label

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Nhà thờ Đức Bà Paris đang được phục hồi tốt

 

Nhà thờ Đức Bà Paris đang được phục hồi tốt






Hôm thứ Tư 16/6, trong Thánh lễ kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit của Tổng Giáo phận Paris bày tỏ niềm vui vì Nhà thờ đang được phục hồi tốt, hy vọng ngôi thánh đường sẽ đẹp hơn bao giờ hết. Ngài cũng mời gọi các tín hữu tin tưởng vào Giáo hội Chúa mặc dù còn những yếu đuối.
 

nha-tho-duc-ba.jpeg

Nhà thờ Đức Bà Paris  (ANSA)

 

Đây là Thánh lễ đầu tiên được Đức Tổng Giám mục Aupetit chủ sự sau vụ hỏa hoạn. Việc cử hành có ý nghĩa vì đây là ngày kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ. Đức Tổng Giám mục nói: “Chúng ta vui, vì giờ đây nhà thờ của chúng ta đã được củng cố. Hiện chúng ta đang bước vào giai đoạn trùng tu. Nhà thờ sẽ đẹp hơn bao giờ hết và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng trong tâm hồn”.

 

Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Như Nhà thờ Đức Bà bị thiêu rụi và được phục hồi, Giáo hội Chúa cũng vậy. Một số người tin rằng Giáo hội đang đổ nát và ở bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, Chúa Kitô đã khẳng định cửa địa ngục sẽ không thắng được Giáo hội. Chúng ta tin vào điều đó. Như Nhà thờ Chính tòa của chúng ta, Giáo hội Chúa Kitô sẽ luôn đứng vững”.

 

Sau khi bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà tài trợ và các kỹ thuật viên, những người đang khôi phục Nhà thờ, Đức Tổng Giám mục nhắc lại: “Kiến trúc sư chính là Chúa Cha, mẫu gương là Chúa Kitô, đạo diễn là Chúa Thánh Thần. Điều sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau, sẽ chỉnh đốn chúng ta, và sẽ hiệp nhất chúng ta để xây dựng một Giáo hội tốt đẹp hơn”.

 

Thánh lễ được cử hành hai ngày sau “lời kêu gọi lòng quảng đại” mới từ Tổng Giáo phận Paris, ngày 14/6. Nếu việc trùng tu là công việc của chính phủ, thì việc tu bổ nội thất hoàn toàn do Giáo hội chịu trách nhiệm. Và đây là một chương trình nhằm mục đích trước hết là khôi phục nơi thờ phượng- chức năng chính của nhà thờ- và để phục vụ cho nhu cầu viếng thăm của sáu triệu tín hữu, khách hành hương và khách du lịch mỗi năm.

 

Để làm được điều này, từ nay đến 15/6/2024 cần có từ 5 đến 6 triệu euro để thực hiện hai dự án sẽ được trình bày cho các nhà tài trợ Pháp và nước ngoài. Hai dự án đầu tiên được trình bày trong thời gian ngắn cho các nhà tài trợ sẽ là phục hồi hộp đựng tượng Vương miện Mão Gai, bị hư hại trong quá trình giải cứu thánh tích; và thực hiện một nhà tạm mới.

 

Các dự án trong tương lai sẽ bao gồm chỗ ngồi mới cho dàn hợp xướng và cộng đoàn, ánh sáng, hệ thống âm thanh và phòng âm nhạc. Một phần mở rộng của phong cầm cũng được thực hiện. Dự án khánh thành bàn thờ sẽ được công bố vào năm 2024. (Acistampa 28/6/2021)

 

Ngọc Yến
(Vatican News 29.06.2021)

Mười nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội Giáo hội Công giáo

 

Mười nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội Giáo hội Công giáo


  •  
  •  


MƯỜI NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG
CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Tác giả: Linh mục P. Robert P. Maloney, C.M.[1]
Cao Việt Tuấn (trích dịch)
Từ: 
vincentiana  

Mục lục

1. Nguyên tắc phẩm giá con người

2. Nguyên tắc tôn trọng sự sống con người

3. Nguyên tắc liên đới

4. Nguyên tắc tham gia

5. Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương

6. Nguyên tắc đoàn kết

7. Nguyên tắc quản lý

8. Nguyên tắc bổ trợ

9. Nguyên tắc bình đẳng con người

10. Nguyên tắc công ích

Kết luận


WHĐ (27.6.2021) – Nếu được yêu cầu kể ra: Mười điều răn, Tám mối phúc thật, Bốn nhân đức nhân bản, Ba nhân đức đối thần, Bảy Bí Tích, Thương xác bảy mối, Bảy mối tội đầu… thì hầu như đa số người Công giáo đều có thể kể ra, nếu không kể được hết thì ít nhất cũng kể được một phần nào đó. Nhưng nếu hỏi về các nguyên tắc căn bản của Học thuyết xã hội Công giáo - “một phần thiết yếu của Đức tin Công giáo” - thì liệu rằng có bao nhiêu người có thể kể ra được, cho dù chỉ kể một phần nào đó? Một điều hết sức trớ trêu đó là mặc dù Giáo hội đã công bố học thuyết xã hội của mình một cách mạnh mẽ và liên tục trong hàng trăm năm qua, nhưng khi hỏi về Học thuyết xã hội Công giáo, thì trong thực tế có mấy người Công giáo nắm được?

Thật vậy, trong một hội nghị, các Giám mục Hoa Kỳ đã tuyên bố, có quá nhiều người Công giáo không biết gì đến học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Các Giám mục còn nói thêm: “Nhiều người Công giáo không biết rằng: Học thuyết xã hội của Giáo hội là một phần thiết yếu của đức tin Công giáo.[2]

Tại sao người Công giáo chúng ta lại biết quá ít về một phần thiết yếu của đức tin như vậy? Theo tôi nghĩ, lý do là: Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo khó có thể được tiếp thu một cách cô đọng; nó không được gom lại thành những điểm cụ thể, ví dụ như Mười điều răn hay Bảy Bí tích, để dễ hiểu và dễ nhớ.

Vậy chúng ta phải làm gì để phổ biến giáo huấn của Giáo hội về xã hội, để nhiều người có thể nắm bắt được, nhất là khi giáo huấn ấy là “một phần thiết yếu của đức tin” chúng ta? Cách giải quyết đó là: trước tiên chúng ta phải nắm vững học thuyết của chúng ta, và sau đó truyền đạt cho người khác.[3] Tuy nói thì dễ làm thì khó, nhưng dù sao chúng ta cũng phải bắt tay vào.

1. Nguyên tắc phẩm giá con người

“Mỗi người đều được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và đã được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, do đó, mỗi người là vô giá và đáng được tôn trọng như một thành viên của gia đình nhân loại.”[4]

Đây là nguyên tắc nền tảng của Học thuyết xã hội Công giáo. Mọi người - bất kể chủng tộc, giới tính, tuổi tác, quốc gia, tôn giáo, khuynh hướng tính dục, nghề nghiệp hoặc tình trạng kinh tế, sức khỏe, trí tuệ, sự thành đạt hay bất cứ đặc tính nào khác – đều đáng được tôn trọng như nhau. Không phải vì những điều bạn làm hay cái bạn có mà bạn được tôn trọng; chính việc bạn là con người đã làm nên những phẩm giá đó. Được ban cho nhân phẩm, nên con người - theo quan điểm của Giáo hội Công giáo – không bao giờ được xem như là những phương tiện, nhưng luôn luôn được xem như là mục đích.

Toàn bộ Học thuyết xã hội Công giáo khởi đầu với con người, nhưng nó không dừng lại ở đó. Mỗi cá nhân đều có phẩm giá; nhưng chủ nghĩa cá nhân không có chỗ đứng trong quan niệm về xã hội của Giáo hội Công giáo. Nguyên tắc phẩm giá con người làm cho con người trở nên thành viên trong cộng đồng gia đình nhân loại.

 2. Nguyên tắc tôn trọng sự sống con người

“Từ giây phút thụ thai cho đến khi qua đời một cách tự nhiên, mỗi người đều có phẩm giá nội tại và một quyền sống phù hợp với phẩm giá đó.”[5]

Sự sống của con người - trong các giai đoạn từ sau khi thụ thai, giai đoạn phát triển của tuổi thanh xuân cũng như giai đoạn suy yếu của tuổi già - đều được coi là quý giá, bởi thế, sự sống xứng đáng được bảo vệ và tôn trọng. Trực tiếp tấn công đến sự sống của người vô tội thì luôn luôn là một điều sai trái. Truyền thống Công giáo nhìn nhận tính chất thánh thiêng của sự sống con người, và xem đó như là một phần thiết yếu của mọi quan điểm đúng đắn về một xã hội công bằng và tốt đẹp.

3. Nguyên tắc liên đới

“Truyền thống Công giáo tuyên bố rằng: con người không những mang tính chất thánh thiêng mà còn có tính xã hội. Cách thức chúng ta tổ chức đời sống xã hội – về kinh tế, chính trị, luật pháp và chính sách - ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm giá con người, cũng như ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của mỗi cá nhân trong cộng đồng.”[6]

Trọng tâm của xã hội là gia đình, do đó, sự ổn định của gia đình phải luôn được bảo vệ và không bao giờ để cho gia đình bị suy yếu. Bằng sự liên đới với người khác - trong các gia đình hay trong các tổ chức xã hội được thành lập để cổ vũ sự thăng tiến, bảo vệ phẩm giá và phát huy lợi ích chung – con người đạt được sự viên mãn của mình.

4. Nguyên tắc tham gia

"Chúng ta tin rằng con người có quyền và bổn phận tham gia vào đời sống xã hội, để cùng nhau theo đuổi công ích và thịnh vượng cho mọi người, đặc biệt là cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương”.[7]

Không có sự tham gia này, các thiện ích dành cho cá nhân thông qua các tổ chức xã hội không thể thực hiện được. Con người có quyền không bị ai ngăn trở để tham gia vào các tổ chức được xem là cần thiết cho việc hoàn thiện con người.

Nguyên tắc này được áp dụng một cách đặc biệt vào các vấn đề có liên quan tới công ăn việc làm. “Công ăn việc làm không chỉ là một cách thế để kiếm sống, nhưng hơn nữa nó thực sự là một hình thức tiếp tục tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi công ăn việc làm được bảo đảm phù hợp với phẩm giá con người, thì đồng nghĩa với việc những quyền cơ bản chính đáng của người lao động cũng phải được tôn trọng. Nghĩa là con người có quyền có công ăn việc làm tốt, ổn định, có lương bổng hợp lý và công bằng, có quyền được tổ chức và gia nhập công đoàn, có quyền tư hữu, và có quyền đưa ra những sáng kiến về kinh tế”.[8]

5. Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương

Chúng ta tin rằng, khi chúng ta tiếp xúc với người nghèo là chúng ta được tiếp xúc với Chúa Kitô. Câu chuyện về ngày chung thẩm[9] đóng một vai trò rất quan trọng trong truyền thống đức tin Công giáo. Ngay từ thời sơ khai, Giáo hội đã dạy rằng: chúng ta sẽ bị xét xử bởi những gì chúng ta lựa chọn làm hay không làm liên quan đến sự đói khát, bệnh tật, những người vô gia cư và các tù nhân… Ngày nay, Giáo hội trình bày học thuyết này trong hạn từ “dành ưu tiên cho người nghèo”.

Tại sao phải ưu tiên quan tâm đến người nghèo? Tại sao đặt nhu cầu của người nghèo trên hết? Thưa, bởi vì, đó là sự đòi buộc của công ích - tức là lợi ích của toàn xã hội xét như là toàn thể. Trái ngược với giàu sang và quyền lực là nghèo đói và không có quyền hạn. Do đó, để có thể có được lợi ích chung dành cho toàn thể xã hội, chúng ta phải chuyển hướng quan tâm ưu tiên và bảo vệ về phía những người đang chịu ảnh hưởng một cách bất lợi do không có quyền lực và lâm cảnh thiếu thốn. Nếu không làm như thế, thì sự cân bằng cần thiết để giữ cho xã hội phát triển cách bền vững sẽ bị bẻ gãy, và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với toàn thể xã hội.

6. Nguyên tắc đoàn kết

"Học thuyết xã hội Công giáo tuyên bố rằng: chúng ta có bổn phận chăm sóc anh chị em chúng ta, bởi vì chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại… Khi thực hiện tình đoàn kết theo nghĩa như vậy, chúng ta nhận thức được rằng việc ‘yêu người thân cận của ta’ mang chiều kích phổ quát trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.”[10]

Nguyên tắc đoàn kết đưa đến những cơ hội thúc đẩy và bảo vệ công ích. Sự đoàn kết này kêu gọi chúng ta không chỉ đáp trả một cách đơn giản với những bất hạnh cá nhân mang tính chất riêng lẻ; bởi vì thực ra đang có những vấn nạn xã hội đòi hỏi những cơ cấu xã hội công bằng hơn. Vì lý do này, ngày nay Giáo hội thường kêu gọi chúng ta không những dấn thân vào các công việc bác ái nhưng còn phải hướng đến công bằng xã hội.

7. Nguyên tắc quản lý

"Truyền thống Công giáo khẳng định rằng chúng ta thể hiện sự tôn trọng Đấng Tạo Hóa bằng cách quản lý công trình sáng tạo của Ngài."[11]

Người quản lý là một người trông nom chứ không phải là ông chủ. Trong một thời đại người ta đang gia tăng ý thức về môi trường sinh thái, thì truyền thống của chúng ta cũng đang kêu gọi sự ý thức về trách nhiệm luân lý trong việc bảo vệ môi trường, đất canh tác, đồng cỏ, rừng cây, không khí, nước, khoáng sản và các mỏ tự nhiên khác. Trách nhiệm quản lý còn liên quan đến việc sử dụng tài năng, sức khỏe và tài sản cá nhân của chúng ta.

8. Nguyên tắc bổ trợ

Nguyên tắc này chủ yếu liên quan đến “trách nhiệm và giới hạn của chính quyền, và vai trò cần thiết của các hiệp hội thiện nguyện."[12]

Nguyên tắc bổ trợ đề ra một giới hạn phù hợp trong việc quản lý, bằng cách khẳng định rằng các tổ chức cấp cao không thể giải quyết những công việc một cách hiệu quả cho bằng các tổ chức cấp thấp hơn, vì tổ chức cấp thấp hơn bao gồm những cá nhân và nhóm sống gần gũi hơn với những vấn đề và địa bàn ở đó. Các chính quyền áp chế luôn luôn vi phạm nguyên tắc bổ trợ, còn những chính quyền quá tích cực đôi khi cũng vi phạm nguyên tắc này.[13]

Mặt khác, các cá nhân thường cảm thấy bất lực khi phải đối mặt với các vấn đề xã hội khó khăn nan giải: thất nghiệp, trẻ lang thang, tệ nạn xã hội, những người ngủ lề đường hoặc ăn xin trên các góc phố. Bởi vì những vấn đề này mang chiều kích xã hội, nên không cá nhân nào hay tập thể nào có thể làm được gì nhiều. Liên quan đến nguyên tắc bổ trợ, chính quyền thu thuế nên giúp đỡ những cá nhân, những cộng đồng nhỏ, cũng như toàn thể quốc gia, để bắt tay giải quyết những vấn đề xã hội này. Do đó, mỗi khi chúng ta đóng thuế là chúng ta đang đóng góp vào việc tạo nên công bằng xã hội.

9. Nguyên tắc bình đẳng con người

"Bình đẳng của tất cả mọi người xuất phát từ phẩm giá thiết yếu của họ .... Trong khi sự khác biệt về tài năng là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng sự phân biệt đối xử về văn hóa và xã hội trong các quyền cơ bản là điều không phù hợp với ý định của Thiên Chúa."[14]

Theo một cách nào đó, công bằng được định nghĩa là việc được đối xử một cách bình đẳng như nhau. Còn theo cách hiểu cổ điển, công bằng là việc phân phát cho mỗi cá nhân đúng với quyền lợi của họ. Nền tảng của khái niệm bình đẳng là một nguyên tắc đơn giản của sự công bằng; một trong những cảm thức luân lý đầu tiên được nhận thấy trong sự phát triển nhân vị là cảm thức về những gì là "công bằng" và những gì là bất công.

10. Nguyên tắc công ích

"Công ích được hiểu như là những điều kiện xã hội cho phép mọi người đạt đến trọn vẹn tiềm năng con người và nhận ra nhân phẩm của mình."[15]

Các điều kiện xã hội mà Giáo hội muốn nói ở đây là "sự tôn trọng đối với cá nhân", "phúc lợi xã hội và sự phát triển cộng đồng" và duy trì công quyền của "hòa bình và an ninh." Ngày nay, trong thời đại phụ thuộc toàn cầu, nguyên tắc công ích cho thấy nhu cầu về những cơ cấu quốc tế để có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân và gia đình vượt ra khỏi những ranh giới quốc gia và khu vực.

Những gì tạo nên công ích vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Sự thiếu vắng cảm thức về công ích là dấu chỉ chắc chắn sự xuống cấp của xã hội. Khi cảm thức cộng đồng bị xói mòn sẽ dẫn đến những suy thoái về công ích. Một mối quan tâm cộng đồng đúng mức là liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân không giới hạn, chủ nghĩa ấy - cũng giống như sự ích kỷ quá mức trong các mối quan hệ cá nhân - có thể phá vỡ sự cân bằng, hòa hợp và hòa bình giữa các nhóm, giữa những người hàng xóm, các khu vực và các quốc gia.

Kết luận

Đó là mười nguyên tắc, mà qua đó, chúng ta nhận thấy được sự liên kết giữa Học thuyết xã hội với những điều cơ bản của đức tin thật là tuyệt vời. Khi kết hợp như vậy, chúng ta khẳng định niềm tin của chúng ta dựa trên hành động. Đối với Kitô giáo, chúng ta không chỉ cần đến đức tin nhưng còn phải hành động. Hành động của chúng ta phải dựa trên mười nguyên tắc nền tảng là: Phẩm giá con người, Sự sống con người, Liên đới, Tham gia, Ưu tiên người nghèo, Đoàn kết, Quản lý, Bổ trợ, Bình đẳng, Công ích.

Các nguyên tắc này rất quan trọng, bởi vì khi đã nắm bắt được các nguyên tắc này rồi, chúng sẽ hướng dẫn chúng ta tới những gì sâu xa hơn. Chúng hướng dẫn những chọn lựa của chúng ta. Chúng thúc đẩy chúng ta hành động. Nếu đã nắm bắt được nguyên tắc, chúng ta biết được chúng ta đang đứng ở đâu, chúng ta phát xuất từ đâu, và chúng ta muốn đi đâu. Các nguyên tắc cho chúng ta biết được các mục đích cần nhắm tới. Hơn nữa, mọi người trong chúng ta đều mến phục và muốn làm việc chung với những người có nguyên tắc, bởi vì họ là những người luôn sẵn sàng và làm việc có trách nhiệm.

Ở đây, mười nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo có thể đóng vai trò cơ sở cho việc phân tích bất cứ vấn đề xã hội nào. Ví dụ, nếu ai đó hỏi rằng: tại sao các tài liệu của Giáo hội tập trung thường xuyên về đề tài chiến tranh, hòa bình, vũ khí hạt nhân, kinh tế, phá thai, an tử, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và rất nhiều đề tài khác mang chiều kích xã hội và luân lý cụ thể, khi đó, những nguyên tắc này sẽ cung cấp một khung cần thiết cho việc thấu hiểu những giáo huấn này.

Nhìn lại một trăm năm đã qua của Học thuyết xã hội, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Centesimus Annus như sau: “giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội của Giáo hội có liên quan đến sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội và đó là một phần cốt yếu của thông điệp Kitô giáo.”[16] Ngài nói thêm: “Tân phúc âm hóa […] phải bao gồm các yếu tố của việc công bố học thuyết xã hội của Giáo hội.”[17] Đó là những lời nói mạnh mẽ, đến nỗi không thể có cách nói nào về Học thuyết xã hội rõ ràng hơn được nữa. Tóm lại, Học thuyết này là một phần thiết yếu của đức tin chúng ta, nên chúng ta phải công bố một cách rộng rãi trong công cuộc tái Phúc Âm hóa hiện nay.[18]

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 5 & 6 năm 2013)



[1] Cha P. Robert P. Maloney, C.M. là Bề Trên Tổng Quyền của Tu Hội Truyền Giáo từ năm 1992 đến năm 2004. (ND)

[2] Cf. Sharing Catholic Social Teaching: Challenges and Directions - Reflections of the U.S. Catholic Bishops (Washington, DC: N.C.C.B., June, 1998).

[3] Trong nguyên bản, Cha Maloney trình bày hai phần: Nắm vững học thuyết và Truyền bá học thuyết. Trong bài viết này, người dịch xin được bỏ qua phần Truyền bá học thuyết. (ND)

[4] Sharing Catholic Social Teaching: Challenges and Directions - Reflections of the U.S. Catholic Bishops (Washington, DC: N.C.C.B., June, 1998), 1.

[5] Ibid. pp. 1-2.

[6] Ibid. p. 4

[7] Ibid. p. 5.

[8] Ibid. p. 5.

[9] Mt 25:31-46.

[10] Ibid. p. 5.

[11] Ibid. p. 6.

[12] Ibid. p.6.

[13] Tám nguyên tắc đầu tiên được tôi chắt lọc từ "Reflections of the U.S. Catholic Bishops," như là phụ đề thứ hai của “Sharing Catholic Social Teaching” - một đúc kết của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ. Khi tôi đọc bản tóm tắt ấy, tôi thấy vang vọng thêm hai nguyên tắc sau này.

[14] "Summary," pp. 23-24.

[15] "Summary," pp. 25.

[16] Centesimus Annus 5

[17] Ibid.

[18] Trong bài viết này, tôi đã sử dụng khá nhiều - cả dàn bài lẫn nội dung - từ bài viết của cha William J. Byron, trong "Ten Building-Blocks of Catholic Social Teaching," America (Vol. 179, # 13; October 31, 1998), 9-12. Cha Byron đã rộng lượng cho phép tôi tùy nghi sử dụng, ngài còn gởi cho tôi một bản hoàn chỉnh hơn để tham khảo.