label

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Thư Mục vụ của Đức Giám mục giáo phận tháng 5 - 2021

Thư Mục vụ của Đức Giám mục giáo phận tháng 5 - 2021






 

NOI GƯƠNG MẸ MARIA

THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Anh chị em thân mến!

Chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội bước vào tháng Hoa tôn kính Mẹ Maria. Chính vì thế, chủ đề thư mục vụ tháng 5 là “Noi gương Mẹ Maria, Giáo phận Long Xuyên thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

 

Trước hết, từ mầu nhiệm Mân Côi năm sự Vui, chúng ta cùng học hỏi nơi Mẹ Maria 5 bài học cho sứ vụ loan báo Tin Mừng:

 

Bài học từ ngắm thứ nhấtđể có thể loan báo Tin Mừng, chúng ta phải sống thiết thân với Chúa Giêsu. Trong biến cố truyền tin (Lc 1, 26-38), Đức Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu nhập thể vào cuộc đời mình, Chúa Giêsu hiện diện trong Mẹ, và hơn nữa, trở thành máu thịt của Mẹ, trở thành một bào thai sống và lớn lên trong lòng Mẹ. Như vậy, trước hết và trên hết, những sứ giả Tin Mừng của giáo phận Long Xuyên cần phải có một đức tin sống động, được xây dựng trên nền tảng là gặp gỡ Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được biến đổi trở nên sứ giả của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm.

 

Bài học từ ngắm thứ hai là nhiệt tình với sứ vụ. Ngay sau khi đón nhận Chúa Giêsu nhập thể vào lòng mình, Mẹ Maria vội vã lên đường, đem Chúa Giêsu trong lòng mình đến gia đình bà Isave (Lc 1, 39-56). Với cuộc thăm viếng này, Đức Mẹ đã giới thiệu Chúa Giêsu cho thánh Gioan Tiền Hô còn trong lòng bà Isave, và Chúa Thánh Thần hoạt động để gia đình bà Isave đón nhận Tin Mừng là chính Chúa Giêsu cùng với ơn cứu độ của Người. Công cuộc loan báo Tin Mừng của giáo phận Long Xuyên phải được thực hiện bằng sự nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ. Sự dấn thân cho sứ vụ được biểu lộ bằng sự để lại đàng sau những tiện nghi, những thói quen, những người thân… để ra đi loan báo Tin Mừng với niềm tín thác vào Chúa và tin tưởng vào lòng tốt của con người.

 

Bài học từ ngắm thứ ba là hiện diện cách khiêm tốn. Trong biến cố sinh con trong hang đá Belem (Lc 2, 1-20), Mẹ Maria đã hiện diện bên cạnh Con một cách khiêm tốn của cảnh nghèo, của người bị loại trừ khỏi xã hội, để làm bạn với người nghèo và giới thiệu Tin Mừng Giáng Sinh cho người nghèo sống bên lề xã hội là các mục đồng. Trên cánh đồng sứ vụ bao la của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách sống âm thầm và khiêm tốn là yêu cầu được đặt ra cho các sứ giả Tin Mừng khi hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình. Sự hiện diện khiêm hạ của các thừa sai phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.

 

Bài học từ ngắm thứ tư là Can đảm sống niềm tin và tử đạo. Trong biến cố dâng con trong Đền thờ (Lc 2, 22-35), Đức mẹ đã giới thiệu Chúa Giêsu cho cụ ông Simeon và can đảm chấp nhận thân phận đau khổ cùng với con như lời tiên tri về con và về mình: “Trẻ này còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (c.34). Tiếp tục công trình của các vị tiền bối tử đạo, điển hình là hai thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng, mọi thành phần dân Chúa của giáo phận cần chấp nhận dấn thân cho sứ vụ với mồ hôi, nước mắt, cùng máu đổ ra trên phần đất Long Xuyên để trở thành “hạt giống phát sinh Kitô hữu” cho giáo phận.

 

Bài học từ ngắm thứ năm là xây dựng sự hiệp nhất. Đức Mẹ cùng thánh Giuse và Chúa Giêsu tại Nazareth (Lc 2, 41-52) đã hình thành gia đình của Thiên Chúa, là hiện thân của Nước Thiên Chúa, nước của yêu thương và hiệp nhất. Để xây dựng gia đình của Thiên Chúa trên phần đất Long Xuyên, các thừa sai rao giảng Tin Mừng cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, đây phải là đường hướng của giáo phận: “Tham gia, hiệp thông, đồng trách nhiệm vì sứ vụ”. Chúng ta sẽ gặt hái kết quả của sứ vụ loan báo Tin Mừng khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.

 

Anh chị em thân mến!

Giáo phận Long Xuyên đã và đang tiếp tục dấn thân thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời (Mc 16,15) dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình. Hướng về phía trước, chúng ta cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội, cũng như những sự kiện đang diễn ra trong Giáo hội. Nhờ đó, chúng ta ý thức Giáo phận đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu, là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng trên thế giới cũng như tại miền Tây Nam bộ của đất nước Việt Nam. Những thay đổi về nhân sinh quan, về xã hội, về môi sinh, và các tương quan, đang là những thách đố, bao gồm những thời cơ và nguy cơ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Đối diện với những thách đố này, chúng ta chiêm ngắm và học hỏi nơi Mẹ Maria là mẫu gương cho giáo phận trong công cuộc làm chứng cho những giá trị Tin Mừng của Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Vì thế, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận được mời gọi thực hiện những sinh hoạt cụ thể sau đây:

 

1/ Trong tháng Hoa, nhiều giáo xứ giáo họ tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ. Ước mong các cuộc dâng hoa trở thành sinh hoạt đạo đức hội nhập văn hóa đúng nghĩa, để con cái của Mẹ được phúc lành của Mẹ trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Để được như vậy, giáo phận khích lệ gắn liền việc dâng hoa với việc lần chuỗi Mân Côi và cung nghinh tượng Đức Mẹ.

 

2/ Noi gương Mẹ Maria đi thăm bà Isave, chúng ta, cá nhân hay tập thể, được khích lệ thực hiện các cuộc thăm viếng, trong cũng như ngoài giáo xứ, giáo họ, với ý muốn giới thiệu Tin Mừng Chúa Kitô cho anh chị em. Trong các cuộc thăm viếng này, chúng ta như Mẹ Maria, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần hoạt động cho sứ vụ loan báo Tin Mừng

 

3/ Giữa thiên nhiên cô tịch của đêm khuya mùa giá rét tại hang đá Belem, Mẹ đã giới thiệu Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các mục đồng. Xin ơn phúc lành của Mẹ, chúng ta và cùng với anh chị em trong cộng đoàn chăm sóc môi trường sống thiên nhiên, xanh, sạch, đẹp, và an toàn, nơi ta và anh chị em ta đang sinh sống, và cũng là nơi đang được biến đổi trở thành trời mới đất mới.

 

4/ Bên cạnh làm sạch môi trường thiên nhiên, chúng ta còn có trách nhiệm làm sạch môi trường sống xã hội, cụ thể là loại trừ các hình thức bạo hành trong gia đình, làm sạch các tệ trạng xã hội, loại bỏ các hình thức bóc lột và bất công, Hơn nữa, chúng ta được cổ vũ cùng nhau xây dựng một xã hội theo tinh thần của Kinh Hòa Bình, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… 

 

5/ Để có thể thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu, chúng ta noi gương Mẹ Maria, sống khiêm tốn trong các tương quan. Cụ thể, giáo phận quan tâm đến việc tổ chức các bữa tiệc. Theo hướng dẫn của giáo phận, các bữa tiệc cần được tổ chức làm nổi bật 5 vẻ đẹp: vẻ đẹp đạo đức, vẻ đẹp bác ái, vẻ đẹp hiệp nhất, vẻ đẹp truyền thống, và vẻ đẹp giản đơn. Chính trong vẻ đẹp này, chúng ta đang giới thiệu Tin Mừng Chúa hiện diện với khuôn mặt vui tươi, hiếu khách, và chúc phúc.

 

Chúng ta kính dâng những nỗ lực loan báo Tin Mừng của giáo phận như những bông hoa muôn sắc hương lên Mẹ Maria, xin Mẹ chúc phúc cho chúng ta.

 

+ Giuse Trần Văn Toản

Giám mục giáo phận Long Xuyên

..Phản ứng cảm động của một giám mục trẻ khi nhận tin mình được bổ nhiệm

Phản ứng cảm động của một giám mục trẻ khi nhận tin mình được bổ nhiệm




  • ..................................................

 

Linh mục Christian Carlassare, nhà truyền giáo 43 tuổi người Ý kể lại phản ứng của cha khi nhận tin mình được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Rumbek, Nam Xu-đăng ngày 8 tháng 3.

 

Cha có biệt danh là “Người Ý Nam Sudan” hay “Người Dinko trắng”. Cha Christian Carlassare, nhà truyền giáo người vùng Comboni, nước Ý, hiện truyền giáo ở Nam Xu-đăng, ngày 8 tháng 3 năm 2021, cha được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục của giáo phận Rumbek (Nam Xu-đăng). Cha chỉ mới 43 tuổi, và có lẽ là giám mục trẻ thứ hai trên thế giới (Giám mục Rumania Cristian Crişan được phong giám mục năm 2020 khi ngài 38 tuổi), Linh mục Christian Carlassare đã có phản ứng đáng kinh ngạc khi sứ thần gọi cho linh mục. Linh mục kể trên báo Ý Corriere della Sera.

 

Linh mục Christian Carlassare – Missionari Comboniani

 

Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Xu-đăng đã liên lạc với linh mục như sau: “Chúng tôi vừa nhận tin Đức Thánh Cha bổ nhiệm linh mục làm giám mục giáo phận Rumbek.” Lúc đó linh mục trẻ không biết trả lời sao cho hợp lý, cha lắp bắp: “Nhưng không có cách nào để bàn trước chuyện này hay sao? Tôi không có kinh nghiệm (…) Tôi có giáo dân của tôi ở trên vùng thảo nguyên (…) và tôi không biết cách nào để làm việc bàn giấy”.

 

Trong gần một giờ, cha đưa ra nhiều lập luận, vừa sợ hãi, vừa cảm xúc trước tin này. Khi đó sứ thần nói với cha: “Chà, vậy thì tôi đoán cha sẽ nhận lời!” Và linh mục thốt lên câu trả lời: “Xin cha chờ tôi, tôi có thể gọi cha trong một giờ nữa được không?”.

 

Lời cầu nguyện phó thác của chân phước Charles de Foucauld

Quá kinh ngạc, cha Christian đi xuống nhà nguyện, quỳ gối và trước khi đọc lời cầu nguyện phó thác của chân phước Charles de Foucauld “Lạy Cha, con xin phó thác vào tay Cha!”, linh mục nhìn đăm đăm vào Chúa Kitô trên thập giá, cha nhìn lại mười lăm năm sống trong cảnh hỗn loạn ở Nam Xu-đăng.

 

Mười lăm năm thử thách, chất vấn nhưng cũng là niềm vui sâu đậm tỏa ra từ những người đi truyền giáo. Một niềm vui chưa rời cha kể từ khi cha nhận lời bổ nhiệm làm giám mục.

 

Sau hai tháng được bổ nhiệm, tân giám mục Nam-Xu đăng bị bắn

 

Gần hai tháng sau khi được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Rumbek ở Nam-Xu đăng, sau nửa đêm 25-26 tháng 4, giám mục Christian Carlassare bị những người vũ trang lạ mặt tấn công và bắn, ngài đang được hồi phục.

 

Theo tạp chí chính thức Nigrizia của Dòng Truyền giáo Comboni, vụ tấn công xảy ra chỉ sau nửa đêm 25-26 tháng 4 khi hai người đàn ông vũ trang đột nhập vào tòa giám mục và bắn vào chân giám mục Carlassare.       

 

Giám mục được điều trị tại một bệnh viện ở Rumbek, nhưng do mất nhiều máu nên ngài sẽ sớm được chuyển đến Juba và sau đó đến Nairobi, Kenya để được truyền máu.

 

Ngài đã gọi cho gia đình để nói về vụ việc và trấn an họ ngài được an toàn. Trong cuộc nói chuyện với bề trên chi nhánh Ý của Hội Truyền giáo Comboni, giám mục Carlassare xin nhà Dòng “cầu nguyện, nhưng không quá chú trọng vào tôi, nhưng cầu nguyện nhiều cho người dân Rumbek, những người đang đau khổ hơn tôi”.

 

Vụ tấn công này xảy ra chỉ hai tháng sau khi giám mục Carlassare được bổ nhiệm đến Rumbek, và chưa đầy một tháng kể từ khi ngài được chính thức nhận nhiệm sở trong một buổi lễ ngày 16 tháng Tư.

 

Giám mục Carlassare, 43 tuổi là một trong những giám mục trẻ nhất của Giáo hội công giáo mà trọn đời sống mục vụ đã phục vụ tại một trong những khu vực khó khăn và nguy hiểm nhất thế giới.

 

Giám mục Carlassare chào đời năm 1977 tại  Schio thuộc tỉnh Vicenza nước Ý. Ngày 8 tháng 3 – 2021, giám mục được bổ nhiệm linh mục giám mục giáo phận Rumbek, Nam-Xu đăng, một vị trí đã bị bỏ trống trong 10 năm qua, sau cố giám mục Cesare Mazzolari qua đời năm 2011. Cả hai giám mục Carlassare và Mazzolari đều thuộc Dòng Truyền giáo Comboni. Lễ phong chức chính thức dự trù vào ngày 23 tháng 5 sắp tới.

 

Giám mục khấn Dòng năm 2003, sau khi có bằng cử nhân thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian và bằng truyền giáo học ở Giáo hoàng Học viện Urbanô ở Rôma.

 

Năm 2004, một năm sau khi chịu chức, giám mục đến Nam-Xu đăng, phục vụ ở nhiều tỉnh và phụ trách một số chức vụ lãnh đạo trong Dòng Truyền giáo Comboni. Sau khi giám mục Mazzolari qua đời năm 2011, ngài được  bổ nhiệm làm điều phối viên giáo phận ở Rumbek, chức vụ ngài giữ cho đến ngày được phong làm giám mục.

 

Nam-Xu đăng từ lâu là đất nước Đức Phanxicô rất quan tâm, ngài hứa sẽ đến thăm đất nước này nếu các nhà lãnh đạo có thể thực hiện một thỏa thuận hòa bình đã bị trì trệ từ lâu, thỏa thuận này sẽ chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo dài nhiều năm, đã là một trong những cuộc xung đột nhân đạo lớn nhất trên thế giới.

 

Trong cuộc phỏng vấn trên báo Nigrizia trước tai nạn, giám mục Carlassare cho biết hy vọng của ngài cho tương lai của Nam-Xu đăng là ở giới trẻ của đất nước: “Tôi mơ người trẻ ở Nam-Xu đăng có thể thực hiện được ước mơ của họ, rằng họ sẽ không bị buộc phải cầm vũ khí hoặc phải rời đất nước, rằng họ có thể đi học và tìm được việc làm để xây dựng tương lai, mang lại sự ổn định cho đất nước.”

 

Ngài cũng nói đến sự cần thiết phải trao quyền cho phụ nữ trong nước: “Tôi ước mơ các cô gái trẻ của Nam Xu-đăng có thể tự giải phóng mình và không hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu gia đình họ, họ có thể chọn lựa các chọn lựa riêng của mình trong tự do hoàn toàn.”

 

Marta An Nguyễn dịch

GP. Hà Tĩnh: Thánh lễ tạ ơn Khai mạc sứ vụ Giám quản của Đức cha Louis

GP. Hà Tĩnh: Thánh lễ tạ ơn Khai mạc sứ vụ Giám quản của Đức cha Louis






 

Đức Thánh Cha truyền chức 9 tân linh mục

 

Đức Thánh Cha truyền chức 9 tân linh mục

Vào lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 25/4/2021, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền chức linh mục cho 9 phó tế, nhân dịp Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 58. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha là Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, Đức cha Gianpiero Palmieri, Phó Giám quản Roma, một số hồng y, giám mục, giám đốc đại chủng viện và các linh mục.

Ngọc Yến - Vatican News

Trong số 9 tiến chức lần này, có 5 vị xuất thân từ Đại chủng viện Roma, 2 vị đến từ chủng viện “Redemptoris Mater- Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, và sau cùng 2 vị khác đến từ hai học viện khác ở Roma.

Nghi thức tuyển chọn

Sau phần phụng vụ Lời Chúa là nghi thức truyền chức linh mục, bắt đầu với phần giới thiệu và tuyển chọn. 9 tiến chức khi được gọi tên, đều thưa ”Này con đây” và tiến lên. Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, xin Đức Thánh Cha truyền chức cho các ứng viên và ngài tuyên bố chọn 9 thầy vào hàng linh mục.

Được Chúa Giêsu chọn để thi hành sứ mạng của Người

Trong bài giảng thuộc nghi thức tiếp đó, trước hết, hướng về cộng đoàn, Đức Thánh Cha  nói: “Anh chị em thân mến, những người con này của chúng ta được kêu gọi trở thành linh mục. Chúng ta hãy suy tư một cách cẩn thận về thừa tác vụ mà họ sẽ được nâng lên trong Giáo hội. Như anh chị em đã biết, trong Tân Ước, chỉ có Chúa Giêsu là thượng tế duy nhất; nhưng trong Người tất cả dân thánh Chúa được thiết lập trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để nhân danh Người họ thi hành cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội, vì mọi người. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng ta chuẩn bị nâng các anh em này của chúng ta lên hàng linh mục để phục vụ Chúa Kitô, là thầy, tư tế và mục tử. Họ sẽ cộng tác xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo hội, trong dân Chúa và đền thánh của Thánh Thần”.

Linh mục không phải là một nghề, nhưng là một sự phục vụ

Hướng về các tiến chức, Đức Thánh Cha nói: “Còn với các con, những người con rất yêu dấu, các con chuẩn bị được tiến lên chức linh mục, các con hãy suy nghĩ đến việc thi hành thừa tác vụ giảng dạy thánh thiêng, các con sẽ tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô, vị thầy duy nhất. Như Người, các con là những vị mục tử, và đây là điều Chúa muốn. Những vị mục tử của dân thánh trung tín của Chúa. Những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, ở giữa và sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, với dân Chúa”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, ơn gọi linh mục không phải là một nghề nghiệp, đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như chính Chúa đã làm cho dân Người. Vì vậy các linh mục phải học cách phục vụ dân như Chúa. Đó là sự gần gũi, thấu hiểu và dịu dàng.

Gần gũi với dân Chúa

Đức Thánh Cha quảng diễn về bốn sự gần gũi mà một linh mục cần phải có:

Trước hết là sự gẫn gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong Thánh Lễ. Thưa chuyện với Chúa, ở gần bên Chúa. Trong Người, Con Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Tất cả lịch sử của Người Con: Chúa cũng gần gũi với các con, với mỗi người trong các con, trong hành trình cuộc sống của các con cho đến giây phút này. Ngay cả trong những giây phút đen tối của tội lỗi, Người ở đó. Hãy gần gũi với dân thánh trung tín của Chúa. Nhưng trước hết hãy gần gũi với Thiên Chúa, bằng cầu nguyện. Một linh mục không cầu nguyện dần dần ngọn lửa Thánh Linh bên trong sẽ bị dập tắt.

Gần gũi với Giám mục

Sự gần gũi thứ hai là gần gũi với Giám mục. Ngài nói: “Các con hãy gần gũi với Giám mục. Bởi vì trong Giám mục, các con có sự hiệp nhất. Các con không phải là tôi tớ nhưng là những người cộng tác với Giám mục. Cha nhớ có một lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp điều không may. Và điều đầu tiên cha nghĩ đến là gọi cho Giám mục. Ngay cả trong những lúc tồi tệ, hãy gọi Giám mục để ở gần ngài. Hãy gần gũi với Chúa trong cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Mặc dù không thích Giám mục, nhưng Giám mục là cha của các con. Nhưng các con có thể nói Giám mục đối xử với tôi rất tệ! Hãy khiêm tốn, hãy đến với Giám mục”.

Gần gũi với các linh mục khác

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thứ ba là sự gần gũi giữa các con với nhau. Cha đề nghị một điều này: Đừng bao giờ nói xấu một người anh em linh mục. Nếu các con có điều gì đó không thuận với người khác. Hãy đến với người đó và nói trực tiếp. Nếu không biết phải nói thế nào, hãy đến với Giám mục, ngài sẽ giúp các con. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ nói xấu. Sự hiệp nhất giữa các con: trong Hội đồng Giám mục, trong các ủy ban, trong công việc: hãy có sự gần gũi giữa các con và với Giám mục”.

Gần gũi với dân Chúa

“Và thứ tư đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với dân thánh trung thành của Chúa. Không ai trong các con học để trở thành linh mục. Các con đã nghiên cứu các môn khoa học Giáo hội, điều mà Giáo hội nói phải được thực hiện. Nhưng các con đã được chọn từ dân Chúa, Đừng quên nơi mà từ đó các con đã đến: gia đình, dân tộc các con. Đừng đánh mất ý thức về dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con… Và đó là dân của Chúa... Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: Anh em hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho anh em. Các con là linh mục của dân, các con không phải giáo sĩ của nhà nước!”

Lòng trắc ẩn và dịu dàng

Sau khi nói về bốn sự gần gũi, Đức Thánh Cha mời gọi các tiến chức học thêm nơi Chúa lòng trắc ẩn và dịu dàng. Ngài nói: “Các con đừng khép mình trước những vấn đề, những điều dân chúng đến nói với các con. Hãy dành thời gian lắng nghe và an ủi họ. Lòng trắc ẩn, đưa các con đến ơn tha thứ, lòng thương xót. Các con hãy có lòng thương xót và tha thứ, bởi vì Thiên Chúa tha thứ tất cả, Người không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Sự gần gũi và lòng trắc ẩn. Nhưng lòng trắc ẩn dịu dàng, với sự dịu dàng của gia đình, của anh chị em, của một người cha ... với sự dịu dàng đó khiến anh em cảm nhận anh em đang ở trong Nhà Thiên Chúa”.

Hãy tránh xa phù vân

Đức Thánh Cha còn nhắc nhở các tiến chức một điều thực tế trong cuộc sống: “Hãy tránh xa sự phù vân hư ảo, niềm kiêu hãnh của tiền bạc. Đừng để ma quỷ bước vào túi của các con. Các con hãy sống nghèo, như dân thánh của Chúa. Đừng bao giờ trở thành những viên chức trong Giáo hội”.

Theo Đức Thánh Cha, một khi linh mục thi hành sứ vụ như một viên chức nhà nước, trong giáo xứ, nơi trường học và ở bất cứ nơi đâu, linh mục sẽ mất đi sự gần gũi với mọi người. Để minh chứng cho điều này, Đức Thánh Cha kể lại một câu chuyện về một linh mục rất thông minh, có khả năng, nhưng lại quá gắn bó với công việc. Và một ngày kia khi biết có một cộng tác viên lớn tuổi phạm sai lầm, linh mục đã cho người này thôi việc. Và người này đã chết vì nguyên nhân này.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tiến chức hãy tìm nguồn an ủi nơi Đức Mẹ. Bởi vì trong vòng tay yêu thương của Chúa và Mẹ Maria chúng ta không phải sợ hãi, mọi sự sẽ tốt đẹp.

Nghi thức truyền chức

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha, nghi thức truyền chức được tiếp tục với kinh cầu các thánh, rồi ngài và một số linh mục đặt tay trên đầu 9 phó tế quì trước bàn thờ, trước khi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện truyền chức. Tiếp đến là các nghi thức bổ túc: mặc phẩm phục linh mục, xức dầu trên lòng bàn tay tiến chức, trao đĩa và chén thánh, sau cùng là trao ban bình an cho các tân chức.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi hôn tay từng vị tân chức và chào thăm gia đình của các tân linh mục. 

.................................................................................

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

CÁO PHÓ BÀ ISAVE NGUYỄN THỊ TƯƠI KHU 5

 CÁO PHÓ 

Một người con của giáo xứ
 



Bà ISAVE NGUYỄN THỊ TƯƠI sinh năm 1951.
Hiện ngụ tại khu 5, giáo xứ Cần Xây
Vừa được Chúa gọi về lúc 11 giờ 25 ngày 23/04/2021
HƯỞNG THỌ 70 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 11 giờ 25 ngày
24-04-2021
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 26-04-2021, sau đó an táng tại đất thánh giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ISAVE sớm hưởng thánh nhan Chúa

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho Ơn gọi

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho Ơn gọi






SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI

CẦU CHO ƠN GỌI (2021)

 

 

 

vietnamese.rvasia (23.4.2021) – Chúa nhật 25/4/2021 sắp tới là Ngày Thế giới cho Ơn gọi lần thứ 58. Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một sứ điệp với đề tài: “Thánh Giuse: giấc mơ ơn gọi”, trong đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh Giuse tuân theo thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng thay đổi những dự phóng và ước muốn riêng của mình, tận tụy hiến thân phục vụ và sau cùng, là trung thành với ơn gọi trong cuộc sống thường nhật.

 

Đức Thánh Cha nhắc đến bốn giấc mơ của thánh Giuse được Tin mừng nói đến (Mt 1,20; 2,13.19.22) và viết: “Sau mỗi giấc mơ, thánh Giuse đã phải thay đổi chương trình và nhập cuộc, hy sinh các dự phóng riêng để chiều theo các dự phóng huyền nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân đã tín thác đến cùng... Thánh Giuse đã để cho các giấc mơ hướng dẫn không chút do dự, tại vì con tim của thánh nhân hướng về Thiên Chúa, và đã sẵn sàng đối với Chúa. Điều này cũng có giá trị đối với những tiếng gọi cho chúng ta: Thiên Chúa không thích tỏ mình ra một cách ngoạn mục, cưỡng bách tự do của chúng ta. Chúa biểu lộ cho chúng ta những dự phóng của Ngài một cách dịu dàng. Và như Chúa đã làm với thánh Giuse, Ngài cũng đề nghị cho chúng ta những mục tiêu cao cả và gây ngạc nhiên. Chỉ khi nào tin tưởng phó thác cho ơn thánh, bỏ qua những chương trình và những tiện ích riêng, ta mới thực sự thưa “xin vâng” đối với Thiên Chúa. Và mỗi lời thưa “xin vâng” đều mang lại hoa trái, vì tuân theo một ý định cao cả hơn, mà chúng ta chỉ thấy những chi tiết nhỏ, nhưng Chúa biết và tiến hành, để biến mỗi cuộc sống thành một kiệt tác. Theo nghĩa đó, thánh Giuse là hình ảnh gương mẫu về sự đón nhận các dự phóng của Thiên Chúa”.

 

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ mong ước rằng: “Thật là đẹp dường nào nếu trong các chủng viện, các tu viện, các nhà xứ của chúng ta cũng tràn ngập một bầu khí đơn sơ, và rạng rỡ, thanh thản và hy vọng. Đó là niềm vui mà tôi cầu chúc anh chị em, những người quảng đại đã chọn Chúa làm giấc mơ của đời mình, để phụng sự Chúa nơi những người anh em, chị em, được ủy thác cho anh chị em, qua sự trung thành, vốn là một chứng tá, trong một thời đại có những chọn lựa chóng qua, và những cảm xúc biến tan mà không để lại niềm vui”. (Rei 19-3-2021)

 

Giuse Trần Đức Anh, O.P

 Nguồn: vietnamese.rvasia

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Giáo phận nào có nhiều linh mục nhất thế giới?

 

Giáo phận nào có nhiều linh mục nhất thế giới?




 

Nhiều người hành hương khi sang Ý thì đến Rome vì lịch sử Kitô giáo tuyệt vời của kinh thành vĩnh cửu. Những nơi khác – như Assisi, San Giovanni Rotondo và Milan, được biết đến với bầu không khí kinh doanh và giao dịch thời trang thế giới – thường bị bỏ qua. Trong khi thủ đô của vùng Lombard thường không gợi nhớ đến tâm linh, thì có lẽ đáng ngạc nhiên khi chúng tôi nói với quý vị và anh chị em rằng Milan có một truyền thống tôn giáo lâu đời. Những khách hành hương nhận thấy một chuyến viếng thăm Milan là một hành trình bổ ích và đáng giá.

 

Thành phố của các vị thánh và linh mục

Rất ít giáo phận Công Giáo trên khắp thế giới có thể tự hào như Milan. Thành phố có hai trong bốn vị vừa là Giáo phụ Latinh vừa là các Tiến sĩ của Hội Thánh: Thánh Ambrôsiô và Thánh Augustinô. Thánh Ambrôsiô từng là tổng giám mục của Milan vào thế kỷ thứ 4 và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong toàn bộ thời kỳ giáo phụ.

 

Thánh Augustinô thành Hippo học ở Milan. Bị hấp dẫn bởi những gương sáng của Thánh Ambrôsiô, ngài đã hoán cải sau khi nghe các bài giảng của thánh nhân. Cùng với mẹ mình, Thánh Monica, Augustinô được Thánh Ambrôsiô rửa tội trong nhà thờ lớn của thành phố vào Lễ Vọng Phục sinh năm 387. Thánh Augustinô đã viết về sự hoán cải của mình trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài, là cuốn Tự Thú.

 

Một vị tổng giám mục thánh thiện khác từng ngồi trên ngai tòa giám mục của Milan là Thánh Charles Borromeo vào thế kỷ 16. Gần đây hơn, vào thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, mỗi người đã rời khỏi Milan sau khi được bầu vào vị trí giáo hoàng ở Rôma.

 

Ngày nay, Tổng giáo phận Milan vẫn là một giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, và có nhiều linh mục hơn bất kỳ giáo phận nào khác trên thế giới.

 

Một thực tế Công Giáo gây tò mò khác là Milan là một trong số ít các Giáo Hội địa phương trong thế giới Công Giáo phương Tây có nghi thức phụng vụ lịch sử của riêng mình: Nghi thức Ambrôsiô. Trái ngược với nghi thức La Mã thông thường được cử hành hầu như ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội Công Giáo, Nghi thức Ambrôsiô của Milan vẫn được sử dụng trong phần lớn Tổng giáo phận Milan và các khu vực lân cận.

 

VCN

ĐTC Phanxicô (18/4): Nhìn, chạm và ăn - 3 đặc tính của con người


ĐTC Phanxicô (18/4): Nhìn, chạm và ăn - 3 đặc tính của con người

Sau nhiều tuần đọc Kinh Truyền Tin và Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại thư viện Dinh Tông Toà do những hạn chế vì đại dịch, trưa 18/4, Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô và cùng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu. Trước khi đọc kinh, ĐTC có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh với 3 từ: nhìn, chạm và ăn.

Văn Yên, SJ - Vatican News 

Bài huấn dụ cửa Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Nhật III Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, nơi Phòng Tiệc Ly, theo như lời của hai môn đệ Emmaus, những người đã bừng cháy khi nghe những lời của Chúa Giêsu trên đường đi và sau đó nhận ra Người “khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35). Giờ đây, nơi Phòng Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ và chào họ: “Bình an cho anh em!” (câu 36). Nhưng họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Sau đó, Chúa Giêsu chỉ cho họ những vết thương trên thân thể Người và nói: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Người hỏi họ thức ăn và ăn trước cái nhìn ngỡ ngàng của họ. (x. cc 41-42).

Ở đây có một chi tiết đặc biệt. Tin Mừng cho biết các Tông đồ “không tin vì mừng quá”. Đó thật là niềm vui đến nỗi họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, kinh ngạc; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn bạn đến sự ngạc nhiên: nó vượt trên cả sự hăng hái, trên cả niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Điều vui mừng này khiến họ nghĩ: không, đây không thể là sự thật!... Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đoạn Tin Mừng này đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta: nhìn, chạm và ăn. Ba hành động này có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giê-su đang sống.

“Hãy nhìn chân tay Thầy đây”, Chúa Giêsu nói. Nhìn, để ý, không chỉ là nhìn mà còn bao hàm cả ý hướng và ý muốn. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ giỏi nhìn bệnh nhân cẩn thận... Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt khỏi những khó khăn và đau khổ của người khác.

Động từ thứ hai là chạm. Bằng cách mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy Người không phải là ma, Chúa Giê-su chỉ cho họ và cho chúng ta rằng mối quan hệ với Người và với anh em chúng ta không thể “ở khoảng cách xa”, không tồn tại một Kitô giáo xa cách, không tồn tại một Kitô giáo chỉ dừng lại ở cái nhìn. Tình yêu đòi hỏi sự gần gũi, tiếp xúc, chia sẻ cuộc sống. Người Samari nhân hậu không chỉ nhìn người nửa sống nửa chết trên đường: ông dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho người ấy, chạm đến người ấy và đặt người ấy lên lưng lừa và đưa về quán trọ. Và cũng vậy với chính Chúa Giêsu: yêu mến Người có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sự sống, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó chúng ta đến với động từ thứ ba là ăn, động từ diễn tả rất rõ con người của chúng ta trong sự nghèo hèn tự nhiên nhất của nó, đó là nhu cầu của chúng ta để nuôi sống bản thân. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của lễ hội... Nhiều lần, các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích sống động này; ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh, với các môn đệ của Người, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu hiệu đặc trưng cho cộng đoàn Kitô hữu. Cùng nhau ăn chính thân mình của Đấng Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Người sống; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Người làm cho chúng ta vui mừng, đến độ không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự ngạc nhiên mà chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa mới ban được, bởi vì Chúa Giêsu là một Người sống. Là Kitô hữu, không phải trước hết là một học thuyết hay một lý tưởng đạo đức, mà là một mối tương quan sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được Người nuôi dưỡng và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, chúng ta cũng nhìn, chạm và nuôi dưỡng người khác như anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.


Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Chương trình chầu lượt tại giáo xứ Cần Xây chúa nhật ngày 11/04/2021

 CHƯƠNG TRÌNH CHẦU LƯỢT 

TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY 

CHỦ NHẬT NGÀY 11/04/2021 

Chúa nhật ngày11/04/2021giáo xứ Cần Xây thay mặt giáo phận chầu lượt xin mọi người hãy bớt chút thời gian để đến chầu thánh thể theo giờ của khu mình hoặc đi chầu nhiều giờ nếu có thể 



Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

ĐTC Phanxicô: Các thánh trên trời luôn muốn giúp chúng ta nhận ơn Chúa

ĐTC Phanxicô: Các thánh trên trời luôn muốn giúp chúng ta nhận ơn Chúa

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến ​​chung sáng ngày 7/4/2021, Đức Thánh Cha nói lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ đơn độc nhưng liên đới chúng ta cách mầu nhiệm với những người đi trước đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy tín thác cho sự chuyển cầu của các thánh.

Hồng Thủy - Vatican News

Đức Thánh Cha nói rằng khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình: ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó, chúng ta thấy mình ở giữa rất nhiều lời khẩn cầu trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, cho nhu cầu của cá nhân và của toàn thế giới, vì chúng ta cùng cầu nguyện với tất cả các thánh trong sự hiệp thông của Thân Mình Chúa Ki-tô là Giáo hội. Các thánh không ngừng chuyển cầu cho chúng ta.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tạ ơn Chúa về món quà của các thánh và tín thác chúng ta cho sự chuyển cầu của các ngài.

Rất nhiều câu chuyện là câu chuyện cuộc đời của mỗi người

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Trong những lời cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh, thường vang lên trong phụng vụ, chúng ta tìm thấy những câu chuyện cổ xưa, những cuộc giải thoát kỳ diệu, những cuộc trục xuất và lưu đày đau buồn, những cuộc trở về tràn đầy cảm xúc, những lời ca tụng vang lên trước những kỳ quan của tạo vật… Và như thế, những tiếng nói này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong sự đan xen liên tục giữa kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm của con người và nhân loại mà chúng ta thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, khỏi lịch sử của dân tộc mình; chúng ta luôn mang theo di sản này trong thói quen và cả trong lời cầu nguyện.

Những lời cầu nguyện tốt đẹp đó lan tỏa

Trong lời cầu nguyện ngợi khen, đặc biệt là lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim của những trẻ nhỏ và những người khiêm hạ, vang vọng những lời của kinh Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước sự hiện diện của người chị họ Elizabeth; hay câu cảm thán của cụ già Simeon, người đang ôm Hài Nhi Giêsu trên tay, đã nói: “Giờ đây, theo lời Chúa đã hứa, xin để tôi tớ Người được an bình ra đi” (Lc 2,29).

Những lời cầu nguyện tốt đẹp đó “lan tỏa”, như bất kỳ điều tốt nào, tự chúng không ngừng lan truyền, dù được hay không được đăng trên mạng xã hội: từ các khoa ở bệnh viện, từ những khoảnh khắc tụ tập vui tươi mừng lễ đến những lúc mà chúng ta âm thầm đau khổ… Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người, và hạnh phúc của một người được truyền sang tâm hồn người khác.

Sự chuyển cầu của các thánh

Đức Thánh Cha nhận xét: Lời cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi lần chúng ta chắp tay và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những người đang cầu nguyện với chúng ta và những người đã khẩn cầu cho chúng ta như những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cùng cuộc phiêu lưu của con người. Trong Giáo Hội không có nỗi đau buồn nào là của một cá nhân, không có giọt nước mắt nào bị rơi trong quên lãng, bởi vì mọi người thở và tham dự vào một ân sủng chung.

Ngài lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà trong các nhà thờ cổ xưa, người ta chôn cất người chết trong những khu vườn xung quanh nhà thờ, như để nói rằng, theo một cách nào đó, những người đi trước chúng ta tham dự vào mỗi Thánh lễ. Có cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, có những người cha mẹ đỡ đầu của chúng ta, những giáo lý viên của chúng ta và những giáo viên khác ở đó…

Các thánh: những đám mây nhân chứng

Đức Thánh Cha khẳng định: Các thánh vẫn ở đây, không xa chúng ta; và hình ảnh của các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn bao quanh chúng ta (xem Hr 12,1). Họ là những chứng nhân mà chúng ta không tôn thờ nhưng tôn kính và theo hàng ngàn cách khác nhau, họ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Một vị thánh mà không đưa bạn đến với Chúa Giê-su Ki-tô thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Ki-tô hữu. Vị thánh nhắc nhở bạn về Giê-su Ki-tô thánh nhân đã đi theo lối sống của Ki-tô hữu. Các vị thánh nhắc nhở rằng ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi yếu đuối và tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể nở hoa.

Không bao giờ là quá trễ để hoán cải

Ngay cả vào thời khắc cuối cùng chũng ta vẫn có thể hoán cải. Đức Thánh Cha nhắc rằng vị thánh đầu tiên được phong thánh là một tên trộm, và không phải bởi một Giáo hoàng nào mà bởi chính Chúa Giêsu. Thánh thiện là một hành trình sống, gặp gỡ Chúa Giêsu, dù dài hay ngắn, dù trong tích tắc. Một vị thánh là một nhân chứng, một người đã gặp Chúa Giêsu và đã theo Người. Không bao giờ quá trễ để hoán cải trở về với Chúa, Đấng tốt lành và vô cùng yêu thương (xem Tv 102, 8).

Liên đới trong cầu nguyện

Nhắc lại Giáo lý Công giáo, Đức Thánh Cha giải thích rằng các thánh “không ngừng quan tâm đến những kẻ còn ở trần gian... và chúng ta có thể và có bổn phận xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới (GLCG 2683).

Đức Thánh Cha nói: Chúng ta cảm nghiệm được mối liên kết cầu nguyện giữa chúng ta và các thánh ngay từ ở đây, trong cuộc sống trần thế: chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta cầu xin và dâng những lời cầu nguyện ... Cách đầu tiên để cầu nguyện cho ai đó là nói với Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên, mỗi ngày, trái tim của chúng ta không đóng lại, nó mở ra với các anh chị em. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và thúc đẩy chúng ta đến sự gần gũi cụ thể. Ngay cả trong những lúc xung đột, cách để giải tỏa xung đột, làm dịu nó là cầu nguyện cho người mà tôi đang xung đột. Và điều gì đó thay đổi nhờ lời cầu nguyện. Điều đầu tiên thay đổi là trái tim của tôi, đó là thái độ của tôi. Chúa thay đổi nó để có thể có  một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ mới và tránh để cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến bất tận.

Cách đầu tiên để đối mặt với thời gian khốn khó là cầu xin các anh em, đặc biệt là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc rằng tên mà chúng ta được đặt khi lãnh nhận bí tích rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Nó thường là tên của Đức Trinh Nữ, của một vị Thánh, những người không chờ đợi gì hơn là “giúp chúng ta một tay” trong cuộc sống, giúp chúng ta một tay để nhận được từ Thiên Chúa những ân sủng mà chúng ta cần nhất.

Các thánh chúng ta không biết giúp chúng ta một tay

Theo Đức Thánh Cha, nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức hết chịu nỗi, nếu chúng ta vẫn có khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi việc chúng ta vẫn tiến bước một cách tin cậy, có lẽ tất cả điều này nhờ sự chuyển cầu của tất cả các thánh, một số vị đang ở trên Thiên đàng, những vị khác đang lữ hành trên trái đất như chúng ta, những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì chúng ta đều biết ở trên trái đất này có các vị thánh, các thánh nam nữ sống thánh thiện, những vị thành hàng ngày, những vị thánh âm thầm hoặc các vị thánh ở nhà bên cạnh, những người cùng sống và cùng làm việc với chúng ta, những người sống một cuộc sống thánh thiện.

 

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

CHÚA GIÊSU VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY


CHÚA GIÊSU VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ CẦN XÂY

 

Chúng ta đang kỷ niệm và sống lại những ngày thương khó của Chúa Giêsu, vì thế cảnh tượng các nhà thờ trong tuần thánh thật ảm đạm: không hoa, ảnh tượng phủ màu tím, các bài đọc chuẩn bị cho cái chết, sự phản bội và cuộc chia ly của Chúa với các môn đệ. Chiều thứ năm chúng ta cùng theo chân Chúa vào phòng tiệc ly, vườn cây dầu, cũng như diễn biến hành trình Chúa bị bắt, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị đóng đinh và chết trên thập tự. Hãy sống trong Chúa Giêsu để cảm nghiệm cuộc thương khó của Người

Là con người ai cũng phải chết nhưng mọi người đều mong cái chết đến một cách nhẹ nhàng không đau đớn, có lẽ vì thế mà rất ít người biết được giờ chết và chết cách nào để bớt hoang mang, sợ hãi. Chúa là Thiên chúa và là con người, Ngài nhìn thấy thấu suốt về từng chi tiết cái chết của ngài: bị đánh ra sao, gai đâm thế nào, bao nhiêu cực hình, đóng đinh chân tay… sợ đến nỗi mồ hôi và máu chảy ra. Tâm trạng của Chúa khi vào vườn cây dầu cầu nguyện, Ngài bắt đầu cảm thấy buồn sầu xao xuyến thốt lên với ba môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26, 38).

Thầy cần các ông như nguồn an ủi trong cơn khốn khó, Thầy cần những người bạn tâm phúc. Những lúc các ông gặp khó khăn chính Thầy đến để an ủi trợ giúp. Lúc này thầy đang buồn sầu và biết mình sắp chết, Thầy xin các ông ở lại để canh thức với Thầy. Hóa ra trong mọi cơn thách đố của cuộc đời, ai cũng cần người thân để nương tựa, cần trợ lực để vượt qua. Những bệnh nhân và những người sắp lìa cõi đời càng cần người thân bên cạnh. Tiếc là các ông không hiểu Thầy đang phải chịu những gì; do đó mắt các ông trĩu nặng. Chúng ta cũng đang nhắm mắt vì tội lỗi đã làm chúa cô đơn nhưng Chúa vẫn vì ta thông cảm cho ta cũng như các môn đệ.

Thánh Mát-thêu kể tiếp sau lần cầu nguyện thứ nhất, Thầy quay lại chỗ ba môn đệ. Buồn thay, các ông đang ngủ. Thầy lay Phê-rô dậy, Gio-an và Gia-cô-bê cũng tỉnh giấc. Thầy nhắc ba ông: “Thế ra anh em không thể thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26, 40-41).

Nỗi buồn của Chúa Giêsu gia tăng khi các môn đệ thân tín của mình hồn nhiên ngủ. Thật ra sau một ngày ròng rã với Thầy, một Bữa Tiệc Ly dài có thể với ít nhiều rượu, nhiều thông điệp Thầy trao, họ đều mệt mỏi vả buồn ngủ! Thầy thông cảm và tiếp tục đi cầu nguyện một mình với Chúa Cha.

Rồi Lần thứ hai Thầy đi cầu nguyện. Tôi cảm nhận được bước chân Thầy trĩu nặng, chiếc áo thấm đẫm mồ hôi, mặc dù trời lúc này là đêm, sương rơi gió mát. Thầy tuôn mồ hôi mà theo thánh Luca ghi nhận là như những giọt máu rơi xuống đất. Khi trở lại thấy các ông vẫn đang ngon giấc. Mắt các ông không chiến thắng được cơn buồn ngủ dù các ông biết cần phải canh thức với Thầy. Đúng là xác thịt thì yếu đuối khiến các ông khó canh thức với Thầy. Thầy không đánh thức các ông vẫn thông cảm để cho các ông ngủ.

Thầy đi cầu nguyện lần thứ ba vẫn một nội dung như hai lần trước. Những cực hình khủng khiếp Thầy đã nhìn thấy. Thầy sấp mặt xuống cầu nguyện cùng với Cha. “Áb-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc14, 36). Lúc này Chúa Giêsu bị đặt trong mối giằng co giữa sự sống và lòng tuân phục Chúa Cha. Nhưng dẫu sao, là con người, tâm trạng Chúa không tránh khỏi nỗi buồn sầu đau trước giờ lâm tử.

Đúng là một sự dằn vặt vô kể giữa sự sợ hãi và vâng phục để cứu nhân loại trầm luân, Thầy Giêsu đã có câu trả lời minh thị từ Chúa Cha: Thầy phải chết để cứu độ con người! Từ lúc đó, Thầy đón nhận tất cả và theo như mạch văn của thánh Gioan, Thầy chủ động trong cuộc khổ nạn. Thầy đứng dậy, đến chỗ các môn đệ và nói: “Lúc này còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới.” (Mt26, 45-45).

Dù biết các môn đệ yếu đuối, con người chúng ta yếu đuối nhưng cuối cùng Chúa vẫn kêu gọi họ đứng dậy, ta đi nào, đi về đích của vinh quang nhưng sẽ phải trải qua đau thương.  


Bị hành hạ, bị đánh đập, bị làm nhục, bị đóng đinh nhưng chưa một lúc nào trong cuộc hành trình lên đồi Can vê Người không tha thứ. Theo Thánh Luca, cái chết của Chúa Giêsu rửa sạch mọi thứ, tha thứ và chữa lành. Tất cả mọi tội lỗi nặng nề thế nào đi nữa nếu có lòng ăn năn đều được tha thứ hết. Để làm rõ điều này chúng ta theo Chúa lên đồi Can vê

Đầu tiên là vụ bắt Chúa Giêsu ở Vưòn Giếtsêmani, Thánh Luca kể, khi một trong các môn đệ chém người đầy tớ của vị thượng tế làm người này bị đứt tai, Chúa Giêsu sờ vào tai người đầy tớ và chữa lành. Theo Thánh Luca, sự chữa lành của Chúa Giêsu bao gồm mọi hoàn cảnh, thậm chí cả trong hoàn cảnh cay đắng, phản bội và bạo lực. Cuối cùng ân sủng của Chúa sẽ chữa lành cả những tổn thương do hận thù.

          Kế đó, sau khi Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, Chúa Giêsu quay lại nhìn ông Phêrô với ánh nhìn yêu thương, cảm thông làm ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Ánh nhìn đó không phải là dấu hiệu của tuyệt vọng và buộc tội, một ánh nhìn làm Phêrô khóc vì hổ thẹn, đúng hơn đây là cái nhìn thấu hiểu và thông cảm mà Phêrô chưa bào giờ thấy trước đây, làm ông nhẹ nhõm khóc, biết rằng mọi chuyện sẽ ổn và ông được bình tâm.

Một điều đặc biệt Thánh Luca kể về phiên tòa Chúa Giêsu trước Philatô, một vấn đề không có trong các phúc âm khác, biết Chúa Giêsu thuộc thẩm quyền của vua Hêrôđê, Philatô đã gởi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê và hai người này cho đến thời điểm này vẫn là kẻ thù của nhau, nhưng bắt đầu từ “hôm đó hai người thân thiện với nhau.” Như Ray Brown nói về bản văn này “Chúa Giêsu có tác dụng chữa lành ngay cả với những người ngược đãi Ngài.”

Trên Thánh giá Ngài nói những lời mà giờ ai cũng biết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Những lời này được các tín hữu kitô luôn xem là tiêu chuẩn tối hậu trong cách đối xử với kẻ thù, những người đối xử xấu với chúng ta. Chúa thấy và hiểu cả trong các hành động xấu xa nhất của chúng ta: không phải là ý xấu nhưng làm điều gì đó vì sự thiếu hiểu biết, a dua không cưỡng lại được.

Trong bối cảnh này Ngài cũng tha thứ cho người trộm lành. Điều ngài nhấn mạnh ở đây, vượt lên cả những chuyện hiển nhiên, người trộm lành được tha thứ không phải vì nó không có tội, nhưng bất chấp tội của nó như thế nào, nó nhận nhiều vô hạn hơn những gì nó xin. Chỉ một câu “Khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi”; và cuối cùng Chúa Giêsu sẽ không chết khi chưa làm xong việc, phải xóa tội cho người này trước. “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đáng với ta”

Cuối cùng trong lời kể của Thánh Luca, ngược với Thánh Mác-cô và Mathêu, Chúa Giêsu không chết trong từ bỏ nhưng chết trong sự tin tưởng hoàn toàn: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Thánh Luca muốn chúng ta thấy nơi những lời này một tấm gương theo cách mà chúng ta đối diện với chính cái chết của mình, dù chúng ta yếu đuối như thế nào. Leon Bloy có lần đã viết, “điều buồn duy nhất trong cuộc đời, đó là không nên thánh. Vào cuối giờ, khi mỗi người đối diện với chính cái chết của mình, khi đó hối tiếc lớn nhất của chúng ta, là chúng ta đã không thánh thiện”. Hãy tin tưởng Chúa cho dù khi chết chúng ta còn đang trong tình trạng yếu đuối hãy biết rằng chúng ta đang chết trong bàn tay nhân lành của Chúa. Theo thánh Luca: “Cái chết của Chúa Giêsu rửa sạch mọi thứ, mỗi chúng ta và cả thế giới. Chúa chữa lành tất cả, thông hiểu tất cả và tha thứ tất cả – dù chúng ta thiếu hiểu biết, yếu đuối và phản bội”. 

Để dọn tâm hồn cho mỗi người hòa nhập được vào cuộc thương khó của Chúa và lãnh nhận được nhiều hồng ân cũng như sự tha thứ của Chúa. Giáo xứ Cần Xây đã tổ chức mời cha khách về giảng phòng 2 buổi, ngồi tòa trong ngày tĩnh tâm và các buổi sáng lễ đèn. Các nghi thức đã được chuẩn bị tốt nhằm hướng mọi người vào cuộc thật sự với Chúa Giêsu. Chúc mọi người sống thật sự với tam nhật vượt qua và hồng ân phục sinh cũng như hưởng được các ơn toàn xá trong ngày thứ năm, thứ 6, thứ 7 và chủ nhật phục sinh.

Thiên Sinh

 






Hình ảnh thứ 6 tuần thánh









Hình ảnh thứ 5 tuần thánh












Chủ nhật phục sinh