label

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Trực Tuyến: Thánh lễ Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi (lúc 5g00’ sáng)

 

Trực Tuyến: Thánh lễ Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi (lúc 5g00’ sáng)






Thánh lễ trực tuyến sẽ bắt đầu lúc 5g00' sáng Chúa Nhật 30 tháng 5 năm 2021, tại nhà nguyện Tòa Giám mục Long Xuyên. 

 

 

Xem trên kênh youtube: 

https://www.youtube.com/channel/UC9vCVKplUk2GOhU2vUbBdwA

 

Đức Thánh cha bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích

 

Đức Thánh cha bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích






 
Hôm 27/5/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Arthur Roche, người Anh, làm tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, kế nhiệm Đức Hồng y Robert Sarah về hưu.
 

Arthur-Roche.jpg
 

Đức Tổng giám mục Arthur Roche, tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích | Vatican News

 

Cho đến nay, Đức Tổng giám mục Roche là Tổng thư ký của Bộ này. Ngài năm nay 71 tuổi (1950), nguyên là giám đốc Học viện Anh tại Roma, rồi làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Anh quốc, trước khi được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Birmingham năm 2001, rồi làm Giám mục Chính tòa giáo phận Leeds. Năm 2012, ngài được thăng Tổng giám mục Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích.

 

Cùng ngày 27/5/2021, Đức Thánh cha đã chọn Đức cha Vittorio Francesco Viola, người Ý, dòng Phanxicô, cho đến nay là Giám mục giáo phận Tortona, tân Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, và thăng Tổng giám mục.

 

Đức Thánh cha cũng bổ nhiệm tân Phó Tổng thư ký của Bộ này, là Đức ông Aurelio García Marcias, người Tây Ban Nha, cho đến nay là Chánh văn phòng của cùng Bộ này.

 

(Rei 27-5-2021)

 

G. Trần Đức Anh, O.P.

(rvasia.org 27.05.2021)

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

THÔNG BÁO Số: 01/2021/TB-TGMLX Về việc phòng chống dịch COVID -19 trong tình hình hiện nay

 TÒA GIÁM MỤC LONG XUYÊN

 

THÔNG BÁO

Số: 01/2021/TB-TGMLX

Về việc phòng chống dịch COVID -19 trong tình hình hiện nay

 

Kính gửi: Cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận Long Xuyên.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, đã có một số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại nhiều tỉnh thành trong những ngày gần đây.

 

Trong tinh thần chia sẻ trách nhiệm và cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Công Văn số 1988/BNV-TGCP của Bộ Nội Vụ đề ngày 07 tháng 05 năm 2021, Công văn số 822/SNV-BTG của Sở Nội Vụ tỉnh An Giang, Công văn số 591/UBND-KGVX của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, và Công văn số 110/ BTG-HCTH của Sở Nội vụ TP. Cần Thơ, Tòa giám mục đề nghị mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận thực hiện những điểm sau đây:

 

1- Hãy chủ động và tích cực phòng chống dịch bệnh qua việc thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn của các cơ quan hữu trách tại địa phương, cụ thể là thực hiện giải pháp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

 

2- Hãy sống trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, và cộng đồng để dịch bệnh không lây lan. Đồng thời hãy sống bác ái bằng sự quan tâm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời dịch bệnh này.

 

3- Những người vì hoàn cảnh dịch bệnh không thể đến nhà thờ, thì được miễn chuẩn luật buộc tham dự lễ Chúa nhật và Lễ trọng. Tuy nhiên, vẫn có bổn phận thực hiện những công việc đạo đức khác tại tư gia như: suy gẫm Lời Chúa, lần hạt Mân Côi, lần hạt Lòng Chúa Thương Xót, tham dự Thánh Lễ trực tuyến ...  

 

4- Các mục tử hãy có những sáng kiến mục vụ thích hợp để mang lại lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

 

5- Mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận hãy siêng năng cầu nguyện, hy sinh và làm việc bác ái, để trong niềm tín thác, xin Chúa ban cho thế giới sớm vượt qua cơn đại dịch này. Cụ thể, toàn thể Giáo phận hãy đọc kinh Xin Ơn Chữa Lành trong các giờ kinh nguyện của cá nhân hay cộng đoàn.

 

Nguyện xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh cả Giuse ban muôn phúc lành xuống trên anh chị em và gìn giữ anh chị em trong bình an của Chúa Phục Sinh.

 

                          Long Xuyên, ngày 13 tháng 05 năm 2021                                                                                                                     

            Giuse Trần Văn Toản

          Giám mục giáo phận Long Xuyên

Ấn ký

Vatican công bố Hướng dẫn Mục vụ cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận

Vatican công bố Hướng dẫn Mục vụ cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận






Được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, ngày 18/5 Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố Hướng dẫn Mục vụ cho việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận. Tài liệu trình bày những động cơ lý tưởng và những khả năng có thể thực hiện được để Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận trở thành cơ hội phát huy tiềm năng hướng thiện, lòng quảng đại, khát khao những giá trị đích thực và những lý tưởng cao cả mà mỗi người trẻ mang trong mình.
 

bo-dao-nha.jpg
 

Các bạn trẻ Bồ Đào Nha nhận Thánh giá Ngày Giới trẻ Thế giới

 

Tài liệu của Bộ trước hết nhắc lại rằng Ngày Giới trẻ Thế giới, như Đức Gioan Phaolô II đã giải thích lý do thành lập, để Giáo hội càng dấn thân quan tâm đến người trẻ. Vì những lý do học hành, kinh tế, không phải mọi người trẻ đều có thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế, do đó, thật là một điều tốt cho mọi người trẻ có cơ hội tham dự Ngày này ở cấp địa phương.

 

Có ý nghĩa đối với toàn cộng đồng Giáo hội địa phương

 

Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành ở từng địa phương không chỉ có ý nghĩa và giá trị cho người trẻ mà còn cho toàn thể cộng đoàn giáo hội địa phương. “Nó giúp nâng cao nhận thức của toàn thể cộng đoàn giáo hội - giáo dân, linh mục, tu sĩ, gia đình, người lớn và người già - về sứ mạng truyền đức tin cho các thế hệ trẻ.”

 

Hướng dẫn Mục vụ của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống giúp các Hội đồng giám mục, Hội đồng của các Tòa Thượng phụ và Giám mục trưởng, để “Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận” có thể được trải nghiệm đầy đủ như một khoảnh khắc kỷ niệm “dành cho những người trẻ” và “với những người trẻ”.

 

 Ưu tiên mục vụ của Giáo hội dành cho người trẻ

 

Tài liệu của Bộ khuyến khích các giáo hội địa phương đánh giá cao tầm quan trọng việc cử hành ở giáo phận, như là cơ hội đưa ra và áp dụng các sáng kiến cho thấy rằng Giáo hội xem sứ vụ với người trẻ là một ưu tiên mục vụ trong đó Giáo hội đầu tư thời gian và các nguồn lực. “Chúng ta cần bảo đảm rằng những thế hệ trẻ cảm thấy rằng họ ở trung tâm sự chú ý và quan tâm mục vụ của Giáo hội.”

 

Cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận vào lễ Chúa Ki-tô Vua

 

Tài liệu gửi đến các giáo phận lời mời gọi cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới ​​vào ngày Lễ trọng Chúa Kitô Vua Vũ trụ. "Thực ra, ý muốn của Đức Thánh Cha là vào ngày này, Giáo hội hoàn vũ đặt người trẻ vào trung tâm hoạt động mục vụ của Giáo hội, cầu nguyện cho họ, thực hiện các cử chỉ khiến người trẻ trở thành nhân vật chính, thúc đẩy các chiến dịch truyền thông."

 

"Lời công bố quan trọng phải được nhắm đến đối với những người trẻ và đó phải là trọng tâm của mọi Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành vào ngày Chúa Kitô Vua là: hãy đón nhận Chúa Kitô! Chào mừng Người là Vua trong cuộc sống của bạn! Người là một vị Vua đã đến để cứu độ! Không có Người thì không có hòa bình thực sự, không có hòa giải nội tâm thực sự và không có hòa giải thực sự với người khác! Nếu không có Vương quốc của Người, xã hội cũng mất đi gương mặt con người của nó. Không có Vương quốc của Chúa Kitô, tất cả tình huynh đệ thực sự và tất cả sự gần gũi đích thực với những người đau khổ sẽ biến mất."

 

Những điều căn bản của Ngày Giới trẻ Thế giới

 

Một số điều căn bản của Ngày Giới trẻ Thế giới được tài liệu nhấn mạnh, đó là: Ngày Giới trẻ Thế giới là “lễ hội đức tin”, “kinh nghiệm của Giáo hội”, “kinh nghiệm truyền giáo”, “cơ hội phân định ơn gọi” và “lời mời nên thánh”, “kinh nghiệm hành hương” và “kinh nghiệm về tình huynh đệ đại đồng”.

 

Để người trẻ giữ vai trò tích cực

 

Một điều quan trọng của Ngày Giới trẻ Thế giới là lôi kéo người trẻ tham gia vào tất cả các bước lập kế hoạch mục vụ của Ngày Giới trẻ Thế giới, vì họ là người hiểu ngôn ngữ và các cách làm việc của người trẻ, họ là những người có thể đến với người trẻ qua nghệ thuật, truyền thông xã hội, … Do đó Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống khuyến khích ban tổ chức can đảm để người trẻ tham gia và ủy thác cho họ vai trò tích cực.

  

Tài liệu kết luận: “Việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới cấp giáo phận chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong đời sống của mỗi Giáo hội cụ thể. Đó là một thời khắc đặc biệt gặp gỡ các thế hệ trẻ và là một công cụ của việc loan báo Tin Mừng cho thế giới người trẻ và đối thoại với họ. Chúng ta đừng quên rằng ‘Giáo hội có rất nhiều điều để nói với người trẻ, và người trẻ có rất nhiều điều để chia sẻ với Giáo hội.” (CSR_3614_2021)

 

Hồng Thủy

 

ĐTC thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội đồng giám mục lần tới


ĐTC thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội đồng giám mục lần tới

Ngày 21/5/2021, được Đức Thánh Cha phê chuẩn, Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố một tài liệu hướng dẫn, nói về việc thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội đồng giám mục lần tới, được dự định vào tháng 10/2023. Theo đó, Thượng Hội đồng giám mục không còn được tiến hành hoàn toàn ở Vatican nhưng có thể ở từng Giáo hội cụ thể ở 5 châu lục, theo một hành trình 3 năm với 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục, và hoàn vũ.

Hồng Thủy - Vatican News

Con đường hiệp hành này là điều đã được Đức Thánh Cha mong muốn kể từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Tài liệu viết: “Một tiến trình công nghị toàn diện sẽ chỉ được thực hiện cách đích thực nếu các Giáo hội địa phương tham gia vào tiến trình đó. Các Giáo hội địa phương chỉ có thể tham gia cách đích thực nếu các cơ quan trung gian của Thượng Hội đồng cũng tham gia; tức là các Thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng tư vấn và Hội đồng của các Giáo hội độc lập, và các Hội đồng Giám mục quốc gia, khu vực và châu lục.”

Con đường Công nghị: từ khai mạc vào tháng 10/2021 đến đại hội vào tháng 10/2023
Con đường Công nghị: từ khai mạc vào tháng 10/2021 đến đại hội vào tháng 10/2023

Đức Thánh Cha khai mạc tại Vatican

Đây sẽ là lần đầu tiên một Thượng Hội đồng được tổ chức cả bên ngoài Vatican. Hành trình Thượng Hội đồng sẽ được bắt đầu tại Vatican với sự tham dự của Đức Thánh Cha vào các ngày 9 và 10/10 năm nay.

Giai đoạn cấp giáo phận để tham vấn cộng đoàn Dân Chúa

Sau đó, các giáo hội địa phương sẽ bắt đầu hành trình của họ vào Chúa Nhật 17/10, dưới sự chủ tọa của Giám mục giáo phận. Mục đích của giai đoạn này là tham vấn cộng đoàn Dân Chúa. Do đó, Ban Thư ký Thượng Hội đồng sẽ gửi tài liệu chuẩn bị kèm theo bảng câu hỏi và một cẩm nang các đề xuất để thực hiện việc tham vấn trong từng Giáo hội địa phương.

Trước tháng 10 năm nay, mỗi giám mục sẽ bổ nhiệm một người chịu trách nhiệm cấp giáo phận như là điểm tham chiếu và kết nối với Hội đồng giám mục. Và Hội đồng giám mục sẽ bổ nhiệm một người hay một nhóm chịu trách nhiệm liên lạc với Ban Thư ký của Thượng Hội đồng.

Các đóng góp sẽ được gửi đến Hội đồng Giám mục của quốc gia của họ. Các giám mục sẽ nhóm họp trong một thời gian để phân định, và sẽ làm một bản tóm tắt để gửi cho Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng. Tất cả những điều này được làm trước tháng 4/2022. Khi tài liệu đã được thu thập, Tài liệu Làm việc đầu tiên sẽ được soạn thảo, và sẽ được xuất bản và gửi đến các Giáo hội địa phương vào tháng 9/2022.

Giai đoạn cấp châu lục: đối thoại và phân định

Sau đó, từ tháng 9/2022 cho đến tháng 3/2023 sẽ bắt đầu giai đoạn hai – cấp châu lục. Mục đích của nó là để trao đổi về Tài liệu Làm việc. Cuối cùng, một tài liệu cuối cùng sẽ được soạn thảo, sẽ được gửi cho Ủy ban Tổng Thư ký vào tháng 3/2023. Ủy ban này sẽ tiến hành việc soạn thảo một Tài liệu Làm việc thứ hai, được dự kiến xuất bản vào tháng 6/2023.

Giai đoạn hoàn vũ: các giám mục họp tại Roma

Con đường hiệp hành sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 10/2023 với việc cử hành Đại hội đồng Giám mục ở Roma, theo các thủ tục được thiết lập trong hiến pháp Episcopalis Communio – Sự Hiệp thông của Giám mục. (CSR_3701_2021)

 

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Ủy ban Phụng tự: Thông báo về các lời khẩn cầu mới trong Kinh cầu Thánh Giuse

 

Ủy ban Phụng tự: Thông báo về các lời khẩn cầu mới trong Kinh cầu Thánh Giuse






HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ

 

THÔNG BÁO
VỀ CÁC LỜI KHẨN CẦU MỚI TRONG KINH CẦU THÁNH GIUSE

 

Ngày 1 tháng 5 năm 2021, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã thông báo đến các Hội đồng Giám mục về CÁC LỜI KHẨN CẦU MỚI TRONG KINH CẦU THÁNH GIUSE nhân dịp Hội Thánh hoàn vũ cử hành Năm Kính Thánh Giuse. Ủy ban Phụng tự đã chuyển ngữ nội dung thông báo cùng các lời khẩn cầu để xin Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận và cho phép sử dụng bản kinh đã bổ sung các lời khẩn cầu mới.

 

Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu bản tiếng Việt và phổ biến Kinh cầu Thánh Giuse với phần bổ sung những lời khẩn cầu mới. Đây là bản dịch chung được đối chiếu và tổng hợp từ nhiều bản dịch cũ và mới của các giáo phận trong nước đã quen dùng với một số khác biệt về phương ngữ và âm điệu.

 

Kể từ nay, bản dịch Kinh cầu Thánh Giuse này được phép sử dụng chính thức trong các cộng đoàn tín hữu.

 

Bà Rịa, ngày 18 tháng 5 năm 2021.

Đã ký

+ Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
Giám mục giáo phận Bà Rịa,
Chủ tịch Ủy ban Phụng tự

 

 

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH

Prot. N. 133/21

 

THƯ GỬI
CÁC CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VỀ CÁC LỜI CẦU MỚI TRONG KINH CẦU THÁNH GIUSE 

 

Vatican, ngày 1 tháng 5 năm 2021, lễ kính Thánh Giuse Thợ

Kính thưa Quý Đức Cha,

Nhân dịp kỷ niệm một trăm năm mươi năm ngày tuyên bố Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư Patris Corde, nhằm “thêm lòng yêu mến Thánh cả, khuyến khích cầu xin ngài chuyển cầu cho chúng ta và noi gương các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài”.

 

Theo đó, có lẽ nay là cơ hội cập nhật Kinh cầu Thánh Giuse, đã được Tòa thánh phê chuẩn vào năm 1909 (x. AAS 1 [1909] 290-292), bằng cách thêm bảy lời cầu xin trích từ những phát biểu của các Giáo hoàng khi suy gẫm về một số khía cạnh của Vị Bổn mạng Giáo hội hoàn vũ. Đó là: “Custos Redemptoris” (x. Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris custos); “Serve Christi” (x. Thánh Phaolô VI, bài giảng ngày 19 tháng 3 năm 1966, được trích dẫn trong Redemptoris custos số 8 và Patris Cord số 1); “Minister salutis” (Thánh Gioan Kim khẩu, được trích dẫn trong Redemptoris custos, số 8); “Fulcimen in difficultatibus” (x. ĐGH Phanxicô, Tông thư Patris Corde, phần mở đầu); “Patrone exsulum, afflictorum, pauperum” (Patris Corde, số 5).

 

Những lời cầu mới đã được trình lên Đức thánh cha Phanxicô và ngài đã chấp thuận đưa vào Kinh cầu Thánh Giuse, như trong văn bản đính kèm Thư này.

 

Các Hội đồng Giám mục sẽ dịch Kinh cầu sang các ngôn ngữ theo thẩm quyền của mình và ấn hành Kinh cầu ấy; những bản dịch này không cần sự xác nhận của Tông Tòa. Sau khi thận trọng suy xét, các Hội đồng Giám mục cũng có thể soạn thêm những lời cầu khác tuỳ theo lòng tôn kính Thánh Giuse tại các quốc gia, đặt vào chỗ thích hợp trong Kinh cầu và giữ nguyên thể loại văn chương của Kinh cầu.

 

Tôi vui mừng thông báo cho Quý Đức Cha biết và áp dụng điều khoản này, và cũng nhân cơ hội này xin gửi đến Quý Đức Cha lời chào quý mến.

 

Trân trọng trong Chúa,

+ Arthur Roche
Tổng giám mục, Thư ký

P. Corrado Maggioni, S.M.M.
Phụ tá thư ký

 

 

KINH CẦU THÁNH GIUSE
2021

Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
Thương xót chúng con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con
Thánh cả Giuse
Thánh Giuse là dòng dõi sang trọng vua Đavit
Thánh Giuse là Đấng sáng láng trên hết các Thánh Tổ phụ
Thánh Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Trời

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế
Thánh Giuse là Đấng thanh tịnh gìn giữ Đức Mẹ Đồng Trinh
Thánh Giuse dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời
Thánh Giuse hằng bênh vực Chúa Kitô

Thánh Giuse luôn ân cần phục vụ Chúa Kitô
Thánh Giuse cộng tác vào công cuộc cứu độ loài người

Thánh Giuse làm đầu Thánh Gia
Thánh Giuse là Đấng công chính
Thánh Giuse cực thanh cực tịnh
Thánh Giuse cực khôn cực ngoan
Thánh Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ
Thánh Giuse là Đấng rất vâng lời chịu lụy
Thánh Giuse là Đấng ngay chính tận trung
Thánh Giuse là gương nhân đức nhịn nhục
Thánh Giuse yêu chuộng nhân đức khó nghèo
Thánh Giuse là gương tốt lành cho người lao động
Thánh Giuse là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà
Thánh Giuse gìn giữ các kẻ đồng trinh
Thánh Giuse là như cột trụ cho mọi nhà được vững

Thánh Giuse là nơi nương tựa lúc gặp nguy nan
Thánh Giuse yên ủi kẻ gian nan khốn khó
Thánh Giuse làm cho kẻ bệnh tật được cậy trông

Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ kẻ lưu đày
Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ người sầu khổ
Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ kẻ túng nghèo

Thánh Giuse là quan thầy phù hộ những người hấp hối
Thánh Giuse các ma quỷ kinh khiếp
Thánh Giuse gìn giữ phù hộ Hội Thánh
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa Giêsu thương xót chúng con.
Xướng: Chúa đã đặt Thánh Giuse làm chủ nhà Chúa.
Đáp: Và coi sóc gia nghiệp Chúa

Lạy Chúa, Chúa đã an bài thật kỳ diệu,
khi chọn thánh Giuse
làm Bạn trăm năm của Thánh Mẫu Con Một Chúa,
xin cho chúng con
đang tôn kính Thánh cả là Đấng bảo trợ ở dưới thế,
cũng được Người làm Đấng chuyển cầu ở trên trời.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen

Năm điều cần biết về chức vụ thừa tác vụ giáo dân của giáo lý viên

 

Năm điều cần biết về chức vụ thừa tác vụ giáo dân của giáo lý viên






Một giáo lý viên chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu.

 

Ngày 10 tháng 5, Đức Phanxicô ký tự sắc Thừa tác vụ cổ kính, “Antiquum ministerium”, một mục vụ có từ rất xưa bằng tiếng la-tinh. Sau đây là những điểm cần để hiểu thừa tác vụ mới này, để nhận ra “tầm quan trọng của giáo dân trong công việc truyền bá phúc âm”.

 

1. Nhiệm vụ của giáo lý viên

Đức Phanxicô nhắc trong tự sắc, nhiệm vụ của giáo lý viên là đồng hành trong tất cả các giai đoạn của việc phúc âm hóa, “từ lời lời thông báo đầu tiên để giới thiệu Kerygma (trọng tâm đức tin kitô giáo), chỉ dẫn giúp chúng ta hiểu về đời sống mới trong Chúa Kitô (…) cho đến khi được đào tạo thường xuyên. Việc đào tạo này giúp cho bất cứ ai đã được rửa tội “ghi lại niềm hy vọng trong Ngài.” Người giáo lý viên là “nhân chứng đức tin, người thầy và nhà sư phạm, người đồng hành nhân danh Giáo hội giảng dạy”.

 

Nếu tất cả những người đã rửa tội đều được kêu gọi để thành giáo lý viên, thì bây giờ, theo yêu cầu của giám mục, “người giáo lý viên đầu tiên của giáo phận” thiết lập mục vụ mới này cho giáo dân, theo cách thức của các mục vụ hiện có như chức đọc sách và giúp lễ. Tuy nhiên, ngài cảnh báo chống lại bất kỳ hình thức giáo sĩ hóa nào.

 

2. Ai được gọi là giáo lý viên?

Thừa tác vụ mới này có “giá trị ơn gọi mạnh mẽ” bao gồm các “giáo dân có đức tin sâu đậm” và những người chín chắn “tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng.” Họ phải “có khả năng tiếp đón, quảng đại và có đời sống hiệp thông huynh đệ”. Một giáo lý viên phải đã có “kinh nghiệm dạy giáo lý trước” và phải được “đào tạo về Kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm”.

 

Chúng ta không thể quên rất nhiều giáo dân đã tham gia trực tiếp vào việc truyền bá Phúc Âm bằng cách dạy giáo lý.

Được bổ nhiệm bởi giám mục, các giáo lý viên “phục vụ Giáo hội địa phương” và phải là “cộng tác viên trung thành của các linh mục và phó tế”. Cuối cùng, Đức Phanxicô nhấn mạnh họ phải có “lòng nhiệt thành tông đồ thực sự”.

 

3. Thừa tác vụ này đến từ đâu?

Thừa tác vụ giáo lý không phải là một sáng kiến mới của Đức Phanxicô. Ngay từ những hàng đầu, Tự sắc đã viết: “Chức vụ giáo lý viên trong Giáo hội đã có từ rất lâu. Các nhà thần học đã thấy những ví dụ đầu tiên trong Tân Ước”. Đức Phanxicô trích dẫn một số ví dụ, trong đó có thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, đề cập đến “những người có trách nhiệm giảng dạy”.

 

Ngài cho thấy, sứ mệnh giáo lý viên này đã được các giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ thực hiện một cách hiệu quả trong hai ngàn năm nay, ngài giải thích: “Chúng ta không thể quên rất nhiều giáo dân đã tham gia trực tiếp vào việc truyền bá phúc âm qua việc dạy giáo lý.”

 

Ngài cũng nhắc lại, năm 1972 Đức Phaolô VI đã mời các hội đồng giám mục thúc đẩy “mục vụ giáo lý viên” trong số các mục vụ khác. Như thế, Đức Phanxicô đặt quyết định của mình vào Truyền thống vĩ đại của Giáo hội.

 

4. Tại sao bây giờ thành lập thừa tác vụ này?

Đức Phanxicô khẳng định: “Việc tông đồ giáo dân có một giá trị thế tục không thể chối cãi”. Một giá trị mà tầm quan trọng của Giáo hội đã được nhắc lại tại Công đồng Vaticanô II, trong đó giáo dân cam kết loan báo Tin Mừng. Dựa trên sắc lệnh Đến với muôn dân, Ad Gentes ban hành năm 1965, Đức Phanxicô nhấn mạnh chức năng của giáo lý viên “có tầm quan trọng lớn lao” trong nghĩa, có rất nhiều cách truyền bá Tin Mừng, trong khi chỉ có “một số nhỏ giáo sĩ”. Trong thế giới toàn cầu hóa “đòi hỏi một cuộc gặp gỡ đích thực với các thế hệ trẻ”, sự cộng tác của giáo dân trong việc dạy giáo lý đã trở nên không thể thiếu.

 

Cuối cùng, ngài nhấn mạnh, ngay cả ngày nay, Thần Khí cũng kêu gọi giáo dân nam nữ lên đường đến với những người chờ để biết cái đẹp, sự tốt lành và chân lý của đức tin kitô giáo. Tự sắc này cũng phải giúp khơi dậy lòng nhiệt thành cá nhân của tất cả những người đã được rửa tội, và làm sống lại ý thức trong việc kêu gọi để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cộng đồng”.

 

5. Cụ thể điều gì sẽ xảy ra?

Qua tự sắc này, Đức Phanxicô đưa ra thủ tục phải tuân theo để được áp dụng một cách cụ thể. Trước tiên, ngài yêu cầu Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đảm bảo, “càng sớm càng tốt” công bố “nghi thức tổ chức thừa tác vụ giáo dân giáo lý viên”

 

Ngài cũng xin các hội đồng giám mục làm cho mục vụ này trở nên “hiệu quả”, bằng cách thiết lập một quy trình đào tạo cần thiết và các tiêu chuẩn để đạt được mục đích này. Cuối cùng, văn bản cho biết, các thượng hội đồng Giáo hội Đông phương và các Hội đồng Giáo phẩm sẽ có thể nhận tự sắc này trên cơ sở quyền cụ thể của họ.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Lời biện hộ khẩn thiết của giáo hoàng để ủng hộ chính sách gia đình

Lời biện hộ khẩn thiết của giáo hoàng để ủng hộ chính sách gia đình




 

“Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của cho đi”, Đức Phanxicô lên tiếng báo động tại Rôma trong ngày thứ sáu 14 tháng 5, nhân cuộc hội thảo về Tình trạng Nhân khẩu, nhằm cổ động cho vấn đề nhân khẩu ở Ý.

 

Kể từ đầu giáo triều của ngài năm 2013, rất hiếm khi Đức Phanxicô gióng lên lời báo động để ủng hộ gia đình. Ngài phản ứng trước tình trạng suy giảm nhân khẩu học trầm trọng ở Ý cũng như ở châu Âu: “Một chính sách, một kinh tế, một thông tin và văn hóa thúc đẩy tỷ lệ sinh sản hiện nay là điều cần thiết.” Việc theo đuổi mục tiêu này đòi hỏi “các chính sách gia đình rộng rãi, không dựa trên sự đồng thuận trước mắt mà dựa trên lợi ích chung lâu dài”.

 

Ngài đã phát biểu vào sáng thứ sáu tại Rôma trong buổi hội thảo về nhân khẩu trước các nhân vật chính trị của Ý, trong đó có Thủ tướng Mario Draghi, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý. Ngài cũng chúc mừng chính phủ Ý vừa bỏ phiếu cho một chính sách nhân khẩu mới, trả 250 âu kim hàng tháng cho mỗi trẻ em cho đến 21 tuổi. Cho đến nay, chỉ có khoản tài trợ 130 âu kim cho mỗi gia đình, nhưng không phải cho tất cả.

 

Năm 2020, Ý đạt mức thấp nhất từ trước đến nay với tỷ lệ 1,24 trẻ em/phụ nữ, có 400.000 ca sinh hàng năm. Để so sánh, Pháp có 753.000 ca sinh mỗi năm. Ý hiện là quốc gia có nhiều người lớn tuổi nhất Âu châu – trung bình tuổi là 45 – và hàng năm mất đi một thành phố tương đương với hơn 200.000 dân.

 

“Điều gì thu hút chúng ta, gia đình hay con số doanh thu?”

Đó là lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Phanxicô. Ngài nói với Âu châu và với người Ý: “Lục địa già nua không còn thời vinh quanh, nhưng thời lớn tuổi , nếu gia đình không là trọng tâm của hiện tại, thì không có tương lai và nếu gia đình khởi đi lại thì mọi sự sẽ bắt đầu lại.”

 

Ngài cũng thẳng thừng tố cáo: “Tôi nghĩ đến  nỗi buồn của những phụ nữ phải giấu bụng để không lộ ra mình có thai!”. Làm sao người phụ nữ lại có thể cảm thấy xấu hổ trước món quà đẹp đẽ nhất mà sự sống ban cho! Không phải người phụ nữ phải xấu hổ, nhưng là xã hội, bởi vì một xã hội không chào đón sự sống, xã hội đó không còn sự sống… Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của cho đi. Chúng ta phải tìm lại can đảm để cho đi, can đảm để chọn sự sống!” Sau đó, ngài đặt câu hỏi thiết yếu: “Đâu là kho báu của chúng ta, kho báu của xã hội, ở con cái hay ở tài chánh? Điều gì thu hút chúng ta, gia đình hay con số doanh thu?”

 

Và ngài cảnh báo: “Chúng ta sẽ không thể sản xuất và không chăm lo môi sinh nếu chúng ta không quan tâm đến gia đình và con cái. Sự tăng trưởng bền vững đi qua bằng con đường này”. Ngài nhắc lại: “Lịch sử dạy chúng ta, trong các giai đoạn tái thiết sau chiến tranh tàn phá châu Âu và thế giới trong những thế kỷ gần đây, không có khởi động lại nào mà không có sự bùng phát sinh sản, không có khả năng xây dựng niềm tin và hy vọng vào các thế hệ trẻ.”

 

“Giữ cho mình trẻ không phải là chụp hình selfie và chỉnh sửa hình”

Đức Phanxicô cũng tố cáo một loại “ung hoại tinh thần” ảnh hưởng đến mọi tương lai: “Điều cần thiết là những người trẻ phải tiếp xúc với những mô hình cao, đào tạo trái tim và tinh thần của họ”. Vậy mà, “thật đáng buồn khi các mô hình họ bắt chước chỉ là những mô hình luôn phải xinh đẹp, trẻ trung và phong độ. Tuổi trẻ không lớn lên bằng hào quang của ngoại hình, họ trưởng thành nếu họ được thu hút bởi những người dũng cảm theo đuổi ước mơ cao cả, hy sinh bản thân vì người khác, làm điều tốt cho thế giới.” Như thế, “giữ cho mình trẻ không phải là chụp chụp hình selfie hay chỉnh sửa hình, nhưng để một ngày nào đó mình nhìn lại mình trong mắt của con. Vậy mà đôi khi thông điệp lan truyền, muốn thể hiện thì phải  kiếm nhiều tiền và thành công, việc có con sẽ đi vào ngõ cụt, không nên có vì cản trở khát vọng cá nhân của mình”.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

ĐTC Phanxicô: Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Chúa nhật 16/5/2021, sau khi chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô với cộng đoàn tín hữu Myanmar ở Roma, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài giáo lý ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Biến cố Thăng thiên hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa nhân loại, và vì thế các tín hữu được mời gọi hãy vui mừng vì biến cố này.

Ngọc Yến - Vatican News

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: “Đoạn Tin Mừng (Mc 16,15-20) - phần kết của Tin Mừng thánh Marcô - trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục sinh với các môn đệ trước khi lên ngự bên hữu Chúa Cha”.

Theo Đức Thánh Cha, những cảnh chia tay thường buồn, làm cho người ở lại cảm giác hoang mang, bị bỏ rơi; nhưng tất cả điều này đã không xảy ra với các môn đệ. Mặc dù phải xa Chúa, các môn đệ không tỏ ra chán nản, trái lại, các môn đệ vui vẻ và sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới.

Thăng thiên hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa nhân loại

 “Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta cũng phải vui mừng khi Chúa Giêsu về trời? Vì sự thăng thiên hoàn thành sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật ra, nếu vì chúng ta mà Chúa từ trời xuống, thì cũng vậy vì chúng ta, Người lên trời. Sau khi xuống với nhân loại và cứu chuộc chúng ta, giờ đây Chúa lên trời mang theo thân xác của chúng ta. Chúa Giêsu là người đầu tiên bước vào thiên đàng, vì Chúa là người thật, là Thiên Chúa thật. Thân xác chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Bên hữu Chúa Cha hiện đang có một thân xác con người, thân xác Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta suy ngẫm về đích đến tương lai của chính mình. Ở đây không phải là sự bỏ rơi, bởi vì Chúa Giêsu vẫn ở với các môn đệ, với chúng ta. Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha trong tư cách là con người và là Thiên Chúa. Chúa Giêsu tỏ cho Chúa Cha thấy những vết thương, mà nhờ đó Người cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu ở đó đang cầu nguyện. Người là một trong chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Và điều này đem lại cho chúng ta niềm vui.

Vui mừng vì lời hứa ban Thánh Thần

Đức Thánh Cha giải thích tiếp lý do thứ hai chúng ta cần phải vui mừng: lời hứa của Giêsu “Thầy sẽ ban Thánh Thần cho anh em”. Trong lúc sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng đồng thời Chúa cũng ban Thánh Thần cho các ông. Chính Thánh Thần đã ban sức mạnh và niềm vui cho chúng ta. Chúa Giêsu đã về trời. Người ra đi với vết thương, đó là giá cho ơn cứu độ của chúng ta, và Chúa cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi người gửi Thánh Thần đến cho chúng ta, hứa ban Thánh Thần cho chúng ta, để chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng. Đây chính là niềm vui của ngày hôm nay, lễ Chúa Thăng thiên.

Kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: “Trong ngày lễ Thăng Thiên này, khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã thăng thiên ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa Phục Sinh trong thế giới trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống”.

---

 - KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG - 

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, một lần nữa Đức Thánh Cha bày tỏ sự lo ngại về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Cuộc xung đột đã làm cho nhiều người bị thương, rất nhiều thường dân vô tội bị chết, trong đó có nhiều trẻ em. Đức Thánh Cha mạnh mẽ nói: “Cái chết của những người dân vô tội, của trẻ em là một dấu hiệu cho thấy người ta không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó”. Ngài kêu gọi các bên bình tĩnh, những người có trách nhiệm phải chấm dứt sử dụng vũ khí, để cùng với cộng đồng quốc tế đạt đến hòa bình.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc mọi người, Chúa nhật hôm nay bắt đầu “Tuần lễ Laudato sì”, để giáo dục chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng kêu của trái đất và người nghèo. Ngài cũng cám ơn Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Phong trào Khí hậu Công giáo Thế giới, Caritas Quốc tế và các tổ chức khác đã tổ chức Tuần lễ này, đồng thời mời gọi mọi người tham gia sáng kiến.


Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta dù chúng ta có thể không biết

 

ĐTC Phanxicô: Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta dù chúng ta có thể không biết

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng 12/5/2021, Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện không phải dễ dàng vì bản tính con người chúng ta dễ chia trí, chán nản. Ngài khuyên chúng ta theo gương các thánh, dù trong đêm tối của đời sống nội tâm, luôn kiên trì cầu nguyện hơn. Ngài khẳng định rằng chúng ta không bao giờ cô độc vì Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta,dù chúng ta có thể không biết.

Hồng Thủy - Vatican News

Sau 6 tháng phải tổ chức các buổi tiếp kiến chung trực tuyến vì tình hình đại dịch vẫn còn nghiêm trọng, sáng thứ Tư 12/5,  Đức Thánh Cha Phanxicô lại có thể gặp gỡ trực tiếp các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso ở nội thành Vatican.

Đức Thánh Cha đi xe hơi đến sân Damaso giữa tiếng hô “Viva Papa” của các bạn trẻ. Sau khi chào các linh mục thông dịch các ngôn ngữ chính, Đức Thánh Cha nhận những bức tranh của các trẻ em, chào một phụ nữ ngồi xe lăn, và ngài đi vòng quanh chào hỏi, trò chuyện với các tín hữu, nhận và ký tặng các món quà của một số tín hữu. Khoảng 500 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến đến từ các miền nước Ý, từ Hoa Kỳ, Colombiacũng tỏ ra rất vui mừng khi được nhìn thấy Đức Thánh Cha sau một thời gian dài.

Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến nói về đề tài “cuộc chiến thiêng liêng”. Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện không luôn luôn là điều dễ dàng, vì bản tính con người chúng ta thường bị chia trí hoặc bị cám dỗ bởi những ưu tiên dường như quan trọng hơn. Lời cầu nguyện có thể bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm chán nản, buồn bã hoặc thất vọng của con người chúng ta. Trong thực tế, nhiều vị thánh đã trải qua thời gian dài của sự khô khan về thiêng liêng và thậm chí là tăm tối. Các ngài dạy chúng ta rằng cách đáp trả duy nhất đối với những cám dỗ này là sự kiên trì hơn.

Thánh I-nhã sử dụng hình ảnh quân đội để nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật trong nỗ lực của chúng ta để phục vụ dưới ngọn cờ của Chúa Kitô. Thánh Antôn đã học được từ những trận chiến thiêng liêng khó khăn khắc nghiệt trong sa mạc rằng mặc dù đôi khi Chúa dường như vắng mặt giữa những cuộc chiến này, nhưng Người vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Trong nỗ lực kiên trì cầu nguyện hàng ngày, chúng ta có thể tin tưởng rằng cuộc chiến thiêng liêng của chính chúng ta, giống như cuộc chiến của Gia-cóp với thiên thần (xem St 28,16), sẽ sinh hoa kết quả trong mối quan hệ sâu sắc và trưởng thành hơn với Chúa.

Buổi tiếp kiến được bắt đầu với việc lắng nghe đoạn sách thánh trích từ Thánh vịnh 10 (1.12-14):

Lạy CHÚA, sao Chúa nỡ đứng xa,

ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?

Lạy CHÚA, xin đứng dậy ra tay,

xin đừng quên những người nghèo khổ.

Sao kẻ ác dám khinh thường Thiên Chúa,

dám nhủ thầm : “Chúa chẳng phạt đâu!”

Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương,

Chúa để ý, tự tay lo liệu.

Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa,

kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì.

Niềm vui gặp gỡ

Trước khi bắt đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất vui khi gặp lại nhau “diện đối diện”. Ngài nói rằng thật không vui khi nói mà không có cử tọa, khi phải nói chỉ với máy quay phim, nhưng thật tuyệt vời khi gặp dân chúng, mỗi người  với câu chuyện đời mình, những người ở xa nhưng luôn đến gần với nhau. Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tín hữu và yêu cầu họ mang sứ điệp của ngài cho tất cả mọi người, đó là: “Tôi cầu nguyện cho tất cả và tôi xin tất cả hiệp nhất trong cầu nguyện, cầu nguyện cho tôi.”

Cầu nguyện không phải là điều dễ dàng

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Việc cầu nguyện của Ki-tô  giáo, giống như toàn bộ đời sống Ki-tô  hữu, không phải là một “cuộc dạo chơi”. Không một bậc thầy cầu nguyện nào mà chúng ta gặp trong Kinh Thánh và trong lịch sử Giáo hội lại có đời sống cầu nguyện "thoải mái". Cầu nguyện chắc chắn mang lại hòa bình tuyệt vời, nhưng thông qua một cuộc chiến nội tâm, đôi khi khó khăn, có thể gặp thấy trong suốt thời gian dài của cuộc đời. Cầu nguyện không phải là một điều dễ dàng. và vì thế chúng ta thường trốn cầu nguyện.

 Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, trong tâm trí ngay lập tức xuất hiện nhiều hoạt động khác, vào lúc đó dường như quan trọng và cấp bách hơn. Hầu như luôn luôn, sau khi trì hoãn việc cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng những điều đó không cần thiết chút nào, và chúng ta có thể đã lãng phí thời gian. Kẻ thù lừa dối chúng ta như thế.

Đêm tối tâm hồn

Đức Thánh Cha nói tiếp: Tất cả những con người của Thiên Chúa không chỉ kể lại niềm vui khi cầu nguyện, nhưng cả sự buồn chán và mệt mỏi mà nó có thể gây ra: đôi khi trung thành với việc giữ thời gian và cách thức cầu nguyện là một cuộc chiến đấu  khó khăn. Một số vị thánh đã cầu nguyện trong nhiều năm mà không cảm nếm được niềm vui, không nhận thức được sự hữu ích của cầu nguyện. Thinh lặng, cầu nguyện, tập trung là những bài tập khó, và đôi khi bản chất con người nổi loạn. Chúng ta thà ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhưng không phải ở đó, ngồi trên ghế nhà thờ đó để cầu nguyện. Những ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không dễ dàng, và đôi khi nó diễn ra gần như hoàn toàn trong bóng tối, không có điểm quy chiếu. Có những thời điểm đen tối trong đời sống đức tin mà các thánh gọi là “đêm tối tâm hồn”, bởi vì chúng ta không cảm thấy được điều gì. Nhưng chúng ta tiếp tục cầu nguyện.

Những kẻ thù của cầu nguyện

Sách Giáo lý liệt kê một danh sách dài những kẻ thù của sự cầu nguyện, những thứ gây khó khăn cản trở việc cầu nguyện (xem 2726-2728). Một số người nghi ngờ rằng lời cầu nguyện có thể thực sự đến được với Đấng Toàn năng: nhưng tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng? Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, Người có thể nói hai ba tiếng và chấm dứt sự việc. Đối mặt với sự khó nắm bắt của thần thánh, những người khác nghi ngờ rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý đơn thuần; là điều gì đó có thể hữu ích, nhưng không đúng và cũng không cần thiết: một người thậm chí có thể là một người cầu nguyện mà không phải là một người có đức tin.

Tuy nhiên, những kẻ thù tồi tệ nhất của sự cầu nguyện được tìm thấy trong chúng ta. Sách Giáo lý mô tả chúng: “Chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải) , thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa” (GLCG 2728). Đó rõ ràng là một danh sách tóm tắt; nó có thể được mở rộng.

Kiên trì cầu nguyện hơn

Chúng ta phải làm gì khi bị cám dỗ, khi mọi thứ dường như lung lay? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử tu đức, ngay lập tức chúng ta thấy rằng các bậc thầy của linh hồn biết rất rõ ràng về tình huống mà chúng ta đã mô tả. Để vượt qua nó, mỗi người trong số họ đều đưa ra một số đóng góp: một lời nói khôn ngoan, hoặc một gợi ý để đối phó với những thời điểm khó khăn. Vấn đề không phải là những lý thuyết phức tạp, mà là những lời khuyên được đúc kết từ kinh nghiệm, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bền vững và kiên trì trong lời cầu nguyện.

Lời khuyên của thánh I-nhã

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xem lại ít nhất một số lời khuyên này, bởi vì mỗi lời khuyên đều đáng được khám phá thêm. Ngài nói: Ví dụ, các Bài Linh thao của Thánh I-nhã là một cuốn sách ngắn chứa đầy sự khôn ngoan tuyệt vời, dạy cách sắp xếp trật tự cuộc sống của mình. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu là chiến đấu, đó là quyết định đứng dưới ngọn cờ của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải dưới ngọn cờ của ma quỷ, bằng cách cố gắng làm điều tốt ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn.

Kinh nghiệm của Thánh An-tôn ẩn tu

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Trong những lúc gặp thử thách, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không đơn độc, nhưng có người đang quan sát và bảo vệ chúng ta. Thánh An-tôn viện phụ, người sáng lập ra đời sống ẩn tu Ki-tô giáo, cũng phải đối mặt với thời kỳ khủng khiếp ở Ai Cập, khi việc cầu nguyện trở thành một cuộc đấu tranh khó khăn. Thánh Atanasio, Giám mục thành Alexandria, người viết tiểu sử của thánh An-tôn, đã kể lại rằng một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của vị thánh ẩn tu là vào khoảng năm 35 tuổi, tuổi trung niên mà nhiều người gặp khủng hoảng. Thánh An-tôn đã bị xáo trộn bởi thử thách, nhưng đã chống cự. Cuối cùng khi đã thanh thản trở lại, ngàiquay sang Chúa với giọng điệu gần như trách móc: “Chúa đã ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay lập tức để chấm dứt sự đau khổ của con? ” Và Chúa Giê-su trả lời: “An-tôn, Ta đã ở đó. Nhưng Ta đã chờ đợi để xem con chiến đấu” (Cuộc đời thánh An-tôn, 10).

Một kinh nghiệm chiến đấu trong cầu nguyện

Cầu nguyện nhiều khi là một cuộc chiến. Đức Thánh Cha thuật lại một kinh nghiệm của ngài: một người đã vượt qua chặng đường 70 km để đến đền thánh Đức Mẹ Luján ở Argentina để cầu nguyện cho đứa con gái bị bệnh nặng và các bác sĩ không thể giúp được gì hơn. Đến nơi vào lúc 10 giờ đêm, đền thánh đã đóng cửa, người này cầu nguyện suốt đêm ở đền thờ để xin Đức Mẹ chữa lành cho con gái. Đến 6 giờ sáng, khi đền thánh mở cửa lại, ông vào chào Đức Mẹ và trở về bệnh viện và con gái ông đã được chữa lành. Đức Mẹ đã lắng nghe lời cầu nguyện của ông. Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu cầu nguyện kiên trì, như một cuộc chiến.

Chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện bên mình

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha khẳng định: Nếu chúng ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của Người trong một giây phút mù mịt, thì chúng ta sẽ có thể nhìn thấy trong tương lai. Chúng ta cũng sẽ lặp lại chính câu mà tổ phục Gia-cóp đã từng nói: “Chắc chắn, Đức Chúa ở nơi này mà tôi không hề biết” (St 28,16). Vào cuối cuộc đời mình, nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng có thể nói: "Tôi đã nghĩ rằng tôi cô độc, nhưng không, tôi đã không đơn độc: Chúa Giê-su đã ở với tôi.”