label

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

CÁNH CỬA THỰC SỰ ĐÃ MỞ CHO DÒNG THÁNH GIA TỪ DÒNG GIÁO DÂN CHUYỂN SANG DÒNG GIÁO SĨ

CÁNH CỬA THỰC SỰ ĐÃ MỞ CHO DÒNG THÁNH GIA

TỪ DÒNG GIÁO DÂN CHUYỂN SANG DÒNG GIÁO SĨ

Lễ Thánh Gia năm 2021 

          Trong lễ Thánh Gia năm vừa qua khi nói về sự chuyển đổi, Đức cha chỉ gợi ý như là một dấu chỉ. Ngài nói về tiên tri Simeon đã nhìn thấy Chúa và tiên đoán về Hài nhi Giêsu cũng như Mẹ Maria. Có nghĩa là, Giáo phận đã cưu mang Dòng Thánh Gia 50 năm nên đã nhìn thấy người con của mình đang cần gì, muốn gì?

          Dù nghe vậy, nhưng bản thân tôi lúc đó còn hoài nghi chẳng biết mắt xích nào làm khó trong sự chuyển đổi này khi dòng đã làm đơn và xin rất lâu. Hoài nghi, nhưng tôi vẫn xác tín rằng: Đức cha của chúng ta đã nói là làm và sẽ làm khi dòng kỷ niệm 90 năm thành lập và 50 năm hiện diện ở giáo phận Long Xuyên.

          Quả đúng như suy nghĩ của tôi. Trong lễ Thánh Gia năm nay 26/12/2021, Ngài đã nói thẳng vấn đề chuyển đổi Dòng Thánh Gia từ dòng Giáo dân sang dòng Giáo sĩ và mời Ban cố vấn của dòng họp ngay ngày hôm sau 27/12/2021 để bàn về tiến trình, phương cách, hướng đi cho việc chuyển đổi.  Ý Chúa nhiệm màu chỉ sau đó hai ngày (28/12/2022) trong thánh lễ an táng Sư huynh Roland Ngài đã thông báo kết quả gặp gỡ với Ban Cố vấn cho mọi người biết. Hướng đi từ đây Dòng Thánh Gia cùng hiệp hành với giáo phận, đảm nhiệm dạy giáo lý cho các Tân tòng và đồng hành với họ trong cuộc sống. Rao giảng tin mừng cho các anh em dân tộc Campuchia ở Việt nam hoặc ở Campuchia. Giáo phận ủng hộ việc chuyển đổi và Đức cha rất vui là người ký văn bản này khi đã có đủ những hướng dẫn về Giáo luật. Địa phận cùng với dòng tìm hiểu những dòng đã chuyển đổi để biết cách đi đúng giáo luật. Hiện Việt Nam đã có dòng Thánh Tâm Huế đã chuyển đổi và đang hoạt động với tư cách là dòng giáo sĩ thuộc giáo phận.

          Theo bà Maria Tố Oanh một chuyên viên về Giáo luật cho rằng: Hiến luật của mỗi dòng phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn và chỉ được thay đổi với sự đồng ý của cùng nhà chức trách (đ.587§2). Vậy thẩm quyền đó là ai? Thưa, đối với dòng giáo phận, đó là Giám mục của trụ sở chính (đ. 595§1), ngài cũng là vị chủ tọa cuộc bầu cử bề trên tổng quyền của dòng thuộc luật giáo phận (đ.625§2). Đối với dòng thuộc luật giáo hoàng thì thẩm quyền phê chuẩn hiến pháp chính là Tòa Thánh (đ.593). Đức Giám mục nơi có trụ sở chính này có quyền chuẩn y những thay đổi (tu chính) được đưa vào hiến pháp cách hợp lệ (đ. 595§1). Hiến luật ban đầu thường được Đấng sáng lập soạn thảo và viết ra. Theo thời gian, hiến luật cần phải được canh tân để dòng cũng có những phương hướng mới phù hợp với công cuộc canh tân đời sống tu trì theo yêu cầu của Giáo hội[1]. Do đó, "việc ấn định các tiêu chuẩn và thiết lập các khoản luật về canh tân và thích nghi … phải là nhiệm vụ của các vị có thẩm quyền, nhất là tổng tu nghị"[2]. Với Giáo luật 1983, vai trò quan trọng này được trao cho tổng công nghị là cơ quan quyền bính tối cao trong dòng với sứ mạng bảo vệ gia sản của dòng, cổ võ việc canh tân và thích nghi gia sản ấy (đ.631§1). Như vậy, dòng đã có tổng nghị về sửa đổi hiến pháp từ dòng Giáo dân sang dòng Giáo sĩ và Đức giám mục giáo phận là người phê duyệt chính thức tối cao cho việc chuyển đổi này.

          Xin Chúa luôn đồng hành với công việc để việc chuyển đổi diễn ra một cách tốt nhất theo thánh ý Ngài.

Thiên Sinh

Tài liệu tham khảo

1-    Perfectae Caritatis 2

2-    Perfectae Caritatis 3

3-    Giáo luật: điều 587§2; 595§1; 625§2; 593; 595§1; 631§1

4-    Tố Oanh. Gợi ý soạn thảo hiến pháp và luật dòng tu điều

587. giaoluatconggiao.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét