label

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Hiệp hành trong những hoàn cảnh lạ lùng

Hiệp hành trong những hoàn cảnh lạ lùng





  • Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp Hành đang mời gọi chúng ta "hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ". Bài viết dưới đây của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu cho thấy những nét đặc biệt của việc 'thực thi sứ vụ' trong những hoàn cảnh xã hội rất ‘lạ lùng’, đòi hỏi nhiều sáng tạo để có thể hiệp thông và tham gia… 


 

Những kỷ niệm trên đường truyền giáo
Kỷ niệm 27: Nhân tình thế thái

Năm 2007, mình được một số ông bạn nối khố mời sang Trung Quốc để “dòm ngó”. Dòm ngó một đại lục mà tin tức về Giáo Hội Công Giáo cứ kín như bưng. Nhờ chuyến đi ấy mình thấy được nhiều điều gọi là “nhân tình thế thái”.

 

1. Hôm ấy mình đi tham quan Trung tâm du lịch Khổng Tử. Cái gì của trung tâm cũng là văn hóa của hơn 2500 năm lịch sử (Ông Khổng Tử sinh khoảng chừng năm 551 và mất khoảng chừng năm 479 trước Công Nguyên). Vừa nhìn vừa ngẫm nghĩ, vừa thán phục.

 

Bỗng bộ phận tiêu hóa “bật đèn xanh”. Mình vội vã đi tìm nhà vệ sinh. Một dãy nhà có nhiều ô nhỏ xuất hiện. Ô nào cũng sạch sẽ tươm tất. Ô nào cũng có bồn bằng men sứ láng coóng. Nhưng ô nào cũng trống phộc: không cửa, không rèm. Người ngồi ở bên trong nhìn ra và người ở bên ngoài lướt qua đều có cặp mắt đơn sơ như bé thơ.

 

Không ai thẹn thùng, không ai ngại ngùng. Không ai xấu hổ. Còn mình thì… muốn độn thổ.

 

2. Mình theo ông bạn đến thăm một gia đình Công Giáo. Ông vừa là hướng dẫn viên, vừa là thông dịch viên.

 

Một cặp vợ chồng trẻ sống trong một căn phòng của chung cư. Căn phòng khang trang: có tranh trên tường; có hoa tươi trên bàn xa-lông. Nhưng dòm mãi mà chẳng thấy bàn thờ Chúa đâu, mình ngỏ lời:

 

- Gia đình anh chị có đạo, mà sao không có bàn thờ Chúa?

- Chúng con giấu ở trên lầu.

- Tự do tín ngưỡng thì tại sao phải giấu.

- Chúng con là “Công Giáo hầm trú”, chỉ âm thầm giữ đạo thôi.

- Thế ngày Chúa Nhật có đi lễ không?

- Chúng con vẫn đi lễ ở nhà thờ “Công Giáo tự trị”.

- Ở Trung Quốc có bao nhiêu người “Công Giáo hầm trú”?

- Chả biết. Chỉ biết vài chục người trong địa phương của mình thôi.

- Đến khi nào mới chấm dứt tình trạng “Đạo hầm trú” này?

- Xin cha hỏi Chúa. Chúng con chịu thua.

 

3. Mình đến thăm một linh mục siêu thọ. Ngài mới mừng lễ “Kim cương khánh”, 60 năm linh mục.

 

Ông bạn nói nhỏ bên tai mình: “Ngài bị giam tù 25 năm. Khi ra tù, thì không được làm công tác mục vụ, mà phải về ở với thân nhân tại một khu chung cư”.

 

Ngài biết tiếng Pháp nên mình nói chuyện trực tiếp với ngài, không cần nhờ thông dịch.

- Cha Cố ở đây với con cháu, thì có được dâng lễ không?

- Tôi vẫn dâng lễ hằng ngày.

- Cha Cố dâng lễ một mình, hay là có giáo dân tham dự?

- Ngày thường thì chỉ có các cháu tham dự, còn ngày Chúa nhật thì có chừng ba chục người đến dự.

- Thế chính quyền có biết không?

- Biết, nhưng mà họ bỏ qua.

Khi mình và cha già đang đến hồi tâm sự, thì có khách lạ đến bất ngờ: đến mà không báo trước; vào phòng mà không gõ cửa. Đó là hai người đàn ông ở tuổi tứ tuần. Chủ khách nói chuyện xí xố với nhau một hồi, rồi khách cáo từ ra về.

Mình tiếp tục nói chuyện với cha già.

- Hai ông đó là ai mà vào nhà không gõ cửa?

- Hai linh mục bên “Công giáo tự trị”.

Mình hiểu ý, bèn nháy ông bạn: “Chúng mình về đi”.

 

4. Đi lễ tại nhà thờ “Công giáo tự trị”.

 

Hôm ấy là ngày Chúa nhật, ông bạn rủ mình đi lễ tại nhà thờ “Công giáo tự trị”. Mình đứng, quỳ, ngồi như mọi người; lên rước lễ như mọi người; chắp tay, cúi đầu như mọi người; nhưng tai thì như điếc và miệng thì như câm. Tai và miệng thì vô dụng, nhưng mắt thì thấy và hiểu biết được nhiều điều.

 

- Trên phông cung thánh có tượng Chúa Phục Sinh. Bên phải bàn thờ có ảnh Chúa thọ nạn. Điều đó chứng tỏ là “Công giáo tự trị” vẫn theo dõi và thi hành luật mới của phụng vụ Giáo Hội Rôma. Tự trị ngoài, mà bên trong thì vẫn theo Tòa Thánh.

 

- Khi lên rước lễ, thì có hai loại người: người chắp tay và người khoanh tay. Người chắp tay thì được linh mục trao Mình Chúa, còn người khoanh tay thì được linh mục đặt tay lên đầu để ban phép lành.

 

Ông bạn của mình kể rằng: ở nông thôn số người lương đi dự lễ đông hơn người Công giáo. Họ đi lễ để được linh mục ban phép lành. Tại sao lương dân lại yêu mến Thánh lễ Công giáo và thích được linh mục chúc lành? Không ai trả lời được. Đó là việc của Chúa Thánh Thần. Mình mường tượng một tương lai không xa người lương dân Trung Quốc sẽ trùng trùng điệp điệp gia nhập đạo Công giáo. Đã có dấu hiệu rồi đấy.

 

- Sau Thánh lễ ông bạn rủ mình đi ăn sáng. Tưởng chỉ có hai người, ai ngờ… hai bàn tròn và hơn một chục tô bún. Ông bạn của mình giới thiệu: “Bàn bên này có hai dì phước hóa trang: bề ngoài là hai sinh viên, bề trong là hai nữ tu của một cộng đoàn bị giải thể. Ngoài hai nữ tu thì còn có bốn linh mục cũng bắt chước bà phước cải trang làm sinh viên. Bàn bên kia có một bà đầm vừa làm giáo sư đại học vừa làm bà phước. Ngoài ra còn có một nam tu mang danh doanh nhân. Ông này là người Đại Hàn cùng với bốn đồng bào Công giáo vừa kinh doanh vừa loan báo Tin Mừng bằng công tác từ thiện.

 

5. Đi thăm một bến xe. Bến xe rộng thênh thang. Từ cổng vào cho tới các ghi-xê bán vé và phòng ngồi đợi, mình không thấy một cọng rác nào. Mình có cảm tưởng là người Hoa tiến bộ hơn người Việt mình. Buồn và xấu hổ năm phút.

 

Từ trong hành lang, mình nhìn ra sân để ngắm cảnh và ngắm người; người đi vào và người đi ra thì nườm nượp. Người ăn bánh xong thì vứt giấy bọc xuống sân. Người hút thuốc xong thì búng cán thuốc xuống cống rãnh. Thế nhưng rác vừa rơi xuống sân, cán thuốc vừa lọt xuống rãnh thì có người chạy tới nhặt ngay.

 

Điều đó chứng tỏ văn hóa “sạch” không phát xuất từ nếp sống của người dân, mà từ chính quyền muốn khoe với khách du lịch nước ngoài. Văn hóa “sạch” vẫn chưa là hiện thực, mà chỉ là ước mơ xa xôi mà thôi.

***

Sau một tuần lễ dòm ngó, mình trở về Việt Nam, lòng tràn đầy niềm vui, vui vì thấy tương lai của đạo Công giáo tại Trung Quốc sẽ rực sáng.

 

Người gieo giống thì đông, nhưng gieo một cách âm thầm lặng lẽ. Hạt giống thì nhiều, nhưng nằm im ắng trên cánh đồng chờ mưa. Bàn tay Chúa Thánh Thần đang khéo léo dàn dựng để Tin Mừng bùng vỡ.

 

Lm Piô Ngô Phúc Hậu - NSTM 11.2017 (TGPSG)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét