label

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Có sự chắp nối khéo léo về lời tuyên bố của Đức Thánh cha về cặp đồng phái

 

Có sự chắp nối khéo léo về lời tuyên bố của Đức Thánh cha về cặp đồng phái

Poster for "Francesco" by Evgeny Afineevsky | Vatican News
 

Hãng tin Công giáo Thụy Sĩ (Cath.ch) nói rằng có sự chắp nối khéo léo về câu trả lời phỏng vấn của Đức Thánh cha Phanxicô, tạo nên một sự ngỡ ngàng lớn trong giới Công giáo, một sự nhiệt liệt hoan nghênh nơi giới đồng tính luyến ái và giới truyền thông đời.

Chiều ngày 21/10/2020 vừa qua, có cuộc giới thiệu cuốn phim tài liệu về Đức Giáo hoàng Phanxicô được trình bày tại Vatican, do nhà đạo diễn Evgeny Afineevky, người Mỹ gốc Nga, vốn là một người đồng tính luyến ái. Câu trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong phim tài liệu được phổ biến cho quần chúng là: “Những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình, họ là con cái Thiên Chúa, họ có quyền có một gia đình. Người ta không thể trục xuất một người thuộc gia đình hoặc làm cho cuộc sống của người ấy trở nên không thể sống được chỉ vì họ là người đồng tính luyến ái. Điều mà chúng ta phải làm, đó là có một luật về sự sống chung huynh đệ, họ có quyền được luật pháp bảo vệ. Tôi bênh vực điều đó”.

 

Câu trả lời trên đây của Đức Thánh cha đã tạo nên một tranh luận lớn. Nhiều người phê bình cho rằng Đức Giáo hoàng ủng hộ các cặp đồng phái sống chung, trái với đạo lý của Giáo hội Công giáo. Những thành phần khác thì chào mừng đó là một sự cởi mở, đổi hướng của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với đạo lý Công giáo về đồng tính luyến ái.

 

Hãng tin Công giáo Thụy Sĩ chứng minh có sự chắp nối khéo léo, che mất lời và mạch văn nguyên thủy trong câu trả lời trước đó hồi tháng Năm năm ngoái (2019) mà Đức Thánh cha dành cho nữ ký giả Valentina Alezraki, người Mêhicô, trong đó có đề cập đến vấn đề đồng tính luyến ái. Có những đoạn khác nhau trong cuộc phỏng vấn vừa nói được lấy ra và ghép thành câu trả lời như vừa nói.

 

Thực ra, Đức Thánh cha muốn nói đến quyền của những người con có xu hướng đồng tính luyến ái, vẫn được sống trong gia đình với cha mẹ; cha mẹ có quyền nhìn nhận những người con có xu hướng như thế là con cái của mình và không thể đuổi con cái ra ngoài hoặc khiến cho cuộc sống của những người con ấy không thể sống nổi. Bối cảnh này bị phim tài liệu của đạo diễn người Nga ém nhẹm. Ông cũng nói với một câu ấy từ chỗ khác, để xác quyết “những người đồng tính luyến ái ấy là con cái Thiên Chúa”.

 

Một câu khác trong cuộc phỏng vấn dành cho nữ ký giả Mêhicô, là Đức Thánh cha cảnh giác đừng lấy một câu ra khỏi mạch văn, và ngài nhấn mạnh nói rằng “những người đồng tính luyến ái có quyền sống trong gia đình không có nghĩa là chấp nhận những hành vi đồng tính luyến ái, không hề như vậy.”

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

ĐTC công bố tên 13 tân Hồng y

ĐTC công bố tên 13 tân Hồng y


Vào ngày 28 tháng 11, Giáo hội sẽ có thêm 13 vị tân Hồng y, trong đó co 9 vị dưới 80 tuổi, và 4 vị trên 80 tuổi.

Hồng Thủy - Vatican News

Trưa Chúa Nhật 25/10, sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã công bố tên 13 giám mục và linh mục sẽ được ngài thăng Hồng y trong công nghị Hồng y được cử hành vào chiều thứ Bảy 28/11, vọng Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng.

2 vị thuộc giáo triều Roma

Đứng đầu danh sách là hai giám mục thuộc giáo triều Roma.

Trước hết là Đức cha Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng giám mục;

kế đến là Đức cha Marcello Semeraro, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phong thánh hôm 15/10 vừa qua.

6 giám mục đứng đầu các giáo phận

Tiếp theo là các giám mục đứng đầu các giáo phận, gồm có:

Đức tổng giám mục Antoine Kambanda của Kigali, Rwanda;

Đức tổng giám mục Wilton Gregory của Washington, Hoa Kỳ;  

Đức tổng giám mục José Advincula của Capiz, Philippines;

Đức tổng giám mục Celestino Aós Braco của Santiago di Cile, Chile;

Đức cha Cornelius Sim, giám quản tông tòa Brunei;

Đức tổng giám mục Augusto Paolo Lojudice của Siena-Colle Val d’Elsa-Montalcino;

Bề trên cộng đoàn Phanxicô ở Assisi

Cha Mauro Gambetti, dòng Phanxicô Viện tu, Bề trên cộng đoàn Phanxicô ở Assisi;

4 vị trên 80 tuổi

Và Đức Thánh Cha cũng thăng 4 vị quá 80 tuổi lên Hồng y; đó là:

Đức cha Felipe Arizmendi Esquivel, nguyên giám mục của  San Cristóbal de lasCasas, Mexico;

Đức tổng giám mục Silvano M. Tomasi, cựu Sứ thần Tòa Thánh;

Cha Raniero Cantalamessa, dòng Cappuccino, giảng thuyết viên phủ Giáo hoàng;

và cuối cùng là Đức ông Enrico Feroci, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Maria Divino Amore ở Castel di Leva.

Đây là công nghị Hồng y thứ 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 7 năm Giáo hoàng của ngài.

Trợ giúp giám mục Roma

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng y, để khi khẳng định sự gắn bó của các ngài với Chúa Ki-tô, các ngài sẽ giúp tôi trong sứ vụ Giám mục Rôma, vì lợi ích của toàn thể dân tộc thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa."

Phẩm phục đỏ

Phẩm phục màu đỏ của các Hồng y muốn nói rằng các ngài sẵn sàng hy sinh chính bản thân, đến mức đổ máu, để phục vụ đấng kế vị thánh Phê-rô, và mặc dù họ sống ở những vùng xa xôi nhất trên thế giới, họ có tòa tại một giáo xứ ở Roma để họ được nhập tịch vào giáo phận mà Đức Giáo hoàng là Giám mục.


ĐTC nói trong giờ cầu nguyện đại kết: Chỉ có tình yêu là đường dẫn đến hòa bình và hiệp thông

ĐTC nói trong giờ cầu nguyện đại kết: Chỉ có tình yêu là đường dẫn đến hòa bình và hiệp thông

Trong giờ cầu nguyện đại kết cầu nguyện cho hòa bình, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thuộc nhiều Giáo hội Ki-tô khác nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người noi gương yêu thương quên mình của Chúa Giêsu để truyền bá hòa bình.

Hồng Thủy - Vatican News

Chiều ngày 20/10 tại đền thờ Đức Mẹ Aracoeli, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện của các Ki-tô hữu trong khuôn khổ sự kiện Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình lần thứ 34 được Cộng đồng thánh Egidio tổ chức. 

Cùng hiệp nhất tham dự với Đức Thánh Cha có  Đức Thượng phụ Bartolomeo I, Thượng phụ Chính thống Constantinople, và Đức Giám mục Tin Lành Luther Heinrich Bedford-Strohm, Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin Lành Đức. Tham dự buổi cầu nguyện còn có khoảng 10 Hồng y và giám mục Công giáo, cũng như một số vị lãnh đạo các Giáo hội Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo.

Trong khi giờ cầu nguyện đại kết Ki-tô giáo diễn ra tại đền thờ Đức Mẹ Aracoeli thì phái đoàn Hồi giáo và Phật giáo cầu nguyện trong các phòng của viện bảo tàng gần đó; tín đồ đạo Sikh và Ấn giáo cầu nguyện tại tu viện dòng Phanxicô; còn các tín hữu Do Thái giáo thì cầu nguyện tại hội đường Do Thái ở Roma.

Giờ cầu nguyện đại kết

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh giá bắt đầu giờ cầu nguyện, Đức Thượng phụ Bartolomeo I đã đọc một lời nguyện ngắn.

Tiếp đến, sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, Đức giám mục Heinrich của Tin Lành Luther Đức đã suy tư về ba điểm: huynh đệ, công bình và hiệp nhất như ba nghĩa vụ của Ki-tô hữu.

Cám dỗ “Hãy cứu chính ông đi!”

Sau bài Tin Mừng, trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về câu nói “Hãy cứu chính ông đi!” trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marco, thuật lại giờ phút Chúa Giê-su đang hấp hối trên Thánh giá, với cám dỗ “Hãy cứu chính ông đi!” (Mc 15,30), Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một cám dỗ lớn, không chừa một ai, kể cả những Ki-tô hữu chúng ta. Cám dỗ chỉ nghĩ đến việc cứu lấy bản thân và những người thuộc về mình. Chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của chúng ta, như thể không có điều gì khác quan trọng. Đó là một bản năng rất con người, nhưng sai lầm. Đó là sự cám dỗ cuối cùng của Chúa bị đóng đinh.”

Thái độ thờ ơ dửng dưng

Đức Thánh Cha phân tích câu nói “Hãy cứu chính ông” thốt ra từ miệng của ba hạng người. Những người đầu tiên nói những lời này là những thường dân, những người qua đường, những người đã nghe Chúa dạy và chứng kiến các phép lạ của Chúa. Nhưng họ không có lòng thương xót, họ chỉ muốn nhìn thấy các phép lạ, muốn thấy Chúa xuống khỏi Thánh giá. Và đó cũng là thái độ của chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi chúng ta cũng thích một vị thần làm việc kỳ diệu hơn là một vị thần từ bi, một vị thần quyền năng trong mắt thế giới, người thể hiện sức mạnh của mình và xua đuổi những người mong muốn chúng ta điều xấu cho chúng ta. Nhưng đây không phải là Thiên Chúa, mà là sự sáng tạo của chính chúng ta. Đã bao lần chúng ta muốn một vị thần theo hình ảnh của chúng ta, thay vì trở nên phù hợp với hình ảnh của chính Người. Chúng ta muốn một vị thần giống chúng ta, hơn là trở thành giống như Chúa. Theo cách này, chúng ta thích thờ phượng chính mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa. Sự thờ phượng đó được nuôi dưỡng và phát triển bởi sự thờ ơ đối với người khác. Những người qua đường đó chỉ quan tâm đến Chúa Giê-su để thỏa mãn ước muốn của họ. Chúa Giê-su, bị ruồng bỏ, bị treo trên thập tự giá, không còn được họ quan tâm nữa. Người ở trước mắt họ, nhưng lại ở xa trái tim họ. Sự thờ ơ khiến họ ở xa gương mặt thật của Chúa.”

Tin Mừng thật sự không phải là cứu chính mình

Nhóm người thứ hai nói với Chúa Giê-su “Hãy cứu chính ông đi” là các thượng tế và ký lục, những người đã kết án Chúa Giê-su vì thấy Chúa là mối nguy hiểm. Liên hệ đến các Ki-tô hữu, Đức Thánh Cha nói: “Dù tất cả chúng ta đều là những chuyên gia đóng đinh người khác để tự cứu mình, nhưng Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh, để dạy chúng ta đừng chuyển điều ác sang người khác. Các thượng tế đã buộc tội Chúa chính vì những gì Người đã làm cho người khác: 'Hắn đã cứu người khác mà không thể tự cứu mình!' (c. 31). Họ biết Chúa Giê-su; họ nhớ đến những phép lạ chữa lành và giải thoát mà Chúa đã thực hiện, nhưng họ đã đưa ra một kết luận ác ý: Đối với họ, cứu người khác, giúp đỡ người khác là vô ích; Chúa Giê-su, Đấng đã tự hiến mình hoàn toàn cho người khác nhưng lại không cứu được chính mình! Giọng điệu buộc tội chế giễu được sử dụng ngôn ngữ tôn giáo, hai lần sử dụng động từ ‘cứu’, nhưng ‘phúc âm’ của việc cứu chính mình không phải là Tin Mừng cứu độ. Đó là ngụy thư sai lầm nhất, bắt người khác phải vác thập tự giá. Ngược lại, Tin Mừng đích thực thúc đẩy chúng ta vác thập giá vì người khác."

Thiếu tình yêu là nguyên nhân của các tệ nạn

Loại người thứ ba mở lời chế giễu Chúa Giê-su: “Hãy cứu chính ông đi” là những người cùng bị đóng đinh bên cạnh Chúa. Từ đó Đức Thánh Cha nhận định: “Thật dễ dàng biết bao khi chỉ trích, nói chống lại người khác, chỉ ra điều xấu nơi người khác chứ không phải ở nơi chính chúng ta, thậm chí đổ lỗi cho những người yếu đuối và bị ruồng bỏ! Nhưng tại sao họ lại khó chịu với Chúa Giê-su? Bởi vì Người đã không đưa họ xuống khỏi thập giá. Họ nói với Chúa: ‘Hãy cứu ông và chúng tôi! (Lc 23,39). Họ chỉ tìm đến Chúa Giê-su để giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đến chỉ để giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề luôn tồn tại hằng ngày, mà còn để giải thoát chúng ta khỏi vấn đề thực sự, đó là thiếu tình yêu. Đây là nguyên nhân chính gây ra các tệ nạn cá nhân, xã hội, quốc tế và môi trường của chúng ta. Chỉ nghĩ về bản thân mình: đây là cha đẻ của mọi điều xấu. Tuy nhiên, một trong những tên trộm sau đó nhìn Chúa Giêsu và thấy nơi Người một tình yêu khiêm nhường. Ông ta vào thiên đàng nhờ làm một việc duy nhất: chuyển mối quan tâm từ mình sang Chúa Giê-su, từ chính mình sang người bên cạnh (x. c. 42). 

Từ Thánh làm cho chúng ta trở thành anh chị em

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Anh chị em thân mến, đồi Canvê là nơi diễn ra cuộc “song đấu” khốc liệt giữa Thiên Chúa, Đấng đến để cứu chúng ta và con người, chỉ muốn cứu chính mình; giữa niềm tin vào Chúa và sự tôn thờ cái tôi; giữa con người buộc tội và Thượng đế bào chữa. Cuối cùng, chiến thắng của Thiên Chúa đã được bày tỏ; lòng thương xót của Chúa đã ngự xuống trái đất. Từ Thánh giá tuôn đổ ơn tha thứ và tình yêu huynh đệ được tái sinh: 'Thánh giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em' (Biển Đức XVI, Ngắm đàng Thánh giá tại Đấu trường Colosseum, ngày 21/3/2008). Cánh tay của Chúa Giê-su, dang ra trên Thánh giá, đánh dấu bước ngoặt, vì Thiên Chúa không chỉ tay buộc tội ai, nhưng thay vào đó, Người ôm lấy tất cả. Vì chỉ có tình yêu mới có thể dập tắt hận thù, chỉ có tình yêu cuối cùng có thể chiến thắng bất công. Tình yêu thương là con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta.”

Học nơi Chúa, trở nên "người khác" để đến với người khác

Cuối bài giảng Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban ơn để chúng ta được hiệp nhất và huynh đệ hơn. Khi chúng ta bị cám dỗ đi theo con đường của thế gian này, xin cho chúng ta được lời của Chúa Giê-su nhắc nhở: 'Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ giữ được nó' (Mc 8,35). Điều mất mát đối với thế gian thì đối với chúng ta lại là sự cứu rỗi. Ước gì chúng ta học được nơi Chúa, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách từ bỏ hoàn toàn chính mình (x. Pl 2,7) trở nên một người khác: từ Thiên Chúa, Người đã trở thành người; từ Thần khí, Người trở thành xác thịt, từ một vị vua, trở thành nô lệ. Chúa yêu cầu chúng ta làm điều tương tự, hạ mình, 'trở nên người khác' để đến với những người khác. Càng trở nên gần gũi với Chúa Giê-su, chúng ta càng cởi mở và 'phổ quát' hơn, vì chúng ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm với người khác. Và những người khác sẽ trở thành phương tiện cứu rỗi chính chúng ta: tất cả những người khác, mọi người, bất kể lịch sử và tín ngưỡng của họ. Bắt đầu từ những người nghèo, những người giống Chúa Giê-su nhất. Vị Tổng Giám mục vĩ đại của Constantinople, Thánh Gioan Chrisotomo, đã từng viết: 'Nếu không có người nghèo, phần lớn ơn cứu rỗi của chúng ta sẽ bị mất' (Trong Thư thứ hai gửi Cô-rin-tô, XVII, 2). Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau đồng hành trên con đường huynh đệ, và nhờ đó trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Thiên Chúa thật.”

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, cộng đoàn dâng các lời cầu xin ơn bình an cho các quốc gia và các miền trên thế giới đang thương tổn vì bạo lực, chiến tranh và khủng bố. Tên của gần 30 quốc gia và vùng miền được xướng lên trong các lời nguyện.

Sau các lời nguyện của một số đại diện tôn giáo và quốc gia, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp nhất trong lời kinh Lạy Cha.

Giờ cầu nguyện kết thúc với phép lành được Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Chính Thống Bartolomeo I và Đức giám mục Anh giáo James Ian Ernest cùng ban cho mọi người. (CSR_7676_2020)

 

Các điều kiện lãnh Ơn Toàn Xá trong tháng 11 được điều chỉnh

 

Các điều kiện lãnh Ơn Toàn Xá trong tháng 11 được điều chỉnh



Do đại dịch Covid-19, để đảm bảo các điều kiện an toàn sức khoẻ, Toà Ân giải Tối cao đã ban hành một sắc lệch cho phép việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời có thể được thực hiện trong suốt tháng 11.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Sắc lệnh giải thích, Toà Ân giải Tối cao đã nhận được nhiều thỉnh nguyện của các mục tử xin cho việc thực hành đạo đức “cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời” được thực hiện phù hợp với bối cảnh đại dịch, Toà Ân giải Tối cao đã quyết định:

“Ơn Toàn Xá được ban cho những ai viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, thông thường chỉ trong những ngày từ 1-8/11, có thể chuyển sang các ngày khác đến hết tháng 11. Những ngày này, do mỗi tín hữu tự chọn, có thể tách biệt nhau” (không cần các ngày liên tiếp).

Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng điều chỉnh việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá vào ngày 2/11, ngày lễ “cầu nguyện cho các tín hữu qua đời”, khi viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, có thể dời không chỉ vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ Các Thánh, mà còn có thể vào một ngày nào khác của tháng 11, do mỗi tín hữu tự chọn.

Thêm vào đó, riêng đối với những người già, người bệnh hoặc những ai vì lý do nghiêm trọng không thể ra khỏi nhà, cũng có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá, miễn là họ hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu khác, hoàn toàn xa lánh tội lỗi và với ý hướng thực hành ba điều kiện thông thường: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Họ có thể làm việc này trước một bức ảnh Chúa Giêsu hay Đức Mẹ, đọc kinh cầu cho những người đã qua đời hoặc một bài đọc Kinh Thánh vv… để dâng cho Chúa những đau khổ và khó khăn của mình.

Sắc lệnh cũng kêu gọi các linh mục, trong năng quyền của mình, quảng đại cử hành bí tích Giải Tội và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Đồng thời, vì lợi ích cho các linh hồn trong Luyện ngục, tất cả các linh mục đều được mời gọi cử hành ba Thánh Lễ trong ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, theo Tông hiến Incruentum Altaris, do Đức Benedictô XV ban hành 10/08/1915.


Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

GIÁO XỨ CẦN XÂY THỰC HIỆN HAI CÔNG TRÌNH LÀM ĐƯỜNG VÀO ĐẤT THÁNH XÂY DỰNG NHÀ SINH HOẠT

 

GIÁO XỨ CẦN XÂY THỰC HIỆN HAI CÔNG TRÌNH

LÀM ĐƯỜNG VÀO ĐẤT THÁNH

XÂY DỰNG NHÀ SINH HOẠT

 

Bắt đầu từ giữa tháng 9/2020 hai công trình tại giáo xứ được khởi công xây dựng cùng một thời điểm đó là: con đường vào đất thánh và nhà sinh hoạt giáo xứ. Đây là hai công trình đã được cha sở và Hội đồng mục vụ thai nghén từ lâu nhưng chưa dám làm vì không có kinh phí.

          Ai cũng biết con đường vào đất thánh là con đường độc đạo, chật hẹp, khi vào rồi rất khó ra, nhất là xe hơi, khó quay trong đất thánh và cả đường giao thông chung. Mỗi lần an táng với 4 hoặc 5 chiếc xe hơi đưa đám là cực kỳ khó khăn lúc ra về. Những chiếc xe nằm phía trong muốn ra nhưng không ra được, phải chờ xe phía ngoài lùi ra, xe trong mới di chuyển được, làm ứ trệ giao thông cả con đường đi công cộng. Chính vì thế, đây là vấn đề cấp bách cần phải có đường vào và đường ra không thể chờ lâu hơn được nữa

          Cũng vậy, nhà sinh hoạt giáo xứ cũ là ngôi trường mẫu giáo đã được xây dựng trước giải phóng và được Nhà nước mượn làm trường học mấy chục năm nay, bây giờ trả lại đã xuống cấp không đủ phòng sinh hoạt cho các sinh hoạt của giáo xứ. Hơn nữa, còn nguy hiểm khi các em vào sinh hoạt hoặc hội họp. Vì vậy đây cũng là một nhu cầu và công trình cấp bách.

          Dự kiến của cả hai công trình là gần ba tỷ chưa tính phát sinh, nhưng giáo xứ hiện tại chỉ có khoảng một tỷ tư, như vậy trước mắt còn thiếu một tỷ sáu. Dám làm không? Cha sở nói cứ làm đi tới đâu hay tới đó vì không thể chờ lâu hơn nữa. Mọi sự Chúa lo và tin rằng Chúa sẽ thúc giục các nhà hảo tâm giúp đỡ. Thế là hai công trình được thực hiện song song.

          Việc Chúa làm đúng là con người không thể hiểu nổi. Bằng sức lực của giáo xứ thì không biết bao giờ mới thực hiện được, nhưng vừa bắt đầu khởi công thì tuần nào cũng có các nhà hảo tâm đến giúp đỡ. Trong giáo xứ có, ngoài giáo xứ có, 500, 1 triệu, vài triệu…không nhiều thì ít. Thậm chí có những em bé trong giáo xứ đập heo được hơn 2 triệu giúp hết cho công trình, Cha cố Tác nhà hưu dưỡng giúp 10 triệu, Chị Bích ở giáo xứ Long Xuyên cho 20 triệu và doanh Nghiệp Duy Thành ở mãi kinh 8 đến cho 60 triệu. Dù đã được giúp đỡ bởi các mạnh thường quân nhưng vẫn còn thiếu nhiều. Xin mọi người hãy mạnh tay giúp giáo xứ nghèo chúng tôi hoàn thành tốt hai công trình để tôn vinh danh Chúa và phục vụ mọi người.

          Bên cạnh 2 công trình chính, giáo xứ cũng thực hiện trang trí những cục đá lời chúa tìm về Chân, Thiện, Mỹ ngay cổng thánh đường. Trước cổng nhà thờ, lúc nào cũng có một đội quân xe ôm, người đi lại vào chợ hoặc những người đón xe đi các nơi thật là nhộn nhịp, lương giáo đầy đủ. Những cục đá đẹp mắt và vài câu lời Chúa đơn giản có thể làm vui mắt, đánh động lòng người tìm về Chân, Thiện, Mỹ. Hy vọng từ cái nhỏ Chúa sẽ dẫn đưa họ đến những chân trời lớn hơn.

          Nguyện xin Chúa tiếp tục nâng đỡ chúng con và đồng hành với chúng con. Xin cám ơn các nhà hảo tâm trong và ngoài giáo xứ đã hỗ trợ để công trình sớm hoàn thành.

Thiên Sinh

Một số hình ảnh công trình đang thực hiện

Mô hình nhà sinh hoạt giáo xứ

Chuẩn bị xuống những cây nóng dự ứng lực 4m

Những cục đá lời chúa tìm về Chân Thiện Mỹ

Cổng mới và con đường mới vào đất thánh

Con đường chuẩn bị đổ bê tông














Lễ phong chân phước cho thiên tài tin học tuổi teen Carlo Acutis

 

Lễ phong chân phước cho thiên tài tin học tuổi teen Carlo Acutis

Lúc 4:30 chiều thứ Bảy 10/10, Đức Hồng y Agostino Vallini, Đại diện của Đức Thánh Cha tại các đền thờ thánh Phanxicô và Đức Mẹ các Thiên Thần ở Assisi, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho vị chân phước trẻ Carlo Acutis. Lễ kính nhớ chân phước Carlo Acutis sẽ được cử hành hàng năm vào ngày 12/10, ngày sinh nhật trên trời của ngài.

Hồng Thủy - Vatican News

Vào lúc 9:30 tối thứ Sáu 9/10, tại quảng trường đền thờ Đức Mẹ các Thiên Thần, khoảng 1.000 người thuộc các gia đình, các nhóm và giới trẻ đã cùng một số giám mục tham dự buổi canh thức suy tư về cuộc đời của chàng thiếu niên đặc biệt Carlo Acutis.

Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis
Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis

Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ trên của đền thờ thánh Phanxicô. Khoảng 3.000 khách hành hương từ các miền của nước Ý đến Assisi trong dịp lễ phong chân phước này. 5 màn hình lớn được lắp đặt xung quanh khu vực đền thờ để các tín hữu theo dõi Thánh lễ. Rất nhiều đài truyền hình trong nước cũng như ngoài nước Ý truyền chiếu trực tiếp Thánh lễ. Khoảng 100 nhà báo đã đăng ký tại phòng Báo chí của tu viện thánh Phanxicô.

Hiện diện trong Thánh lễ đặc biệt có ông bà Andrea và Antonella, thân sinh của tân chân phước Carlo Acutis. Thánh tích - trái tim của Carlo Acutis được đặt cạnh bàn thờ.

Thánh tích chân phước Carlo Acutis
Thánh tích chân phước Carlo Acutis

Chúa Giê-su là Bạn

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Vallini lược thuật lại những nét nổi bật trong cuộc đời vị tân chân phước Carlo Acutis và nhấn mạnh hai nét đặc biệt trong cuộc đời ngài: cầu nguyện và sứ vụ.

Carlo có lòng yêu mến Thánh Thể và gắn bó với Thánh Thể cách đặc biệt. Chúa Giê-su là Bạn, là Thầy, là Đấng Cứu Độ và là sức mạnh cho cuộc sống của Acutis và là động lực của mọi việc cậu làm. Từ đó, Carlo mong muốn mãnh liệt đưa người khác đến với Chúa và cậu làm điều này trên hết bằng gương mẫu cuộc sống. Carlo dùng mọi cách, cả cách thức hiện đại, với tài năng về tin học Chúa ban, để gặp gỡ và loan truyền các giá trị Ki-tô giáo cho người khác.

Đức Hồng y Vallini nói: “Do đó, cầu nguyện và sứ vụ: đây là hai nét đặc trưng trong đức tin anh hùng của chân phước Carlo Acutis. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ngài đã phó thác mình cho Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những thời khắc khó khăn nhất.” Với tinh thần này, Carlo đã chịu đựng bệnh tật với sự thanh thản và đi đến cuối đời với sự phó thác bình an.

Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis
Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis

Lòng nhân ái của vị chân phước trẻ

Đức Hồng y cũng nêu bật lòng nhân ái của vị chân phước trẻ khi sống giới răn yêu thương của Chúa. Giới răn này đã thúc đẩy Carlo có một lòng bác ái lớn lao đối với tha nhân, đặc biệt là đối với người nghèo, người già neo đơn và bị bỏ rơi, người vô gia cư, người tàn tật và những người bị xã hội gạt ra ngoài lề và che giấu. Carlo luôn chào đón những người thiếu thốn và khi trên đường đến trường, gặp họ trên đường phố, cậu dừng lại để nói chuyện, lắng nghe những vấn đề của họ và giúp đỡ họ trong mức độ có thể.

Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis
Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis

Nhiệm vụ của chúng ta là đi theo con đường chân phước Carlo Acutis đã chỉ cho chúng ta

Đức Hồng y kết thúc bài giảng: “Carlo đã làm chứng rằng đức tin không làm chúng ta xa cách cuộc sống, nhưng khiến chúng ta đi sâu hơn vào cuộc sống, chỉ cho chúng ta con đường cụ thể để sống niềm vui của Phúc Âm. Nhiệm vụ của chúng ta là đi theo con đường đó, được thu hút bởi kinh nghiệm hấp dẫn của chân phước Carlo, để cuộc sống của chúng ta cũng có thể chiếu sáng với ánh sáng và hy vọng.

Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis
Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis

Liên kết giữa thánh Phanxicô và chân phước Carlo 

Cuối nghi thức, Đức cha Domenico Sorrentino, giám mục Assisi, cảm ơn về món quà Carlo dành cho Giáo hội, cám ơn những người đã dấn thân hỗ trợ hành trình đức tin của chàng trai trẻ và những người đã giúp tổ chức lễ phong chân phước. Đức cha nhận xét rằng giữa thánh Phanxicô và Carlo "bây giờ không thể tách rời", "một số sợi chỉ vàng liên kết họ". "Chương trình sống của Carlo - luôn kết hợp với Chúa Giêsu - tình yêu của ngài đối với Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, làm bạn với người nghèo, tất cả những điều đưa chân phước đến gần hơn với linh đạo của vị thánh nghèo. Cả hai đều mời gọi chúng ta sống theo Tin Mừng ”.

Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis
Thánh lễ phong chân phước Carlo Acutis

Một bữa ăn dành cho người nghèo và một giải thưởng

Hai sáng kiến ​​từ thiện đã được công bố: bếp nấu súp cho người nghèo và “Giải thưởng quốc tế của thánh Phanxicô Assisi và Carlo Acutis cho nền kinh tế của tình huynh đệ”. Đức cha nói đây là "một sự đáp lại nho nhỏ Thông điệp Tất cả anh em mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký tại nơi ân sủng này cách đây đúng một tuần. (REI 09/10/2020)


Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis

17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis





“Tôi hạnh phúc được chết vì tôi đã sống mà không lãng phí một phút nào cho những việc không đẹp lòng Chúa”. (Carlo Acutis)

 

Khi lễ phong chân phước cho Đấng đáng kính Carlo Acutis vào ngày 10-10-2020 đang đến gần, ta cần biết một số sự kiện và chi tiết thú vị về người trẻ sắp được phong thánh này. Là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, bao gồm cả trẻ nhỏ và thiếu niên, Carlo đã qua đời khi là một cậu bé ở tuổi 15 sau khi chiến đấu với bệnh bạch cầu. Ước gì tất cả chúng ta cũng phấn đấu để trở thành thánh và học hỏi từ gương sáng của Carlo!

1. Trong cuộc đời 15 năm ngắn ngủi, Carlo Acutis đã khiến hàng ngàn người cảm động vì đức tin và lòng sùng kính sâu sắc của Carlo đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.

2. Sinh ra ở London nhưng lớn lên ở Milan, Carlo đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức lúc 7 tuổi. Mẹ của cậu nhớ lại rằng Carlo chưa bao giờ bỏ dự lễ hằng ngày: “Khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.”

3. Carlo rất sùng kính và yêu mến Đức Mẹ. Cậu từng nói: "Đức Trinh Nữ Maria là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời tôi."

4. Là một người đam mê công nghệ, Carlo từng là một game thủ và cũng là một lập trình viên máy tính.

5. Carlo rất quan tâm đến bạn bè của mình, thường mời những người bị đối xử tồi tệ hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn đến nhà để hỗ trợ, trong số đó có những người đang phải giải quyết vấn đề ly hôn hoặc bị bắt nạt do khuyết tật.

6. Rất yêu mến Bí tích Thánh Thể, Carlo đã xin cha mẹ đưa cậu đi hành hương đến tất cả những nơi có các phép lạ Thánh Thể được biết đến trên thế giới, nhưng căn bệnh của cậu đã khiến cậu không thực hiện được điều này.

7. Carlo mắc bệnh bạch cầu khi là một thiếu niên. Cậu dâng lên nỗi đau của mình để cầu cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Giáo hội: “Tôi xin dâng tất cả những đau khổ mà tôi sẽ phải gánh chịu cho Chúa, cho Giáo hoàng, và Giáo hội”.

8. Carlo đã sử dụng kỹ năng am hiểu công nghệ của mình để xây dựng toàn bộ danh mục trang web về các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới. Từ khi mới 11 tuổi, cậu đã bắt đầu dự án kéo dài nhiều năm này.

9. Carlo muốn sử dụng công nghệ và trang web của mình để truyền giáo. Cậu được truyền cảm hứng từ các sáng kiến của Chân phước Giacomo Alberione trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng.

10. Khi cậu chiến đấu với bệnh bạch cầu, bác sĩ hỏi cậu có đau nhiều không và cậu trả lời rằng "có những người còn đau khổ hơn tôi nhiều."

11. Sau cái chết của Carlo, đã khởi sự một cuộc triển lãm lưu động về những phép lạ Thánh Thể do vị thiếu niên này sưu tâm. Cuộc triển lãm này là sản phẩm tinh thần của Đức Giám mục Acutis Raffaello Martinelli và Đức Hồng y Angelo Comastri, người đứng đầu Văn phòng Giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, đã giúp tổ chức để vinh danh vị thánh trẻ. Cuộc triển lãm này đã đi đến hàng chục quốc gia trên khắp năm châu lục.

12. Francesca Consolini, một cáo thỉnh viên ở Tổng giáo phận Milan, nghĩ rằng có lý do để công bố án phong chân phước cho Carlo khi thời gian 5 năm chờ đợi sau khi vị thiếu niên trẻ này qua đời đã được đáp ứng. Nói về vị thiếu niên trẻ tuổi này, Consolini phát biểu: “Đức tin trong sáng vững vàng của Carlo rất độc đáo nơi một thiếu niên như thế. Đức tin ấy khiến Carlo luôn trung thực với chính mình và với người khác. Carlo hết sức quan tâm đến người khác; rất nhạy cảm với các vấn đề và tình huống của bạn bè, của những người sống cận kề và sống với cậu hằng ngày.”

13. Án phong thánh cho Carlo bắt đầu vào năm 2013. Ngài được phong Đấng Đáng Kính vào năm 2018, và sẽ được gọi là Chân Phước kể từ ngày 10-10-2020.

14. Nghi thức phong Chân Phước cho Carlo Acutis sẽ diễn ra vào lúc 4g chiều thứ Bảy 10-10-2020 trong Vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assisi. Ngày được chọn này sẽ rất gần với một ngày kỷ niệm quan trọng trong đời của Carlo: ngày sinh nhật trên trời (qua đời) của ngài là ngày 12-10-2006.

15. Trong những bức ảnh được công bố để chuẩn bị cho việc phong chân phước cho ngài, có những hình ảnh cho thấy thi hài của Carlo dường như được bảo quản khỏi quá trình phân hủy tự nhiên sau khi ngài qua đời vào năm 2006, và một số người cho rằng thi hài ngài có thể không bị hủy hoại. Tuy nhiên, Đức Giám mục Domenico Sorrentino của Assisi nói rõ: thi thể của Carlo, dù còn nguyên vẹn, "cũng ở trong trạng thái tử thi biến đổi bình thường." Đức Giám mục Sorrentino nói thêm rằng thi thể của Carlo đã được sắp xếp cách trang trọng để trưng bày cho công chúng tôn kính và silicon đã được sử dụng để tái tạo khuôn mặt của ngài.

16. Một cuốn sách ghi lại các phép lạ Thánh Thể mà Carlo đã mô tả trên trang web của mình, chứa gần 100 bản tường thuật về các phép lạ từ 17 quốc gia khác nhau, tất cả đều được Giáo hội chứng thực và chuẩn y.

17. Hàng triệu người trên khắp thế giới đã và đang theo dõi con đường nên thánh của ngài. Chỉ cần gõ tên của ngài vào công cụ tìm kiếm, hơn 2.500 trang web và blog sẽ cho xuất hiện chi tiết các câu chuyện và cuộc đời của ngài.

Vào cuối tuần này, khi chứng kiến lễ phong chân phước cho Carlo - ngắm hình ảnh một cậu bé mặc quần jean, áo len, mang giày thể thao - xin cho tất cả chúng ta nhớ rằng chúng ta được kêu gọi nên thánh và cố gắng sống giống như Carlo ở mọi lúc như ngài đã từng nói: “Càng rước lễ nhiều, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu, để ngay trên mặt đất này, chúng ta đã được thưởng thức hương vị Thiên đàng rồi.”

Alyssa Murphy (ncregister) / Vi Hữu chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG