label

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

CÁO PHÓ BÀ TRẦN THỊ SÊN KHU I

 CÁO PHÓ 



                        Một người con của giáo xứ

Bà ISAVE TRẦN THỊ SÊN, sinh năm 1947
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Đã được Chúa gọi về lúc 7 giờ 30 ngày 28/09/2024
HƯỞNG THỌ 79 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 21 giờ ngày 28-09-2024
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 01-10-2024, sau đó an táng tại đất thánh giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ISAVE sớm hưởng thánh nhan Chúa

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ NHÂN VIÊN MỤC VỤ BỈ

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ NHÂN VIÊN MỤC VỤ BỈ





avatarVatican News
Sáng thứ Bảy, ngày 28/9, sau khi dâng Thánh lễ riêng, gặp một số lãnh đạo của Liên minh Âu châu, vào lúc 10 giờ 00, Đức Thánh Cha đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm Koekelberg, cách Toà Sứ thần khoảng 10 km, để gặp gỡ giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bỉ.

Vương cung Thánh đường Thánh Tâm Koekelberg

Vương cung thánh đường Thánh Tâm

Vương cung Thánh đường Thánh Tâm là ngôi thánh đường lớn thứ năm trong số các nhà thờ lớn nhất thế giới, nằm ở ngoại ô huyện Koekelberg. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Art Deco để kỷ niệm 75 năm độc lập của Bỉ, theo ý muốn của vua Leopoldo II. Công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1905, do bị gián đoạn trong hai Chiến tranh thế giới, nên hoàn thành vào năm 1971. Ngày 28/1/1952, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nâng nơi thờ phượng lên bậc tiểu vương cung thánh đường

Nhà thờ cao 89 m và dài 167 m, đặc trưng bởi hai tòa tháp cao 65 m và một mái vòm khổng lồ cao khoảng 100 m với đường kính 33 m, từ đây có thể ngắm nhìn quang cảnh tráng lệ xung quanh. Bên trong được trang trí bằng những cửa sổ kính màu.

Đức Thánh Cha tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm

Cuộc gặp gỡ

Khi đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm, Đức Thánh Cha được Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles và cha sở chào đón và đưa Thánh giá cho ngài hôn và nước thánh để rảy. Tiếp đến, hai em bé tiến đến tặng hoa cho ngài.

Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ, tiếp đến là những bài thánh ca, các chứng từ của linh mục, nữ tu, nhân viên mục vụ, thần học gia, đại diện đón tiếp các nạn nhân bị lạm dụng, tuyên uý nhà tù.

Đức Thánh Cha chào thăm một giáo dân

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn khởi từ vị trí địa lý của Bỉ, một ngã tư đường, và Giáo hội Bỉ là một Giáo hội “đang di chuyển”, điều này được thể hiện qua sự cố gắng biến đổi sự hiện diện của các giáo xứ trong khu vực, và phục hồi việc đào tạo giáo dân.

Từ những câu hỏi của các đại diện, Đức Thánh Cha tập trung bài nói chuyện xoay quanh ba cụm từ: loan báo Tin Mừngniềm vui và lòng thương xót.

Đức Thánh Cha tiến vào nhà thờ

Loan báo Tin Mừng

Đầu tiên là loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhận xét, những thay đổi của thời đại và cuộc khủng hoảng đức tin ở phương Tây đã thúc đẩy chúng ta trở lại với điều thiết yếu, nghĩa là Tin Mừng. Một lần nữa, tin vui mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới phải được loan báo cho tất cả mọi người và cho phép chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của tin vui này. Giống như mọi cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng hiện nay làm cho chúng ta bị sốc, làm chúng ta đặt câu hỏi và thay đổi. Đó là một cơ hội quý giá, trong ngôn ngữ Kinh Thánh được gọi là kairòs, như đã xảy ra với Abraham, Mose và các ngôn sứ. Thật vậy, khi chúng ta cảm nghiệm sự hoang tàn, chúng ta phải luôn tự hỏi đâu là sứ điệp mà Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta. Và cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy điều gì? Khủng hoảng cho thấy chúng ta đã chuyển từ một Kitô giáo nằm trong khuôn khổ được xã hội chào đón sang một Kitô giáo “thiểu số”, hay đúng hơn, một Kitô giáo làm chứng. Điều này đòi hỏi lòng can đảm để thực hiện một cuộc hoán cải Giáo hội cho phép những biến đổi mục vụ liên quan đến cách làm việc theo thói quen của chúng ta, và ngôn ngữ mà chúng ta thể hiện đức tin của mình, để chúng thực sự hướng đến công cuộc loan báo Tin Mừng.

Hướng về các linh mục, Đức Thánh Cha nói các linh mục cũng cần sự can đảm này để trở thành những linh mục không chỉ giới hạn mình trong việc bảo tồn hay quản lý một di sản quá khứ, nhưng là những mục tử yêu mến Chúa Giêsu Kitô và chú ý nắm bắt những đòi hỏi thường tiềm ẩn của Tin Mừng khi bước đi với dân thánh Chúa. Khi làm như vậy, đôi khi các mục tử đi trước dân mình, đôi khi ở giữa và đôi khi ở phía sau họ.

Hướng đến người trẻ, đồng thời nhắc lại những gì một đại diện đã nói trước đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi chúng ta mang Tin Mừng, Chúa mở lòng chúng ta để gặp gỡ những người khác biệt với chúng ta. Có những ước mơ và linh đạo khác nhau giữa những người trẻ. Phải như vậy, bởi vì có thể có nhiều con đường cá nhân hoặc cộng đoàn, nhưng dẫn chúng ta đến cùng một mục tiêu, gặp gỡ Chúa. Trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người và không ai là một bản sao của người khác. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là sự đồng nhất, nhưng đúng hơn là tìm kiếm sự hòa hợp trong sự đa dạng.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhắc đến Thượng hội đồng và lưu ý tiến trình này phải là sự trở lại với Tin Mừng. Đó không phải là ưu tiên những cải cách “thời thượng”, nhưng là tự hỏi, làm thế nào chúng ta có thể mang Tin Mừng đến một xã hội không còn lắng nghe hoặc đã xa rời đức tin? Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình điều này.

Nữ tu trình bày chứng từ

Niềm vui

Đức Thánh Cha tiếp tục với suy tư về con đường thứ hai: niềm vui. Ngài giải thích: “Chúng ta không nói về những niềm vui chóng qua, cũng không phải về việc đắm chìm trong các mô hình thoát ly thực tế hoặc giải trí tiêu dùng. Chúng ta đang nói về một niềm vui lớn hơn, đồng hành và nâng đỡ cuộc sống chúng ta, ngay cả trong những lúc đen tối hoặc đau khổ. Đây là một món quà đến từ trên cao, từ Thiên Chúa. Đó là niềm vui của những tâm hồn được Tin Mừng thắp sáng. Đó là biết rằng chúng ta không đơn độc trên hành trình của mình và ngay cả trong những tình huống nghèo đói, tội lỗi và hoạn nạn, Thiên Chúa vẫn gần gũi. Người quan tâm đến chúng ta và sẽ không cho phép cái chết có tiếng nói cuối cùng”.

Trích lời Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI “Nơi nào thiếu niềm vui và sự hài hước chết, thì ở đó ngay cả Chúa Thánh Thần cũng không còn [...] và ngược lại: Niềm vui là dấu hiệu của ân sủng”, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người phải làm sao để việc rao giảng, cử hành, phục vụ và tông đồ tỏa ra niềm vui tâm hồn, vì điều này sẽ nảy sinh những câu hỏi và thu hút ngay cả những người ở xa. Ở điểm này, ngài cám ơn đại diện của một nữ tu đã trình bày chứng từ trước đó: “Niềm vui là con đường. Khi sự trung thành dường như khó khăn, chúng ta phải cho thấy, như anh chị em đã nói, rằng đó là ‘con đường dẫn đến hạnh phúc’. Rồi bằng cách tập trung vào nơi con đường dẫn đến, chúng ta sẵn sàng hơn để bắt đầu cuộc hành trình”.

Các nữ tu

Lòng thương xót

Đức Thánh Cha nói đến điểm cuối cùng: lòng thương xót. Tin Mừng, được chào đón và chia sẻ, đón nhận và trao tặng, dẫn chúng ta đến niềm vui vì làm cho chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, Đấng được thúc đẩy đến lòng trắc ẩn đối với chúng ta, Đấng nâng chúng ta lên khi chúng ta vấp ngã và không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. Cần phải ghi nhớ trong lòng rằng Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho chúng ta. “Ngay cả khi tôi đã phạm điều gì đó nghiêm trọng?”. Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người dành cho anh chị em. Điều này đôi khi có vẻ “bất công”, khi chúng ta phải đối diện với kinh nghiệm về sự dữ, bởi vì chúng ta chỉ đơn giản áp dụng một công lý thế gian nói rằng, “Bất cứ ai làm sai thì phải trả giá”. Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa cao cả hơn: những người đã phạm sai lầm được kêu gọi sửa chữa những lỗi lầm của họ. Nhưng họ cần tình yêu thương xót Chúa để chữa lành tâm hồn. Chính nhờ lòng thương xót mà Thiên Chúa biện hộ cho chúng ta; Người làm cho chúng ta trở nên công chính bằng cách ban cho chúng ta một trái tim mới, một cuộc sống mới.

Đức Thánh Cha giải thích đây là lý do tại sao ngài muốn hướng với một chứng từ trước đó nói về sự lạm dụng. Theo ngài, lạm dụng tạo ra đau khổ và vết thương tàn bạo, phá hoại ngay cả con đường đức tin. Và cần phải có rất nhiều lòng thương xót để giữ cho tâm hồn chúng ta không chai đá trước đau khổ của các nạn nhân, để chúng ta có thể giúp họ cảm nhận được sự gần gũi của chúng ta và ban tặng tất cả sự giúp đỡ mà chúng ta có thể. Chúng ta phải học hỏi từ họ, để trở thành một Giáo hội phục vụ tất cả mọi người mà không coi thường bất cứ ai. Thật vậy, một trong những gốc rễ của bạo lực bắt nguồn từ sự lạm dụng quyền bính khi chúng ta sử dụng các vị trí mà chúng ta có để đè bẹp hoặc thao túng người khác.

Giải thích thêm về lòng thương xót, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một người trước đó nói về mục vụ nhà tù. Ngài nói: “Lòng thương xót là một từ khóa cho các tù nhân. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không tách mình ra khỏi những vết thương và ô uế của chúng ta. Người biết rằng tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không ai được tạo dựng sai lầm. Không ai bị hư mất mãi mãi. Đúng là khi đi theo tất cả các con đường của công lý trần gian và các quá trình con người, thì tâm lý và tội phạm có liên quan; nhưng trừng phạt phải là một loại thuốc; phải dẫn đến sự chữa lành. Mọi người phải được giúp đỡ để đứng dậy và trở lại con đường của mình trong cuộc sống và xã hội. Chúng ta hãy nhớ rằng: tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không ai được tạo dựng sai, không ai bị hư mất mãi mãi. Lòng thương xót, luôn luôn là lòng thương xót”.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đề cập đến một tác phẩm nghệ thuật của René Magritte, họa sĩ nổi tiếng của Bỉ, có tựa đề L'acte de foi [Hành động của Đức tin]. Tác phẩm mô tả một cánh cửa đóng kín từ bên trong, nhưng bị phá vỡ ở giữa, mở ra bầu trời. Hình ảnh mời gọi chúng ta đi xa hơn, hướng cái nhìn của chúng ta về phía trước và hướng lên trên và không bao giờ khép lại chính mình. Đó là một hình ảnh Đức Thánh Cha để lại cho Giáo hội Bỉ như một biểu tượng của một Giáo hội không bao giờ đóng kín, một Giáo hội cống hiến cho mọi người một sự mở ra cho sự vô hạn, và biết cách nhìn xa hơn. Đây là Giáo hội rao giảng Tin Mừng, sống niềm vui Tin Mừng và thực hành lòng thương xót.

Đức Thánh Cha

Sau bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, buổi gặp gỡ được tiếp tục với thánh ca Đức Mẹ, phép lành. Sau đó Đức Thánh Cha lên xe trở về Toà Sứ thần Toà Thánh để dùng bữa trưa.

Nguồn: vaticannews.va/vi

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP CÁC SINH VIÊN TẠI ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO LOUVAIN NGÀY 28/9/2024

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP CÁC SINH VIÊN TẠI ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO LOUVAIN NGÀY 28/9/2024



avatarHồng Thủy
Vatican News (28/9/2024) - Đức Thánh Cha đến thăm Đại học Catholique de Louvain và gặp gỡ các sinh viên trẻ, những người trong một lá thư trình bày những yêu cầu và phê bình của họ về sự sáng tạo, sự bất bình đẳng và vai trò của phụ nữ. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của phụ nữ, yêu cầu đừng rơi vào những “tuyên bố” khiến đàn ông và phụ nữ chống lại nhau, tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh cũng như tội ác tham nhũng và bóc lột và kêu gọi nghiên cứu vì lợi ích chung, tìm kiếm “sự thật giải phóng chúng ta".

Chiều ngày 28/9/2024, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các sinh viên đại học tại Đại học Công giáo Louvain, một Đại học Công giáo thuộc khối nói tiếng Pháp của Bỉ, có 19 phân khoa với khoảng 30 ngàn sinh viên.

Đến phòng hội lớn của Đại học, Đức Thánh Cha được đón tiếp bởi bà Viện trưởng của Đại học Louvain, ông Viện trưởng của Đại học Leuven, Tổng Giám mục của Malines-Bruxelles trong vai trò là Đại Chưởng ấn của Đại học, và một số chức sắc chính quyền dân sự.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha dựa trên lá thư được các giáo sư, nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên gửi cho ngài, suy tư về năm chủ đề sâu sắc: nguồn gốc triết học và thần học của cuộc khủng hoảng khí hậu, vị trí của cảm xúc và sự dấn thân, câu hỏi về sự bất bình đẳng, vị trí của phụ nữ và thái độ tỉnh táo và liên đới khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Đức Thánh Cha nói:

Tương lai và nỗi băn khoăn khắc khoải.

Trong số các vấn đề các con nêu ra, cha rất ấn tượng với vấn đề về tương lai và nỗi băn khoăn khắc khoải. Thật dễ dàng nhìn thấy một sự tà ác tàn bạo và kiêu ngạo tàn phá môi trường và con người như thế nào. Nó dường như không biết giới hạn. Chiến tranh là biểu hiện tàn bạo nhất của nó; cũng như tham nhũng và các hình thức nô lệ hiện đại. Đôi khi những tệ nạn này làm hư hoại chính tôn giáo, biến nó trở thành một công cụ thống trị. Nhưng đây là sự báng bổ xúc phạm. Từ đó, sự kết hợp của con người với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu cứu độ, bị biến thành sự nô lệ. Ngay cả tên gọi Cha, điều là mặc khải về sự quan tâm, cũng trở thành biểu hiện của sự kiêu ngạo. Thiên Chúa là Cha chứ không phải là chủ; là Con và Anh, không phải là nhà độc tài; là Thần Khí của tình yêu, không phải của sự thống trị.

Các Kitô hữu chúng ta biết rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng. Thậm chí chúng ta có thể nói ngày đời của nó đã được đếm sẵn. Sự ác không làm giảm đi sự dấn thân của chúng ta, trái lại còn củng cố nó, bởi vì trách nhiệm của chúng ta là hy vọng.

Kitô giáo và sinh thái

Về vấn đề này, các con hỏi cha về tương quan giữa Kitô giáo và sinh thái, nghĩa là đức tin của chúng ta có kế hoạch gì đối với ngôi nhà chung của toàn thể nhân loại. Cha sẽ nói điều đó bằng ba điều: lòng biết ơn, sứ vụ, lòng trung thành.

Lòng biết ơn

Thái độ đầu tiên là lòng biết ơn, vì ngôi nhà này được ban cho chúng ta: chúng ta không phải là những ông chủ, chúng ta là những người khách và những người hành hương trên trái đất. Thiên Chúa là Đấng đầu tiên chăm sóc nó, như Người cũng chăm sóc chúng ta. Ngôn sứ Isaia nói: Thiên Chúa "dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ" (xem Is 45,18). Và Thánh vịnh 8 đầy lòng biết ơn kinh ngạc: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" (Tv 8,4-5). Cảm ơn Chúa Cha của chúng ta vì bầu trời đầy sao và sự sống trong vũ trụ này!

Sứ vụ

Thái độ thứ hai là sứ vụ: chúng ta ở trong thế giới để bảo vệ vẻ đẹp của nó và vun trồng nó vì lợi ích của mọi người, đặc biệt là những thế hệ sẽ kế tiếp ngay sau chúng ta. Đây là “chương trình sinh thái” của Giáo hội. Nhưng không có kế hoạch phát triển nào có thể thành công nếu tính kiêu ngạo, bạo lực và ganh đua vẫn còn trong lương tâm chúng ta. Chúng ta cần đi đến cội nguồn của vấn đề, đó là lòng người. Tính cấp bách bi thảm của vấn đề sinh thái cũng xuất phát từ đó: từ sự thờ ơ ngạo mạn của kẻ có quyền lực, luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Bao lâu các thị trường còn được ưu ái, thì ngôi nhà chung của chúng ta sẽ tiếp tục chịu bất công. Tuy nhiên, vẻ đẹp của món quà sáng tạo đòi chúng ta có trách nhiệm, bởi vì chúng ta là khách, không phải là kẻ chuyên quyền. Về vấn đề này, các sinh viên thân mến, cha mời các con hãy coi văn hóa là sự vun trồng của thế giới chứ không chỉ là sự trau dồi tư tưởng.

Trung thành

Ở đây có thách thức của sự phát triển toàn diện và điều này đòi hỏi thái độ thứ ba: sự trung thành. Trung thành với Thiên Chúa và con người. Sự phát triển này liên quan đến mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống: thể chất, đạo đức, văn hóa, chính trị xã hội. Hơn nữa, hình thức phát triển này đối lập với mọi hình thức áp bức và loại trừ người khác. Giáo hội tố cáo những hành vi lạm dụng này, dấn thân trên hết cho việc hoán cải mỗi thành viên của mình, mỗi người chúng ta, cho công lý và sự thật. Theo nghĩa này, sự phát triển toàn diện kêu gọi chúng ta hướng đến sự thánh thiện, đến ơn gọi hướng tới một cuộc sống công bằng và hạnh phúc cho mọi người.

Do đó, cần thực hiện lựa chọn giữa việc thao túng thiên nhiên và vun đắp thiên nhiên. Và chúng ta phải bắt đầu từ bản chất của chính con người chúng ta – hãy nghĩ đến thuyết ưu sinh, người máy, trí tuệ nhân tạo. Lựa chọn giữa thao túng hay trau dồi cũng liên quan đến thế giới nội tâm của chúng ta.

Ai là phụ nữ và ai là Giáo hội

Việc suy nghĩ về hệ sinh thái nhân bản đưa chúng ta đến một chủ đề các con rất quan tâm, và cả cha và những người tiền nhiệm của cha cũng quan tâm: vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Có rất nhiều vấn đề ở đây, bao gồm bạo lực và bất công, cùng với những thành kiến về ý thức hệ. Vì vậy, chúng ta cần quay trở lại điều cốt yếu: ai là phụ nữ và ai là Giáo hội. Giáo hội là dân Chúa chứ không phải là một công ty đa quốc gia. Người nữ, giữa dân Thiên Chúa, là con gái, là chị, là mẹ. Như cha là người con, là anh, là cha. Tất cả những điều này là những mối quan hệ, diễn tả sự thật rằng chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, như là những người nam và người nữ, cùng nhau chứ không tách biệt! Trong Giáo hội, ngay từ khởi đầu, phụ nữ và đàn ông đều được mời gọi yêu và được yêu. Đây là một ơn gọi và cũng là một sứ mạng. Và từ đây nảy sinh vai trò của họ trong xã hội và trong Giáo hội (xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 1).

Phụ nữ và nam giới không được nhắm để trở thành đối thủ, nhưng thực sự là vì nhau

Những đặc tính của phụ nữ, những điều thực sự là nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hoặc ý thức hệ, cũng như phẩm giá không được đảm bảo bởi luật được viết trên giấy nhưng bởi luật nguyên thủy được viết trên trái tim của chúng ta. Phẩm giá là gia tài vô giá, một phẩm chất nguyên thủy mà không luật lệ nào của con người có thể ban tặng hay lấy đi. Dựa trên phẩm giá chung và chia sẻ này, văn hóa Kitô giáo, trong những bối cảnh khác nhau, tìm cách phát triển những hiểu biết mới mẻ hơn về ơn gọi và sứ mạng của người nam và người nữ và sự hỗ tương của họ cho nhau trong sự hiệp thông. Họ không được nhắm để trở thành đối thủ, nhưng thực sự là vì nhau.

Chúng ta hãy nhớ rằng người phụ nữ là trung tâm của biến cố cứu độ. Chính từ tiếng “xin vâng” của Đức Maria mà Thiên Chúa đã đến thế gian. Phụ nữ nói với chúng ta về sự chào đón, nuôi dưỡng và cống hiến mang lại sự sống. Chúng ta hãy chú ý hơn đến nhiều cách diễn tả hàng ngày của tình yêu này, từ tình bạn đến nơi làm việc, từ học tập đến việc thực hiện trách nhiệm trong Giáo hội và xã hội, từ hôn nhân đến thiên chức làm mẹ, đến sự trinh khiết vì vương quốc của Thiên Chúa và để phục vụ.

Chính các con ở đây để trưởng thành như là những người nữ và người nam. Các con đang trên một cuộc hành trình, một tiến trình đào tạo nhân bản. Do đó, con đường học tập của các con bao gồm các lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu, tình bạn, sự phục vụ xã hội, trách nhiệm dân sự và chính trị, diễn tả nghệ thuật...

Cha nghĩ đến trải nghiệm các con sống hàng ngày tại Đại học Công giáo Louvain này, và cha chia sẻ ba khía cạnh đơn giản và mang tính quyết định của giáo dục: học tập như thế nào? tại sao lại học? học cho ai?

Học thế nào

Học thế nào: không chỉ có một phương pháp, như trong mọi ngành khoa học, mà còn có một phong cách. Mỗi người có thể tự mình trau dồi. Thực ra, học tập luôn là con đường đi đến sự hiểu biết của bản thân. Nhưng cũng có một phong cách chung có thể được chia sẻ trong cộng đồng đại học. Chúng ta học cùng nhau: cảm ơn những người đã học trước tôi - những giáo viên, những người bạn học trước đây - và những người học cùng tôi, trong lớp học. Văn hóa, được hiểu như sự tự chăm sóc, do đó, bao gồm sự quan tâm lẫn nhau.

 Tại sao phải học

Thứ hai: tại sao phải học. Có một động lực thúc đẩy chúng ta và có một mục tiêu thu hút chúng ta. Tuy nhiên các yếu tố này phải tốt đẹp, bởi vì ý nghĩa của việc học, hướng đi của cuộc đời chúng ta đều phụ thuộc vào chúng. Đôi khi chúng ta học để khám phá một loại công việc mới, nhưng cuối cùng lại sống vì công việc của mình, do đó trở thành “sản phẩm” thực sự. Chúng ta không nên sống để làm việc; thay vào đó, chúng ta nên làm việc để sống. Điều này dễ nói, nhưng cần phải nỗ lực liên tục để thực hiện nó.

Học cho ai

Thứ ba: học cho ai. Cho chính họ? Để chịu trách nhiệm trước người khác? Chúng ta học tập để có thể giáo dục và phục vụ người khác cách có năng lực và tự tin. Trước khi tự hỏi liệu việc học có ích lợi gì không, chúng ta hãy chắc chắn rằng nó hữu ích cho ai đó. Bằng đại học sau đó sẽ chỉ ra khả năng phục vụ lợi ích chung.

Sự thật giải thoát chúng ta

Các sinh viên thân mến, cha rất vui được chia sẻ những suy tư này với các con. Và khi suy tư, chúng ta nhận ra rằng có một thực tại vĩ đại hơn soi sáng chúng ta và vượt trên chúng ta: sự thật. Không có sự thật, cuộc sống của chúng ta mất đi ý nghĩa. Nghiên cứu có ý nghĩa khi nó tìm kiếm sự thật và khi tìm kiếm nó chúng ta hiểu rằng chúng ta được tạo ra để tìm ra sự thật. Sự thật có nghĩa là phải được tìm thấy, vì nó hấp dẫn, dễ tiếp cận và quảng đại. Nhưng nếu chúng ta từ bỏ việc tìm kiếm sự thật, thì việc học sẽ trở thành một công cụ của quyền lực, một cách để kiểm soát người khác; nó không còn phục vụ mà thống trị. Ngược lại, sự thật giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Các con có muốn tự do không? Vậy hãy tìm kiếm và làm chứng cho sự thật! Và cố gắng trở nên đáng tin cậy và chân thực trong những lựa chọn đơn giản và hàng ngày của các con. Theo cách này, trường đại học của các con sẽ trở thành, mỗi ngày, đúng như mục đích ban đầu của nó: một trường đại học Công giáo!

Cảm ơn vì cuộc gặp gỡ này. Cha chân thành chúc lành cho các con và hành trình đào tạo của các con. Và cha xin các con: đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các con!

Sau khi chúc lành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh chào các sinh viên và sau đó trở về Học viện Thánh Micae cách đó 27 km.

Học viện Thánh Micae là một cơ sở học thuật do Dòng Tên điều hành, nằm ở khu Etterbeek của Bruxells. Tại đây Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ dòng Tên.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Sứ thần cách đó hơn 2 km để dùng bữa và nghỉ đêm.

Chúa Nhật ngày 29/9 hôm nay, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, vào lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ tại Sân vận động Vua Baudouin và sau đó ngài từ biệt Bỉ để trở về Roma.

Nguồn: vaticannews.va/vi