label

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Tin, cậy và mến giúp Kitô hữu chống lại sự tự mãn

 

Tiếp kiến chung 24/04/2024: Tin, cậy và mến giúp Kitô hữu chống lại sự tự mãn



Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 24/4/2024 Đức Thánh Cha nói rằng trên hành trình hướng tới sự sống sung mãn, được dành cho mỗi người, người Kitô hữu được sự trợ giúp đặc biệt từ Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô. Sự trợ giúp được thực hiện bằng ân sủng của ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến.

Vatican News 

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 24/5/2024 Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô về ba nhân đức đối thần, đó là đức tin, đức cậy và đức mến. Ngài giải thích rằng các nhân đức này được gọi là nhân đức đối thần vì các Kitô hữu nhận được các nhân đức này từ Thiên Chúa và sống các nhân đức trong tương quan với Người. Những nhân đức này ban cho chúng ta sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần để có thể bước theo Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân biệt rõ ràng điều thiện và điều ác và có sức mạnh để chọn điều thiện. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc nhở, với mong muốn làm điều đúng đắn, chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng tự mãn và kiêu căng. Nhưng nếu chúng ta khiêm nhường mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, Người sẽ làm cho các nhân đức đối thần sống lại trong tâm hồn chúng ta. Nhờ thế, khi chúng ta mất niềm tin, Thiên Chúa gia tăng đức tin của chúng ta; khi chúng ta chán nản, Người làm cho hy vọng trỗi dậy trong chúng ta; và khi trái tim chúng ta nguội lạnh, Người sẽ thắp sáng nó bằng ngọn lửa tình yêu của Người.

Colosse (Cl 1,3-5)

Đoạn Kinh Thánh được đọc trong buổi tiếp kiến chung được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Colosse (Cl 1,3-5):

Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em. Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Kitô Giêsu, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh; lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần gần đây, chúng ta đã suy tư về các nhân đức trụ: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Như chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, bốn nhân đức này thuộc về sự khôn ngoan rất cổ xưa, thậm chí có trước cả Kitô giáo. Ngay từ trước thời Chúa Kitô, lòng trung thực đã được rao giảng như một nghĩa vụ dân sự, sự khôn ngoan như một quy luật hành động, lòng can đảm như một thành phần cơ bản cho một cuộc sống hướng tới điều thiện, sự điều độ như một biện pháp cần thiết để tránh bị choáng ngợp bởi những thái quá. Di sản này của nhân loại đã không bị Kitô giáo thay thế, nhưng được đặt vào trọng tâm, được đánh giá cao, thanh lọc và hội nhập vào đức tin.

Vì vậy, trong trái tim của mỗi người nam và nữ đều có khả năng tìm kiếm điều thiện. Chúa Thánh Thần được ban để những ai đón nhận Người có thể phân biệt rõ ràng điều thiện và điều ác, có sức mạnh để gắn bó với điều thiện trong khi tránh điều ác và khi làm như vậy, đạt được sự tự nhận thức đầy đủ.

Các nhân đức đối thần: Sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần

Nhưng trên hành trình hướng tới sự sống sung mãn, được dành cho mỗi người - số phận của mỗi người là sự viên mãn, sự sống tràn đầy -, người Kitô hữu được sự trợ giúp đặc biệt từ Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô. Sự trợ giúp được thực hiện bằng ân sủng của ba nhân đức khác, thuần túy Kitô giáo, thường được đề cập cùng nhau trong các sách Tân Ước. Những thái độ nền tảng này, đặc trưng cho đời sống của người Kitô hữu, là đức tin, đức cậy và đức mến.

Các tác giả Kitô giáo đã sớm gọi đây là các nhân đức "đối thần", bởi vì chúng được đón nhận và sống trong tương quan với Thiên Chúa, để phân biệt chúng với bốn nhân đức khác được gọi là các nhân đức "trụ", vì chúng tạo thành "trục" của một đời sống tốt đẹp. Ba nhân đức này được nhận trong Bí tích Rửa tội và đến từ Chúa Thánh Thần. Cả hai loại nhân đức này, đối thần và luân lý, được kết hợp với nhau trong nhiều suy tư có hệ thống, đã tạo nên một danh sách bảy điều tuyệt vời, thường đối lập với danh sách bảy mối tội đầu.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo định nghĩa hành động của các nhân đức đối thần: "Các nhân đức đối thần tạo nền móng, làm sinh động, và là nét đặc thù của các hành vi luân lý của Kitô hữu. Chúng định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý. Các nhân đức này được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn của các tín hữu, giúp họ có khả năng hành động như con cái của Người và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu. Các nhân đức đối thần là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người" (Số 1813).

Các nhân đức đối thần là liều thuốc giải độc cho sự tự mãn

Trong khi các nhân đức trụ có nguy cơ là tạo ra những con người anh hùng trong việc làm điều thiện, nhưng nhìn chung là những người cô độc, cô lập, thì hồng ân lớn lao của các nhân đức đối thần là cuộc sống được sống trong Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu không bao giờ đơn độc. Họ làm điều tốt không phải nhờ nỗ lực to lớn của sự dấn thân cá nhân, mà bởi vì, như là một môn đệ khiêm nhường, bước theo Thầy Giêsu.

Các nhân đức đối thần là liều thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tự mãn. Biết bao nhiêu người nam nữ hoàn hảo về mặt đạo đức có nguy cơ trở nên tự phụ và kiêu ngạo trong mắt những người quen biết họ! Đó là một mối nguy hiểm mà Tin Mừng cảnh báo chúng ta rõ ràng, khi Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người: "Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: 'Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi'" (Lc 17,10). Kiêu ngạo là một liều thuốc độc cực mạnh: chỉ một giọt thôi cũng đủ hủy hoại cả một cuộc đời được đánh dấu bằng sự tốt lành. Một người có thể đã làm cả núi việc từ thiện, có thể được ghi nhận và khen ngợi, nhưng nếu tất cả những điều họ làm chỉ vì bản thân, để đề cao bản thân thì liệu người đó có còn được coi là người nhân đức không?

Loại bỏ cái "tôi"

Điều thiện không chỉ là mục đích mà còn là phương tiện. Điều thiện cần rất nhiều sự thận trọng, rất nhiều lòng tốt. Trên hết, điều thiện cần phải loại bỏ sự hiện diện đôi khi quá cồng kềnh của cái tôi của chúng ta. Nếu mọi hành động chúng ta thực hiện trong cuộc sống đều chỉ vì bản thân mình, động lực này có thực sự quan trọng đến vậy không?

Sự trợ giúp của ác nhân đức đối thần

Để sửa chữa tất cả những tình huống, đôi khi trở nên đau đớn này, các nhân đức đối thần sẽ giúp ích rất nhiều. Đặc biệt là trong những khoảnh khắc sa ngã, bởi vì ngay cả những người có ý hướng đạo đức tốt đôi khi cũng sa ngã. Cũng như những người thực hành nhân đức hàng ngày, đôi khi mắc sai lầm: trí tuệ không phải lúc nào cũng sáng suốt, ý chí không phải lúc nào cũng vững vàng, đam mê không phải lúc nào cũng được chế ngự, can đảm không phải lúc nào cũng vượt qua được nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần, thì Người làm cho các nhân đức đối thần trong tâm hồn chúng ta sống lại: khi đó, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ mở cửa đức tin cho chúng ta; nếu chúng ta nản lòng, Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng trong chúng ta; nếu trái tim chúng ta chai đá, Thiên Chúa sẽ làm dịu nó bằng tình yêu của Người.

Cầu nguyện cho hòa bình

Vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông, Ucraina và Myanmar. Ngài mời gọi: "Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình".

Nghĩ đến Ucraina, với những người trẻ ra chiến trường và chết trong cuộc chiến, giống như tất cả những cuộc chiến khác, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "chiến tranh luôn là một thất bại và người được lợi là những người sản xuất vũ khí!".

Đức Thánh Cha cũng hướng suy nghĩ đến Trung Đông, đặc biệt là Gaza; ngài nói rằng người dân ở đó "rất đau khổ, trong chiến tranh". Vì hòa bình giữa Palestine và Israel, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho hai quốc gia tự do và có quan hệ tốt đẹp.

Giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine đã được Đức Thánh Cha nhiều lần nói đến. Lần cuối cùng ngài nhắc đến là vào Chúa Nhật ngày 14/4/2024, trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng; ngài nhắc lại rằng "không ai được đe dọa sự tồn tại của người khác" và yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp "người Israel và người Palestine sống ở hai quốc gia, trong sự an toàn", bởi vì "đó là mong muốn và quyền của họ".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét