Tông du Bahrain: Gặp Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ
Văn Yên, SJ - Vatican News
Nhà Thờ Thánh Tâm là nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Vùng Vịnh. Nhà thờ được xây dựng năm 1939 trên một khu đất được Tiểu vương Haman Bin Isa Al Khalifa tặng cho Giáo hội Công giáo.
Đức Thánh Cha đến Nhà Thờ Thánh Tâm lúc 9:30 sáng giờ địa phương. Ba trẻ em được một nữ tu dắt đến và tặng hoa cho ngài. Đức Thánh Cha được Đức cha Giám quản Tông toà và cha sở đón tại lối vào của nhà thờ. Đức Thánh Cha vào bên trong nhà thờ trong khi cộng đoàn hát những bài thánh ca. Buổi gặp gỡ bắt đầu với lời chào mừng của Đức cha Giám quản Tông toà. Sau đó là hai chứng từ của chị Chris Noronha, nhân viên mục vụ, và của sơ Rose.
Sau bài đọc được trích từ Tin Mừng Gioan 7,37-39 về lời hứa của Chúa Giêsu ban nước hằng sống, Đức Thánh Cha đã có một bài diễn văn dựa trên đoạn Tin Mừng này.
Giáo hội được tạo thành từ nhiều khuôn mặt khác nhau
Tại Bahrain, hầu hết các tín hữu và cả các tu sĩ là người nước ngoài, nên Đức Thánh Cha nói rằng: “khi chào hỏi từng người trong anh chị em, tôi cũng nghĩ đến các dân tộc mà anh chị em thuộc về, đến gia đình mà anh chị em mang trong tim với sự thương nhớ, đến quê hương đất nước anh chị em…. Thật tuyệt vời khi thuộc về một Giáo hội được tạo nên từ những câu chuyện và khuôn mặt khác nhau, tìm thấy sự hài hòa trong khuôn mặt duy nhất của Chúa Giê-su.
Đề cập đến bài đọc về lời hứa ban nước hằng sống, Đức Thánh Cha “liên tưởng đến vùng đất này: thật đúng là sa mạc rất nhiều nhưng cũng có những nguồn nước ngọt âm thầm chảy dưới lòng đất, tưới mát cho nó.” Ngài nói rằng “bề ngoài, nhân loại của chúng ta dường như bị khô héo bởi rất nhiều yếu đuối, sợ hãi, thách đố phải đối diện, các tệ nạn cá nhân và xã hội đủ loại; nhưng nơi nền tảng của linh hồn, nơi sâu thẳm của trái tim, dòng nước ngọt ngào của Thần Khí vẫn chảy nhẹ nhàng và âm thầm, tưới mát sa mạc của chúng ta, phục hồi sức sống cho những gì có thể bị khô héo, rửa sạch những gì làm chúng ta xấu xí, làm dịu cơn khát hạnh phúc của chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng: “Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn mở của Chúa Kitô, từ phép rửa tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Tt 3,5). Chúng ta không phải là Kitô hữu vì công trạng của chúng ta hay chỉ vì chúng ta tuân giữ một tín điều, nhưng bởi vì trong Phép Rửa, chúng ta đã được ban cho nước hằng sống của Thánh Thần, khiến chúng ta trở thành con cái yêu thương của Thiên Chúa và là anh chị em của nhau, khiến chúng ta trở thành những tạo vật mới. Mọi sự tuôn chảy từ ân sủng, mọi sự đến từ Chúa Thánh Thần.”
Về ân sủng của Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã khai triển ba món quà lớn, đó là: niềm vui, sự hiệp nhất, lời ngôn sứ.
Thánh Thần là nguồn của niềm vui
Trước hết, Thần Khí là nguồn của niềm vui. Dòng nước ngọt mà Chúa muốn chảy vào sa mạc của nhân loại chúng ta, thấm vào lòng đất và vào sự mong manh, là sự chắc chắn rằng chúng ta không bao giờ cô đơn trên hành trình của cuộc sống…. Niềm vui của Thánh Thần không phải là một trạng thái tình cờ hoặc một cảm xúc nhất thời; càng không phải là loại “niềm vui tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân được nhìn thấy trong một số kinh nghiệm văn hóa ngày nay” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 128). Thay vào đó, đây là niềm vui đến từ mối tương quan với Thiên Chúa, từ việc biết rằng, bất chấp những khó khăn và đêm đen mà đôi khi chúng ta phải trải qua, chúng ta không cô đơn, lạc lõng hay thất bại, vì Người ở cùng chúng ta. Và với Người, chúng ta có thể đối diện và vượt qua tất cả, ngay cả vực thẳm của nỗi đau và cái chết.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người không chỉ gìn giữ niềm vui mà còn nhân nó lên, bằng cách trao tặng nó. Bởi vì, niềm vui của Kitô hữu có khả năng lan xa, bởi vì Tin Mừng làm cho người ta ra khỏi chính mình để thông truyền vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Niềm vui không chỉ được diễn tả trong Phụng vụ, mà còn cần được lan truyền trong hoạt động mục vụ sống động, đặc biệt cho những người trẻ, cho các gia đình và cho các ơn gọi của đời sống linh mục và tu sĩ. Niềm vui của Kitô hữu không thể được giữ cho riêng mình, và khi chúng ta lan truyền nó, nó sẽ nhân lên gấp bội.
Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất
Thứ hai, Chúa Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất. Những ai chào đón Người thì nhận được tình yêu của Chúa Cha và trở thành con cái Người; và, nếu là con cái Thiên Chúa, họ cũng là anh chị em của nhau. Không thể có chỗ cho những hành động của xác thịt, nghĩa là ích kỷ: chia rẽ, cãi vã, vu khống, nói hành. Những chia rẽ của thế gian, và cả những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và nghi lễ, không thể gây thương tích hoặc làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Thần Khí. Ngược lại, ngọn lửa của Người đốt cháy những ham muốn thế gian và thắp sáng cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu chào đón và thương xót mà Chúa Giêsu yêu chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu thương nhau theo cách này.
Chúa Thánh Thần đã nhào nắn Giáo Hội từ khởi đầu: từ Lễ Ngũ Tuần, những người với xuất thân, sự nhạy bén và lối nhìn khác nhau được hòa hợp trong sự hiệp thông, được rèn nên sự hiệp nhất mà không đòi đồng nhất. Nếu chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí, thì ơn gọi Giáo Hội của chúng ta trên hết là giữ gìn sự hiệp nhất và vun đắp cùng nhau, nghĩa là - như Thánh Phao-lô nói - “duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 3-4).
Đức Thánh Cha đề cập đến chứng tá của chị Chris rằng “khi còn rất trẻ, điều khiến chị say mê về Giáo hội Công giáo là ‘lòng đạo đức chung của tất cả các tín hữu’, không phân biệt màu da, nguồn gốc địa lý, ngôn ngữ: tất cả đều quy tụ trong một gia đình, tất cả đều hát mừng ngợi khen Chúa. Đây là sức mạnh của cộng đoàn Kitô giáo, là lời chứng đầu tiên mà chúng ta có thể trình bày với thế giới. Chúng ta hãy là người bảo vệ và xây dựng sự hiệp nhất! Để trở nên đáng tin cậy trong cuộc đối thoại với người khác, chúng ta phải sống tình huynh đệ với nhau.”
Thánh Thần là nguồn của lời ngôn sứ.
Cuối cùng, Thánh Thần là nguồn của lời ngôn sứ. Như chúng ta đã biết, lịch sử cứu độ có vô số ngôn sứ được Thiên Chúa kêu gọi, thánh hiến và sai đến giữa dân để nói nhân danh Người. Các ngôn sứ nhận được từ Thánh Thần ánh sáng nội tâm khiến họ trở thành những nhà giải thích kỹ lưỡng về thực tế, có khả năng nắm bắt sự hiện diện của Thiên Chúa trong những tình huống, đôi khi mù mờ, của lịch sử và chỉ ra sự hiện diện đó cho dân chúng. Thông thường những lời của các ngôn sứ nghe chói tai: họ gọi đích danh những mưu đồ xấu xa vốn ẩn nấp trong lòng con người, họ làm khủng hoảng những an toàn giả tạo của con người hoặc tôn giáo, và mời gọi hoán cải.
Chúng ta cũng có ơn gọi ngôn sứ này: tất cả những người đã chịu phép rửa đều đã nhận được Thánh Thần và là những ngôn sứ. Và như vậy, chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những tác phẩm của sự ác, ở lại trong “cuộc sống bình lặng” để không làm bẩn bàn tay chúng ta. Ngược lại, chúng ta đã nhận được một Thần Khí của lời ngôn sứ để đưa Tin Mừng ra ánh sáng bằng chứng tá đời sống chúng ta. Đây là lý do tại sao Thánh Phao-lô khuyến khích: “hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (1Cr 14,1). Lời ngôn sứ cho phép chúng ta thực hành các mối phúc Tin Mừng trong những hoàn cảnh thường ngày, nghĩa là, bằng sự hiền lành kiên vững, xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó tình yêu, công lý và hòa bình đối nghịch với mọi hình thức ích kỷ, bạo lực và suy đồi.
Đức Thánh Cha đánh giá cao chứng từ của Sơ Rose nói về việc mục vụ giữa các tù nhân trong các nhà tù - một cơ hội của lòng biết ơn. Lời ngôn sứ xây dựng và an ủi dành cho những người này là dành thời gian cho họ, chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện với họ; là chú ý đến họ, vì ở đâu có người anh em cần đến, như các tù nhân, thì ở đó có Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bị thương tích trong mỗi người đau khổ (x. Mt 25,40). Nhưng việc chăm sóc các tù nhân còn tốt cho tất cả mọi người, với tư cách là một cộng đồng nhân loại, bởi vì chính cách đối xử với những người rốt hết là thước đo phẩm giá và hy vọng của một xã hội.
Cuối cùng Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho hoà bình tại Ucraina và Ethiopia. Ngài cũng cảm ơn Quốc Vương Bahrain, và tất cả những người đã làm việc cho chuyến viếng thăm này.
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã chủ sự đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người hiện diện.
Chào biệt và kết thúc chuyến tông du
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha ra sân bay Sakhir cách đó 27km. Tại đây đã diễn ra nghi thức chào biệt. Đức Thánh Cha được Quốc Vương, Thủ tướng và một số thành viên hoàng gia tiếp đón tại Sảnh Hoàng gia của sân bay. Đức Thánh Cha và Quốc Vương có một cuộc hội thoại ngắn trước khi ngài chào đoàn tuỳ tùng và lên máy bay. Máy bay chở Đức Thánh Cha để trở về Roma cất cánh lúc 13:16 giờ địa phương. Kết thúc chuyến tông du 4 ngày đến Bahrain.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét