label

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ, QUÍ CỐ, QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ VÀ TRONG GIÁO XỨ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA SỞ, QUÍ CỐ,  
 QUÍ ÔNG TRONG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ VÀ TRONG GIÁO XỨ

Kính dâng lẵng hoa chúc mừng

Hôm nay 29-06 lễ Thánh Phêrô và Thánh PhaoLô tông đồ bổn mạng của cha sở 
PhaoLô Trần Văn Khoa
và của quí cha cố nhà hưu dưỡng, các ông trong Hội đồng giáo xứ cũng như nhiều quí ông trong giáo xứ:

Toàn thể giáo dân Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha sở, quí cố và quí ông, nguyện xin Thiên chúa ban nhiều hồng ân và sức khỏe để cha sở và quí ông giúp xứ đạo ngày càng đi lên và là trụ cột tốt trong gia đình. Chúng con cầu nguyện thật nhiều cho cha sở, quí cố và quí ông trong thánh lễ hôm nay và chúa nhật kính trọng thể hai Thánh.
                                                            Giáo dân Cần xây
Một số hình ảnh trong thánh lễ mừng bổn mạng cha sở





ĐTC Phanxicô và 14 Hồng y mới chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI

ĐTC Phanxicô và 14 Hồng y mới chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI

Các tân Hồng y chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI - REUTERS
Chiều 28/06, sau Công nghị, ĐTC Phanxicô và các tân Hồng y đã lên xe đi đến đan viện “"Mater Ecclesiae" – Mẹ Giáo hội – để chào thăm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI.
Trong nhà nguyện của đan viện, tất cả mọi người cùng nhau đọc kinh Kính Mừng. Sau lời chào ngắn và phép lành của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI, 14 tân Hồng y trở về đại thính đường Phaolô VI và dinh Tông Tòa để để tiếp các tín hữu và khách đến chúc mừng. (Rei 28/06/2018)
Hồng Thủy

Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong công nghị phong 14 Hồng y

Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong công nghị phong 14 Hồng y

ĐTC chủ sự công nghị phong 14 Hồng y - REUTERS
Trong bài giảng trong nghi lễ phong Hồng y, ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.
Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC:
“Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người đi trước họ” (Mc 10,32).
Khởi đầu của đoạn Tin mừng đặc trưng của thánh Maccô luôn giúp chúng ta nhận ra cách thế mà Chúa chăm sóc cho dân Người với một phương pháp sư phạm của chính Người. Trên hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu cẩn thận đi trước, dẫn đường cho các môn đệ của mình.
Giêrusalem tượng trưng cho giờ khắc ý nghĩa và quyết định của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta biết rằng, trong những thời khắc quan trọng và quyết định của cuộc sống, trái tim có thể lên tiếng nói và bày tỏ những ý định và căng thẳng trong con người chúng ta. Những thời khắc then chốt, bước ngoặt của cuộc sống thách đố chúng ta; chúng đưa ra những câu hỏi và mong muốn mà không phải lúc nào cũng minh bạch đối với tâm hồn con người chúng ta. Đó là những điều mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, với sự đơn giản và hiện thực, trình bày. Đứng trước lời loan báo lần thứ ba về cuộc Thương khó, gây băn khoăn đau đớn hơn, thánh sử Máccô không sợ tiết lộ những bí mật đang có trong trái tim của các môn đệ: đó là tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tuông, ganh tị, mưu mô, điều đình và thỏa hiệp. Kiểu lý luận suy nghĩ này không chỉ bào mòn và hủy hoại các mối quan hệ giữa họ, mà còn nhốt kín họ và bao bọc họ trong các cuộc thảo luận vô dụng và không quan trọng. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở điều này, nhưng Người đi trước họ và tiếp tục tiến bước. Và Người nói với họ cách mạnh mẽ: “Nhưng đối với anh em thì không phải như vậy; bất cứ ai muốn làm lớn giữa anh em thì hãy là đầy tớ của anh em ”(Mc 10,43). Bằng cách  này, Chúa Giêsu tìm cách định hướng lại cái nhìn và con tim của các môn đệ của mình, không để cho các cuộc thảo luận không có ích lợi và tự quy chiếu về mình hiện diện trong cộng đoàn. Có lợi ích gì nếu được cả thế giới mà nội bộ chúng ta bị suy mòn?  Được cả thế gian thì lợi ích gì nếu chúng ta sống trong một bầu khí ngột ngạt của những âm mưu, là những thứ làm cho trái tim trở nên khô héo và ngăn cản sứ vụ nảy sinh kết quả? Trong tình huống này - như một số người đã quan sát – chúng ta có thể nghĩ đến những âm mưu trong các cung cấm và ngay cả trong các cơ quan của giáo hội.
“Nhưng giữa các con thì không như thế”: trên tất cả, câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời mời gọi và một thách đố đối với các môn đệ để phục hồi phần tốt hơn trong họ và như thế tâm hồn họ không bị hư hỏng và cầm tù bởi các lý luận kiểu thế gian và làm chọ họ không còn nhận ra được điều gì là quan trọng. “Giữa các con thì không như thế”: là tiếng nói của Chúa cứu cộng đoàn khỏi cái nhìn quy kỷ, chỉ nhìn về mình, thay vì hướng cái nhìn, sự quan tâm, mong đợi và trái tim đến điều quan trọng duy nhất: sứ vụ.
Và như thế Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi trái tim và canh tân Giáo hội là và sẽ luôn là chìa khóa truyền giáo, nó đòi hỏi người ta không còn nhìn thấy và quan tâm đến các lợi ích riêng tư, để tìm kiếm và chăm lo cho những lợi ích của Chúa Cha. Sự hoán cải từ tội lỗi của chúng ta, từ sự ích kỷ của chúng ta sẽ không và sẽ không bao giờ là một kết thúc nơi chính mình, nhưng luôn là cách để phát triển trong sự trung thành và sẵn sàng nhận lãnh lấy sứ vụ. Vào thời khắc của sự thật, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn của anh chị em chúng ta, chúng ta được chuẩn bị tốt và sẵn sàng đồng hành và chào đón mỗi người và tất cả mọi người. Theo cách này, chúng ta không biến mình thành  những “vật cản đường”, những rào chắn hiệu quả, hoặc là vì chúng ta có cái nhìn hẹp hòi, hoặc tệ hơn nữa, bởi vì chúng ta đang thảo luận và suy nghĩ xem giữa chúng ta ai là người quan trọng nhất. Khi chúng ta quên đi sứ vụ, khi chúng ta không nhìn thấy những gương mặt cụ thể của anh chị em chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta bị đóng kín trong việc theo đuổi lợi ích riêng và sự an toàn của bản thân chúng ta. Và như thế, sự oán giận, buồn phiền và ghê tởm bắt đầu phát triển. Từng tí một, dần dần chỗ dành cho người khác, cho cộng đồng giáo hội, cho người nghèo, để lắng nghe tiếng nói của Chúa, ngày càng trở nên ít hơn. Vì vậy, niềm vui bị mất đi và trái tim cuối cùng trở nên khô cằn (x. Tông huấn Niềm vui Phúc âm, 2).
“Giữa các con thì không như thế”; - Chúa nói như thế -  […] ai muốn là người đứng đầu trong các con thì hãy là đầy tớ của tất cả” (Mc 10,43.44). Đó là mối phúc và lời tạ ơn mà chúng ta được mời gọi hát lên mỗi ngày. Đó là lời mời mà Chúa nói với chúng ta để chúng ta không quên rằng quyền bính trong Giáo hội phát triển với khả năng bảo vệ phẩm giá của người khác, xức dầu cho họ để chữa lành các vết thương và niềm hy vọng nhiều khi bị tan vỡ. Nó có nghĩa là nhắc rằng chúng ta ở đây bởi vì chúng ta được mời gọi “mang Tin mừng cho người nghèo”, loan báo ơn giải thoát cho người bị giam cầm và cho người mù được nhìn thấy; để giải phóng người bị áp bức, tuyên bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Các anh em Hồng y và các tân Hồng y quý mến! Trong hành trình lên Giêrusalem của chúng ta, Chúa đi trước chúng ta để nhắc nhở chúng ta thêm một lần nữa rằng hình thức duy nhất có thể tin được của quyền bính là quyền bính xuất phát từ việc đặt mình ở dưới chân người khác để phục vụ Chúa Kitô. Đó là quyền bính đến từ việc không bao giờ quên rằng Chúa Giêsu, trước khi gục đầu trên Thánh giá, đã không ngần ngại hạ mình trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Đây là vinh dự cao nhất mà chúng ta có thể nhận lãnh, sự thăng tiến lớn nhất mà chúng ta có thể được tưởng thưởng: phục vụ Chúa Kitô trong dân tộc trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói khát, người bị bỏ rơi, người bị tù đầy, người đau yếu, người nghiện ngâp, người bị bỏ rơi, trong những con người cụ thể với lịch sử và hy vọng của họ, với những chờ mong và thất vọng của họ, với những nỗi đau và vết thương của họ. Chỉ như thế, quyền bính của Mục tử mới có hương vị của Tin mừng và sẽ không giống như “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” (1 Cor 13,1). Không có ai trong chúng ta được cảm thấy mình cao trọng hơn người khác. Không có ai trong chúng ta được nhìn người khác như người ở vị thế cao nhìn người thấp hèn. Chúng ta có thể nhìn một người như thể chỉ khi chúng ta giúp họ nâng chính mình lên.
Tôi muốn chia sẻ với anh em một phần trong chúc thư tinh thần của thánh Gioan XXIII. K hi đang tiến bước trên hành trình ngài có thể nói: “Sinh ra nghèo khổ, nhưng bởi những người được kính trọng và khiêm nhường, tôi đặc biệt vui lòng chết nghèo, khi đã phân phát theo các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống đơn giản và thanh bần của tôi, để phục vụ cho người nghèo và Giáo hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì tôi có – thật ít ỏi – trong những năm linh mục và giám mục của tôi. Vẻ ngoài giàu có thường che đậy những cái gai ẩn dấu của sự nghèo khổ khó chịu và ngăn cản tôi luôn luôn trao tặng cho người khác cách quảng đại như tôi mong muốn. Tôi cám ơn Chúa về ơn nghèo khó này, điều mà tôi đã khấn hứa trung thành trong tuổi trẻ của tôi; sự nghèo khó trong tinh thần, như một linh mục của Thánh Tâm, và sự nghèo khó thật sự, điều đã củng cố quyết tâm của tôi, là không bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì – chức vị, tiền bạc, sự ủng hộ – không bao giờ, cho bản thân tôi hoặc cho bà con và bạn bè của tôi.” (29 giugno 1954). (Rei 28/06/2018)
Hồng Thủ
y

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

ĐTC Phanxicô tấn phong 14 Hồng y mới

ĐTC trao mũ Hồng y - REUTERS
 VATICAN. ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.
 Ngài nhấn mạnh tư tưởng trên đây trong bài giảng tại công nghị lúc 4 giờ chiều hôm qua, 28-6, tại đền thờ Thánh Phêrô để phong 14 Hồng Y mới.
 Buổi lễ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phêrô dưới hình thức một buổi phụng vụ. Sau khi một đại diện tiến chức kính chào và cám ơn ĐTC, ngài đọc lời nguyện và mọi người lắng nghe bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) kể lại trong hành trình theo Chúa lên Jerusalem, hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang.
 Trong bài huấn dụ, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng trên đây và nhận xét rằng Thánh Sử Tin Mừng không ngại tỏ lộ một số bí mật nơi tâm hồn các môn đệ, đó là sự tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tương, tị ngạnh, mưu mô, thu xếp và thỏa hiệp.. Chúa Giêsu không cho phép những cuộc tranh luận vô ích và tham chiếu bản thân xảy ra giữa lòng cộng đoàn các môn đệ.
 Chúa cảnh giác: ”Chiếm được cả thế gian mà lại bị tiêu hao trên trong thì ích gì? Chiếm được toàn thể giới thì có ích gì khi trong cộng đoàn người ta rơi vào cạm bẫy những mưu mô làm nghẹt thở, làm cho con tim và sứ mạng truyền giáo bị khô cằn? Trong tình trạng như thế, như một số người đã nhận xét, người ta có thể thấy những âm mưu trong các tòa dinh thự và cả trong các giáo phủ của Hội Thánh”.
 ** Trước thái độ trên đây của các môn đệ, ĐTC nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Giữa các con không được như vậy!”.. Qua đó Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi nội tâm và cải tổ Giáo Hội đang và sẽ là chìa khóa truyền giáo, vì đòi hỏi phải chấm dứt việc coi và chăm sóc tư lợi của mình, để nhìn và chăm sóc quyền lợi của Chúa Cha. Sự hoán cải từ bỏ tội lỗi và ích kỷ của  chúng ta không bao giờ là một mục tiêu tự nó, nhưng chủ yếu nhắm tăng trưởng trong sự trung thành và sẵn sàng chấp nhận sứ vụ”.   ĐTC không quên nhắc nhở các tân Hồng Y noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã không sợ cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Ngài nói: ”Huân chương cao nhất chúng ta có thể được đó là phục vụ Chúa Kitô nơi dân trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói, bị lãng quên, nơi tù nhân, bệnh nhân, người nghiện ngập, bị bỏ rơi, nơi những con người cụ thể với lịch sử riêng, những hy vọng, mong đợi và thất vọng, những đâu khổ và vết thương của họ. Chỉ như thế quyền bính của vị chủ chăn mới có hương vị Tin Mừng và sẽ không phải như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cr 13,1).
 Nghi thức phong Hồng Y được tiếp tục với phần xướng danh các tiến chức và các vị tuyên xưng đức tin, cùng đọc lời tuyên thệ trung thành và vâng phục ĐTC, cam kết chu toàn nghĩa vụ của mình. Sau đó mỗi vị tiến lên trước ĐTC để ngài đội mũ đỏ và trao sắc phong chỉ định nhà thờ hiệu tòa và trao nhẫn cho mỗi vị. Lễ tấn phong kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.
 Cũng chiều hôm qua, từ 18 đến 20 giờ, 14 tân Hồng Y được phân làm 3 nhóm để tiếp các tín hữu và khách đến chúc mừng: 3 vị thuộc giáo triều Roma tại 2 sảnh dường trong dinh Tông Tòa, 11 vị còn lại tại hai địa điểm ở hành lang Đại thính đường Phaolô 6. (Rei 28-6-2018)
Giuse Trần Đức Anh O
P

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Thánh lễ Tấn phong Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường


Thánh lễ Tấn phong Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường




Vào lúc 7 giờ ngày 27/6/2018, tại thánh đường giáo xứ mẹ Chính Tòa – Giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra thánh lễ lịch sử: tấn phong Giám mục giáo phận cho tiến chức là Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng với sự tham dự của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận Thanh Hóa.



Tháng 6 hàng năm vẫn trôi qua lặng lẽ với tiếng trống trường gióng lên những hồi cuối để chìm vào giấc ngủ hè, với những cánh phượng rực rỡ tô điểm cho sắc trời những màu đỏ ấm nóng. Trên các cánh đồng, một vụ mùa nữa lại về tưới đẫm những giọt mồ hôi mặn chát trên những khuôn mặt mang dấu ấn thời gian và nhuộm màu nắng.

Nhưng năm nay, tháng 6 còn trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết với Giáo phận Thanh Hóa bởi biết bao sự kiện mang dấu ấn lịch sử đều diễn ra trong khoảng thời gian tưởng chừng như quen thuộc này. Đó là nỗi buồn chia ly với vị Giám mục thân thương đồng hành cùng giáo phận suốt 14 năm keo sơn, gắn bó. Đó là những trái ngọt thánh hiến từ những người con ưu tú của giáo phận được gọi mời lên hàng tông đồ, mục tử chăn chiên nhân lành của giáo phận. Đó là khánh thành Chủng viện Lê Bảo Tịnh, tiền thân từ Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, nơi ươm mầm, đào tạo và trổ bông ơn gọi thánh hiến cho giáo phận. Đó còn là trang mới, bước tiến mới của giáo phận với thánh lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường – một người con tha hương của giáo phận, trở về quê mẹ trong vai trò mới, nhiệm vụ mới, thử thách mới, “thả lưới ở vùng nước sâu” xứ Thanh.

Hoan ca hồng ân



Trong cuộc đời của mỗi tín hữu, thật hiếm có cơ hội để dự một thánh lễ có sự hiện diện đủ đầy của mọi thành phần dân Chúa như hôm nay. Xúc động thay trên gian thánh đường của xứ mẹ Chính Tòa có các Bề trên thượng cấp của Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội cùng các Đức Giám mục các giáo phận trên lãnh thổ Việt Nam. Vui mừng thay khi đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ của mọi độ tuổi khác nhau, các dân tộc khác nhau, từ muôn phương trên mọi miền tổ quốc.  Hạnh phúc thay, không gian và tiết trời cũng ưu ái ban cho ngày đặc biệt của giáo phận khí hậu mát mẻ, dịu dàng hiếm hoi của mùa hè bỏng lửa. 

Có lẽ Chúa yêu thương đoàn chiên của Ngài nơi giáo phận Thanh Hóa lắm lắm mà tuôn đổ xuống trang sử giáo phận biết bao ơn lành như vậy.

Trước khi bước vào thánh lễ trọng đại, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh – Nguyên Giám mục giáo phận Thanh Hóa, chủ phong thánh lễ tấn phong Giám mục hôm nay đã nhấn mạnh ý nghĩa của ngày 27/06/2018 này: “Đây là một trang sử mới của giáo phận, mở ra một thời kỳ tiến bước vững vàng hơn với vị chủ chăn mà Chúa chọn cho con dân Thanh Hóa. Đây cũng là một ngày của tình hiệp thông, ngày đức tin triển nở, ngày Chúa rọi tình yêu của Ngài xuống một cách mãnh liệt nhất”.



Đức ông Yovko Pishtiyski, Tham tán Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, đọc thư của Đức TGM. Marek Zalewski, Tân Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, chúc mừng Đức Giám mục Tân cử Giuse và giáo phận Thanh Hóa. 



Những tiếng trống giòn giã của đội trống Ba Làng cất lên sang sảng giữa trời Thanh Hóa. Những tiếng kèn ngân nga, réo rắt gọi mời con thảo đến với ý nguyện tuyệt vời của Chúa giữa đời. Những tiếng hát kết hợp với tiếng nhạc du dương làm rộn ràng lên một bầu khí căng tràn sức sống. Trong tâm tình hoan ca ấy, toàn thể dân Chúa có mặt tại giáo xứ Chính Tòa – giáo phận Thanh Hóa bước vào thánh lễ.



