Thư mục vụ của đức giám mục giáo phận
Tháng 4 năm 2018
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN SỨ VỤ DẠY GIÁO LÝ
VỚI ĐÍCH ĐIỂM LÀ GẶP GỠ CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Chúa đã sống lại rồi, Alleluia!
Anh chị em thân mến,
Sống mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta dâng lên Chúa Giêsu Kitô lời chúc tụng và cảm tạ vì Ngài đã dùng cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh để cứu độ chúng ta. Chúa Kitô Phục Sinh cũng là trung tâm lời rao giảng của các Tông đồ sau khi Chúa sống lại như lệnh truyền của Ngài: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15). Giáo phận luôn ý thức mệnh lệnh này của Chúa Kitô Phục Sinh. Và, để chuẩn bị cho các linh mục tham dự cuộc thường huấn về sinh hoạt giáo lý tại các giáo xứ giáo họ, đồng thời cũng để chuẩn bị các sinh hoạt giáo lý trong giáo phận dành cho các học sinh trong dịp hè, xin gửi đến anh chị em thư mục vụ tháng Tư với chủ đề: “Gíao phận Long Xuyên – Sứ Vụ Dạy Giáo Lý Với Đích Điểm là Gặp Gỡ Chúa Kitô Phục Sinh”.
Suy tư theo chủ đề của thư mục vụ, chúng ta nhận ra rằng, trong những lần hiện ra sau biến cố Phục Sinh, Chúa Kitô như muốn dạy giáo lý cho các môn đệ để họ trở nên xác tín rằng Chúa đã phục sinh, để họ cảm nghiệm được rằng mình đã gặp được Đức Kitô Phục Sinh, và để họ dấn thân thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Điển hình là thuật trình Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Emmaus. Thuật trình này mời gọi chúng ta suy tư về sứ vụ dạy giáo lý với ba ý tưởng chính sau đây: 1) Cuộc sống thực tế của hai môn đệ đã là bối cảnh Chúa dạy giáo lý cho các ông, nhưng chính Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể mới là bối cảnh để việc học giáo lý đạt được đích điểm là gặp gỡ Chúa Phục Sinh. 2) Việc học giáo lý với đích điểm là gặp gỡ Chúa Phục Sinh như thế đã đem lại kết quả là làm biến đổi cuộc sống của các môn đệ. Và 3) với kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh và được biến đổi như thế, nên, đối với các môn đệ, việc làm chứng cho tin mừng Phục Sinh là một sứ vụ không thể cưỡng lại.
Tuy nhiên, thực trạng của việc dạy giáo lý ở Việt Nam còn nhiều bất cập và thiếu sót. Những bất cập và thiếu sót mà HĐGMVN trong Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017 được kể ra là:
- Về mục tiêu: chú trọng quá nhiều đến việc trình bày hệ thống kiến thức đức tin, mà chưa chú trọng đến chiều kích tương quan mật thiết riêng tư với Thiên Chúa.
- Về nhiệm vụ: quan tâm đến việc người thụ giáo hiểu biết đức tin, nhưng chưa chú trọng đến việc lắng nghe, đón nhận và thực thi ý Chúa.
- Về phương pháp: phần đông vẫn theo phương pháp hỏi – thưa, truyền đạt đức tin theo cách thức dạy dỗ, bảo ban từ trên xuống, mà thiếu quan tâm đến việc đồng hành thiêng liêng hay tạo điều kiện cho học viên mở lòng đón nhận Mạc Khải và diễn tả niềm tin.
- Về tổ chức: Giáo lý viên giáo dân chưa được quan tâm đúng mức về tinh thần, vật chất, và kiến thức để đảm bảo nhiệm vụ dạy giáo lý.
- Về đối tượng: chỉ chú trọng dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, người dự tòng và các đôi chuẩn bị lãnh Bí tích Hôn Phối, mà thiếu quan tâm nuôi dưỡng và phát triển đức tin trong suốt hành trình cuộc đời, đặc biệt là trong những trường hợp của người trẻ, người lớn, người di dân, người tân tòng, các bệnh nhân, những người già cả…
- Về môi trường: Việc dạy giáo lý dường như chỉ thu hẹp trong khuôn khổ “lớp học”, mà chưa ý thức việc giáo dục đức tin từ môi trường gia đình, chưa mở rộng tầm nhìn đến các vấn đề của cộng đoàn và chưa vươn tới các môi trường xã hội.
Khi nhìn vào bối cảnh và những thực trạng trên, HĐGMVN cũng nhìn ra những thách đố cho việc dạy giáo lý:
- Phải tìm cách chuyển trọng tâm từ việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với tha nhân.
- Việc dạy giáo lý không những phải đổi mới cách trình bày, mà còn phải thoát ra khỏi khuôn khổ của lớp học để vươn ra đời sống cộng đoàn và vươn tới các vấn đề xã hội.
- Việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu đào sâu đức tin và phải có tính cách thường xuyên.
- Cần quan tâm hơn đến giáo lý cho người trẻ, nên cũng cần vận dụng các phương pháp truyền thông hiện đại để trình bày giáo lý cách sinh động và hữu hiệu.
- Việc dạy giáo lý cần chú tâm đến việc đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với những người vô thần.
Đối với Giáo Phận Long Xuyên, những thách đố trước những thực trạng và thách đố cho việc dạy giáo lý tại Việt Nam của HĐGM, cũng là những thách đố của Giáo Phận Long Xuyên.
Trong suốt lịch sử của mình, giáo phận luôn ý thức được lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô là cấp bách: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,19). Ngay từ khi thành lập Giáo Phận, Đức Cha Cố Micae đã luôn quan tâm đặc biệt đến việc huấn giáo, trong đó việc đào tạo các giảng viên giáo lý là điển hình. Ngài đã thiết lập một Viện Giáo Lý cho nam tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp và một Viện Giáo Lý cho nữ tại Mỹ Thạnh, Vàm Cống. Tiếp nối truyền thống của Đức Cha Cố Micae, Giáo Phận Long Xuyên, kể từ năm 2011, đã có chương trình đào tạo giáo lý viên theo niên khóa 5 năm. Khóa I bắt đầu từ năm 2011 và kết thúc năm 2016. Khóa II đã bắt đầu năm 2014 và dự kiến kết thúc năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn và đòi nhiều kiên nhẫn của Ban giáo lý đức tin của giáo phận được nhiều linh mục trong các giáo hạt cộng tác.
Cụ thể nữa là, một trong các điểm nhấn trong chương trình Tu đức – Mục vụ - Loan báo Tin Mừng năm 2018 là về sinh hoạt giáo lý, được đề xuất như sau:
1. Quan tâm đặc biệt đến sinh hoạt giáo lý
- Tổ chức có chất lượng chương trình giáo lý của giáo xứ, giáo họ.
- Ưu tiên cho việc huấn luyện và thường huấn cho giáo lý viên của giáo phận.
- Những giáo xứ, giáo họ nào có nhu cầu và có điều kiện, nên quan tâm đến các địa điểm dạy giáo lý cho các thiếu nhi trong giáo xứ, giáo họ.
2. Quan tâm đặc biệt đến các khóa huấn luyện về giáo lý
- Tĩnh tâm tháng tại các giáo hạt: từ tháng Một đến tháng Năm, sẽ trao đổi về tình hình sinh hoạt giáo lý trong Giáo Phận.
- Nội dung các cuộc thường huấn năm nay của các linh mục trong giáo phận cũng tập trung vào tìm hiểu và học hỏi sinh hoạt giáo lý trong đời sống Giáo Hội.
Anh chị em thân mến,
Nhiều giáo xứ và giáo họ dù khó khăn, vẫn tổ chức việc dạy và học giáo lý thường xuyên trong năm, đặc biệt là các ngày thứ Năm và Chúa Nhật. Cũng có những hoàn cảnh thực tế, chỉ có thể tổ chức các lớp giáo lý vào dịp hè. Cũng có nhiều linh mục đang thực sự dấn thân thi hành tác vụ linh mục của mình, khi vừa cùng với các giáo lý viên dạy giáo lý trong các lớp giáo lý, vừa là giáo lý viên của các giáo lý viên trong giáo xứ, giáo họ. Những sinh hoạt giáo lý trên nói lên sự nhiệt tâm của các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, của các ông trùm, của các bà quản trong các cộng đoàn.
Ước gì nhờ các sinh hoạt giáo lý tại các cộng đoàn, để giáo phận trở thành trường học về Chúa Kitô Phục Sinh. Ở trường học này, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân đều là học sinh của Chúa Thánh Thần trong cuộc hành trình cuộc đời, để củng cố niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, để cảm nghiệm được niềm vui gặp được Chúa Phục Sinh, và để dấn thân làm chứng cho tin mừng Phục Sinh.
Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban phép lành cho cộng đoàn giáo phận chúng ta.
+ Giuse Trần Văn Toản + Giuse Trần Xuân Tiếu
Giám mục phó Giám mục Giáo phận Long Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét