label

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

CHÚC MỪNG CHA SỞ 32 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC VÀ SINH NHẬT LẦN THỨ 72

 CHÚC MỪNG CHA SỞ 32 NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC VÀ SINH NHẬT LẦN THỨ 72



Toàn thể giáo dân giáo xứ Cần xây

BA MƯƠI HAI NĂM HỒNG ÂN LINH MỤC CỦA CHA SỞ 

GIÁO XỨ CẦN XÂY

LINH MỤC PHAOLÔ TRẦN VĂN KHOA

          Sáng nay ngày 30/5/2022 tại giáo đường giáo xứ Cần Xây, thánh lễ đồng tế đã được cử hành với tâm tình cảm tạ, tri ân vì những hồng ân Chúa đã thương ban nâng đỡ cha Phaolô Trần Văn Khoa suốt 72 năm cuộc đời và 32 năm linh mục. Mở đầu thánh lễ, cha đã xin lỗi và cảm tạ Thiên Chúa đã thương gìn giữ, nâng đỡ con người hèn yếu, còn nhiều thiếu sót với Chúa, với bề trên, quí cha, quí tu sĩ và với mọi người giáo dân. Quãng đời còn lại, xin mọi người cùng cầu nguyện cho con để con có thể đi trọn con đường theo lòng Chúa mong muốn.

          Trong bài giảng, cha Phêrô Nguyễn Trung Khiết mở đầu với tâm tình Chúa thăng thiên và một câu ngài khởi động bằng lời chúa trong tin mừng thánh Gioan: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33).” Vâng, đời linh mục cần phải can đảm để vượt qua mọi thăng trầm, cám dỗ của cuộc đời. Nhưng muốn vượt qua người linh mục phải luôn có Chúa đồng hành để có niềm vui trọn vẹn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bài giảng không ca ngợi về quá khứ của linh mục, nhưng vạch ra một hướng đi đó là: tìm kiếm ân sủng, phục vụ trong niềm vui, đón nhận trong niềm vui và chấp nhận trong niềm vui.

          Thật vậy, linh mục đang được giữ trong một bình sành dễ vỡ nếu không có ân sủng của Chúa, sự nâng đỡ của mọi người linh mục sẽ khó tìm thấy được niềm vui. Hơn nữa khi tuổi già, cô đơn và bệnh tật đeo bám sẽ là lúc phải thật cần Chúa và ân sủng của Ngài, nếu không bình sành lại càng dễ vỡ hơn. Với tuổi đời 72 và bệnh tật đã viêng thăm, đôi lúc rất mệt mỏi nhưng linh mục Trần Văn Khoa đã sống, làm tròn sứ mệnh của Chúa và Giáo Hội trao phó. Xin Chúa luôn đồng hành với cha trên mọi nẻo đường.

         Cho dù hôm nay là ngày thường, nhưng thánh lễ rất đông giáo dân tham dự, các chị Hiền mẫu với đồng phục màu xanh ngồi thẳng hàng đã làm nổi bật lên sự đẹp mắt và trang nghiêm. ngoài ra còn có một số các chị em nhóm bồ câu thuộc giáo xứ chính tòa đến dự lễ cầu nguyện cho Ngài. Xong thánh lễ mọi người nhận được món quà cha gửi tới để cùng chia vui, tri ân bao gồm một cái nón, bánh bông lang tượng trưng cho sự che chở và lan tỏa tình chúa, tình cha đến mọi người. Chúng con luôn mãi cầu nguyện cho cha và xin Chúa che chở cha mãi mãi

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ


















Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

"NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG PHẢI CÓ TÂM"

 ĐGM GIUSE NGUYỄN TẤN TƯỚC:

"NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG PHẢI CÓ TÂM"

Truyền thông HĐGMVN thực hiện

WHĐ (27.5.2022) - Nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên năm nay (29.05.2022), Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã có lời chia sẻ với chủ đề "Người hoạt động truyền thông là người cần phải có tâm". Lời chia sẻ của Đức cha Giuse được gợi hứng từ Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay với chủ đề: "Hãy lắng nghe bằng con tim”.



Thông báo trang web chính thức mới của Giáo phận Đà Lạt

 

Thông báo trang web chính thức mới của Giáo phận Đà Lạt

  •  
  •  


THÔNG BÁO TRANG WEB CHÍNH THỨC MỚI CỦA GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT

California ngày 22-5-2022

Kính thưa quý độc giả,

Ngày 31 tháng 5 năm 2000, lễ Đức Mẹ Đi Viếng Bà Isave, trang web simonhoadalat.com ra mắt đọc giả toàn cầu. Đây là thời điểm website hãnh diện đảm nhận tạm thời công việc truyền thông của Giáo Phận Đalat trên mạng lưới toàn cầu. Nay website đang bước vào năm thứ 22, khi Giáo Phận cùng Giáo Hội Hoàn Vũ đang Hướng Tới Một Giáo Hội Hiệp Hành, cần đáp ứng nhiều nhu cầu Mục Vụ GP hiện tại, đặc biệt tận dụng nguồn nhân sự, nên website simonhoadalat.com đã được ĐC Đaminh chấp thuận, để chuyển trọng trách này trở về Ban Truyền Thông Giáo Phận kể từ ngày lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, tức ngày 29-5-2022. Vậy chúng tôi hân hạnh giới thiệu quý độc giả trang web chính thức của Giáo Phận Đalat tại địa chỉ: https://giaophandalat.org/

Sau ngày 29-5-2022 website simonhoadalat.com vẫn hiện diện - Tôn Chỉ Mục Đích không thay đổi, trở về tên gọi HỘI ÁI HỮU SIMON HÒA ĐALAT HẢI NGOẠI. Trang web simonhoadalat.com là một website độc lập về quản lý tài chánh cũng như điều hành, do các anh em cựu chủng sinh Chủng Viện Simon Hòa Giáo Phận Đalat Hải Ngoại chủ trương, nhưng vẫn là thành viên trong đại gia đình Giáo Phận Đalat.

Kính mong quý độc giả ủng hộ website chính thức của Giáo Phận Đalat như từng ủng hộ chúng tôi trong 22 năm qua. Xin Chúa chúc lành cho quý vị.

Trân trọng
Ban Biên Tập (simonhoadalat.com)

Nguồn: simonhoadalat.com (22.5.2022)

Thảm sát ở Texas, ĐTC: "Đã đến lúc chấm dứt nạn buôn bán vũ khí vô tội vạ"

 

Thảm sát ở Texas, ĐTC: "Đã đến lúc chấm dứt nạn buôn bán vũ khí vô tội vạ"



Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha đã diễn tả sự đau buồn về vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Hoa Kỳ bởi một thanh niên. Ngài nói: “Tôi rất đau buồn, tất cả chúng ta hãy dấn thân để những bi kịch như vậy không còn xảy ra nữa.”

Văn Yên, SJ - Vatican News

Vụ thảm sát ở trường tiểu học Uvalde đã cướp đi sinh mạng của 21 người, 19 trẻ em và 2 người lớn, một vụ thảm sát nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử nước Mỹ xảy ra tại trường học. Một thanh niên đã nổ súng trong các lớp học sau khi làm bị thương bà của anh, người đã cố ngăn cản anh. Thanh niên này đã bị cảnh sát bắn chết.

Tại quảng trường Thánh Phêrô sau buổi tiếp kiến, ĐTC nói: “Đã đến lúc cần phải nói đủ rồi với nạn buôn bán vũ khí vô tội vạ. Tất cả chúng ta hãy dấn thân để những thảm cảnh như vậy không còn có thể xảy ra nữa”.

ĐHY Blase Cupich, TGM Chicago, đã lên án các đạo luật về sở hữu vũ khí. Ngài tuyên bố: “Chúng ta phải khóc và đắm mình trong đau đớn, nhưng sau đó chúng ta phải sẵn sàng hành động trước điều mà dường như là tuyệt vọng không thể vượt qua”.

Mười năm kể từ vụ thảm sát Sandy Cook, cũng tại một trường tiểu học, trong đó 20 trong số 26 nạn nhân là trẻ em. Nhớ lại điều đó và vô số thảm kịch khác diễn ra tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ĐHY Cupich tự hỏi, “Chúng ta hy vọng điều gì cho con cái của mình? Hy vọng chúng học được cách xử lý trong trường hợp có một cuộc tấn công bằng súng? Rằng, chúng cảm thấy nguy hiểm khi đơn giản làm điều mà xã hội nói là tốt cho chúng: việc đến trường? Chúng tự hỏi liệu chúng có tương lai không?”

ĐHY Cupich đã yêu cầu mọi người hãy tưởng tượng “mình là cha mẹ của một đứa trẻ trong trường học đó”, và sau đó: “Hãy tưởng tượng phải chôn chúng”. Nước Mỹ đang đầy vũ khí. Ngài khẳng định: “Chúng ta có nhiều súng hơn người”. “Các vụ xả súng hàng loạt đã trở thành một thực tế hàng ngày ở Mỹ ngày nay. Quyền được mang vũ khí sẽ không bao giờ quan trọng hơn mạng sống của con người.” ĐHY Cupich kết luận và nói thêm: “con cái chúng ta cũng có quyền. Và các quan chức được bầu phải nghĩa vụ đạo đức phải bảo vệ chúng.”

Nhân loại lắng nghe tiếng kêu la của chiến tranh

 

Nhân loại lắng nghe tiếng kêu la của chiến tranh



Vatican. Chủ nhật 29/5 tới sẽ là Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56, tập trung vào chủ đề lắng nghe và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đặt con người làm trung tâm của thông tin. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, “không có nền báo chí tốt nếu không có khả năng lắng nghe”. Điều này càng được thể hiện rõ ràng trong thời kỳ đại dịch và bây giờ khi cuộc chiến tranh thảm khốc đang diễn ra ở Ucraina.

Văn Cương, SJ – Vatican News

“ĐTC Phanxicô không chỉ nghe, mà còn lắng nghe.” Đây là điều mà Tổng thư ký Caritas-Spes Ucraina, Cha Vyacheslav Grynevych, đã nói về ĐTC sau cuộc gặp gần đây tại Nhà thánh Marta. Cha Grynevych tâm sự rằng chính điều này – “lắng nghe” – thực sự là nhiệm vụ quan trọng nhất mà cha, cũng như những cộng sự và tình nguyện viên của Caritas Ucraina, đã và đang thực hiện, bên cạnh những việc bác ái khác từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.

Lắng nghe nỗi đau khổ của người mẹ mất con, của người cha đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc và không biết có được gặp lại gia đình hay không. Giờ đây, họ lắng nghe tiếng khóc không thể nguôi của những đứa trẻ mà trong gần một trăm ngày, đã sống trong nỗi kinh hoàng, bị kéo vào một cuộc chiến tàn khốc đã làm gián đoạn cuộc sống hồn nhiên của chúng, mà lẽ ra cần được hưởng với những trò chơi, trường học và tình cảm gia đình. Lắng nghe, không chỉ là nghe. Bởi vì để nghe, chỉ cần đôi tai của bạn, nhưng để lắng nghe, bạn cần cả trái tim. Trái tim là trung tâm của việc lắng nghe.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô chọn “lắng nghe” làm chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông 2022, sự phản tỉnh của ngài chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đau thương của đại dịch Covid-19. ĐTC đang đề cập đến sự cô đơn hiện sinh mà một phần nhân loại đang phải đối mặt khi mọi người không thể tiếp xúc với nhau. Chúng ta hiểu được tính thiết thực của sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông sắp tới khi “khả năng lắng nghe đối với xã hội quý hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thời điểm đang bị tổn thương bởi đại dịch kéo dài.”

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “chúng ta cần lắng nghe và lắng nghe sâu sắc, đặc biệt là đối với những bất ổn xã hội đang gia tăng do sự chậm lại hoặc ngừng hoạt động của nhiều hoạt động kinh tế.” Đặc biệt, chỉ khi đến gần nhau, nếu đặt mình vào vị trí của người lân cận, như thể chỉ cách một nhịp tim, chúng ta mới có thể thực sự lắng nghe.

Do đó, nếu chủ đề “lắng nghe” nảy sinh, trước hết và quan trọng, từ trải nghiệm của đại dịch, thì điều này cũng có giá trị trong bối cảnh bi thảm của cuộc chiến ở Ucraina, và mọi cuộc xung đột. Nếu trong đại dịch, khả năng lắng nghe là tìm ra những tần số thích hợp trong im lặng, thì bây giờ trong tiếng ầm vang của vũ khí, trong tiếng kêu la của chiến tranh, thái độ lắng nghe của trái tim là trợ giúp tiếng nói của những người đau khổ.

ĐTC Phanxicô viết: “Lắng nghe là yếu tố đầu tiên không thể thiếu của một cuộc đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể giao tiếp nếu trước tiên không lắng nghe và người ta không thể làm báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe.” Và trước hết, chúng ta phải lắng nghe những người có tiếng nói yếu nhất.

ĐTC đã tuyên bố khi gặp gỡ các nhà báo của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Ý vào ngày 18 tháng 5 năm 2019 rằng “lắng nghe đòi hỏi sự kiên nhẫn và khiêm tốn, đức tính khiến cho sự tự do không trở nên tầm thường. Nhà báo khiêm tốn là một nhà báo tự do, tự do khỏi các điều kiện, không có định kiến, và nhờ thế có sự can đảm.”

Tự do là một quyền cần được gìn giữ ngày nay hơn bao giờ hết, với việc nhận biết rằng tham gia vào truyền thông không chỉ là một nghề nghiệp, mà là một sứ mạng phục vụ lợi ích chung.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

CÁO PHÓ (bà Anna Nguyễn Thị Nguyền, khu 6)

 CÁO PHÓ 


                     Một người con của giáo xứ

Bà ANNA NGUYỄN THỊ NGUYỀN, sinh năm 1956
Hiện ngụ tại khu 6, giáo xứ Cần Xây
Đã được Chúa gọi về lúc 21 giờ ngày 21/05/2022
HƯỞNG THỌ 66 TUỔI
Nghi thức tẩm liệm vào lúc 9 giờ ngày
22-05-2022
Thánh lễ an táng  được cử hành tại Nhà thờ
Cần Xây vào lúc 4 giờ 30 ngày 24-05-2022, sau đó an táng tại đất thánh giáo xứ Cần Xây
Trong tinh thần yêu thương hiệp nhất. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn bà ANNA sớm hưởng thánh nhan Chúa

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

ĐTC Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc

 

ĐTC Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc





Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 22/05, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu vào thứ Ba tới, ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc. Ngài nói rằng: "Tôi cầu nguyện cho họ mỗi ngày".

Văn Yên, SJ - Vatican News

Đức Thánh Cha nói: "Thứ Ba tới là lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, đặc biệt được các tín hữu tại Trung Quốc sùng kính như là Đấng bảo trợ của họ, tại Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải, tại nhiều nhà thờ và tư gia của họ. ĐTC đảm bảo sự gần gũi thiêng liêng với họ và luôn chú ý dõi theo cuộc sống và các biến cố phức tạp của các tín hữu và mục tử tại đây. ĐTC nói ngài cầu nguyện cho họ mỗi ngày. ĐTC cũng mời gọi các tín hữu tham gia vào việc cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc để, trong tự do và an bình, họ có thể sống sự hiệp thông thực sự với Giáo hội hoàn vũ và thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người, và như thế cũng góp phần tích cực vào sự tiến bộ tinh thần và vật chất của xã hội."

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến hôm nay bắt đầu Tuần lễ Laudato Si', để chăm chú lắng nghe hơn tiếng kêu của Trái đất, điều này thúc đẩy chúng ta cùng hành động để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tuần lễ này được tổ chức bởi Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, và ĐTC mời gọi mọi người tham gia.


ĐHY Parolin: ‘Praedicate evangelium’ thực hiện mục tiêu chính của triều đại ĐTC Phanxicô

 

ĐHY Parolin: ‘Praedicate evangelium’ thực hiện mục tiêu chính của triều đại ĐTC Phanxicô





Roma. Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, Pietro Parolin nói tông hiến “Praedicate evangelium” đại diện cho việc thực hiện một trong những mục tiêu chính của triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là cải cách Giáo triều Rôma.

Văn Cương SJ - Vatican News

“Những thay đổi về cấu trúc, những điều mới được quyết định bởi bối cảnh hiện tại, những quy trình đã được tiến hành trong nhiều năm và cuối cùng đã hoàn thành”, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói về Tông hiến cải tổ Giáo triều Rôma - Praedicate evangelium - được công bố vào ngày 19 tháng 3 và sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6 tới đây. Với Tông hiến này, Đức Hồng Y Parolin nói, “một trong những mục tiêu chính mà triều đại ĐTC Phanxicô đã đặt ra ngay từ đầu và đã được thực hiện”.

Ngày nghiên cứu

Đức Hồng Y đã khai mạc Ngày Nghiên cứu mang tên “Praedicate Evangelium: Cấu trúc, nội dung và điều mới lạ”, được tổ chức bởi Viện Utriusque Iuris thuộc Đại học Giáo hoàng Laterano. Đây là sự kiện lớn đầu tiên kể từ khi công bố Tông hiến. Chương trình ‘Ngày nghiên cứu’ là thời điểm quan trọng của cuộc thảo luận cấp cao để hiểu bộ khung và tiêu chí của văn kiện mà Đức Thánh Cha Phanxicô công bố nhằm cải tổ Giáo triều trong triều đại Giáo hoàng của ngài.

Ngoài Đức Hồng Y Parolin, các diễn giả khác bao gồm Đức Hồng Y Marcello Semeraro, thư ký của Hội Đồng Hồng Y trong nhiều năm; Cha Juan Antonio Guerrero Alves, Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và ông Alessandro Cassinis Righini, Tổng Kiểm toán.

Điểm lại quá trình

Tại buổi khai mạc, trước sự hiện diện ​​của các giảng viên và sinh viên của trường đại học Giáo hoàng, ĐHY Parolin nhớ lại các giai đoạn trong chín năm qua, từ đó dẫn đến việc soạn thảo Tông hiến cải tổ Giáo triều, vốn được xem là “một công cụ trong tay Giáo hoàng” vì lợi ích của Giáo hội và sự phục vụ từ các Giám mục.

ĐHY nói, Praedicate evangelium là một đáp ứng đối với “các yêu cầu lặp đi lặp lại của các Hồng y trong những lần nhóm họp trước Mật nghị Hồng y năm 2013”. Một trong số các hành động đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của mình, ĐTC đã thành lập Hội đồng Hồng y với nhiệm vụ “nghiên cứu một dự án nhằm cải tổ Giáo triều.”

Đức Hồng Y Parolin giải thích, “Cuộc cải cách vốn được hình dung đã được thực hiện liên tục trong vài năm, với việc thiết lập các cơ quan mới và với những điều chỉnh không thể tránh khỏi trong các thể chế ‘đang vận hành’ và được kêu gọi cùng nhau hợp tác.”

ĐHY cho biết, “Praedicate evangelium ra đời từ những đúc kết kinh nghiệm và điều chỉnh trong những năm qua, thực hiện những bước đi mới,” để “hoàn thiện bức tranh tổng thể,” theo ba tiêu chí: “sự hiệp thông của các thể chế Giáo hội, sự hợp tác trong các tương quan giữa các văn phòng, và việc điều chỉnh thái độ của mỗi cá nhân.”

Những thay đổi liên quan đến vấn đề tài chính

Cha Antonio Guerrero, SJ., minh họa những thay đổi đã diễn ra trong những năm qua về các vấn đề kinh tế và tài chính. Cha mô tả đây là một “con đường quanh co” chứng kiến ​​sự thành lập, giải thể, hợp nhất hoặc chuyển giao thẩm quyền của các cơ quan kinh tế khác nhau hiện đã được hợp nhất thành Hội đồng Kinh tế, Ban Thư ký Kinh tế, Văn phòng Kiểm toán.

Các cơ quan này hiện “đang phục vụ cho sứ mạng”; thật vậy, chúng không phải là “nhiệm vụ cốt lõi” của Giáo triều Rôma, nhưng “nhằm giúp đỡ để phục vụ sứ mạng vốn đã được thực hiện bởi nhiều bộ và ban”, trong đó “điểm tham chiếu không thay đổi” chính là dựa vào Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và “bổn phận rao giảng Tin Mừng.”

Ngoài ra, các giáo sư về Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Laterano, Emile Kouveglio và Patrick Valdrini, phát biểu về chủ đề “quyền tối thượng và quyền giám mục” trong Praedicate evangelium, bắt đầu từ “việc phân quyền lành mạnh” thường được ĐTC viện dẫn; sau đó về cách Tông hiến điều chỉnh khi đưa ra “khái niệm về một Giáo triều với đặc tính của một diakonia (việc phục vụ)”. Hay đúng hơn là một “công cụ”, như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã mô tả, và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thêm vào, “trong tay của Đức Giáo Hoàng”.

ĐTC Phanxicô: như Charles de Foucauld, chọn điều thiết yếu và tình yêu đại đồng

 

ĐTC Phanxicô: như Charles de Foucauld, chọn điều thiết yếu và tình yêu đại đồng



Sáng thư Tư, 18/5, trước buổi tiếp kiến chung hằng tuần, Đức Thánh Cha đã gặp khoảng 50 thành viên của Hiệp hội Gia đình linh tông Charles de Foucauld. Ngài chia sẻ niềm vui của Hiệp hội trong biến cố phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld vừa qua.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói đến hai điểm từ linh đạo của Charles de Foucauld có thể như lời ngôn sứ cho thời đại chúng ta.

Trước hết, sự thiết yếu, được cô đọng trong hai từ đơn giản: “Iesus - Caritas” và trên hết là trở về với tinh thần nguồn cội, tinh thần Nazareth. Người anh Charles, tiếp tục hình dung Chúa Giêsu đang đi giữa dân chúng, kiên nhẫn làm việc lao nhọc, sống cuộc sống hàng ngày của một gia đình và đời sống thành phố. Charles de Foucauld, trong sự thinh lặng của lối sống ẩn sĩ, trong việc thờ phượng và phục vụ anh em mình, đã viết rằng, trong khi “chúng ta được hướng dẫn để đặt công việc lên hàng đầu, những công việc hữu hình và có thể nhìn thấy được, thì Thiên Chúa dành vị trí đầu tiên cho tình yêu và sau đó là sự hy sinh được gợi hứng bởi tình yêu và sự vâng phục bắt nguồn từ tình yêu”, như được diễn tả trong thư gửi Maria de Bondy, ngày 20 tháng 5 năm 1915. Là một Giáo hội, chúng ta cần trở về với điều thiết yếu, đừng để mình bị lạc mất vào nhiều điều thứ yếu, với nguy cơ đánh mất ánh nhìn thuần khiết đơn sơ của Tin Mừng.

Điều thứ hai là tính đại đồng. Vị Thánh mới đã sống căn tính Kitô hữu của mình như một anh em giữa tất cả, bắt đầu từ những người nhỏ bé. Ngài không nhắm mục đích cải đạo người khác, nhưng sống tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, khi thực hiện “việc tông đồ của lòng tốt”. Vì vậy, ngài đã viết: “Tôi muốn tất cả cư dân Kitô hữu, Hồi giáo, Do Thái và thờ các thần coi tôi như một người anh em của họ, người anh em đại đồng” như được tìm thấy trong thư gửi Maria de Bondy, ngày 7 tháng 1 năm 1902. Để làm điều này, ngài đã mở cửa nhà của mình, để biến thành “bến cảng” cho mọi người, “mái nhà của Vị Mục Tử Nhân Lành”.

Đức Thánh Cha cảm ơn các thành viên của Hiệp hội gia đình thiêng liêng Charles de Foucauld về chứng tá tình yêu đại đồng này, đặc biệt trong thời đại có nguy cơ đóng mình trong những nhóm đặc thù, gia tăng khoảng cách, không nhìn thấy người khác là anh em.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến sự vui tươi của thánh Charles de Foucauld, khi trong cảnh khó khăn và nghèo khổ của sa mạc, ngài đã nói: “Linh hồn tôi luôn vui tươi”, như trong thư gửi cha Huvelin, ngày 1 tháng Hai năm 1898. Ngài chúc mọi người luôn giữ được niềm vui như là chứng tá dâng lên Chúa Giêsu mọi nơi và mọi lúc. (CSR_2103_2022)


Đức Hồng Y Bo: Buôn bán nội tạng là một hình thức 'tội phạm có tổ chức' mới

 

Đức Hồng Y Bo: Buôn bán nội tạng là một hình thức 'tội phạm có tổ chức' mới



Vatican. Đức Hồng y Charles Bo của Myanmar đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về buôn bán nội tạng, gọi đây là một hình thức mới của “hoạt động ăn thịt người” tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận và trở nên trầm trọng thêm do chiến tranh.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói rằng bất chấp nhiều nỗ lực chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại này, cuộc xung đột ngày càng gia tăng ở những nơi như Ucraina và Myanmar, “đã gây nên một sự cấp bách mới và tuyệt vọng cho vấn đề này.”

“Đây là thời đại của thảm họa đạo đức,” Đức Tổng Giám mục Yangon, Myanmar, cảnh báo khi phát biểu trong cuộc họp của Nhóm Santa Marta tại Học viện Khoa học Giáo hoàng ở Casina Pio IV, Vatican.

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) bày tỏ: “Cuộc thảm sát về luân lý trong sự mỏng manh của con người đang hoành hành. Nó xảy ra ở mọi quốc gia, trong các vùng chiến sự, nơi hàng triệu người đang chạy trốn.”

“Trong khi hàng nghìn người đang thể hiện sự quảng đại đối với những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thì những con sói buôn người vô tâm, giả danh là những người giúp đỡ nhân từ vẫn tiếp tục.”

Đức Hồng y nhớ lại, ĐTC Phanxicô đã lên án nạn buôn người trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, và liên tục gọi đây là “một tội ác chống lại nhân loại.” Đức Hồng Y Bo nói rằng là một Kitô hữu cần phải tiến hành “một cuộc chiến” chống lại nạn buôn người.

Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng buôn bán người tạo ra 150,2 tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp mỗi năm, là nền kinh tế bất hợp pháp lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau việc bán vũ khí và thu nhập của các băng đảng ma túy.

Đức Hồng Y Bo giải thích, ba hình thức buôn người phổ biến nhất là buôn bán tình dục, nợ nần, và lao động cưỡng bức, còn được gọi là nô lệ không tự nguyện. Đức Hồng Y nói, cưỡng ép kết hôn, cưỡng bức ăn xin và cưỡng bức sinh sản là những nỗi thống khổ khác làm gia tăng tội ác này.

Mối đe dọa mới trong các dịch vụ y tế

ĐHY cũng nói về “nỗi kinh hoàng” của các “hình thức ăn thịt người” mới, và cảnh báo rằng không quốc gia nào được an toàn trước “hoạt động buôn bán bất chính” này.

“Nhắm vào nhóm người yếu thế nhất trên thế giới, các băng nhóm tội phạm buôn người từ 127 quốc gia và xuất khẩu dưới dạng hàng hóa đến 137 quốc gia. Trong số đó, trẻ em và phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn... Cứ năm nạn nhân thì có một nạn nhân là trẻ em. Hai phần ba số nạn nhân bị buôn bán trên thế giới là phụ nữ ”.

Đức Hồng Y cảnh báo về “một mối đe dọa mới nổi lên từ một lĩnh vực mới đầy bất ngờ: dịch vụ y tế, trong đó việc thay đổi các bộ phận trên cơ thể người là một tính năng mới của thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu.” ĐHY nói, nạn nhân bị khai thác bởi dịch vụ này là những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước nghèo tại Châu Á và Châu Phi.

Giáo hội Công giáo đi đầu

Đức Hồng Y nhấn mạnh cách Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong việc chống nạn buôn người, đồng thời lên án “thực tế đáng lo ngại mới” mà Giáo hội và các cộng sự đang đối diện, khi hàng ngàn người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đang trở thành nạn nhân hơn bao giờ hết.

Trong khi lưu ý rằng sự phát triển ồ ạt của khoa học y tế trong những thập kỷ gần đây đã mang lại lợi ích cho hầu hết các nước giàu, ĐHY cảnh báo rằng nội tạng và các bộ phận cơ thể đã trở thành hàng hóa được giao dịch thông qua thị trường trực tuyến. ĐHY cho rằng vấn nạn tồn tại là “do luật pháp thiếu ràng buộc đầy đủ và việc vẫn còn nhiều người nằm trong nhóm dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và xã hội.” “Buôn bán nội tạng đang trở thành một hình thức ‘tội phạm có tổ chức’.”

Bất chấp nỗi kinh hoàng đang ảnh hưởng đến thế giới này, Đức Hồng Y Bo kết luận bằng cách nhắc nhở rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ luôn ở bên chúng ta. Ngài nói: “Đó là Thiên Chúa của lịch sử, Thiên Chúa Chúa của yêu thương, hằng sống và giải phóng, Đấng đang kêu gọi chúng ta đến với sứ mạng toàn cầu”.


Tu sĩ không giáo sĩ có thể làm bề trên dòng giáo sĩ

 

Tu sĩ không giáo sĩ có thể làm bề trên dòng giáo sĩ



Ngày 18/05/2022, ĐTC Phanxicô đã ban hành phúc chiếu cho phép tu sĩ không giáo sĩ có thể làm bề trên thượng cấp trong dòng giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh.

Phúc chiếu của Đức Thánh Cha viết:
“Trong buổi tiếp kiến hôm 11/02 dành cho Đức Hồng y Tổng trưởng và Đức Tổng giám mục Thư ký của Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và Các Hội đời sống tông đồ (gọi tắt là Bộ Tu sĩ), Đức Thánh Cha ban cho Bộ này năng quyền, theo sự phân định và từng trường hợp, cho phép các thành viên không giáo sĩ làm Bề trên thượng cấp trong những Tu hội thánh hiến giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng và Hội đời sống tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng thuộc nghi lễ Latin và những thể chế phụ thuộc, bằng việc chuẩn chước khoản số 588 triệt 2 của Bộ giáo luật và luật riêng của mỗi Tu hội đời sống thánh hiến hoặc Hội đời sống tông đồ, trong khi vẫn giữ nguyên khoản luật số 134, triệt 1.”

Phúc chiếu của Đức Thánh Cha gồm 4 điểm:

1.    Thành viên không giáo sĩ của một Tu hội thánh hiến hoặc một Hội đời sống tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng được bổ nhiệm làm Bề trên địa phương bởi Bề trên Tổng quyền với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn.

2.    Thành viên không giáo sĩ của một Tu hội thánh hiến hoặc một Hội đời sống tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng được bổ nhiệm làm Bề trên thượng cấp, sau khi được phép bằng văn bản của Bộ Tu sĩ, theo lời thỉnh cầu của Bề trên Tổng quyền với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn.

3.    Thành viên không giáo sĩ của một Tu hội thánh hiến hoặc một Hội đời sống tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Giáo hoàng được bầu làm Bề trên Tổng quyền hoặc Bề trên thượng cấp, theo thể thức được quy định bởi luật riêng, sau khi được chuẩn nhận bằng văn bản của Bộ Tu sĩ.

4.    Đối với hai trường hợp ở triệt 2 và 3, Bộ Tu sĩ dành quyền thẩm định từng trường hợp và những lý do được nêu lên bởi Bề trên tổng quyền hoặc Tổng Tu nghị.

Đức Thánh Cha truyền công bố Phúc chiếu này trên báo Quan sát viên Roma và sau đó, trên công báo của Tòa Thánh, và có giá trị ngay ngày được công bố, 18/05/2022.