label

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Làm thế nào để vẫn còn yêu Giáo Hội?

 

Làm thế nào để vẫn còn yêu Giáo Hội?







Làm thế nào để yêu Giáo hội trong bối cảnh hiện nay của đủ loại lạm dụng thường xuyên xuất hiện trên báo chí?

 

 

Yêu Giáo hội khi Giáo hội làm cho mình đau khổ, đó là  thử thách dai dẳng mà nhiều tín hữu kitô đã trải qua. Có lẽ không có câu trả lời có sẵn cho tình trạng nội tâm khó xử này, nhà khảo luận Michel Cool gợi ý, may ra có thể chịu đựng được qua thinh lặng ở trong Chúa.

 

Làm thế nào để yêu Giáo hội trong bối cảnh hiện nay của đủ loại lạm dụng thường xuyên xuất hiện trên báo chí? Làm sao yêu Giáo hội khi những người được gọi là chứng nhân đức tin bị lột trần, cho thấy sự đồi bại che giấu của họ, và bị bung ra như những pho tượng đá bị nghiến nát thành bụi? Làm sao yêu Giáo Hội khi có quá nhiều người đau khổ trong tâm hồn, trong thân xác vì họ cảm thấy bị Giáo hội không hiểu, ngược đãi hoặc xa lánh? Làm sao yêu Giáo hội khi các bức tường Vatican sặc mùi lưu huỳnh của những vụ án tồn đọng, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, như trường hợp của cô Emanuela Orlandi, công dân Vatican trẻ tuổi đã mất tích từ năm 1983, bỏ mặc gia đình không biết tin với nỗi đau không nguôi của họ. Làm sao yêu Giáo Hội, khi một cựu giáo hoàng vừa chôn xong, người thân của ngài xuất bản quyển sách quảng cáo rầm rộ, như ném quả bóng thối để làm hoen ố thanh danh của giáo hoàng đương nhiệm? Bao nhiêu chuyện như vậy làm sao chúng ta còn có thể yêu Giáo hội được?

 

Giáo hội làm đau khổ

Tất nhiên chúng ta có thể tránh câu hỏi này bằng cách bắt chước con đà điểu, chui đầu vào cát. Chúng ta cũng có thể kêu lên đây là thuyết âm mưu: mánh khóe lặp đi lặp lại nhưng thường chứng tỏ cho thấy lập luận yếu kém hoặc hạn hẹp, thậm chí là hoang tưởng. Người ta vẫn có thể – như một trò lường đảo thường xuyên khác – phân biệt tình yêu Chúa Kitô với tình yêu Giáo hội, cho rằng Giáo hội thực sự không xứng đáng với đấng sáng lập và vì thế không thể yêu Giáo hội được. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của những người công giáo giữ đạo hoặc dấn thân mà với họ, Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, mỗi thành viên của Giáo hội đều đồng trách nhiệm về toàn thể. Với một số người, Giáo hội có tính cách thiêng liêng và là một “xã hội hoàn hảo”, yêu Giáo hội một cách dễ bảo – mù quáng – yêu không điều kiện, sẽ là tuyệt đỉnh của một đức tin công giáo đích thực. Với một số người khác, những người có học về thần học công đồng “Giáo hội dân Chúa”, dựa vào tinh thần hoán cải thường xuyên theo phúc âm. Và trong số họ, dù giáo dân hay tu sĩ, họ lên tuyến đầu để đấu tranh chống lạm dụng và lắng nghe lời chứng của các nạn nhân, nhiều người cũng bị câu hỏi ám ảnh này dày vò, đâm xuyên như vết thương hở: “Làm sao còn yêu Giáo hội này khi Giáo hội tạo ra quá nhiều đau khổ và làm tôi đau khổ?”

 

Làm sao để yêu một Giáo hội đang bị tổn thương? Sự im lặng của Chúa Kitô khi đứng trước quan Philatô có thể giúp chúng ta cự lại với tuyệt vọng, với giận dữ, thậm chí với cả cắt đứt.

 

Tiếng nói của thinh lặng

Có thể không có câu trả lời sẵn cho tình trạng nội tâm tiến thoái lưỡng nan này. Đứng trước Philatô, ông hỏi Ngài: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Tay bị xiềng xích, lưng rách nát vì đòn roi, Ngài trả lời bằng sự thinh lặng sâu thẳm. Sự thinh lặng này không phải là trốn tránh cũng không phải là thừa nhận thất bại, càng không phải là hình thức kiêu ngạo thiêng liêng. Đó là thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa và tôn trọng người khác; một thinh lặng tôn trọng phẩm giá người khác, dù dễ chịu hay phản cảm; một thinh lặng buộc người chất vấn phải đi tìm trong chính họ sự thật của sự việc, đi tìm ý nghĩa, xét mình, kiểm lại hành trang của mình; để tìm kiếm, để tìm câu trả lời, mà nếu không được, thì phác thảo một câu trả lời cho câu hỏi đã làm họ bối rối, làm họ đau.

Làm thế nào để yêu một Giáo hội bị tổn thương? Sự im lặng của Chúa Kitô khi đứng trước Philatô – có lẽ có thể giúp chúng ta cự lại với tuyệt vọng, giận dữ, thậm chí là cắt đứt; cũng không đầu hàng dễ dàng thôi thì “vứt hết tất cả”, và chìm vào chủ nghĩa hư vô quá cay đắng. Sự im lặng của Chúa Kitô khi đứng trước Philatô – người sẽ rửa tay trước cái chết của người công chính – có thể giúp chúng ta giữ trong lòng “tinh thần can đảm”, đòi hỏi sự phân định và kiên trì lựa chọn.

 

Trên đỉnh của tâm hồn

Đứng trước khuôn mặt của Giáo hội bị biến dạng vì những lệch lạc sai trái, hành vi phạm tội của một số phần tử, chúng ta phải không sợ khi đưa ra “Lời kêu gọi đến Thiên Chúa thinh lặng”, tựa đề quyển sách của một trong các thần học gia công giáo lỗi lạc nhất thế kỷ 20, linh mục Dòng Tên người Đức Karl Rahner (Appels au Dieu du silence, nxb. Salvator tái bản năm 2017). Vài ngày trước khi qua đời, Joseph Ratzinger đã hỏi thần học gia người Pháp Michel Fédou về ảnh hưởng công việc của người đồng nghiệp và đồng hương lừng lẫy của ngài. Trong quyển sách hay này, được viết trước cuộc chiến tranh khủng khiếp và bố cục thành mười bài suy niệm, Rahner mời độc giả đối thoại như ông đã đối thoại với người viết Thánh vịnh, với Thánh Augutinô Hippone, hay Thánh I-Nhã, với Chúa của thinh lặng. Khi đó chúng ta sẽ khám phá trong cuộc “đối thoại trên đỉnh cao tâm hồn” này, một Thiên Chúa thầm lặng cũng biết đến gần, hiến thân, ở bên cạnh chúng ta biết chừng nào. Chúng ta cũng sẽ có thể có một kinh nghiệm cá nhân, mật thiết về Thiên Chúa “Đấng không thể nhầm lẫn với bất cứ điều gì khác, khi Ngài đưa chúng ta đến gần Ngài nhờ ân sủng của Ngài”. Làm sao chúng ta vẫn còn yêu Giáo hội được? Bằng cách thường xuyên cậy đến Chúa thinh lặng nhiều hơn, vì Ngài luôn giữ lời hứa.

 

Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét