Toàn bộ Diễn văn của Đức Phanxicô dành cho Hội nghị về học thuyết của thánh Tôma tiến sĩ
DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
DÀNH CHO HỘI NGHỊ QUỐC TẾ LẦN THỨ XI
VỀ HỌC THUYẾT CỦA THÁNH TÔMA TIẾN SĨ
WHĐ (29.9.2022) - Hội nghị về Học thuyết của thánh Tôma được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng thánh Tôma Aquinô, còn được gọi là Đại học Angelicum, ở Roma, từ ngày 19 đến 24. 9. 2022. Với sự tham dự của hơn 350 học giả đến từ khắp nơi trên thế giới, dưới sự chủ trì của Đức Hồng y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, các thần học gia và triết gia Ý, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan nối tiếp nhau ở diễn đàn tạo nên sự kiện này.
Kể từ năm 2003, đây là hội nghị chuyên đề lớn và quan trọng quy tụ số đông học giả để suy tư về Học thuyết Tôma với mục đích xem xét các quan điểm mới trong việc nghiên cứu về học thuyết Tôma (mối quan tâm, phương pháp và kết quả) nhằm nêu bật các nguồn lực của truyền thống Tôma trong các cuộc tranh luận thần học và triết học đương thời.
Trưa ngày 22.9, sau khi có bài diễn văn ngẫu hứng, Đức giáo hoàng Phanxicô đã trao cho các tham dự viên Hội nghị bài diễn văn của ngài được soạn sẵn.
Dưới đây là toàn văn bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
Kính thưa quý Hồng y,
Kính thưa quý Học giả, và anh chị em thân mến!
Tôi vui mừng chào đón tất cả anh chị em đã đến Roma từ các nơi khác nhau trên thế giới để tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ XI về học thuyết của thánh Tôma Aquinô, tiến sĩ. Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Luis Ladaria đã dành cho tôi những lời tốt đẹp. Tôi chào Cha Serge-Thomas Bonino, chủ tịch Đại học Giáo hoàng thánh Tôma Aquinô, và tất cả các học giả hiện diện. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Điều phối các Học viện Giáo hoàng, đã đồng hành với các hoạt động của Học viện trong nhiều năm qua.
Năm tới sẽ kỷ niệm 700 năm ngày thánh Tôma Aquinô được tuyên phong hiển thánh, đã diễn ra tại Avignon vào năm 1323. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta rằng nhà thần học vĩ đại này - “Vị đại tiến sĩ” của Giáo hội - trước hết là một vị thánh, một môn đệ trung thành của Sự Khôn Ngoan Nhập thể. Đó là lý do tại sao, trong Lời nguyện của ngày lễ thánh Tôma, chúng ta cầu xin Chúa, “Đấng đã làm cho ngài trở nên vĩ đại nhờ việc theo đuổi đời sống thánh thiện và niềm say mê đối với học thuyết thánh thiêng”, xin hãy “ban cho chúng con hiểu giáo huấn của ngài và noi gương ngài”. Và tại đây, chúng ta cũng tìm thấy chương trình tâm linh của anh chị em: noi gương Thánh nhân và để mình được vị Thánh Tiến sĩ và Thày dạy soi sáng và hướng dẫn.
Lời cầu nguyện trên cũng nêu bật niềm say mê của Thánh Tôma Aquino đối với giáo huấn thánh thiêng. Thật vậy, thánh nhân là một người say mê Chân lý, một người không mệt mỏi tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa. Người viết tiểu sử của thánh nhân kể lại rằng ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã hỏi: "Thiên Chúa là gì?"[1]. Câu hỏi này đã đồng hành và thúc đẩy thánh nhân trong suốt cuộc đời. Cuộc tìm kiếm sự thật về Thiên Chúa này được đánh động và thấm nhuần bởi tình yêu. Vì vậy, Thánh Tôma viết: “Được thúc đẩy bởi một ý muốn tin tưởng nhiệt thành, con người yêu mến sự thật mà mình tin, xem xét nó trong trí tuệ, và chấp nhận nó với những lý do mà họ có thể tìm thấy cho mục đích này”[2].
Theo đuổi cách khiêm tốn, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, intellectus fidei (sự hiểu biết của đức tin) không phải là một tùy chọn đối với người tín hữu nhưng là một phần của chính sự năng động trong đức tin của người ấy. Điều cần thiết là Lời Chúa, đã được đón nhận trong tâm hồn, phải đạt tới sự hiểu biết để “đổi mới lối suy nghĩ của chúng ta” (x. Rm 12, 2), để chúng ta đánh giá mọi sự dưới ánh sáng của Đấng khôn ngoan vĩnh cửu. Vì thế, việc say mê tìm kiếm Thiên Chúa đồng thời là cầu nguyện và chiêm niệm, đến nỗi Thánh Tôma là một khuôn mẫu thần học được sinh ra và phát triển trong bầu khí thờ phượng.
Cuộc tìm kiếm sự thật về Thiên Chúa sử dụng “đôi cánh” là Đức tin và Lý trí. Như chúng ta đã biết, cách mà Thánh Tôma có thể phối hợp hai ánh sáng của Đức tin và Lý trí vẫn là mẫu mực. Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã viết:
Điểm mấu chốt và gần như cốt lõi của giải pháp, mà Thánh Tôma đã đưa ra cho vấn đề về cuộc gặp gỡ mới giữa lý trí và đức tin với khả năng trực giác tiên tri thiên tài của ngài, đó là sự hòa giải giữa tính thế tục của thế giới và tính triệt để của Tin Mừng, do đó, thoát khỏi khuynh hướng phi tự nhiên là phủ nhận thế giới và các giá trị của nó, mà không bỏ qua những đòi hỏi sâu xa và bất khả lay chuyển của trật tự siêu nhiên.[3]
Do đó, người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào cuộc đối thoại lý trí và chân thành với nền văn hóa của thời đại mình, theo công thức Ambrosiaster được thánh Tôma yêu thích “mọi chân lý, do bất cứ ai nói ra, cũng là do Chúa Thánh Thần”.[4]
Trong Lời cầu nguyện đã được trích dẫn, chúng ta cầu xin ân sủng không chỉ để noi gương Thánh nhân, mà còn để “hiểu những lời dạy của Ngài”. Thật vậy, truyền thống tư tưởng Tôma đã được công nhận là “tính mới mẻ muôn thuở”[5], nhưng học thuyết Tôma không phải là một đối tượng của bảo tảng, mà là một nguồn mạch luôn sống động, phù hợp với chủ đề Hội nghị của anh chị em: “Vetera novis augere - Nguồn lực của học thuyết Tôma trong bối cảnh hiện nay”. Theo lời của Jacques Maritain, chúng ta cần thúc đẩy một “học thuyết Tôma sống động”, có khả năng tự đổi mới để trả lời cho các vấn nạn hiện nay. Do đó, học thuyết Tôma tiếp tục được vận hành theo một chuyển động kép quan trọng của "tâm thu và tâm trương".
Tâm thu, vì trước tiên chúng ta phải tập trung vào việc nghiên cứu công trình của Thánh Tôma trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của ngài, để rút ra các nguyên tắc cấu trúc và nắm bắt tính độc đáo của ngài. Tuy nhiên, sau đó là tâm trương: hướng đến đối thoại với thế giới ngày nay, đồng hóa cách có phê bình những gì chân thật và đúng đắn trong nền văn hóa của thời đại.
Trong số rất nhiều học thuyết sáng chói của thánh Tôma, tôi chỉ muốn thu hút sự chú ý, như tôi đã làm trong Thông điệp Laudato si’, đến sự phong phú của giáo huấn của ngài về công trình sáng tạo. Không có gì ngạc nhiên khi nhà văn người Anh Chesterton gọi ngài là "Tôma của Đấng sáng tạo". Đối với Thánh Tôma, công trình sáng tạo là biểu hiện đầu tiên của lòng quảng đại kỳ diệu của Thiên Chúa; hay đúng hơn, là lòng thương xót nhưng không của Ngài[6]. Thánh Tôma nói, chính chìa khóa của tình yêu đã mở bàn tay của Thiên Chúa và giữ nó luôn luôn mở[7].
Sau đó, thánh nhân chiêm niệm vẻ đẹp của Thiên Chúa tỏa sáng trong sự đa dạng có trật tự của tạo vật. Vũ trụ của các tạo vật hữu hình và vô hình không phải là một khối nguyên khối, cũng không phải là một đa dạng vô hình thuần túy, nhưng tạo thành một trật tự, một tổng thể, trong đó tất cả các tạo vật đều liên kết với nhau bởi vì chúng đều đến từ Thiên Chúa và hướng tới Thiên Chúa, và bởi vì chúng tác động lên nhau, do đó tạo ra một mạng lưới tương quan dày đặc.
Thánh Tôma Aquinô với sự khôn ngoan của mình, cho thấy rằng sự phong phú và đa dạng đều “xuất phát từ ý định của Tác Nhân tiên khởi”, Đấng muốn rằng “điều gì thiếu sót nơi thụ tạo để trình bày sự nhân từ thần linh, sẽ được bổ túc bằng thụ tạo khác”. Chỉ vì sự tốt lành của Người “không thể do một thụ tạo có thể trình bày cách đầy đủ được”. Vì thế, chúng ta phải nắm vững sự khác biệt của các thụ tạo trong liên hệ đa dạng của chúng”. Người ta có thể hiểu sự quan trọng và ý nghĩa của từng thụ tạo tốt hơn, khi nhìn vào toàn thể chương trình của Thiên Chúa[8].
Anh chị em thân mến, với những điều này, theo bước chân của những vị tiền bối, tôi khuyên anh chị em: Hãy đến với Thánh Tôma! Đừng ngại gia tăng và làm phong phú những điều cũ và luôn gặt hái thành quả với những điều mới.
Chúc anh chị em có những ngày làm việc tốt đẹp, và tôi ưu ái chúc lành cho anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.
Xin cảm ơn anh chị em!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (22. 9. 2022)
[1] Petrus Calo, Vita s. Thomas Aquinatis, in Fontes vitae s. Thomae Aquinatis, edited by D. Prümmer and M.-H. Laurent, Toulouse, s. d., p. 19.
[2] Tổng luận Thần học, IIa-IIae, q. 2, a. 10.
[3] Tông thư Lumen Ecclesiae (20. 11. 1974), 8: AAS 66 (1974), 680.
[4] Ambrosiaster, Trong I Cor 12,3: PL 17, 258. Xem Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, Ia-IIae, q. 109, a. 1, ad 1.
[5] Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II, Thông điệp Đức tin và lý trí (14. 9. 1998), 43-44.
[6] X. Thánh Tôma Aquino, Trong IV Sent., d. 46, q. 2, a. 2, qla. 2, ad 1; Tổng luận Thần học, Ia, q. 21, a. 4, ad 4.
[7] X. Thánh Tôma Aquino, Trong II Sent., Prologue.
[8] Thông điệp Laudato si ' (24. 5. 2015), 86.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét