9 năm 1965, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã thông báo cho các Nghị phụ Công đồng nhóm họp trong buổi khai mạc của phiên họp thứ tư của Công đồng đại kết về quyết định, theo sáng kiến riêng của ngài và dùng quyền Giáo hoàng của ngài, thành lập một định chế được gọi là Thượng Hội đồng Giám mục. Định chế này “bao gồm các Giám mục, được chỉ định phần lớn bởi các Hội đồng Giám mục, với sự chấp thuận của chúng tôi, sẽ được triệu tập bởi Đức giáo hoàng Rôma, theo nhu cầu của Giáo hội, để tham khảo ý kiến và hợp tác, khi, vì lợi ích chung của Giáo hội, ngài cho là thích hợp.”
Trong Tự sắc “Apostolica sollicitudo” ban hành vào ngày hôm sau, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục “nhờ đó các Giám mục được lựa chọn từ mọi miền khác nhau trên thế giới nhằm mục đích trợ giúp vị Mục tử tối cao của Giáo hội một cách hữu hiệu.” Thượng Hội đồng sẽ được thiết lập thế nào để trở nên: (1) một cơ quan Giáo hội trung ương; (2) đại diện cho toàn thể các Giám mục Công giáo; (3) có tính cách thường xuyên; (4) về mặt cấu trúc, Thượng Hội đồng thực hiện chức năng của mình trong một thời gian và khi được triệu tập [12].
Thượng Hội đồng Giám mục, tên gọi gợi lên truyền thống hiệp hành rất phong phú và lâu đời của Giáo hội, được Giáo hội Đông phương trân trọng đề cao, đã thường xuyên thực thi vai trò cố vấn, cung cấp thông tin và góp ý cho Đức giáo hoàng Rôma về nhiều vấn đề khác nhau trong Giáo hội. Đồng thời, Thượng Hội đồng cũng có năng quyền thảo luận khi đưa ra quyết định nếu Đức giáo hoàng ban phép.[13]
4. Khi thiết lập Thượng Hội đồng như là một “Hội đồng đặc biệt và thường xuyên của các Mục tử thánh”, Đức giáo hoàng Phaolô VI biết rằng Thượng Hội đồng, “giống như mọi tổ chức của con người, theo thời gian có thể được hoàn thiện” [14]. Về sau, Thượng Hội đồng phát triển một mặt nhờ vào việc liên tục tiếp nhận giáo huấn phong phú của Công đồng về tính hiệp đoàn của giám mục và mặt khác nhờ vào kinh nghiệm của những phiên họp của Thượng Hội đồng được tổ chức tại Rôma từ năm 1967, là năm phát hành Ordo Synodi Episcoporum.
Cũng vậy, sau khi ban hành Bộ Giáo luật và luật của các Giáo hội Đông phương, đưa thể chế Thượng Hội đồng Giám mục vào luật phổ quát [15] ; Thượng Hội đồng Giám mục dần dần tiếp tục phát triển, cho đến khi phát hành ấn bản mới nhất của Ordo Synodi do Đức Bênêđictô XVI ban hành ngày 29 tháng 9 năm 2006. Đặc biệt, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, gồm có Tổng Thư ký và một Hội đồng Giám mục đặc biệt, đã được thành lập và đã dần dần củng cố các chức năng riêng của mình, để duy trì cấu trúc ổn định của Thượng Hội đồng trong các giai đoạn giữa các phiên họp khác nhau của Thượng Hội đồng.
Trong những năm này, chú ý đến tính hiệu quả hoạt động của Thượng Hội đồng trước các vấn đề đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và có tính hiệp nhất của các mục tử trong Giáo hội, người ta càng mong muốn Thượng Hội đồng ngày càng tỏ thái độ đặc biệt và thực thi hữu hiệu mối quan tâm của hàng Giám mục đối với toàn thể Giáo hội. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng “công cụ này có thể được cải thiện hơn nữa. Có lẽ trách nhiệm mục vụ mang tính hiệp đoàn có thể được diễn tả đầy đủ hơn trong Thượng Hội đồng”[16].
5. Bởi thế, “ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Phêrô của tôi, tôi đã đặc biệt lưu tâm đến Thượng Hội đồng Giám mục, tin rằng về sau nó sẽ phát triển hơn nữa, để có thể cổ võ việc đối thoại và hợp tác giữa các Giám mục với nhau và giữa các Giám mục với vị Giám mục Rôma.”[17] Nền tảng của việc canh tân này phải là một niềm tin tưởng vững chắc rằng tất cả các Giám mục được bổ nhiệm để phục vụ Dân Thánh của Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, chính các ngài cũng đã thuộc về đoàn Dân Thánh ấy.
Chắc chắn đúng như lời Công đồng Vatican II dạy: “Khi các giám mục giảng dạy, hiệp thông với Đức giáo hoàng Rôma, các ngài xứng đáng được mọi người tôn trọng, sự tôn trọng dành cho các chứng nhân về chân lý của Thiên Chúa và Công giáo; các tín hữu phải hiệp ý với phán đoán của Giám mục về đức tin và luân lý khi ngài tuyên bố nhân danh Chúa Kitô; họ phải tuân theo giáo huấn ấy với sự đồng thuận hết lòng.[18] Và cũng rất đúng khi nói rằng “đối với mỗi Giám mục, đời sống của Giáo hội và đời sống trong Giáo hội là điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ giảng dạy của ngài”.[19]
Do đó, Giám mục vừa là thầy vừa là môn đệ. Ngài là thầy, khi ngài được Chúa Thánh Thần trợ giúp đặc biệt, tuyên bố Lời chân lý cho các tín hữu, nhân danh Chúa Kitô là đầu và là mục tử. Nhưng Giám mục cũng là môn đệ, khi ngài ý thức rằng Chúa Thánh Thần đã được ban xuống trên mỗi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ngài lắng nghe tiếng nói của Chúa Kitô nói qua toàn Dân Chúa, làm cho tiếng nói ấy “không sai lầm trong chân lý đức tin”.[20] Thật vậy, vì “thân mình mầu nhiệm phổ quát được tạo thành do các tín hữu là những người đã được Đấng Thánh xức dầu” (x. 1Ga 2,20.27), nên không thể sai lầm trong đức tin. Đây là đặc tính thuộc về toàn dân Chúa. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa”.[21] Vì vậy, Giám mục được mời gọi dẫn đường cho đoàn chiên của mình bằng cách “đi trước họ để chỉ cho họ đường đi, dẫn lối cho họ; đi giữa họ để củng cố họ trong sự hiệp nhất; đi sau họ để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, nhưng đặc biệt, Giám mục không bao giờ đánh mất mùi của Dân Chúa để tìm ra những con đường mới. Một Giám mục sống giữa các tín hữu của mình, luôn mở rộng đôi tai để lắng nghe “điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2,7) và lắng nghe “tiếng nói của đàn chiên”, cũng qua những cơ cấu giáo phận có nghĩa vụ tư vấn cho Giám mục, bằng cách cổ võ một cuộc đối thoại trung thành và xây dựng”.[22]
6. Cũng thế, Thượng Hội đồng Giám mục cũng phải ngày càng trở thành một công cụ có ưu thế lắng nghe Dân Chúa: “Trước hết, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các Nghị phụ ơn biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, cho đến khi có thể cùng với Ngài lắng nghe tiếng kêu của dân Chúa; lắng nghe dân cho đến khi cảm nhận được khát vọng mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng đến”.[23]
Mặc dù, xét về cấu trúc, Thượng Hội đồng Giám mục chính yếu mang dáng vẻ của một cơ quan của các Giám mục, nhưng điều này không có nghĩa là Thượng Hội đồng Giám mục hiện diện tách rời khỏi các tín hữu khác. Trái lại, Thượng Hội đồng là một công cụ thích hợp để lên tiếng cho toàn thể Dân Chúa, đặc biệt qua các Giám mục được Thiên Chúa thiết lập như “những người bảo vệ đích thực, những người diễn giải và những chứng nhân đức tin của toàn thể Giáo hội [24], từ Phiên họp này đến Phiên họp khác, chứng minh rằng việc diễn tả hùng hồn tính hiệp hành là “yếu tố cấu thành của Giáo hội”.[25]
Do đó, như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố, “Mỗi Phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục cũng là một kinh nghiệm đầy sức mạnh của Giáo hội, mặc dù một số bước thực hành cần được hoàn thiện. Các Giám mục quy tụ tại Thượng Hội đồng, trước hết đại diện cho Giáo hội địa phương của các ngài, nhưng các ngài cũng chú tâm đến những đóng góp của các Hội đồng Giám mục đã tuyển chọn các ngài và quan điểm của các Hội đồng Giám mục ấy đối với các vấn đề đang được thảo luận và rồi các ngài sẽ truyền đạt lại. Như thế, các ngài diễn đạt ước muốn của toàn thể cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và cuối cùng, theo một ý nghĩa nào đó, của toàn thể dân Chúa mà các ngài là mục tử của họ”.[26]
7. Lịch sử Giáo hội đã minh chứng tầm quan trọng của việc tham khảo ý kiến để biết chắc chắn quan điểm của các Giám mục và các tín hữu về những vấn đề có liên quan đến ích chung của Giáo hội. Vì thế ngay cả khi chuẩn bị các Phiên họp của Thượng Hội đồng, điều quan trọng cần được quan tâm đặc biệt là việc tham vấn tất cả các Giáo hội địa phương. Ở giai đoạn đầu tiên này, theo các chỉ dẫn của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, các Giám mục gửi những vấn đề cần được xem xét tại Phiên họp Thượng Hội đồng cho các Linh mục, Phó tế và các tín hữu giáo dân trong Giáo hội địa phương, gửi cho cá nhân cũng như gửi chung cho các hiệp hội, đồng thời không bỏ qua sự đóng góp quý báu của các nam nữ tu sĩ là những người sống đời thánh hiến. Trên hết, sự đóng góp của những tổ chức tham gia của Giáo hội địa phương, đặc biệt là Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ, và từ đây “một Giáo hội hiệp hành có thể bắt đầu xuất hiện”.[27]
Trong thời gian diễn ra mỗi Phiên họp của Thượng Hội đồng, sau phần trình bày ý kiến tham khảo từ các tín hữu thì đến phần phân định của các Giám mục đã được chọn để thực hiện phận vụ này, các ngài hiệp nhất trong việc tìm kiếm sự đồng thuận không phải theo kiểu luận lý của thế gian nhưng là do việc cùng nhau vâng phục Thần Khí của Đức Kitô. Lưu tâm đến cảm thức đức tin của Dân Chúa - “điều mà các ngài cần cẩn thận phân biệt với những trào lưu thay đổi của dư luận”[28] - các thành viên của Phiên họp trình ý kiến của mình cho Đức giáo hoàng Rôma để giúp đỡ ngài trong sứ vụ là Mục Tử chung của toàn thể Giáo hội. Theo quan điểm này, “việc Thượng Hội đồng thường chỉ có vai trò tư vấn không làm giảm đi tầm quan trọng của mình. Trong Giáo hội, mục đích của bất cứ cơ quan nào có tính hiệp đoàn dù là tư vấn hay tham gia thảo luận đều luôn tìm kiếm chân lý hay mưu ích cho Giáo hội. Vì thế, khi có vấn đề liên quan đến đức tin thì việc tán thành của Giáo hội không được quyết định do việc kiểm phiếu bầu, nhưng là kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo hội Chúa Kitô”.[29] Do đó, việc bỏ phiếu của các Nghị phụ Thượng Hội đồng, “nếu đồng tâm nhất trí về mặt luân lý, sẽ có giá trị lớn trong Giáo hội, vượt qua khía cạnh tính hình thức của cuộc bỏ phiếu là để thăm dò”.[30]
Cuối cùng, giai đoạn thực hiện phải đi theo ngay sau Phiên họp Thượng Hội đồng, để bắt đầu việc tiếp nhận các quyết định của Thượng Hội đồng ở tất cả các Giáo hội địa phương, một khi các quyết định này đã được Đức giáo hoàng Rôma chuẩn nhận theo phương thức mà ngài đã cho là phù hợp nhất. Ở đây chúng ta phải nhớ rằng “các nền văn hóa thực tế rất khác nhau và mọi nguyên tắc chung đều cần dựa vào văn hóa, nếu muốn được tôn trọng và áp dụng”.[31] Và như thế, người ta có thể thấy rằng tiến trình Thượng Hội đồng không chỉ là điểm khởi đầu nhưng còn là điểm đến của Dân Chúa, được Chúa Thánh Thần ban xuống dồi dào những món quà ân sủng qua việc các Giám mục tập họp lại trong Phiên họp Thượng Hội đồng.
8. Thượng Hội đồng Giám mục, “một cách nào đó là hình ảnh” của Công đồng đại kết và phản ánh “tinh thần và phương pháp”[32] của Công đồng, bao gồm các Giám mục. Tuy nhiên, như đã xảy ra ở Công đồng [33], một số người khác, không phải là Giám mục, có thể được mời gọi tham gia Phiên họp Thượng Hội đồng, và vai trò của họ được Đức giáo hoàng Rôma ấn định trong từng trường hợp. Trong cách thức này, cần đặc biệt chú tâm đến những đóng góp của các thành viên từ các Cộng đoàn sống đời thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ.
Ngoài các Thành viên, một số khách mời không có quyền bỏ phiếu có thể tham gia Phiên họp Thượng Hội đồng. Những khách mời này bao gồm các Chuyên viên (Periti), giúp soạn thảo tài liệu; những người dự thính (Auditores) có khả năng chuyên môn đối với các vấn đề đang được thảo luận; Các Đại biểu anh em (Delegati Fraterni) từ các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Ngoài ra còn có những vị khách đặc biệt (Invitati Speciales) được mời tham dự vì họ có chuyên môn được công nhận.
Thượng Hội đồng Giám mục gặp gỡ dưới nhiều hình thức họp mặt khác nhau [34]. Tùy theo hoàn cảnh, một Phiên họp Thượng Hội đồng có thể kéo dài trong vài cuộc họp. Mỗi Phiên họp, bất kể theo mô hình nào, là một cơ hội quan trọng để cùng lắng nghe điều mà Chúa Thánh Thần “đang nói với các Hội Thánh” (Kh 2,7). Trong những buổi thảo luận của Thượng Hội đồng, điều quan trọng đặc biệt là phải gắn liền với các cử hành phụng vụ và các hình thức cầu nguyện chung khác, để kêu xin Chúa ban cho các Nghị phụ của Thượng Hội đồng ơn phân định và hòa hợp. Thật là chính đáng và hợp lý, theo truyền thống công nghị từ xa xưa, cần long trọng suy tôn Lời Chúa vào đầu mỗi ngày, để làm biểu tượng nhắc nhở tất cả các tham dự viên phải vâng theo Lời Chúa, là “Lời chân lý” (Cl 1,5).
9. Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục - bao gồm Tổng Thư ký chủ trì văn phòng, Phụ tá Tổng Thư ký là người hỗ trợ Tổng Thư ký trong tất cả các hoạt động của ngài, và một số Hội đồng Giám mục đặc biệt - chủ yếu lo việc thực hiện Phiên họp Thượng Hội đồng trước và chuẩn bị cho Phiên họp sau. Trong giai đoạn trước Phiên họp diễn ra, Văn phòng Tổng Thư ký chọn ra các chủ đề sẽ được thảo luận trong Phiên họp Thượng Hội đồng từ các chủ đề được hàng Giám mục đề nghị. Văn phòng Tổng Thư ký quan tâm để có những quyết định chính xác liên quan đến nhu cầu của Dân Chúa, và đề xướng tiến trình tham vấn cũng như soạn thảo các tài liệu chuẩn bị dựa trên các kết quả của tiến trình tham vấn ấy. Mặt khác, trong giai đoạn sau Phiên họp Thượng Hội đồng, cùng với thánh bộ có thẩm quyền của Giáo triều Rôma, Văn phòng Tổng Thư ký chăm lo việc thực hiện các quyết định của Thượng Hội đồng đã được Đức giáo hoàng Rôma phê chuẩn.
Trong số các Hội đồng làm thành Văn phòng Tổng Thư ký và tạo cấu trúc đặc biệt cho Văn phòng này, cần chú ý đặc biệt đến Hội đồng Thường vụ, bao gồm phần lớn các Giám mục giáo phận được chọn bởi các Nghị phụ trong các Đại hội Thường kỳ. Kể từ khi được thành lập vào năm 1971, nhằm chuẩn bị và thực hiện Đại hội Thường kỳ, Đại hội đã cho thấy rất nhiều ích lợi, đáp ứng được những mong ước của các Nghị phụ Công đồng là những người đã yêu cầu chọn một số vị trong các Giám mục đang có trách nhiệm mục vụ ở nhiều miền khác nhau trên thế giới để các ngài trở thành những cộng sự viên lâu dài với Đức giáo hoàng Rôma trong sứ vụ mục tử phổ quát của Ngài. Ngoài Hội đồng Thường vụ, các Hội đồng khác trong Văn phòng Tổng Thư ký có thể được thành lập để chuẩn bị và thực hiện các Phiên họp Thượng Hội đồng khác với Đại hội Thường kỳ.
Đồng thời, Văn phòng Tổng Thư ký luôn sẵn sàng thực hiện chỉ thị của Đức giáo hoàng Rôma về bất cứ điều gì ngài yêu cầu, để ngài có thể được các Giám mục tư vấn trong việc tiếp xúc hằng ngày với Dân Chúa, ngay cả bên ngoài khuôn khổ các cuộc họp Thượng Hội đồng.
10. Một thành quả khác của Thượng Hội đồng Giám mục là ngày càng làm nổi bật sự hiệp thông sâu xa trong Giáo hội Chúa Kitô, giữa các mục tử và tín hữu giáo dân (mỗi vị mục tử có chức thánh cũng là người đã lãnh Bí tích Rửa tội giữa những người khác cũng đã lãnh Bí tích Rửa tội, được Thiên Chúa đặt lên để chăm sóc đoàn chiên của Ngài), và cũng là sự hiệp thông giữa các Giám mục và vị Giáo hoàng Rôma. Đức giáo hoàng là “vị Giám mục giữa các Giám mục, ngài được kêu gọi để lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma và là thủ lãnh tối cao của tất cả các Giáo hội trong tình bác ái.[35] Điều này không cho phép mỗi bên hiện diện mà không lệ thuộc vào nhau.
Cách riêng, Giám mục đoàn không thể tồn tại nếu không có vị Lãnh đạo.[36] Cũng thế, vị Giám mục Rôma, “có năng quyền phổ quát, tối cao và trọn vẹn trên Giáo hội, và luôn có thể thực hiện năng quyền này không bị ngăn trở”[37], “luôn luôn gắn bó trong sự hiệp thông trọn vẹn với các Giám mục khác, và trong thực tế là với toàn thể Giáo hội”.[38] Về vấn đề này, “chắc chắn vị Giám mục Rôma cần sự hiện diện của các Giám mục anh em của ngài, cần sự hướng dẫn, sự khôn ngoan, và kinh nghiệm của các ngài. Quả thật, Đấng kế vị Thánh Phêrô phải công bố cho mọi người biết ‘Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống' là ai, và đồng thời ngài phải lưu tâm đến điều mà Chúa Thánh Thần linh hứng trên môi miệng của những vị khi đón nhận lời Chúa Giêsu tuyên bố: ‘Con là Đá' (x. Mt 16,16-18), tham gia trọn vẹn vào Hiệp đoàn các Tông đồ”.[39]
Hơn nữa, tôi tin rằng bằng cách thúc đẩy “sự hoán cải của sứ vụ Giáo hoàng... có thể giúp việc thực thi thừa tác vụ giáo hoàng của tôi trung thành hơn với ý nghĩa mà Đức Giêsu Kitô muốn gán cho sứ vụ này và cho các nhu cầu hiện nay của việc loan báo Tin Mừng”[40], hoạt động của Thượng Hội đồng Giám mục có thể góp phần riêng của mình vào việc khôi phục sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu theo ý muốn của Chúa (xem Ga 17,21). Khi làm như vậy, Thượng Hội đồng sẽ giúp Giáo hội Công giáo, theo mong muốn mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tỏ bày nhiều năm trước đây, “tìm ra một phương cách thực thi Quyền tối thượng luôn mở ra cho một tình huống mới, trong khi không làm mất đi điều chính yếu trong sứ mạng của mình.”[41]
Theo Điều 342 của Bộ Giáo luật và khi xem xét những điều trình bày trên đây, nay tôi ra Sắc lệnh thiết lập các điều luật sau:
I. Các Phiên họp Thượng Hội đồng
Điều 1
Vị trí Chủ tọa và Cơ cấu của Thượng Hội đồng
§ 1. Thượng Hội đồng Giám mục trực thuộc Đức giáo hoàng Rôma. Ngài là Chủ tọa của Thượng Hội đồng.
§ 2. Thượng Hội đồng Giám mục họp:
1° trong Đại hội Thường kỳ, khi các vấn đề cần thảo luận liên quan đến lợi ích của Giáo hội phổ quát;
2° trong kỳ Đại hội Ngoại thường, khi các vấn đề cần thảo luận liên quan đến lợi ích của Giáo hội phổ quát và đòi hỏi phải xem xét khẩn cấp;
3° trong Đại hội Đặc biệt, khi các vấn đề cần thảo luận liên quan chủ yếu đến một hoặc nhiều khu vực địa lý riêng biệt nào đó.
§ 3. Nếu Đức giáo hoàng Rôma thấy thích hợp, đặc biệt vì những lý do có tính chất đại kết, ngài có thể triệu tập một Thượng Hội đồng, theo những cách thức khác do ngài ấn định.
Điều 2
Các Thành viên và những người tham gia khác trong các Phiên họp Thượng Hội đồng:
§ 1. Các Thành viên của Thượng Hội đồng là những vị đã được quy định trong điều 346 của Bộ Giáo luật.
§ 2. Theo chủ đề và tùy hoàn cảnh, một số vị khác, không có chức Giám mục, có thể được mời tham dự Thượng Hội đồng.
Vai trò của họ được Đức giáo hoàng Rôma chỉ định trong từng trường hợp.
§ 3. Việc chỉ định các thành viên và những tham dự viên khác trong mỗi Phiên họp Thượng Hội đồng được thực hiện theo quy định của điều luật đặc biệt.
Điều 3
Các giai đoạn của Thượng Hội đồng
§ 1. Theo chủ đề và tùy hoàn cảnh, Phiên họp Thượng Hội đồng có thể được tổ chức trong nhiều giai đoạn riêng biệt, ở những thời điểm khác nhau theo quyết định của Đức giáo hoàng Rôma.
§ 2. Trong khoảng thời gian giữa các giai đoạn, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, cùng với vị phụ trách tường trình và Thư ký đặc biệt của Phiên họp, có vai trò thúc đẩy việc suy tư sâu xa hơn về chủ đề hoặc về một số khía cạnh có tầm quan trọng đặc biệt phát sinh từ hoạt động của Phiên họp.
§ 3. Các Thành viên và những tham dự viên khác sẽ giữ nhiệm vụ cho đến khi Phiên họp Thượng Hội đồng kết thúc.
Điều 4
Các giai đoạn của Phiên họp Thượng Hội đồng
Mỗi Phiên họp Thượng Hội đồng diễn ra trong một số các giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thảo luận và giai đoạn thực hiện.
II. Giai đoạn chuẩn bị của Phiên họp Thượng Hội đồng
Điều 5
Khởi đầu và mục đích của giai đoạn chuẩn bị
§ 1. Giai đoạn chuẩn bị bắt đầu khi Đức giáo hoàng Rôma chính thức khai mạc Thượng Hội đồng, và ấn định một hay nhiều chủ đề cho Thượng Hội đồng.
§ 2. Được điều phối bởi Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, giai đoạn chuẩn bị nhằm mục đích tham khảo ý kiến của Dân Chúa về chủ đề của Phiên họp Thượng Hội đồng.
Điều 6
Tham khảo ý kiến Dân Chúa
§ 1. Việc tham khảo ý kiến Dân Chúa diễn ra trong các Giáo hội địa phương, qua các Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng Giáo phận lớn, các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và qua các Hội đồng Giám mục.
Trong mỗi Giáo hội địa phương, các Giám mục thực hiện tham khảo ý kiến Dân Chúa dựa trên các cơ quan tham gia do luật quy định, mà không loại trừ các phương thức khác mà các Giám mục cho là phù hợp.
§ 2. Các Hiệp hội, các Liên đoàn cũng như các Cộng đoàn tu nam nữ sống đời thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ tham khảo ý kiến của các Bề trên thượng cấp, và đến lượt các ngài, các ngài có thể kêu gọi Hội đồng riêng của các ngài cũng như các Thành viên khác của các Dòng Tu hay Tu đoàn đề cập ở trên.
§ 3. Cùng cách thức như thế, các Hội đoàn tín hữu được Tòa Thánh công nhận cũng tham khảo ý kiến các Thành viên của họ.
§ 4. Các Bộ của Giáo triều Rôma đóng góp phần của mình, nhưng cần lưu tâm đến khả năng đặc thù của mỗi Bộ tương ứng với vấn đề.
§ 5. Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng cũng có thể chỉ định các hình thức tham vấn khác với Dân Chúa.
Điều 7
Truyền đạt các đóng góp chuẩn bị cho Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng
§ 1. Mỗi Giáo hội địa phương gửi các đóng góp riêng của mình đến Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng giáo phận lớn, hay đến các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và qua các Hội đồng Giám mục trong lãnh thổ của mình.
Các cơ quan nêu trên, lần lượt chuyển một bản tóm tắt các văn bản nhận được cho Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.
Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền (dòng nam) và Liên minh Quốc tế các Tổng quyền (dòng nữ) tiến hành theo cách thức như thế với những đóng góp đã được soạn thảo do các Cộng đoàn đời sống thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ.
Các Bộ của Giáo triều Rôma trực tiếp gửi các đóng góp của họ cho Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.
§ 2. Các tín hữu có đầy đủ quyền, với tính cách cá nhân hay tập thể, trực tiếp gửi các đóng góp của họ, cho Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.
Điều 8
Triệu tập một Phiên họp tiền Thượng Hội đồng
§ 1. Theo chủ đề và hoàn cảnh, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng có thể đề nghị triệu tập một Phiên họp tiền Thượng Hội đồng với sự tham gia của số thành viên là tín hữu được Văn phòng tuyển chọn, để nhờ hoàn cảnh sống đa dạng của họ, họ cũng có thể đóng góp phần mình cho Thượng Hội đồng.
Cũng có thể mời một số những người khác.
§ 2. Cuộc họp này cũng có thể được tổ chức ở cấp miền, bao gồm Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng giáo phận lớn, các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và qua các Hội đồng Giám mục trong lãnh thổ có liên quan, cũng như các Phiên họp quốc tế tương ứng của các Hội đồng Giám mục, phải kể đến những đặc tính Giáo hội, lịch sử và văn hóa riêng biệt của những vùng địa lý khác nhau.
Điều 9
Sự tham gia của các Học viện bậc đại học
Các Học viện bậc đại học, đặc biệt là những Học viện có năng lực đặc biệt liên quan đến chủ đề của Thượng Hội đồng hay liên quan đến những vấn đề chuyên môn phát sinh từ đó, có thể cung cấp các nghiên cứu, theo sáng kiến riêng của họ hay theo yêu cầu của Thượng Hội đồng Giám mục, của các Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng giáo phận lớn, hay đến các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và qua các Hội đồng Giám mục, hay theo yêu cầu của Văn phòng Tổng thư ký của Thượng Hội đồng.
Những nghiên cứu này lúc nào cũng có thể gửi đến Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng.
Điều 10
Việc thành lập Ủy ban trù bị
§ 1. Để tìm hiểu sâu xa hơn về chủ đề và để soạn thảo bất cứ tài liệu nào cần phát hành trước khi Thượng Hội đồng diễn ra, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục có thể sử dụng Ủy ban Trù bị, gồm có các chuyên gia.
§ 2. Ủy ban này được bổ nhiệm do người chủ trì là Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.
III. Giai đoạn thảo luận về Phiên họp Thượng Hội đồng
Điều 11
Phó Chủ tịch, vị Phụ trách tường trình và Thư ký đặc biệt
Trước khi Phiên họp Thượng Hội đồng bắt đầu, Đức giáo hoàng Rôma bổ nhiệm:
1o một hay nhiều Đại diện Chủ tịch, người chủ trì Thượng Hội đồng nhân danh ngài và dưới thẩm quyền của ngài
2° Một vị Phụ trách tường trình, điều phối cuộc thảo luận theo chủ đề của Thượng Hội đồng và chuẩn bị cẩn thận bất kỳ tài liệu nào được đệ trình lên Thượng Hội đồng;
3° một hoặc nhiều Thư ký đặc biệt, những người hỗ trợ vị Phụ trách tường trình trong tất cả các hoạt động của vị này.
Điều 12
Các chuyên gia, những người dự thính, đại biểu anh em và các khách mời đặc biệt
§ 1. Những người sau đây có thể được mời đến Đại hội Thượng Hội đồng nhưng không có quyền bỏ phiếu:
1° Các chuyên gia, những người hợp tác với vị Thư ký đặc biệt vì có thẩm quyền về chủ đề của Thượng Hội đồng, có thể mời thêm một số vị cố vấn của Văn phòng Tổng Thư ký;
2° Những người dự thính là những người đóng góp cho Phiên họp Thượng Hội đồng nhờ kinh nghiệm và kiến thức của họ.
3° Các đại biểu anh em, những người đại diện cho các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo hội Công giáo.
§ 2. Trong những trường hợp cụ thể, có thể chỉ định một số khách mời đặc biệt, được thừa nhận là có thẩm quyền chuyên biệt đối với chủ đề của Đại hội Thượng Hội đồng, nhưng những vị này không có quyền bỏ phiếu.
Điều 13
Khai mạc và kết thúc Thượng Hội đồng
Thượng Hội đồng bắt đầu và kết thúc bằng một Thánh lễ do Đức giáo hoàng Rôma cử hành, và các tham dự viên khác thông phần tùy theo hoàn cảnh của họ.
Điều 14
Các Phiên họp Khoáng đại và các Phiên họp theo Nhóm nhỏ
Thượng Hội đồng nhóm họp các phiên họp toàn thể, gọi là các Phiên họp Khoáng đại, trong đó có sự tham dự của các thành viên, các chuyên gia, những người dự thính, các đại biểu anh em và các khách mời đặc biệt, hoặc họp trong các Phiên họp của các Nhóm nhỏ, trong đó những người tham dự được phân nhóm theo quy chuẩn của một điều luật cụ thể.
Điều 15
Thảo luận về chủ đề của Thượng Hội đồng
§ 1. Trong các Phiên họp Khoáng đại, các thành viên có quyền can thiệp theo một điều luật cụ thể..
§ 2. Theo định kỳ, các thành viên tự do trao đổi quan điểm về các vấn đề đang thảo luận.
§ 3. Những người dự thính, các đại biểu anh em và các khách mời đặc biệt cũng có thể được mời phát biểu về chủ đề của Thượng Hội đồng.
Điều 16
Thành lập Ủy ban Nghiên cứu
Theo chủ đề và hoàn cảnh và phù hợp với điều luật cụ thể tương ứng, một số Ủy ban Nghiên cứu có thể được thành lập, bao gồm các thành viên và những người tham gia khác trong Thượng Hội đồng.
Điều 17
Việc soạn thảo và phê chuẩn Văn kiện Kết thúc
§ 1. Các quyết định của Thượng Hội đồng được ghi lại trong một Văn kiện Kết thúc.
§ 2. Để soạn thảo Văn kiện Kết thúc, một Ủy ban đặc biệt được thành lập, gồm có vị phụ trách Tường trình là người chủ trì Ủy ban, Tổng thư ký, Thư ký đặc biệt và một số Thành viên do Thượng Hội đồng bầu chọn theo các vùng miền khác nhau, cùng một số thành viên khác do Đức giáo hoàng Rôma chỉ định.
§ 3. Văn kiện Kết thúc được đệ trình để các thành viên chuẩn nhận phù hợp một điều luật đặc biệt với mục đích tìm kiếm sự đồng thuận hết sức có thể.
Điều 18
Việc đệ trình Văn kiện Kết thúc lên Đức giáo hoàng Rôma
§ 1. Khi đã đạt được sự chấp thuận của các thành viên, Văn kiện Kết thúc của Đại hội được trình lên Đức giáo hoàng Rôma để ngài quyết định công bố.
Nếu được Đức giáo hoàng Rôma chấp thuận rõ ràng, Văn kiện Kết thúc sẽ là một phần của Huấn quyền thông thường của Đấng kế vị Thánh Phêrô.
§ 2. Nếu Đức giáo hoàng Rôma đã cho Thượng Hội đồng quyền thảo luận, chiếu theo điều 343 của Bộ Giáo luật, Văn kiện Kết thúc sẽ là một phần của Huấn quyền thông thường của Đấng kế vị Thánh Phêrô sau khi đã phê chuẩn và ban hành.
Trong trường hợp này, Văn kiện Kết thúc được công bố với chữ ký của Đức giáo hoàng Rôma và của các thành viên.
IV. Giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng
Điều 19
Đón nhận và thực hiện các quyết định của Thượng Hội đồng
§ 1. Các Giám mục giáo phận và các Giám mục thuộc lễ điển Byzantine chăm lo việc đón nhận và thực hiện các quyết định của Thượng Hội đồng khi đã được Đức giáo hoàng Rôma chấp nhận, với sự giúp đỡ của các cơ quan tham gia theo luật định.
§ 2. Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng giáo phận lớn, các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và các Hội đồng Giám mục phối hợp thực hiện các quyết định nêu trên đây trong lãnh thổ của mình, và để làm được như thế, họ có thể đưa ra các sáng kiến chung.
Điều 20
Nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng
§ 1. Cùng với Bộ Giáo triều Rôma có thẩm quyền, cũng như với các Bộ khác quan tâm nhiều cách thức khác nhau tùy theo chủ đề và hoàn cảnh, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trong phận vụ của mình cổ võ việc thực hiện những khuyến dạy của Thượng Hội đồng đã được Đức giáo hoàng Rôma phê chuẩn.
§ 2. Văn phòng Tổng Thư ký có thể ủy thác thực hiện các nghiên cứu hay những sáng kiến khác vì mục đích này.
§ 3. Trong một số trường hợp đặc biệt, Văn phòng Tổng Thư ký do sự ủy nhiệm của Đức giáo hoàng Rôma, có thể ban hành các văn kiện liên quan đến việc thực hiện, sau khi đã lắng nghe quan điểm của Bộ có thẩm quyền.
Điều 21
Thành lập Ủy ban Thực hiện
§ 1. Theo chủ đề và hoàn cảnh, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng có thể thành lập một Ủy ban Thực hiện, bao gồm các chuyên viên.
§ 2. Sau khi lắng nghe Bộ trưởng của Bộ có thẩm quyền thuộc Giáo triều Rôma, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng bổ nhiệm các Thành viên, và chủ trì Ủy ban này.
§ 3. Ủy ban hỗ trợ Văn phòng Tổng thư ký hoàn thành nhiệm vụ được nêu ra trong Điều 20 triệt 1 sau khi đã nghiên cứu thấu đáo.
V. Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục
Điều 22
Việc thành lập Văn phòng Tổng Thư ký
§ 1. Văn phòng Tổng Thư ký là một cơ quan thường trực, phục vụ Thượng Hội đồng Giám mục, trực tiếp dưới quyền của Đức giáo hoàng Rôma.
§ 2. Văn phòng này gồm có Tổng Thư ký, Phụ tá Thư ký là người hỗ trợ Tổng Thư ký trong tất cả các chức vụ của ngài, Hội đồng Thường vụ, và cũng có thể gồm có những Hội đồng khác, nếu được thành lập, theo Điều 25.
§ 3. Tổng Thư ký và Phụ tá Thư ký được Đức giáo hoàng Rôma bổ nhiệm và là thành viên của Thượng Hội đồng.
§ 4. Văn phòng Tổng Thư ký tuyển dụng một số thích hợp các ủy viên và các vị cố vấn để thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Điều 23
Nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục
§ 1. Văn phòng Tổng Thư ký có thẩm quyền trong việc chuẩn bị và thực hiện các Phiên họp Thượng Hội đồng, và cũng có thẩm quyền trong các vấn đề khác mà Đức giáo hoàng Rôma đưa ra vì lợi ích của Giáo hội phổ quát.
§ 2. Để thực hiện mục đích ấy, Văn phòng Tổng Thư ký hợp tác với các Thượng Hội đồng Giám mục của các Giáo hội Thượng phụ và các Tổng giáo phận lớn, các Công đồng của Giáo hội Đông phương và các Thượng Hội đồng Giám mục của những Giáo hội tự trị trong hiệp thông và các Hội đồng Giám mục cũng như với các Bộ của Giáo triều Rôma.
Điều 24
Hội đồng Thường vụ của Văn phòng Tổng Thư ký
§ 1. Hội đồng Thường vụ của Văn phòng Tổng thư ký có thẩm quyền chuẩn bị và thực hiện Phiên họp Đại Hội đồng Thường kỳ.
§ 2. Hội đồng này bao gồm phần lớn là các Giám mục giáo phận được Đại Hội đồng Thường kỳ bầu lên; các ngài đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau theo quy chuẩn của điều luật đặc biệt, và trong các ngài có một vị đứng đầu hoặc các Giám mục thuộc lễ điển Byzantine của các Giáo hội Công giáo Đông phương;
Hội đồng này cũng gồm có vị đứng đầu Bộ Giáo triều Rôma có thẩm quyền trên chủ đề của Thượng Hội đồng được ấn định bởi Đức Đức giáo hoàng Rôma cũng như một số Giám mục do Đức giáo hoàng Rôma chỉ định.
§ 3. Các thành viên của Hội đồng Thường kỳ nhận nhiệm vụ của họ vào cuối Thượng Hội đồng Thường kỳ đã bầu họ; họ là thành viên của Thượng Hội đồng Thường kỳ kế tiếp và chấm dứt nhiệm vụ của họ khi kết thúc Thượng Hội đồng này.
Điều 25
Các Hội đồng khác của Văn phòng Tổng Thư ký
§ 1. Các Hội đồng của Văn phòng Tổng Thư ký để chuẩn bị Thượng Hội đồng Ngoại thường và Thượng Hội đồng Đặc biệt gồm có các thành viên được Đức giáo hoàng Rôma bổ nhiệm.
§ 2. Các thành viên của các Hội đồng này tham gia vào Thượng Hội đồng theo một điều luật đặc biệt và chấm dứt nhiệm vụ của họ khi kết thúc Thượng Hội đồng lần sau.
§ 3. Các Hội đồng của Văn phòng Tổng Thư ký để thực hiện Thượng Hội đồng Ngoại thường và Thượng Hội đồng Đặc biệt bao gồm đa số là các thành viên được Thượng Hội đồng bầu lên theo một điều luật đặc biệt, nhưng ngoài ra thêm vào đó cũng có các thành viên khác do Đức giáo hoàng Rôma bổ nhiệm.
§ 4. Các Hội đồng này vẫn giữ chức vụ năm năm sau khi Thượng Hội đồng giải tán, trừ khi Đức giáo hoàng Rôma quyết định cách khác.
Những điều khoản cuối cùng
Điều 26
Theo tinh thần và quy chuẩn của Tông hiến này, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục sẽ phát hành một Bản Chỉ dẫn về việc tổ chức các Thượng Hội đồng Giám mục và về hoạt động của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cùng những quy luật cho mỗi Thượng Hội đồng.
Điều 27
Theo tinh thần Điều 20 của Bộ Giáo luật và theo Điều 1502 triệt 2 Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương, với việc ban hành và công bố Tông hiến này, tất cả các điều trái ngược đều bị bãi bỏ, đặc biệt là những điều sau đây:
1. Những khoản luật của Bộ Giáo luật và Bộ luật của các Giáo hội Đông phương, toàn bộ hoặc một phần, trực tiếp trái ngược với bất cứ điều khoản nào trong Tông hiến này;
2. Các điều khoản của Tự sắc Apostolica sollicitudo của Đức giáo hoàng Phaolô VI ngày 15 tháng 9 năm 1965;
3. Ordo Synodi Episcoporum về Thượng Hội đồng Giám mục ngày 29 tháng 9 năm 2006, bao gồm Adnexum de modo procedendi in Circulis minoribus.
Tôi ấn định rằng những gì được nêu lên trong Tông hiến này hoàn toàn có hiệu lực kể từ ngày đăng trên báo Quan sát viên Rôma (L'Osservatore Romano) bất chấp điều gì ngược lại, thậm chí xứng đáng đề cập đặc biệt, và sẽ được xuất bản trong Bình luận Chính thức của Acta Apostolicae Sedis.
Tôi mời gọi mọi người sẵn sàng và hết lòng đón nhận các điều khoản của Tông hiến này, nhờ sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ vương của các Tông đồ và Mẹ của Giáo hội.
Ban hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma vào ngày 15 tháng 9 năm 2018, năm thứ sáu của Triều đại Giáo hoàng của Tôi.
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
WHĐ (07.8.2022)
[1] X. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus (28/10/1965), số 5.
[2] Ibid.; x. Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores gregis (16/10/2003), số 58.
[3] Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), số 1.
[4] Ibid., số 25.
[5] Ibid., số 27.
[6] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes (7/10/1965), số 29; x. Id., Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21/11/1964), số 23.
[7] Ibid., số 18.
[8] X. Ibid., các số 21-22; Sắc lệnh Christus Dominus, số 4.
[9] X. Lumen gentium, số 23; Christus Dominus, số 3.
[10] X. Lumen gentium, số 22; Christus Dominus, số 4; Bộ Giáo luật (25/1/1983), can.337, §§ 1-2 ; Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương (18/1/1990), can. 50, §§ 1-2.
[11] X. Bộ Giáo luật can.337, § 3; Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương, can.50, § 3.
[12] Số I.
[13] X. ibid., II.
[14] Ibid., Proemio.
[15] X. Bộ Giáo luật can. 342-348; Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương, can.46.
[16] Bài giảng Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ VI, (29/10/1983)
[17] Diễn văn với các thành viên Hội đồng Thường vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 (13/6/2013).
[18] Lumen gentium, số 25.
[19] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores gregis, số 28
[20] Tông huấn Evangelii gaudium, số 119.
[21] Lumen gentium, số 12.
[22] Diễn văn với các tham dự viên Hội nghị dành cho các Tân giám mục do Bộ Giám mục và Bộ các Giáo hội Đông phương tổ chức (19/9/2013) X. Evangelii gaudium, số 31.
[23] Huấn từ trong Đêm Canh thức cầu nguyện chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình (4/10/2014).
[24] Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục (17/10/2015).
[25] Ibid.
[26] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores gregis, số 58.
[27] Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục. X. Evangelii gaudium, số 31.
[28] Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[29] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores gregis, số 58.
[30] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn với Hội đồng Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục (30/4/1983).
[31] Diễn văn bế mạc Đại hội Thường kỳ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 14 (24/11/2015).
[32] Chân phước Phaolô VI, Diễn văn khai mạc các Phiên họp của Đại hội Thường kỳ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ nhất (30/11/1967).
[33] X. Bộ Giáo luật, can. 339, § 2; Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương, can. 52, § 2
[34] X. Bộ Giáo luật, can.346.
[35] Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục.
[36] X. Lumen gentium, số 22.
[37] Ibid.
[38] Bộ Giáo luật, can. 333, § 2 ; x. Giáo luật của các Giáo Hội Đông phương, can. 45, § 2; Pastores gregis, số 58
[39] Thư gửi Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nhân dịp phong chức giám mục cho vị Phụ tá Tổng Thư ký (1/4/2014).
[40] Evangelii gaudium, số 32.
[41] Thông điệp Ut unum sint (25/5/1995), số 95.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét