Dòng Thánh Gia: Thánh lễ Truyền chức Linh mục
Thánh lễ truyền chức Linh mục được Đức Giám mục cử hành lúc 9g00 thứ năm ngày 25/01/2024 tại Tu viện dòng Thánh Gia, Long Xuyên.
Thánh lễ truyền chức Linh mục được Đức Giám mục cử hành lúc 9g00 thứ năm ngày 25/01/2024 tại Tu viện dòng Thánh Gia, Long Xuyên.
Vatican News
Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam tại Dinh Tông toà. Sau đó phái đoàn đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc phụ khanh Toà Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Gallagher tiếp tại Phủ Quốc vụ khanh.
Sau đó, bên lề hội nghị tại Phòng Báo chí Toà Thánh nhân kỷ niệm 200 năm ngày qua đời của Đức Hồng Y Ettore Consalvi, chính Ngoại trưởng Toà Thánh đã tường thuật chi tiết cuộc gặp gỡ.
Trước hết, ngài đánh giá đó là một cuộc gặp gỡ tích cực, bày tỏ hy vọng rằng cộng đoàn Công giáo sẽ có thể hưởng lợi từ điều này, điều mà từ quan điểm ngoại giao, là một bước tiến xa hơn trong quan hệ song phương, bên cạnh những kết quả quan trọng khác đã đạt được.
Đáng chú ý là thoả thuận vào tháng 12/2023 về việc bổ nhiệm Đại diện Tòa Thánh Thường trú tại Việt Nam, Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore. Thoả thuận này được ký kết vào tháng 7 trước đó nhân chuyến viếng thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở phiên họp thứ mười của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Toà Thánh vào ngày 31/3 tại Roma.
Ngoại trưởng Toà Thánh cho biết ngài sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư, và Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, Đức Tổng Giám Mục giải thích “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc từng bước một”, và nói rằng ngài lạc quan về khả năng chuyến viếng thăm trong tương lai của Đức Thánh Cha: “Tôi nghĩ chuyến viếng thăm sẽ diễn ra. Nhưng có vài bước cần thực hiện trước khi điều này thích hợp. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi, chắc chắn cộng đoàn Công giáo rất muốn ngài viếng thăm và điều này sẽ là một thông điệp rất tốt đẹp cho tất cả khu vực. Thực tế, Việt Nam là một đất nước quan trọng, một loại phép màu kinh tế trong nhiều khía cạnh”.
Vatican News
Sống tốt thời gian ân sủng
Đức Thánh Cha nói với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, những tháng tới sẽ dẫn chúng ta đến việc mở Cửa Thánh, và với sự kiện này chúng ta sẽ bắt đầu Năm Thánh. Tôi xin anh chị em gia tăng lời cầu nguyện để chuẩn bị cho chúng ta sống tốt thời gian ân sủng này và cảm nghiệm được sức mạnh của niềm hy vọng của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Cầu Nguyện”.
Ngài giải thích thêm rằng đây sẽ là “một năm dành cho việc tái khám phá giá trị to lớn và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống của Giáo hội và trên thế giới”.
Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng Bộ Loan báo Tin Mừng sẽ chuẩn bị tài liệu để hỗ trợ việc cử hành Năm này.
Các sáng kiến của các Giáo phận trên thế giới
Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, các Giáo phận được mời gọi cổ võ những giây phút cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn. Đề xuất này là “các cuộc hành hương cầu nguyện” hướng tới Năm Thánh hoặc các khóa học cầu nguyện với các giai đoạn hàng tháng hoặc hàng tuần, do các giám mục chủ trì, trong đó tất cả Dân Chúa đều tham gia.
Tài liệu của Bộ Loan báo Tin Mừng
Để giúp sống Năm Cầu nguyện cách tốt hơn, Bộ Loan báo Tin Mừng sẽ xuất bản tập sách về “Các Điểm về cầu nguyện”, nhằm đặt mối quan hệ sâu sắc với Chúa trở lại trung tâm, thông qua nhiều hình thức cầu nguyện được suy gẫm trong truyền thống Công giáo phong phú. Thứ Ba ngày 23/1/2024, tại Phòng Báo chí của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, người đứng đầu Phân bộ về các Vấn đề Cơ bản về Truyền giáo trên Thế giới, thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng, và Đức ông Graham Bell, Phó Tổng Thư ký của Bộ, sẽ trình bày về loạt bài này cũng như toàn bộ Năm Cầu nguyện.
Vatican News
Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, cộng đoàn cùng lắng nghe đoạn sách trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi cho Timôthêô (1 Tm 6,8-10):
Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Tham lam là căn bệnh của tâm hồn
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các thói xấu và các nhân đức và hôm nay chúng ta nói về sự tham lam, tức là về hình thức gắn bó với tiền bạc khiến con người không thể rộng lượng quảng đại.
Đó không phải là thứ tội chỉ liên quan đến những người sở hữu tài sản to lớn, nhưng là một tội lỗi gián tiếp, thường không liên quan gì đến số tiền trong tài khoản của mình. Đó là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền.
Sự tích lũy bệnh hoạn
Các phân tích được các thánh ẩn sĩ trong sa mạc thực hiện về thói xấu này đã cho thấy rõ rằng tính tham lam cũng có thể làm chủ các tu sĩ; sau khi đã từ bỏ những tài sản thừa kế to lớn, đơn độc trong căn phòng, họ đã trở nên gắn chặt với những đồ vật ít giá trị: họ không cho mượn, không chia sẻ chúng, càng không sẵn sàng cho đi. Những đồ vật đó đã trở thành một thứ họ tôn thờ và họ không thể dứt ra được. Một kiểu hồi tưởng về thời trẻ thơ, nắm chặt lấy đồ chơi và lặp đi lặp lại: “Của tôi! Nó là của tôi!”. Sự bám chặt như thế lấy mất đi tự do. Trong tuyên bố này ẩn chứa một mối quan hệ không lành mạnh với thực tế, điều có thể dẫn đến các hình thức bị thúc đẩy chiếm hữu hoặc tích lũy bệnh hoạn.
Của cải không thể theo ta vào quan tài
Để chữa lành căn bệnh này, các đan sĩ đã đề xuất một phương pháp quyết liệt nhưng rất hiệu quả: suy niệm về sự chết. Dù một người có tích lũy của cải trên đời này bao nhiêu đi chăng nữa, có một điều chúng ta hoàn toàn chắc chắn: chúng sẽ không theo ta vào quan tài. Chúng ta không thể mang của cải theo mình. Điều này bộc lộ sự vô nghĩa của thói xấu này. Mối ràng buộc sở hữu mà chúng ta xây dựng bằng vật chất chỉ là bề ngoài, bởi vì chúng ta không phải là chủ nhân của thế giới: trái đất mà chúng ta yêu quý này thực ra không phải của chúng ta, và chúng ta di chuyển trên đó như những ngoại kiều và những người hành hương (xem Lv 25,23).
Lý do của lòng tham: muốn xua tan nỗi sợ chết
Những suy tư đơn giản này giúp chúng ta hiểu được sự điên rồ của lòng tham nhưng cũng là lý do được che dấu nhất của nó. Đó là một nỗ lực để xua tan nỗi sợ chết: tìm kiếm những điều chắc chắn mà trên thực tế sẽ sụp đổ ngay khi chúng ta nắm bắt được chúng. Anh chị em hãy nhớ câu chuyện ngụ ngôn về người khờ dại, có cánh đồng sinh được một mùa màng bội thu, và sau đó ông chìm đắm trong suy nghĩ về việc làm thế nào để mở rộng nhà kho của mình để chứa toàn bộ những gì thu hoạch được. Người đàn ông đó đã tính toán mọi thứ, lên kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, ông vẫn chưa xem xét yếu tố chắc chắn biến đổi nhất của cuộc sống: đó là cái chết. Tin Mừng nói: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời
Trong những trường hợp khác, chính những kẻ trộm có lợi cho chúng ta. Họ cũng xuất hiện cả trong Tin Mừng rất nhiều lần và, mặc dù hành động của họ đáng chê trách, nhưng nó có thể trở thành một lời cảnh báo hữu ích. Chúa Giêsu rao giảng như thế trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20). Cũng trong những câu chuyện của các bậc tu hành trong sa mạc có kể câu chuyện về một tên trộm đã đến bất ngờ khi vị đan sĩ đang ngủ và đánh cắp một ít tài sản mà ông cất giữ trong phòng. Khi thức dậy, không hề băn khoăn về những gì đã xảy ra, vị đan sĩ bắt đầu lần theo dấu vết của tên trộm và khi tìm thấy hắn, thay vì đòi lại đồ ăn trộm, ông đưa cho hắn vài thứ còn lại và nói: “Anh quên lấy những thứ này!”.
Đức Kitô vốn giàu có nhưng vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó
Chúng ta có thể là chủ nhân của những thứ chúng ta sở hữu, nhưng điều ngược lại thường xảy ra: cuối cùng chúng sở hữu chúng ta. Một số người giàu có không còn tự do, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, họ phải cảnh giác vì việc tích lũy của cải cũng cần có sự bảo vệ của họ. Họ luôn lo lắng vì một gia sản được xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi nhưng có thể biến mất chỉ trong chốc lát. Họ quên lời rao giảng của Phúc Âm; Phúc Âm không cho rằng sự giàu có tự bản thân nó là tội lỗi, nhưng chắc chắn đó là một trách nhiệm. Thiên Chúa không nghèo: Người là Chúa của mọi sự, tuy nhiên - Thánh Phaolô viết – “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ sự nghèo khó của Người mà anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).
Hãy quảng đại
Đây là điều mà kẻ keo kiệt không hiểu được. Thay vì có thể là nguồn phúc lành cho nhiều người, ngược lại, họ lại rơi vào ngõ cụt của bất hạnh. Và cuộc đời của một người keo kiệt thật tồi tệ. Tôi nhớ trường hợp của một người đàn ông tôi gặp ở giáo phận kia, một người rất giàu và có người mẹ bị bệnh. Ông đã có gia đình. Các anh em thay phiên nhau chăm sóc mẹ; bà ăn một ly sữa chua vào mỗi buổi sáng. Người đàn ông này cho bà ăn một nửa vào buổi sáng và nửa còn lại vào buổi chiều và tiết kiệm được một nửa. Đây là thói keo kiệt, đây là cách bám víu vào của cải. Sau đó, người đàn ông này qua đời, và những người đến dự buổi cầu nguyện nhận xét: “Nhưng, chúng ta có thể thấy rằng người đàn ông này chẳng có gì trên người cả: ông đã bỏ lại đàng sau mọi thứ”. Sau đó, họ nói cách hơi giễu cợt: “Không, không, người ta không thể đóng quan tài vì ông muốn mang theo mình mọi thứ”. Và điều này khiến người khác cười nhạo, tính tham lam keo kiệt: cuối cùng, chúng ta phải dâng thân xác, linh hồn của mình cho Chúa và chúng ta phải bỏ lại tất cả. Chúng ta hãy cẩn thận và quảng đại: quảng đại với mọi người và quảng đại với những người cần chúng ta nhất. Xin cảm ơn.
Vào cuối buổi tiếp kiến, trong lời chào các tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn không dính bén với của cải vật chất, không tích lũy của cải dưới đất này nhưng là ở trên trời, và xin ân sủng để gắn bó với điều tốt đích thực duy nhất, đó là tình yêu của Người và tình yêu dành cho anh chị em chúng ta.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Khi được một người bạn hỏi về khả năng chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc, linh mục và là nhà thần học Jean-Miguel Garrigue trả lời anh ta: vấn đề không phải là chúc lành cho một “mối dây” hôn nhân giả, mà là cầu xin Thiên Chúa thanh tẩy một mối quan hệ được mời gọi phát triển hướng tới đức ái của Thiên Chúa.
Bạn thân mến, về văn bản huấn quyền Fiducia supplicans đang làm bạn băn khoăn, bạn viết cho tôi: “Điều làm tôi khó chịu ở đây tất nhiên không phải là chúc lành cho các cá nhân… mà là chúc lành cho thực thể vợ chồng.” Và bạn nói thêm: “Đối với tôi, ơn cứu độ là mang tính cá nhân.” Về điều này, tôi trả lời: chắc chắn nó mang tính cá nhân, nhưng không thuần túy mang tính cá nhân, bởi vì nhân vị là một hữu thể tương quan, trên bình diện nhân học cũng như trên bình diện vô cùng sâu sắc của sự hiệp thông của các thánh. Tại sao Giáo hội lại phải cấm chúc lành, không phải sự kết hợp đồng tính luyến ái như thế, mà là mối quan hệ của hai người muốn cùng nhau, cho điều tồi tệ nhất (sự bất quy tắc của sự kết hợp của họ) mà còn cho cả điều tốt nhất, tiến tới tình yêu đức ái, tức là hướng về Thiên Chúa?
Thanh tẩy một mối quan hệ
Tất cả những người chăm sóc và các linh mục chúng tôi đã chăm sóc các bệnh nhân SIDA, vào thời điểm bệnh SIDA đang giết chết một cách không thương xót, có thể làm chứng cho rất nhiều trường hợp một trong hai người bạn đời đã chăm sóc người kia với sự tận tụy đáng ngưỡng mộ cho đến khi người kia qua đời. Một trong số họ nói với tôi rằng anh ấy đã trải qua “những khoảnh khắc tình yêu đẹp nhất của họ” với người bạn đời của mình, người mà giờ đây mọi quan hệ tình dục là không thể được. Đây không phải là vấn đề chúc lành cho một mối dây hôn nhân giả, và đó là lý do tại sao bản văn yêu cầu việc chúc lành này không sử dụng nghi thức phụng vụ hôn nhân và nó không có mối liên hệ nào với hôn nhân dân sự. Tuy nhiên, vấn đề là cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa cho tương lai của một mối quan hệ, mặc dù ở trong “hoàn cảnh bất quy tắc”, có thể được thanh tẩy và phát triển hướng tới đức ái của Thiên Chúa bằng cách ngày càng trở nên hiến dâng hơn. Như Tông huấn Amoris laetitia nói ở số 305:
“Có thể rằng, trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan – vốn không thể quy tội một cách chủ quan hoặc không hoàn toàn như vậy – người ta có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa, người ta có thể yêu thương, và người ta cũng có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và trong đức ái, bằng cách nhận được sự giúp đỡ của Giáo hội vì mục đích này. Sự phân định phải giúp tìm ra những con đường khả thi để đáp lại Thiên Chúa và tăng trưởng giữa những giới hạn. Khi nghĩ rằng mọi thứ đều là đen hoặc trắng, đôi khi chúng ta khép lại con đường ân sủng và tăng trưởng, và chúng ta làm nản lòng những con đường thánh hóa vốn tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng “một bước nhỏ, giữa những giới hạn to lớn của con người, có thể được Thiên Chúa đánh giá cao hơn cuộc sống bề ngoài đúng đắn của một người trải qua những ngày tháng của mình mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào” (Evangelii gaudium, 44).”
Sự lệch hướng của ” tutioriste* ” (đại xác cách thuyết)
Thái độ mà người ta gọi trong thần học luân lý là “tutioriste” (“an toàn nhất vì cứng rắn nhất”, thánh Augustinô đã từng than thở) bị ám ảnh bởi chiều kích giáo dục mà các hành xử chính thức của Giáo hội trước hết phải có đối với nó. Cho đến Công đồng Vatican II, Giáo hội cấm việc chôn cất theo Kitô giáo đối với những người tự tử và vào thế kỷ XVII cấm chôn cất theo Kitô giáo những người viết kịch như Molière. Trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội muốn chúng ta tránh hòa giải, qua việc đền tội, với những người đã tuyên bố bỏ đạo trong cuộc bách hại (lapsi). Cứ mỗi lần như thế, Giáo hội lo sợ lòng thương xót của Giáo hội bị lạm dụng, có nguy cơ biến Giáo hội thành “một Giáo hội của những người trong sạch” thay vì “chiếc lưới trộn lẫn” này (Mt 13, 47-48) mà Chúa Kitô đã nói đến.
Tuyên ngôn Fiducia supplicans cũng đề phòng: không chúc lành trong phụng vụ và không liên kết với hôn nhân dân sự. Tuy nhiên, văn bản huấn quyền mới này vẫn là một bước tiến mới trên con đường của một Giáo hội trên hết phải là chứng nhân cho Lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng phải tất cả chúng ta đều gặp phải, giữa những người thân yêu hoặc bạn bè của mình, những trường hợp, trong lĩnh vực tình dục và trong lĩnh vực trao ban sự sống, trong đó chúng ta đã không muốn thấy luật luân lý được áp dụng một cách khắc nghiệt nhất sao? Chính luật luân lý đó mà chúng ta đòi hỏi có tính giáo dục khi nói đến người khác?
Sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần
Đừng để bạn gặp rắc rối bởi những nghi ngờ được chắt lọc bởi một số phương tiện truyền thông, Đức Phanxicô là người kế vị Thánh Phêrô đứng đầu Giáo hội Rôma vì lợi ích của toàn thể Giáo hội Công giáo. Những khuyết điểm cá nhân của ngài không thể cản trở sự trợ giúp mà huấn quyền giáo thuyết của ngài (khác với vai trò thẩm phán và cai trị của ngài) nhận được từ Chúa Thánh Thần theo lời hứa của Chúa Kitô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy [của Thầy chứ không phải của anh] ” (Mt 16, 18). Đó là điều phải xây dựng đức tin của bạn vào Chúa vững chắc hơn rất nhiều những sự nhạy cảm và ý kiến khác nhau của chúng ta.
_____________________
Lm Jean-Miguel Garrigues, OP (Aleteia)
Tý Linh chuyển ngữ
Nguồn: xuanbichvietnam.net
Chúng ta đã có thể tránh được những phản ứng bất bình của các Hội đồng giám mục như ta đang chứng kiến hiện nay” (GM Jose Ignacio Munilla of Oribuela-Alicante).
Ngày 18/12/2023, Đức hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, ra Tuyên bố Fiducia supplicans (FS) về Ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành. Hơn hai tuần sau, ngày 04/01/2024, ngài lại ra Thông cáo báo chí nhằm làm sáng tỏ nội dung FS. So sánh hai bản văn, có thể thấy nhiều điều đáng tiếc.
Đáng tiếc vì Fiducia supplicans là một tài liệu chưa đủ độ chín. Khi công bố tài liệu này, Đức hồng y Fernandez khẳng định: “những điều được nói trong Tuyên bố này về việc chúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn các linh mục trong việc phân định thận trọng và đầy tình phụ tử về vấn đề này, do đó không phải trông chờ câu trả lời nào khác về những cách thức có thể, nhằm điều chỉnh những chi tiết hay việc thực hành liên quan đến việc chúc lành này”.
Thế nhưng trong thực tế, ngay sau khi FS được công bố, đã có rất nhiều phản ứng trái chiều từ các Hội đồng giám mục cũng như các cá nhân Giám mục, như chính Đức hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét: “Tài liệu này đã gây nên những phản ứng rất mạnh, điều đó có nghĩa là Tài liệu đã chạm đến một điều rất tế nhị và nhạy cảm; cần phải được nghiên cứu kỹ hơn”. Chính vì thế, chỉ hơn hai tuần sau khi công bố FS, Đức hồng y Bộ trưởng lại phải ra Thông cáo báo chí, trong đó có những điều không chỉ để làm sáng tỏ nhưng nghe như là “sửa sai”!
Xin lấy một ví dụ cụ thể. Thông cáo báo chí viết: “Vì một vài người nêu câu hỏi về việc chúc lành này cụ thể ra sao, chúng ta hãy nhìn một ví dụ cụ thể. Hãy tưởng tượng trong số đông khách hành hương có một cặp đã ly dị, rồi tái hôn, đến nói với linh mục: Xin cha chúc lành cho chúng con, chúng con không có việc làm, ông ấy lại rất yếu, chúng con không có nhà ở và đời sống thật khó khăn. Xin Chúa cứu giúp chúng con. Trong trường hợp này, vị linh mục có thể đọc một lời cầu nguyện đơn sơ như: ‘Lạy Chúa, xin nhìn đến những người con của Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, việc làm, bình an và giúp đỡ lẫn nhau. Xin giải thoát họ khỏi tất cả những gì đi ngược lại Tin Mừng của Chúa và giúp họ sống theo thánh ý Chúa. Amen’. Rồi kết thúc lời nguyện bằng việc ghi dấu Thánh giá trên mỗi người.”
Nếu so sánh ví dụ cụ thể này với FS, có thể thấy ít nhất hai khác biệt: (1) lời cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi những gì đi ngược lại Tin Mừng, nghĩa là nhìn nhận rằng họ đang sống không đúng Tin Mừng và xin cho họ có ơn hoán cải; (2) làm dấu Thánh giá trên từng người thay vì chúc lành cả hai một lúc. Cả hai điều này đều không có trong FS, và đây chính là điều nhiều Giám mục lên tiếng phê phán. Trong Thông cáo báo chí, Đức hồng y Fernandez cũng nói thêm rằng việc áp dụng FS “tùy thuộc vào bối cảnh địa phương và sự phân định của mỗi Giám mục trong Giáo phận”. Tất cả đều cho thấy FS là tài liệu chưa đủ độ chín.
Cùng với nhận xét về Tài liệu chưa đủ độ chín là câu hỏi về tính hiệp hành. Suốt hai năm nay, cả Hội Thánh được mời gọi suy nghĩ và sống tính hiệp hành, vậy FS có phải là hoa trái của hiệp hành và lắng nghe không? Bộ Giáo lý đức tin có tham khảo ý kiến của các Hội đồng giám mục trước khi ban hành tài liệu không? Một Giám mục Tây Ban Nha kêu lên: “Đây là vấn đề nhạy cảm và được tranh cãi nhiều, điều đáng ngạc nhiên là người ta lại không tiến hành theo cách thức hiệp hành, theo như Giáo hội học của Công đồng Vaticano II. Chúng ta đã có thể tránh được những phản ứng bất bình của các Hội đồng giám mục như ta đang chứng kiến hiện nay” (GM Jose Ignacio Munilla of Oribuela-Alicante).
Ngoài ra phải nói đến mối tương quan giữa giáo thuyết và mục vụ. FS khẳng định là Tuyên bố này vẫn bám chắc vào giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân. Trong Thông cáo báo chí cũng thế, Đức hồng y Bộ trưởng tiếp tục khẳng định sự trung thành với giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, và mong muốn không ai cho FS là “rối đạo, đi ngược với Truyền thống của Hội Thánh hoặc phạm thượng”.
Thực ra, hầu hết các Giám mục đều nhìn nhận FS vẫn trung thành với giáo lý truyền thống của Hội Thánh về hôn nhân, nhưng vấn đề không chỉ là giáo thuyết đúng (ortho-doxy) mà còn là thực hành đúng (ortho-praxis), để việc thực hành không gây hoang mang, hiểu lầm trong Dân Chúa. Chẳng hạn để biện minh cho việc chúc lành các cặp đồng tính, trước đây Hồng y Fernandez trả lời: chúc lành cho cặp đôi (couple) chứ không chúc lành sự kết hợp của họ (union)! Nghe có vẻ hay nhưng không đủ sức thuyết phục vì thực tế là: có thể nói đến một cặp đôi đồng tính mà lại không hiểu ngầm về sự kết hợp, quan hệ tình dục của họ chăng? Một Giám mục đã nói thẳng: “Chúc lành một cặp đôi thì cũng giống như chúc lành sự kết hợp của cặp đôi ấy. Về lý luận cũng như trong thực tế, không có cách nào để tách biệt điều này với điều kia. Tại sao họ lại cùng nhau đến xin phép lành chứ không đến riêng lẻ từng người?” (GM Escudero, Peru).
Mong rằng những điều đáng tiếc như thế sẽ không tái diễn trong những tài liệu khác của vị Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin.
Vatican News
Năm 1624, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII đã giao cho kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini thiết kế và xây dựng mái che lớn phía trên bàn thờ tuyên xưng đức tin, nơi có phần mộ Thánh Phêrô. Bernini cùng với sự cộng tác của Borromini đã mất chín năm để hoàn thành công trình nặng 63 tấn và cao 28,74 mét, tương đương với một toà nhà 10 tầng.
Ông Pietro Zander, người phụ trách về di sản nghệ thuật và khảo cổ của Đền thờ giải thích rằng, một đợt kiểm tra ban đầu cho thấy công trình vĩ đại bằng đồng và vàng này đang bị xuống cấp và bề mặt bị bao phủ bởi một màu tối cần phải làm sạch, nguyên nhân một phần do số người viếng thăm Đền thờ mỗi ngày quá đông làm thay đổi vi khí hậu. Mỗi ngày Đền thờ đón tiếp khoảng 50.000 người.
Dự án phục hồi và bảo tồn bắt đầu vào ngày 12/02, sẽ mất khoảng 4 tuần để lắp đặt giàn giáo. Công việc dự kiến sẽ hoàn thành trước khi Năm Thánh 2025 được bắt đầu.
Dự án trị giá 700.000 euro được Hội Hiệp sĩ Columbus tài trợ, và được thực hiện bởi các chuyên gia phục chế nghệ thuật của Viện Bảo tàng Vatican.
Có mặt tại buổi họp báo, Hiệp sĩ Patrick Kelly, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Columbus cho biết đây là một trong những dự án lớn nhất trong các dự án mà Hội đã tài trợ cho Vatican trong 40 năm qua.
Về các cử hành trong thời gian trùng tu, Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ cho biết các cử hành phụng vụ do Đức Thánh Cha chủ sự vẫn diễn ra bình thường.
Việc trùng tu Đền thờ Thánh Phêrô là một trong nhiều dự án xây dựng và trùng tu đang diễn ra khắp Roma để chuẩn bị Năm Thánh 2025 của Giáo hội.
Vatican News
Trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại sự cộng tác quý giá của Viện Toniolo với các Bộ của Toà Thánh trong phạm vi của Liên Hiệp Quốc đã bước sang năm thứ mười. Ngài cám ơn đặc biệt về con số học bổng do Viện trao đã gia tăng trong thời gian qua.
Đức Thánh Cha nói: “Là điều tốt đẹp khi mỗi người trong anh chị em có thể trải nghiệm tiếp xúc với thừa tác vụ Phêrô, qua công việc với các tổ chức quốc tế và có được một trải nghiệm đức tin, đời sống Kitô hữu đang phải đối diện với những thách đố của thời đại. Nhưng sự hiện diện của anh chị em cũng rất tốt cho các tổ chức của Giáo triều, trong đó anh chị em mang đến một luồng gió mới, khả năng ước mơ, mong muốn nhìn xa hơn”.
Trước một thế giới đang phổ biến điều mà một số người gọi là “suy nghĩ ngắn”, một tư tưởng không hướng về phía trước, chỉ nghĩ đến ngay lúc này, hậu quả là chỉ theo đuổi lợi ích trước mắt cho chính mình chứ không nghĩ đến lợi ích của người khác, Đức Thánh Cha tin rằng niềm đam mê và dấn thân của các thành viên của Viện Toniolo là thuốc giải độc cho lối suy nghĩ này. Ngài nhấn mạnh: “Bởi vì anh chị em chống lại cám dỗ làm cho mình phù hợp với những gì đã qua, anh chị em nuôi dưỡng trong tâm hồn cái nhìn hướng lên trên, tìm kiếm các vì sao, chứ không phải bụi bặm”.
Theo Đức Thánh Cha, người trẻ cần cái nhìn này, nhưng ngày nay nhiều người trong số họ bị đánh mất cái nhìn này, thay vì bận rộn với sách vở ở trường học, họ lười biếng nằm dài trên ghế với điện thoại trên tay. Ở điểm này, ngài mời gọi các thành viên của cuộc gặp gỡ mang sự sáng tạo, động lực đến các nơi họ hoạt động để làm mới các hệ thống.
Trong buổi nói chuyện, Đức Thánh Cha còn đề cập đến chủ đề hoà bình và hoạt động ngoại giao trong các cuộc chiến. Ngài cho rằng những tầm nhìn táo bạo cho việc chấm dứt chiến tranh phải đến từ những tâm hồn trẻ trung và can đảm, những người đón nhận điều thiện và Tin Mừng trong lòng để viết những trang mới của tình huynh đệ và hy vọng.
Bổ nhiệm và chuyển đổi Linh mục tháng 01/2024
Đức Giám mục giáo phận Giuse Trần Văn Toản vừa ký bổ nhiệm và chuyển đổi những linh mục có tên sau đây:
Theo dự kiến, vào ngày 03 tháng 02 năm 2024, Đức Giám mục Giáo phận sẽ truyền chức Phó tế cho các thầy có tên sau đây:
GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG MỪNG NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
Maria An Bình - Ban Truyền thông GP Phú Cường
WGPPC (07.01.2024) - Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) tấn phong Giám mục tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma vào ngày lễ Hiển Linh - ngày 06 tháng 01 năm 1999. Ngài là một trong ba vị giám mục của Giáo hội Việt Nam được chính Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục. Đây quả thật là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho ngài.
Thánh lễ tạ ơn, mừng Ngân khánh hồng ân Giám mục của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường - được cử hành long trọng vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 06 tháng 01 năm 2024, tại nhà thờ Chánh toà Phú Cường. Thánh lễ do chính Đức cha Phêrô chủ tế. Cùng đồng tế có Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường; Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng - Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Tổng Giuse Nguyễn Văn Thiên - Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Nguyên Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội; Đức cha Tôma Aquinô Vũ Định Hiệu - Giám mục giáo phận Bùi Chu; Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng - Giám mục giáo phận Phát Diệm; Đức cha Đaminh Đặng Văn Cầu - Giám mục giáo phận Thái Bình; Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Giám mục giáo phận Thanh Hoá; Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám mục giáo phận Nha Trang; Đức cha Giuse Bùi Công Trác - Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn; Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục giáo phận Bà Rịa; Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Nguyên Giám mục giáo phận Bà Rịa; Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám mục giáo phận Cần Thơ; Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh - Giám mục giáo phận Đà Lạt; Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục giáo phận Phan Thiết; Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai - Giám mục giáo phận Vĩnh Long; Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương; cùng nhiều linh mục trong và ngoài giáo phận Phú Cường.
“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài”. Đây là lời Đức cha Phêrô cất lên khi khởi đầu thánh lễ, dâng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã tuôn đổ dư tràn hồng ân trên cuộc đời của ngài, 87 năm cuộc đời, trong ấy 59 năm linh mục, 25 năm giám mục và hồng ân Thiên Chúa sẽ vẫn mãi tuôn đổ trên ngài trong những năm tháng lữ thứ trần gian. Đức cha Phêrô cảm nhận sâu sắc ơn Chúa luôn dư tràn trong cuộc đời ngài từ khi còn bé. Chắc hẳn rằng Thiên Chúa đã chọn gọi ngài từ khi ngài vừa đến với thế gian này và suốt cuộc đời ngài, tất cả những biến cố trong cuộc đời ngài đều do bởi ơn Chúa, những hồng ân thật diệu kỳ mà Chúa dành ban cho ngài. Đức cha đã cảm nhận sâu sắc tình yêu và sự thúc giục của ơn gọi nên ngài đã dấn thân vào con đường tu trì từ rất sớm, khi còn là đứa trẻ 9 tuổi. Đức cha cảm nhận Chúa đã luôn đồng hành cùng ngài từ khi ngài bắt đầu bước theo tiếng gọi của Chúa, trong suốt quá trình tu học rồi được nhận lãnh thánh chức Linh mục. Biết bao thăng trầm trong cuộc đời, bao thử thách, chướng ngại và cả đau khổ nhưng trong từng biến cố của cuộc đời, Chúa luôn kề bên hướng dẫn, nâng đỡ và ủi an. Bao gian nan thử thách cũng như bao khó khăn vất vả, đau khổ của bệnh tật nhưng ơn Chúa đã giúp ngài vượt qua tất cả.
Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) tấn phong Giám mục tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma vào ngày lễ Hiển Linh - ngày 06 tháng 01 năm 1999. Ngài là một trong ba vị giám mục của Giáo hội Việt Nam được chính Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục. Đây quả thật là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho ngài. Khẩu hiệu Đức cha Phêrô chọn “Yêu rồi làm”, câu nói nổi danh của thánh Augustinô - Tiến sĩ Hội thánh - diễn tả thật sâu sắc và sống động tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và tình yêu này chính là sự phản chiếu của tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Đức cha Phêrô cảm thấu tình Chúa và ngài đã chia sẻ tình yêu ấy đến người khác trong hành trình thi hành sứ vụ Chúa trao ban. “Yêu rồi làm”, Đức cha Phêrô mong muốn mang Chúa đến với mọi người bằng tình yêu và sự phục vụ tận tuỵ, yêu và phục vụ người khác như chính Chúa đã yêu. “Yêu rồi làm” cũng chính là châm ngôn hướng dẫn cuộc đời của Đức cha, mọi sự phải được thực hiện bằng một tình yêu chân thành, một tình yêu mang tên Giêsu. Nhìn lại chặng đường thi hành sứ vụ của Đức cha Phêrô trong suốt thời gian qua, mỗi người con giáo phận Phú Cường cảm nhận sâu sắc một tình yêu của vị mục tử dành cho đoàn chiên. Ngài đã dấn thân phục vụ dân Chúa, phục vụ miệt mài không mệt mỏi. Ngài đã dâng trọn cuộc đời và trái tim rực cháy của mình cho Chúa và dân Chúa. Ngoài trách vụ tại giáo phận Phú Cường, Đức cha kiêm nhiệm nhiều sứ vụ quan trọng khác như: Đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, thành viên Hội đồng Giáo hoàng Đại hội Thánh thể Quốc tế, thành viên Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách Liên tôn...
Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên - đã dùng những hình ảnh và biến cố của thánh Phêrô xưa, về cuộc đối thoại của Chúa và Phêrô, một cuộc đối thoại tình yêu. Khi Chúa hỏi Phêrô rằng: “Con có yêu mến Thầy không?”, và câu trả lời xác quyết của thánh Phêrô: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Cuộc đối thoại tình yêu giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô xưa cũng chính là cuộc đối thoại của vị mục tử mang tên Phêrô của giáo phận Phú Cường hôm nay, chính là Đức cha Phêrô kính yêu. Đức cha đã yêu mến Chúa hết trọn trái tim người con thảo của Chúa, người tư tế Chúa đã chọn gọi từ rất lâu trước đây và trong từng ngày sống, vị mục tử này vẫn luôn thưa với Chúa: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”, và câu châm ngôn “Yêu rồi làm” cũng chính là câu trả lời xác quyết của Đức cha Phêrô cho cuộc đối thoại tình yêu.
Sau phần lời nguyện hiệp lễ, cha Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam - tuyên đọc văn thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúc mừng Ngân khánh Giám mục của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ. Ngoài văn thư chúc mừng của Đức Thánh Cha, văn thư chúc mừng của Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, gửi chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn Đức cha Phêrô về những đóng góp của ngài cho Hội thánh, đặc biệt với giáo phận Phú Cường, với vai trò là sứ giả mang niềm hy vọng đến cho Giáo phận - nơi trải nghiệm rất nhiều khó khăn.
Kế đến, cha Tađêô Lý Nguyễn Anh Thy - Chánh văn phòng Toà Giám mục Phú Cường - tuyên đọc văn thư chúc mừng của Đức Tổng giám mục Marek Zalewski - Đại diện Toà thánh Vatican tại Việt Nam - chúc mừng ngày lễ trọng đại mừng Ngân khánh Giám mục của Đức cha Phêrô.
Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng - Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn - đã yêu mến chúc mừng Đức cha Phêrô. Đức cha Giuse cảm phục trước những đóng góp của Đức cha Phêrô dành cho Giáo hội Việt Nam, những khó khăn thử thách khi xây dựng lại Hội Thừa Sai Việt Nam gần như bắt đầu từ con số 0, những đóng góp trong việc xây dựng không chỉ về cơ sở vật chất mà Đức cha đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và đào tạo đội ngũ kế thừa. Đức cha Phêrô thật sự là một người chăm sóc vườn nho của Chúa rất hữu hiệu, không chỉ làm đẹp vườn nho của Chúa mà đã làm cho vườn nho Chúa trổ sinh thêm nhiều hoa trái tốt tươi. Đức cha Giuse cảm nhận tình yêu của Đức cha Phêrô thật lớn, ngài có một “quả tim lớn” chứa đầy tình yêu thương nồng ấm và ngài đã dành trọn tình yêu ấy cho Chúa và dân Chúa.
Trước khi Đức cha Phêrô ban phép lành cuối lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường - thay mặt toàn thể gia đình Giáo phận chúc mừng Ngân khánh Giám mục, 59 hồng ân linh mục và tri ân Đức cha Phêrô về những hy sinh của ngài trong suốt thời gian vừa qua, và nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức cha Phêrô, gìn giữ ngài luôn an khang, hồn an xác mạnh, sống vui sống khoẻ để tiếp tục đồng hành và nâng đỡ đoàn con cái của Chúa nơi giáo phận Phú Cường.
Trước khi đáp lời chúc mừng, Đức cha Phêrô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương và gìn giữ ngài trong suốt chặng đường vừa qua. Đức cha bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông bà tổ tiên, họ hàng gần xa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, cầu nguyện cho ngài. Đức cha đặc biệt cảm ơn mọi người đã yêu thương, không quản ngại đường xá xa xôi trên khắp mọi miền đất nước, đã đến tham dự thánh lễ tạ ơn của ngài, cùng hiệp thông với ngài dâng tâm tình tạ ơn lên Thiên Chúa.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 15 phút, quý Đức cha cùng chụp hình lưu niệm với Đức cha Phêrô; sau đó mọi người cùng chia sẻ niềm vui trong bữa tiệc thân mật tại khuôn viên của giáo xứ.