Thánh lễ của tình hiệp thông 



Dẫu dòng đời mỗi thời một biến chuyển nhưng qua dòng chảy của hơn 20 thế kỷ qua đi, Chúa vẫn luôn đồng hành với con người bằng tình cảm mến yêu chu toàn. Chưa bao giờ Người bỏ rơi con người bơ vơ nơi cõi trần thế. Bằng chứng rằng, Người luôn phái gửi tới những mục tử ưu tú, đại diện của Người để chăm sóc đoàn chiên, định hướng dẫn lối con người về bên Ngài trên quê thiên quốc.

Vì vậy, Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh kêu mời mọi tín hữu hãy bước vào thánh lễ với tấm tình con thảo tri ân Đấng Tối Cao vì ơn lành Ngài luôn tuôn đổ dạt dào nơi cõi tạm này. Và Đức Tổng cũng mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho tiến chức là Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường. Dù ngài là hiện thân của Chúa giữa thế gian nhưng ngài cũng là con người như chúng ta. Ngài cần hơn ai hết sự động viên, chia sẻ, lời nguyện cầu để tiếp sức cho ngài hoàn thành sứ vụ “thả lưới nơi nước sâu” mà Chúa đã trao tay.

Là tiền bối, huynh trưởng của Đức tân Giám mục, Đức TGM. Giuse đã cùng với giáo dân Thanh Hóa, mở rộng vòng tay để vị chủ chăn mới của giáo phận sẵn sàng đáp lại lời gọi mời của Hội Thánh. Hôm nay đây, khi Đức Tổng Giuse trao mũ Mitra, gậy, và nhẫn cho vị tân Giám mục, cũng chính là lúc người từ biệt ngôi nhà giáo phận Thanh Hóa thân thương. Với những món quà vô giá Đức Tổng để lại, giáo phận Thanh Hóa nguyện mãi tin yêu, đồng hành với Đức tân Giám mục đáp lại tấm lòng mến yêu của người.

Đức Cha tân cử là linh mục giáo phận Đà Lạt, nơi mà đa số giáo dân là đồng bào dân tộc. Chính ngài đã làm cha sở một giáo xứ mà đa số tín hữu là dân tộc K’ho. Vì vậy, phụng vụ thánh lễ hôm nay có sự xuất hiện của tín hữu dân tộc K’ho để tỏ tình hiệp thông với Đức Cha tân cử. 



Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường là một người con của Thanh Hóa nhưng được cưu mang bởi giáo phận Đà Lạt, đây cũng là nơi Tân Giám mục Thanh Hóa mục vụ trước khi bước lên vị trí chủ chăn như ngày hôm nay. Vì vậy trong mối tình huynh đệ tông đồ, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã có bài chia sẻ tâm tình trong thánh lễ trọng đại ngày 27/6 này. Rất tiếc vì sức khỏe không cho phép, Đức cha Antôn không thể có mặt, vì vậy Đức cha Đa minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục phó giáo phận Đà Lạt, đã truyền đạt bài giảng thay cho ngài trong thánh lễ hôm nay. 



Bài chia sẻ của Đức cha Antôn xoáy sâu vào những ý niệm xung quanh châm ngôn giám mục của Đức cha Giuse: “Hãy ra chỗ nước sâu”. Đó là một con đường chẳng mấy bằng phẳng, chẳng có hoa hồng mà Đức cha Giuse chọn để dấn thân. Chỗ nước sâu tức là những nơi thử thách nhất, khắc nhiệt nhất. Nhưng Đức cha Giuse chọn vâng lời, chọn hành động, chọn đến với những người ở vùng ngoại vi, người khó nghèo, người bất hạnh trong cuộc đời trần thế… để ban phát tin yêu của Đấng tối cao. Đức cha Antôn cũng cầu chúc cho Đức cha Giuse – vị Giám mục thứ 5 của giáo phận Thanh Hóa bình an, vững tin trong sứ vụ thả lưới nơi nước sâu của cuộc đời mục tử.

Tham dự thánh lễ hôm nay, ngoài đoàn chiên Công giáo, còn có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và những người không cùng niềm tin. Có lẽ những mối tình mà họ có thể cảm nhận được nơi thánh lễ hôm nay thật hiếm gặp ngoài đời. Bởi với người Công giáo, dù có ở đâu, dù có khác nhau như thế nào, cũng chỉ là con cái trong một gia đình. 

Truyền chức tân Giám mục – biểu tượng cao trọng của sự vâng phục



Ngày 14/06/2018 vừa qua, hình ảnh truyền chức cho 5 tân linh mục đã làm rung động biết bao trái tim tin yêu của người tín hữu. Nhưng viên mãn nhất vẫn chính là nghi thức truyền chức Giám mục hôm nay. Trong lời chúc mừng nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã khéo léo nối kết giữa hai biến cố lãnh nhận thiên linh mục và giám mục nơi vị tiến chức. Ngài gọi đó chính là công thức “2 trong 1” mà xã hội ngày nay vô cùng ưa chuộng. Nhớ lại cách đây 26 năm, đúng vào ngày này, Đức cha Giuse tân cử hôm nay được Chúa chọn vào hàng tư tế linh mục. Có sự trùng hợp nào ý nghĩa hơn thế!

Một bầu khí linh thiêng bao trùm khi tiếng kinh cầu các thánh vang lên, lời thề được tuyên đi, nghi thức trao nhẫn, mũ, gậy giám mục cho Đức cha tân cử qua bàn tay của Đức TGM. Giuse.



26 năm cũng là cả một quá trình cố gắng tu luyện của vị linh mục sốt sắng, hết lòng với công cuộc reo rắc Tin Mừng cứu độ. 26 năm Chúa thử thách Đức cha Giuse với muôn vàn biến cố. Tất cả để chuẩn bị cho ngày hôm nay, Đức Cha bước lên cương vị mới được vẹn toàn. Giám mục giáo phận Thanh Hóa không phải là đóng lại cuộc đời nỗ lực của người chăn chiên nhân hậu, mà là mở ra sứ mệnh mới của Đức cha to lớn hơn, trọng đại hơn, khắc nghiệt hơn, và cần nhiều hơn sự cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa.

Bước sang nửa thứ hai của cuộc đời, khi lưng đã bắt đầu hơi chùng xuống, tóc thì bắt đầu điểm màu lạ, đôi bàn tay bỗng nhiên xuất hiện những đốm đồi mồi, khuôn mặt thì điểm những vết chân chim; nhưng Đức cha Giuse lại là tái sinh trong thiên chức mới. Rồi đây, dấu chân ngài sẽ rảo bước khắp cánh đồng truyền giáo Thanh Hóa, tới những nơi mà thời trai trẻ ngài chưa từng, gặp những người mà cuộc đời đã đẩy cho họ những nghịch cảnh trở trêu. Bởi Đức cha Giuse đã không chọn cho mình một con đường bằng phẳng mà tự nhận làm người khai phá mở đường đầy gai góc.

Vậy nên khi lãnh nhận nhiệm vụ Giám mục, cũng là lúc đôi tay run run nhận lấy biết bao kỳ vọng. Nhưng có một điều, ánh mắt cương nghị, ánh lên niềm tin tuyệt đối nơi Tân Giám mục đã soi rọi cho tất cả tín hữu Thanh Hóa về một ngày mai, Thanh Hóa rộng đầy ơn đức tin.



Trong diễn từ có đôi lúc ngập ngừng vì xúc động của Đức Cha Giuse – giờ đây là Giám mục giáo phận Thanh Hóa, chứa đựng tất cả tấm chân tình dành cho hai nơi mà ngài gọi thân thương: gia đình. Đó là nơi đã nuôi ngài khôn lớn trong cuộc đời linh mục – giáo phận Đà Lạt, một nơi là nguồn cội để ngài trở về trong sứ vụ chủ chăn. Nhưng có lẽ, dù ở nơi nào thì trong trái tim chan chứa yêu thương của Đức Giám mục giáo phận Thanh Hóa, đó đều là động lực để ngài phấn đấu, là chỗ dựa sau những mệt mỏi của loài người, là lời nhắc nhở rằng, ngài luôn được những cánh tay dang rộng đón chào.

Tạ ơn Đấng Tối Cao đã nhìn xuống đoàn dân bé nhỏ Thanh Hóa trong ngày đại lễ, tưới xuống nhiều hồng ân đến vậy. Chúng con đã có một ngày thực sự ý nghĩa để ngụp lặn trong đức tin và hy vọng. Tạ ơn Người đã luôn theo dấu chúng con trong hành trình trở về thiên quốc, ban cho chúng con những vị chủ chăn tuyệt vời.

Xin được dùng lời bài hát kết lễ để thay cho bao tấm lòng phó thác giáo phận Thanh Hóa nguyện dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng: “Bao say mê nguyện ước Giáo phận lớn lên. Cho nơi nơi rực sáng trong một quyết tâm: cùng thả lưới nơi biển nước sâu và chỉ sống cho một quyết tâm ra sâu mà thả lưới”.



Maria Én Trần (TT Thanh Hóa)

BÀI GIẢNG LỄ TRUYỀN CHỨC ĐỨC GIÁM MỤC THANH HÓA GIUSE NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
(27/06/2018)


 
Cách đây 8 tháng, ngày 13 tháng 10 năm 2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cùng với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Thanh Hóa cử hành Thánh lễ Cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo phận, với chủ đề “Duc in altum”:“Hãy ra chỗ nước sâu”.

Trong dịp khai mạc Năm Thánh, Đức Tổng Giám mục Giuse, trong vai trò Giám quản Giáo phận Thanh Hóa, đã chia sẻ: “Chủ đề của Năm Thánh là “hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5, 4), Theo lệnh Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng ấy, chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt đến sứ mệnh truyền giáo, sẽ hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những ai chưa biết Ngài”

Muốn tiếp nối định hướng mục vụ của vị tiền nhiệm và của cả Giáo phận Thanh Hóa, Đức Giám mục Tân cử đã chọn khẩu hiệu: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Khẩu hiệu đó trích từ đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 5, 1-11), nhắc nhớ bối cảnh Chúa Giêsu gọi ông Simon làm tông đồ. Thánh Luca thuật rằng: một hôm, Đức Giêsu xuống thuyền của ông Simon, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Chắc hẳn ông Simon rất tự hào vì được Đức Giêsu mượn thuyền của mình để giảng dạy dân chúng.

Giảng xongNgười bảo ông Simon: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Có lẽ lúc đó ông Simon nghĩ rằng: ông Giêsu này làm nghề thợ mộc, biết gì chuyện chài lưới mà bảo ra chỗ nước sâu! Đánh cá chuyên nghiệp đây mà suốt đêm có bắt được con nào đâu! Thôi thì nể ông, tôi cứ làm như vậy, nhưng ông sẽ thấy rằng ông không giỏi hơn tôi đâu!

Thánh Luca thuật tiếp: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới… Thấy thế, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.Như thế, sau mẻ cá lạ, ông Simon đã nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu và sự hèn yếu tội lỗi của mình. Chính lúc đó, vâng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã chọn ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”.

Sau này, trong thư thứ nhất (x.1 Pr 5,5b-14), thánh Phêrô đã khẳng định rằng“Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định”.

Khi đến thời được cất nhắc làm đấng kế vị các Tông đồ, có lẽ Đức Tân Giám mục muốn thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy Giêsu, sau hơn 25 năm thả lưới trên miền núi Tây Nguyên Lâm Đồng, nay được sai đến vùng biển Thanh Hóa, vâng lời Thầy, con xin thả lưới. Mặc dù biết khả năng mình rất hạn chế, nhưng con xin đồng hành với mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đã và đang nỗ lực ra chỗ nước sâu, đi đến với với đông đảo bà con còn chưa biết tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con ơn biết tín thác vào quyền năng của Chúa”.

Về việc ra chỗ nước sâu, bài giảng lễ khai mạc Năm Thánh đã quảng diễn rằng: “Cứ đi ra và tung lưới, với tàu lớn, thuyền nhỏ, hay thúng mủng gì cũng được, hoặc ít nữa là thả câu, chắc chắn thế nào cũng được một cái gì đó đem về, cá to cá bé, hay ít là con tôm con tép. Ngược lại, nếu cứ yên thân ngồi ở nhà, thì chắc chắn sẽ không có gì”.

Thật vậy, đi ra chỗ nước sâu là đi đến những vùng ngoại vi, đến với những người nghèo khổ bệnh tật, bị bỏ rơi và bị gạt ra bền lề xã hội, đến với những người sống trong những hoàn cảnh đau thương, tâm hồn cũng như thể xác. Ra chỗ nước sâu là mạo hiểm, là đương đầu với sóng gió biển cả, là dấn thân vào những môi trường khó khăn, những công việc vất vả. 

Sau nhiều năm vất vả, ĐTC Bênêdictô XVI công bố quyết định từ nhiệm, mà ngài gọi là “một chọn lựa đau đớn”, khiến tôi nhớ đến lời của một vị bề trên mãn nhiệm: “Nhiệm vụ của bề trên là một thập giá. Nhưng đôi khi điều khó khăn nhất không phải là bước lên thập giá mà là xuống khỏi thập giá”.  Tuy nhiên, khi xuống khỏi thập giá, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhìn lại 8 năm thi hành sứ vụ Phêrô của mình, đã tâm sự trước khoảng 100.000 người tại quảng trường thánh Phêrô, đại ý nói lên 2 điều: một là, ngài thấy mình như Thánh Phêrô và các Tông đồ trong con thuyền trên hồ Galilê: Chúa đã cho biết bao ngày nắng đẹp, gió nhẹ, những ngày đánh được nhiều cá; nhưng cũng có những lúc biển động, gió ngược, khi đó Chúa dường như cứ ngủ. Tuy nhiên ngài luôn ý thức rằng trong con thuyền này vẫn có Chúa, và con thuyền Hội Thánh không phải của ngài, nhưng là của Chúa và Chúa không để nó chìm mất; hai là, ngài xác tín rằng Chúa dẫn dắt con thuyền Hội Thánh qua những người Chúa chọn, vì Người đã muốn vậy. 

Một tháng sau, ngày 19/3/2013, khi Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô khai mạc sứ vụ tại Rôma, ngài đã ngỏ lời, đại ý nói rằng: chắc chắn Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho Phêrô, nhưng đừng bao giờ quên rằng quyền hành đích thực chính là phục vụ cách trung thành, cụ thể và khiêm hạ.

Hôm nay, trong nghi thức diễn nghĩa, Đức Tân Giám mục được trao nhẫnmão và gậy, vừa tượng trưng cho quyền hành vừa nói lên trách nhiệm phục vụ mọi người.

Giờ đây, chúng ta tham dự nghi lễ Truyền chức Giám mục với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các mục tử, cách riêng cho vị Giám mục thứ năm của Giáo phận Thanh Hóa, luôn biết đáp lại ơn gọi với niềm khiêm hạ tín thác vào quyền năng của Chúa trong sứ vụ thả lưới nơi chỗ nước sâu. Amen.

 ĐC. Antôn Vũ Huy Chương 
Giám mục Giáo phận Đà Lạt

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Tín hữu Trung quốc viếng đền các thánh tử đạo để cầu cho sự hiệp nhất

Tín hữu Trung quốc viếng đền các thánh tử đạo để cầu cho sự hiệp nhất

Tín hữu Trung quốc tham dự Thánh lễ - EPA
Bắc kinh – Các tín hữu Trung quốc hành hương đến đền thánh các thánh tử đạo ở Chu Giai Hà thuộc tỉnh Hà Bắc để cầu xin hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cầu bầu cho sự hiệp nhất của Giáo hội tại Trung quốc.
Khoảng 100 tín hữu của giáo xứ thánh thiên thần Micae tại Hầu Bát Giai, thuộc tổng giáo phận Bắc kinh đã bắt đầu cuộc hành hương từ sáng sớm thứ bảy 23/06 và kết thúc ngày Chúa nhật 24/06.
Tất cả các tín hữu tham dự cuộc hành hương với cùng ý nguyện: xin hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cầu bầu để các chia rẽ trong Giáo hội Trung quốc được xóa bỏ và gia tăng sự sự hiệp nhất giữa các tín hữu.
Giáo xứ Hầu Bát Giai được thành lập từ năm 2003 tại một vùng ngoại ô của Bắc kinh. Các hoạt động mục vụ và bác ái như: giáo lý, các khóa đào tạo giới trẻ, thanh thiếu niên, các đôi vợ chồng trẻ, các tuần cửu nhật, đọc kinh Mân Côi, tháng Đức Mẹ, trại hè cho trẻ em và các cuộc hành hương, đều có sự tha, dự của các chủng sinh trẻ của chủng viện giáo phận ở gần đó.
Đền các thánh tử đạo ở Chu Giai Hà, điểm hành hương, tọa lạc tại Cảnh Huyện (ngày nay là Hành Thủy), tỉnh Hà bắc. Đây là nơi quan trọng đối với ký ức và lòng sùng đạo của tín hữu Công giáo Trung quốc, vì chứng tá tử đạo vì đức tin và tình yêu đối với Chúa Kitô, đặc biệt là của các nhà truyền giáo dòng Tên người Pháp, thánh Leone Ignazio Mangin và thánh Paolo Denn, cùng với các phụ nữ Trung quốc như thánh Maria Wu.
Vào năm 1900, trong cuộc bách đạo của các thành viên Nghĩa Hòa đoàn - một phòng trào bạo lực tại Trung Quốc do Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng, chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo -  2 nhà truyền giáo đã đón nhận hàng ngàn phụ nữ và trẻ em chạy trốn các kẻ bách hại bạo tàn. Khi quân khởi nghĩa dùng pháo tấn công nhà thờ, cha Mangin, từ bàn thờ, với Thánh giá trong tay, đã ban ơn tha tội cho tất cả tín hữu hiện diện, trong khi các tín hữu quỳ gối cầu nguyện. Khi họ đột nhập vào nhà thờ, Maria Wu đã bị giết trong khi cố gắng dùng thân mình làm khiên che chở cho cha Mangin đang trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu hiện diện. Sau đó, quân khởi nghĩa cũng giết cha Mangin, cha Denn và tất cả tín hữu hiện diện, trước khi châm lửa đốt nhà thờ.
Cha Leon-Ignace Mangin và 55 vị cùng tử đạo trong thảm kịch ở Chu Giai Hà đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh vào Năm Thánh 2000. Ngày nay, tại nơi các vị tử đạo, một nhà mới được xsây và một số thánh tích của các thánh tử đạo được kính giữ trong viện bảo tàng huyện Hành Thủy (Kính Huyện). (Agenzia Fides 26/6/2018)
Hồng Thủ
y