Mỗi lần nói về phá thai, Đức Phanxicô đều bị làm ngơ
Nhà báo Sandro Magister nhận định: đúng như thế. Bất cứ khi nào ngài đụng tới chủ đề này, không những Đức Phanxicô không được báo chí tường thuật tích cực, mà còn bị họ làm ngơ một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, gần đây, không những một lần mà liên tiếp nhiều lần, ngài lớn tiếng chống lại việc phá thai nhân dịp quê hương Argentina của ngài, dưới quyền lãnh đạo của Alberto Fernandez, thuộc khuynh hướng Peron, toan tính thông qua dự luật cho phép phá thai, một dự luật đã được hạ viện thông qua ngày 11 tháng 12 với 131 phiếu thuận, 117 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Chỉ còn chờ sự chấp thuận của thượng viện, nó sẽ trở thành luật.
Lần đầu, ngày 22 tháng 11, ngài viết thư tay cho một nhóm phụ nữ ở Buenos Aires hoạt động chống việc hợp pháp hóa phá thai từ năm 2018. Trong lá thư này, ngài nêu ra hai câu hỏi quan trọng: “Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và có đúng không khi thuê một kẻ giết người để giải quyết một vấn đề?”
Lời lẽ nghiêm khắc chưa từng thấy như thế chắc chắn không phải là lời nói lỡ, vì ngài nhắc lại từng chữ điều ngài từng nói trong “Chúng Ta Hãy Ước Mơ”:
“Tôi không thể giữ im lặng về việc hơn 30-40 triệu đời sống chưa sinh đã bị vứt bỏ hàng năm bởi nạn phá thai, theo dữ kiện của Cơ Quan Y Tế Thế Giới. Quả đau lòng khi nhận thấy tại nhiều vùng được coi là phát triển, việc thực hành này thường được cổ vũ vì những đứa trẻ sắp sinh này bị khuyết tật hay không được dự hoạch. Nhưng sự sống con người không bao giờ là một gánh nặng cả. Nó cần được thích ứng, chứ không bị vứt bỏ.
"Phá thai là một sự bất công trầm trọng. Nó không bao giờ có thể nói lên cách chính đáng quyền tự chủ và quyền lực. Nếu quyền tự chủ của chúng ta đòi hỏi cái chết của người khác, thì quyền tự chủ đó chẳng khác gì một cái cũi sắt. Tôi thường tự hỏi mình hai câu hỏi: Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và có đúng không khi thuê một kẻ giết người để giải quyết một vấn đề?
“Vị tiền nhiệm của tôi, Thánh Phaolô VI đã cảnh báo trong thông điệp‘ Humanae vitae ’năm 1968 về sự cám dỗ muốn coi mạng sống con người như một trong nhiều đối tượng mà những người có quyền lực và có học thức có thể thực hiện quyền thống trị. Nay, thông điệp của ngài mang tính tiên tri xiết bao! Ngày nay, chẩn đoán tiền sinh thường được sử dụng để loại bỏ những thai nhi bị coi là yếu hoặc kém giá trị".
Chưa hết. Ngày 1 tháng 12, trong một hội nghị qua video tại hạ viện Argentina để thảo luận về luật phá thai, linh mục José María “Pepe” Di Paola, một mục tử ở ngoại ô Buenos Aires và là bạn lâu năm của Đức Phanxicô, đã tường trình rằng ngài đã nhận được một lá thư từ Rôma, trong đó Đức Giáo Hoàng viết cho ngài như sau:
“Đối với tôi, sự méo mó trong việc hiểu phá thai chủ yếu phát sinh từ việc coi nó là một vấn đề tôn giáo. Vấn đề phá thai, trong yếu tính, không có tính tôn giáo. Đó là một vấn đề của con người hơn là một lựa chọn tôn giáo. Vấn đề phá thai phải được giải quyết một cách khoa học”.
Cha Pepe nói thêm rằng hạn từ “một cách khoa học” đã được Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Còn nữa. Trong một bức thư viết tay khác vào ngày 1 tháng 12 gửi cho một nhóm cựu học sinh Argentina, Đức Phanxicô lặp lại một lần nữa hai câu hỏi thẳng thừng trên của ngài, bằng nguyên bản tiếng Tây Ban Nha như sau:
“1) ¿Es justo remover una vida humana para Resolutionver un problemma? Y 2) ¿Es justo alquilar un sicario para resolver un problema?”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng sở dĩ ngài nêu ra những câu hỏi này một lần nữa theo cùng một cách như trong cuốn sách “Chúng Ta Hãy Ước Mơ” chính vì ngài muốn chúng không chỉ đến tai Argentina mà còn đến tai “toàn thế giới”.
Toàn văn bức thư được sao lại dưới đây. Bởi vì điều cũng thú vị là biết Đức Phanxicô đã lên khuôn ra sao cho hành động phản kháng của ngài đối với việc phá thai. Phần khác, đọc bức thư, người ta hiểu tại sao, cho đến nay, ngài vẫn chưa nghĩ đến việc trở lại quê hương trong tư cách một giáo hoàng.
Thực thế, Đức Giáo Hoàng muốn nói rõ rằng điều quan trọng đối với ngài là đi vào bản chất của sự việc và nói trực tiếp với thế giới, chứ không can thiệp vào cuộc đấu tranh chính trị, ít nhất là với nền chính trị Argentina.
Cách riêng, Đức Phanxicô quan tâm nhấn mạnh đến việc tách xa ra khỏi hai người: khỏi cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, người mà ngài nói rằng ngài “không có liên lạc” kể từ khi bà rời nhiệm sở, và khỏi Juan Grabois, người tổ chức hàng đầu của “các phong trào quần chúng” vốn rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng, và là người ngài đã bổ nhiệm làm cố vấn cho Bộ Phát triển Toàn diện Con người của Tòa thánh.
Và lý do –ngài viết - cho sự tách xa này là cả hai người đều tự cho mình gần gũi và thân thiện với Đức Giáo Hoàng hơn là trên thực tế. Với kết quả là giới truyền thông gán cho tôi, Phanxicô, không phải là “những gì tôi nói”, mà là những gì người khác “nói rằng tôi nói”.
Trong phần tái bút của bức thư, Đức Giáo Hoàng nhắc đến các đoạn 42-53 của thông điệp Fratelli Tutti, liên quan đến nhận định của ngài về các phương tiện truyền thông, trong đó các phụ đề chắc chắn không nhân từ chút nào: “Ảo tưởng truyền thông”; “Hung hãn vô liêm sỉ”; "Thông tin mà không có khôn ngoan"; "Các hình thức phục tùng và tự coi thường". Có lẽ với suy nghĩ về cách giới truyền thông đối xử với ngài, lúc thì đề cao ngài, lúc lại chỉ trích ngài, tùy theo những gì ngài nói. Ngay cả “L’Osservatore Romano” cũng hoàn toàn phớt lờ các bức thư viết tay của Đức Giáo Hoàng được trích dẫn trên đây, với những lời lẽ nghiêm khắc chống phá thai của chúng.
Đối với tất cả những điều trên, cần phải nói thêm rằng các giám mục Argentina - được đào tạo rõ ràng bởi vị giáo hoàng đồng hương - cũng đã tham gia lĩnh vực chống lại luật phá thai với một sự hăng hái lớn lao hơn nhiều so với trước đây, bằng việc khuyến khích giáo dân tham gia các cuộc tuần hành gây ấn tượng để bảo vệ sự sống được tổ chức vào ngày 28 tháng 11 trước tòa nhà quốc hội.
Và điều này cũng giống như ở châu Âu, ở một Ba Lan ngày càng ít Công Giáo hơn, các giáo hội đang bị bao vây và các giám mục đang bị biến thành trò cười của một cuộc phản đối quần chúng – một cuộc phản đối được hỗ trợ một cách trắng trợn bởi nghị quyết ngày 26 tháng 11 của quốc hội châu Âu – khi chống lại lệnh của tòa án tối cao Ba Lan về việc hợp pháp hóa phá thai dựa trên ưu sinh.
Thư Của Đức Phanxicô Gửi Các Học Trò Cũ Ở Argentina
1 tháng 12 năm 2020
Các bạn thân mến,
Cảm ơn các bạn vì tin nhắn. Tôi rất vui khi nhận được nó và tôi cũng rất vui vì các bạn rất quan tâm đến những điều tốt đẹp của quê hương. Tình yêu quê hương đất nước là một giá trị căn bản, nó biểu lộ tình yêu đối với cha ông của quê hương đất nước, tình yêu đối với truyền thống, tình yêu đối với người dân của quê hương. Đôi khi (nhìn vào một số quốc gia ở Châu Âu) tôi nghĩ: hơn tình yêu đối với quê hương, điều rõ ràng là tình yêu dành cho “công ty” đang điều hành đất nước... và khi thấy điều đó, tôi nhớ đến bài thơ của Jorge Dragone: “quê hương của chúng ta đã chết".
Tôi phải thú nhận với các bạn rằng tôi không biết mọi điều đang diễn ra ở đó một cách chi tiết. Phủ quốc vụ khanh cập nhật tôi về các vấn đề quốc tế mỗi tuần một lần. Họ làm tốt điều này và với các cuộc họp. Ở đó, tôi hiểu phần nào về những điều diễn ra ở Argentina, và thú thực một số điều trong số đó khiến tôi lo lắng. Tôi không có thư từ nào với các chính trị gia; chỉ thỉnh thoảng tôi mới nhận được thư từ của những người trong chính trị, nhưng rất ít; và câu trả lời của tôi không làm tôi can dự vào cuộc đấu tranh chính trị hàng ngày nhưng thay vào đó, có tính mục vụ và giáo dục. Một trong những thư gần đây nhất đặt ra vấn đề phá thai, và tôi đã trả lời như tôi vẫn làm (kể cả trong cuốn sách mới nhất của tôi “Chúng Ta Hãy Ước Mơ”, xuất bản hôm nay); vấn đề phá thai chủ yếu không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề nhân bản, một vấn đề đạo đức của con người trước khi có bất cứ tuyên xưng tôn giáo nào. Và tôi đề nghị đặt hai câu hỏi: 1) Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và 2) Thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề có đúng không? Tôi buồn cười khi ai đó hỏi, "Sao Đức Giáo Hoàng không cho Argentina biết ý kiến của ngài về việc phá thai?" Bởi vì tôi không làm gì khác hơn là để cả thế giới (bao gồm cả Argentina) biết về nó, khi giờ đây, tôi đã là giáo hoàng.
Và việc này liên quan đến một vấn đề khác. Nói chung, những gì được biết ở đó không phải là những gì tôi nói, mà là những gì họ nói rằng tôi nói, và điều này dựa trên các phương tiện truyền thông, như chúng ta biết rất rõ, tự hành xử dựa trên các lợi ích phiến diện, đặc thù hoặc đảng phái. Về điều này, tôi tin rằng những người Công Giáo, từ giám mục đoàn đến các tín hữu của một giáo xứ, đều có quyền biết giáo hoàng thực sự đã nói những gì... chứ không phải những gì truyền thông bảo ngài nói; ở đây hiện tượng kể lại đóng một vai trò lớn (thí dụ: anh chàng nọ nói với tôi anh chàng kia nói điều này... và cứ thế dây chuyền tiếp diễn). Với phương pháp truyền thông như thế, trong đó mỗi người thêm hoặc bớt một điều gì đó, các kết quả đáng ngờ đã đạt được, giống như câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ kết thúc tại một chiếc bàn, nơi cô và bà cô ăn món hầm ngon lành nấu bằng thịt chó sói. Việc “kể lại” diễn tiến như thế đó.
Hai lần người ta nhắc đến mối liên hệ của tôi (gần gũi, tình bạn) với bà de Kirchner. Lần cuối cùng tôi tiếp xúc với hai cựu tổng thống (bà và ông Macri) là khi họ còn đương nhiệm. Sau đó tôi không hề liên lạc với họ. Đúng là kiểu nói “Tôi là một người bạn tốt của” hoặc “Tôi thường xuyên liên lạc với” rất đang được các trò chơi ở Buenos Aires sử dụng, và đây không phải là lần đầu tiên tôi xin lỗi phải nói với các bạn như vậy (tôi xin nói nói đùa với các bạn rằng tôi chưa bao giờ có “nhiều bạn như thế” như bây giờ).
Về “quyền tư hữu”, tôi không làm gì khác ngoài việc lặp lại học thuyết xã hội của Giáo hội. Đúng là một số người lấy những nhận xét này để cải cách hoặc giải thích chúng theo quan điểm của họ. Về mặt này, Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II, đã có một số phát biểu còn cứng rắn hơn. Tôi tin rằng trong các giáo xứ và trong các trường học Công Giáo, học thuyết xã hội của Giáo hội chưa được giải thích đầy đủ, đặc biệt là đường hướng phát triển từ Đức Lêô XIII cho đến nay; đây là lý do tại sao có rất nhiều nhầm lẫn. Một vị giám mục thánh thiện, người mà án phong thánh đã được khởi đầu, từng nói: “Khi tôi chăm sóc người nghèo, họ nói tôi là một vị thánh; nhưng khi tôi hỏi về nguyên nhân của việc có quá nhiều nghèo đói thì họ gọi tôi là một người cộng sản ”.
Tiến sĩ Grabois, trong nhiều năm, là thành viên của Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Về những gì người ta cho rằng ông nói (nói rằng ông là bạn của tôi, rằng ông đang liên lạc với tôi, v.v.) Tôi xin các bạn một điều; đối với tôi điều này là điều quan trọng. Tôi cần bản sao của những tuyên bố trong đó ông nói điều này. Nhận được chúng sẽ giúp đỡ tôi rất nhiều.
Chà, bức thư này có lẽ đã dài. Tôi đã cân nhắc nhiều lần về các chữ ký... và nhớ từng chữ một. Có ai trong các bạn là ông cố chưa? Và tôi quay trở lại những năm 64-65 và những hình ảnh rất thân thương “chạm” đến trái tim, trong khi câu cầu chúc của Gerardo Diego gần như vô thức vang lên. Đối với tôi, điều này cũng là việc quay về nguồn.
Cảm ơn các bạn vì đã viết cho tôi. Tôi cầu nguyện cho các bạn và gia đình các bạn; Tôi yêu cầu các bạn vui lòng tiếp tục làm như vậy cho tôi.
Xin Chúa Giêsu ban phước cho các bạn và xin Đức Trinh Nữ rất thánh bảo vệ các bạn. Thân ái,
Francisco
Tái bút: Còn nhiều điều tôi nói về các phương tiện truyền thông trong Fratelli tutti các số 42-53.
Vũ Văn An
(vietcatholic 14.12.2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét