Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh
Hôm nay, ngày 19 tháng 10 năm 2019, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam công bố:
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng, đang là Giám mục Giáo phận Phát Diệm, làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà Giáo phận Phát Diệm.
Tiểu sử Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
24/11/1953 : Sinh tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (Gp. Phát Diệm)
1962-1970 : Tu học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1970-1977 : Tu học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt
1977-1988 : Lao động tại giáo xứ Bạch Lâm, Gia Kiệm, Gp. Xuân Lộc
25/07/2009 : Được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính toà Giáo phận Phát Diệm
08/09/2009 : Lễ truyền chức Giám mục tại Phát Diệm
Chủ phong: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Phụ phong: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh và Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến
Châm ngôn giám mục: Hiệp Thông - Phục Vụ
19/10/2019: Được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh kiêm Giám quản Tông toà Giáo phận Phát Diệm
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã đảm nhận các chức vụ:
– Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng (2010-2013) – Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức Tin (2013-2016) – Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục (2016-2019);
và trong Đại hội XIV vừa diễn ra tại Giáo phận Hải Phòng, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã được bầu lại vào chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục, nhiệm kỳ 2019-2022.
Hôm 3 tháng Mười, một thanh niên da đen 18 tuổi đã làm rúng động nước Mỹ, và có thể còn xa hơn nữa, với thông điệp tha thứ của anh. Tất cả các kênh truyền hình lớn tại Hoa Kỳ đã ngưng các chương trình thường lệ để truyền đi diễn biến cảm động này.
Biến cố này đã diễn ra trong phiên tòa xét xử cô Amber Guyger, 31 tuổi, cảnh sát viên người da trắng, tùng sự tại sở Cảnh Sát thành phố Dallas. Ngày 6 tháng 9 năm ngoái, 2018, sau một ca trực kéo dài tới 15 giờ liên tiếp, cô mệt mỏi trở về căn nhà của mình ở lầu 4 một chung cư.
Vì lo nói chuyện điện thoại cho nên cô đã đậu xe ở garage của tầng thứ 3 và lầm lũi đi vào phòng của anh Botham Jean, là một căn phòng ngay dưới căn phòng của cô ở lầu 4.
Cửa không khoá cho nên cô Amber đã đi vào phòng dễ dàng và ngạc nhiên khi thấy anh Botham đang ngồi ăn kem trong phòng khách, cô liền rút súng ra.
Vì vừa mới đi từ ngoài sáng vào trong tối nên cô nhìn không rõ và phán đoán sai lầm phản ứng của anh Botham nên đã bắn hai phát súng trúng vào tim anh.
Botham Jean, 26 tuổi, người da đen, nhập cư từ đảo St. Lucia, là một nhân viên kế toán đã chết trong căn phòng của mình một cách bất ngờ, ngỡ ngàng không hiểu tại sao mình phải chết!
Trong bối cảnh căng thẳng vì vấn đề màu da và vì tình trạng bạo hành của cảnh sát, phiên tòa xử cô Amber Guyger đã diễn ra hết sức căng thẳng.
Thoạt đầu công tố viện Dallas dự định đưa cô ra tòa về tội ngộ sát. Nhưng các cuộc biểu tình phản đối dữ dội đã nổ ra. Vì thế, tội danh chính thức của cô là tội sát nhân với khung hình phạt có thể là chung thân.
Trước toà, cô Amber đã khai rằng cô hối hận và xin lỗi về sự lầm lẫn của mình và cho biết không một ngày nào cô tìm được bình yên được trong suốt cuộc đời cô. Tuy nhiên khi bị vặn hỏi là khi bắn một người như vậy thì lúc đó cô có ý gì, cô đã trả lời là bắn để giết.
Kết thúc 4 ngày xét xử, bồi thẩm đoàn đã nhất trí kết tội cô là ‘sát nhân’. Công tố viện đã đề nghị 28 năm tù nhưng bổi thẩm đoàn đã ân giảm xuống còn 10 năm tù.
Những gì xảy ra bên ngoài phòng xử án sau phán quyết chung thẩm rất căng thẳng. Nhiều nhóm bất mãn đã lên tiếng tố cáo là bất công, quá nhẹ, và nhiều người bà con của nạn nhân cũng lên tiếng là công lý chưa được thực hiện. Cảnh sát chống bạo động được tăng cường trước tòa và tại các vị trí trọng yếu trong thành phố để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nhưng bên trong toà án thì một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn đã xảy ra. Đây là một diễn biến mà những phóng viên kỳ cựu đã mô tả là chưa từng chứng kiến một sự việc cảm động như thế bao giờ.
Người em trai của Botham tên là Brandt Jean, 18 tuổi, khi được cho phép nói lên lời cuối với tội nhân, đã sử dụng thời gian đó tại tòa án để đưa ra một thông điệp tha thứ:
“Tôi không muốn nói hai lần hoặc hàng trăm lần cô đã lấy đi những gì, và bao nhiêu từ chúng tôi.
Tôi nghĩ rằng cô biết điều đó.
Nhưng tôi chỉ hy vọng rằng cô đến với Chúa với tất cả mọi tội lỗi và tất cả những gì tôi nghĩ là xấu xa mà cô đã từng làm trong quá khứ.
Ai trong chúng ta cũng có thể đã làm một cái gì đó chúng ta không nên làm.
Nếu cô thực sự hối hận. Tôi biết tôi có thể nói về phần tôi là tôi tha thứ cho cô.
Và tôi biết nếu cô đến với Chúa và xin Ngài tha thứ thì Ngài sẽ tha thứ cho cô.
Và tôi không nghĩ không ai có thể nhắc lại chuyện này nữa.
Một lần nữa tôi đã nói về phần mình bất kể những điều tệ hại đối với gia đình tôi, tôi yêu mến bạn như bất cứ ai khác.
Tôi không hy vọng cô sẽ khổ đau và chết như anh tôi nhưng cá nhân tôi cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho cô.
Tôi chưa từng nói điều này trước mặt gia đình tôi hoặc bất cứ ai nhưng thực tâm tôi không muốn cô phải ngồi tù.
Tôi muốn những điều tốt nhất cho cô bởi vì tôi biết đó là những gì chính xác anh Botham của tôi cũng muốn cho cô.
Và điều tốt nhất là dành cuộc sống của cô cho Chúa Kitô. Tôi không biết nói gì hơn.
Tôi nghĩ rằng dành cuộc sống của cô cho Chúa Kitô là là điều tốt nhất mà anh Botham của tôi cũng mong muốn nơi cô.
Một lần nữa tôi yêu mến cô như một con người
Tôi không muốn bất cứ điều gì xấu cho cô.
Ngập ngừng một lúc, anh quay sang phía chánh án hỏi:
Tôi không biết tôi có thể dành cho cô ấy một cái ôm không.
Xin vui lòng cho phép tôi.
Xin vui lòng.
Bà chánh án Tammy Kemp rất bối rối trước đề nghị này. Sau một lúc suy nghĩ bà nói “Được”.
Chứng kiến cảnh này bà chánh án Tammy Kemp đã rơi lệ.
Bà cũng đích thân bước xuống ôm chầm lấy các thành viên trong gia đình nạn nhân, trước khi ôm cô Amber Guyger và trao cho cô một cuốn Kinh Thánh.
Đức Cha Edward Burns, Giám Mục Dallas nói ngài rơi lệ trước cảnh này, và lên tiếng ca ngợi tinh thần Kitô giáo của anh Brandt Jean, em trai của nạn nhân Botham Jean.
Ngài nói: “Thật là một tấm gương đáng kinh ngạc về tình yêu và sự tha thứ Kitô giáo, chúng ta đã chứng kiến cảnh anh Brandt, em trai của nạn nhân Botham Jean tuyên bố tha thứ cho cô Amber Guyger, khuyến khích cô ấy hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa Kitô và đã ôm cô ấy.”
