CHƯƠNG TRÌNH LỄ CÁC THÁNH VÀ CÁC ĐẲNG TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY
label
Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024
Thư mời Hội thảo về Đối Thoại Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
Thư mời Hội thảo về Đối Thoại Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
ĐHY Fernández: Chúng ta hãy hành động để trao cho phụ nữ nhiều không gian và quyền hơn
ĐHY Fernández: Chúng ta hãy hành động để trao cho phụ nữ nhiều không gian và quyền hơn
Vatican News
Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã gặp gỡ với khoảng 100 người, bao gồm các thành viên, khách mời và chuyên viên tại Hội trường Phaolô VI. Trong cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 90 phút, ngài đã lắng nghe các câu hỏi của họ, tiếp nhận các đề xuất và đánh giá công việc của 'Nhóm 5', nhóm đang làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin về vấn đề các thừa tác vụ mà phụ nữ có thể lãnh nhận.
Với sự đồng ý của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng và các tham dự viên cuộc họp, Đức Hồng y Fernández đã quyết định công bố bản ghi âm đầy đủ cuộc gặp gỡ, theo quy tắc của Thượng Hội đồng. Bản ghi âm được đăng trên Vatican News.
Công việc của Bộ Giáo lý Đức tin
Trong phần đầu của cuộc gặp gỡ, Đức Hồng y Fernández đã giải thích cách thức toàn Bộ của ngài, đơn vị đã được giao phó đặc biệt nhiệm vụ này ngay cả trước Thượng Hội đồng, cam kết đào sâu chủ đề về vai trò của phụ nữ và khám phá những khả năng mới về các thừa tác vụ dành cho họ.
Sau đó, ngài kể lại cách họ làm việc, bắt đầu với Consulta, tức là lắng nghe các đề xuất của nhóm đông các nữ cố vấn, một nhóm mà trong trường hợp này đã được mở rộng bằng cách xin ý kiến và lắng nghe những kinh nghiệm của cả những người không phải là các cố vấn chính thức của Bộ.
Hai Đại hội thường kỳ của các Hồng y và Giám mục của Bộ đã diễn ra (Feria quarta, vì theo truyền thống, nó được tổ chức vào thứ Tư) và công việc được điều phối bởi Cha Armando Matteo, Thư ký Ủy ban Giáo lý của Bộ.
Những trải nghiệm đang được thực hiện
Đức Hồng y Fernández nhấn mạnh rằng cách làm việc là theo tinh thần hiệp hành, và sự hiện diện của các Giám mục và Hồng y từ khắp nơi trên thế giới có nghĩa là công việc của Feria quarta có xét đến các nền văn hóa và sự nhạy cảm khác nhau.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng các thành viên Thượng Hội đồng đã được yêu cầu gửi các đóng góp và đề xuất, cũng như xem xét đến các kinh nghiệm đã có khi thấy phụ nữ lãnh đạo các cộng đồng, ví dụ như ở Amazon, nhưng cũng ở Châu Phi và Châu Á.
Chính xác là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt đầu từ thực tế, nghĩa là để tìm hiểu và đánh giá cao các kinh nghiệm đã có, những điều mà có lẽ thần học Châu Âu chưa biết đến hoặc ít biết đến.
Do đó, các thư tham vấn vẫn sẽ được gửi đến những người và tổ chức khác.
Nhìn nhận vai trò
Đức Hồng y giải thích, mục tiêu cơ bản của nhóm là vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, chứ không phải cụ thể về khả năng có chức nữ phó tế, vấn đề mà ủy ban do Đức Hồng y Giuseppe Petrocchi làm chủ tịch vẫn đang làm việc.
Đức Hồng y Fernández cho biết phụ nữ muốn được lắng nghe và coi trọng: họ yêu cầu có thẩm quyền và phát triển các đặc sủng và khả năng của họ, nhưng hầu hết họ không yêu cầu chức phó tế, nghĩa là họ không yêu cầu được "giáo sĩ hóa".
Đây là lý do tại sao công việc của Bộ tiếp tục trong thời gian này với các bước "rất cụ thể" trên con đường này.
Ngài cho biết điều cơ bản là phải khám phá sự khác biệt giữa các Chức thánh và quyền lực, để có thể ủy thác cho giáo dân và do đó cho cả phụ nữ các vai trò lãnh đạo trong Giáo hội - một con đường có thể đạt được sự đồng thuận đáng kể.
Sau đó, Đức Hồng y đặt câu hỏi: Nếu trong quá khứ, phụ nữ đã giảng dạy trong khi cử hành Thánh Thể hoặc thực hiện thẩm quyền mà không cần được phong chức phó tế, thì điều này có phải là không quan trọng không?
Việc nghiên cứu về chức phó tế vẫn được tiếp tục
Đức Hồng y Fernández nói tiếp rằng về chủ đề cụ thể của chức phó tế, ủy ban do Đức Hồng y Petrocchi đứng đầu sẽ tiếp tục công việc cách nỗ lực hơn, lắng nghe các đề xuất của Đại hội Thượng Hội đồng và những người khác từ khắp nơi trên thế giới: các đề xuất và hỗ trợ có thể được gửi qua Ban thư ký Thượng Hội đồng.
Đức Hồng y nhắc lại bài phát biểu của ngài tại hội trường Thượng Hội đồng, trong đó ngài tóm tắt lập trường của Đức Thánh Cha về vấn đề này. Ngài nhấn mạnh rằng nói rằng "quyết định về chức phó tế chưa chín muồi" không có nghĩa là Đức Thánh Cha Phanxicô muốn khép lại vấn đề, mà là tiếp tục nghiên cứu, bởi vì công việc của ủy ban đã không có kết luận nhất quán.
Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cũng nhận thấy có những nhà sử học mà theo họ trong quá khứ đã có những trường hợp phụ nữ được phong chức phó tế, trong khi theo những nhà sử học khác thì đó là một chúc lành chứ không phải là một lễ phong chức thực sự.
Các bước cụ thể
Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin kết luận bằng cách nói rằng ngài tin rằng chúng ta có thể tiến bước với các bước rõ ràng và cụ thể trao quyền cho phụ nữ trong Giáo hội, bắt đầu bằng việc phân biệt điều gì không thể tách rời khỏi Thánh chức với điều gì có thể.
Cuối cùng, ngài kêu gọi những người có mặt hãy có một trái tim rộng mở "để xem Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến đâu".
Tấn phong Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh
Tấn phong Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh
Vatican News
Theo tuyên bố của Phòng Báo chí Toà Thánh đưa ra cùng ngày, việc phong giám mục cho cha Mátthêu Zhen Xuebin là kết quả của Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh-Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục được ký vào ngày 22/9/2018, và đã được gia hạn ba lần, lần gần đây nhất vào ngày 22/10 vừa qua.
Cũng theo Phòng Báo chí Toà Thánh, ngày 28/8/2024, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Mátthêu Zhen Xuebin làm Giám mục Phó của Bắc Kinh.
Tân Giám mục Phó Bắc Kinh sinh tại Trường Sơn (Sơn Tây) ngày 10/5/1970. Ngài theo học triết và thần học tại Chủng viện Bắc Kinh từ năm 1988 đến 1993. Từ năm 1993 đến 1997, ngài tiếp tục học tại Đại học thánh Gioan ở Hoa Kỳ, lấy bằng cử nhân Phụng vụ. Ngày 25/6/1998, ngài được thụ phong linh mục và nhập tịch vào Giáo phận Bắc Kinh. Từ năm 1998 đến năm 2007, ngài làm Phó Giám đốc Chủng viện Bắc Kinh. Sau đó, ngài thi hành mục vụ tại một số giáo xứ trong thành phố. Từ năm 2007, ngài làm Chưởng ấn của Giáo phận.
Tân Giám mục nói vào cuối Thánh lễ: “Xin tạ ơn Chúa vì ân sủng Người đã chọn tôi, một tôi tớ khiêm nhường, làm Giám mục Phó của Giáo phận Bắc Kinh. Tôi biết mình không đủ những phẩm chất cần thiết để đảm nhận sứ vụ được giao phó, nhưng tôi đón nhận với đức tin, phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và thánh Mátthêu Tông đồ, hết lòng tin tưởng, hứa cống hiến với tất cả tâm huyết của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ mục vụ của mình, bởi vì tôi làm tất cả vì Tin Mừng”.
Giáo phận Bắc Kinh có 100 ngàn tín hữu được phân bổ ở 40 giáo xứ và giáo điểm, với khoảng 80 linh mục phục vụ.
Với Thánh lễ tấn phong giám mục này, Đức cha Zhen trở thành giám mục thứ mười được tấn phong từ khi Vatican và Trung Quốc ký thỏa thuận vào năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc.
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội
ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội
Vatican News
Tiểu sử Linh mục Giuse Vũ Công Viện
- Sinh ngày: 23/2/1973
- Quê quán: Thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; thuộc giáo xứ Tân Độ, tổng giáo phận Hà Nội.
- 2000 - 2007: Tu học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
- Ngày 31/5/2007: Lãnh chức Phó tế
- Ngày 20/12/2007: Thụ phong linh mục qua nghi thức đặt tay của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội
- 2008 - 2010: Linh mục Phó xứ An Lộc, thường trực tại Bình Cách
- 2010 - 2014: Du học tại Philippine và Canada
- 2014: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Giáo luật tại Saint Paul University, Ottawa, Canada
- Từ năm 2014 đến nay: Linh mục Đại diện Tư pháp
- Từ năm 2014 đến năm 2018: Linh mục Phó văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
- 2015 - 2021: Linh mục Chính xứ Nam Dư
- 2021 - 2022: Linh mục Chính xứ Kẻ Sét
- 2021 - 2022: Phó Tổng Thư ký và thành viên Ban Soạn thảo Công nghị tổng giáo phận Hà Nội
- Từ năm 2022 đến nay: Giám học Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
- Từ ngày 16/01/2024: Phó Chánh Văn phòng tiếp nhận trình báo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của tổng giáo phận Hà Nội.
- Ngày 26 tháng 10 năm 2024: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.
Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024
Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh - Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục được gia hạn thêm 4 năm
Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh - Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục được gia hạn thêm 4 năm
Vatican News (23/9/2024) - Ngày 22/10/2024, Tòa Thánh đã thông báo về việc gia hạn thêm bốn năm Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh-Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục. Đây là lần thứ ba thỏa thuận ký ngày 22/9/2018 được gia hạn. Thông cáo nhấn mạnh “sự đồng thuận đã đạt được để có một áp dụng hiệu quả”. Vatican nhắc lại ý định duy trì “cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc”.
Đây là lần thứ ba thỏa thuận ký ngày 22/9/2018 được gia hạn. Hai lần trước đây, vào năm 2020 và vào ngày 22/10/2022, thỏa thuận được gia hạn với thời hạn hai năm.
Thỏa thuận về bổ nhiệm Giám mục này đã mở ra một trang lịch sử trong các mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và trong chính Giáo hội của nước này, giúp cho tất cả các Giám mục Trung Quốc được hiệp thông đầy đủ về phẩm trật với Đức Thánh Cha.
Thông cáo báo chí chính thức của Vatican giải thích rằng quyết định này, được đưa ra “sau khi tham khảo ý kiến và đánh giá thích hợp”, nhờ “sự đồng thuận đã đạt được để áp dụng hiệu quả” Thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám mục và nêu rõ rằng “Phía Vatican vẫn có ý định tiếp tục đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, nhằm phát triển quan hệ song phương hướng tới lợi ích của Giáo hội Công giáo trong nước và của toàn thể người dân Trung Quốc”.
Thỏa thuận tạm thời đã chấm dứt các lần tấn phong Giám mục không có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng trong nhiều thập kỷ. Một kịch bản đã thay đổi hoàn toàn trong 6 năm qua, với khoảng 10 lần bổ nhiệm và tấn phong các Giám mục, đồng thời chính thức hóa chức vụ công khai của một số giám chức trước đây chưa được Bắc Kinh công nhận.
Dấu hiệu của sự hợp tác mới cũng được thể hiện qua sự hiện diện của các Giám mục từ Trung Quốc đại lục tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican và trong các sự kiện khác ở Châu Âu và Châu Mỹ, cũng như sự hiện diện của giới trẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon vào năm 2023, và một sự tham gia chung của các tín hữu Trung Quốc vào các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến phương Đông trong vài năm qua.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô là giáo hoàng tuyên phong nhiều vị thánh nhất
Đức Phanxicô là giáo hoàng tuyên phong nhiều vị thánh nhất
Với số đông đảo các vị thánh được tuyên phong ngay trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã vượt qua tất cả các vị tiền nhiệm của ngài trong việc công nhận những vị thánh mới.
Vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành lễ phong thánh cho 14 chân phước. Trong đó có 11 vị tử đạo bị sát hại ở Syria vào thế kỷ 19, cùng với hai nữ tu và một linh mục, cả ba vị đều là những người sáng lập ra các dòng tu. Với lễ tuyên phong này, được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10:30 sáng, số các vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong sẽ tăng lên 926, một kỷ lục trong Giáo hội Công giáo.
Bắt đầu với hơn 800 vị tử đạo người Ý
Trong năm đầu của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị giáo hoàng công nhận nhiều vị thánh nhất. Trong khi Đức Gioan Phaolô II đã thêm 483 vị vào danh sách các thánh trong gần 27 năm triều đại giáo hoàng của ngài, thì vị giáo hoàng người Argentina đã công bố hơn 800 vị trong Lễ phong thánh đầu tiên của ngài được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tháng 5 năm 2013, hai tháng sau khi ngài được bầu lên Ngai tòa Thánh Phêrô.
Nhóm những vị đặc biệt này – là những người mà Đức Benedict XVI đã chính thức chấp thuận vào ngày ngài tuyên bố thoái vị ngày 11 tháng 2 năm 2013 – bao gồm 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát năm 1480.
Cùng năm đó, Đức Phanxicô đã thực hiện hai lễ phong thánh khác được gọi là “hữu hiệu tương đương”: nhà thần bí người Ý Angela thành Foligno và tu sĩ Dòng Tên người Pháp Pierre Favre đã trở thành thánh sau một sắc lệnh giáo hoàng được công bố, mà không cần có một buổi lễ phong thánh. Đức Giáo hoàng người Argentina đã dùng tiến trình đặc biệt này trong nhiều dịp.
Trái ngược với những gì nhiều người tin tưởng, danh sách các vị thánh mới không nhất thiết liên quan đến sự lựa chọn cá nhân của giáo hoàng. Chắc chắn, quyền công bố các sắc lệnh nằm trong thẩm quyền của giáo hoàng. Tuy nhiên, việc phong chân phước và phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.
Ví dụ, Cha Charles de Foucauld người Pháp đã được phong thánh vào năm 2022 và Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính đặc biệt với ngài, nhưng án phong thánh của Cha được mở vào năm 1926. Đức Gioan Phaolô II đã ký sắc lệnh công nhận các nhân đức anh dũng của Cha Charles de Foucauld vào năm 2001, và Đức Benedict XVI đã tuyên phong chân phước cho ngài năm 2005.
Tổng cộng, hiện nay Bộ Phong Thánh đang duyệt xét khoảng 2.000 đến 3.000 hồ sơ.
Kể từ đại dịch COVID-19, tốc độ phong thánh đã chậm lại. Vì vậy, năm 2020 là năm đầu tiên không có lễ phong thánh trong gần 30 năm. Năm 2021, chỉ có một vị thánh mới được tuyên phong. Trong khi có 12 vị thánh mới được tôn vinh vào năm 2022 thì năm 2023 không có lễ tuyên phong thánh nào.
Phần lớn các thánh là người Ý, tiếp theo là người Brazil, người Tây Ban Nha và người Pháp
Lễ cử hành vào Chúa nhật này sẽ là lễ tuyên phong thánh thứ hai của năm 2024. Hồi tháng 2, Đức Thánh Cha đã công bố nữ tu Mama Antula (1730-1799) của Argentina là thánh – tên rửa tội của thánh nữ là Maria Antonia De Paz y Figuero. Thánh nữ là một nhân vật nổi tiếng đã mang linh đạo của đấng sáng lập Dòng Tên đến Argentina, gia đình tinh thần của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Vào Chúa nhật, 11 vị tử đạo của Syria sẽ được thêm vào danh sách các vị thánh: tám tu sĩ dòng Phanxicô — bảy người Tây Ban Nha và một người Áo — và ba giáo dân Maronite, tên Francis, Abdel Mooti và Raphaël Massabki. Những vị này bị giết vào ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1860, tại Damascus trong cuộc nổi loạn của dân quân Druze chống lại người Kitô giáo ở Li Băng và Syria.
Những “vị chân phước” khác được phong thánh là linh mục người Ý Giuseppe Allamano (1851-1926); nữ tu người Canada Marie-Léonie Paradis (1840-1912); và nữ tu người Ý Elena Guerra (1835-1914).
Trong số các vị thánh được công bố dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô, phần lớn là người gốc Ý, nếu chúng ta tính cả 813 vị tử đạo của Otranto. Cộng với ba vị thánh mới người Ý vào Chúa nhật này thì vị giáo hoàng người Argentina đã thêm 27 người Ý nữa vào danh sách các thánh.
Brazil, Tây Ban Nha và Pháp là những quốc gia có nhiều thánh nhất kể từ năm 2013, với lần lượt 31, 13 và 7 vị thánh mới.
Các thánh giáo hoàng
Danh sách những tên tuổi lớn được phong thánh dưới thời Đức Phanxicô bao gồm ba vị tiền nhiệm của ngài. Tháng 4 năm 2014, trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng danh dự Benedict XVI, Đức Phanxicô đã tuyên phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, đánh dấu sự tiếp nối lịch sử giữa các vị giáo hoàng.
Đức Gioan Phaolô II cũng đã đưa ra lựa chọn tương tự vào năm 2000 khi cùng lúc phong chân phước cho Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII.
Năm 2018, Đức Giáo hoàng người Argentina cũng đã phong thánh cho Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng bế mạc Công đồng Vatican II.
Những chứng nhân Công giáo vĩ đại khác đã được phong thánh kể từ khi Đức Phanxicô được bầu vào năm 2013, bao gồm Mẹ Teresa Calcutta (năm 2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (năm 2018) và Đức Hồng y John Henry Newman (năm 2019), một linh mục Anh giáo đã trở lại Công giáo.
Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên phong hai thánh Louis và Zélie Martin là thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, đôi vợ chồng đầu tiên trong lịch sử được phong thánh cùng nhau. Hai năm sau, tại Bồ Đào Nha, Đức Giáo hoàng đã phong thánh cho Francisco và Jacinta Marto, hai trẻ mục đồng đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima một thế kỷ trước đó, và là những vị thánh không tử đạo trẻ tuổi nhất của Giáo hội.
Việc phong thánh chính thức
Vị thánh đầu tiên được tuyên phong chính thức là Thánh Ulrich xứ Augsburg. Ngài được Đức Giáo hoàng Gioan XV phong thánh năm 993. Trong thế kỷ 12, Giáo hội nhận thấy rằng chúng ta cần một hệ thống có trật tự, nên đã bắt đầu đưa ra một quy trình. Năm 1243, Đức Giáo hoàng Gregory IX tuyên bố rằng chỉ có giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố một ai đó là thánh. Những điều căn bản của quy trình đó vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Hãy nhớ rằng phong thánh chỉ đơn giản là sự công nhận chính thức rằng một linh hồn đang ở trên thiên đàng. Số đông đảo các thánh sẽ không bao giờ được tuyên phong, những vị này bao gồm tất cả “các vị thánh hàng xóm” — như cách Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ — tất cả những người đã qua đời hiện đang hưởng phúc Thiên đàng và chờ đợi và cầu nguyện để chúng ta được đoàn tụ với họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh hồn nơi luyện ngục trên con đường trở nên thánh trên thiên đàng!
Tri Khoan
Chuyển ngữ từ: https://aleteia.org (16/10/2024)
Tiếp Kiến chung 23/10: Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần bảo vệ hôn nhân và con cái của bạn
Tiếp Kiến chung 23/10: Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần bảo vệ hôn nhân và con cái của bạn
Vatican News
Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Là bí tích của sự kết hợp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, hôn nhân Kitô giáo là sự phản ánh mối quan hệ vĩnh cửu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự tự hiến cho nhau tạo nên niềm vui sâu sắc và lâu dài.
Mở đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Gioan (1Ga 4,7-8):
Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lần trước chúng ta đã giải thích về điều chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần trong kinh Tin Kính. Tuy nhiên, suy tư của Giáo hội không dừng lại ở việc tuyên xưng đức tin ngắn gọn đó. Việc tuyên xưng này vẫn được tiếp tục, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, thông qua các tác phẩm của các vị Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại. Đặc biệt, hôm nay chúng ta muốn thu thập một số giáo lý về Chúa Thánh Thần đã được phát triển theo truyền thống Công giáo Latinh, để xem giáo lý này soi sáng toàn bộ đời sống Kitô hữu và đặc biệt là bí tích hôn nhân như thế nào.
Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất
Người khởi xướng chính của học thuyết này là Thánh Augustinô, người đã phát triển giáo lý về Chúa Thánh Thần. Ngài bắt đầu từ mặc khải rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Bây giờ, tình yêu giả định phải có một người yêu thương, một người được yêu thương và chính tình yêu kết nối họ lại với nhau. Trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng yêu thương, là nguồn mạch và nguyên lý của mọi sự; Chúa Con là Đấng được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất các Ngài.[1] Do đó, Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “duy nhất”, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc; Người là sự hiệp nhất của sự hiệp thông và tình yêu. Theo ý nghĩa này, có người đã đề xuất gọi Chúa Thánh Thần, không phải là “ngôi thứ ba” số ít trong Ba Ngôi, mà đúng hơn là “ngôi thứ nhất số nhiều”. Nói cách khác, Người là Chúng Tôi, ngôi Chúng Tôi thần linh của Chúa Cha và Chúa Con, mối dây hiệp nhất giữa hai ngôi khác nhau[2], nguyên tắc của sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn thật sự là một “thân thể duy nhất” phát sinh từ nhiều người.
Vợ chồng là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của mối hiệp thông tình yêu của Ba Ngôi
Như tôi đã nói, hôm nay tôi muốn suy tư với anh chị em cách đặc biệt về những điều Chúa Thánh Thần nói về gia đình. Chúa Thánh Thần có thể liên quan gì đến hôn nhân? Rất nhiều, có lẽ là điều cốt yếu, và tôi cố gắng giải thích tại sao! Hôn nhân Kitô giáo là bí tích của sự tự trao tặng chính mình, của một người cho người khác, của người nam và người nữ. Đây là điều Đấng Tạo Hóa đã muốn khi “Người sáng tạo con người theo hình ảnh Người […]: Người sáng tạo họ có nam có nữ” (St 1,27). Vì thế, đôi vợ chồng con người là sự diễn tả đầu tiên và sơ đẳng nhất của sự hiệp thông tình yêu, là Ba Ngôi.
Vợ chồng nên tạo thành "chúng tôi"
Các đôi vợ chồng cũng nên tạo thành ngôi thứ nhất số nhiều, “chúng tôi”. Họ đối với nhau với tư cách là “tôi” và “bạn”, và đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả con cái, với tư cách là “chúng tôi”. Thật tuyệt vời biết bao khi nghe một người mẹ nói với con mình: “Cha con và mẹ…”, như Đức Maria đã nói với Chúa Giêsu khi họ tìm thấy Người lúc mười hai tuổi trong đền thờ đang giảng dạy cho các kinh sư (x. Lc 2,48), và nghe người cha nói: “Mẹ con và cha”, gần như thể họ là một chủ thể duy nhất. Con cái cần biết bao sự hiệp nhất này - cha và mẹ cùng với nhau-, sự hiệp nhất của cha mẹ, và chúng đau khổ biết bao khi thiếu điều đó! Con cái đau khổ biết bao khi cha mẹ chia tay nhau.
Hôn nhân cần sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần
Tuy nhiên, để đáp ứng ơn gọi này, hôn nhân cần sự hỗ trợ của Đấng là Quà Tặng, thật sự là Đấng hiến thân trọn hảo. Nơi nào Chúa Thánh Thần ngự vào, khả năng tự hiến được tái sinh. Một số Giáo Phụ của Giáo Hội Latinh đã khẳng định rằng, là quà tặng hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng là lý do tạo nên niềm vui hiện hữu giữa các Ngài và khi nói về Ngài, họ không ngại sử dụng hình ảnh về những cử chỉ, những hình ảnh đặc trưng của đời sống hôn nhân, ví dụ như nụ hôn và vòng tay ôm[3]
Chúa Thánh Thần biến "nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau"
Không ai nói rằng sự hiệp nhất như vậy là một mục tiêu dễ dàng, nhất là trong thế giới ngày nay; nhưng đây là chân lý như Đấng Tạo Hóa đã dự định cho mọi thụ tạo và do đó thuộc bản chất của chúng. Tất nhiên, việc xây dựng trên cát có vẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn so với trên đá; nhưng Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết kết quả là gì (xem Mt 7,24-27). Trong trường hợp này, chúng ta thậm chí không cần đến dụ ngôn, bởi vì thật không may, mọi người đều thấy hậu quả của những cuộc hôn nhân xây trên cát và những đứa con phải trả giá đắt hơn hết. Con cái đau khổ vì sự chia tay hay thiếu tình yêu giữa cha mẹ. Những gì Đức Maria nói với Chúa Giêsu tại Cana xứ Galilê phải được nhiều cặp vợ chồng lặp lại: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Chúa Thánh Thần là Đấng tiếp tục thực hiện, trên bình diện thiêng liêng, phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong dịp đó, tức là biến nước của sự quen thuộc thành niềm vui mới được ở bên nhau. Đó không phải là một ảo tưởng đạo đức: đó là điều Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong nhiều đám cưới, khi các cặp vợ chồng đã quyết định cầu khẩn Người.
Ngón tay của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân
Do đó, sẽ không phải là điều xấu nếu, cùng với những thông tin pháp lý, tâm lý và luân lý được đưa ra, sự chuẩn bị “thiêng liêng” này được đào sâu trong quá trình chuẩn bị cho các cặp đính hôn bước vào hôn nhân; Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất. Một câu tục ngữ Ý nói như sau: “Giữa vợ và chồng, đừng nhúng ngón tay vào”. Tuy nhiên, có một “ngón tay” được đặt giữa vợ và chồng, và đó chính là “ngón tay của Thiên Chúa”: Chúa Thánh Thần! Cám ơn anh chị em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
ĐTC Phanxicô tiếp các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô
ĐTC Phanxicô tiếp các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô
Hồng Thủy - Vatican News
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc các cha giải tội tại Đền thờ Thánh Phêrô rằng sự hiện diện của họ rất quan trọng, bởi vì họ giúp các tín hữu hành hương gặp gỡ Chúa của lòng thương xót qua bí tích Hòa giải và làm chứng cho các du khách rằng Giáo hội là cộng đoàn của những người được cứu độ, những người được tha thứ, những người tin yêu và hy vọng vào sự từ ái của Thiên Chúa.
Dựa trên chứng tá của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chia sẻ với các linh mục ba chiều kích đặc biệt trong sứ vụ của họ.
Khiêm nhường
Trước hết là khiêm nhường. Nhắc lại rằng Thánh Tông đồ Phêrô đổ máu tử đạo chỉ sau khi đã khiêm nhường khóc lóc vì tội lỗi của mình (Lc 22,56-62), Đức Thánh Cha nói rằng thánh nhân nhắc nhở rằng mỗi Tông Đồ - và mỗi vị Giải tội - đều mang kho tàng ân sủng mà mình phân phát trong một bình đất, ‘để có vẻ như quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa, chứ không đến từ chúng ta’ (2 Cr 4,7)”. Vì vậy, ngài nhắn nhủ họ rằng “để trở thành những cha giải tội tốt lành, chúng ta hãy trở thành những hối nhân đầu tiên tìm kiếm sự tha thứ” (Bolla Misericordiae Vultus, 17).
Lắng nghe
Điểm thứ hai là lắng nghe mọi người, đặc biệt là giới trẻ và trẻ em. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “lắng nghe không chỉ là lắng nghe những gì người ta nói, nhưng trước hết là đón nhận lời nói của họ như một món quà Thiên Chúa ban cho sự hoán cải của mình, một cách ngoan ngoãn, như đất sét trong tay người thợ gốm (xem Is 64.7)”. Ngài nhắn nhủ các vị giải tội đừng bao giờ quên rằng “bằng cách thực sự lắng nghe người anh em của chúng ta trong cuộc đối thoại bí tích, chúng ta lắng nghe chính Chúa Giêsu, người nghèo khổ và khiêm nhường […] và chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể hy vọng đưa hối nhân tiếp xúc với Chúa Giêsu” (ibid.).
Lòng thương xót
Và điều cuối cùng là lòng thương xót. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Là những người ban phát sự tha thứ của Thiên Chúa, điều quan trọng là phải trở thành ‘những người có lòng thương xót’, vui vẻ, quảng đại, sẵn sàng hiểu và an ủi, bằng lời nói và thái độ”. Ngài nói rằng cha giải tội chỉ có một loại thuốc để đổ lên vết thương của anh em mình: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. (CSR_4639_2024)
Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024
Rao báo Truyền chức Linh mục
Rao báo Truyền chức Linh mục
Theo dự kiến, vào ngày 21 tháng 11 năm 2024, Đức Giám mục Giáo phận sẽ truyền chức Linh mục cho Thầy phó tế Phêrô Trần Đình Duy
Thống kê về giáo hội Công Giáo năm 2024
Thống kê về giáo hội Công Giáo năm 2024
Vatican News (17/9/2024) - Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 389 triệu tín hữu Công giáo, tăng thêm 13,7 triệu người so với năm trước đó.
“Niên Giám thống kê về Giáo hội Công giáo”, được hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng công bố hôm 17/10, có thể cho thấy những thông tin liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới, tính đến ngày 31/12/2022.
Số tín hữu
Trên toàn cầu, số tín hữu Công giáo là 1 tỷ 389 triệu người, tăng thêm 13,7 triệu so với năm trước đó. Cụ thể, châu Phi tăng 7 triệu, châu Mỹ tăng 6 triệu, chỉ có châu Âu giảm 474.000 tín hữu.
Tính đến năm 2022, với dân số thế giới trên 7,8 tỷ người, người Công giáo chiếm 17,7% dân số thế giới, tăng 0,03% so với năm trước đó.
Số giám mục, linh mục và phó tế vĩnh viễn
Theo thống kê này, tổng số giám mục trong Giáo hội hiện nay là 5.353 vị, tăng 13 vị so với năm trước đó.
Số linh mục trên thế giới là 407.730 vị, giảm 142 vị so với năm 2021. Sự giảm sút nhiều nhất xảy ra tại Âu châu, tiếp theo đó là Mỹ châu và Úc châu. Tuy nhiên, số linh mục gia tăng tại Phi châu và Á châu.
Số phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng trong Giáo hội, tổng cộng có 50.159 thầy, tăng 974 vị. Mức tăng được ghi nhận ở châu Phi, châu Á và châu Âu; và giảm ở châu Mỹ và châu Đại Dương.
Các tu huynh trong Giáo hội giảm 360 vị, tổng cộng có 49.414 vị.
Số tu sĩ nam nữ và chủng sinh
Trong năm 2022, số nữ tu trong Giáo hội tiếp tục suy giảm, hiện số nữ tu là 599.228, giảm hơn 9.000. Số nữ tu gia tăng ở Á châu và Phi châu, nhưng giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu.
Số đại chủng sinh triều và dòng của Giáo hội cũng giảm, từ 109.895 xuống còn 108.481 thầy. Chỉ tại Phi châu và châu Đại Dương có số các đại chủng sinh tăng, trong khi tại các đại lục đều giảm.
Giáo dục và chăm sóc sức khoẻ
Trong lĩnh vực giáo dục, trên toàn thế giới, Giáo hội hỗ trợ gần 300 ngàn trường từ cấp mẫu giáo đến đại học.
Có tổng cộng hơn 100 ngàn cơ sở chăm sóc sức khoẻ và bác ái do Giáo hội điều hành trên toàn thế giới.
Nguồn: vaticannews.va/vi
LÁ THƯ GỬI NGƯỜI KHAO KHÁT TRỞ THÀNH LINH MỤC
LÁ THƯ GỬI NGƯỜI KHAO KHÁT TRỞ THÀNH LINH MỤC
WHĐ (21/10/2024) – Tôi biết ơn bạn vì đã liên lạc. Ngày nay, khi có đám mây mờ đang che phủ Giáo hội, chắc chắn sẽ không ít người nghĩ rằng bạn thật kỳ lạ khi nghĩ đến chức linh mục. Có thể cũng có những người khác lại khen ngợi bạn vì sự anh hùng. Thực ra cả hai phản ứng này đều quá đáng. Đối với một thanh niên Công giáo nhiệt thành trong đức tin của mình thì suy nghĩ nghiêm túc về việc trở thành linh mục là điều bình thường và hợp lý. Vấn đề là, nếu bạn có ơn gọi trở thành linh mục, bạn nên mở lòng đón nhận vì đó là một ơn gọi đặc biệt. Thật đáng tiếc là ngày càng có nhiều người trẻ không cân nhắc điều đó một cách nghiêm túc và đón nhận ơn gọi.
Thay vì lời khuyên, tôi xin được bắt đầu với định nghĩa. Về cơ bản, chức linh mục là gì? Thư gửi tín hữu Do thái và Thư thứ nhất gửi Timôthê cho chúng ta câu trả lời. Chức linh mục trước hết liên quan đến chính Chúa Giêsu, Đấng là “vị Thượng tế” duy nhất của toàn thể nhân loại (Dt 7,26) và là “vị Trung gian” giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5). Theo truyền thống, chức tư tế của Đức Kitô được hiểu là hoạt động theo hai hướng, đi xuống và đi lên. Các ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người qua chức tư tế độc nhất của Đức Kitô vì Người là nguồn ân sủng và chân lý duy nhất cho toàn thể nhân loại. Cộng đồng nhân loại cũng hướng về Thiên Chúa trước hết là qua sự vâng phục, tôn kính và cầu nguyện của nhân tính Đức Kitô, vì Người là “Ðấng khai mở lòng tin của chúng ta” (Dt 12,2).
Chức linh mục thừa tác trong Giáo hội Công giáo bắt đầu từ hai hình thức tham gia này. Mỗi linh mục Công giáo là một con người yếu đuối, giới hạn, được kêu gọi tham gia vào sứ mạng tư tế của Đức Kitô một cách hoàn toàn phái sinh và phụ thuộc. Sự “đi xuống” diễn ra qua sự thông truyền chân lý thần linh và ân sủng bí tích, trong đó linh mục là khí cụ của Thiên Chúa bất kể những giới hạn của mình. Sự “đi lên” chủ yếu diễn ra trong phụng vụ và việc điều hành mục vụ của linh mục, vì linh mục hướng dân Kitô hữu tới việc thờ phượng đích thực và đời sống thánh thiện. Theo cả hai nghĩa này, linh mục được mời gọi ngày càng nên giống Đức Kitô và hoán cải nhờ bí tích truyền chức và đời sống cầu nguyện, giảng dạy và chăm sóc các linh hồn. Nếu linh mục thực hiện điều này với sự ngoan nguỳ chân thành trước ân sủng của Thiên Chúa, thì ánh sáng của Đức Kitô sẽ chiếu soi thế giới qua tác vụ của ngài. Nếu linh mục làm điều này khi đối kháng hoặc chối bỏ mầu nhiệm đích thực của Đức Kitô, thì họ sẽ trở thành một thực thể mâu thuẫn mà trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô bị che khuất một cách đau đớn, gây phương hại cho Giáo hội và thậm chí là gương mù cho các tín hữu. Vì vậy, rủi ro rất cao, nhưng ngay cả khi bạn nghĩ đến điều này, bạn cũng không nên sợ hãi. Ân sủng của Đức Kitô ở với tất cả những ai được kêu gọi làm linh mục.
Do đó, mục đích đầu tiên của việc tìm kiếm chức linh mục là ở trong sự hiện diện của Đức Kitô. Ơn gọi chỉ có ý nghĩa khi chúng ta luôn gắn bó với Người, với mầu nhiệm, sự thật và Giáo hội của Người. Đức Kitô ban cho các linh mục một sự kiên định nội tâm nhất định theo thời gian. Sống trong Đức Kitô là trở nên mạnh mẽ chứ không bất an. Nhưng đây là sự ổn định có tính năng động: Nó chỉ có tác dụng nếu thừa tác viên vẫn giữ tinh thần nghèo khó và ngoan nguỳ với Chúa Giêsu, hành động trong Người và vì Người. Đây là một điều gì đó sâu xa hơn một danh sách kiểm tra trách nhiệm hoặc một thái độ đạo đức chân thành. Đó là một thói quen xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, tốt nhất là nên bắt đầu với thực tế này.
Tôi xin đề cập đến một vài ý tưởng cơ bản về sự phân định chức linh mục và sự chuẩn bị thích hợp. Trước hết, nói ngắn gọn về động cơ. Tại sao một người lại muốn trở thành linh mục? Tôi sẽ cảnh giác với những người cho rằng cần phải tự phân tích tâm lý kéo dài về điểm này. Tất nhiên, chúng ta cần tìm hiểu để biết về bản thân. Nhưng ơn gọi không nảy sinh từ một hành động suy xét nội tâm và càng không đòi hỏi chúng ta phải trải qua một bi kịch nội tâm như điều kiện tiên quyết để gia nhập chủng viện. Lối suy nghĩ đó có thể dễ dàng trở thành nguyên nhân của sự tự kỷ ái mộ. Về cơ bản, ơn gọi xuất phát từ ước muốn nhận biết Đức Kitô và gắn kết với Thiên Chúa, bất kể ước muốn tự nhiên và bình thường của chúng ta về hôn nhân và con cái. Chủng sinh là người đã từ bỏ thực tại tự nhiên rất tốt đẹp của đời sống gia đình để sống cho điều mà họ đã học biết để khao khát nhiều hơn nữa: tìm kiếm Thiên Chúa.
Bạn cũng nên thận trọng với những người định nghĩa ơn gọi linh mục chủ yếu theo nghĩa công ích hoặc hạnh phúc cá nhân. Văn hóa Mỹ có xu hướng suy nghĩ chủ yếu theo cách thực dụng và trị liệu. "Nếu bạn là một linh mục, bạn sẽ có ích cho người khác và được mãn nguyện về mặt tâm lý". Có lẽ là cả hai, ít là trong một số trường hợp. Nhưng đây là những động cơ phiến diện. Động lực thực sự nâng đỡ một người trong chức linh mục là ước muốn làm theo ý Chúa và tìm kiếm Ngài. Một Viện phụ dòng Bênêđictô từng nói với tôi, “Những lý do khiến tôi nghĩ rằng tôi gia nhập không phải là những lý do khiến tôi ở lại”. Theo thời gian, một người vẫn ở lại trong ơn gọi, giữa niềm vui và đau khổ, được người đời nhìn nhận hoặc khinh miệt vì không theo văn hóa thời đại, ấy là vì Thiên Chúa mà thôi. Sự kiên định của chức linh mục đặt nền tảng trên sự kiên định của Thập giá. Sự kiên định đến từ Thiên Chúa, từ ý muốn và ân sủng của Ngài chứ không phải từ sự đánh giá của con người về giá trị hay thành công, từ sự tự vấn nội tâm hay những lý lẽ thực dụng.
Cách thế tích cực để diễn đạt điều này là từng chút một linh mục học sống cho Chúa chứ không cho bất kỳ thụ tạo nào. Linh mục là một dấu chỉ cho thế giới biết rằng con người có thể sống cho chính Thiên Chúa, hạnh phúc vì hiểu biết và yêu mến Chúa, vì Thiên Chúa đáng được như thế. Thánh Augustinô diễn đạt điều này một cách mạnh mẽ hơn: Không có gì đáng để yêu vì chính nó, ngoại trừ Thiên Chúa. Theo nghĩa này, linh mục là người trước hết phải học cách từ bỏ các thần tượng của mình. Chỉ còn lại một mình Thiên Chúa. Những thứ khác chỉ là tro bụi. Đây là lý do tại sao chứng tá của Giáo hội phụ thuộc sâu sắc vào tính triệt để của đời sống tu trì và chức linh mục. Những chức vụ này nhằm thể hiện một cách hữu hình rằng chính Giáo hội hiện hữu vì Thiên Chúa. Và nếu Giáo hội Công giáo không thể làm bất cứ điều gì vì Thiên Chúa thì Giáo hội cũng không thể làm bất cứ điều gì thực sự quan trọng trong thế giới ngày nay. Cuối cùng, những nỗ lực của Giáo hội để biện minh cho sự tồn tại của chính mình sẽ trở nên thảm hại khi Giáo hội cố gắng chứng minh sự hữu ích của mình bằng những thuật ngữ thuần túy về con người, chính trị hoặc thế tục.
Ý tưởng thứ hai: Đời sống linh mục xoay quanh chân lý của giáo lý Công giáo. Đây là điều mà nhiều người dường như mắc sai lầm trong Giáo hội ngày nay. Có nhiều người, cả “cấp tiến” lẫn “truyền thống”, miễn cưỡng chấp nhận sứ vụ giảng dạy của Giáo hội. Doctrina trong tiếng Latinh có nghĩa là “giảng dạy”. Giáo hội truyền đạt mạc khải của Đức Kitô đã được ủy thác cho các Tông đồ. Trên bình diện thực tế, không ai chịu trách nhiệm cơ bản về vấn đề này hằng ngày hơn linh mục Công giáo, và với tư cách là linh mục, nếu chúng ta không thấy rõ điều đó thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi. Ngoài việc cử hành các bí tích, trách nhiệm chính yếu của linh mục là giảng dạy đức tin. Nếu hiện nay, sự tục hóa đang diễn ra ở nhiều vùng rộng lớn của Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, thì lý do chính là chức năng truyền thống này của chức linh mục đang bị phớt lờ hoặc thực hiện một cách tồi tệ.
Khi nói rằng linh mục có nhiệm vụ giảng dạy giáo lý tông truyền, tôi không có ý nói rằng bạn phải là một người trí thức uyên bác, và chắc chắn không phải là một học giả chuyên môn. Liệu Thánh Phaolô là một giáo sư thần học chăng? Thật ra, trách nhiệm của linh mục rất khác nhau: Linh mục giáo xứ thì cần hướng dẫn mọi người ở mọi cấp độ và mọi lứa tuổi, từ việc dạy giáo lý cho trẻ em đến việc hướng dẫn những người thuộc tầng lớp lao động, cho đến các chuyên gia, học giả và các nhà lãnh đạo văn hóa trẻ. Ở một số khía cạnh, điều này thách đố hơn so với những gì các học giả làm, nhưng bạn không cần bằng tiến sĩ để làm được điều đó. Nếu một linh mục trình bày các mầu nhiệm đức tin một cách đơn giản, rõ ràng và xác đáng cho người khác, thì Chúa Thánh Thần hoạt động qua vị linh mục ấy bất kể những giới hạn của ngài. Thật đáng kinh ngạc về điều có thể xảy ra chỉ qua việc trình bày rõ ràng và can đảm những giáo huấn trong Sách Giáo Lý. Điều quan trọng là không đánh giá thấp sức mạnh của chân lý.
Việc đào tạo tại chủng viện sẽ cho bạn thời gian để nghiên cứu các chân lý cơ bản của đức tin và thực hành việc truyền đạt chúng cách rõ ràng vừa phải. Những đức tính cơ bản bạn cần rèn luyện trong giai đoạn đầu này là tính hiếu học và sự can đảm. Bạn cần hình thành thói quen học hỏi đức tin hằng ngày và phát triển lòng can đảm để nói với người khác một cách rõ ràng về đức tin với sự thận trọng và tình yêu thương, chứ không cứng nhắc hay phòng thủ. Điều này quan trọng vì cuộc khủng hoảng trong chức linh mục hiện nay trước hết là cuộc khủng hoảng về đức tin, và như Thánh Tôma Aquinô đã lưu ý, đức tin là một ân sủng siêu nhiên được ban chủ yếu cho trí tuệ, chứ không phải cho con tim. Ân sủng này hệ tại sự phán đoán đúng đắn về chân lý của Kitô giáo, và chân lý đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ra sao. Một Giáo hội và một chức linh mục nếu không có sự phán đoán của trí năng về Đức Kitô có nguy cơ không chỉ biến thành một Giáo hội không có đức tin… mà còn là một Giáo hội không có tình yêu, vì tình yêu được hướng dẫn và am hiểu từ bên trong bằng việc hướng tới chân lý. Điểm mấu chốt là bạn cần trau giồi dần dần một đời sống tri thức Kitô chân chính, trong đó bạn học cách nhìn thực tại dưới ánh sáng của Đức Kitô. Đây là điều sẽ cho phép bạn loan báo Tin Mừng và giúp người khác vững vàng trong cơn giông bão.
Ý tưởng thứ ba: Thách đố cốt lõi là để cho ân sủng của Thiên Chúa tác động đến tất cả những ước muốn sâu xa nhất trong trái tim bạn. Chức linh mục là để tâm hồn bạn được tình yêu Thiên Chúa định hướng lại. Đây là một tiến trình kéo dài suốt đời. Linh mục trước hết và trên hết là một tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa, nghĩa là linh mục cũng là một người không ngừng quy phục Thiên Chúa, một tội nhân luôn được Thập giá cứu chuộc và được Thập giá tôn vinh. Nietzsche nói rằng linh mục chỉ nguy hiểm nếu ông ta yêu thực sự, theo đó Nietzsche muốn nói rằng ảo tưởng về Kitô giáo chỉ bén rễ nếu người đó là một kẻ cuồng tín nhiệt thành. Nói cách bí nhiệm thì Nietzsche đúng. Tình yêu của Thiên Chúa phải hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta muốn trở nên hữu dụng thực sự đối với người khác. Giáo hội không phải là cơ quan của các quan chức tôn giáo. Thánh Bernard Clairvaux nói về đan sĩ Xitô như một con sư tử hoang, bị nhốt trong phòng giam đan viện nhưng không ngừng gầm lên với Thiên Chúa. Linh mục có nghĩa là một người hát rong chứ không phải là một người quản lý. Khi một người thực sự yêu mến Thiên Chúa thì tình yêu đó có tính lây lan.
Những giáo dân bình thường của Giáo hội – tức là dân Chúa – thường yêu mến các linh mục, vốn là những người phục vụ họ, và tôn kính mầu nhiệm của chức linh mục. Tuy nhiên, dân Chúa chỉ làm như vậy khi họ cảm thấy rằng linh mục thực sự ở bên cạnh họ, quan tâm đến họ, và sát cánh với họ trong những cơn khủng hoảng và duới thập giá của họ. Phần lớn sự tin tưởng của họ vào những gì Giáo hội dạy đều dựa trên những gì họ nhìn thấy trong đời sống của các nhân sự của Giáo hội. Khi một linh mục nhiệt tâm chuẩn bị cho tín hữu bước vào hôn nhân, giải tội với lòng trắc ẩn, thăm viếng giáo dân hoặc người thân của họ khi họ đau ốm, an ủi khi họ đau khổ, và cử hành lễ an táng với niềm tin vào sự sống lại, thì các tín hữu sẽ tin vào chức linh mục, và vào những gì Giáo hội dạy.
Hãy thận trọng trước những cạm bẫy của văn hóa mang tính giáo sĩ: Việc có được những tiện nghi vật chất không phải là sự thay thế nhằm bù đắp cho đời sống độc thân, cứ như thể việc thường xuyên ăn uống ở các nhà hàng và du lịch quốc tế là sự bù đắp hợp pháp cho đời sống không lập gia đình. Hãy cố gắng trở thành kiểu chủng sinh đeo găng tay lao động và rửa bát, chứ không phải là người tìm cách để được phục vụ hay quý trọng. Linh mục dành thời gian cho những người thất vọng và cô đơn, chứ không chỉ cho những người làm việc hữu hiệu hoặc thành đạt (mặc dù những người này cũng quan trọng trước mặt Chúa). Ngoài ra, hãy lưu ý đến đời sống tình cảm của bản thân. Nếu đang chuẩn bị cho chức linh mục, bạn cần phải vun trồng tình bằng hữu lành mạnh. Mỗi chủng sinh và linh mục đều cần có những người bạn mà mình có thể tâm sự, thường là đồng nghiệp, và có lẽ đôi khi cả những đôi vợ chồng đồng trang lứa hoặc lớn tuổi hơn. Các mối tương quan của chúng ta cần được đặc trưng bởi những ranh giới thích hợp, và tất nhiên phải hết sức trong sáng (về phương diện tình cảm cũng như thể lý), nhưng không quá hình thức hoặc máy móc. Hãy nghiêm túc và đừng bao giờ từ bỏ khả năng nói ra những gì bạn nghĩ theo cách thích hợp.
Điều đó nói lên rằng, nếu một người nam đang chuẩn bị cho thiên chức linh mục và vẫn muốn có tình bạn mãnh liệt về mặt tình cảm với những phụ nữ trẻ, thì người ấy đang tự lừa dối mình. Ân sủng không phá hủy tự nhiên. Nếu một người có ơn gọi, người ấy vẫn có thể cảm nhận được sự hấp dẫn tự nhiên đối với phụ nữ, và đây là một trong những điểm trọng tâm mà những ranh giới và khổ chế đóng vai trò quan trọng trong thời gian một người chuẩn bị chịu chức linh mục cũng như sau đó.
Nền văn hóa của chúng ta không hiểu hoặc không coi trọng đời sống độc thân linh mục, và theo một cách nào đó, thì đây là một điều tốt. Đây là cơ hội để làm chứng triệt để cho Đức Kitô. Độc thân là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn: Nó cho mọi người thấy rằng chúng ta có thể sống cho điều gì đó vượt trên trật tự thụ tạo, sống cho chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, người ta không tin vào bất cứ hình thức cam kết suốt đời nào. Lời thề hứa chung thủy trong hôn nhân và quyết định sinh con cũng là điều khó hiểu đối với nhiều người. Điều này không có nghĩa là những người đương thời của chúng ta thoải mái với vấn đề tình dục của họ. Sự phổ biến của phim ảnh khiêu dâm, việc sống chung mà không sinh sản, và việc sống đơn độc kéo dài mà không kết hôn và sinh con đang khiến người ta phải suy nghĩ lại về các giá trị của cuộc cách mạng tình dục. Trong bối cảnh này, đời sống độc thân linh mục vì Đức Kitô được coi là một điểm định hướng. Bạn cho mọi người thấy, dù họ thất bại hay thành công trong lãnh vực này, rằng họ có thể dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và chính việc sống khổ chế của họ được Giáo hội coi trọng.
Não trạng thế tục nghi ngờ đời sống độc thân là một vấn đề của sự kìm nén và hy sinh khoái cảm tình dục một cách vô nhân đạo. Nhưng khi đời sống này được sống một cách đúng đắn, thì chức linh mục sẽ có vẻ đẹp như một cách thức tận hiến cho Thiên Chúa một cách nhân bản và hết sức nam tính. Đời sống độc thân linh mục đích thực cho chúng ta thấy một hình thức nam tính mang tính tâm linh và cao cả. Nó giúp những người nam khác trở thành người những chồng tốt hơn, biết hy sinh bản thân và giúp người nữ vượt thắng một số phức tạp của chứng thần kinh về quyền lực, sự oán giận và sự quyến rũ. Thực ra, đời sống độc thân linh mục biểu lộ một điều gì đó sâu xa chỉ có thể tồn tại giữa người nam và người nữ trong Đức Kitô: tình bằng hữu thiêng liêng đích thực.
Trong sự đánh giá của Giáo hội về đời sống độc thân, thì chân lý về chính Đức Kitô cũng đang bị đe dọa. Mẫu gương của Người là tâm điểm Kitô học về đời sống độc thân không thể bỏ qua. Bản thân Đức Kitô là người độc thân, cũng như Thánh Phaolô, Thánh Gioan, và nhiều vị thánh khác, cũng như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Liệu chúng ta có hiểu được cuộc sống mầu nhiệm của những người rất thánh thiện này không? Đời sống độc thân linh mục phản ánh và thể hiện thực tại này trong lòng Giáo hội. Liệu thân phận con người đáng thương của chúng ta có thể mang dấu ấn bắt chước Đức Kitô về khía cạnh này chăng? Lịch sử nói có. Theo một nghĩa nào đó, hoa trái của Giáo hội bắt nguồn từ việc Giáo hội cam kết sống độc thân nơi đời sống của các dòng tu. Trước hết, chính những tu sĩ đã mang Phúc âm đến các lục địa bên ngoài Châu Âu, và trên hết, cũng chính họ là những người hiện nay thường loan báo Tin Mừng tại những nơi chưa từng biết Đức Kitô cũng như những nơi trước đây là Kitô giáo. Các linh mục độc thân có thể không có con cháu về mặt thể lý, nhưng nhờ Phép Rửa, họ có hàng triệu con cái. Những kẻ thù của chúng ta có tư tưởng hoài nghi, tình dục hóa quá mức có thể chế giễu, nhưng số liệu thống kê dân số đang giảm dần lại cho thấy sự tự tin sai lầm của họ. Hãy phớt lờ sự tuyệt vọng của những người có ý kiến bất đồng và tìm kiếm sự thanh khiết trong Đức Kitô.
Chúng ta nên làm gì trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và khủng hoảng uy tín của chức linh mục và giám mục? Tôi chắc rằng khi bạn nói với người khác rằng bạn đang nghĩ về chức linh mục, đây là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nhiều người.
Ở một khía cạnh nào đó, đây thực sự là điều đáng lo ngại. Chúng ta phải có một xác tín rõ ràng về sự cần thiết của công lý con người và tính toàn vẹn giáo hội ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Nếu bạn đang ở trong chủng viện hoặc linh mục triều hoặc linh mục dòng và bạn gặp phải những cá nhân có vấn đề trong lãnh vực này, bạn phải thẳng thắn và giúp đưa mọi việc ra ánh sáng. Uy tín của Giáo hội sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến khi tất cả các linh mục và giám mục phải tuân theo một loạt kỷ luật chặt chẽ và hợp lý, với những quy tắc khổ chế và sự thực hành nhất quán. Điều này đang diễn ra từng chút một, bất chấp những trở ngại thực sự mà chúng ta thấy. Sự phẫn nộ có tác dụng của nó, nhưng sự lạc quan cũng thế.
Nói cách khác, là một người đang tìm kiếm Thiên Chúa, bạn không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề này. Là một Kitô hữu, bạn có nghĩa vụ tìm niềm vui trong Thiên Chúa trên hết và vượt trên mọi khiếm khuyết và thất bại thảm hại của con người trong Giáo hội. Toàn bộ ý nghĩa của cụm từ ex opere operato (do sự) là việc cử hành các bí tích làm cho Đức Kitô hiện diện với Giáo hội bất kể mọi khiếm khuyết của con người. Toàn bộ ý nghĩa của đặc sủng bất khả ngộ về tín điều trong Giáo hội là giáo lý tông truyền vẫn luôn rõ ràng và không thể sai lầm ngay cả khi một số nhân sự của Giáo hội không sống theo giáo lý đó hoặc thậm chí không tin vào giáo lý đó.
Tôi không khuyên bạn nên thờ ơ nhưng hãy đặt các mối quan tâm theo thứ tự ưu tiên. Nền tảng thần linh của Giáo hội được đặt lên hàng đầu, chứ không phải các thừa tác viên nhân loại của Giáo hội. Đức tin siêu nhiên vào Đức Kitô đặt chúng ta trên những nền tảng mà ở đó chúng ta có thể tiếp xúc thường xuyên với Đức Kitô, một “viên đá sống động” (1 Pr 2,4) không bị hoen ố bởi những sai lầm của phận phàm nhân chúng ta. Nếu bạn học cách sống ở cấp độ đó, bạn sẽ thấy Giáo hội trong chiều sâu của Giáo hội và yêu mến Giáo hội một cách đúng thực vì Giáo hội luôn kết hợp với Đức Kitô và được sinh động bởi sự thánh thiện của Người. Nhận thức này, không chỉ là một hình thức trốn chạy, nhưng mang lại cho bạn sự can đảm để đấu tranh cho việc canh tân Giáo hội và hàng giáo sĩ mà không nhượng bộ trước sự chán nản hay hoài nghi.
Mọi người đều được mời gọi để hưởng hạnh phúc, nhưng theo những cách thế và những nhịp điệu khác nhau trong cuộc sống. Kết hôn là cách thế tự nhiên và hợp lý nhất để tìm được hạnh phúc trong thế giới này. Tôi có vô số bạn bè, những người thực sự bắt đầu hạnh phúc khi lần đầu trở thành cha mẹ và “tìm thấy chính mình” qua việc trở thành cha hoặc mẹ. Nhưng những người lập gia đình cũng trải qua những hạn chế của hạnh phúc trong đời sống này. Họ cảm thấy cần phải hoán cải sâu xa hơn để trở về với Thiên Chúa như là niềm hy vọng và nguồn hạnh phúc chung cuộc của mình. Nơi hầu hết mọi người, điều này diễn ra từng đợt trong suốt cuộc đời.
Trong khi đó, linh mục bỏ qua một số công đoạn. Suy cho cùng, ơn gọi linh mục là một ơn gọi hướng tới hạnh phúc, nhưng với một nhịp điệu khác và ở một tầm cao hơn. Bằng việc sống mà không có được hạnh phúc gia đình một cách tự nhiên, linh mục phải “tái ổn định” ở mức cao hơn. Điều này vừa an ủi vừa thách thức, giống như sự nghỉ ngơi thể lý không đến từ việc ngủ, mà đến từ việc tạm dừng trong quá trình leo đều đặn lên đỉnh cao. Chúng ta không thể tự mình bắt đầu cuộc leo núi, nhưng ân sủng của Thiên Chúa làm cho việc đó trở nên khả thi, không chỉ có thể chịu đựng được mà còn thanh thản và bình an. Trong Phúc âm Gioan, Đức Kitô nói về sự bình an không do thế gian ban tặng (14,27). Đây chính là trọng tâm của ơn gọi linh mục: trước hết là trở thành người bị giam cầm và sau đó là một sứ giả thường trực của sự bình an đó. Điểm mấu chốt là chúng ta đừng sợ thuận theo ơn gọi, tin tưởng vào hạnh phúc chỉ đến từ một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngài đóng vai trò thiết yếu và chúng ta chỉ cần cộng tác.
Luân lý tính của chủ nghĩa tự do hiện đại vừa dễ dãi vừa không khoan nhượng. Đối với những người thế tục đương thời, mọi thứ đều phụ thuộc vào sự tự lập và tính chính thực của chúng ta, nhưng điều nghịch lý là, chúng ta có thể đạt được rất ít giá trị, và nếu chúng ta mất đi sự ủng hộ của thành phần ưu tú đang nắm giữ nền văn hóa này, thì sẽ không có cách nào quay trở lại được nữa. Đạo Công giáo đối lập với điều này về hầu hết mọi khía cạnh. Đời sống tâm linh của chúng ta không phụ thuộc chủ yếu vào thẩm quyền của chính mình. Thay vào đó, Thiên Chúa đi bước trước bằng món quà ân sủng trong Đức Kitô. Không có Người, có lẽ chúng ta không đạt được gì nhiều, nhưng cùng với Người, cuộc sống của chúng ta có được cả trọng tâm sâu sắc lẫn sự nhẹ nhàng tuyệt vời của hiện hữu. Ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng “hữu dụng” nếu chúng ta trình bày với Đức Kitô. Người là nguồn mạch tha thứ và sự sống vĩnh cửu, để chúng ta có thể sống mà không phải tuyệt vọng.
Truyền thống đạo đức Công giáo bàn về hạnh phúc, sự khổ chế thánh thiện, niềm vui, sự tận hiến, khiêm tốn và giải thoát. Truyền thống ấy hướng chúng ta đến sự cao cả, và hứa hẹn với chúng ta tình yêu thần linh mãnh liệt. Nếu bạn theo đuổi chức linh mục và ơn gọi của bạn được Giáo hội xác nhận, thì cuối cùng bạn sẽ đứng ở điểm nối kết của mầu nhiệm này, chính bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, qua bí tích truyền chức thánh, được ràng buộc mãi mãi với Đức Kitô và thập giá của Người. Qua linh mục, sự sống thiêng liêng của Chúa Giêsu đi từ Golgotha đến thế giới, trong các bí tích và lời rao giảng tông đồ. Vừa lạ lùng vừa khắc nghiệt khi đứng ở điểm nối kết ấy, ở gần ánh sáng không bao giờ tắt, để ánh sáng đó từ từ thay đổi bạn, đốt cháy tâm hồn bạn và tâm hồn người khác thông qua bạn. Nhưng đó cũng là một cuộc sống đầy niềm vui. Tôi khuyến khích bạn hãy thuận theo tiếng gọi này.
Một lần nữa, cám ơn bạn vì đã viết thư. Xin hãy biết rằng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn trong tiến trình phân định của bạn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: firstthings.com
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)