Mối tương quan của bạn với Thiên Chúa sẽ như thế nào?
Hình: iStock
MỐI TƯƠNG QUAN CỦA BẠN VỚI THIÊN CHÚA SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Lm. Jim McDermott, SJ
WHĐ (06.02.2023) - Như Robert Waldinger và Marc Schulz đã đăng trên tạp chí The Atlantic tuần vừa qua về kết quả Nghiên cứu về sự Phát triển của người Trưởng thành của trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Khi nghiên cứu điều gì khiến con người thăng hoa kể từ năm 1938—đã phát hiện ra rằng các mối tương quan sâu sắc là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc lâu dài về mặt cảm xúc.
Điều đó có lẽ không có gì gây ngạc nhiên nhưng khi đọc những phát hiện của họ, tôi chợt tự vấn: Vậy thì liệu có bao nhiêu người coi mối tương quan với Thiên Chúa là một trong những mối tương quan cá vị sâu sắc trong cuộc đời họ.
Tôi có thể hiểu tại sao nhiều người lại không coi tương quan của họ với Thiên Chúa là một mối tương quan cá vị sâu sắc. Thật ra, tôi tin vào Chúa, tôi đi nhà thờ, tôi chu toàn các phận vụ của mình để trở thành một người tốt. Nhưng liệu đó đã là một “mối tương quan cá vị và sâu sắc” chưa? Nếu có, thì mối tương quan ấy sẽ như thế nào?
Tôi không phải là tuýp người có những cuộc đối thoại sâu sắc với Chúa hoặc những thị kiến ngây ngất về Đức Mẹ. Nhưng tôi thực sự tin rằng Thiên Chúa là Đấng mà mỗi người đều có thể có một tình bạn thực sự và mối tương quan ấy có thể tác động lớn đến hạnh phúc của người đó.
Dưới đây là một vài điều đã giúp tôi tìm được mối tương quan với Thiên Chúa của riêng mình.
Sống chậm lại và tận hưởng
Khi tôi mới gia nhập Dòng Tên, bề trên của tôi là một chàng cao bồi trung niên cao lêu nghêu, thích chụp ảnh và cưỡi ngựa. Ngài đã dành phần lớn cuộc đời mình để làm mục vụ giáo xứ và giúp tĩnh tâm tại một vùng nông thôn của South Dakota, Hoa Kỳ, và một trong những điều mà những năm tháng đó đã dạy ngài đó là giá trị của việc dành thời gian để tận hưởng những trải nghiệm trong cuộc sống.
Ngài sẽ nói với chúng tôi rằng, nếu chúng tôi đang đi dạo hoặc đang trong tuần tĩnh tâm, thì hãy đi chậm lại hơn mức chúng tôi có thể đi như bình thường. Nếu đang dùng bữa, hãy cố gắng nếm từng miếng thức ăn và từng ngụm thức uống, đồng thời dành thời gian cho những người khác cùng bàn. Hãy chống lại xung lực của sự hấp tấp, vội vàng.
Ý của ngài là, chúng ta càng có thể sống chậm lại, thì chúng ta càng có thể hiện diện trong thời khắc hiện tại. Và tôi thấy rằng việc sống chậm lại cũng đồng nghĩa với cảm giác mình là một phần của điều gì lớn hơn bản thân mình, được kết nối với Thiên Chúa và với thế giới.
Nghe có vẻ rất bình thường - Hãy cảm nếm từng miếng ăn, ngụm nước. Hãy đi chậm lại. Hãy hít thở. Nhưng, làm sao để những điều đó có thể tạo ra một tình bạn với Thiên Chúa? Bạn có thể thử xem thế nào. Có lẽ trở ngại lớn nhất để có mối tương quan với Thiên Chúa là kỳ vọng của chúng ta về việc mối tương quan đó sẽ như thế nào.
Hãy suy nghĩ bên cạnh chứ không phải diện đối diện
Trong giai đoạn đào tạo như là một tu sĩ Dòng Tên, tôi được giao nhiệm vụ giúp tại Trường Red Cloud Indian thuộc vùng Pine Ridge Indian Reservation. Nằm ở góc phía tây nam South Dakota, cách núi Rushmore khoảng 90 phút lái xe, Pine Ridge là quê hương của Oglala Lakota Nation, nơi có truyền thống văn hóa phong phú rất khác với nơi tôi lớn lên ở vùng ngoại ô Chicago.
Là một phần chương trình định hướng, tôi đã tham dự một buổi hội thảo về văn hóa Lakota. Chúng tôi đã được lưu ý về việc nhìn thẳng vào mắt người khác, vì những người theo lối cổ cho rằng điều đó rất thô lỗ. Cũng thế, chúng tôi được cho biết rằng việc cố gắng làm quen với người khác bằng cách hỏi họ những câu hỏi chẳng hạn như: Bạn đến từ đâu? Bạn làm nghề gì? Bạn đã kết hôn chưa? Đều bị coi là tò mò về đời tư nên cần phải tránh.
Khi chơi chung với nhau, người Lakota thường không đứng đối diện nhau nhưng đứng cạnh nhau. Đối với họ, có điều gì đó mang tính đối đầu khi đứng đối diện với nhau. Ngoài ra, người Lakota thường không cần nhiều lời, mà họ “nói” bằng trái tim.
Trước đây, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về những điều này, nhưng trong những năm sống tại Pine Ridge, tôi đã học biết được rất nhiều. Tôi nhớ, có lần khi bước vào phòng tập thể dục của trường để xem một trận bóng rổ, tôi nhìn thấy một nhóm người tôi quen biết ngồi trên khán đài. Tôi tự nhủ là mình sẽ lịch sự bằng cách đi tới và chào hỏi từng người trước khi tìm chỗ ngồi. Nhưng khi tôi đang tiếp tục chào hỏi từ nhóm người đầu tiên, họ đã ngăn tôi lại, và hỏi: "Bạn đi đâu đấy?"
Nghĩ rằng chắc là họ có điều gì quan trọng muốn nói, nên tôi ngồi lại với họ. Và rồi… chẳng có gì xảy ra. Chúng tôi chỉ ngồi đó xem trận đấu. Và hầu như không ai nói với ai câu gì.
Tuy nhiên, sự im lặng đó không hề trống rỗng. Đúng là có một kho tàng sâu sắc của cuộc sống trong sự im lặng, một thứ mà tôi thấy mình đang dần loại bỏ những lo lắng về xã hội và cho phép tôi có hiện diện và tận hưởng khoảng thời gian này với họ.
Chắc hẳn đây không phải là một trải nghiệm hoàn toàn xa lạ, phải không? Nhất là đối với những người mà chúng ta đã thân, đôi khi những “cuộc đối thoại” tốt nhất lại không phải là những cuộc trò chuyện, mà đơn thuần chỉ là dành thời gian cho nhau.
Khi chúng ta còn bé, Giáo hội dạy chúng ta liên hệ với Thiên Chúa chủ yếu qua hình thức diện đối diện. Chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa, đọc những lời kinh có sẵn, và được khuyến khích nói với Chúa về những nhu cầu của mình. Nhưng khái niệm về mối tương quan diện-đối-diện ấy có những hạn chế, bởi vì dường như Thiên Chúa không ở bên cạnh. Ngài không cười trước những câu nói đùa của chúng ta, Ngài không tranh luận với chúng ta về chính trị, hoặc không phản ứng với nỗi sợ hãi của chúng ta.
Thời gian làm việc tại Pine Ridge là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng có nhiều loại tương quan khác cũng có ý nghĩa không kém, và mối tương quan với Thiên Chúa không nhất thiết phải bằng những lời nói, mà đơn giản chỉ là hiện diện trong thời điểm này cùng nhau, bên cạnh nhau, và cùng nhìn ra thế giới.
Mơ mộng với Kinh Thánh
Khi còn trẻ, thánh Inhaxiô Loyola đã trải qua nhiều tháng trên giường bệnh để hồi phục vết thương trong một trận chiến. Ngài đã dành phần lớn thời gian đó để mơ mộng về tương lai của mình. Đôi khi ngài tưởng tượng mình là một hiệp sĩ nhã nhặn, hoặc đôi khi là một vị thánh, và những cuốn sách ngài thường đọc là Kinh thánh và Hạnh các Thánh.
Theo thời gian, Inhaxiô bắt đầu nhận thấy rằng khi tưởng tượng cuộc sống của mình như một vị thánh, mang lại cho ngài cảm giác mãn nguyện và bình an lâu dài mà việc trở thành một hiệp sĩ không có được. Điều này khiến Inhaxiô tự hỏi liệu đây có phải là một lời mời hoặc ước muốn mà ngài nên nghiêm túc đón nhận, và thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Khởi đi từ kinh nghiệm này, Inhaxiô đã tạo ra một hình thức cầu nguyện trong đó mỗi người được đưa cho những đoạn Phúc âm để mơ mộng, với hy vọng phát triển mối liên hệ riêng tư với Thiên Chúa. Thỉnh thoảng được mời nói chuyện về cách thức cầu nguyện này, được gọi là suy niệm theo tinh thần I-nhã. Nhưng tôi luôn cảm thấy một chút lo lắng vì e rằng những người nghe sẻ bỏ cuộc. Nghiêm túc mà nói, chuyện gì vậy? Tôi sẽ mơ mộng về mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa ư?
Nhưng rồi, tôi thực sự ngạc nhiên về mức độ hình thành của các buổi cầu nguyện đó. Khi mọi người cho phép cách cầu nguyện của I-nhã một cơ hội, thì dường như thực sự có hiệu quả, bất kể họ bắt đầu từ đâu.
Nếu bạn quan tâm, đây là một bài tập bạn có thể thử. Dưới đây là một đoạn văn ngắn trong Tin Mừng Gioan; bạn hãy đọc thật chậm rãi; sau đó, ngồi yên lặng một lúc, chỉ để bản thân tiếp nhận những gì bạn vừa đọc. Hãy nghĩ về đoạn Tin Mừng đó giống như bạn hít hà hương thơm của một tách cà phê hoặc của những bông hoa trong vườn.
Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?" Người bảo họ: "Ðến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1, 35-39)
- Từ nào trong đoạn văn có ấn tượng đối với bạn? Hoặc một từ nào đó xuất hiện trong tâm trí bạn? Hãy dành một chút thời gian để ngồi lại với từ đó. Xem từ đó đem lại cho bạn cảm thấy như thế nào.
- Bây giờ hãy đọc lại đoạn văn - một lần nữa, thật chậm rãi - nhưng lần này hãy chú ý đến những ước muốn của bạn. Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng họ muốn gì. Khi lắng nghe câu chuyện, bạn thấy mình mong muốn điều gì? Hãy dành một chút thời gian để ngồi lại với mong muốn đó.
- Sau đó, hãy đọc câu chuyện một lần cuối cùng. Và lần này, nếu bạn muốn, hãy làm theo mong muốn đó. Chẳng hạn, nếu khi đang đọc, bạn ước rằng Đức Giêsu sẽ đi đến một nơi nào đó cụ thể, hoặc bạn có thể đưa Người đến một nơi nào đó, thì hãy mơ mộng về việc đi đến địa điểm đó. Hãy tưởng tượng bạn đang ở nơi đó với Đức Giêsu. Hoặc nếu bạn thấy mình thèm một ly kem, hãy đi lấy cho mình một ly kem và thưởng thức nó.
- Dù mong muốn đó là gì, hãy làm theo mong muốn của bạn, và ngồi lại với trải nghiệm đó. Cuối cùng, hãy dành một chút thời gian để nhìn lại toàn bộ trải nghiệm. Bạn cảm thấy thế nào ngay lúc này? Trải nghiệm này có gì nổi bật?
Mỗi người đều khác nhau và bài tập này có thể không phù hợp với bạn. Nhưng không sao, vì chúng ta biết rằng có rất nhiều loại tương quan. Vấn để là làm sao để bạn có cảm giác về Thiên Chúa như một Đấng không chỉ “ở ngoài kia” mà còn rất gần gũi và dễ tiếp cận, một người bạn mà bạn thực sự có thể dựa vào để có được lòng can đảm và sự an ủi.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (26. 01. 2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét