label

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Thông báo: Giáo phận Long Xuyên mở lớp Giáo lý Hôn nhân online

 

Thông báo: Mở lớp Giáo lý Hôn nhân online












THƯỜNG HUẤN 5 NĂM ĐẦU ĐỜI LINH MỤC LIÊN GIÁO PHẬN: CẦN THƠ - VĨNH LONG - LONG XUYÊN (Ngày thứ hai)

 THƯỜNG HUẤN 5 NĂM ĐẦU ĐỜI LINH MỤC

LIÊN GIÁO PHẬN: CẦN THƠ  - VĨNH LONG - LONG XUYÊN

 

(Ngày thứ hai)

Lúc 5 giờ sáng thứ Ba ngày 27.08.2024, Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục Giáo phận Long Xuyên, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám mục Giáo phận Cần Thơ và quý cha cùng đọc Kinh Sáng, Nguyện gẫm và hiệp dâng Thánh Lễ mừng kính Thánh nữ Mônica – Bổn mạng của Giới Hiền mẫu.

 

 

Mở đầu Thánh Lễ, Đức cha Stêphanô hướng ý: Thánh nữ Mônica đã chịu nhiều đau khổ trong đời sống nhưng nhờ ngài kiên trì cầu nguyện, mà người chồng và người con trai của ngài được ơn hoán cải. Cũng vậy, trong đời sống Linh mục, quý cha cũng gặp nhiều đau khổ  nên cần phải liên lỉ cầu nguyện, để thêm sức mạnh thiêng liêng từ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Đức cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Gioan Baotixita Bùi Tuần đã qua đời cách nay 1 tháng (RIP 27.07.2024).

 

Trong bài giảng, dựa trên bài Tin Mừng thứ Ba tuần XXI Thường Niên (Mt 23,23-26), Đức cha Stêphanô mời gọi quý cha không nên đặt một áp lực nặng nề nào trên anh chị em giáo dân, cũng đừng quá chú trọng vào luật lệ con người mà làm phai mờ luật Thiên Chúa và luật Giáo Hội.

 

 

Trong giờ học hỏi ban sáng, Cha giáo Giuse Trần Hoàng Quân (Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse – Sài Gòn, Đặc trách ơn gọi của Tổng Giáo phận Sài Gòn, thạc sĩ ngành Tâm lý trị liệu ở Rôma) đã thuyết trình đề tài: Giáo Hội Công Giáo đứng trước nạn lạm dụng tình dục trẻ em”. Kết thúc giờ làm việc ban sáng, quý cha thảo luận theo lớp, dựa trên hai câu hỏi của thuyết trình viên:

(1) Chúng ta cần làm gì để bảo vệ phẩm giá con người và đặc biệt là phẩm giá của trẻ em và người dễ bị tổn thương?

(2) Những việc cần làm và có thể làm để chữa lành càng nhiều càng tốt nơi ai đó đã bị tổn thương.

 

Trong giờ học hỏi ban chiều, quý cha lắng nghe ý kiến thảo luận của các lớp. Sau đó, cha giáo Giuse tiếp tục thuyết trình đề tài ban sáng.

 

Sau giờ Chầu Thánh Thể và Kinh Tối, quý cha lắng nghe Đức cha Giuse Trần Văn Toản – Giám mục Giáo phận Long Xuyên huấn đức. Dựa trên đề tài mà quý cha đã học hỏi và thảo luận, Đức cha chia sẻ đề tài “Bảo vệ và chữa lành trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục”.  Ba điều mà ngài muốn gởi đến quý cha, đó là: am hiểu bản thân, chấp nhận bản thân  dâng hiến bản thân. Đồng thời, ngài hướng dẫn quý cha áp dụng mục vụ để bảo vệ và chữa lành những thương tổn của các thiếu nhi bị lạm dụng tình dục, qua việc:  

Tổ chức: Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn nhỏ, Lễ sinh, Dự tu.

Mục đích: Giáo dục toàn diện (thể dục, trí dục, đức dục, giáo dục giới tính); kết hợp sự hòa điệu giữa bản thân với Thiên Chúa, tha nhân và thiên nhiên.

Bầu khí: Kết nối nhà thờ - nhà gia đình – nhà trường - chuyên viên tâm lý.

Phương pháp: Tháp tùng (Tập thể và cá nhân).

Lý tưởng: Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu.

 

 

Kết thúc ngày làm việc, Đức cha Giuse ban phép lành và cầu chúc quý cha một đêm bình an.

 

 

THƯỜNG HUẤN 5 NĂM ĐẦU ĐỜI LINH MỤC LIÊN GIÁO PHẬN: CẦN THƠ - VĨNH LONG - LONG XUYÊN (Ngày thứ nhất)

 THƯỜNG HUẤN 5 NĂM ĐẦU ĐỜI LINH MỤC

LIÊN GIÁO PHẬN: CẦN THƠ  - VĨNH LONG - LONG XUYÊN

(Ngày thứ nhất)

 

Bắt đầu từ 15 giờ thứ Hai ngày 26.08.2024 đến trưa thứ Năm ngày 29.08.2024, 139 Linh mục thuộc 3 giáo phận Cần Thơ - Vĩnh Long - Long Xuyên, thuộc các khóa 14,15,16,17, 18 của Đại chủng viện Thánh Quý – Cần Thơ, quy tụ về Tòa Giám mục Long Xuyên để tham dự những ngày Thường Huấn 5 Năm Đầu Đời Linh Mục với chủ đề: Tính Dục Trong Đời Sống Linh Mục.

 

 

Sau khi đã ổn định, đại diện quý cha chào thăm Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu – Nguyên Giám mục giáo phận Long Xuyên.

 

Sau giờ thể thao, quý cha cùng đọc Kinh Chiều tại nhà nguyện của Tòa Giám mục.

 

Trước giờ cơm chiều, quý cha chào mừng Đức cha Giuse Trần Văn Toản – Giám mục giáo phận Long Xuyên và quý cha thuyết trình viên. Sau đó, quý cha dùng cơm chiều trong tình huynh đệ.

 

Lúc 19 giờ, quý cha tham dự giờ Chầu Thánh Thể, đọc Kinh Tối và lần chuỗi Mân Côi.

 

Lúc 20 giờ, quý cha chào đón Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục giáo phận Cần Thơ. Trong giờ huấn đức, Đức cha Stêphanô đã chia sẻ những thao thức của ngài với các Linh mục trẻ: 

(1) Làm sao các Linh mục giúp cho người giáo dân nắm vững kiến thức căn bản về giáo lý Công Giáo, để họ sống tốt hơn, tích cực hơn;

 

(2)  Làm cách nào để các Linh mục vượt qua được những đòi hỏi của bản năng tính dục, tránh được những nguy cơ, cạm bẫy trong đời sống Linh mục.

 

Kết thúc ngày khai mạc thường huấn, quý cha cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ thực tế dựa trên những thao thức, suy tư của Đức Giám mục giáo phận Cần Thơ.

 

Cầu chúc quý cha gặt hái được nhiều lợi ích thiêng liêng trong những ngày thường huấn.

TIẾP KIẾN CHUNG (28/8/2024) - THẾ GIỚI PHẢI NGHE TIẾNG KÊU CỦA NGƯỜI DI DÂN ĐANG CHẾT TRONG CÁC SA MẠC VÀ BIỂN CẢ

 

TIẾP KIẾN CHUNG (28/8/2024) - THẾ GIỚI PHẢI NGHE TIẾNG KÊU CỦA NGƯỜI DI DÂN ĐANG CHẾT TRONG CÁC SA MẠC VÀ BIỂN CẢ



avatarVatican New
Vatican News (28/8/2024) - Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 28/8/2024, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy tư về thực tế của rất nhiều người di dân phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một nơi mà họ có thể sống trong hòa bình và an ninh hơn. Biển và sa mạc, những con đường họ đi qua để đến đích điểm, lại trở thành mồ chôn nhiều người trong số họ.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Kinh Thánh, biển và sa mạc là những nơi đau khổ, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những chặng đường con người cần đi qua để đạt được tự do và hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa. Ngài mời gọi các tín hữu chung sức, trên hết bằng lời cầu nguyện, để những nơi này cũng là những “lối đi” cho người di cư, để chúng là những con đường tiếp cận an toàn, nơi chống lại nạn buôn người và một tương lai hy vọng cho toàn thể nhân loại được xây dựng.

Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chào bình an, cộng đoàn cùng nghe đoạn Thánh Vịnh (107,1.4-6):

Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. [...]
Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi,
không thấy đường về chốn thành thị để định cư,
vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn.
Khi gặp bước ngặt nghèo họ kêu lên cùng CHÚA,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,

Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 28/8/2024

[video và hình]

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tôi hoãn lại bài giáo lý thường lệ và muốn cùng anh chị em dừng lại để nghĩ về những người - ngay cả vào lúc này - đang vượt biển và sa mạc để đến một vùng đất nơi họ có thể sống trong hòa bình và an ninh.

Biển và sa mạc: hai từ này trở lại trong nhiều chứng từ mà tôi nhận được, từ những người di cư cũng như từ những người dấn thân giúp đỡ họ. Và khi nói đến “biển”, trong bối cảnh di cư, tôi cũng muốn nói đến các đại dương, hồ, sông, tất cả những vùng nước nguy hiểm mà nhiều anh chị em ở mọi nơi trên thế giới buộc phải vượt qua để đến đích điểm. Và “sa mạc” không chỉ là sa mạc cát và cồn cát, hay núi đá, mà còn là tất cả những lãnh thổ không thể tiếp cận và nguy hiểm, chẳng hạn như rừng rậm, thảo nguyên, nơi những người di cư bước đi đơn độc, bị bỏ mặc. Các tuyến đường di cư ngày nay thường được đánh dấu bằng việc vượt qua biển và sa mạc, những nơi mà đối với rất nhiều người, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy hôm nay tôi muốn dừng lại để suy tư về thảm kịch này, nỗi đau này. Chúng ta biết một số tuyến đường này rõ hơn vì chúng thường được chú ý; những con đường khác, ít được biết đến, nhưng không vì vậy mà ít vấn đề.

Từ chối người di dân là một tội trọng

Tôi đã nói về Địa Trung Hải nhiều lần, vì tôi là Giám mục Roma và vì nó mang tính biểu tượng: mare nostrum, nơi giao tiếp giữa các dân tộc và các nền văn minh, đã trở thành một nghĩa trang. Và bi kịch là rất nhiều người, hầu hết những người chết này, lẽ ra đã có thể được cứu. Cần phải nói rõ ràng: có những người đang làm việc một cách có hệ thống và bằng mọi cách để đẩy lùi người di cư. Và điều này, khi được thực hiện với ý thức và quyết tâm, là một tội trọng. Chúng ta đừng quên những gì Kinh Thánh dạy: “Ngươi không được ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều” (Xh 22,20). Trẻ mồ côi, góa phụ và khách ngoại kiều là những người nghèo khổ đặc biệt mà Thiên Chúa luôn bảo vệ và yêu cầu chúng ta bảo vệ.

Thiên Chúa nhìn thấy người di dân và nghe tiếng kêu của họ

Thật không may, ngay cả một số sa mạc cũng trở thành nghĩa trang của những người di cư. Và ngay cả ở đây, chúng ta không nói đến những cái chết “tự nhiên”. Không. Đôi khi người ta mang họ đến sa mạc và bỏ rơi họ. Tất cả chúng ta đều biết bức ảnh người vợ và con gái của Pato, chết vì đói khát trong sa mạc. Trong thời đại vệ tinh và máy bay không người lái, có những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em di cư mà không ai được nhìn thấy: người ta che dấu họ. Chỉ có Thiên Chúa nhìn thấy họ và nghe thấy tiếng kêu của họ. Đây là một sự tàn nhẫn của nền văn minh của chúng ta.

Sa mạc: nơi đau khổ nhưng cũng là nơi đưa đến tự do

Trên thực tế, biển và sa mạc cũng là những địa điểm Kinh Thánh mang đầy giá trị biểu tượng. Đó là những nơi rất quan trọng trong lịch sử của cuộc xuất hành, cuộc di cư vĩ đại của dân tộc được Thiên Chúa dẫn dắt qua ông Môsê từ Ai Cập đến Đất Hứa. Những nơi này chứng kiến thảm kịch chạy trốn của người dân, những người chạy trốn sự áp bức và nô lệ. Đó là những nơi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những nơi đi đến sự giải thoát - và bao nhiêu người đã đi qua biển, sa mạc để được giải thoát - là những nơi để được giải cứu, để đạt đến sự tự do và việc hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa (xem Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2024).

Thiên Chúa gần gũi và chia sẻ bi kịch của người di cư

Có một Thánh Vịnh kêu cầu lên Chúa rằng: “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông” (77,20). Và một Thánh vịnh khác hát như thế này: “Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (136,16). Những lời thánh thiện này nói với chúng ta rằng, để đồng hành cùng con người trên con đường tự do, chính Thiên Chúa đã băng qua biển cả và sa mạc; Thiên Chúa không giữ khoảng cách, nhưng Người chia sẻ bi kịch của những người di cư, Thiên Chúa ở với họ, với những người di cư, đau khổ với họ, với những người di cư, khóc lóc và hy vọng với họ, với những người di cư. Chúa ở với những người di dân trong biển của chúng ta, Chúa ở với họ, không ở với những người ruồng bỏ họ.

Cần cơ chế quản trị di cư toàn cầu, chống nạn buôn người

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều có thể đồng ý một điều: ở những vùng biển và sa mạc chết chóc đó, những người di cư ngày nay không nên ở đó, nhưng không may lại có quá nhiều người ở đó. Nhưng không phải thông qua những luật lệ hạn chế hơn, không phải bằng việc quân sự hóa biên giới, không phải bằng sự từ chối mà chúng ta sẽ đạt được kết quả này. Ngược lại, chúng ta sẽ đạt được điều này bằng cách mở rộng các tuyến đường tiếp cận thường xuyên và an toàn cho người di cư, tạo điều kiện tị nạn cho những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp và nhiều thảm họa khác nhau; chúng ta sẽ đạt được điều này bằng cách thúc đẩy bằng mọi cách một cơ chế quản trị di cư toàn cầu dựa trên công lý, tình huynh đệ và tình liên đới. Và bằng cách hợp lực để chống lại nạn buôn người, ngăn chặn những tội phạm buôn người bóc lột sự khốn khổ của người khác một cách không thương tiếc.

Những người Samaria nhân hậu

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy suy nghĩ về nhiều bi kịch của người di cư: bao nhiêu người chết ở Địa Trung Hải. Anh chị em hãy nghĩ đến Lampedusa, nghĩ đến Crotone... bao nhiêu điều tồi tệ và đau lòng. Tôi muốn kết thúc bằng việc nhìn nhận và ca ngợi sự dấn thân của nhiều người Samari nhân hậu, những người nỗ lực hết mình để giúp đỡ và cứu thoát những người di cư bị thương và bị bỏ rơi trên những con đường hy vọng nhưng tuyệt vọng, ở khắp năm châu. Những người nam nữ can đảm này là dấu chỉ của một nhân loại không để mình bị lây nhiễm bởi nền văn hóa xấu xa của sự thờ ơ và vứt bỏ: thứ giết chết người di dân chính là sự dửng dưng và thái độ loại bỏ của chúng ta. Và những người không thể “ở tuyến đầu” giống như họ - tôi nghĩ đến rất nhiều người can đảm ở tuyến đầu, ở tổ chức Mediterranea Saving Humans và nhiều tổ chức khác -, không vì thế mà ở ngoài cuộc chiến của nền văn minh: chúng ta không thể ở tuyến đầu nhưng chúng ta không ở ngoài; có nhiều cách để đóng góp, trước hết và trên hết là bằng cầu nguyện. Và tôi hỏi anh chị em: anh chị em có cầu nguyện cho người di dân, cho những người đến miền đất của chúng ta để cứu mạng sống của họ không? Và anh chị em có muốn đuổi họ đi không...

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất tâm trí và sức mạnh của mình để biển cả và sa mạc không trở thành nghĩa trang nhưng là không gian nơi Thiên Chúa có thể mở ra những con đường tự do và tình huynh đệ.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc

 

Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc



Lúc 12 giờ trưa ngày 24 tháng 08 năm 2024 (giờ Roma), Phòng báo chí Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Đaminh Nguyễn Tuấn Anh, thuộc linh mục đoàn giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Tiểu sử Linh mục Đaminh Nguyễn Tuấn Anh
(theo HĐGM Việt Nam)

-       Sinh ngày 09/04/1972 tại Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai, thuộc giáo xứ Bùi Thái, giáo hạt Tân Mai

-       1990 – 1997: Tu sinh giáo phận Xuân Lộc

-       1997 – 2003: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn

-       2003 – 2005: Giúp giáo xứ Hiền Hòa, giáo phận Xuân Lộc

-       Ngày 29 tháng 09 năm 2005: Được Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm truyền chức Phó tế tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Xuân Lộc

-       Ngày 30 tháng 09 năm 2005: Được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh truyền chức Linh mục tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Xuân Lộc

-       2006 – 2013: Du học tại Pháp

-       2013: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Thần học Luân lý tại Institut Catholique de Paris

-       2013 – 2016: Giáo sư môn Thần học Luân lý tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc

-       2016 – 2020: Du học tại Philippines

-       2016 – 2018: Học Chương trình Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Loyola School of Theology, Ateneo, Philippines

-       2019: Tham dự các khóa Đào tạo dành cho các nhà Đào tạo tại Emmaus Center, Ateneo

-       2020: Tham dự khóa Canh tân đời sống Linh mục tại Galilee Center, Tagaytay, Philippines

-       Từ 2021 đến nay: Giáo sư Thần học Luân lý tại ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc

-       Từ ngày 03 tháng 03 năm 2021 đến nay: Linh mục Tổng Đại diện giáo phận Xuân Lộc

-       Ngày 24 tháng 08 năm 2024: Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục       Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC CHO ĐỨC CHA TÂN CỬ GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN HUY BẮC NGÀY 22/8/2024

 

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC CHO ĐỨC CHA TÂN CỬ GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN HUY BẮC NGÀY 22/8/2024

avatarXuân Đại
WHĐ (22/8/2024) – Để “có Chúa cùng hoạt động” và có tầm nhìn của Thiên Chúa thì cần cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã nhấn mạnh như thế trong Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc, được cử hành vào lúc 08g30 thứ Năm 22/8/2023 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Ban Mê Thuột.

Vị Chủ phong là Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận Hải Phòng. Hai vị Phụ phong là Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám mục Giáo phận Nha Trang.

Cùng đồng tế Thánh lễ này có Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, cùng 25 giám mục và khoảng 250 linh mục.

Tham dự Thánh lễ có rất đông tu sĩ, chủng sinh và giáo dân của các giáo phận khác nhau ngồi chật kín khuôn viên.

Trước Thánh lễ, vị đại diện giáo phận đã điểm qua đôi nét về tiểu sử của Đức cha tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc.

Khởi sự Thánh lễ Truyền chức Giám mục

Lúc 08g25, đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Sau khi mọi người an tọa, linh mục Tổng Đại diện Stêphanô Nguyễn Văn Đậu đã chào mừng các vị giám mục đang hiện diện và trình bày đôi nét về Giáo phận Ban Mê Thuột.

Khởi sự Thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế đã nói lên vai trò và nhiệm vụ quan trọng của giám mục để xin mọi người cầu nguyện cho vị tân giám mục hôm nay và cầu nguyện cho giáo phận của ngài. 

Nghi thức Truyền chức Giám mục

Sau bài Tin Mừng, Nghi thức Truyền chức bắt đầu với bài hát xin Ơn Chúa Thánh Thần (Veni Creator Spiritus), lời giới thiệu tiến chức và công bố Tông sắc bổ nhiệm.

Tiếp theo là bài giảng của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho. Triển khai khẩu hiệu của vị Giám mục tân cử, Đức Giám mục Phêrô chia sẻ: Để “có Chúa cùng hoạt động” và có tầm nhìn của Thiên Chúa thì cần cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Hình ảnh sách Tin Mừng được mở ra và đặt úp trên đầu vị tiến chức trong nghi thức phong chức giám mục diễn tả lời cầu tha thiết: xin cho Lời Chúa thấm vào trí khôn, tâm hồn và hoạt động của vị tân giám mục, để ngài suy nghĩ, cảm nghĩ, hành động, quyết định, chọn lựa theo ý Chúa, theo sự hướng dẫn và soi sáng của Lời Chúa.”

Đức cha Phêrô kết luận: Niềm tin “có Chúa cùng hoạt động” sẽ làm cho vị tiến chức thoát khỏi nỗi âu lo, và sự hiệp hành của giám mục đoàn cùng toàn thể dân Chúa sẽ giúp vị tân giám mục đón nhận sứ vụ mới trong niềm vui và bình an.


Nghi thức Truyền chức tiếp tục với việc đặt tay, lời nguyện truyền chức, xức dầu thánh, trao sách Tin Mừng, trao nhẫn giám mục, đội mũ mitra, trao gậy mục tử, mời vị tân chức ngồi vào ghế giám mục, và cái hôn bình an của các giám mục dành cho vị tân chức.








Thánh lễ được nối tiếp với vai trò chủ tế thánh lễ là Đức tân Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc.

Cuối Thánh lễ Truyền chức Giám mục

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức tân Giám mục - được 2 Giám mục Phụ phong dẫn lối - đi ban phép lành cho toàn thể cộng đoàn phụng vụ.

Sáu đó, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có lời cảm ơn Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - nguyên Giám mục và nguyên Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột - và chúc mừng Đức tân Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc nhân ngày trọng đại này.


Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Toà Thánh - cảm ơn Đức Giám mục Vinh Sơn và chúc mừng Đức Tân Giám mục Gioan Baotixita. Ngài tin tưởng rằng, nhờ ơn Chúa giúp, Đức cha Gioan Baotixita sẽ chu toàn nghĩa vụ làm đá tảng vững chắc cho dân Chúa ở nơi này. Ngài mời gọi cộng đoàn dân Chúa Ban Mê Thuột luôn cộng tác với Đức tân Giám mục Gioan Baotixita.


Tiếp theo, Đại diện Giáo phận Ban Mê Thuột đã chúc mừng và bày tỏ lòng vâng phục với vị cha chung mới của mình.

Sau cùng, Đức tân Giám mục ngỏ lời cảm ơn mọi người và chia sẻ những cảm nhận của ngài trước sứ vụ giám mục được trao phó cho mình.




Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 trong niềm vui lớn lao của Giáo hội Việt Nam khi có một vị giám mục mới cho giáo phận Ban Mê Thuột. Niềm vui này được diễn tả cách cụ thể qua các tấm hình kỷ niệm chụp chung trước cung thánh và bữa cơm thân mật tại khuôn viên Trung tâm Mục vụ Giáo phận.

Bài viết: Xuân Đại

Ảnh - Video: Ban Truyền thông Giáo phận Ban Mê Thuột