LINH MỤC GIÁO PHẬN TĨNH TÂM NĂM: NGÀY THỨ 3
(KHIÊM HẠ & GƯƠNG THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU)
Mở đầu ngày Tĩnh tâm thứ 3 trong tuần Tĩnh tâm Năm, anh em linh mục cùng nhau đọc Kinh Thần vụ buổi sáng và nguyện gẫm 30 phút với để tài Con tim người mục tử - Con tim của lòng thương xót.
Khởi đi từ đề tài nguyện gẫm vào sáng hôm qua, Cha Đại diện Micae tiếp tục giúp anh em nhìn lại hành trình cuộc đời và ơn gọi linh mục của mình xem trái tim của mình có giống trái tim đầy lòng thương của Chúa Giesu hay không. Qua bài suy gẫm này, Cha Micae mời goi anh em xin cho mình được ơn biến đổi để trở thành con tim của lòng thương xót.
Cha Micae nêu lên câu hỏi quan trọng cần linh mục trả lời: Con tim của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu có những đặc điểm nào? Xin thưa: có 3 đặc điểm sau đây:
1. Một con tim bồn chồn, lo âu đi tìm con chiên lạc.
Để tìm con chiên lạc, có khi ông phải ra khỏi ngôi nhà quen thuộc, tìm đến những nơi rất xa lạ, để nói chuyện, để thuyết phục và an ủi; có lúc, ông phải quỳ gối thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, tranh đấu với Chúa cho con chiên lạc này.
Con tim của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu luôn rộng mở, không khép kín để bảo vệ những dễ chịu của riêng mình; trái lại, luôn sẵn sàng dù bị làm phiền. Con tìm rộng mở đó cũng là một con tim hi sinh đến quên mình mà không lo lắng bảo toàn danh thơm tiếng tốt của minh, không bảo toàn sự binh yên giả tạo bên ngoài, mà sẵn lòng dấn thân dù bị hiểu lầm, bị chỉ trích, vu cáo như Chúa Giêsu. Ông sẵn sàng chịu hiểm nguy để noi gương Chúa. Ông cũng không dấn thân nửa với, 60% hoặc 70%, nhưng là 100 %. Một mục tử không dám liều hiểm nguy thì không thể tìm thấy con chiên lạc. Ông không bỏ cuộc vì thất vọng, cũng không nản lòng vì mệt nhọc; mà luôn kiên trì trong điều lành ông đang làm.
*Chúng ta có thể tự hỏi: tôi có quan tâm đến những con chiên đi làm ăn xa vì sinh kế xem họ sống đạo thế nào và làm ăn ra sao không? Tôi có săn sóc những con chiên khô khan, nguội lạnh, lạc hướng, bỏ đạo không? … Hay tôi dửng dưng, lạnh lùng bỏ mặc họ?
2. Một con tim yêu thương hết tình, muốn hội nhập tất cả.
Linh mục của Đức Kitô cũng phải giống như Chúa: ngài được xức dầu để lo cho đàn chiên, chứ không phải để chọn lựa và thực hiện những chương trình của mình; ngài phải gần gũi, lo cho đàn chiên mà Chúa và Giáo hội đã trao phó cho ngài. Không một ai bị loại trừ khỏi con tim của ngài.
Một mục tử nhân lành không bao giờ dùng bao tay, là lối sống xa cách, dửng dưng của một viên chức hành chánh. Con tim của người mục tử nhân lành đích thực luôn rộng mở, biết đón nhận và hội nhập mọi người vào cộng đoàn của mình; không một ai bị bỏ rơi, bị loại trừ khỏi con tim giầu lòng thương xót của ngài.
*Chúng ta có thể tự hỏi: tôi có nhiệt tình đón tiếp và đi đến với mọi người, nhất là những người bê trễ, bỏ đạo và những người chưa biết Chúa không? Tôi có tìm mọi cách để đưa những con chiên ngoài đàn vào đàn chiên của Chúa không?
3. Một con tim hớn hở, vui mừng tìm thấy con chiên lạc
Niềm vui của Chúa Giêsu, người Mục tử nhân lành không phải là niềm vui ích kỷ, cho riêng mình, mà là niềm vui vì người khác và với người khác, một niềm vui đích thực của tình yêu. Đó cũng phải là niềm vui của linh mục chúng ta. *Chúng ta có thể tự hỏi: từ trước tới nay, niềm vui của người mục tử là chúng ta phát xuất từ đâu và niềm vui đó là về điều gì?
Xét mình, chúng ta thấy còn rất nhiều thiếu sót> những đặc điểm của con tim người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu mà ĐGH Phanxicô nói tới hình như còn xa lạ với chúng ta vì con tim của chúng ta còn nhiều điểm chưa giống với con tim của người mục tử nhân lành đích thực.
Tuy nhiên, chúng ta đừng nản lòng bỏ cuộc. Chỉ cần ý thức và hiểu rõ để bắt đầu lại. Không có thời điểm nào là chậm trễ để lại bắt đầu đổi mới chính mình.
Sau giờ nguyện gẫm, Quý Đức cha và quý cha cùng nhau hiệp dâng thánh lễ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Đức Cha Giuse Giảng phòng kêu mời linh mục phải là dấu chỉ cho sự hiêp nhất trong giáo xứ, giáo phận và xã hội.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, dựa vào bài Tin mừng ngày thứ tư sau CN 34 TN, Đức cha nhấn mạnh đến ý tưởng Làm chứng cho thầy. Hãy dùng mọi cơ hội để làm chứng cho Chúa dù có bị bách hại. Có rất nhiều tấm tấm gương đã chết để làm chứng cho Chúa. Họ đã kiên trì trong đức tin. Nhìn vào đời sống và sự phát triển của giáo phận Long Xuyên, ta thấy những hoa trái có được như ngày nay là do công khó của nhiều tiền nhân đã chịu, đã hy sinh và làm chứng. Qua chủ đế này, Đức cha Giảng phòng nhấn mạnh với anh em linh mục rằng: Linh mục phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Đời ta không thiếu những thách đố. Tuy nhiên, ta có quá nặng nề về các sai phạm trong đời sống linh mục không? Ta sống giản dị hay giàu có và có gắn bó với nhiều thứ không? Ta có nói lời gây chia rẽ, mất tinh hiệp thông không? Ta có bỏ mồi bắt bóng không? Hãy biết biến đổi đời ta để làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Bước vào đề tài cầu nguyện thứ 4, Đức cha Giảng phòng chia sẻ và giúp anh em cầu nguyện với chủ đề Khiêm hạ.
Bài 4
KHIÊM HẠ
Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11
“1 Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. 7 Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: 8 Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, 9 và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. 10 Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. 11 Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Một câu ngạn ngữ nói: “Sự kiêu căng làm cho con người trở nên trần trụi, còn sự khiêm nhường làm cho người ta trở nên giàu có”. Một linh mục kiêu căng, ai cũng ghét. Một linh mục khiêm tốn, ai cũng thương. Để chinh phục người khác về với Chúa, linh mục phải vun trồng các đức tính khiêm nhường và từ bi đối với tất cả mọi người. Khiêm nhường để ý thức rằng mình đã được Thiên Chúa chạm đến trước. Từ bi để sống niềm vui cứu độ thâm sâu mà Chúa đã ban tặng cho mình và trao ban niềm vui ấy cho người khác.
1. CHÚA CHÚNG TA LÀ ĐẤNG KHIÊM HẠ
Sự thường, ở đời ai cũng muốn quyền cao chức trọng, ai cũng muốn đạt tới những chiếc ghế chức quyền, chức tước. Các Tông đồ cũng thế mà thôi. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện bà mẹ xin cho hai con mình là Gioan và Giacôbê được ngồi bên tả, bên hữu Chúa (Mt 20, 20). Hôm nay, trang tin mừng thuật lại Đức Giêsu được mời tới dự tiệc tại nhà một người Pharisêu. Trong bối cảnh nhiều người muốn tìm chổ ngồi cao trọng, Chúa Giêsu đã kể cho họ dụ ngôn nói về thái độ khiêm nhường và sự quảng đại không tính toán. Bài học khiêm nhường, đó cũng là bài học quan trọng cho đời sứ vụ.
Mẫu gương trước hết và trên hết mà chúng ta được mời gọi nhìn ngắm là mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người. Thánh Phao lô đã họa lại trọn vẹn mẫu gương khiêm hạ ấy trong thư gởi tín hữu Philípphê, chương 2, 6-11:
6 Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
"Đức Giêsu Kitô là Chúa".
Nhờ sự khiêm hạ của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, ban cho Giáo Hội ơn cứu độ vĩnh cữu. Khiêm tốn hạ mình trong phục vụ, đó cũng là điều kiện đòi buộc khi chúng ta dõi bước theo Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 43-45)
Chúng ta cũng có thể học bài học ấy qua gương của hai vị Giáo Hoàng: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.
2. MẪU GƯƠNG KHIÊM HẠ CỦA HAI VỊ GIÁO HOÀNG
Ngày 19 tháng 4 năm 2005, trong lần đầu ra mắt các tín hữu, sau khi được bầu Giáo Hoàng, Đức Biển Đức XVI nói: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”.
Ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Biển đức còn cho thấy lòng khiêm nhường tuyệt đối của ngài. Khi ngài cảm thấy sức khỏe không cho phép ngài tiếp tục sứ vụ thánh Phêrô, ngài đã khiêm nhường can đảm từ chức để đi vào đời sống cầu nguyện. Chúng ta hãy lắng nghe nguyên văn những lời ngài ngỏ với các Hồng y và Giám mục:
“Anh em rất thân mến,
Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về ba cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được uỷ thác cho tôi do tay các hồng y ngày 19.4.2005, để từ ngày 28.2.2013 sắp tới, Toà Rôma, Toà Thánh Phêrô sẽ trống toà từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật nghị Hồng y để bầu vị Giáo Hoàng mới."
"Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quý mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu, xin Mẹ trợ giúp các hồng y trong việc bầu vị Giáo hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện."
Sau khi được bầu Giáo Hoàng, Đức Phanxicô gọi điện thoại cho Đức Biển Đức, và ngay lập tức, Đức Biển Đức thưa: “Trọng kính Đức Thánh Cha, bắt đầu từ bây giờ, con hứa hoàn toàn vâng phục và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha”. Chỉ những lời ngắn ngủi nhưng bày tỏ lòng khiêm nhượng của ngài, trong tâm tình vâng phục, yêu mến và cầu nguyện cho đấng kế vị thánh Phêrô.
Với Đức Phanxicô, ngày 13 tháng 3 năm 2013, cử chỉ đầu tiên của ngài trong tư cách Giáo Hoàng không phải là ban phép lành cho đám đông khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrô nhưng là xin mọi người cầu nguyện để xin Chúa chúc lành cho ngài. Đưc Tân Giáo Hoàng nói như sau:
“Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới có được cảm nhận sâu sắc về tình huynh đệ. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ khởi đầu hành trình hôm nay, với sự cộng tác của Đức Hồng y đại diện, để mang lại hoa trái truyền giáo cho thành Rôma mỹ lệ này. Và bây giờ tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước hết tôi xin anh chị em một điều. Trước khi Giám mục Rôma ban phép lành cho dân chúng, tôi xin anh chị em cầu nguyện để Chúa chúc lành cho tôi – lời cầu nguyện của dân Chúa dành cho vị mục tử của mình. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện của anh chị em dành cho tôi trong thinh lặng”.
Sau đó, ngài cúi mình trong thinh lặng. Một lát sau, ngài giơ tay ban phép lành cho dân chúng. Lời nói và cử chỉ của vị tân Giáo Hoàng đã khiến mọi người hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô hôm ấy vỗ tay không dứt.
Ngài còn bày tỏ lòng khiêm hạ và khó nghèo, khi chỉ vài ngày sau khi đăng quang, ngài từ chối căn hộ giáo hoàng tại Dinh Tông tòa đồ sộ và chọn căn phòng đơn sơ tại nhà khách thánh Marta, nằm bên cạnh đền thờ thánh Phêrô.
3. BÀI HỌC KHIÊM TỐN CHO CHÚNG TA
3.1. KHIÊM NHƯỜNG LÀ CHÌA KHÓA CHO ĐỜI SỐNG CHUNG
Thánh Phêrô cũng dạy: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5-7).
Trong thánh lễ sáng ngày 24 Tháng Giêng năm 2014 tại Nhà nguyện thánh Marta, Đức Phanxicô nói:“Người Kitô hữu phải luôn luôn xây những nhịp cầu đối thoại với người khác, chứ không là những bức tường cay đắng. Họ được mời gọi luôn lắng nghe người khác và tìm kiếm con đường hòa giải, với lòng hiền lành và khiêm nhường, giống như Con Thiên Chúa dạy cho chúng ta”.
Trong Sách gương phúc chúng ta cũng thấy những lời dạy thấm thía sau: “Biết lỗi mà khiêm hạ, sẽ dễ làm vừa ý người khác và làm họ nguôi cơn giận mà không phải tốn kém gì. Thiên Chúa chở che và giải thoát người khiêm tốn; âu yếm và an ủi họ; Người tuôn đổ trên họ những ơn đặc biệt... Người khiêm hạ, dẫu phải nhục nhã, vẫn được bình an, vì họ không cậy dựa vào người đời mà chỉ tin tưởng vào Chúa”.
3.2. NGƯỜI KHIÊM TỐN TÌM VINH QUANG THIÊN CHÚA
Trong sách Huấn Ca, có những lời như sau: “17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. 18 Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường... Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. 29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe” (Hc 3, 17-18.29).
Một người kia có 2 chiếc thùng lớn để gánh nước. Một trong hai chiếc thùng ấy bị thủng, rò một lỗ nhỏ, vì thế, khi gánh từ giếng về nhà, nước trong thùng chỉ còn được một nửa. Chiếc thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc thùng bị thủng thì cứ luôn bị áy náy cắn rứt vì đã không chu toàn nhiệm vụ.
Một ngày kia, chiếc thùng bị thủng mới thưa với ông chủ: “Tôi thật sự xấu hổ về mình, tôi muốn xin lỗi ông !” Ông chủ ngạc nhiên hỏi lại: “Nhưng ngươi xấu hổ về chuyện gì cơ chứ ?” Chiếc thùng buồn bã trả lời: “Chỉ vì cái lỗ thủng trên thân tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông !”
Đến đây thì ông chủ ôn tồn bảo: “Không đâu, ngươi cứ yên tâm. Mỗi khi đi từ giếng về nhà, ngươi hãy chú ý nhìn xem những luống hoa bên vệ đường…”
Quả thật, dọc theo bên đường là những luống hoa thật rực rỡ. Chiếc thùng bị thủng cảm thấy vui vẻ hơn được một lúc, nhưng rồi về đến nhà, nó vẫn chỉ còn được một nửa thùng nước. Chiếc thùng lại thấy ân hận: “Tôi xin lỗi ông!”
Ông chủ lại hỏi: “Ơ hay, thế ngươi không nhận ra rằng hoa chỉ mọc ở bên này đường, phía của ngươi thôi sao ? Ta đã biết được cái lỗ thủng của ngươi và ta đã tận dụng nó. Ta đã gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi, và trong những năm qua, chính ngươi không ngờ mình đã vun tưới cho chúng được tươi tốt. Ta đã hái những đóa hoa để trang hoàng cho căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà của ta đâu có được ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu!”
Câu chuyện ấy giúp chúng ta hiểu được rằng, dẫu chúng ta yếu đuối bất toàn, nhưng khi chúng ta khiêm nhường cộng tác với ơn Chúa, ngoan ngoãn vâng theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, đời chúng ta chắc chắn sẽ trổ sinh hoa trái thiêng liêng. Là linh mục, khi khiêm tốn thi hành trách nhiệm mục vụ, với tư cách là thầy dạy Lời Chúa, thừa tác viên các bí tích và là người lãnh đạo cộng đoàn, chúng ta sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho đoàn dân được trao cho chúng ta chăm sóc.
3.3. KHIÊM TỐN VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC
Vâng phục là một nhân đức quan trọng hàng đầu, gắn liền với tinh thần khiêm tốn, hay đúng hơn gắn liền với đức ái. Trong hy tế thập giá, Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2, 8). Đó là hiến lễ yêu thương và tự hủy. Tác giả thư Do Thái cũng viết: “Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8). Như vậy, sự vâng phục Chúa Cha nằm ở tâm điểm Chức Linh Mục của Đức Kitô.
Cũng vậy, sự vâng phục của linh mục diễn tả thái độ khiêm tốn và vui vẻ thi hành thánh ý, trong tâm tình yêu mến Chúa và yêu thương Hội Thánh của Người. Sách Gương Phúc viết: “Nhiều người vâng lời vì bất đắc dĩ hơn là vì yêu mến; những người ấy khổ tâm và hay kêu ca lắm! Bao lâu họ chưa biết phục tùng vì lòng mến Chúa, lòng trí họ sẽ không được thong dong thực. Dù đi đâu, ở đâu, bạn cũng sẽ không được yên trí, bao lâu bạn chưa biết khiêm nhường phục tùng một đấng bề trên”.
Việc vâng phục bề trên, vừa diễn tả hành vi tự do đích thực, vừa thể hiện tình hiệp thông yêu thương, vừa bày tỏ sự trưởng thành và sống các nhân đức kitô giáo một cách trọn hảo. Vì vậy, nếu không có những ngăn trở hợp lệ, linh mục phải sẵn sàng đón nhận và trung thành chu toàn nhiệm vụ do Bản quyền giao phó.
Chính đức bác ái mục vụ thôi thúc linh mục hy sinh ý riêng mình, sẵn sàng đón nhận và chu toàn bất cứ công việc hay chức vụ nào được bề trên trao phó, dù cao cả hay thấp kém, dù cao sang hay nghèo hèn, để duy trì sự hiệp nhất với mọi người trong thừa tác vụ và cộng tác vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô nơi trần gian. Như thế, hành vi vâng lời và tùng phục bao hàm cả ba yếu tố: lý trí, tâm hồn và hành động. Lý trí giúp chúng ta phân định và đón nhận mọi sự việc, mọi biến cố với tinh thần trách nhiệm và tự do; Tâm hồn chúng ta sẽ tràn đầy lòng thương cảm và yêu mến; Cuối cùng, chúng ta thực hiện sứ vụ mục tử với lòng quảng đại, nhiệt thành và trung tín bền bỉ, chỉ vì Danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn.
GỢI Ý SUY TƯ – CẦU NGUYỆN
Sách Gương Phúc dạy: “Nếu con biết tự hạ và tự diệt, nếu con bỏ được hẳn óc tự cao mà chỉ coi mình là bụi tro như con đáng, thì ơn Chúa sẽ giúp con, ánh sáng Chúa sẽ soi tận đáy lòng con, và mọi ý tưởng cao ngạo, dù có bé nhỏ mấy, cũng sẽ không còn nữa trong cõi lòng hư vô của con. Lúc đó, Chúa sẽ cho con hiểu rõ về con, thấy rõ hiện tại, quá khứ và tương lai của con… Tự sức riêng, con chỉ là hư vô và thấp hèn. Nhưng nếu được Chúa đoái thương, con sẽ trở nên nhiệt thành và tràn đầy sinh lực”. Hãy nhìn lại mình để đừng cố chấp trong bóng tối, trong cao ngạo, trong tự ái…, và hãy xin Chúa cho bạn biết thắng vượt chính mình, can đảm đi vào con đường hẹp, con đường khiêm nhu và tự hạ, con đường hy sinh phục vụ.
Lạy Chúa,
Xin cho con khiêm tốn mở lòng ra,
để đón nhận ân sủng Chúa ban mỗi ngày.
Xin cho con biết lắng nghe
và vâng theo tiếng Chúa Thánh Thần,
nhờ tỉnh thức và cầu nguyện
nhờ chay tịnh và khiêm hạ
nhờ hy sinh và nhiệt thành phục vụ.
Xin cho con mỗi ngày được lớn lên trong tình yêu Chúa
Và chỉ tín thác vào một mình Chúa mà thôi. Amen.
Giờ triển khai bài Tu đức sau đó, Đức cha Giuse Giáo phận trình bày chủ đề ĐỊNH VỊ VÀ ĐỊNH HƯỚNG. Ngài nói đến các Linh mục cần định hướng và định vị đời sống của mình qua những dấu chỉ thời đại và của bản thân. Ví dụ các dấu chỉ dưới đây:
- Đó là các dấu chỉ xẩy ra trên thế giới: (*) Dấu chỉ từ cuộc chiến giữa Nga và Ucraina, (*) cuộc chiến giữa Israel và Hamas, (*) sự tranh chấp tại Biển Đông, (*) Sự suy thoái kinh tế toàn cầu…
- Đó là dấu chỉ từ trong nội bộ Giáo hội Toàn cầu: (*) Dấu chỉ từ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới với chủ đề: Hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ; (*) Dấu chỉ từ khủng hoảng của giáo hội, về tình trạng lạm dụng trong giáo hội, đặc biệt là lạm dụng tính dục của các linh mục và tu sĩ;
- Đó là dấu chỉ từ sinh hoạt của liên hiệp hội đồng giám mục Á Châu: (*) Dấu chỉ từ Liên hiệp hội đồng giám mục Á Châu với chủ đề “Cùng bước đi với các dân tộc của Á Châu – đi con đường khác” để hiện diện và thi hành sứ vụ của Chúa Kitô tại Á Châu;
- Đó là dấu chỉ từ Giáo hội Việt Nam: (*) Đường hướng mục vụ về Hiệp Hành cho 3 năm 2022-2025, mà năm 2024 tập trung vào Tham Gia với chủ để “Thúc đẩy Tham gia Đời sống Giáo hội”; (*) Bản thoả thuận ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam với nhiều triển vọng trong tương lai về sự hiệp thông và về sứ vụ.
- Đó là dấu chỉ từ những sự kiện đang xẩy ra trong giáo phận Long Xuyên: (*) Thồng kê năm 2023: 9 giáo hạt, 153 giáo xứ, 30 giáo họ biệt lập, 36 giáo họ trực thuộc, 26 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 16 điểm đất cho tương lai, với trên 230 ngàn tín hữu, 352 linh mục (301 triều + 51 đòng), trên 500 tu sĩ nam nữ, 121 chủng sinh, trên 124 dự tu sinh viên (Tiền chủng viện và đại học), trên 500 dự tu học sinh cấp III và cấp II, cùng với ĐĐMVGX là trên 800, Giáo lý viên trên 1300, Huynh trưởng TNTT trên 4.500, và Thừa tác viên ngoại lệ cho Rước lễ trên 700. (*) Chuẩn vị cho nhiệm kỳ mới của cơ cấu tổ chức trong giáo phận; (*) Chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thành lập giáo phận.
- Đó là dấu chỉ từ những sự kiện đang xẩy ra trong cộng đồng xã hội địa phương, với khoảng 4.7 triệu dân cư đang sống trên địa bàn của giáo phận. Một địa phương đang phải đối phó với tình trạng di dân đến các khu công nghiệm và phố thị vì kinh tế. Một giáo phận có địa điểm du lịch TP Phú Quốc nổi tiếng, thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước, với nhiều thời cơ và nguy cơ, cho những sinh hoạt của xã hội cũng như của giáo hội.
Những dấu chỉ từ cuộc sống của bản thân là các dấu chỉ của từng lứa tuổi như thanh niên, trung niên và lão niên. Mỗi lứa tuổi sẽ có những cơ hội và thách đố đối với đời sống linh mục.
Buổi chiều, sau giờ Kinh trưa, Đức cha Giảng phòng tiếp tục giúp anh em suy tư và cầu nguyện với đề tài: Gương Thánh Teresa Hài Đồng Giesu.
Bài 5
GƯƠNG THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Lời Chúa: Mt 18, 1-5
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5 Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
Sáng Chúa nhật 19 tháng 10 năm 1997, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm Tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nhân trở thành vị nữ Tiến sĩ thứ 3 của Giáo Hội và là vị trẻ nhất, chỉ mới 24 tuổi, trong số 33 vị Tiến sĩ của Hội Thánh. Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Khi tuyên bố một vị nào là Tiến sĩ Hội Thánh, Huấn quyền của Giáo Hội muốn giới thiệu với tất cả các tín hữu, đặc biệt là những người thi hành sứ vụ rao giảng trong Giáo Hội hoặc những người thi hành công tác nghiên cứu và giảng dạy thần học, rằng đạo lý được một người tuyên xưng và rao giảng có thể là một điểm tham chiếu, không những vì đạo lý ấy phù hợp với chân lý mạc khải, nhưng còn vì đạo lý ấy mang lại ánh sáng mới cho các mầu nhiệm đức tin, một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô”.
Năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-2023), chúng ta suy niệm đôi chút về linh đạo thiêng liêng thánh nữ để lại để xin Chúa cho chúng ta biết hoàn toàn phó thác cậy trông vào Chúa, làm mọi sự chỉ vì yêu mến và làm đẹp lòng Chúa và vì ích lợi các linh hồn.
1. LINH ĐẠO TÌNH YÊU NHỎ BÉ
Linh đạo tình yêu nhỏ bé của thánh Têrêsa giúp chúng ta khám phá ra điều này là: “không phải chúng ta làm được gì nhiều cho Chúa, nhưng là chính Chúa làm tất cả cho chúng ta. Không phải Thiên Chúa hạnh phúc vì có được ta, mà ta hạnh phúc vì có Chúa”.
Con hạnh phúc vì con có Chúa
Chúa cùng con tiến bước trên đời
Mặc cho sóng gió, biển khơi
Mặc cho nhiều lúc đường đời bất an
Đời có Chúa, ngập tràn sức sống
Con vững tâm, hy vọng, tin yêu
Đời con nên thánh sáng chiều
Nẻo đường trần thế thương yêu một lòng.
Có như thế, chúng ta mới hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18, 4). Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là tự hạ và ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ân cần nép mình trong tay Chúa nhân lành và để Chúa hành động. Bước theo Chúa Giêsu trên con đường thơ ấu là đón nhận hơi thở của Thánh Linh để sống theo Tin Mừng Chúa Kitô. Đó là điều quan trọng bậc nhất trong đời linh mục, để có thể cùng với người khác, tiến bước trên nẻo đường hiệp hành nên thánh.
Chợt nhớ câu chuyện một đứa bé muốn cạy cục đá trên đường nhưng làm đủ cách cũng không sao làm cho cục đá suy suyển. Ba cậu mới hỏi: “Con đã dùng hết cách chưa?” Đứa bé đáp cách thất vọng: “Con đã thử hết cách rồi!” “Có thực con đã dùng hết cách chưa? Con chưa nhờ ba giúp mà!”.
Cũng nhớ câu chuyện thánh Têrêsa kể: “Hồi ấy, khi cha đi đâu về, bao giờ con cũng chạy ra đón, rồi ngồi lên giầy cha. Cha cứ để con ngồi vậy mà bước đi khắp cả nhà, ra cả vườn, đi mãi đến bao giờ con muốn thôi mới thôi. Một lần me trông thấy phì cười và kêu cha chiều con quá. Cha trả lời : – Khốn nó là Công chúa, biết sao được”.
Xin cho những ngày tháng trong đời linh mục, chúng ta biết ân cần nép mình trong tay Chúa mà vun trồng một lối sống thiêng liêng đích thực, để đón nhận ân sủng Chúa ban qua từng biến cố, từng giây phút đời mình với lòng tín thác vào Chúa ngày càng sâu xa hơn. Nẻo đường phục vụ của chúng ta phải là nẻo đường của “tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), là nẻo đường của những tiếng “xin vâng” (x. Lc 1, 38) đan kết thành đời dâng hiến, là nẻo đường dõi theo Chúa Thánh Thần, chuyên cần suy niệm Lời Chúa và cử hành các bí tích... Nhờ đó, từng ngày sống của chúng ta trên đường sứ vụ, sẽ vẽ nên dung mạo đầy yêu thương của Đức Kitô, Đấng đến để cho chúng ta được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).
2. CỘNG TÁC VỚI ƠN CHÚA
Nẻo đường thơ ấu thiêng liêng không có nghĩa là ỷ mình bé thơ rồi giao hết để cho Chúa làm, còn mình không làm gì. Mà ngược lại, chúng ta phải cố gắng làm mọi việc, với hết khả năng của chúng ta, vì lòng yêu mến Chúa, làm để đẹp lòng Chúa. Muốn được như thế, cần phải nhớ ba điều: 1) Lắng nghe Lời Chúa; 2) Sống kết hiệp mật thiết với Chúa; 3) Hết lòng yêu mến Giáo Hội. Đó là bổn phận và trọng trách của sứ vụ linh mục mà chúng ta đã lãnh nhận.
Chúng ta hãy nghe một vài câu chuyện của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu:
“Có lần Ba trèo lên đầu thang, còn con đứng ngay dưới chân, Ba kêu lên : “Xê ra cưng, không có Ba ngã qụy thì chết bẹp”. Ba nói thế, khiến con chạnh lòng : thay vì đứng dịch ra, con lại sát lấy chân thang, vì nghi bụng “Nếu Ba ngã, mình sẽ chết theo Ba, để khỏi đau đớn trông thấy ba chết !”. Con không thể nói được con yêu Ba chừng nào, con cảm phục Ba mọi đàng …
Câu chuyện ấy, chẳng những giúp chúng ta hiểu rằng sự cộng tác của chúng ta, dẫu bé nhỏ, vẫn rất cần thiết để đời linh mục mới trổ sinh hoa trái tốt lành, mà còn sẵn sàng đón nhận thánh giá để nên thánh từng ngày.
“Một hôm chị Léonie nghĩ mình lớn rồi, không chơi búp bê nữa, nên bưng lại cho chúng con một rổ đầy áo và vải đẹp để may áo: con búp bê nằm trên trốc, chị bảo chúng con: “Chị cho các em đấy, em nào muốn lấy gì thì chọn đi”.
Céline thò tay lấy một hộp đựng vải mầu, con suy nghĩ một lát rồi giơ tay, nói: “Em chọn tất!”
Thế là con bưng cả rổ. Ai cũng cho thế là phải, và chị Céline có phàn nàn gì đâu (vả lại chị thiếu chi đồ chơi. Cha đỡ đầu (Ông Vital Romet, bạn thân của ông Martin, cho chị quà lu bù và chị muốn gì mà vú Louise chả cho).
Cử chỉ ngây thơ ấy gói ghém tất cả đời con; sau này khi bước chân vào đàng trọn lành, con hiểu rằng : muốn nên thánh thì phải chịu đau khổ nhiều, phải luôn luôn tìm sự trọn hảo nhất và phải quên mình ; con biết đường thánh thiện có nhiều bậc và mỗi linh hồn được tự do theo tiếng gọi của Chúa để phục vụ Ngài nhiều hay ít, nói tắt một lời là chọn những hy sinh Chúa muốn. Bởi vậy bây giờ cũng như ngày còn bé, con thưa với Chúa rằng : “Lạy Chúa, con chọn tất”. Con không muốn làm Thánh nửa vời, con không sợ phải đau khổ vì Chúa, con chỉ sợ một điều là không bỏ được ý riêng con, xin Chúa hãy nhận lấy ý riêng con, vì “con chọn tất” cả những gì Chúa muốn!…”.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương thánh Têrêsa mà chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, sống kết hiệp với Chúa và tha thiết yêu mến Giáo Hội trong từng phút giây của cuộc đời. Xin cho đời tu trì của chúng ta luôn nở hoa ân sủng khi biết hoàn toàn quên mình, sống trọn lành và sẵn lòng hy sinh vì Chúa và vì các linh hồn.
3. MỘT TRÁI TIM CHO NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI
Têrêsa có còn tình yêu đặc biệt đối với những người tội lỗi, ngay cả trước khi vào dòng. Khi được 14 tuổi, Têrêsa hay tin anh Henri Pranzini, một tội nhân bị kết án tử hình vì giết 3 mạng người, nhưng điều làm Têrêsa đau khổ là anh không chịu xưng tội và tỏ dấu ăn ăn hối cải. Têrêsa biết mình chẳng làm được gì, nhưng cậy nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu và công phúc của Hội Thánh, Têrêsa hết sức cầu nguyện, hy sinh và xin lễ cho anh. Thế rồi vào giờ chót trước khi lên máy chém, vị linh mục đưa thánh giá cho anh, anh đã cầm lấy và hôn ba lần.
Sau khi vào dòng, Têrêsa đã dâng hiến đời mình cho các tội nhân. Thánh nữ cầu nguyện: “Xin Chúa cho con được nghiền nát vì cảm thương các tội nhân, vì các linh hồn chung quanh con”, và thánh nữ hy sinh đời mình vì danh Chúa và vì ích lợi các linh hồn, đến nỗi cuối đời khi đang hấp hối, chị nói: “Chén đắng đã đầy miệng rồi. Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ tới mức này… con chỉ có thể hiểu rằng con chịu được là bởi lòng con rất thiết tha với phần rỗi các linh hồn”.
Xin cho chúng ta cũng có lòng thương xót đối với các linh hồn, nhất là với các tội nhân. Đó là sự cao cả của sứ vụ linh mục. Bước đường chúng ta đi sẽ không thiếu những thử thách nhưng phải là nẻo đường vì danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn. Đó là lẽ sống và cũng là niềm hạnh phúc của chúng ta: hạnh phúc trong chọn lựa hiến thân; hạnh phúc với những thánh lễ sáng chiều; hạnh phúc trong niềm vui phục vụ; hạnh phúc cả khi thân xác mỏi mệt, rã rời…
4. ƠN GỌI CỦA CON LÀ TÌNH YÊU
“Trong lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”. Đó là câu di ngôn nổi tiếng của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, và cũng tóm kết toàn bộ cuộc đời trần thế của thánh nữ. Vì tình yêu Chúa và vì các linh hồn, thánh nữ khao khát làm được thật nhiều, nhưng bất lực vì mình chỉ là một linh hồn nhỏ bé, bất toàn. Cuối cùng, nhờ ơn Chúa soi sáng qua chương 13 thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô, thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi đích thực đời mình là yêu mến.
“Sau cùng, con đã tìm được sự yên nghỉ. Đức yêu mến ban cho con chìa khoá của ơn gọi mình. Con hiểu rằng nếu Hội thánh là một thân thể họp bởi nhiều chi thể khác nhau, thì nhất định không thể thiếu chi thể cần thiết nhất, cao quí nhất. Con hiểu rằng Hội thánh có một trái tim và trái tim ấy cháy lửa yêu mến. Con hiểu rằng chỉ lòng yêu mến mới làm cho những chi thể ấy hoạt động; và nếu lòng yêu mến ấy tắt đi, các tông đồ sẽ không còn loan báo Tin mừng, các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu. Con hiểu rằng lòng yêu mến bao gồm hết mọi ơn gọi, lòng yêu mến là tất cả, lòng yêu mến ôm lấy được mọi thời đại và mọi nơi chốn, bởi vì nó thường hằng!” – “Thế là, vui sướng ngây ngất đến tận cùng, con đã reo lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con! Sau cùng, con đã tìm được! Ơn gọi của con, chính là tình yêu! Vâng, con đã tìm được chỗ của mình trong lòng Hội thánh, và chỗ ấy, ôi Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con: Trong lòng Hội thánh là mẹ con, con sẽ là tình yêu!… Như thế, con sẽ là tất cả, và như thế, ước mơ của con đã thành hiện thực!”
Chúng ta hãy lắng nghe một câu chuyện nhỏ:
Có hai người kia yêu nhau tha thiết và cuối cùng họ lấy nhau. Ngày đưa dâu mẹ cô gái ngậm ngùi tiễn con và nói: “Con về nhà chồng bên kia đại dương mẹ không còn ở bên con mà chăm sóc dạy bảo cho con được. Từ nay gia đình chồng là gia đình con. Cha mẹ chồng là cha mẹ con. Các em chồng là các em của con. Con cố gắng sống trọn đạo làm con, vẹn nghĩa với chồng. Mẹ không có gì để cho con làm của hồi môn nhưng mẹ chỉ có một lọ thuốc thần. Gia đình ta đã truyền lại từ bao đời. Giờ đến lượt mẹ trao cho con. Sau này con trao lại cho con của con, rồi đến các cháu chắt. Con hãy nhớ: làm gì cũng phải cho một chút dược thảo quý giá này”.
Cô gái nghẹn ngào cầm lấy chiếc lọ nhỏ trên có đề vài chữ “Dược thảo bí mật” rồi nắm bàn tay gầy guộc của mẹ già xin vâng lời mẹ dạy và từ giã mẹ về nhà chồng.
Nghe lời mẹ làm gì cô gái cũng thêm vào một chút thứ dược thảo quý giá ấy. Ông chồng cũng cho đó là việc của hai mẹ con và nhiều năm không tò mò xem trong lọ có thứ gì. Cuộc sống gia đình cũng không luôn xuôi chèo mát mái nhưng cũng có lúc đá thúng đụng nia, mặt xưng mày sa. Cũng có lúc chồng một góc vợ một góc, cả nhà nặng nề. Nhưng thời gian trôi qua gia đình ấy vẫn êm ấm. Cô gái trẻ ngày nào bây giờ đã trở nên một bà già tóc bạc. Chàng trai cường tráng ngày nào giờ nên một ông lão lưng cong.
Một ngày nọ bà lão bệnh nặng và phải nằm nhà thương. Trong bệnh viện chồng và con cháu quây quần chung quanh. Đến chiều bà lão mới nói: “Thôi bây giờ ông về nhà mà nghĩ. Ở đây đã có các con. Hôm nay tôi không đi chợ nấu ăn cho ông được thì ông lấy đồ còn trong tủ lạnh hâm lại hãy ăn. Ông phải giữ gìn sức khoẻ kẻo bệnh nữa thì khốn”.
Ông lão nghe lời vợ trở về nhà lấy cơm canh hâm lại ăn. Nhưng hôm nay sao lạ: cơm thì nhạt thếch, rời rã, canh thì chẳng vừa miệng. Mọi lần có như thế bao giờ đâu. Ông nghĩ: “Có lẽ mấy hôm nay vợ mình trở bệnh nầu đồ ăn quên bỏ thứ dược phẩm mẹ vợ đã trao lại từ xưa. Sẵn hôm nay không có vợ ở nhà lấy ra xem rồi cho một chút vào ăn cho ngon”.
Thế là ông lão hì hục lấy ghế, trèo lên và lục lọi khắp các ngõ ngách của tủ đựng đồ trong bếp. Cuối cùng ông tìm thấy chiếc lọ cũ kỹ ngày xưa với hàng chữ đã phai màu: “Dược thảo bí mật”. Chiếc lọ nhẹ tênh. Ông nghĩ: “Ơ hay, mình nhớ ngày xưa mẹ vợ dặn là dùng rồi truyền lại cho con cho cháu nữa mà! Chẳng lẽ vợ mình hoang phí xài hết rồi sao” Ông dốc ngược bình: Không có gì hết. Ông lắc thì nghe có tiếng lạo xạo bên trong. Thì ra bên trong có một mẩu giấy nhỏ.
Tò mò ông tìm cách gặp cho bằng được tờ giấy. Mở ra ông đọc được những hàng chữ mà bà mẹ vợ viết nay đã phai mờ theo thời gian: “Marthe, khi làm gì con hãy thêm vào một chút tình yêu. Đó là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Ông lão chợt hiểu tất cả. Từ bao lâu nay gia đình ông êm ấm là nhờ bí quyết này đây, thế mà ông vô tình đến lúc cuối đời mới khám phá ra tấm lòng của vợ. Ông xuống ghế, ngồi vào bàn ăn và ăn cơm tối. Vẫn những hạt cơm khô khốc, nhạt thếch như trước, vẫn món canh chẳng vừa miệng lúc nãy nhưng ông lại thấy ngon hơn bao giờ hết. Nước mắt ông chảy dài khi nghĩ đến tấm lòng của vợ đối với gia đình bấy lâu và ông lẩm bẩm: “Bà ơi, từ nay cho đến khi chết, làm gì tôi cũng thêm vào một chút tình yêu”.
Nếu chúng ta học được bài học yêu mến của thánh nữ Têrêsa, nếu chúng ta thêm vào một chút tình yêu trong từng ngày sống của cuộc đời, thì dẫu cho nắng chiều thời gian có ngả bóng, mùa xuân ân phúc vẫn cứ về. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, hoa quả tình yêu ấy sẽ đem lại cả khoảng trời bình an. Có như thế, đời linh mục, dù ngắn hay dài, dù chỉ một ngày cũng là thời gian ân phúc. Sứ vụ linh mục là sứ vụ yêu thương. Hãy ngắm nhìn thánh Têrêsa mà học bài học yêu thương cho đời nên thánh.
Yêu thương mở rộng trời ân phúc
Đời tu nên thánh, Chúa mỉm cười
GỢI Ý SUY TƯ – CẦU NGUYỆN
Thánh Têrêsa nói: “Xin nhớ rằng không có điều gì là nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa. Hãy làm mọi việc với tình yêu”. Một lần nữa, xin cho chúng ta biết làm mọi việc với lòng tin tưởng cậy trông và hãy làm tất cả vì tình yêu: vì yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn.
Lạy Thiên Chúa của con,
lạy Ba Ngôi vinh phúc,
Con khát khao yêu mến Chúa
và làm cho người ta yêu mến Chúa.
Con khát khao làm việc cho Hội thánh được vinh hiển…
Con khát khao chu toàn ý Chúa cách hoàn hảo
và đạt tới mức độ vinh quang
mà Chúa đã dọn sẵn cho con trong Nước Chúa:
Tắt một lời, con khát khao nên thánh,
nhưng con tự cảm thấy mình bất lực,
nên lạy Chúa, con cầu xin Chúa,
chính Chúa hãy là sự thánh thiện của con…
Khi cuộc sống về chiều,
con sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng:
bởi lẽ, lạy Chúa,
con không xin Chúa đếm những việc con làm…
Trước mắt Chúa, mọi sự công chính của chúng con
đều đầy tì vết!
Cho nên con muốn được
mặc lấy sự công chính của chính Chúa,
và muốn tình yêu Chúa cho con
đuợc ơn chiếm hữu chính Chúa đến muôn đời.
Con không muốn ngai toà nào khác
cũng chẳng muốn triều thiên nào khác ngoài chính Chúa,
ôi lạy Đấng lòng con mến yêu. Amen.
Buổi tối, anh em lại cùng nhau Chầu Thánh Thể để lắng đọng và nhìn nhìn lại một ngày tĩnh tâm vừa qua.
Cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương và ban cho chúng con được sống bình an bên Chúa và chia sẻ những buồn vui với nhau qua một ngày tĩnh tâm nữa. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng con một đêm bình an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét