ĐTC Phanxicô: Chức thánh không phải là để có một cuộc sống tiện nghi
Đức Phanxicô gặp các linh mục và chủng sinh ở Hội trường Phaolô VI ngày thứ hai 24 tháng 10-2022. (Vatican Media)
Trong cuộc gặp ngày thứ hai 24 tháng 10 với các linh mục và chủng sinh ở Rôma, Đức Phanxicô đã thảo luận về nhiều chủ đề: phong cách nhân ái của linh mục, gần gũi với mọi người, hướng dẫn thiêng liêng, dùng công nghệ mới để phân định, đối thoại giữa khoa học và đức tin, vai trò của Giáo hội trong các cuộc chiến.
Tại Hội trường Phaolô VI, các chủng sinh và linh mục hiện diện đã đặt câu hỏi với Đức Phanxicô. Trả lời câu hỏi về tính cách cụ thể của lòng thương xót, ngài khuyên nên học ngôn ngữ cử chỉ để thể hiện sự gần gũi và dịu dàng. Và điều này cũng áp dụng trong các bài giảng: diễn tả phải trọn vẹn. Ngài nhấn mạnh: “Nếu các bạn không nhân văn trong cử chỉ, tâm trí các bạn sẽ cứng lại, bài giảng của các bạn sẽ nói những điều trừu tượng không ai hiểu và họ bỏ ra ngoài hút thuốc,”
Các ngôn ngữ khác nhau
Ba ngôn ngữ nói lên sự trưởng thành của một người: ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của trái tim và của đôi tay. Ngài xin mọi người diễn tả qua ba ngôn ngữ này: “Tôi nghĩ những gì tôi cảm thấy và làm, tôi cảm nhận những gì tôi nghĩ và làm, tôi làm những gì tôi cảm nhận và suy nghĩ”. Ngài xin mọi người bắt chước phong cách của Chúa, đó là gần gũi. Ngài nói: “Chúa gần gũi chúng ta khi Ngài nhập thể trong Chúa Kitô. Ngài gần gũi với chúng ta. Một linh mục tốt là láng giềng của nhân ái và dịu dàng.”
Giữ mối quan hệ với dân Chúa
Sứ vụ đặc trưng của chức thánh là sống đời sống mục vụ nhưng không đánh mất mùi chiên, dù người đó đang đi học hay làm việc ở Giáo triều, quan trọng là phải duy trì liên lạc với tín hữu, họ là dân Chúa, họ được xức dầu: họ là chiên. Khi đánh mất mùi chiên, khi xa đàn chiên, chúng ta có cơ nguy “thành nhà lý thuyết giỏi, thần học gia giỏi, triết gia giỏi, nhà quản lý giỏi làm mọi việc nhưng chúng ta không có khả năng ngửi thấy mùi chiên”.
Ngài nhận xét: “Thực tế, tâm hồn của các bạn đã mất khả năng để mùi chiên đánh thức mình. Xin các bạn duy trì đời sống mục vụ trong giáo xứ, trong những ngôi nhà dành cho trẻ em hoặc nhà hưu trí để không mất liên lạc với dân Chúa.”
Và một lần nữa, ngài nhắc lại nguyên tắc bốn gần gũi của linh mục: gần gũi với Chúa qua cầu nguyện, gần gũi với giám mục, gần gũi với các linh mục khác và gần gũi với dân Chúa. Ngài nói: “Nếu không có sự gần gũi với dân Chúa, bạn không phải là một linh mục tốt.”
Chức linh mục và sự nghiệp
Sau đó, ngài đề cập đến các linh mục sống chức thánh như một công việc, với giờ giấc cố định, những linh mục công chức chỉ tìm yên tĩnh, không muốn ai quấy rầy và có một cuộc sống tiện nghi. Ngài giải thích: “Chức thánh là sự phục vụ thiêng liêng cho Chúa, phục vụ Thánh Thể cao nhất là phục vụ cộng đồng.”
Kế đó, ngài đề cập đến chủ đề “các linh mục leo núi”, những người nhắm đến sự nghiệp, ngài xin họ dừng lại: “Người leo cao cuối cùng là kẻ phản bội, họ không phải là người phục vụ. Họ tìm kiếm lợi ích cho mình và không làm gì cho người khác.” Ngài kể lại giai thoại về bà nội của ngài, một người Ý di cư ở Argentina – giống như rất nhiều người Ý khác đã định cư ở Mỹ, họ xây dựng gia đình và xây nhà vào thời đó. Bà nói những lời đơn giản như trong lớp giáo lý bình thường. Bà dạy chúng tôi: “Trong cuộc sống, đầu tiên phải đặt gạch, nặn đất, làm nhà, phải tiến bộ, có nghĩa là phải có một gia đình, một địa vị và bà đã dạy chúng tôi những điều này.” Ngài nói: “Nhưng cẩn thận đừng nhầm lẫn giữa tiến bộ và leo cao. Điều duy nhất những người leo cao làm là họ giễu họ. Còn với linh mục, điều quan trọng là hiệp thông, tham gia và sứ mệnh, phục vụ người khác, mối nguy hiểm của việc tìm kiếm niềm vui riêng, yên tĩnh riêng là nguy hiểm của việc leo cao, và khổ thay có rất nhiều người leo cao sự nghiệp trong cuộc sống.”
Các linh mục và chủng sinh ở Hội trường Phaolô VI ngày thứ hai 24 tháng 10-2022
Đồng hành thiêng liêng
Trong giờ trao đổi với các chủng sinh và linh mục, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc linh hướng – ngài thích dùng thuật ngữ “đồng hành thiêng liêng” – tuy không bắt buộc nhưng sẽ giúp ích trên đường đời và rất tốt khi mình nói chuyện với một người khác không phải là cha giải tội.
Ngài phân biệt rõ hai vai trò: “Bạn đến gặp cha giải tội, bạn xét mình, bạn xin cha giải tội. Bạn đến gặp cha linh hướng để nói cho họ biết những gì đang diễn ra trong lòng bạn, những cảm xúc thiêng liêng, những niềm vui, những giận dữ và những gì bạn đang có trong tâm hồn.” Ngài giải thích, “khi mình chỉ tiếp xúc với cha giải tội mà không với người linh hướng, mình không lớn lên, như thế không tốt” và “khi mình chỉ đến với người linh hướng, người đồng hành và mình không đi xưng tội, như thế cũng không tốt”, đây là hai vai trò khác nhau. Linh hướng không phải là đặc sủng chỉ dành riêng cho linh mục, cho tu sĩ nhưng cũng là đặc sủng của những người đã được rửa tội và các linh mục làm linh hướng không phải họ có đặc sủng linh mục, nhưng họ đã được rửa tội”.
Đức Phanxicô tiếp tục, người không được đồng hành trong cuộc sống, họ tạo những “cây nấm” trong tâm hồn, những con nấm sẽ quấy rối chúng ta, bệnh tật, cô đơn bẩn thỉu, bao nhiêu là chuyện tồi tệ. Ngược lại, điều quan trọng là phải được đồng hành, để nhận ra chúng ta cần được đồng hành, để “làm sáng tỏ sự việc”, chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của người khác để “giúp chúng ta hiểu được cảm xúc thiêng liêng của mình”. Ngài nói: “Tôi nhận thấy các sinh viên thần học không biết cách phân biệt ân sủng với cám dỗ”, ngài nhấn mạnh một giám mục, một linh mục, một nữ tu hoặc một giáo dân khôn ngoan có thể tháp tùng thiêng liêng.
Các linh mục và chủng sinh ở Hội trường Phaolô VI
Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin
Từ câu hỏi về cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta cởi mở trước những câu hỏi của các nhà nghiên cứu và trước các lo âu của người dân hay của các sinh viên đại học, lắng nghe và luôn giữ thái độ tích cực, cởi mở và khiêm tốn: “Khiêm tốn, có đức tin không phải là có câu trả lời cho tất cả mọi chuyện. Phương pháp bảo vệ đức tin này không còn hiệu quả nữa, đó là phương pháp lỗi thời. Có đức tin, ơn tin vào Chúa Giêsu Kitô, đó là đi trên con đường. Và đây là điều mà người kia phải hiểu: rằng chúng ta đang trên hành trình, chúng ta không có tất cả câu trả lời cho tất cả các câu hỏi”.
Ngược dòng thời gian, Đức Phanxicô nhắc lại, “ngày xưa thần học bảo vệ là mốt và đã có những quyển sách với những vấn đề để bảo vệ”. Ngài nói: “Khi tôi còn nhỏ, đó là phương pháp để tự vệ. Có một số câu trả lời tốt, một số câu khép kín, nhưng chúng không tốt cho đối thoại. Như thể đưa ra một câu trả lời là quyết định mình chiến thắng. Không, không phải vậy.” Ngài khuyên nên giữ đối thoại cởi mở với khoa học, dù chúng ta không có câu trả lời, và nếu cần, hướng dẫn người kia đến những người có thể làm sáng tỏ vấn đề hơn.
Đối thoại có nghĩa là nói: “Tôi không thể giải thích điều đó cho bạn, nhưng bạn phải đến gặp những nhà khoa học này, họ sẽ có thể giúp bạn”. Ngược lại, chúng ta phải “chạy trốn khỏi sự đối lập giữa tôn giáo và khoa học, vì nó là ác thần, không thực sự là tinh thần tiến bộ của con người. Tiến bộ của con người sẽ làm khoa học đi tới và cũng để giữ gìn đức tin”.
Nguy hiểm của Internet
Nói đến quan hệ với công nghệ và sự khó chịu của ngài với các dụng cụ kỹ thuật số hiện đại, Đức Phanxicô kể, khi được phong giám mục ở Argentina, ngài nhận món quà là chiếc điện thoại di động, ngài chỉ dùng duy nhất một lần để gọi cho em gái, sau đó ngài trả lại ngay lập tức. Ngài nói: “Đó không phải là thế giới của tôi, nhưng bạn, bạn phải sử dụng, bạn phải thận trọng với nó.” Ngoài ra, ngài nói đến những nguy hiểm của Internet, như nội dung khiêu dâm trên mạng, đã không may tác động đến nhiều người, kể cả các tu sĩ: “Nó làm suy yếu tâm hồn. Ma quỷ xâm nhập qua nó: nó làm suy yếu tâm hồn linh mục.”
Giáo hội đối diện với chiến tranh
Cuối cùng trả lời một linh mục Ukraine, ngài tuyên bố Giáo hội như một người mẹ, phải chịu đựng khi đối diện với chiến tranh vì chiến tranh hủy diệt trẻ em. “Giáo hội phải đau khổ, khóc lóc, cầu nguyện, giúp đỡ những người bị hậu quả của chiến tranh, bị mất nhà cửa, bị thiệt mạng, bị thương vì chiến tranh… Giáo hội là người mẹ, vai trò của người mẹ là gần với con cái đang đau khổ”.
Đức Phanxicô nói thêm: “Giáo hội cũng là người mẹ kiến tạo hòa bình: Giáo hội tạo hòa bình vào một số thời điểm… nhưng không dễ dàng lắm.” Nhưng Giáo hội có một trái tim rộng mở. Ngài nói: “Là tín hữu kitô, bạn có tổ quốc và bạn phải bảo vệ, nhưng chúng ta phải vượt lên điều này, hướng tới một tình yêu phổ quát hơn.”
Đó là lý do vì sao Giáo hội phải gần gũi với mọi người, với tất cả nạn nhân. Thái độ của người tín hữu kitô là cầu nguyện cho tội lỗi của những kẻ xâm lược, cho những kẻ đến tàn phá đất nước tôi, giết những người của tôi. Sau đó, Đức Phanxicô nói với linh mục trẻ đã đặt câu hỏi cho ngài: “Tôi biết bạn, đồng bào của bạn đang rất đau khổ, tôi hiểu và tôi rất gần gũi. Nhưng hãy cầu nguyện cho những kẻ xâm lược, vì họ cũng là những nạn nhân như bạn. Bạn không thể nhìn thấy những vết thương trong tâm hồn họ, nhưng hãy cầu nguyện, cầu nguyện Chúa sẽ hoán cải và hòa bình sẽ đến.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét