Đôi giòng tâm sự gửi Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống
NHỚ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE VŨ DUY THỐNG
Ký họa nhanh của Ami Đài Phạm lớp 65 (Long Xuyên)
Ngày mùng 2 tết, Đức Cha đón tôi và phái đoàn giám mục Pháp tại Tà Pao. «Incognito et inter nos», nghĩa là kín đáo, giữa chúng tôi thôi, nên sau thánh lễ đồng tế với chừng hai trăm anh chị em hành hương Đức Mẹ ngày đầu năm, bữa ăn trưa rất đơn sơ nhưng rất ấn tượng trong ngôi nhà mới đối diện nhà thờ Đồng Kho với món đặc biệt của các sơ dòng kín Camêlô Phan Thiết đã khắc sâu một kỷ niệm khó phai, đến nỗi khi hay tin Đức Cha Giuse về với Chúa, đức cha Luc Ravel, tân tổng giám mục tổng giáo phận Strasbourg, sau 7 năm làm giám mục giáo phận quân đội Pháp đã không quên viết trong thư chia buồn: «Tôi chẳng bao giờ quên được món độc đáo: «ăn gì bổ nấy» của đức cố giám mục Giuse».
Vâng, từ 8 giờ sáng ngày 1.3, Đức Cha đã trở thành đức cố giám mục, được gọi là người thiên cổ, được xếp vào hàng ngũ người quá cố, dù mới ở tuổi 65, với 32 năm Linh Mục, 16 năm Giám Mục: 8 năm Phụ Tá Sàigòn, và 8 năm chính tòa Phan Thiết. Hình ảnh của Đức Cha đã được tòan thể giáo hội Việt Nam và bạn hữu tòan thế giới trân trọng, tôn vinh từ ngày đầu Mùa Chay 2017 như một vị Giám Mục đáng kính, một nhạc sĩ, ca sĩ «Thông Vi Vu» đáng yêu, một người thầy đáng phục, một người bạn đáng mến đã chết một cách «đáng thương», không chỉ trên mạng, mà còn trên bàn làm việc, ở đầu giường, trên bàn thờ kính nhớ người đã khuất, và tận sâu thẳm tâm hồn với hương lòng da diết nhớ thương.
Là bạn của Đức Cha khi tôi 11 và Ngài 12 tuổi. Từ bước chân ngỡ ngàng, ngây thơ vào tiểu chủng viện thánh Têrêxa, Long Xuyên ngày 21 tháng 8 năm 1964 đến giây phút xe dạ thắt lòng tẩm liệm Ngài lúc 19 giờ ngày 1 tháng 3 do Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám Mục Phú Cường, và Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám Mục phó Bà Rịa, là hai trong những Giám Mục thân thiết chí tình với Ngài chủ sự tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, trái tim chúng tôi đã không xa nhau một bước, vắng nhau một ngày, rời nhau một quãng. Chẳng thế mà tình bạn 53 năm cũng là tình bạn muôn thưở, đời đời, và bao lâu còn sống, tôi vẫn muốn «tôn thờ» tình bạn tuyệt vời ấy… Tình bạn ấy thân thiết đến độ chúng tôi chỉ có thể gọi tên nhau, dù Ngài có quyền cao chức trọng; tình bạn ấy gắn bó đến nỗi tôi với Ngài chỉ có thể gọi nhau bằng Bác, dù vị thế Giám Mục của Ngài cao sang ngất ngưởng; tình bạn ấy chân thật đến mức khó có thể xưng tụng danh phận Ngài mang mà không khỏi lúng túng, ngượng ngùng, nên với tôi, chỉ có «Bác Thống» nghĩa tình, «Bác Thống» hết tình, «Bác Thống» hết mình, «Bác Thống» nhiệt tình, «Bác Thống» của tôi, «Bác Thống của anh em Khai Phá», «Bác Thống»: mối tình riêng bất diệt!
Đêm qua trên đường về lại Sàigòn sau thánh lễ bên quan tài lúc 22 giờ. Đường đêm khuya khuắt. Anh Hòa xả hết tốc độ và luôn miệng: «Em thương Đức Cha quá! Tội nghiệp Ngài thật!». Điệp khúc thương tiếc dài hơn 200 cây số đã không ru tôi ngủ, dù đã hai đêm thức trắng, nhưng đưa tôi về kỷ niệm với từng chi tiết về Bác trong những ngày cuối đời.
Sau lần phẫu thuật thông mạch tim, sức khỏe của Bác đổ dốc: bệnh viêm xoang hoành hành liên tục làm Bác thường xuyên sốt và mệt. Bác thắc mắc không hiểu tại sao căn bệnh được xem như rất thường, lại cứ đeo đẳng, «say sưa» làm khổ Bác. Có những lúc cơn sốt tăng tốc, Bác thả người trên ghế, ngao ngán, thờ thẫn than thở: «Chúa ơi, chẳng biết làm sao bây giờ...».
«Làm sao bây giờ» cũng như đã «chẳng làm sao được» khi tuyệt đối vâng phục nhận gánh nặng Giám Mục, dù biết rất rõ đời Giám Mục rồi sẽ cay đắng khôn cùng, chua chát khôn nguôi, tủi buồn khôn tả, nhọc nhằn khôn xiết, khó khăn khôn lường. Bác đã chẳng viết cho anh em Khai Phá trước ngày được tấn phong Giám Mục đó sao: «Mình biết, thánh giá Chúa trao cho mình sẽ rất nặng, và hầu như đời mình đều được dệt bằng những biến cố của ngày thứ sáu». Và Bác đã kể ra rất nhiều biến cố «ngày thứ sáu» như những điểm nhấn quan trọng của đời bác. Những câu chuyện ngày thứ sáu này đã làm chúng tôi «dàn dụa nước mắt». Vì bị ám ảnh bởi ngày thứ sáu của Bác, nên nhiều người trong anh em Khai Phá đã không nghĩ Bác sẽ ra đi ngày thứ Tư, nhưng thứ Tư 01.3.2017 Thiên Chúa chọn cho Bác không là thứ Tư bình thường, nhưng là thứ Tư Lễ Tro với ý nghĩa thần học cực kỳ quan trọng: Trở Về.
Vâng, Bác trở về với Đấng đã sai Bác vào đời, đã chọn và sai Bác đi rao giảng, cai quản, thánh hóa muôn dân. Bác không còn phải ngẩng mặt thở than: «Chúa ơi, chẳng biết làm sao bây giờ…», khi cô đơn trong trách vụ và chẳng ai biết được hết nỗi khổ của Bác trong suốt 16 năm Giám Mục; Bác sẽ chẳng còn mất ngủ, biếng ăn, lười uống thuốc vì trăn trở trước những mối bòng bong của mục vụ, khi chẳng có mấy người hiểu hết niềm đau, để cảm thông và chân thành cộng tác với Bác; Bác cũng sẽ hết phải mượn khói thuốc khi lòng chùng sâu, quặn thắt và nước mắt ứ nghẹn trước những vô ơn, phản bội của người mình yêu thương, bênh vực, tín nhiệm; và Bác cũng chẳng còn phải mượn chút men bia với dáng điệu rất hào sảng «Long Chỉ» để nhẹ đi phần nào niềm u uất khi chưa vuông tròn được sự hiệp nhất giữa anh em, con cái trong nhà.
Vâng, Bác trở về với Thiên Chúa, bằng trở về với thân phận cát bụi. Thân phận cát bụi thật kinh khủng, khi dung mạo khôi ngô, tươi đẹp của Bác tàn tạ sau mấy ngày bị vi khuẩn «không tên» đục khoét, tàn phá, đến nỗi chính tôi là bạn thân của Bác cũng phải hốt hoảng, bàng hoàng và cố gắng lắm mới nhận ra Bác khi vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm Bác. Bác bị con virus quái ác làm phổi đầy nước, không thở được, thêm bệnh tiểu đường, áp huyết cao, tim mạch, nấm độc, đau răng tiếp tay hợp đồng tác chiến, kịch liệt tấn công, làm Bác qụy ngã trong hôn mê rất sâu, để «chẳng còn dung mạo mỹ miều, oai phong, tươi tắn như khi trước nữa». Nhiều người thân quen đã điện thoại gặng hỏi, khi nhìn thấy trên mạng hình Bác nằm bất động: «Có đúng là Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống không? Sao không thấy giống Ngài? Tại sao Ngài lại đeo kiếng?».
Bác ơi, mình đã muốn trả lời cho bạn hữu và các «fan» của Thông Vi Vu như thế này: «vào những ngày cuối đời, Đức Cha Giuse hay Thông Vi Vu của quý bạn đã thực sự sống mầu nhiệm ngày thứ Sáu Tuần Thánh với Đức Giêsu, Đấng mà Ngài suốt đời yêu mến tôn thờ. Bằng chứng là Đức Cha đã được trở nên «đồng hình đồng dạng», nghĩa là hết đẹp trai, nhưng phù to, mất cân đối, nếu không muốn nói là thê thảm, tang thương như Đức Giêsu trên Thánh Giá, hình ảnh mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: «Bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa… Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng cho chúng ta nhìn ngắm, dung mạo Người chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích» (Is 52,14 ;53,2).
Còn kiếng đeo? Vài tuần trước khi mất, Bác rất thích cặp kiếng này, nên gia đình đeo cho Bác khi tẩm liệm, để Bác vui và dễ nhận ra từ xa Đức Giêsu đang giang tay đón Bác là người con ngoan, tôi tớ tận tụy và trung thần rất đáng trân quý của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bác Thống yêu quý,
Trên đường về hôm nay, Bác thực sự nhẹ nhõm hành trang làm người và thanh thản gánh nặng mục tử, nhưng ngược lại Bác mang nặng món nợ tình rất lớn. Bác thấy rõ hơn tôi tình cảm của bao nhiêu người đang dành cho Bác: cả giáo phận Phan Thiết, Sàigòn, Long Xuyên, Thái Bình…, các dòng tu, chủng viện, đoàn thể khắp nơi trên thế giới tha thiết cầu nguyện cho Bác; các báo chí công giáo, trang mạng, facebook tràn đầy hình ảnh Bác, tràn ngập yêu thương dành cho Bác, tràn trề lòng ngưỡng mộ Bác, tràn lan kỷ niệm thân thương, ân tình với Bác. Rất rất nhiều người thương tiếc Bác. Họ là anh em cùng lớp, cùng trường với Bác như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt; thân quyến của Bác như cô Thao, em gái Bác, hay như Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, nguyên Giám Mục Long Xuyên, nghĩa phụ của Bác; «đồng nghiệp» trong Giám Mục đoàn như hai Đức Hồng Y, các Tổng Giám Mục ,Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; các linh mục, tu sĩ nam nữ bạn học cũ, học trò cũ, cộng sự viên, con cái thiêng liêng, giáo dân trong gia đình giáo phận của Bác; chưa kể anh chị em nghệ sĩ đạo đời mà đối với họ, Bác nổi tiếng là «dễ thương, dễ gần». Nói chung là rất đông, rất nhiều những «ân sâu nghĩa nặng», những «tình xưa nghĩa cũ», cả những trái tim chợt biết rung động sau khi nghe tin Bác từ bỏ cõi đời. Họ là những người chưa hiểu Bác, hoặc không muốn hiểu Bác, vì một lý do nào đó; họ là những người đã vô tình hoặc cố tình nghĩ oan, hiểu lầm Bác, bởi ở Bác, ngoài bổn phận thương xót, còn trách nhiệm uốn nắn, sửa dậy. Sở dĩ tôi dám viết điều này, là vì sáng nay đang khi viết những dòng tâm sự cho Bác, tôi nhận được một email với nội dung như sau: «Cả ngày hôm nay, em có được một cảm nghiệm sâu sắc về sự ra đi của Đức Cha Giuse Thống. Sự ra đi này thật kỳ diệu và đầy ân sủng… Chỉ nguyên nhìn thấy và nghe được biết bao lời cầu nguyện của các hội đoàn, tu sĩ nam nữ, bạn bè khắp nơi và hàng triệu tín hữu đang tha thiết cầu cho Ngài thì em đã đủ thấy Ngài là con người như thế nào… Một con người bình dị, dễ gần, dễ mến, khiêm tốn, chịu đựng như Ngài thì làm sao không để lại bao tiếc thương, quý mến trong lòng mọi người? Cá nhân em thấy vô cùng ân hận, xấu hổ khi em đã có những lời nói, ý tưởng, nghi vấn xấu, kể cả ganh tỵ khi Đức Cha còn sống. Em thật lòng sám hối để xin Chúa và Đức Cha tha thứ. Xin Bác chuyển lời tạ tội của em đến Đức Cha, và xin đốt thay em một nén hương để tưởng niệm và tỏ lòng yêu mến Ngài. Xin Đức Cha bầu cử cho chúng ta cố gắng noi gương hiền lành và khiêm nhường của Ngài».
Nợ tình thì chẳng bao giờ trả được, cũng chẳng biết phải trả thế nào, ngoài «tình hơn, thương hơn, yêu hơn», như Bác thường nói: «Cuối cùng chỉ còn lại tình nghĩa!», phải kông Bác ?
Bác đã rất tình với mọi người và với từng người trong suốt cuộc sống. Điều này thì chẳng ai có thể phủ nhận, kể cả những người không ưa Bác. Điều ấy cho phép tôi xác tín: ở trên thiên đàng, Bác sẽ chẳng quên ai, chẳng phụ tình ai, chẳng dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt hay «sang chảnh» với ai, vì bản chất của Bác là «rất tình», như dòng nhạc, lời thơ, giọng nói, dáng điệu luôn «trữ tình, nhiệt tình, hết tình» của Bác. Bác nhớ nhé, đừng quên ai, nhưng tiếp tục «tình» với mọi người bằng bầu cử cho tất cả chúng tôi, những người chưa tìm được cặp kiếng đắc ý để lên đường gặp Chúa như Bác hôm nay. Đừng quên ai nhé, Bác Thống, vì tất cả mọi người đang «rất tình» với Bác, kể cả những người đã làm Bác buồn, đã ghen ghét muốn loại trừ Bác. Kể cả họ, Bác ạ, họ cũng đang xúc động vì nhận ra Bác đã rất tình với họ.
Sáng thứ Hai, anh em cựu chủng sinh Long Xuyên và lớp Khai Phá sẽ có mặt tại nhà thờ chính tòa Phan Thiết để tiễn đưa Bác, trong đó có tôi, người bạn được chia sẻ, thao thức với Bác rất nhiều. Suốt 53 năm, tôi với Bác đã sống rất có «Thể Thống», và mình gọi nhau bằng Bác, nhưng hôm nay, Bác đi, tôi ở lại, có lẽ tôi phải thay đổi cách xưng hô cho hợp ý Chúa: «Anh Thống», đọc trại lại sẽ là «Ông Thánh» rất đáng yêu của tôi.
Jorathe Nắng Tím
Sàigòn 2.3.2017
người về phương ấy xa xôi lắm…
Để nhớ Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống
Người về phương ấy, chim bay mỏi
Xanh biển, xanh rừng, xanh gió khơi
Những bến lau thưa, hà xứ khứ?
Nhà Bè, con nước chảy chia đôi
Người về phương ấy, chân mây biếc
Rượu tiễn tràn ly chưa ướt môi
Một chuyến hành hương xa mấy đỗi
Tình yêu của Chúa dẫn dưa tôi (1)
Người về phương ấy, vui duyên mới
Tháp cổ, hồn thiêng, dân tộc Hời
Mở mắt, xem mặt trời dậy sớm(2)
Sao em không lần chuỗi Môi Khôi (3)
Mà thôi, đâu phải sang sông, nhỉ
Hạt nắng vô tư vẫn sáng ngời (4)
Sông lở, sông bồi, ai tát cạn
Bên này, bên ấy có xa xôi?
Người về phương ấy tôi theo với
Thông đứng Vi Vu hát giữa trời (5)
Một chốn đôi quê còn bin rịn
Đôi bờ tả hữu tiếng sông trôi
Người về phương ấy, tôi theo với
Đồng khói, đồng hương vẫn mặn mòi
Bến Nghé chiều nao trông én liệng
Tà Pao vời vợi bóng trăng soi
Thay lời muốn nói, xin trao gởi
Thương Nhớ Một Mùa Đông đấy thôi (6)
Gò Dầu, 01.03.2017
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét