label

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2021 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2021 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Ban dịch thuật HĐGMVN

 

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp mùa Chay 2021 với chủ để: “Mùa Chay: Thời gian làm tưới mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Ban dịch thuật HĐGMVN.

 

 

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18)
Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu

 

Anh chị em thân mến,

 

Khi loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Cha, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất về sứ mạng của Người và mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

 

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi 2,8). Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của Bí tích Rửa tội để được tái sinh nên những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

 

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

 

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô, trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là loại khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn, nhưng là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức về điều này. Sự thật này là chính Chúa Kitô. Bằng cách mang lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở nên con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Đây là con đường tuy đòi hỏi nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

 

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

 

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

 

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4,10). Một cách tự nhiên, bà nghĩ rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người sẽ ban dồi dào qua mầu nhiệm Vượt qua, Đấng tuôn đổ trên chúng ta niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó cũng có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha.

 

Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Bằng cách đón nhận ơn tha thứ trong bí tích vốn là trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.

 

Trong Mùa Chay, ước mong chúng ta chú ý hơn để “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

 

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được ban cho có niềm hy vọng như sự cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình. Vì thế, tĩnh tâm cốt yếu là để cầu nguyện (x. Mt 6,6) và để gặp gỡ, trong nơi kín ẩn, Thiên Chúa Cha đầy nhân ái dịu dàng.

 

Sống Mùa Chay trong niềm hy vọng có nghĩa là ý thức rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, nơi mà Thiên Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, đồng thời “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15).

 

3. Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

 

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

 

“Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới . Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

 

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp bình dầu và hũ bột của bà góa thành Xarépta, người đã tặng chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 117,7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Cũng xảy ra như thế qua những chia sẻ dù ít hay nhiều của chúng ta, khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn thành.

 

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

 

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

 

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.

 

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu, đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

 

Rôma, Đền thờ Thánh Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021


Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021

“Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20) là chủ đề của Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Mười. Trong Sứ điệp Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội ngày nay cần những tấm lòng có khả năng thúc đẩy mình đi đến "các vùng ngoại biên của thế giới".

Hồng Thủy - Vatican News

Mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định: “Khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe.” Đàng khác, mầu nhiệm Nhập Thể, Tin Mừng và mầu nhiệm Phục sinh tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương nhân loại, nhắc chúng ta rằng Chúa biết thế giới và biết nó cần ơn cứu độ và mời gọi chúng ta tham gia tích cực vào sứ vụ truyền giáo. “Không ai là xa lạ, không ai có thể cảm thấy xa lạ hay xa cách với tình yêu cảm thông này.”

Kinh nghiệm của các tông đồ

Từ kinh nghiệm của các tông đồ, những người được Chúa tìm kiếm, kêu gọi, sống tình bạn với Người, nhìn thấy Chúa chữa lành bệnh nhân, đồng bạn với người tội lỗi, cho người đói được ăn, gần gũi người bị loại trừ, chạm đến người bị xem là ô uế, đồng hóa với người khốn khổ, mời gọi sống các mối phúc, được khơi dậy sự ngạc nhiên và niềm vui không thể kìm hãm, Đức Thánh Cha khẳng định tình yêu thúc đẩy chúng ta chia sẻ tin vui tuyệt vời nhất: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a.”

Lời mời gọi chúng ta

Đức Thánh Cha nói: “Như các Tông đồ và các tín hữu tiên khởi, chúng ta cũng nói với tất cả sức mạnh của mình: ‘Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra’… Giống như các Tông đồ đã thấy, đã nghe và đã chạm vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu (x. 1Ga 1, 1-4), ngày nay chúng ta cũng có thể chạm vào xác thịt đau khổ và vinh quang của Chúa Kitô trong lịch sử hàng ngày và tìm thấy can đảm để chia sẻ với tất cả mọi người một số phận hy vọng, niềm xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta.

Theo Đức Thánh Cha, chủ đề Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021 là một lời mời gọi mỗi người chúng ta lãnh trách nhiệm và loan báo điều chúng ta mang trong tâm hồn. Sứ vụ này luôn là căn tính của Giáo hội: Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng.

Biết ơn các nhà truyền giáo

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với lòng biết ơn các nhà truyền giáo, những người lên đường, rời bỏ quê hương và gia đình để mang Tin Mừng đến mọi dân tộc. Chứng tá truyền giáo của họ canh tân sự dấn thân để trở thành những tông đồ quảng đại và vui tươi của Tin Mừng, thúc đẩy chúng ta can đảm và kiên trì cầu nguyện xin Chúa ban thêm nhiều thợ gặt cho cánh đồng lúa chín của Người. (CSR_721_2021)


Thánh Kinh là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người

ĐTC Phanxicô: Thánh Kinh là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 27/1, Đức Thánh Cha đã suy tư về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống cầu nguyện. Ngài giải thích về phương pháp cầu nguyện "lectio divina" - cầu nguyện bằng Kinh Thánh

Hồng Thủy - Vatican News

Sách Giáo lý khuyến khích các tín hữu cầu nguyện bằng việc đọc Kinh Thánh, để có cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chính chúng ta. Là lời hằng sống, Kinh Thánh nói với chúng ta ở thời điểm và nơi chốn hiện tại của cuộc sống chúng ta, chiếu sáng cho những tình cảnh mới, mang lại những hiểu biết mới mẻ và thường thách thức lối suy nghĩ và nhìn thế giới theo thói quen của chúng ta.

Đức Thánh Cha giải thích về việc thực hành lectio divina – cầu nguyện bằng Kinh Thánh: đọc chậm rãi một đoạn Kinh Thánh, rồi suy niệm bản văn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để Chúa nói với chúng ta qua một từ, một câu hay một hình ảnh cụ thể. Kết quả của cuộc đối thoại trong cầu nguyện này là việc chiêm niệm, thinh lặng nghỉ ngơi trong ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha. Và Kinh Thánh trở thành nguồn bình an, sự khôn ngoan và sức mạnh vô tận khi chúng ta trưởng thành trong đức tin và thể hiện nó một cách cụ thể trong việc bác ái và phục vụ tha nhân.

Kinh Thánh được viết cho mỗi người chúng ta

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định: Những lời Sách Thánh không được viết để bị giam cầm trên các mảnh giấy cói, giấy da hay giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện và làm cho chúng nảy mầm trong lòng người đọc. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng hàng thế kỷ, để mang lời của Chúa đến cho tôi. Kinh nghiệm này xảy đến với mọi tín hữu: một đoạn Kinh Thánh, đã được nghe nhiều lần, bất ngờ, một ngày nào đó, nói với tôi và soi sáng cho hoàn cảnh mà tôi đang sống.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cần thiết là “tôi, ngày hôm đó, có mặt trong cuộc hẹn với Lời đó. Mỗi ngày Chúa đi qua và gieo một hạt thóc vào trong mảnh đất đời sống của chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Chúa sẽ gặp thấy mảnh đất khô cằn, gai góc hay mảnh đất tốt làm cho hạt giống đó mọc lên (x. Mc 4,3-9). Để cho Sách Thánh trở thành Lời hằng sống của Thiên Chúa thì tùy thuộc nơi chúng ta, tùy vào việc chúng ta cầu nguyên, tùy vào tấm lòng cởi mở của chúng ta khi đến với Sách Thánh.

Chúng ta là “những nhà tạm” của Lời Chúa

Đức Thánh Cha lưu ý: Qua việc cầu nguyện, có một cuộc nhập thể mới của Lời xảy ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi lời của Thiên Chúa muốn được chào đón và được lưu giữ, để có thể viếng thăm thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp nhận Kinh Thánh mà không có những động cơ cá nhân, không lợi dụng nó. Người tín hữu không tìm trong Thánh Kinh sự ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì họ hy vọng một cuộc gặp gỡ; người tín hữu biết rằng lời Chúa đã được viết trong Chúa Thánh Thần, và do đó chúng phải được đón nhận và hiểu biết trong cùng Thánh Thần đó, để cuộc gặp gỡ có thể xảy ra.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài cảm thấy hơi khó chịu khi nghe các Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh như những con vẹt. Bạn có gặp Chúa với câu Kinh Thánh đó không? Đó không chỉ là vấn đề thuộc lòng nhưng là vấn đề ghi nhớ bằng con tim, điều đưa bạn đến cuộc gặp gỡ với Chúa. Lời đó, câu đó, đưa bạn đến gặp gỡ với Chúa.

 Ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa

Do đó chúng ta đọc Sách Thánh bởi vì Sách Thánh “đọc chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích: Để có thể nhận ra chính mình trong đoạn sách này hay nhân vật kia, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia, đó là một ân sủng. Kinh Thánh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng cho chúng ta, những người nam và người nữ bằng xương bằng thịt, cho tôi. Và lời của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần truyền vào chúng ta, khi được đón nhận với tấm lòng cởi mở, sẽ không để cho mọi sự vẫn như trước đó, nhưng thay đổi chúng. Đây là ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa.

“Lectio divina”

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Truyền thống Ki-tô giáo rất phong phú về kinh nghiệm và suy tư cầu nguyện với Sách Thánh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được hình thành; nó xuất phát từ môi trường đan tu, nhưng bây giờ cũng được thực hành bởi các tín hữu thường xuyên tham gia các sinh hoạt giáo xứ.

Đức Thánh Cha giải thích: Trước hết là đọc đoạn Kinh Thánh cách chăm chú: tôi muốn nói là đọc với sự “vâng phục” bản văn, để hiểu tự bản văn có ý nghĩa gì. Tiếp đến, là đối thoại với Sách Thánh, để những lời đó trở thành nguyên nhân cho việc suy niệm và cầu nguyện: luôn luôn bám chặt lấy bản văn, bắt đầu tự hỏi mình về điều bản văn “nói với chúng ta”. Đây là một bước rất tinh tế, chúng ta không được vội vã sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một thành phần của cách thức sống động của Truyền thống, điều liên kết mỗi chúng ta với Sách Thánh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Những lời nói và ý tưởng ở đây sẽ dẫn đến tình yêu, như giữa những người yêu nhau, đôi khi nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Kinh thánh vẫn ở đó, nhưng giống như một tấm gương, giống như một bức ảnh để người ta chiêm niệm.

Lời Chúa là nguồn bình an

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Qua việc cầu nguyện, Lời Chúa đến cư ngụ trong chúng ta và chúng ta ở trong Lời Chúa. Lời Chúa soi sáng những dự định tốt đẹp và củng cố các việc làm; ban cho chúng ta sức mạnh và sự an bình, và cả khi chúng ta gặp thử thách, Lời Chúa cũng ban cho chúng ta sự bình an. Trong những ngày bối rối khó hiểu, Lời Chúa đảm bảo cho trái tim có sự tự tin và tình yêu thương cốt yếu, bảo vệ nó khỏi sự tấn công của ma quỷ.

Các thánh lưu là bản sao của Kinh Thánh nhờ dấu ấn của Kinh Thánh trong cuộc đời các ngài

Như thế Lời Chúa “nhập thể” nơi người đón nhận nó trong kinh nguyện. Có một bản văn cổ nói đến trực giác rằng các Ki-tô hữu được đồng nhất hoàn toàn với Lời Chúa đến nỗi, dù cho tất cả Kinh Thánh trên thế giới bị đốt, thì bản sao của nó vẫn được lưu lại qua vết tích mà Kinh Thánh để lại trong cuộc đời các thánh.

Đức Thánh Cha kết luận: Cuộc sống của Ki-tô hữu là một tác phẩm của sự vâng phục đồng thời của sự sáng tạo. Một Ki-tô hữu tốt phải vâng phục nhưng phải sáng tạo. Chúa Giêsu đã nói ở cuối một trong những dụ ngôn của Người: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13, 52). Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban cho chúng ta, qua cầu nguyện, biết ngày càng rút ra từ kho tàng đó thêm nhiều điều quý giá.

 

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Lời nói có thể là nụ hôn nhưng cũng có thể là lưỡi dao

 

ĐTC Phanxicô: Lời nói có thể là nụ hôn nhưng cũng có thể là lưỡi dao



Trong lời tựa viết cho cuốn sách mới “Đừng nói xấu người khác!” của cha Emiliano Antenucci, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng lời nói có thể là “nụ hôn hoặc là lưỡi dao”. Ngài nhấn mạnh cuộc chiến đấu chống lại sự nhiều chuyện, tầm quan trọng của việc dùng lời nói cách đúng đắn và mời gọi tái khám phá lời cầu nguyện thinh lặng.

Hồng Thủy - Vatican News

Cha Antenucci, dòng Cappucchino, là một thừa sai Lòng Thương xót. Được sự khuyến khích của Đức Thánh Cha, cha cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Bà của sự Thinh lặng”. Từ tháng 5 năm ngoái, cha là giám đốc đền thánh dâng kính Đức Mẹ Thinh lặng, ở thị trấn Avezzano, miền Abruzzo của Ý.

Thinh lặng là ngôn ngữ của tình yêu

Đức Thánh Cha viết trong lời tựa cuốn sách: “Thinh lặng là một trong những ngôn ngữ của Thiên Chúa và cũng là một ngôn ngữ của tình yêu. Trích lời thánh Augustinô: ‘Nếu bạn thinh lặng, hãy thinh lặng vì tình yêu; nếu bạn nói, hãy nói vì yêu thương’”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc không nói xấu người khác còn hơn cả một hành động luân lý, vì “khi nói xấu người khác, chúng ta bôi nhọ hình ảnh của Thiên Chúa ở nơi mỗi người.”

Sử dụng lời nói cách đúng đắn

Từ đó Đức Thánh Cha nhắc rằng “sử dụng lời nói cách đúng đắn là điều quan trọng. Lời nói có thể là những nụ hôn, sự âu yếm, liều thuốc, nhưng chúng cũng có thể là những con dao, thanh kiếm hoặc viên đạn.” Ngài nhận định rằng lời nói có thể được dùng để chúc lành hay nguyền rủa, “chúng có thể là những bức tường đóng kín hay những cánh cửa sổ mở.” Ngài so sánh những người ném “bom” tin đồn và vu khống với những “kẻ khủng bố” gieo rắc sự hủy diệt.

Từ thinh lặng đi đến bác ái

Đức Thánh Cha cũng trích dẫn lời Mẹ Teresa Calcutta như một bài học nên thánh có thể áp dụng cho mọi Ki-tô hữu: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện; hoa trái của cầu nguyện là đức tin; hoa trái của đức tin là tình yêu; hoa trái của tình yêu là phục vụ; hoa trái của phục vụ là hòa bình.” Ngài nhận định: “Một người bắt đầu bằng việc thinh lặng sẽ đi đến lòng bác ái đối với người khác.”

Lời tựa được Đức Thánh Cha viết cho cuốn sách kết thúc với lời cầu nguyện: “Xin Đức Mẹ của sự Thinh lặng dạy chúng ta cách dùng đúng miệng lưỡi của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chúc cho mọi người được bình an trong tâm hồn và niềm vui trong cuộc sống.” (CNS 15/01/2021)

ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Tổng thống Biden nhân dịp ông nhậm chức

ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Tổng thống Biden nhân dịp ông nhậm chức




Ngày 20/1 nhân dịp ông Joseph Biden, Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp đến tân Tổng thống Hoa Kỳ và mời gọi ông thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Hoa Kỳ và trên thế giới.
 

Biden.jpg
Tổng thống Biden tuyên thệ

 

Mở đầu thông điệp, Đức Thánh Cha viết: “Nhân dịp ngài nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, tôi xin gửi đến ngài những lời chúc tốt đẹp và bảo đảm lời cầu nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng ban cho ngài sự khôn ngoan và sức mạnh trong việc thực thi chức vụ cao cả của ngài.”

 

Đức Thánh Cha cũng cầu chúc rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, nhân dân Hoa Kỳ tiếp tục phát huy sức mạnh từ các giá trị cao cả của chính trị, đạo đức và tôn giáo, là những điều đã truyền cảm hứng cho đất nước kể từ khi thành lập.

 

Tổng thống Joe Biden đã nhậm chức khi Hoa Kỳ tiếp tục chiến đấu với một trong những cuộc khủng hoảng virus corona lớn nhất trên toàn thế giới. Lễ nhậm chức lần thứ 59 có giây phút tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong đại dịch này - và công nhận những người đã thể hiện tình yêu thương và sự kiên cường đối với những người gặp khó khăn. Cho đến nay, 402.000 người đã chết vì Covid-19 ở Hoa Kỳ - nơi có hơn 24 triệu trường hợp nhiễm virus được xác nhận.

 

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Vào thời điểm mà những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang thử thách gia đình nhân loại của chúng ta đòi hỏi những phản ứng có tầm nhìn xa và liên đới, tôi cầu nguyện rằng các quyết định của ngài sẽ được hướng dẫn bởi mối quan tâm xây dựng một xã hội được đánh dấu bởi công lý và tự do đích thực, cùng với sự tôn trọng không ngừng đối với các quyền và phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người dễ bị tổn thương và những người không có tiếng nói.”

 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho tân tổng thống, “xin Chúa, nguồn mạch của tất cả sự khôn ngoan và chân lý, hướng dẫn các nỗ lực của ngài để thúc đẩy sự hiểu biết, hòa giải và hòa bình trong nội bộ Hoa Kỳ và giữa các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy lợi ích chung phổ quát.”

 

Kết thúc thông điệp, Đức Thánh Cha nói: “Với những tình cảm này, tôi vui lòng khẩn cầu dồi dào phúc lành trên ngài và gia đình của ngài, và trên dân tộc Hoa Kỳ yêu quý.” (CSR_465_2021)


Hồng Thủy

(vaticannews.va 20.01.2021)

 


 

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm tân giám mục chính toà Gp. Xuân Lộc

 

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm tân giám mục chính toà Gp. Xuân Lộc



Trưa thứ Bảy, 16/1 (giờ Roma), Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ nhiệm của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện đang là Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, làm tân giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc.

Tiểu sử Đức cha GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO

Sinh ngày 02 tháng Ba năm 1945 tại Thức Hoá, Bùi Chu.
1957: Học tại Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu.
1964: Học tại Đại chủng viện Sài Gòn.
1965: Học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma.
1971: Thụ phong linh mục tại Rôma, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn.
1971–1976: Học tại Đại học Alfonsianum, Rôma (Văn bằng: Tiến sĩ Thần học Luân Lý).
1976–2007: Phó Giám đốc và sau đó Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M).
1980–2009: Giáo sư tại Phân khoa Truyền giáo - Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Viện Giáo lý và Linh đạo Truyền giáo.
1981–2007: Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI.
1982–1983: Dọn Tiến sĩ Truyền giáo Đại học Giáo hoàng Gregoriana.
1987–1993: Thành viên Hội đồng Quốc tế về Giáo lý (COINCAT) thuộc Bộ Giáo sĩ.
1992–2001: Thành viên tổ chức “Nostra Aetate” thuộc Hội đồng Toà Thánh về đối thoại Liên tôn.
1995–2000: Thành viên Uỷ ban Mục vụ Đại Năm Thánh 2000.
1999–2005: Giám đốc Văn phòng Phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại, trực thuộc Bộ Truyền giáo.
2001–2012: Tư vấn Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn.
2009–2013: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
28.02.2013: Được Đức thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
05.04.2013: Được tấn phong Giám mục tại toà Giám mục Xuân Lộc - Châm ngôn Giám mục: Này là Mình Thầy (Mc 14,22).
04.06.2015 : Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc.
07.05.2016 : Giám mục Chính toà Xuân Lộc.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo hai nhiệm kỳ, từ năm 2013 đến năm 2019.
Hiện nay Đức cha giữ chức vụ Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam, đồng thời là thành viên Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh và thành viên Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn.

***

Tiểu sử Đức cha GIOAN ĐỖ VĂN NGÂN

Sinh ngày 06 tháng Bảy năm 1953 tại Ninh Bình.
14.01.1992: Thụ phong linh mục tại Xuân Lộc.
Năm 1992: Phó xứ Ninh Phát.
Năm 1994: Chính xứ Ninh Phát.
Năm 2007: Giáo sư Đại chủng viện và Quản nhiệm giáo xứ Suối Tre.
Năm 2006: Du học Philippines; sau đó trở về Chủng viện và làm Phó Giám đốc Đại chủng viện, đặc trách Phân ban Triết học Đại chủng viện.
Năm 2016: Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 02.05.2017: Được Đức thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 01.06.2017: Được tấn phong Giám mục tại Toà Giám mục Xuân Lộc - Châm ngôn Giám mục: “Tựa vào lòng Chúa Giêsu”.
Từ năm 2018: Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGM Việt Nam.

(Nguồn tiểu sử từ website HĐGM Việt Nam)


Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

THÔNG BÁO VỀ VIỆC MỔ MẮT MIỄN PHÍ


THÔNG BÁO VỀ VIỆC MỔ MẮT MIỄN PHÍ



Cha sở, cha phó giáo xứ Cần Xây xin thông báo

Giáo xứ Cần Xây thường xuyên kết hợp với chương trình Bác Ái của Giáo Phận Long Xuyên (Caritas) tổ chức mổ mắt miễn phí cho bà con có bệnh về mắt tại các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh. Bà con có nhu cầu không phân biệt tôn giáo nào xin đăng ký với cha phó:

 Phêrô Nguyễn Trung Khiết, số điện thoại: 0907604675 hoặc gặp trực tiếp tại văn phòng giáo xứ Cần Xây.

-      Đợt gần nhất sẽ mổ vào thứ 6 ngày 22/01/2021 tại bệnh viện mắt Saint Paul thành phố HCM. Bà con có nhu cầu mổ mắt xin đăng ký sớm. Hạn chót đăng ký đợt này sẽ kết thúc vào lúc 10 giờ ngày thứ năm 21/01/2020. Ai đã đăng ký rồi sẽ tập trung tại sân nhà thờ Cần Xây lúc 22 giờ tối ngày 21/01/2021 để lên xe đi.

-      Về thủ tục đăng ký: khai Họ và tên, năm sinh, số điện thoại. Nếu bản thân không có số điện thoại có thể lấy số điện thoại của con hoặc cháu để tiện liên lạc.

-      Phương tiện di chuyển giáo xứ đứng ra thuê xe và chi phí sẽ chia đều cho mọi người đi kể cả thân nhân đi theo

-      Ăn uống dọc đường cá nhân tự lo, khi đến nơi mổ mắt chương trình mổ mắt tại chỗ sẽ hỗ trợ ăn uống.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

CÁO PHÓ (ông Nguyễn Văn Sự, khu 4)

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ


 
Ông PHANXICÔXAVIÊ NGUYỄN VĂN SỰ sinh năm 1930.
Hiện ngụ tại khu 4, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 16 giờ 10 ngày 16/01/2021
HƯỞNG THỌ 91 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 21 giờ ngày
16-01-2021
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 18-01-2021, sau đó hỏa táng tại đài hóa thân Mỹ Hòa
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông PHANXICÔXAVIÊ sớm hưởng thánh nhan Chúa

Về nhà cha năm 2020

 VỀ NHÀ CHA NĂM 2020

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

 

Bà MARIA LÊ THỊ DIỆN sinh năm 1949.
Hiện ngụ tại khu 3, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 17 giờ 15 ngày 17/12/2020
HƯỞNG THỌ 71 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
18-12-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 19-12-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn BÀ MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ
 
Ông ANRÊ PHẠM VĂN HỀ sinh năm 1950.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 15 giờ 35 ngày 12/12/2020
HƯỞNG THỌ 70 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 20 giờ ngày
12-12-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 14-12-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông ANRÊ sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ


 
Ông PHAOLÔ HỒ VĂN TIÊN sinh năm 1951.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 18 giờ 30 ngày 21/09/2020
HƯỞNG THỌ 69 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
22-09-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 24-09-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông PHAOLÔ sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

 
Ông MARTINO PHẠM MINH HẢO sinh năm 1958.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 23 giờ 00 ngày 12/09/2020
HƯỞNG THỌ 62 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
13-09-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 15-09-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông MARTINO sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ   
Một người con của giáo xứ


  
Bà MARIA TRỊNH PHỤNG DUNG sinh năm 1963.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 17 giờ 30 ngày 5/09/2020
HƯỞNG DƯƠNG 57 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
6-09-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 7-09-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây

Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ  
Một người con của giáo xứ


  
Bà ISAVE PHAN THỊ BÍCH DUYÊN sinh năm 1962.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 5 giờ 40 ngày 22/08/2020
HƯỞNG DƯƠNG 59 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
22-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 00 ngày 24-08-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ISAVE sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ


 


 
Anh PHÊRÔ PHẠM ĐỨC DUY sinh năm 1985.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 17 giờ 00 ngày 29/08/2020
HƯỞNG DƯƠNG 35 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
30-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 01-09-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn anh PHÊRÔ sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ


 
 
Ông GIUSE NGUYỄN TRƯỜNG CHINH sinh năm 1945.
Hiện ngụ tại khu 6, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 13 giờ 45 ngày 19/08/2020
HƯỞNG THỌ 75 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
19-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 00 ngày 21-08-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông GIUSE sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

  
Ông PHÊRÔ  LÊ HOÀNG HẢI sinh năm 1949.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 14 giờ ngày 10/08/2020
HƯỞNG THỌ 71 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 09 giờ ngày
11-08-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 14 giờ 00 ngày 12-08-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông Phêrô sớm hưởng thánh nhan Chúa

CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

  
Bà ANNA VÕ THỊ BÊ sinh năm 1942.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 8 giờ 30 ngày 26/07/2020
HƯỞNG THỌ 78 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
26-07-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 5 giờ 00 ngày 29-07-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ANNA sớm hưởng thánh nhan Chúa


CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

  
Bà MARIA LÊ THỊ SẠCH sinh năm 1942.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 2 giờ 10 ngày 9/07/2020
HƯỞNG THỌ 79 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
9-07-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 11-07-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà Maria sớm hưởng thánh nhan Chúa


CÁO PHÓ 
Một người con của giáo xứ

  
Ông GIOAN KIM NGUYỄN VĂN TRUNG sinh năm 1968.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 9 giờ 00 ngày 30/07/2020
HƯỞNG DƯƠNG 52 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
30-07-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 03-07-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây

Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn ông GIOAN KIM sớm hưởng thánh nhan Chúa


CÁO PHÓ  
Một người con của giáo xứ

  
Bà MARIA  NGUYỄN THỊ PHƯỢNG sinh năm 1934.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 16 giờ 40 ngày 22/05/2020
HƯỞNG THỌ 86 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 7 giờ ngày
23-05-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 25-05-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa
 


CÁO PHÓ  
Một người con của giáo xứ

  
Bà MARIA  QUÁCH THI MAI sinh năm 1959.
Hiện ngụ tại khu 1, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 14 giờ 10 ngày 12/05/2020
HƯỞNG THỌ 61 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 19 giờ ngày
12-05-2020
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 7 giờ 00 ngày 15-05-2020, sau đó an táng tại đất thánh Giáo xứ Cần Xây


Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà MARIA sớm hưởng thánh nhan Chúa