label

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

CHÚC MỪNG CHA SỞ 30 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC VÀ SINH NHẬT LẦN THỨ 70

CHÚC MỪNG CHA SỞ 30 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC
VÀ SINH NHẬT LẦN THỨ 70


Hội đồng mục vụ giáo xứ Cần xây

 
   Trong thánh lễ đồng tế sáng nay với tâm tình cảm tạ tri ân vì những hồng ân Chúa đã thương ban nâng đỡ suốt 70 năm cuộc đời và 30 năm linh mục, cũng đồng thời xin lỗi chúa vì những thiếu sót trong quãng thời gian qua. 
   Cha giảng lễ Phêrô Nguyễn Đức Thắng đã nói lên những tâm tình khi linh mục kỷ niệm ngày chịu chức không phải để được chúc tụng, tung hô mà là cảm tạ Thiên Chúa, xin lỗi Chúa, kiểm lại những thiếu sót trong quãng đời phục vụ, đồng thời xin Chúa tiếp tục ban ơn, nâng đỡ trong thời gian còn lại. Ngài cũng nói về sức khỏe và phẩm hạnh của cha Phaolô suốt quá trình phục vụ tại những nơi cha đã đến. Dù sức khỏe không trọn vẹn như một bình sành dễ vỡ nhưng cha đã hoàn thành thật tốt Thiên chức linh mục với đoàn chiên và gìn giữ hoàn hảo Thiên chức Chúa trao ban. Một điều hết sức trùng hợp đó là câu chuyện về một cha sở đến diện kiến đức Giáo Hoàng đã được Cha Thịnh kể khi kỷ niệm 29 năm lại được cha Thắng kể lại hôm nay dường như người nào cũng nhìn thấy nơi cha Phaolô một mẫu gương cha sở như linh mục đã được diện kiến Giáo Hoàng “Ngày kia có một phái đoàn linh mục vào yết kiến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II, các linh mục từng người lại hôn nhẫn, ai cũng giới thiệu chức danh: Bề trên tu viện, viện sĩ, giáo sư…đến vị linh mục đi sau cùng nhỏ nhẹ nói, con là linh mục chính xứ ở một vùng quê hẻo lánh. Đức Giáo Hoàng quỳ xuống hôn tay vị linh mục và nói: “ôi con là một người tuyệt vời, bàn tay con đã ban nhiều bí tích, đã xoa dịu bệnh nhân, đã giúp đỡ nhiều người nghèo...” Linh mục Trần Văn Khoa đã sống, làm tròn sứ mệnh của Chúa và Giáo Hội khi Ngài được trao phó (Núi tượng, An Hòa, Cần Xây).
    Thực vậy nhìn lại những chặng đường đầy gian khổ từ khi Cha sở Phaolô Trần Văn Khoa lúc đó còn là thầy được bổ nhiệm về họ đạo Núi Tượng một nơi còn hoang sơ, nhà thờ op ẹp, giáo dân đủ thành phần, nghèo đói, đất nước đầy biến động, niềm hy vọng chịu chức linh mục mơ hồ. Thế mà hồng ân Chúa vẫn bao phủ trên cha và nâng đỡ cha trở thành linh mục của Chúa, lại gìn giữ cha bước tiếp, vượt qua sóng gió của 30 năm linh mục. Điều đặc biệt là cách sống của cha rất đơn sơ, lo cho giáo xứ và chú tâm tới người nghèo. Chả thế mà từ khi về giáo xứ Cần Xây nhiều gia đình với những căn nhà ọp ẹp đã có nhưng căn nhà khang trang và tháng nào cũng vậy, luôn có mấy chục phần quà gồm: gạo, mì, dầu ăn... được gửi đến những gia đình khó khăn. Mùa Covid 19 Cha lại tăng thêm nhiều xuất cho các gia đình. 
      Mặc dù hôm nay là ngày thường nhưng thánh lễ rất đông giáo dân tham dự, ngoài ra  còn có một số anh chị em giáo dân của giáo xứ An Hòa nơi cha ở trước. Xong thánh lễ mọi người nhận được món quà cha gửi tới để cùng chia vui, tri ân bao gồm một cái nón, bánh bao, bánh bông lang tượng trưng cho sự che chở, phủ đầy hồng ân ngọt ngào của Thiên Chúa và của cha đến mọi người. Xin Chúa luôn ở bên cha mãi mãi
Thiên Sinh

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

ĐTC Phanxicô: Hãy dạy các trẻ em biết làm dấu Thánh Giá

ĐTC Phanxicô: Hãy dạy các trẻ em biết làm dấu Thánh Giá





Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bất chấp tội lỗi lan tràn, có những người "có khả năng cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết số mệnh của con người theo một cách khác". Và ngài yêu cầu dạy các trẻ em làm dấu Thánh Giá, "lời cầu nguyện đầu tiên".
 
 PopeFrancis_27May2020_02.jpg

Sáng thứ Tư 27/05, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Thư viện Dinh Tông Tòa. Trong bài giáo lý, ngài nói về chủ đề lời cầu nguyện của những người công chính.

Đức Thánh Cha nhắc lại các chương đầu của sách Kinh Thánh với sự xuất hiện và lan rộng của sự dữ và tội lỗi trong thế giới con người. Dù chúng ta cảm thấy sự hiện diện của sự ác trên thế giới, nhưng kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là tốt lành. Bên cạnh Cain ganh tị ác độc, có Abel, Sết, Ênốt và Nôê, những người khiêm nhường, chân thành cầu nguyện với Thiên Chúa. Những người công chính này là người kiến tạo hòa bình và họ cho thấy rằng lời cầu nguyện đích thực giải thoát khỏi khuynh hướng bạo lực; nó là cái nhìn hy vọng hướng về Thiên Chúa; nó có thể nuôi dưỡng sự sống mới thay cho sự khô cằn của hận thù.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, như những người công chính trong Kinh Thánh không ngừng cầu khẩn, hãy cầu nguyện để chính mình được biến đổi, vâng theo ý Chúa, và cầu nguyện cho thế giới, xin Thiên Chúa hoàn thành hoạt động biến đổi trái tim con người. Ngài cũng nhắc hãy dạy cho trẻ em cầu nguyện, trước hết là biết làm dấu Thánh Giá. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Tội lỗi lan tràn trong thế giới con người

Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là tốt lành, nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại nhận thấy có sự hiện diện của sự dữ. Những chương đầu tiên của sách Sáng Thế miêu tả sự phát triển, lan rộng của tội lỗi trong cuộc sống con người. Ông Adam và bà Evà (x. St 3,1-7) nghi ngờ ý định nhân lành của Thiên Chúa, nghĩ rằng họ đang gặp một vị thần ghen tương, ngăn cản họ được hạnh phúc. Từ đó, họ nổi loạn: họ không còn tin vào một Đấng Tạo Hóa quảng đại, mong muốn họ được hạnh phúc. Tâm hồn họ chiều theo cám dỗ của kẻ xấu, bị ảo tưởng về sự toàn năng: "Nếu chúng ta ăn trái của cây, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa" (x. c. 5). Đây là cám dỗ, là tham vọng len vào tâm hồn. Nhưng họ đã gặp phải điều ngược lại: mắt họ mở ra và họ thấy mình trần truồng (c. 7).

Sự dữ càng trở nên tàn phá hơn trong thế hệ con người thứ hai: đó là câu chuyện về Cain và Abel (x. St 4,1-16). Cain ghen tị với em mình; mặc dù là con đầu lòng, anh coi Abel là đối thủ, người đe dọa quyền trưởng tử của anh ta. Sự ác xuất hiện trong trái tim Cain và anh ta không thể chiến thắng nó. Sự ác bắt đầu đi vào tâm lòng: nhìn người khác với những ý tưởng xấu, nghi ngờ. “Tên này là người xấu, sẽ hại mình.” Và thế là câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên kết thúc bằng một vụ giết người. Tôi nghĩ về tình huynh đệ nhân loại ngày nay: chiến tranh ở khắp nơi.

Hậu duệ của Cain phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật, nhưng cũng phát triển bạo lực, được thể hiện qua bài ca độc ác của Laméc, nghe như một bài thi ca báo thù: “Vì một vết thương, ta đã giết một người; vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy lần!” (St 4,23-24). Báo thù là thế này: bạn gây ra thì bạn phải đền trả. Nhưng quan tòa không nói điều này, mà là tôi nói. Tôi biến mình thành quan tòa. Và thế là tà ác lan truyền như dầu loang, cho đến khi nó chiếm trọn bức tranh: " Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu." (St 6,5). Các bức bích họa lớn về trận đại hồng thủy (chương 6-7) và tháp Babel (chương 11) cho thấy rằng cần có một khởi đầu mới, như một sáng tạo mới, sẽ được hoàn thành trong Chúa Kitô.

Lời cầu nguyện của những người công chính

Tuy nhiên, trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, một câu chuyện khác cũng được thuật lại, ít nổi bật hơn, khiêm tốn và đạo đức hơn nhiều, đại diện cho sự cứu rỗi của hy vọng. Ngay cả khi hầu hết mọi người cư xử một cách tàn bạo, tạo nên thù hận, vẫn có những người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết lại số phận của con người theo một cách khác. Abel dâng cho Thiên Chúa của lễ hy sinh là những hoa trái đầu mùa. Sau khi Adam chết, ông Adam và bà Evà có người con thứ ba, đó là Sết, người sinh ra Ênốt, và Sách Thánh nói: "Lúc đó, người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa" (4,26). Sau đó, Khanốc ra đời; ông là một người "bước đi với Chúa" và được Thiên Chúa “bắt cóc” đưa lên thiên đàng (x. 5,22.24). Và cuối cùng là câu chuyện về ông Nôê, một người công chính đã "bước đi với Chúa" (6,9); qua ông, Thiên Chúa đã rút lại ý định xóa sổ loài người (x. 6,7-8).

Cầu nguyện giải thoát khỏi bản năng bạo lực, hướng về Thiên Chúa xin Người biến đổi trái tim chúng ta

Đọc những câu chuyện này, chúng ta có ấn tượng rằng cầu nguyện vừa là bờ đê vừa là nơi ẩn náu của con người trước làn sóng tràn đầy sự ác đang phát triển trên thế giới. Quan sát kỹ hơn, chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu khỏi chính mình. “Lạy Chúa xin cứu con khỏi chính con, khỏi những tham vọng, đam mê của con.” Những người cầu nguyện trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh là những người hoạt động vì hòa bình: thực tế, khi lời cầu nguyện là đích thực, nó giải thoát khỏi bản năng bạo lực và nó là một cái nhìn chăm chú vào Thiên Chúa, xin Người quay lại chăm sóc trái tim của con người. Sách Giáo lý viết: "Phẩm chất cầu nguyện này được sống bởi vô số người công chính trong tất cả các tôn giáo" (GLHTCG, 2569). Cầu nguyện vun trồng những bông hoa tái sinh ở những nơi mà lòng thù hận của con người chỉ có thể làm cho sa mạc lan rộng. Lời cầu nguyện có sức mạnh, bởi vì nó lôi kéo quyền năng của Thiên Chúa và quyền năng của Chúa luôn ban sự sống. Đó là Thiên Chúa của sự sống và làm cho tái sinh.

Đây là lý do tại sao vương quyền của Thiên Chúa đi qua những thế hệ con người nam nữ này, những người thường bị hiểu lầm hoặc bị loại ra ngoài lề trên thế giới. Nhưng thế giới sống và phát triển nhờ sức mạnh của Thiên Chúa được ban nhờ lời cầu nguyện của những người phục vụ Người. Họ là những con người không ồn ào, hiếm khi trở thành các tiêu đề, nhưng điều rất quan trọng là họ khôi phục niềm tin cho thế giới!

Hãy dạy trẻ em làm dấu Thánh Giá - lời cầu nguyện đầu tiên

Giải thích cho điều vừa nói, Đức Thánh Cha kể câu chuyện về một nhà lãnh đạo vô thần. Trong lòng ông không có cảm thức tôn giáo, nhưng ông đã nghe bà của mình cầu nguyện từ khi còn nhỏ và lời cầu nguyện đó đọng lại trong lòng ông. Rồi trong một thời điểm khó khăn trong cuộc sống, kỷ niệm đó trở lại trong lòng ông. Ông bắt đầu cầu nguyện như bà của ông và ông đã tìm gặp được Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nhận định: Lời cầu nguyện là một chuỗi cuộc sống. Nhiều người cầu nguyện và gieo rắc sự sống…. Và ngài nhắc nhở: “Dạy cho trẻ em cầu nguyện là điều quan trọng. Tôi thấy đau lòng khi gặp các trẻ em và bảo ‘con hãy làm dấu Thánh giá' và các em không biết làm. Hãy dạy các em làm dấu Thánh giá, đó là lời cầu nguyện đầu tiên. Có thể các em sẽ quên, sẽ đi theo con đường khác. Nhưng điều đó lưu lại trong lòng các em, bởi vì đó là hạt giống sự sống, hạt giống đối thoại với Thiên Chúa.

Hành trình của Thiên Chúa trong lịch sử đã đi ngang qua họ: nó đã đi qua một "phần còn lại" của loài người, những người không khuất phục trước luật lệ của kẻ mạnh nhất, nhưng cầu xin Thiên Chúa thực hiện các phép lạ của Người, và trên hết là biến đổi trái tim bằng đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt (x. Ed 36,26). Và điều này giúp cho việc cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện mở lòng ra với Thiên Chúa, biến đổi trái tim cứng cỏi của chúng ta thành trái tim con người.

Hồng Thủy


Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

KỶ NIỆM 140 NĂM THÀNH LẬP TẬP VIỆN CÙ LAO GIÊNG

KỶ NIỆM 140 NĂM THÀNH LẬP TẬP VIỆN CÙ LAO GIÊNG

Sáng ngày 23/05/2020, Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Gieng đã hân hoan mừng Kỷ niệm 140 năm thành lập Tập viện, đánh dấu một chặng đường đầy những thử thách và ngập tràn ơn Chúa. 



Trang sử 140 năm thành lập tập viện Dòng Chúa Quan Phòng tại Cù Lao Giêng- Việt Nam, đánh dấu một chặng đường đầy những thử thách và ngập tràn ơn Chúa. Một trang sử với biết bao công sức của những người mở đường. Trải qua bao thăng trầm và thử thách trong suốt dòng lịch sử, Hội Dòng mỗi ngày một lớn mạnh song hành cùng với lịch sử truyền giáo của các Giáo Phận và Giáo Hội Việt Nam.


Nhìn lại lịch sử để giúp ta học cách sống linh đạo và tinh thần của Hội Dòng một cách sâu sắc hơn, để nhắc nhở những người con Chúa Quan Phòng nhớ về cội nguồn để ghi khắc công ơn Đấng Sáng Lập và những vị tiền bối, tạ ơn Chúa đã gìn giữ Hội dòng qua những bước thăng trầm. Mừng kỷ niệm 140 năm thành lập tập viện, ta cùng nhìn lại lịch sử của mình với niềm tri ân và cảm tạ để cùng sống giây phút hiện tại với niềm tin tưởng và yêu mến, hướng tới tương lai với niềm hy vọng.

1. Dấu ấn lịch sử

Dòng Chúa Quan Phòng Portieux được thành lập do Á Thánh Gioan Martinnô Moye, một linh mục người Pháp, trong vùng Vosges, miền Nam nước Pháp. Ngày 14.01.1762 Cha gởi chị Marguerite, nữ tu đầu tiên, ra đi thi hành sứ mạng, chị ra đi mà không có một vốn liếng nào khác ngoài Chúa Quan Phòng, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tin cậy, phó thác cho Ngài. Hội Dòng Chúa Quan Phòng được sinh ra và lớn lên trong tình thương quan phòng của Chúa.

Ngày 13.03.1875, một bức thư chung của Bề trên Tổng Quyền, Saint Louise tại Portieux được gởi cho toàn thể Hội Dòng, yêu cầu những ai tự nguyện muốn hiến thân cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, thì hãy biểu lộ ý muốn của mình. Có hơn 150 nữ tu người Pháp đã tình nguyện ra đi, và đã có 6 chị được chọn trong số đó.

Ngày 29.11.1875 các chị từ bỏ nước Pháp, rời khỏi Portieux và chị em để lên tàu sang Việt Nam.

Lúc 01giờ sáng ngày 12.01.1876, được Đức Kitô chiếm đoạt, sáu nữ tu Chúa Quan Phòng người Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam tại Cù Lao Giêng. Các chị đến Việt Nam mang theo tình yêu và lòng khao khát mang Chúa đến cho một dân tộc chưa có nhiều người biết Chúa, đồng thời với lòng ước muốn thực hiện Dự Án của Cha Gioan Martinô MOYE, Đấng Sáng Lập Dòng.
Ngày 24.05.1880 Chỉ trong vòng 4 năm, một Tập viện được mở ra tại Cù Lao Giêng đón nhận 6 Tập sinh Việt Nam đầu tiên. Rồi từ đó số các thiếu nữ Việt Nam không ngừng tìm đến Tu viện để xin được trở nên thành viên của Hội Dòng, hầu “thực hiện kế hoạch lòng thương xót của Chúa cho những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất” trong chính quê hương xứ sở của mình.

Nhưng tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép xảy ra một biến cố đau thương, để cho chị em Chúa Quan Phòng bám chặt Ngài hơn :

15 giờ ngày 19.11.1945 một đoàn người với dao mát, xăng dầu, gậy gộc đã ùa vào Tu viện đốt phá, chiếm đoạt của cải và xua đuổi tất cả nữ tu, cô nhi, bô lão, công nhân đang cư ngụ trong đó ra đi với hai bàn tay trắng. Cù Lao Giêng, cái nôi của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Á Châu giờ đây thành nơi hoang tàn.

12.02.1946 Cha Rablland đưa các chị đi Nam Vang.

22.05.1946 thông báo Đệ Tử Viện và Tập Viện sẽ thành lập tại Nam Vang
được Đức Cha Chabalier và Cha Raballand chấp thuận.

08.09.1947 lễ mặc áo dòng, Lễ Khấn Tạm, Khấn trọn lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Vang trong tay Mẹ Rosalie.

1958 : Campuchia và Việt Nam đã được tách ra thành hai Giáo phận. Do đó Hội Dòng cũng được tách ra thành hai lãnh địa truyền giáo.

Toà Thánh đã chấp thuận cho Dòng Chúa Quan Phòng Portieux được mở một Tập viện tại Cần Thơ, miền Nam Việt Nam. Giấy phép được ký tại Roma ngày 08.05.1958 và tại Epinal, là thành phố có Nhà Mẹ của Dòng ngày 21.05.1958.

02.02.1959 có 37 Thỉnh sinh được gia nhập tập viện Cần Thơ.

24.06.2011 Hội Đồng Dòng họp tại Campuchia, bỏ phiếu quyết định Tỉnh Dòng Việt Nam được tái cấu trúc thành 3 Tỉnh Dòng.

15.11.2011 Ba Tỉnh Dòng chính thức đi vào hoạt động.

08.09.2012 tập viện Cù Lao Giêng được phục hồi.

140 năm đã qua là cả một dòng lịch sử lâu dài của Hội Dòng, quãng thời gian chất chứa đầy nguồn ân sủng và yêu thương của Chúa Quan Phòng, đồng thời cũng khắc ghi những ân tình được gói ghém trong những hy sinh khó nhọc của các thế hệ. Những dấu ấn lịch sử được ghi đậm nét bởi các giai đoạn hình thành, phát triển, bắt bớ, tái hình thành, phân tán, quy tụ, rồi lại hình thành và phát triển.

Thời gian của hơn 1 thế kỷ, mời gọi chúng ta nhìn về quá khứ. Có một sự thinh lặng trầm tư chảy dọc dài qua mọi biến cố của dòng lịch sử. Nhưng sự thinh lặng ấy lại bao bọc một thực tế thâm trầm và sâu sắc.
Không một nữ tu nào mà không trải qua thời gian ân sủng của tập viện. Luật sống 1.153
Tập viện là thời gian dành cho việc đào tạo , phân định và đoạn giao : huấn luyện về cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, về đời sống huynh đệ tông đồ, thực hành các lời khuyên Phúc Âm ; phân định tiếng Chúa gọi ; đoạn giao với gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, của cải. Mục tiêu của tập viện là tập sống đời sống nữ tu Chúa Quan Phòng.

Thời gian này chỉ kéo dài vỏn vẹn có 2 năm, nhưng là nền tảng cho suốt cuộc đời của người nữ tu. Bởi lẽ nơi đây, các chị không những được huấn luyện về mặt thiêng liêng, rèn luyện về nhân đức, các chị còn được chỉ dạy cách quét nhà, cách ngồi ở bàn ăn, cách mở và đóng cửa không gây tiếng động, cách lên cầu thang bằng những bước chân nhẹ nhàng, đoan trang và đức hạnh.

Tâm tình biết ơn xin được gởi đến các bậc tiền nhân, những người đã dày công huấn luyện chúng ta trong yêu thương và lòng kiên nhẫn, đã đóng góp bao hy sinh để tài bồi cho di sản Hội Dòng, để đến hôm nay, đã có gần 2000 nữ tu Chúa Quan Phòng tại Việt Nam.

2. Sống hiện tại với niềm tin tưởng và yêu mến.


Luật sống 1.11

Trung thành với tinh thần cha Gioan Martino MOYE, và kết hợp hài hòa với Giáo Hội địa phương, chúng ta muốn chăm chú lắng nghe những tiếng gọi của thế giới, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nghèo, hoạt động giáo dục thăng tiến con người, với ưu tiên dành cho giới trẻ và trẻ em.

Với linh đạo của Chúa Quan Phòng là bác ái, khó nghèo, đơn sơ và phó thác, đã hình thành nên các nữ tu với phong cách sống chơn chất, bình dị, đơn sơ. Chị em Chúa Quan Phòng đã và đang kiên cường sống theo đặc sủng của Hội Dòng và bước theo chân của Đấng Sáng Lập với lòng tín thác.

Cuộc sống của chị em tuy âm thầm, vất vả nhưng giàu tình thương và nhiệt huyết, được thể hiện qua các hoạt động tông đồ mục vụ, giáo dục, bác ái từ
thiện….nhằm chia sẻ những bất hạnh và thăng tiến con người về mọi phương diện, và để thực hiện lòng thương xót của Chúa cho tha nhân.

3. Hướng về tương lai với niềm hy vọng.

Mừng kỷ niệm 140 năm thành lập tập viện, không chỉ để chúng ta ôn lại quá khứ, nhưng còn thúc đẩy chúng ta hướng đến tương lai với niềm phấn khởi. Chúng ta không dừng lại ở những gì đã qua để hài lòng hay tiếc nuối ; nhưng ngày lễ kỷ niệm hôm nay phải trở thành khởi điểm đánh dấu cho cuộc hành trình mới sẽ được tất cả chúng ta thực hiện với những khát vọng, những ước mơ hướng về tương lai tươi sáng.

Chị em Chúa Quan Phòng hướng đến tương lai bằng lòng tin yêu và niềm vui của đời dâng hiến. Đức Thánh Cha Phanxico nói : “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Thật vậy, có niềm vui người tu sĩ mới có sức khỏe, mới làm việc hết mình. Có niềm vui người tu sĩ mới dám hoàn toàn phó thác theo Thánh Ý Chúa, mới biết tựa mình vào thánh giá, mới tìm đến huyền tích Thánh Thể, để hiên ngang dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại vì vinh quang Thiên Chúa.

Chúng ta đã có một quá khứ để tạ ơn Chúa và biết ơn những người đi trước. Chúng ta có một hiện tại đam mê tìm vinh quang Chúa qua đời sống sứ mạng. Trước mắt là tương lai tươi sáng hay mờ tối, còn tùy vào nồng độ tình yêu cho đi mỗi ngày của từng chị em Chúa Quan Phòng. Bởi lẽ, một con én không làm nên mùa xuân, một viên gạch không xây nổi tòa nhà, và một nữ tu không viết nên được lịch sử của Hội Dòng.

Ước mong sao với những kinh nghiệm từ 140 năm qua, giúp chúng ta biết mở rộng tầm nhìn, biết canh tân phương pháp mục vụ, trung thành với đặc sủng của Hội Dòng, để mở rộng vương quốc yêu thương của Thiên Chúa, cầu chúc mỗi chị em Chúa Quan Phòng là khí cụ bình an, là khí cụ thực hiện lòng thương xót của Chúa cho mọi người nhất là những người bất hạnh trên quê hương đất việt hôm nay.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã khởi sự mọi sự tốt đẹp, thì xin Ngài cũng hãy hoàn thành cách mỹ mãn hơn trong Hội Dòng bé nhỏ của chúng ta.

Nữ tu Anna HỒ THỊ HẠNH
Bề Trên Giám Tỉnh

Xin Đức Mẹ Phù Hộ hướng dẫn Trung Hoa

Đức Thánh Cha (24/5): Xin Đức Mẹ Phù Hộ hướng dẫn Trung Hoa

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã hướng về Trung Hoa và cầu nguyện cho các tín hữu tại đất nước này đang trong thời kỳ khó khăn. Trong lời chuyển cầu của Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, Đức Thánh Cha cũng nhớ đến những ai đang ra sức bảo vệ người nghèo, bảo vệ hòa bình và ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài cũng gửi lời chào thân ái đến các nam nữ tu sĩ dòng Salêgiêng.
Trần Đỉnh, SJ
Hướng về Trung Hoa, Đức Thánh Cha nói: Chúng ta cùng hiệp ý với các tín hữu tại Trung Hoa, hôm nay cử hành lễ kính đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Phù Hộ các giáo hữu và là quan thầy bảo trợ của đất nước Trung Hoa, được tôn kính tại đền thánh Sheshan ở Thượng Hải. Chúng ta trao phó cho sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Thiên Đàng tất cả các mục tử, các tín hữu của Giáo Hội Trung Hoa trong đất nước rộng lớn ấy, để họ mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong tình hiệp nhất huynh đệ, trở nên những chứng nhân đầy niềm vui và người cổ võ đức ái và huynh đệ, cũng như trở nên những công dân tốt.
Ngỏ lời với các tín hữu tại Trung Hoa, Đức Thánh Cha nói: Các anh chị em Công giáo Trung Hoa thân mến, tôi muốn đảm bảo với anh chị em rằng toàn thể Giáo hội hoàn vũ, mà anh chị em là một phần không thể thiếu, chia sẻ niềm hy vọng và nâng đỡ anh chị em trong những thử thách cuộc đời. Giáo Hội đồng hành với anh chị em trong lời nguyện xin Thánh Thần đổ tràn trên anh chị em để anh chị em có thể chiếu tỏa ánh sáng và vẻ đẹp Tin mừng, sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin. Và để bày tỏ một lần nữa lòng yêu mến chân thành và mãnh liệt của mình, tôi ban Phép Lành Đặc Biệt cho tất cả anh chị em, xin Đức Maria gìn giữ anh chị em luôn mãi.
Đức Thánh Cha cũng hướng tới những ai đang lao tác cho hòa bình, cho việc phục vụ người nghèo trong thời điểm khó khăn này. Ngài nói: chúng ta phó thác nơi lời chuyển cầu của Đức Mẹ Phù Hộ cho tất cả các môn đệ của Đức Kitô và tất cả những ai thành tâm thiện chí, những người đang làm việc với tất cả đam mê và dấn thân cho hòa mình, cho việc đối thoại giữa các quốc gia, cho việc phục vụ người nghèo, bảo vệ thiên nhiên, và chiến thắng mọi bệnh tật thể xác, con tim và linh hồn, tại mọi trên thế giới trong những thời khắc khó khăn này.
Hôm nay cũng là ngày thế giới dành riêng cho Truyền thông xã hội, và chủ đề của năm nay là kể chuyện. Ước gì sự kiện này khuyến khích chúng ta kể lại và chia sẻ những câu chuyện mang tính xây dựng, giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta là một phần của một câu chuyện lớn lao hơn, và có thể nhìn về tương lai với niềm hy vọng, nếu chúng ta thực sự quan tâm đến nhau như anh chị em.
Trong ngày lễ Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đầy thân tình và yêu mến đến các tu sĩ nam nữ dòng Salegiêng. Ngài nhớ đến họ với lòng biết ơn vì những huấn luyện thiêng liêng mà Ngài đã nhận được từ những người con của thánh Don Bosco.
Đức Thánh Cha cũng nhắc tới chuyến viếng thăm mà ngài dự định thực hiện tại Acerra. Ngài nói: Hôm nay tôi rất muốn đến Acerra, để nâng đỡ đức tin của các tín hữu, cũng như cổ võ nỗ lực của những ai đang làm việc để chống lại thảm kịch ô nhiễm tại vùng đất được gọi là vùng đất lửa ấy. Chuyến thăm của tôi đã bị hoãn lại; Nhưng tôi muốn gửi lời chào, lời chúc phúc và khích lệ của tôi đến Đức Giám mục, các linh mục, các gia đình và toàn thể cộng đồng giáo phận.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: hôm nay chúng ta kỷ niệm 5 năm ngày Thông điệp Laudato Si’, như là lời nhắc nhở chúng ta chú ý đến việc bảo vệ và chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta và quan tâm đến người nghèo. Ngài cám ơn sáng kiến ​​của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người toàn diện và công bố rằng: "tuần lễ Laudato Sì", mà chúng ta vừa tổ chức, sẽ phát triển thành một năm đặc biệt để suy ngẫm về thông điệp Laudato Sì, từ ngày 24/05/2020-24/05/2021. Tôi mời gọi tất cả những ai thành tâm thiện chí tham gia vào việc chăm sóc ngôi nhà chung cũng như những anh chị em dễ tổn thương nhất của chúng ta.
Chúc mọi người một ngày Chúa nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Sau khi kết thúc, các tín hữu ở quảng trường thánh Phêrô đã vỗ tay và mong đợi Đức Thánh Cha ban phép lành cho họ. Một lát sau, tại cửa sổ của Điện Tông Tòa, Đức Thánh Cha đã vẫy tay chào các tín hữu và ban phép lành cho mọi người hiện diện. Một hình ảnh mà từ rất lâu rồi người ta không được chứng kiến từ khi đại dịch xảy ra. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho thế giới, nhất là những bệnh nhân, các y bác sĩ đang phải đối diện với cuộc chiến chống virus corona này.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Cáo phó (bà năm Đáng)

Một người con của giáo xứ
  
Bà MARIA  NGUYỄN THỊ PHƯỢNG sinh năm 1934.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 16 giờ 40 ngày 22/05/2020
HƯỞNG THỌ 86 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 7 giờ ngày
23-05-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 25-05-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Xúc động và mang khẩu trang, giáo dân mời linh mục dâng thánh lễ tại gia

Xúc động và mang khẩu trang, giáo dân mời linh mục dâng thánh lễ tại gia

  •  
Nhiều giáo phận, giáo dân mời linh mục về dâng thánh lễ tại gia và họ theo đúng quy định bảo vệ. Ngày thứ bảy 16 tháng 5, báo La Croix đến dự một trong các thánh lễ này ở Paris.


Ông bà Dominique và Florence không do dự một giây khi đọc bài phỏng vấn linh mục Yann Vagneux trên báo La Croix ngày 30 tháng 4. Linh mục Vagneux thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, bình thường cha sống ở Bénarès, Ấn Độ nhưng trong thời gian cách ly, cha về Paris sống hai tháng cách ly với gia đình, cha cho biết trong khi chờ đợi được dâng thánh lễ với giáo dân, cha sẵn lòng đến nhà giáo dân để dâng thánh lễ như cha vẫn thường làm ở Argentina và Ấn Độ.
Vì thế hai vợ chồng bác sĩ về hưu cùng với sáu người bạn trong chuyến đi Ấn Độ năm 2018 của họ đã mời cha Vagneux đến nhà dâng thánh lễ, họ giải thích: “Chúng tôi thiếu Mình Thánh Chúa. Thời gian sống cách ly đã làm chúng tôi ý thức các cộng đoàn kitô hữu ở Amazon hay ở các nơi khác họ đã khổ như thế nào khi chỉ gặp linh mục một hoặc hai lần một năm.”
Trong phòng ăn ở căn hộ của hai vợ chồng ở quận 6 thành phố Paris, họ dọn bàn thờ, trải khăn trắng và thắp hai ngọn nến, ghế được sắp cách nhau một mét và để sẵn dung dịch cồn sát trùng.
Mang khẩu trang, mỗi người nói lên tình cảm của mình với nước Ấn Độ và họ sống thời gian cách ly không có Mình Thánh Chúa này như thế nào.
Bà Chantal khám phá Ấn Độ năm 2018, bà mang hộp để đựng Mình Thánh Chúa đem về cho người mẹ lớn tuổi của mình đã không được rước lễ từ hai tháng nay.
Bà Florence, bác sĩ về hưu, trong thời gian cách ly, bà hướng dẫn qua điện thoại cho các người di dân gặp khó khăn và các phụ nữ mang thai trong các trại hoặc các cô làm điếm không gia cư, không thức ăn vì không có khách hàng.
Còn về phần ông Dominique ở giáo xứ Saint-Sulpice thì mỗi 15 ngày ông gởi bản thông tin hỗ trợ giáo dân, ông viết cảm hứng từ các bài giảng trong thánh lễ hàng ngày của Đức Phanxicô và làm theo lời khuyên của một cha xứ, cha xin các gia đình cầu nguyện vào một giờ cố định với các bài đọc trong ngày.
Mệt mỏi khi theo dõi thánh lễ trên màn hình
Ông bà Bernard và Marie-Anne biết cha Vagneux, cũng như biết Linh mục Dòng Tên Pierre Ceyrac (1914-2012) truyền giáo ở Ấn Độ, hai ông bà tiếp tục bảo trợ các em bé ở thành phố ổ chuột Madras. Bà Françoise vẫn còn mê Ấn Độ từ ngày bà đi hưởng tuần trăng mật cách đây 40 năm, bà cho biết bà mệt mỏi khi xem lễ trên màn hình.
Còn bà Emmanuelle, chị cả của linh mục Yann thì rất thích thời gian sống cách ly với em mình mà từ “36 năm nay” hai chị em không còn ở chung, bà mừng vì hàng ngày được dự thánh lễ em mình làm. Bà ở trong nhóm các thiện nguyện viên điện thoại cho các người lớn tuổi để an ủi họ trong thời gian cách ly này.
Những người ở đây đều cảm nhận không những mình thiếu Mình Thánh Chúa mà còn thiếu sự họp  nhau qua nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội.”
Linh mục Vagneux thường có thói quen dâng lễ cho các cộng đoàn nhỏ ở Bénarès Ấn Độ, các linh mục truyền giáo ở các vùng không có nhà thờ nên họ đã quen dâng thánh lễ trong nhà giáo dân, cha cho biết: “Nếu tôi là linh mục xứ ở Pháp, tôi sẽ xin giáo dân đến dâng lễ ở nhà họ và mời những người sống đơn độc đến dự.”
Lời cầu nguyện lớn của Giáo hội
Linh mục Vagneux nhấn mạnh: “Không có một thánh lễ nào gọi là thánh lễ riêng vì Chúa Kitô tận hiến mình cho tất cả mọi người. Lời cầu nguyện của thánh lễ là lời cầu nguyện lớn của Giáo hội, lời cầu nguyện mang tính cộng đoàn nhất.”
Mọi người đều được mời gọi theo hoàn cảnh, theo cách họ phân định tiếng gọi của Thần Khí. Cha nói tiếp: “Hiện nay làn sóng đại dịch đã giảm dần và chúng ta đã thấy những gì đã thay đổi, những gì đã bị phá hủy và nhiều tiếng gọi mới bắt đầu xuất hiện.”
Trong lời cầu nguyện giáo dân, mỗi người đều dâng lời cầu nguyện riêng của mình nhưng tất cả đều cầu nguyện cho người dân Ấn Độ, những người có khi phải đi bộ cả ngàn cây số để về nhà họ.
Sau khi rước lễ bằng tay, mọi người sốt sắng cầu nguyện, ý thức mình đã từ lâu thiếu Mình Thánh Chúa, bây giờ họ được no thỏa. Điều này đã được cha Vagneux xác nhận trong bữa ăn điểm tâm thân tình, cha nhắc lại lời của nhà thần nghiệm Thụy Sĩ Maurice Zundel: “Ngài đã đưa chúng ta đến điểm cụ thể nhất, điểm cơ bản nhất của đời sống thể xác, trong nhu cầu ăn uống. Và Ngài dạy chúng ta ăn một cách thánh thiện, một cách thần thánh, rước lễ từ hình hài mong manh của bánh đến Vua vĩnh cữu muôn đời.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)

Cậu bé sáu tuổi cầu nguyện trong đêm xin cho đại dịch mau qua

Cậu bé sáu tuổi cầu nguyện trong đêm xin cho đại dịch mau qua





Nhiếp ảnh gia đã ghi lại hình ảnh một cậu bé 6 tuổi cầu nguyện trong đêm, chia sẻ: “Tôi đã nở một nụ cười khi bắt gặp hình ảnh này. Với niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi của mình, tôi đã thực sự rất hạnh phúc khi được chứng kiến tình yêu và niềm tín thác của đứa trẻ đó vào Thiên Chúa”.
 
Hình ảnh này được ghi lại trên đoạn đường Junin, ở thị trấn Guadalupe, vùng La Libertad, phía tây bắc Peru. Chính tại nơi này, hình ảnh đứa trẻ quỳ gối cầu nguyện một mình giữa đường trong đêm đã làm lay động trái tim của toàn bộ mạng xã hội, bởi vì từ sâu thẳm trái tim mình, cậu bé khiêm tốn cầu xin Chúa hãy kết thúc sự đe doạ của virus đang làm rung chuyển cả thế giới: đại dịch coronavirus, một tình huống đã khiến toàn vùng Châu Mỹ Latinh phải phó dâng cho Đức Mẹ Guadalupe. Đây là lời chú thích được đưa ra bởi Claudia Alejandra Mora Abanto, người đã chụp bức ảnh chứa khoảnh khắc đặc biệt của cậu bé này trên đường phố trong giờ giới nghiêm.

Claudia chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Hôm nay, trong khu phố, chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp mà chúng tôi đang sống, để bằng cách này chúng tôi có thể chia sẻ niềm hy vọng và đức tin. Tôi đã tận dụng những phút trước khi mọi người đi ra cửa để cầu nguyện, để chụp lại vài hình ảnh về những ngọn nến. Thật là một khoảnh khắc tuyệt đẹp khi tôi nhìn thấy cậu bé này, tôi đã tận dụng sự tập trung của cậu ấy và đã chụp được bức ảnh này”.

Claudia, sau khi chụp hình, đã đến và hỏi xem cậu bé đang làm gì, cậu bé đã trả lời trong sự ngây thơ rằng “em đang cầu xin Chúa cho mình một điều ước”, và em ra ngoài đường để cầu nguyện vì trong nhà ồn ào quá và cậu sợ trong những ồn ào kia cậu không thể tập trung và hoàn thành điều cậu cầu xin.

Claudia đã kết những chia sẻ của mình rằng, cô ấy thực hạnh phúc khi được chứng kiến và làm chứng cho tình yêu và niềm tin của đứa trẻ đó đối với Thiên Chúa. Thật đẹp biết bao khi những đức tính này được thấm nhuần trong mỗi chúng ta, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.

Câu chuyện này đã được tiết lộ công khai qua một tờ báo của hãng tin RPP của Peru, cậu bé có tên Alen Castañeda Zelada. Năm nay em ấy sáu tuổi và em ấy đã quyết định đi ra đường để cầu nguyện với Chúa vì tình yêu mà em dành cho ông bà mình, họ là những người mà em đã không được nhìn thấy kể từ khi lệnh phong tỏa ở Peru bắt đầu.

Cậu bé nói: “Con cầu nguyện xin Chúa hãy chăm sóc những người mắc bệnh này. Con cũng xin cho đừng có ai đi ra ngoài, vì có rất nhiều người già đang chết vì căn bệnh này”.

Về phần mình, cha của cậu bé cũng nói rõ với báo chí địa phương rằng con trai ông muốn ra ngoài đường một lát để yên tĩnh cầu nguyện vì trong nhà quá ồn. “Chúng tôi là một gia đình Công giáo và tôi khá ngạc nhiên về con trai tôi, nó chỉ là một cậu bé sáu tuổi và tôi không nghĩ nó sẽ phản ứng như thế này. Điều đó thật bất ngờ đối với tất cả chúng tôi”, ông nói thêm.

Cảnh tượng đặc biệt về Alen đang cầu nguyện xin cho đại dịch coronavirus kết thúc cũng được diễn ra trong bối cảnh của một khu phố nơi mà mọi người cầu nguyện cách công khai và không có gì phải xấu hổ. Nhiều người trong khu phố đó đã gắn kết với nhau để tạo ra một chuỗi cầu nguyện cho mỗi đêm, và nhiều người trong số họ, vào mỗi buổi tối, đi ra đứng trước cửa nhà để cầu nguyện cùng nhau mặc kệ những khoảng cách từ nhà này sang nhà khác.

(Aleteia 17/04/2020)

ĐTC Phanxicô xin thánh Gioan Phaolô II cầu nguyện cho hòa bình thế giới

ĐTC Phanxicô xin thánh Gioan Phaolô II cầu nguyện cho hòa bình thế giới

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 17/05/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Gioan Phaolô II. Ngài xin thánh nhân cầu nguyện cho Dân Chúa và cho hòa bình thế giới.
Hồng Thủy - Vatican News
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào trưa Chúa Nhật 17705/2020, Đức Thánh Cha nhắc rằng “ngày mai kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, ở Wadowice, Ba Lan. Chúng ta nhớ đến ngài với rất nhiều tình cảm trìu mến và lòng biết ơn. Sáng mai, lúc 7 giờ, tôi sẽ cử hành Thánh lễ tại nơi thi hài ngài an nghỉ. Thánh lễ sẽ được truyền trực tiếp trên khắp thế giới. Từ Trời cao, xin ngài tiếp tục khẩn cầu cho Dân Chúa và hòa bình trên thế giới.”
Cử hành lại phụng vụ có giáo dân
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến việc ở một số quốc gia, đã cử hành lại các nghi lễ phụng vụ có giáo dân tham dự, trong khi vài nơi vẫn còn đang xem xét; tại Ý ngày mai cũng sẽ được cử hành lại Thánh lễ có giáo dân. Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu tuân theo các biện pháp an toàn vì sức khỏe của mình và của người khác.
Tháng 5, tháng rước lễ lần đầu
Đức Thánh Cha cũng nói đến tháng 5 mà theo truyền thống, nhiều giáo xứ cử hành các Thánh lễ rước lễ lần đầu. Nhưng do đại dịch, thời điểm tuyệt vời của đức tin và lễ hội phải dời lại. Đức Thánh Cha nói: “Vì thế tôi muốn gửi tình yêu thương đến các trẻ em lẽ ra phải được rước lễ lần đầu. Các con yêu quý, cha mời các con sống thời gian chờ đợi này như cơ hội để chuẩn bị tốt hơn: bằng việc cầu nguyện, đọc sách giáo lý để đào sâu kiến thức về Chúa Giê-su, bằng việc gia tăng lòng tốt và phục vụ tha nhân. Chúc các con một hành trình tốt đẹp!
Tuần lễ Laudato Sì
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng “Chúa Nhật hôm nay bắt đầu Tuần lễ Laudato Sì, sẽ kết thúc vào Chúa Nhật tới, kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Thông điệp. Trong thời gian đại dịch này, chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tôi hy vọng rằng tất cả suy tư và dấn thân chung sẽ giúp tạo nên và củng cố thái độ xây dựng cho việc chăm sóc công trình sáng tạo.”