label

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Đức Thánh Cha dâng lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1/2019

Đức Thánh Cha dâng lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1/2019

Lúc 10 sáng hôm qua 1/1 Lễ Trọng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng là ngày Hoà bình Thế giới, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ trong đền thờ thánh Phêrô Cùng đồng tế trong Thánh Lễ có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, cùng 28 hồng y khác, 30 giám mục và 250 linh mục. Tham dự Thánh Lễ có nhiều tu sĩ nam nữ và khoảng 10.000 tín hữu.
Văn Yên, SJ
Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC khởi đi từ đoạn Kinh Thánh: “Tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi nghe các người chăn chiên thuật lại” (Lc 2,18), ngài nói về sự ngạc nhiên.
Ngạc nhiên: đây là điều chúng ta được mời gọi hôm nay trong ngày kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh khi chúng ta tiếp tục chiêm ngắm Hài Nhi mới sinh cho chúng ta, nghèo khó mọi sự nhưng lại giàu tình yêu. Ngạc nhiên là thái độ cần có để bắt đầu năm mới, bởi vì cuộc sống là một món quà luôn ban cho chúng ta những cơ hội bắt đầu lại.
Hôm nay cũng là ngày làm chúng ta ngạc nhiên vì Mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa giờ đây là một trẻ thơ bé nhỏ nằm trong cánh tay một phụ nữ, người nuôi dưỡng Đấng Tạo Hoá của mình. Bức tượng trước mắt chúng ta đặt Mẹ và Con Trẻ gần nhau đến nỗi cả hai như thể chỉ là một. Mầu nhiệm chúng ta cử hành hôm nay tạo nên một sự ngạc nhiên vô tận: Thiên Chúa gắn mình mãi mãi với nhân loại. Thiên Chúa và con người luôn ở cùng nhau, đây là tin vui cho khởi đầu năm mới. Thiên Chúa không phải là một chúa xa cách, ngự trị chốn trời cao, nhưng là Tình Yêu nhập thể, được sinh ra như chúng ta từ một người mẹ để trở thành anh em của mỗi người. Ngài ngồi trên gối mẹ của ngài, cũng là mẹ chúng ta, và từ đó Ngài tuôn đổ trên nhân loại một lòng nhân hậu mới. Do đó, chúng ta hiểu hơn về tình yêu của Thiên Chúa, gồm cả tình mẫu tử lẫn phụ tử, cũng như tình yêu của người mẹ không bao giờ mất đi niềm tin vào các con của mình và cũng không bao giờ bỏ rơi chúng. Đấng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta yêu thương chúng ta, mặc cho những lỗi lầm, tội lỗi của chúng ta, và cả cách chúng ta đối xử với thế giới này. Thiên Chúa tin nhân loại, bởi vì thành viên đứng đầu và trổi vượt là chính Mẹ của ngài.
Khởi đầu năm mới, chúng ta xin mẹ ơn biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa của sự ngạc nhiên. Chúng ta làm mới lại sự kinh ngạc thuở ban đầu khi đức tin lần đầu tiên nẩy sinh trong chúng ta. Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta. Mẹ, Theotokos, là người đã sinh ra Chúa, cũng sinh ra chúng ta trong Chúa. Là một người Mẹ, Mẹ cũng làm nẩy sinh nơi các con của Mẹ sự ngạc nhiên của đức tin. Giáo Hội cũng cần làm mới lại sự kinh ngạc khi trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống, là Hiền Thê của Chúa, là Mẹ sinh ra các con. Nếu không, Giáo Hội có nguy cơ biến mình thành một bảo tàng đẹp thời quá khứ. Ngược lại, Đức Mẹ làm cho Giáo Hội có bầu khí của ngôi nhà, một ngôi nhà được Thiên Chúa của mới mẻ cư ngụ. Chúng ta hãy đón nhận mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa bằng sự kinh ngạc, giống như cư dân thành Êphêsô thời Công Đồng. Cùng với họ, chúng ta tuyên xưng “Mẹ Thiên Chúa”. Từ Mẹ, chúng ta để mình được nhìn, được ôm lấy và được cầm tay dẫn dắt.
Tiếp đến Đức Thánh Cha khai triển ba điểm nói trên.
Trước hết, chúng ta để mình được nhìn. Trong những lúc cần sự trợ giúp, khi chúng ta gặp những nút thắt trong cuộc sống, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ. Nhưng trước hết, chúng ta cần để Mẹ nhìn chúng ta. Khi Mẹ nhìn chúng ta, Mẹ không nhìn chúng ta như những tội nhân, nhưng như những người con. Người ta thường nói đôi mắt là gương soi tâm hồn; đôi mắt của Đấng đầy ơn phước phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa, phản chiếu thiên đàng trên chúng ta. Chúa Giê-su đã nói rằng “con mắt là đèn của thân thể” (Mt 6,22): đôi mắt của Mẹ chiếu soi mọi ngõ tối, thắp lên niềm hy vọng ở khắp mọi nơi. Khi nhìn chúng ta, Mẹ nói: “các con yêu dấu, can đảm lên; có mẹ đây, mẹ của các con!”.
Cái nhìn mẫu tử này, làm chúng ta tin tưởng và giúp chúng ta lớn lên trong đức tin. Đức tin là một mối liên kết của toàn bộ con người chúng ta với Thiên Chúa; và để gìn giữ thì cần có Mẹ Thiên Chúa. Ánh nhìn mẫu tử của Mẹ giúp chúng ta thấy mình được yêu thương trong đoàn dân Thiên Chúa và yêu thương nhau giữa chúng ta, vượt trên những giới hạn và thành kiến cá nhân. Mẹ giúp chúng ta bén rễ trong Giáo Hội, là nơi sự hiệp nhất lớn hơn sự khác biệt; Mẹ khuyến khích chúng ta chăm sóc lẫn nhau. Ánh nhìn của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta rằng đức tin đòi hỏi một sự ân cần, giúp chúng ta tránh khỏi sự lạnh lùng. Khi nào nơi đức tin có chỗ cho Mẹ Thiên Chúa, thì chúng ta không bao giờ mất đi trọng tâm: Chúa, vì Mẹ không bao giờ chỉ vào chính mình, nhưng vào Đức Giêsu, và anh chị em chúng ta, vì Mẹ Maria là Mẹ.
Ánh nhìn của Mẹ và ánh nhìn của mỗi người mẹ. Một thế giới nhìn về tương lai mà không có cái nhìn của người mẹ thì thật là thiển cận. Thế giới ấy chỉ có thể tăng những lợi tức, nhưng sẽ không thấy những đứa con. Tiền bạc được tạo ra nhưng không phải tất cả đều nhận được. Chúng ta sẽ ở chung một nhà, nhưng không phải như anh chị em. Gia đình nhân loại được xây trên những người mẹ. Một thế giới mà nơi đó sự ân cần mẫu tử bị loại bỏ thì thế giới ấy có thể giàu về của cải, nhưng nghèo về tương lai. Mẹ Thiên Chúa, xin dạy chúng con nhìn cuộc sống như Mẹ nhìn. Và xin Mẹ nhìn đến chúng con, nhìn đến những nỗi khổ và nghèo khó của chúng con. Xin nhìn chúng con bằng đôi mắt thương xót của Mẹ.
Điểm thứ hai, chúng ta để mình được ôm lấy. Sau ánh nhìn, giờ đây chúng ta hướng đến trái tim, mà Tin Mừng hôm nay nói đến, “Maria hằng ghi nhớ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Nói các khác, Đức Mẹ giữ lấy tất cả vào trái tim, ôm lấy tất cả, những biến cố cả vừa lòng lẫn trái ý. Mẹ đã suy niệm tất cả những điều ấy trong lòng, mẹ đem đến với Thiên Chúa. Và đây là bí mật của Mẹ. Cũng cùng một cách, Mẹ giữ trong lòng cuộc sống của mỗi người chúng ta: Mẹ muốn ôm lấy tất cả mọi hoàn cảnh cuộc sống chúng ta và mang đến với Thiên Chúa.
Trong cuộc sống phân mảnh hôm nay, nơi chúng ta mất đi sự liên kết, thì cái ôm của Mẹ cần thiết cho chúng ta. Có quá nhiều sự phân tán và cô đơn trong thế giới chúng ta, một thế kết nối với nhau nhưng dường như ngày càng rời rạc. Chúng ta cần phó thác mình cho Mẹ. Trong Kinh Thánh, Mẹ đã ôm lấy nhiều hoàn cảnh cụ thể và Mẹ hiện diện ở những nơi khó khăn: Mẹ thăm viếng bà Elisabeth, giúp đỡ đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana, động viên các môn đệ nơi phòng Tiệc Ly… Đức Maria chữa lành những nỗi cô đơn và sự chia cách. Mẹ là Mẹ an ủi, ở cùng những ai cô đơn. Mẹ biết rằng an ủi mà chỉ bằng lời thì không đủ, nhưng còn bằng sự hiện diện, sự hiện diện của người mẹ. Chúng ta hãy để cho Mẹ ôm lấy cuộc sống chúng ta. Trong kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương),  chúng ta đọc “làm cho chúng con được sống”, điều này dường như nói quá, vì chính Chúa Kitô là sự sống (x. Ga 14,6), nhưng Đức Maria liên kết với Ngài và Mẹ cũng gần với chúng ta nên không có gì tốt hơn là đặt cuộc sống của chúng ta nơi tay Mẹ và nhìn nhận Mẹ “làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.”
Điểm thứ ba, chúng ta để mình được cầm tay dẫn dắt. Những người mẹ cầm tay các con và triều mến giới thiệu cuộc sống cho chúng. Nhưng có bao nhiêu người con hôm nay, dấn mình trên những nẻo đường riêng và mất phương hướng. Chúng tưởng mình mạnh nhưng lại bị lạc lối, tưởng tự do nhưng lại trở thành nô lệ. Bao nhiêu người, quên đi tình mẫu tử, sống trong tức giận và dửng dưng trước mọi sự. Thật tiếc là, có bao nhiêu người phản đối mọi sự và sống trong cay đắng và độc ác! Đôi khi dùng việc tỏ ra hiểm độc để nói lên sức mạnh. Nhưng chẳng gì khác hơn là sự yếu đuối. Chúng ta cần học từ những người mẹ về sự anh hùng trong việc trao ban chính mình, mạnh mẽ trong tình thương và khôn ngoan trong sự dịu dàng.
Thiên Chúa đã cần một người Mẹ, còn chúng ta cần gì hơn. Chính Chúa Giêsu đã ban Mẹ cho chúng ta. Từ Thập Giá, Ngài đã nói với môn đệ được yêu mến, và với mỗi môn đệ: “Đây là mẹ của con!” (Ga 19,27).  Đức Mẹ không phải là một phụ kiện tuỳ chọn, nhưng Mẹ phải được đón vào cuộc sống chúng ta. Mẹ là Nữ Vương hoà bình, người chiến thắng sự dữ và dẫn chúng ta trên con đường lành, mẹ mang lại sự hiệp nhất giữa con cái và dạy chúng ta biết yêu thương.
Lạy mẹ Maria, xin dẫn chúng con bằng tay Mẹ. Bám vào Mẹ, chúng con sẽ vượt qua những ngả hẹp nhất lịch sử. Xin dẫn chúng con để tái khám phá mối dây liên kết chúng con. Xin quy tụ chúng con dưới áo mẹ, bằng sự dịu dàng và tình yêu đích thực, nơi gia đình nhân loại được tái sinh: “Dưới sự che cở của Mẹ, chúng con tìm nơi nương náu, lạy Mẹ Thiên Chúa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét