label

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2025

Lêô XIV là vị tân Giáo hoàng

 

Lêô XIV là vị tân Giáo hoàng



Mật viện đã bầu chọn vị Giám mục Roma thứ 267, được Đức Hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti công bố:

Vatican News

Annuntio vobis gaudium magnum: habemus Papam!
“Tôi thông báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao: chúng ta có Giáo hoàng!”
Đức Hồng y đáng kính và đáng trọng, ĐHY Franciscum, Hồng y của Giáo hội Rôma thánh thiện, Robertum, đã chọn cho mình tông hiệu là Lêô XIV.


Robert Francis Prevost – Tiểu sử của vị Tân Giáo Hoàng

 

Robert Francis Prevost – Tiểu sử của vị Tân Giáo Hoàng





Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost, vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Thánh Augustinô, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ.

 

Trước khi được bầu làm Giáo hoàng lúc 18:07, ngài là Tổng trưởng Bộ Giám mục và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh. Ngài cũng là Giáo hoàng người châu Mỹ thứ hai, ngay sau Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Tân Giáo hoàng sinh tại Bắc Mỹ nhưng từng hoạt động mục vụ lâu dài tại Nam Mỹ, đặc biệt là Peru.

Ngài là con của ông Louis Marius Prevost, mang dòng máu Pháp - Ý, và bà Mildred Martínez, gốc Tây Ban Nha. Ngài có hai anh em là Louis Martín và John Joseph.

Hành trình ơn gọi và học vấn:

·         Ngài theo học tại tiểu Chủng viện của Dòng Augustinô và sau đó tốt nghiệp Cử nhân Toán học và Triết học tại Đại học Villanova (1977). Cùng năm đó, ngài gia nhập Dòng Thánh Augustinô (O.S.A.), khấn lần đầu năm 1978 và vĩnh khấn năm 1981.

·         Ngài tiếp tục học Thần học tại Catholic Theological Union, và năm 1982, được gửi đến Roma để học Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquino (Angelicum). Ngày 19 tháng 6 năm 1982, ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Thánh Monica, do Đức ông Jean Jadot chủ sự.

·         Ngài nhận bằng Cử nhân Giáo luật (1984) và Tiến sĩ Giáo luật (1987), với luận án "Vai trò của Bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustinô".

Hoạt động mục vụ tại Peru:

Từ năm 1985, ngài hoạt động mục vụ tại Chulucanas, Peru, sau đó tại Trujillo. Tại đây, ngài giữ nhiều vai trò quan trọng:

·         Bề trên cộng đoàn (1988–1992)

·         Giám đốc đào tạo (1988–1998)

·         Giáo sư Giáo luật, Giáo phụ học và Luân lý tại Chủng viện lớn

·         Đại diện tư pháp của Tổng Giáo phận Trujillo

·         Quản xứ các giáo xứ nghèo: Đức Mẹ Montserrat, Thánh Rita

·         Vai trò lãnh đạo trong Dòng Thánh Augustinô và Giáo hội

·         Năm 1999, ngài được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng Augustinô “Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” tại Chicago, và năm 2001, được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, tái cử năm 2007.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ngài trở về Chicago (2013) giữ vai trò Giám đốc đào tạo và Phó Tỉnh dòng. Ngày 3 tháng 11 năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Chiclayo, Peru, và Giám mục hiệu tòa Sufar.

Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 12 tháng 12 năm 2014, lễ Đức Mẹ Guadalupe. Châm ngôn giám mục của ngài là: “In Illo uno unum” – "Trong Đấng duy nhất, tất cả nên một", trích từ Thánh Augustinô.

Tháng 9 năm 2015, ngài được bổ nhiệm chính thức làm Giám mục Chiclayo, và năm 2018, được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai Hội đồng Giám mục Peru. Ngài cũng là Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, và thành viên Hội đồng Kinh tế.

Phục vụ Giáo hội toàn cầu:

Năm 2019: Thành viên Bộ Giáo sĩ

Năm 2020: Thành viên Bộ Giám mục, đồng thời làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Callao

Ngày 30 tháng 1 năm 2023: Bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, và được nâng lên Tổng Giám mục

Ngày 30 tháng 9 năm 2023: Được phong Hồng y, với nhà thờ hiệu tòa Santa Monica, chính thức nhận ngày 28 tháng 1 năm 2024

Ngài đã tham gia hai phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám mục về Tính Hiệp Hành tại Roma:

Tháng 10 năm 2023 (phiên họp thứ nhất)

Tháng 10 năm 2024 (phiên họp thứ hai)

Trước đó, với vai trò Bề trên Tổng quyền, ngài cũng từng tham dự các Thượng Hội Đồng Giám mục, đại diện cho Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền (USG).


Lời chào đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV

 

Lời chào đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV



Trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã ngỏ lời với tất cả mọi người với lời chào bình an, mời gọi xây nhịp cầu và đối thoại.

Bình an ở cùng tất cả anh chị em!

Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng mong muốn lời chào bình an này thấm sâu vào lòng anh chị em, lan tỏa đến gia đình của mỗi người, đến mọi người, ở bất cứ nơi đâu, đến mọi dân tộc, đến khắp mặt đất. Bình an ở cùng anh chị em!

Đây là bình an của Đức Kitô Phục Sinh, một sự bình an không vũ khí và buông vũ khí, khiêm nhường và kiên trì. Bình an này đến từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta vô điều kiện. Chúng ta vẫn còn nghe vang vọng trong tai chúng ta giọng nói yếu ớt nhưng đầy can đảm của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài ban phép lành cho thành Roma!

Đức Thánh Cha ban phép lành cho Roma cũng là ban phép lành cho thế giới, cho toàn thể nhân loại, trong buổi sáng ngày lễ Phục Sinh. Xin cho phép tôi tiếp nối lời phép lành ấy: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa yêu thương tất cả anh chị em, và sự dữ sẽ không bao giờ thắng thế! Tất cả chúng ta đều ở trong bàn tay Thiên Chúa. Vì thế, không sợ hãi, cùng nhau nắm tay Thiên Chúa và nắm tay nhau, chúng ta tiến bước. Chúng ta là môn đệ của Đức Kitô. Đức Kitô đi trước dẫn đường. Thế giới cần ánh sáng của Người. Nhân loại cần Người như cây cầu để đến được với Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin anh chị em cũng hãy giúp chúng ta, rồi giúp nhau xây dựng những nhịp cầu, qua đối thoại, qua gặp gỡ, hiệp nhất để trở thành một dân tộc duy nhất luôn sống trong hoà bình. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô!

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các Hồng Y anh em đã chọn tôi làm Người Kế Vị Thánh Phêrô, để cùng anh chị em bước đi, như một Giáo Hội hiệp nhất, luôn tìm kiếm hòa bình, công lý, luôn cố gắng sống như những người nam nữ trung thành với Đức Giêsu Kitô, không sợ hãi, để loan báo Tin Mừng, để trở thành những nhà truyền giáo.

Tôi là người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ Augustinô, người đã nói: “Với anh em, tôi là Kitô hữu; vì anh em, tôi là giám mục”. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta có thể cùng nhau tiến về quê hương mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta.

Gửi đến Giáo Hội Roma một lời chào đặc biệt! Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội xây dựng nhịp cầu, đối thoại, luôn rộng mở để chào đón như quảng trường này với vòng tay rộng mở. Tất cả, tất cả những ai cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta.

Sau khi ngỏ lời chào bằng tiếng Ý, Đức tân Giáo Hoàng đã nói bằng tiếng Tây Ban Nha:
Và xin cho phép tôi gửi một lời chào đến tất cả mọi người, và đặc biệt đến giáo phận Chiclayo yêu dấu của tôi ở Peru, nơi có một dân thánh trung thành đã đồng hành với vị giám mục của mình, chia sẻ đức tin và đã cống hiến rất nhiều, rất nhiều, để tiếp tục là một Giáo Hội trung thành của Đức Giêsu Kitô.

Gửi đến tất cả anh chị em ở Roma, ở Ý, và trên toàn thế giới, chúng ta mong muốn trở thành một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo Hội bước đi, một Giáo Hội luôn tìm kiếm hòa bình, luôn tìm kiếm đức ái, luôn cố gắng ở gần những người đau khổ nhất.

Hôm nay là ngày cầu nguyện với Đức Mẹ Pompei. Mẹ Maria luôn muốn đồng hành với chúng ta, ở gần bên, giúp đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu và tình yêu của Mẹ.

Vì thế, tôi muốn cùng anh chị em cầu nguyện. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sứ vụ mới này, cho toàn thể Giáo Hội, cho hòa bình thế giới, và xin Mẹ ban ơn đặc biệt này.

Sau đó Đức Tân Giáo hoàng đã cùng các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Kính Mừng và ngài ban phép lành toàn xá Urbi và Urbi, cho Roma và toàn thế giới.


Từ khói trắng đến “Habemus Papam”

 

Từ khói trắng đến “Habemus Papam”



Khói trắng từ ống khói Nhà nguyện Sistine vừa báo cho các tín hữu và thế giới biết một tân Giám mục Roma – người kế vị Thánh Phêrô – đã được bầu chọn. Nhưng điều gì đã xảy ra dưới mái vòm được Michelangelo vẽ bích họa chỉ vài phút trước đó? Và điều gì sẽ diễn ra cho đến khoảnh khắc Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế người Pháp, Dominique Mamberti, công bố tên của Tân Giáo hoàng với công thức “Habemus Papam-Chúng ta có Giáo hoàng” từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô?

 Vatican News

Nghi thức chấp nhận

Theo quy định của Nghi thức phụng vụ của Mật nghị (Ordo rituum Conclavis) và Tông hiến Universi Dominici Gregis, một Hồng y có mặt tại Nhà nguyện Sistine đã đạt đủ số phiếu cần thiết và cuộc bầu chọn diễn ra theo đúng Giáo luật. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, thay mặt cho tất cả các Hồng y cử tri, hỏi sự đồng ý của vị được bầu bằng câu tiếng Latinh: "Ngài có chấp nhận việc bầu chọn ngài theo giáo luật làm Giáo hoàng không?"

Sau đó, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng, với chức năng của một công chứng viên, và hai quan chức của ban Nghi lễ làm chứng thảo văn bản chấp thuận và ghi lại tên đã chọn.

Kết thúc Mật nghị Hồng y

Tông hiến Universi Dominici Gregis xác định rằng Mật nghị kết thúc ngay khi Tân Giáo hoàng chấp nhận việc bầu chọn, “trừ khi ngài có quyết định khác”. Sau đó, một số vị được phép vào Nhà nguyện Sistine,  như Phó Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ngoại trưởng Toà Thánh, và những người khác có trách nhiệm liên hệ với Tân Giáo hoàng.

Khói trắng và “Phòng Nước mắt”

Kết thúc nghi thức chấp thuận, các phiếu bầu và tài liệu liên quan được đốt, tạo ra khói trắng báo hiệu đã có Tân Giáo hoàng. Trong khi các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô vỗ tay reo mừng và thế giới hồi hộp chờ đợi tên của ngài, vị Tân Giáo hoàng rời Nhà nguyện Sistine và bước vào phòng thánh, nơi được gọi là “Phòng Nước mắt. Tại đây, ngài được Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng giúp đỡ mặc một trong ba bộ áo Giáo hoàng đã được chuẩn bị sẵn.

Nghi lễ đầu tiên: Tỏ lòng kính trọng và hát “Te Deum”

Khi trở lại Nhà nguyện Sistine, Tân Giáo hoàng ngồi trên ghế và một nghi lễ ngắn diễn ra. Một Hồng y thuộc đẳng giám mục đọc lời chúc mừng; sau đó, Hồng y đứng đầu đẳng linh mục đọc một đoạn Tin Mừng có thể là “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hoặc “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Kế đó, Hồng y trưởng đẳng phó tế đọc một lời cầu nguyện cho người Kế vị Thánh Phêrô mới được bầu.

Sau nghi thức, các Hồng y lần lượt tiến đến trước Tân Giáo hoàng để bày tỏ lòng kính trọng và vâng phục, theo thứ tự phẩm trật. Cuối cùng, tất cả cùng hát bài thánh ca “Te Deum”, do chính Tân Giáo hoàng xướng.

Lời cầu nguyện của Tân Giáo hoàng tại Nhà nguyện Paolina

Trong khi Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti tiến ra ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô để công bố: Tôi loan báo cho anh chị em niềm vui lớn lao: chúng ta có Đức Giáo hoàng! (Nuntio vobis gaudium magnum: habemus papam!)
thì Tân Giáo hoàng, trước khi ra chào các tín hữu, dừng lại trong Nhà nguyện Paolina để thinh lặng cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Sau đó, ngài bước ra ban công và ban phép lành tông toà đầu tiên cho thành Roma và toàn thế giới “Urbi et Orbi”.


Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025

CHƯƠNG TRÌNH CỦA CÁC HỒNG Y TRONG MẬT NGHỊ

 

CHƯƠNG TRÌNH CỦA CÁC HỒNG Y TRONG MẬT NGHỊ



avatarVatican News
07/05/2025
Vatican News (06/5/2025) – Phát biểu với các nhà báo trong cuộc họp báo vào trưa thứ Ba ngày 6/5/2025 về chương trình của Mật nghị, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh Matteo Bruni cho biết, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, các Hồng y sẽ dâng Thánh lễ và đọc Kinh Sáng. Về giờ có khói, nếu có khói bay lên từ ống khói vào lúc khoảng 10:30 sáng hoặc khoảng 5:30 chiều thì sẽ là khói trắng, dấu hiệu đã bầu được Giáo hoàng mới.

Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết lịch trình cụ thể của các Hồng y cử tri trong Mật nghị.

Sau Thánh lễ “Pro eligendo Romano Pontifice” vào lúc 10 giờ sáng giờ Roma ngày 7/5/2025, lúc 3:45 chiều các Hồng y sẽ rời Nhà Thánh Marta và lúc 4:30 chiều sẽ rước vào Nhà nguyện Sistine, sau đó là nghi thức tuyên thệ và bỏ phiếu lần thứ nhất.

Từ thứ Năm ngày 8/5/2025, vào lúc 7:45 sáng các Hồng y sẽ khởi hành từ Nhà Thánh Marta đến Dinh Tông tòa, và lúc 8:15 sáng, các ngài sẽ cử hành Thánh lễ và Kinh Sáng tại Nhà nguyện Paolina. Sau đó, lúc 9:15 sáng, sẽ có giờ kinh giờ Ba tại Nhà nguyện Sistine và các ngài sẽ bắt đầu bỏ phiếu.

Sau đó, lúc 12:30 trưa, các Hồng y cử tri trở về Nhà Thánh Marta để ăn trưa.

Vào lúc 3:45 chiều, các ngài sẽ trở lại Dinh Tông Tòa và sẽ tiếp tục bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistine lúc 4:30 chiều.

Ông Bruni nói rõ rằng thời gian có thể có khói có thể là khoảng sau 10:30 sáng nếu có khói trắng và sau 12:00 trưa. Đối với các lần bỏ phiếu vào buổi chiều, ông Bruni lưu ý rằng có thể xuất hiện khói sau 5:30 chiều, nếu có khói trắng, nếu không thì khoảng 7:00 tối.

Khi kết thúc các cuộc bỏ phiếu, sẽ có giờ Kinh Chiều tại Nhà nguyện Sistine, và lúc 7:30 tối, các Hồng y cử tri sẽ trở về Nhà Thánh Marta.

(Lưu ý: Giờ Roma cộng thêm 5 tiếng nữa sẽ là giờ Việt Nam).

Nguồn: vaticannews.va/vi

TRỰC TIẾP THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU GIÁO HOÀNG LÚC 15G00 NGÀY 07/5/2025

 

TRỰC TIẾP THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU GIÁO HOÀNG LÚC 15G00 NGÀY 07/5/2025



avatarVatican News
07/05/2025
Vatican News (07/5/2025) - Vatican News Tiếng Việt truyền hình trực tiếp Thánh lễ cầu nguyện cho việc bầu Giáo hoàng vào lúc 10g00 giờ Rôma (15g00 giờ Việt Nam) thứ Tư ngày 07/5/2025.

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2025

PHIÊN HỌP CHUNG THỨ 11 CỦA HỒNG Y ĐOÀN: CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY TƯ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH CỦA MỘT "GIÁO HOÀNG MỤC TỬ"

 

PHIÊN HỌP CHUNG THỨ 11 CỦA HỒNG Y ĐOÀN: CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY TƯ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH CỦA MỘT "GIÁO HOÀNG MỤC TỬ"





avatarVatican News

Vatican News (05/5/2025) – Khoảng 170 Hồng y, bao gồm 132 Hồng y cử tri, đã tham dự Phiên họp chung thứ 11, diễn ra từ 5 đến 7 giờ chiều ngày 5/5/2025. Nhiều chủ đề đã được đề cập, bao gồm cam kết và trách nhiệm trong việc hỗ trợ Giáo hoàng mới, người mà họ hy vọng sẽ có quan điểm đối thoại và xây dựng mối quan hệ với các thế giới tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Các chủ đề suy tư

Có khoảng 20 phát biểu của các Hồng y trong phiên họp thứ 11, về nhiều chủ đề, bao gồm cam kết và trách nhiệm của các ngài trong việc ủng hộ Giáo hoàng mới. Các ngài cũng phác họa hình ảnh một Giáo hoàng là một mục tử, người có quan điểm đối thoại và xây dựng mối quan hệ với nhiều thế giới tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Các chủ đề khác được thảo luận là: sắc tộc trong Giáo hội và xã hội, và các Hồng y nói về cả xung đột cũng như sự hợp tác giữa các nhóm sắc tộc khác nhau; về hiện tượng di cư, về người di cư như một món quà nhưng cũng về cách đức tin của họ có thể được hỗ trợ; về các cuộc chiến tranh trên thế giới, các chủ đề cũng liên quan đến nguồn gốc của các Hồng y đã phát biểu, đặc biệt là ở Châu Á và Châu Phi; những thách thức của các giáo phái ở một số khu vực địa lý; và Thượng Hội đồng về tính hiệp hành và giáo hội học hiệp thông.

Chuẩn bị cho Mật nghị

Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng đưa tin rằng chiều nay, khoảng một trăm viên chức và nhân viên của Mật nghị Hồng y, cả giáo sĩ và giáo dân, đã tuyên thệ giữ bí mật tại Nhà nguyện Paolina, ở ban công đầu tiên của Dinh Tông tòa.

Từ ngày mai, ngày 6/5/2025, cho đến sáng hôm sau, trước Thánh lễ “Pro eligendo Pontifice” lúc 10 giờ sáng, các Hồng y cử tri sẽ có thể bắt đầu vào Nhà Thánh Marta để ổn định chỗ ở tại các phòng được chỉ định cho họ.

Trong khi đó, Văn phòng Phủ Thống đốc Thành Vatican đã thông báo rằng bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày 7/5/2025, “tất cả các hệ thống truyền tín hiệu viễn thông cho điện thoại di động vô tuyến có trên lãnh thổ Thành phố Vatican, ngoại trừ khu vực Castel Gandolfo, sẽ bị vô hiệu hóa”. Điều này nhằm đảm bảo sự cô lập của các Hồng y trong suốt Mật nghị. Tín hiệu sẽ được khôi phục sau khi có thông báo về cuộc bầu cử Giáo hoàng tiếp theo, được tuyên bố từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô.

Nguồn: vaticannews.va/vi