label

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

THÁNG 11 TÔN VINH CÁC THÁNH VÀ CẦU CHO CÁC LINH HỒN SỚM HƯỞNG THÁNH NHAN CHÚA

 THÁNG 11 TÔN VINH CÁC THÁNH VÀ CẦU CHO CÁC LINH HỒN SỚM HƯỞNG THÁNH NHAN CHÚA. HÃY DỌN TÂM HỒN VIẾNG NHÀ THỜ VÀ ĐẤT THÁNH ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN ĐẠI XÁ NHƯỜNG CHO CÁC LINH HỒN.




Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

CHƯƠNG TRÌNH LỄ CÁC THÁNH VÀ LỄ CÁC ĐẲNG NĂM 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ CÁC THÁNH VÀ LỄ CÁC ĐẲNG

TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY- GP LONG XUYÊN


1. Thứ Hai, Ngày 30/10/2023.

- 4h Chiều (16h00): Giải Tội ( Có Các Cha Khách )

- 7h Tối (19h00): Giải Tội ( Có Các Cha Khách )

2. Thứ Tư, Ngày 01/11/2023.

          LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ- LỄ TRỌNG LỄ CẦU CHO GIÁO DÂN

- Sáng: 4h30: Kinh Lễ- Thánh Lễ đồng Tế

- Chiều:4h45: Kinh Lễ- Thánh Lễ

* Lưu ý: Viếng nhà thờ từ 12h trưa đến hết ngày ngày mai ngày (02/11/2023)đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính, Xưng Tội, Rước Lễ và Cầu Nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì được hưởng một ơn toàn xá nhường lại cho các linh hồn.

* Từ ngày 1 tới hết ngày mùng 8 những ai viếng Đất Thánh! đọc 1 kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, Cầu Nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng được hưởng ơn toàn xá cho các linh hồn

3. Thứ Năm, Ngày 02/11/2023:

LỄ CÁC ĐẲNG

- Sáng: 4h30: Kinh Lễ- Thánh Lễ Đồng Tế

- 7h00: Kinh Lễ

-         Chiều: TẠI ĐẤT THÁNH

4h15: Cầu Lễ

4h45: Thánh Lễ Đồng Tế Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn.

Xin kính mời quý ông bà và anh chị em đến tham dự; để cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta đã qua đời với tấm lòng yêu thương, hiếu thảo và bác ái.

                                                               Cần xây, ngày 28 tháng 10 năm 2023

                                                                                         Cha sở

                                                                              Phaolô Trần Văn Khoa

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Dòng Thánh Gia: Tuyển sinh ơn gọi

 

Dòng Thánh Gia: Tuyển sinh ơn gọi







 

 

 

 

Click vào link bên dưới để tải file:
  File 1

Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô

Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô

  •  
  •  


GIÁO HỘI VIỆT NAM GỬI THƯ ĐẾN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

WHĐ (27.10.2023) – Ngày 29 tháng 9 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam phổ biến Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam”. Ngày 04 tháng 10 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thay mặt cho Giáo hội tại Việt Nam viết Thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sau khi Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ Thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam xác nhận Đức Thánh Cha đã nhận thư này, Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng phổ biến nội dung Thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Chánh Văn phòng
Ngày 27 tháng 10 năm 2023


Tải file về tại đây!


Bản dịch Việt ngữ từ nguyên bản Anh ngữ:

Kính trình Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Prot. No 2315/CBCV

Lễ thánh Phanxicô Assisi, ngày 4 tháng 10 năm 2023,

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ Thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại Diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam trao cho con thư Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam để công bố ngày 29 tháng 9 năm 2023. Dân Chúa tại Việt Nam hân hoan đón nhận Thư của Đức Thánh Cha với lòng biết ơn sâu đậm vì Đức Thánh Cha đã yêu thương khích lệ đoàn con ở xa đang sống và làm chứng cho Tin Mừng trên quê hương chúng con.

Qua Thư này, Đức Thánh Cha đã khẳng định con đường chúng con đang đi là đúng Phúc Âm và giáo huấn của Hội Thánh, nhất là đúng với hướng dẫn của Đức Thanh Cha, đó là loan báo Tin Mừng yêu thương bằng sự dấn thân phục vụ những người bé mọn và khổ đau. Nhờ đối thoại, tôn trọng và phục vụ, Hội Thánh tại Việt Nam đã trở thành những người “đáng tin” trước mặt các nhà lãnh đạo chính quyền và các thành phần trong xã hội trên quê hương của chúng con.

Chúng con nhận ra niềm vui của Đức Thánh Cha khi thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha đã khích lệ Hội Thánh tại Việt Nam và chúng con hứa sẽ tiếp tục can đảm tiến bước trên con đường này để làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và để “nới rộng lều” của Hội Thánh như tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang bắt đầu. Chúng con nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện một lễ Hiện xuống mới để Hội Thánh tiến bước theo lối sống hiệp hành trong thiên niên kỷ này.

Với trọn tình con thảo, chúng con xin Chúa tuôn đổ tình yêu và ân sủng nơi Đức Thánh Cha để ngài chu toàn sứ vụ mục tử Hội Thánh hoàn vũ. Chúng con tha thiết kính mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam và rất mong mỏi được quy tụ chung quanh vị mục tử Đại diện Chúa Kitô để được khích lệ củng cố sự hiệp thông, tham gia và thi hành sứ mạng truyền giáo.

Với lòng hiếu thảo của Dân Chúa tại Việt Nam,

Đã 

+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục TGP Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM 

Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục

 

Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục



Các tham dự viên Thượng Hội Đồng hy vọng rằng những tháng tới, vốn tách biệt họ khỏi phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024, sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông sứ mạng được biểu thị bằng từ ngữ “sinodo” (chung một con đường). Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ.

Vatican News

Thư gửi dân Chúa

của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục 

 

Anh chị em thân mến,

Khi công việc của kỳ họp đầu tiên của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sắp kết thúc, chúng tôi muốn cùng với tất cả anh chị em tạ ơn Chúa vì trải nghiệm đẹp đẽ và phong phú mà chúng ta vừa trải qua. Chúng tôi đã sống thời gian ân phúc này trong sự hiệp thông sâu sắc với tất cả anh chị em. Chúng tôi đã được anh chị em nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, đã mang theo những kỳ vọng, những câu hỏi và thậm chí cả những nỗi sợ hãi của anh chị em. Hai năm đã trôi qua kể từ khi, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một tiến trình lắng nghe và phân định lâu dài đã bắt đầu, mở ra cho tất cả dân Chúa, không một ai bị loại trừ, “cùng nhau bước đi”, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, như các môn đệ thừa sai bước theo Chúa Kitô Giêsu.

Kỳ họp vốn đã đưa chúng tôi đến quy tụ với nhau ở Rôma từ ngày 30 tháng 9 tạo thành một giai đoạn quan trọng trong tiến trình này. Theo nhiều cách, đó là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, những người, nam cũng như nữ, nhờ bí tích rửa tội, được ngồi cùng một bàn để tham gia không chỉ vào các cuộc thảo luận mà còn vào các cuộc bỏ phiếu của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần này. Cùng nhau, trong sự bổ túc cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và sứ vụ của mình, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa cũng như lắng nghe kinh nghiệm của người khác. Sử dụng phương pháp trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi khiêm tốn chia sẻ sự phong nhiêu và nghèo nàn từ các cộng đoàn của chúng tôi trên khắp các châu lục, cố gắng nhận ra những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội ngày nay. Do đó, chúng tôi cũng đã trải nghiệm được tầm quan trọng của việc thúc đẩy trao đổi lẫn nhau giữa truyền thống Latinh và các truyền thống Kitô giáo Đông phương. Sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác đã giúp các cuộc tranh luận của chúng tôi trở nên phong phú một cách sâu sắc.

Kỳ đại hội của chúng tôi diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, nơi những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng đã vọng lên một cách đau đớn trong trái tim chúng ta và khiến cho công việc của chúng tôi có một sức nặng đặc biệt, nhất là khi một số người trong chúng tôi đến từ những quốc gia nơi chiến tranh đang hoành hành. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực tàn sát, không quên tất cả những người bị cảnh nghèo và nạn tham nhũng ném vào con đường di cư nguy hiểm. Chúng tôi đã đảm bảo tình liên đới và sự dấn thân của chúng tôi cùng với những con người, nữ cũng như nam, đang làm việc với tư cách những người kiến tạo công lý và hòa bình ở mọi nơi trên thế giới.

Theo lời mời của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã dành một không gian quan trọng cho sự thinh lặng, để khuyến khích việc lắng nghe một cách tôn trọng và ước muốn hiệp thông trong Chúa Thánh Thần giữa chúng tôi. Trong buổi canh thức đại kết khai mạc, chúng ta đã cảm nghiệm được niềm khao khát hiệp nhất ngày càng lớn lên trong việc thầm lặng chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh. “Thật vậy, thập giá là ngai tòa duy nhất của Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu rỗi thế gian, đã giao phó các môn đệ của mình cho Chúa Cha, để 'tất cả nên một' (Ga 17:21). Hiệp nhất vững chắc trong niềm hy vọng mà sự phục sinh của Chúa Kitô mang lại cho chúng ta, chúng tôi đã phó thác cho Chúa Ngôi nhà chung của chúng ta, nơi mà tiếng kêu la của trái đất và của người nghèo ngày càng vang lên khẩn thiết: 'Laudate Deum!’”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại ngay từ khi bắt đầu công việc của chúng tôi.

Ngày qua ngày, chúng tôi nghe thấy lời kêu gọi cấp bách về sự hoán cải mục vụ và truyền giáo. Bởi vì ơn gọi của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, không phải bằng cách tập trung vào chính mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô hạn mà Thiên Chúa yêu thương thế giới (x. Gioan 3:16). Khi một số người được hỏi về những gì họ mong đợi từ Giáo hội nhân dịp Thượng Hội đồng lần này, vài người vô gia cư sống gần Quảng trường Thánh Phêrô đã trả lời: “Tình yêu!”. Tình yêu này phải luôn luôn là trái tim nhiệt thành của Giáo hội, tình yêu Ba Ngôi và Thánh Thể, như Đức Thánh Cha đã nhắc lại ở nửa chặng đường kỳ họp của chúng tôi, vào ngày 15 tháng 10, qua thông điệp về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chính “niềm tin tưởng” mang lại cho chúng tôi sự táo bạo và tự do nội tâm mà chúng tôi đã trải nghiệm, không ngần ngại bày tỏ những điểm hội tụ cũng như những khác biệt, những ước muốn và những thắc mắc của chúng tôi một cách tự do và khiêm tốn.

Và bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng tới, vốn tách biệt chúng tôi khỏi phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024, sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông sứ mạng được biểu thị bằng từ ngữ “sinodo” (chung một con đường). Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ. Như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta khi bắt đầu quá trình này: “Sự hiệp thông và sứ mạng có nguy cơ vẫn là những thuật ngữ hơi trừu tượng nếu Giáo hội không vun trồng sự hiệp thông và sứ mạng ấy nơi thực hành nhằm cụ thể hóa tính hiệp hành (…), thúc đẩy sự tham gia thực sự của mọi người” (ngày 9 tháng 10 năm 2021). Có nhiều thách thức và nhiều câu hỏi: báo cáo tóm tắt của kỳ đại hội đầu tiên sẽ làm rõ các điểm đã đạt được đồng thuận, nêu bật những vấn đề còn bỏ ngỏ và chỉ ra cách tiếp tục công việc.

Để tiến tới trong việc phân định của mình, Giáo hội tuyệt đối cần lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Điều này đòi hỏi một hành trình hoán cải từ phía Giáo hội, cũng là một hành trình ca ngợi: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn ” (Lc 10:21)! Đó là lắng nghe những người không có quyền lên tiếng trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, thậm chí rời khỏi Giáo hội. Đó là lắng nghe các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, đặc biệt là ở một số vùng, những người dân bản địa có nền văn hóa bị chế giễu. Trên hết, Giáo hội trong thời đại chúng ta có nhiệm vụ lắng nghe, trên tinh thần hoán cải, các nạn nhân của sự lạm dụng do các thành viên trong thân thể giáo hội gây ra, cũng như cam kết một cách cụ thể và trên bình diện cơ cấu để đảm bảo rằng điều này không xảy ra nữa. 

Giáo hội cũng cần lắng nghe giáo dân, nam cũng như nữ, tất cả những ai được kêu gọi nên thánh nhờ ơn gọi rửa tội: chứng từ của các giáo lý viên, những người trong nhiều tình huống là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng; sự đơn sơ và sinh động của trẻ em, sự nhiệt tình của giới trẻ, những câu hỏi và lời kêu gọi của họ; những giấc mơ của người già, sự khôn ngoan và ký ức của họ. Giáo hội cần lắng nghe các gia đình, những mối quan tâm của họ về giáo dục, những chứng từ Kitô giáo mà họ đưa ra trong thế giới ngày nay. Giáo hội cần phải chào đón tiếng nói của những người mong muốn được tham gia vào các sứ vụ giáo dân hoặc vào các cơ quan tham gia phân định và đưa ra quyết định.

Để tiến tới trong việc phân định hiệp hành, Giáo hội đặc biệt cần thu thập nhiều hơn nữa những lời nói và kinh nghiệm của các thừa tác viên thụ phong: các linh mục, những cộng tác viên đầu tiên của các giám mục, những người mà thừa tác vụ bí tích của họ không thể thiếu đối với đời sống của toàn thân thể giáo hội; các phó tế, qua thừa tác vụ của mình, thể hiện mối quan tâm của toàn thể Giáo hội trong việc phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất. Giáo hội cũng phải để cho mình được thách thức bởi tiếng nói ngôn sứ của đời sống thánh hiến, như người canh gác tỉnh thức trước những lời mời gọi của Chúa Thánh Thần. Và Giáo Hội cũng phải chú ý đến những người không chia sẻ đức tin với mình nhưng tìm kiếm sự thật, và nơi họ Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho “mọi người khả năng được tháp nhập, theo cách mà Thiên Chúa biết, vào mầu nhiệm Vượt Qua” (Gaudium et spes 22) vẫn hiện diện và hoạt động.

“Thế giới mà chúng ta đang sống, cũng là thế giới mà chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ ngay cả trong những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Giáo hội phải tăng cường sự hiệp lực trong mọi lĩnh vực sứ mạng của mình. Con đường hiệp hành đích thị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Chúng ta không được ngần ngại đáp lại lời kêu gọi này. Đức Trinh Nữ Maria, người đầu tiên trong cuộc hành trình, đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành hương của chúng ta. Trong niềm vui cũng như nỗi buồn, Mẹ chỉ cho chúng ta Con của Mẹ và mời gọi chúng ta tin tưởng. Chính Người, Chúa Giêsu, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!

Vatican, ngày 25 tháng 10 năm 2023

 

Chia sẻ của Đức Thánh Cha trước khi Đại hội Thượng Hội đồng công bố Thư gửi dân Chúa

 

Chia sẻ của Đức Thánh Cha trước khi Đại hội Thượng Hội đồng công bố Thư gửi dân Chúa



Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau.

Vatican News

Chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một Dân trung thành của Thiên Chúa, thánh thiện và tội lỗi, một dân tộc được kêu gọi và quy tụ bằng sức mạnh của các Mối Phúc Thật và của Tin Mừng Mátthêu chương 25. Chúa Giêsu, đối với Giáo hội của Người, đã không áp dụng bất kỳ kế hoạch chính trị nào trong thời của Người: không phải Pharisêu, cũng không phải Sađốc, cũng không phải Essenes, cũng không phải phái nhiệt thành. Không phải là “đoàn thể đóng”; nhưng chỉ đơn giản là tiếp nối truyền thống của Israel: “Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.

Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một dân tộc đơn sơ và khiêm nhường bước đi trước sự hiện diện của Chúa (Dân trung thành của Thiên Chúa). Đây là cảm thức tôn giáo về dân trung thành. Và tôi nói dân trung thành để tránh rơi vào nhiều cách tiếp cận và hệ tư tưởng làm giảm đi thực tế của Dân Chúa. Cách đơn sơ là dân trung thành, hay cũng là “dân thánh trung thành của Thiên Chúa” bước đi, thánh thiện và tội lỗi. Và Giáo Hội là như thế.

Một trong những đặc điểm của dân trung thành này là tính không thể sai lầm của họ; vâng, dân trung thành không thể sai lầm trong đức tin. (Trong đức tin họ không thể sai lầm, Lumen Gentium 9). Trong đức tin, không thể sai lầm. Và tôi giải thích điều đó như thế này: khi bạn muốn biết Mẹ Thánh Giáo Hội tin gì, hãy đến Huấn Quyền, bởi vì chính Huấn quyền là người chịu trách nhiệm giảng dạy điều đó cho bạn, nhưng khi bạn muốn biết Giáo Hội tin như thế nào, hãy đến với dân trung thành.

Một hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi: các tín hữu tụ họp ở lối vào nhà thờ chính tòa Êphêsô. Lịch sử (hoặc truyền thuyết) kể rằng dân chúng đứng hai bên đường hướng về nhà thờ trong khi các giám mục trong đoàn rước vào, và dân chúng đồng thanh lặp lại: “Mẹ Thiên Chúa”, trong khi yêu cầu Phẩm trật Giáo hội tuyên bố rằng sự thật này là tín điều mà họ đã ôm ấp với tư cách là dân Chúa (Một số người nói rằng họ có gậy trong tay và đưa cho các giám mục xem). Tôi không biết đó là lịch sử hay truyền thuyết, nhưng hình ảnh này thật có giá trị.

Dân trung thành, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, có linh hồn, và vì có thể nói về linh hồn của một dân tộc nên chúng ta có thể nói về một lối diễn giải, một cách nhìn thực tại, một lương tâm. Dân trung thành của chúng ta ý thức được phẩm giá của mình, họ rửa tội cho con cái họ, họ chôn cất những người đã chết.

Các thành viên của hàng giáo phẩm đến từ dân này và đã nhận được đức tin từ dân này, nói chung là từ mẹ và bà của họ, “mẹ của anh và bà của anh”, Thánh Phaolô nói với Ti-mô-thê như thế, một đức tin được truyền tải bằng tiếng địa phương được sử dụng bởi người nữ, giống như mẹ của anh em nhà Mác-ca-bê, người đã nói với các con của mình “bằng phương ngữ”. Và ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong số dân thánh trung thành của Thiên Chúa, thì đức tin được truyền tải bằng phương ngữ, và nói chung bằng tiếng địa phương được người nữ sử dụng. Điều này không chỉ vì Giáo hội là mẹ và chính phụ nữ là những người phản ánh điều tốt nhất (Giáo hội là nữ), mà bởi vì chính phụ nữ biết chờ đợi, biết khám phá những nguồn lực của Giáo hội, của dân trung thành, những người vượt quá giới hạn, có lẽ đầy sợ hãi nhưng can đảm, và lúc một ngày mới đang bắt đầu nửa sáng nửa tối, họ đến gần một ngôi mộ với trực giác (vẫn không hy vọng) rằng có thể có điều gì đó vẫn sống.

Phụ nữ của dân thánh trung thành của Thiên Chúa là phản ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là nữ, là hiền thê, là mẹ.

Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Và khi các tác nhân mục vụ đi theo con đường thứ hai này, thì Giáo hội trở thành siêu thị cứu độ và các linh mục trở thành nhân viên đơn thuần của một công ty đa quốc gia. Đây là sự thất bại lớn nhất mà chủ nghĩa giáo sĩ trị dẫn chúng ta đến. Và điều này gây ra nhiều nỗi buồn và cớ vấp phạm (chỉ cần đến các tiệm may đồ lễ ở Roma để xem thật là cớ vấp phạm khi các linh mục trẻ đang xúng xính thử áo chùng, mũ, áo cổ col và tua áo).

Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một xói mòn, một tai họa, một hình thức thế tục làm vấy bẩn và làm tổn thương dung mạo hiền thê của Chúa; bắt dân thánh trung thành của Chúa làm nô lệ.

Và dân Chúa, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tiến bước với lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, chịu đựng sự hoang phí, bị ngược đãi, bị loại trừ bởi chủ nghĩa giáo sĩ trị được thể chế hóa. Và thật tự nhiên khi chúng ta nói về những “ông hoàng của Giáo hội”, hay việc thăng chức giám mục như sự thăng tiến trong nghề nghiệp! Những nỗi kinh hoàng của thế giới, tinh thần thế gian ngược đãi dân thánh trung thành của Thiên Chúa.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

TIẾNG GỌI TỪ ĐẤT THÁNH GIÁO XỨ CẦN XÂY

 

TIẾNG GỌI TỪ ĐẤT THÁNH GIÁO XỨ CẦN XÂY

 

        Đất thánh giáo xứ Cần Xây trước kia là ruộng, ít vườn và chủ yếu là ao. Năm 2006 cha sở Tiền nhiệm Linh mục Nguyễn Tấn Khoa và Hội đồng mục vụ, đã trao đổi khu đất thánh cũ sát quốc lộ 91 sẽ phải di dời, để lấy phần đất này của anh Thanh làm đất thánh mới. Phần tiền chênh lệnh anh Thanh bù thêm đã được dùng cho bơm cát một khu và xây khoảng 200 kim tĩnh. Năm 2011 cha sở tiền nhiệm Mai Đức Vượng xây lễ đài và hàng rào. Cũng năm này thánh lễ đầu tiên cầu cho các đẳng vào ngày 2-11-2011 tại lễ đài mới.

        Trải qua một thời gian dài giáo xứ đã có một đất thánh khang trang dành cho những người thân yêu của chúng ta an nghỉ.

        Tuy nhiên sau 17 năm, số kim tĩnh và phần bơm cát đã chôn cất hết, mà người ra đi ngày càng nhiều. Chính vì thế, cha sở đương nhiệm PhaoLô Trần Văn Khoa cho tiến hành bơm cát và xây thêm kim tĩnh. Thời điểm hiện tại cát bơm rất đắt, dự kiến khoảng 400 triệu đồng mới chỉ là tiền bơm cát, chưa nói đến tiền xây kim tĩnh. Trong khi đó tiền đóng góp của hội viên nhà Vàng chỉ có khoảng 90 triệu nên còn thiếu khoảng 310 triệu nữa. Ngoài lời cầu nguyện xin mọi người trong giáo xứ hãy tích cực góp công góp của cho nơi an nghỉ của chúng ta tiếp tục được bồi đắp khang trang. Cũng xin các nhà hảo tâm xa gần rộng tay giúp đỡ giáo xứ nghèo của chúng tôi. Bên cạnh đó, cũng là thời cơ nhắc nhở cho những ai muốn tham gia hội nhà vàng mà chưa đóng góp xây dựng đất thánh, vì sự công bằng, hãy nhanh tay đóng góp cho ngôi nhà tương lai của mình thêm đẹp hơn. Số tiền không lớn, đầu vào là 800 ngàn, khi có ai trong hội chết góp 15 ngàn, mà quyền lợi chúng ta được hưởng là có nơi chôn cất, có xe đưa, có các dụng cụ trang bị cho đám tang, được xây nấm mồ. Bất cứ ai cũng phải đi vào con đường này. Hãy chuẩn bị ngôi nhà tương lai của chúng ta khi chúng ta còn có thể đóng góp và xây dựng được. Đừng tiếc gì vài trăm ngàn khi còn sống để khi nằm xuống người thân không phải đi van xin tìm nơi chôn cất.

    Mọi sự đóng góp và hỗ trợ xin gửi về: Linh mục Phaolô Trần Văn Khoa, cha sở Giáo xứ Cần Xây, Khóm Bình Đức 4, Phường Bình Đức, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang. 

Thiên Sinh

Kim tĩnh đã được xây


Cát được bơm vào các kim tĩnh









Cử hành Thánh Thể: Bài 3 - Cuộc rước nhập lễ

 

Cử hành Thánh Thể: Bài 3 - Cuộc rước nhập lễ

  •  
  •  


WHĐ (23.10.2023) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 3: CUỘC RƯỚC NHẬP LỄ

I. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ... (QCSL 47).

II. LỊCH SỬ

Thời Hội Thánh sơ khai và thời bị bách hại, vì nghi lễ bẻ bánh diễn ra tại các nhà tư, nên chắc chắn là không có cuộc rước nhập lễ. Chỉ khi ra đời những nhà thờ rộng lớn (basilica) từ thế kỷ thứ IV [với các lối đi cân đối dẫn vào vương cung thánh đường] thì mới nảy sinh cuộc rước nhập lễ vốn không thể thiếu trong phụng vụ Thánh lễ Chặng viếng.[1]

Có hai lý do khiến cho cuộc rước nhập lễ ngày càng khác xa với cuộc rước nhập lễ nguyên thủy trong Thánh lễ Giáo hoàng / Giám mục ngày xưa, tức là chúng trở nên đơn giản và mất dần, thường lộ trình cuộc rước chỉ còn từ phòng thánh tới cung thánh. [i] Thứ nhất, khi Thánh lễ dần dần liên kết với cử hành Phụng vụ Giờ kinh mà các giáo sĩ tề tựu để đọc; [ii] Thứ hai, vào thời Trung cổ, khi thay đổi vị trí phòng thánh [vốn chứa các lễ phục trong đó (phòng áo)] từ khu vực ở cuối thánh đường sang gần phía đầu cung thánh.[2]

Ngày nay, cuộc rước nhập lễ đã được phục hồi như sau:

- Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây: [a] Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương; [b]Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ; [c] Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác; [d] Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài đọc, nâng cao lên một chút; [e] Vị chủ tế,  nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết (QCSL 120).

- Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh chủ tế (QCSL 172).

III. Ý NGHĨA

Cuộc rước nhập lễ báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Cuộc rước này nhắc nhở chúng ta về chiều kích lữ hành của cuộc sống. Đó là biểu tượng chúng ta đang cùng nhau bước trên một hành trình thánh như: [i] Hành trình của dân Israel tiến bước trong sa mạc dưới sự hướng dẫn của Môsê, Giôsuê… để tìm về đất hứa (x. Ex 19,4); và rồi trong hành trình này, Thiên Chúa đã ban man-na làm lương thực nuôi dưỡng họ; [ii] Hành trình bước theo Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đi lên Giêrusalem; hơn nữa còn vượt qua thế giới này để đi đến với Đấng mà Người gọi là ‘Áp-ba’ (Abba), Cha ơi!;[3] [iii] Là hành trình của “Dân Chúa đang tiến vào Nhà Chúa.”[4] 

Khi vị chủ tế từ bên ngoài đi vào giữa những người đang quy tụ để cử hành phụng vụ, bấy giờ cộng đồng trong Đức Kitô sẽ được thiết lập một cách đầy đủ như một dấu chỉ thay thế cho một Hội Thánh rộng lớn hơn và cho toàn thể nhân loại. Biểu tượng phụng vụ này của cộng đồng sẽ được hoàn tất vào lúc giải tán cuối Thánh lễ khi những anh chị em tham dự Thánh lễ được sai đi len lỏi vào trong thế giới để tiếp tục thi hành sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh là quy tụ tất cả mọi người trở thành một Thân Mình Đức Kitô (Dt 13,12-14).[5]

Đi đầu đoàn rước cũng có thể là thừa tác viên cầm bình hương nghi ngút khói [nếu hương được sử dụng] hầu nhắc chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian như Ngài ngự trong đền thờ Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới của giao ước mới: Xh 13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL 117, 120).[6]

Sách Tin Mừng sau khi rước vào trong cung thánh sẽ được đặt trên bàn thờ nhằm diễn tả sự hợp nhất của hai biểu tượng hàng đầu của Chúa Kitô, tức Lời Chúa và Thánh Thể: Lời của Ngài qua dấu chỉ Sách Tin Mừng và Mình của Ngài qua dấu chỉ bàn thờ (x. QCSL 122, 173, 195; GLCG 1382); đây cũng là hai đối tượng được linh mục và phó tế hôn kính (x. NTTL 1, 16; QCSL 273).[7]  

IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

1) Nên tổ chức thường xuyên những cuộc rước đầu lễ long trọng vào ngày Chúa nhật và những dịp lễ lớn (QCSL 120-21).[8]

2) Nên nhớ rằng tiếng hát của con người mới thuộc về “thần thánh” và cao trọng hơn mọi nhạc cụ trần gian (x. Tra le Sollecitudini, no. 16; x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc [= MVTN], 44, 47). Vậy, (i) có thể diễn tấu riêng với đại phong cầm hoặc các nhạc cụ khác trước khi nhập lễ. Đoàn rước không di chuyển khi đang diễn tấu (MVTN 47); (ii) trống, trắc không chuyển tải được lời, nên chỉ sử dụng khi tập họp cộng đoàn, trước khi đi rước; (ii) kèn thổi khi đường rước xa, nhưng phải ngưng khi đoàn rước tiến tới cửa nhà thờ và phải thổi theo bài thánh ca được chuẩn nhận;[9] (iii) phải tránh trường hợp đoàn đồng tế đã tới cung thánh rồi mà ca đoàn / cộng đoàn vẫn chưa hát ca nhập lễ (x. QCSL 44, 121, 139).[10]

3) Người giúp lễ phải xin chủ sự bỏ hương vào bình hương trước khi cuộc rước bắt đầu (QCSL 120; LNGM 127).

4) Đi đầu đoàn rước có thể là thừa tác viên cầm bình hương chủ động xông hương bằng cách lắc bình hương bên hông phải của mình theo hướng trước và sau cho khói bay nghi ngút[11] biểu tượng cho lời cầu nguyện của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian như Ngài ngự trong đền thờ Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới của giao ước mới: Xh 13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL 117, 120).[12]

5) Nếu không có đủ số người giúp lễ, đoàn rước [đơn giản] có thể được dẫn đầu bởi 2 người giúp lễ cầm nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ.[13]

6) Chỉ rước Sách Tin Mừng [do phó tế / linh mục đồng tế / thầy giúp lễ mang] chứ không phải Sách Bài đọc và vị trí của người mang Sách Tin Mừng là ở ngay trước các vị có chức thánh. Tại Việt Nam, giáo dân không được dự trù để mang Sách Tin Mừng trong nghi thức này (x. QCSL 120d, 172, 194, 117, 210; LNGM 128).[14]

7) Cuộc rước phải hướng về Chúa Kitô chứ không về bất cứ ai khác. Vì vậy, chủ tế / các linh mục đồng tế phải tránh vẫy tay chào ai đó đang khi đi rước như thể các ngài là nhân vật nổi tiếng đang bước đi giữa một đám đông đầy thán phục mình. Lúc này, mọi người phải lo chăm chú ca hát chứ không phải hành động như thế.[15]

8) Khi tới gần bàn thờ, những ai trong đoàn rước không mang gì thì sẽ cúi sâu chào bàn thờ; còn những người đang cầm vật gì thì chỉ cúi đầu (x. NTTL 1; QCSL 49, 274).[16]

9) Thừa tác viên mang Sách Tin Mừng không cúi chào bàn thờ nhưng đi thẳng lên bàn thờ, cung kính đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. LNGM 129); sau đó phó tế / vị đồng tế cầm Sách Tin Mừng mới hôn lên bàn thờ để tỏ lòng kính trọng và yêu mến Đức Kitô xét vì bàn thờ không chỉ là bàn tiệc Thánh Thể mà còn là dấu chỉ của chính Chúa Kitô, Đấng là đá tảng và nền móng của chúng ta (x. NTTL 1; QCSL 49, 120d, 173, 195).[17]

10) Chủ tế phải hôn kính bàn thờ trước rồi mới xông hương sau chứ không làm ngược lại vì các bản văn hướng dẫn của Hội Thánh đều ghi theo trình tự đó hầu cho thấy hôn kính bàn thờ là hành động phải làm trong mọi Thánh lễ, còn xông hương chỉ là hành động tùy nghi hay phụ thêm (x. NTTL 1; QCSL 49, 123, 276; LNGM 131).