Đức Giám Mục nói thêm: “Tôi cầu mong rằng tất cả chúng ta hãy noi gương người thanh niên xuất chúng này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trong cộng đồng của chúng ta và cho toàn thế giới.
Giáo sĩ thiếu thánh thiện cản trở sự gia tăng ơn gọi linh mục
Một Giám mục Brazil đã phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon rằng: một cản trở lớn trong việc gia tăng ơn gọi linh mục tại Amazon là sự thiếu thánh thiện của các giáo sĩ hơn là vì kỷ luật độc thân.
Hôm 16/10, Đức cha Wellington de Queiroz Vieira của giáo phận Cristalandia, Brazil nói rằng đề nghị truyền chức cho những người đàn ông đạo hạnh đã có gia đình, được gọi là viri probati, để giải quyết việc thiếu linh mục ở vùng Amazon, không giải quyết một vấn đề lớn hơn.
Sự thiếu thánh thiện của giáo sĩ
Đức cha nói rằng ngài không phát biểu thay cho tất cả các nghị phụ nhưng ngài biết nhiều vị cũng thấy vấn đề như ngài, những trở ngại thực sự đối với vấn đề gia tăng ơn gọi linh mục chính là những bê bối và sự thiếu thánh thiện nơi các giám mục, linh mục và phó tế.
Thay vì loan báo Chúa Kitô, chúng ta lại “loan báo về mình”
Đức cha cũng nhận định rằng giáo sĩ cần gần gũi với dân chúng như Đức Giáo hoàng Phanxicô, “nhưng rất thường xuyên chúng ta làm điều đó, mà không truyền đạt hương thơm của Chúa Kitô. Và chúng ta không thể truyền tải thông điệp thực sự”. Ngài nói tiếp rằng ngược lại, giáo sĩ thường đẩy dân chúng xa Chúa Kitô hay thường là “người công bố về mình”. “Chúng ta không luôn là những linh mục và giám mục thánh thiện của chính các Giáo hội của chúng ta”. Đức cha nói rằng trước khi nói về việc thay đổi một Giáo hội thì người ta cần nghĩ đến việc thay đổi chính mình.
Thánh thiện là khí cụ đánh thức ơn gọi
Theo Đức cha, khí cụ đánh thức ơn gọi nằm trong sự thánh thiện của người loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Tôi tin chắc rằng nếu tôi sống một cuộc sống thánh thiện, tôi sẽ không thiếu các thừa tác viên chức thánh” bởi vì người trẻ đang tìm kiếm những gương mẫu thánh thiện và sẽ bị lôi cuốn khi nhìn thấy nó. Chúng ta có nghĩa vụ cung cấp những gương mẫu thánh thiện”.
Đức cha miêu tả sự thánh thiện bao gồm những điều như cuộc sống đơn giản, cởi mở đối thoại, tôn trọng những khác biệt, không ngần ngại loan báo về đời sống Kitô giáo, cảm thông với người đau khổ, có lòng bác ái và chấp nhận thử thách.
Cần tinh thần truyền giáo
Đức cha cũng nghĩ rằng cần xem xét một giải pháp khác cho tình trạng thiếu linh mục ở vùng Amazon, đó là sự phân bố không đồng đều các linh mục. Có những vùng tập trung nhiều linh mục hơn những nơi khác, nhưng các linh mục lại thiếu “tinh thần truyền giáo” để lên đường đến những nơi xa hơn và những vùng khó khăn. Đức cha nói: “Chúng ta cần thay đổi não trạng này”. (CNA 16/10/2019)
Khai mạc Thượng HĐGM Amazon: buổi làm việc đầu tiên
Sáng thứ Hai, 07/10, Thượng HĐGM cho vùng Amazon đã bắt đầu với lời khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô, các diễn văn của của ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM và ĐHY Cláudio Hummes, Tổng tường trình viên.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Lời khai mạc của Đức Thánh Cha
Về phần Đức Thánh Cha, ngài xác định lại bốn chiều kích của thượng HĐGM này, đó là: chiều kích mục vụ, chiều kích văn hóa, chiều kích xã hội và chiều kích sinh thái.
Thượng HĐGM này tiếp cận vấn đề với một con tìm Kitô giáo và nhìn Amazon bằng con mắt của người môn đệ Chúa Kitô, chứ không phải như người ngoài cuộc và trung lập. Cần tôn trọng văn hoá của họ chứ không thuần hoá họ bằng một thứ văn hoá khác. Dù phát triển thế nào thì cũng phải gìn giữ và tôn trọng các dân tộc bản địa. Cần nhìn vào thực tế về sự khai thác, phá rừng… vì lợi lộc kinh tế trước mắt, dẫn đến những thay đổi về môi sinh.
Thượng HĐGM không phải là một hội nghị bàn tròn, cũng không phải là quốc hội, không phải là nơi thể hiện ai quyền lực hơn ai, nhưng Thượng hội đồng là cùng nhau bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài đóng vai trò chính của Thượng hội đồng. Và mỗi nghị phụ ngồi trong Thượng hội đồng này phải ý thức về điều đó. Sẽ là gây hại nếu ai trong phòng hội nghị này nói rằng nó là của tôi.
Do đó, điều trước tiên của Thượng Hội đồng là cầu nguyện. Cần suy gẫm, đối thoại và lắng nghe bằng sự khiêm tốn. Vì thế, sau mỗi bốn lần phát biểu sẽ có bốn phút thinh lặng. Thượng Hội đồng sẽ cùng đi trên con đường của Mẹ Giáo hội.
ĐHY Baldisseri nói về mặc tổ chức Thượng HĐGM
Kế đến, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký của Thượng HĐGM đã có một diễn văn nói đến những thực tế Amazon và việc tổ chức của Thượng Hội đồng này. ĐHY nói rằng, đây là một Thượng HĐGM Đặc biệt, không phải Ngoại thường hay Bình thường, do đó không phải chỉ một số giám mục tham dự, nhưng tất cả những lãnh đạo Giáo hội vùng này được triệu tập. Hơn nữa, vì là Thượng HĐGM Đặc biệt nên sẽ liên quan đến Giáo hội hoàn vũ. Vì thế, thành phần tham dự cũng mở rộng đến các vị lãnh đạo Giáo hội ở các vùng địa lý khác. Cũng vì thế mà Thượng HĐGM này đã diễn ra tại Roma, nơi có Toà Phêrô, chứ không phải ở một thành phố thuộc vùng Amazon.
Tham dự Thượng Hội đồng lần này có 185 nghị phụ, 6 đại biểu từ các Giáo hội anh em, 12 khách mời đặc biệt, 25 chuyên viên và 55 dự thính. Trong số các thành viên Thượng Hội đồng, có các chuyên gia và nhân viên mục vụ từ những nơi xa xôi nhất của lãnh thổ Amazon. 16 đại diện của các nhóm dân tộc bản địa khác nhau, họ mang đến những tiếng nói và lời chứng sống về truyền thống, văn hóa và niềm tin của dân tộc họ. Các khách mời đặc biệt là những người có uy thế cao trong lãnh vực khoa học thuộc nhiều tổ chức từ khắp nơi trên thế giới, cả bên trong lẫn ngoài Giáo hội.
Về phương pháp làm việc, ĐHY Baldisseri nói rằng: “Tài liệu Làm Việc(Instrumentum laboris) sẽ là điểm tham chiếu và là cơ sở cần thiết để suy tư và thảo luận, chứ nó không phải là một văn bản để tu chính. Chức năng của nó sẽ kết thúc bằng việc đưa ra Tài liệu cuối cùng, sẽ thu thập các kết quả đạt được bởi Hội đồng này.”
Một thông tin thú vị về Thượng Hội đồng được ĐHY Baldisseri đưa ra, đó là, vì sự phát triển bền vững môi trường, Thượng HĐGM thực hiện việc đăng ký và trao đổi qua công nghệ, tiết kiệm giấy in. Các vật liệu được sử dụng trong Thượng Hội đồng không làm bằng nhựa, nhưng bằng vật liệu phân hủy sinh học. Cuối cùng, dựa trên cơ sơ tính toán khoa học, để bù lại 572.809 kilogram CO2 thải ra do các chuyến bay đi lại và các hoạt động khác, Thượng Hội đồng sẽ trồng 50 hecta diện tích rừng tại lưu vực sông Amazon.
Phần suy tư về Thượng HĐGM Amazon của ĐHY Cláudio Hummes, Tổng Tường trình viên, chúng tôi sẽ tiếp tục tường thuật trong bản tin ngày mai.
1. Đức Mẹ ở bên tôi. Tôi cảm nhận rất rõ sự hiện diện của Mẹ.
Mẹ đẹp về mọi phương diện. Nhưng một nét đẹp của Mẹ đã gây ấn tượng mạnh nhất nơi tôi, đó chính là sự khiêm tốn của Mẹ.
2. Mẹ rất cao sang, mà lại rất khiêm nhường.
Mẹ rất tận tâm lo cho con cái, mà lại rất khiêm tốn.
Mẹ rất quyền năng, mà lại rất khiêm hạ.
Mẹ luôn đẩy tôi về phía trước. Còn Mẹ thì đứng đằng sau.
Mẹ nhắc nhở tôi nhiều điều, nhưng cách nhẹ nhàng, kín đáo.
Mẹ lo cho tôi từng chi tiết nhỏ, cả đến những việc cá nhân hết sức tư riêng. Đặc biệt, Mẹ giúp tôi trải qua những khổ đau, những nhọc nhằn, những nhục nhã đôi lúc bất ngờ xảy ra.
3. Khiêm nhường của Mẹ là một nét đẹp tuyệt vời, là một hương thơm lôi cuốn, có sức cải tạo tôi, và luôn luôn đào tạo tôi, để tôi nên người và nên con Chúa.
4. Do vậy tôi xác tín điều này: Khiêm nhường là một ơn quý giá cao trọng Chúa ban cho Đức Mẹ, để Mẹ làm chứng cho Chúa. Ơn cao quí đó cũng được Chúa ban cho nhiều vị đứng đầu Hội thánh, để cứu các linh hồn.
5. Nói vậy là vì tôi nhớ tới Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về sự khiêm nhường của ngài.
Rất nhiều lần, Đức thánh Giáo Hoàng đã nói với tôi những lời: “Cám ơn, xin lỗi”. Ngài nói những lời khiêm nhường đó với tôi một cách rất khiêm nhường, hồn nhiên và thân mật.
6. Thái độ khiêm nhường của người đứng đầu Hội thánh đã lôi kéo tôi về với Chúa.
7. Dần dần, tôi xác tín: Khiêm nhường là điều rất cần cho tôi và cho các mục tử, nhất là trong tình hình hiện nay.
Tôi biết là cần. Nhưng có được điều cần đó là chuyện không dễ.
8. Tôi cầu xin Đức Mẹ giúp tôi. Đức Mẹ khuyên tôi hãy luôn tỉnh thức. Bởi vì Satan luôn tìm mọi cách để gieo nọc độc kiêu ngạo vào lòng con người, nhất là lòng những người môn đệ Chúa.
9. Tỉnh thức là điều tôi và nhiều người rất muốn. Nhưng khốn thay, chỉ muốn mà thôi! Chứ thực sự tỉnh thức thì còn thiếu lắm.
Đáng buồn hơn nữa là tình trạng không tỉnh thức đang có khuynh hướng trở nên chuyện bình thường, để rồi vì thế kiêu ngạo xem ra cũng đang trở thành chuyện bình thường ở nhiều nơi, cả ngoài đời lẫn trong Đạo.
10. Khiêm nhường và kiêu ngạo là một trận chiến về đạo đức đã có từ rất lâu. Nay trận chiến đó có vẻ quyết liệt hơn trước nhiều. Nơi nào khiêm nhường thua, kiêu ngạo thắng, thì hậu quả sẽ khủng khiếp cả cho Hội thánh, cả cho xã hội.
11. Biết như vậy, nên tôi thấy mình có trách nhiệm phải vâng ý Đức Mẹ, mà nói lên nguy cơ đó. Chúa cũng đang dùng một số nhỏ, để phiên dịch ý Chúa. Chúng tôi vâng ý Chúa mà thôi.
12. Riêng tôi, chỉ mong việc mình nói lên là đúng ý Chúa, còn hậu quả ra sao thì xin khiêm nhường phó thác.
13. Phó thác đối với tôi là : Tôi tin Đức Mẹ sẽ luôn ở bên tôi. Tôi mong mọi người thấy tôi sẽ gặp được Đức Mẹ. Phó thác như thế là một niềm vui, là một hạnh phúc.
14. Niềm vui đó, hạnh phúc đó, tôi xin đặt vào lòng Đức Mẹ. Tự nhiên, tôi nhớ tới tên, mà Đức Mẹ đặt cho chính mình Mẹ, đó là “Con là nữ tỳ của Chúa”. “Con là người đầy tớ bé nhỏ của Chúa”. Đó là một tên rất khiêm nhường, làm sáng danh Chúa.
15. Còn tôi, tên thật của tôi, chính là: “Kẻ tội lỗi khốn nạn”. Thực vậy, tôi là kẻ tội lỗi khốn nạn được Chúa xót thương. Chúa xót thương tôi rất nhiều, nhất là vì đã ban cho tôi được ơn làm con của Đức Mẹ, được Đức Mẹ ở bên, được Đức Mẹ dắt dìu, an ủi.
16. Nhờ vậy, tôi được rất nhiều ơn hồn xác. Những ơn tôi nhận được là không sao kể xiết. Những gì tôi nói ra chỉ là một phần nhỏ, so với những gì tôi không nói ra.
17. Từ kinh nghiệm đó về mình, tôi nghĩ tới nhiều người khác. Họ cũng được như tôi, và hơn tôi. Tôi cảm tạ và ngợi khen Chúa vì những công trình lạ lùng Chúa đang làm, do lòng thương xót Chúa.
18. Một công trình lạ lùng, mà Chúa đang làm trong Hội thánh hiện nay là làm cho những bông hoa khiêm nhường sống động âm thầm nở ngay trong những nơi xem ra khó khăn nhất. Những bông hoa khiêm nhường sống động đó đang nâng đỡ tôi. Xin cảm ơn họ hết lòng.
19. Đức Mẹ đang dùng những bông hoa khiêm nhường sống động đó, để góp phần vào kế hoạch cứu độ, mà Chúa đang thực hiện cho Hội thánh và thế giới hiện nay.
Giáo hội có 13 tân Hồng y - Phẩm phục Hồng y màu đỏ có nghĩa gì?
Lúc 16 giờ chiều 5/10, một ngày sau khi tấn phong giám mục cho 4 linh mục, ĐTC chủ sự công nghị thăng hồng y cho 13 vị tổng giám mục và giám mục, trong đó có đức cha Michael Czerni, mới được phong giám mục ngày hôm trước.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Trước nghi thức thăng hồng y qua việc đội mũ hồng y, trao nhẫn và bổ nhiệm hiệu toà, là phần phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc được trích từ Tin Mừng Mc 6,30-37a về Chúa Giêsu thấy đám đông và Ngài chạnh lòng thương. Ngài nói các môn đệ hãy cho họ ăn.
Lòng thương cảm là chìa khoá Tin Mừng
Sau bài đọc, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng. Ngài nói: Lòng thương cảm là từ khoá của Tin Mừng. Đây là điều luôn được viết nơi trái tim của Chúa Kitô, không phải là thái độ của một lúc nào đó, nhưng là thái độ của trái tim, nơi lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể.
Đức Thánh Cha đã đưa ra một vài ví dụ. Thánh Marcô kể rằng khi Chúa Giêsu đi qua miền Galilê để rao giảng và trừ quỷ, có một người phong cùi đến và quỳ xuống cầu xin Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, đưa tay chạm vào anh và nói: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,40-42). Với cử chỉ và lời nói này, sứ mạng của Đấng Cứu Thế dành cho con người được tỏ lộ: Đấng Cứu Thế đầy lòng trắc ẩn. Ngài thể hiện ý muốn của Thiên Chúa khi chữa lành con người khỏi bệnh cùi tội lỗi; Ngài giơ tay của Thiên Chúa để đụng chạm đến xác thịt bệnh tật của chúng ta.
Chúa Giêsu đi tìm những người bị chối từ, những người không còn hy vọng. Như trường hợp của người bị liệt ba mươi tám năm, nằm gần hồ Bết-da-tha và chờ đợi ai đó giúp mang anh xuống nước nhưng vô vọng (x. Ga 5,1-9). Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương đối với dân của Người.
Tuy nhiên, các môn đệ thì lại thường tỏ ra thiếu lòng trắc ẩn, như trong trường hợp này, đứng trước vấn đề đám đông đang đói. Các ông đã nói: xin giải tán dân chúng để họ đi mua gì ăn. Đó là thái độ thường thấy của con người chúng ta, ngay cả của các tu sĩ và người đạo đức. Như thầy Levi tránh sang bên kia mà đi đối với người bị hại trên đường (x. Lc 10,31-32). Điều đó đồng nghĩa với việc tự nói: “đừng đụng vào tôi”. Luôn có những lý do để biện minh, đôi khi bằng cách tạo ra những quy định thể chế, như trường hợp đối với người phong cùi: “họ phải ở bên ngoài, điều đó là chính đáng.” Đây là thái độ hết sức con người được rút ra từ một cấu trúc không có lòng thương cảm.
Nhận ra lòng thương cảm của Chúa dành cho tôi
Từ đây, chúng ta có thể tự hỏi: với lương tâm, chúng ta có phải là đối tượng trước tiên nhận lòng trắc ẩn của Thiên Chúa không? Tôi đặc biệt nói với anh em, các Hồng y và những vị sắp trở thành Hồng y: nhận thức này có sống động trong anh em không? Nơi lương tâm chúng ta, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa dành cho chúng ta có sống động không? Đây không phải là điều tuỳ thuộc, và ngay cả không phải là “lời khuyên phúc âm”, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu. Nếu tôi không cảm thấy mình là đối tượng cần lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, tôi sẽ không hiểu được tình yêu của Ngài.
Ý nghĩa màu phẩm phục
Khả năng trung thành trong chức vụ của mình cũng phụ thuộc vào nhận thức sống động này. Ngay cả đối với anh em, các Hồng y. Sự sẵn sàng của một Hồng y là cho đi máu của mình - được biểu thị bằng màu đỏ của phẩm phục - chắc chắn nó bắt nguồn từ nhận thức mình nhận được lòng thương cảm và khả năng mình có lòng thương cảm. Nếu không, người đó không thể trung thành. Nhiều hành vi bất chính của con người trong Giáo hội xuất phát từ việc thiếu nhận thức về lòng thương cảm mình nhận được, và thói quen nhìn bằng sự dửng dưng.
Các nghi thức phong Hồng y
Cuối bài giảng, các vị tân Hồng y tuyên xưng đức tin và hứa trung thành với Đức Giáo Hoàng và những người kế vị. Sau đó, mỗi vị tân hồng y đến quỳ trước Đức Thánh Cha để ngài trao mũ hồng y, trao nhẫn và bổ nhiệm nhà thờ hiệu toà.
Gặp Đức Giáo hoàng Danh dự Biển Đức XVI
Buổi tối, sau khi kết thúc công nghị thăng Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các tân Hồng y đã lên xe đi đến Đan viện Mater Ecclesiae để gặp Đức Giáo hoàng Danh dự Biển Đức XVI.
Sau lời chào ngắn gọn, trong đó Đức Biển Đức XVI nhắc các tân Hồng y về giá trị của lòng trung thành với Giáo hoàng, ngài cùng với Đức Phanxicô chúc lành cho các tân Hồng y.
ĐTC Phanxicô cùng các vị tân Hồng y đến gặp Đức Biển Đức XVI
Với việc thăng 13 hồng y lần này, với 10 hồng y cử tri và 3 hồng y trên 80 tuổi không cử tri, hồng y đoàn hiện tại có tổng cộng 225 hồng y, trong có có 128 hồng y cử tri và 97 hồng y trên 80 tuổi không cử tri. (CSR_5815_2019)
HĐGMVN: Nhân sự Ban Thường vụ và các Ủy ban nhiệm kỳ 2019 - 2022
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV
BIÊN BẢN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XIV từ thứ Hai ngày 30/9/2019 đến thứ Sáu ngày 04/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.
Hội Đồng Giám Mục hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe Đức Tổng Giám mục trình bày Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” (Vos estis lux mundi) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam, và những thông tin khác.
Đại hội chúc mừng Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, tân giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt; đồng thời tri ân Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, thành viên của Hội Đồng Giám Mục mới được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức.
Trong dịp Đại hội lần này, Hội Đồng Giám Mục đã thực hiện những việc sau đây:
1. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2022.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Phó Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Phó Tổng thư ký: Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:
1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin
Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân
2/ Ủy ban Kinh Thánh
Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
3/ Ủy ban Phụng tự
Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy ban Thánh nhạc
Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
7/ Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
8/ Ủy ban Tu sĩ
Chủ tịch: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
9/ Ủy ban Giáo dân
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản
10/ Ủy ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai
12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
13/ Ủy ban Văn hóa
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân
14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường
15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas
Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu
17/ Ủy ban Mục vụ Di dân
Chủ tịch: Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn
18/ Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đặc trách Đối thoại liên tôn và đại kết.
2. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa về định hướng mục vụ trong ba năm tới (2020-2022).
3. Quyết định Học viện Công giáo Việt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và vị Viện trưởng của Học viện do Hội Đồng Giám Mục bổ nhiệm.
4. Thảo luận việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960 – 2020) và việc khánh thành Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang dự kiến vào năm 2020.
5. Chấp thuận cho thử nghiệm ba năm văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa.
6. Phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho Sách Các Bài Đọc Thánh lễ Chúa nhật (Mùa Thường niên) và ba Thánh lễ trọng (Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh và lễ Thánh Tâm).
7. Trao đổi về việc sáp nhập giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh vào giáo tỉnh Huế.
8. Bàn thảo về tiến trình xin phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha François Pallu, Đức cha Jean Cassaigne cùng với các đấng tử đạo Việt Nam trong hồ sơ của Tòa thánh.
9. Lắng nghe các giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ:
- Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh trình bày về Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam;
- Ủy ban Giáo dục Công giáo trình bày về sinh hoạt của Học viện Công giáo;
- Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày hoạt động truyền giáo và việc thành lập các Hội Giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam;
- Ủy ban Mục vụ Di dân xin tiếp tục thử nghiệm văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” đến năm 2022;
- Ủy Ban Phụng tự thông báo việc in Sách Lễ Rôma và Sách Các Bài Đọc.
- Ủy ban Tu sĩ trình bày việc nghiên cứu “Quy chế hoạt động của các dòng tu”.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2020 sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 24/4/2020.
Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với giáo phận Hải Phòng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan Thầy giáo phận, và Khánh thành Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận vào sáng thứ Sáu ngày 04/10/2019.
Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Hải Phòng, ngày 04/10/2019