Trực tuyến: Thánh lễ Tạ ơn & cầu bình an cho Giáo phận
Thánh lễ Tạ ơn & cầu bình an cho Giáo phận sẽ được Đức Giám mục giáo phận và quý cha cử hành lúc 18g00' thứ năm ngày 28/11/2024 tại nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên
Thánh lễ Tạ ơn & cầu bình an cho Giáo phận sẽ được Đức Giám mục giáo phận và quý cha cử hành lúc 18g00' thứ năm ngày 28/11/2024 tại nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên
TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC – NGÀY THỨ 4
Sau giờ đọc Kinh Thần vụ buổi sáng, anh em linh mục tiếp tục suy niệm dựa trên bài chia sẻ thứ 3 của Cha Đại diện Micae nói về Kinh nghiệm gặp gỡ một Thiên Chúa đau khổ, không thể hiểu thấu của Phêrô.
Khởi đi từ đoạn Tin mừng Mt 16,21-25, cho chúng ta thấy Phêrô có một hình ảnh về Thiên Chúa thế nào.
1/ Hình ảnh sai lệch của Phêrô về Thiên Chúa
Trước đó, Chúa Giêsu khen Phêrô vì đã tuyên xưng đức tin. Ông đã hiểu những gì Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho ông và cho cả chúng ta qua lời nói và hành động của Ngài. Nhưng chỉ giây lát sau, tình thế đã thay đổi, khi Phêrô đã loại bỏ đau khổ khỏi hình ảnh về Thiên Chúa.
Một nhà thần học nhận xét rằng hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta thường có trong tâm trí hiện nay gần giống với một Thiên Chúa “vô cảm với khổ đau”. Chúng ta nhào nặn một hình ảnh Thiên Chúa của riêng mình, hình ảnh đó hợp với sở thích của chúng ta. Vì thế, ngay khi gặp đau khổ tấn công, ngay khi đau đớn giày vò, chúng ta khủng hoảng, không biết làm gì, nên nghĩ rằng: “Không thể được! Thiên Chúa là Đấng thương xót sao Ngài có thể để điều đó xảy đến?” Và khi ấy, thường là hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa sụp đổ. Như Phêrô, chúng ta tự vệ chống lại việc đặt câu hỏi về hình ảnh Thiên Chúa của mình. Khi ấy, chúng ta cũng khám Điểm chính yếu là chúng ta gán cho Ngài hai phẩm tính sau: Ngài là Đấng Toàn Năng và là Người Cha yêu thương. Nghĩ như vậy, nên khi đau khổ ập đến, hình ảnh Thiên Chúa đó bị vỡ vụn: Làm sao Thiên Chúa có thể để điều đó xảy đến vì Ngài yêu thương chúng ta? Ngài có thể can thiệp vì Ngài toàn năng. Bởi đó, khi chỉ nói đến hai phẩm tính này, chúng ta đã giới hạn Thiên Chúa theo những hiểu biết sai lệch của mình.
2. Hình ảnh sai lệch của Phêrô về Thiên Chúa cần được chỉnh sửa.
Chúa Giêsu đã mắng Phêrô và bác bỏ những gì ông nói một cách không khoan nhượng: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Điều đã xảy đến cho Phêrô chắc chắn cũng sẽ xảy đến với tất cả chúng ta. Có những lúc chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là ai. Chúng ta đụng chạm đến mầu nhiệm Thiên Chúa và cảm thấy bình an sâu xa trong tâm hồn. Nhưng chỉ giây lát sau, chúng ta lại có những tư tưởng sai lạc về Ngài
3. Hình ảnh đúng về Thiên Chúa và về con người của Chúa Giêsu.
Chúng ta không được sử dụng Thiên Chúa cho mục đích cá nhân của mình, chỉ nhắm để chúng ta cảm thấy sống tốt hơn, và thoải mái hơn. Thiên Chúa không phải là Đấng thoả mãn mọi ước muốn của chúng ta. Ngài không phải là một thứ ma tuý, chúng ta hít vào để tránh đối diện với thực tế của chính chúng ta. Thiên Chúa có thể mặc khải cho chúng ta như một Đấng hoàn toàn khác, một Đấng chúng ta không thể hiểu thấu.
Trong khi Chúa Giêsu lại dạy một lối sống hoàn toàn khác. Lời Ngài mới thực sự giúp chúng ta sống sung mãn. Và Ngài cũng không nói đến cách thế giúp chúng ta rút ra những lợi ích tối đa từ cuộc sống. Điều quan trọng đối với Ngài, chính là chúng ta chấp nhận cuộc sống như nó đang có đó: với những mặt sáng, mặt tối; với những mặt mạnh, mặt yếu; với những khó khăn và thuận lợi v.v. Chấp nhận cuộc sống như thế, chúng ta sẽ khám phá tất cả sự phong phú mà đời sống con người còn ẩn giấu.
Chúa Giêsu chỉ cho mọi người thấy họ có một sứ vụ: hãy góp phần biến đổi thế giới này bằng đời sống của họ. Chỉ người nào không còn lấy mình làm trung tâm và liều đánh mất mạng sống mình vì người khác, mới cứu được chính mình.
Buổi sáng, Đức cha Giuse Giám mục giáo phận triển khai đề tài cầu nguyện 6 với chủ đề: Đi đến các vùng ngoại vi để loan báo Tin Mừng.
Dựa vào ánh sáng Lời Chúa từ 7 di ngôn của Chúa từ trên cây Thánh giá, Đức cha xin ơn Chúa Thánh Thần tác động để cho các linh mục giáo phận hiểu được Lời Chúa và cùng nhau quyết tâm thi hành sứ vụ mà Chúa và giáo phận trao cho anh em trong chức vụ linh mục tại vùng ngoại vi.
Đức cha nhấn mạnh rằng: Chính Chúa Giesu là gương mẫu về việc loan báo đến vùng ngoại vi bằng việc ra đi không ngừng. Từ đó, Đức cha đưa ra 8 đề tài suy tư cho lối sống và chọn lựa thi hành sứ vụ ở vùng ngoại vi
1/ Tính uyển chuyển để hoà nhập
2/ Tính đơn sơ để sống thanh thoát
3/ Tính khiêm tốn trước những giới hạn
4/Sự phó thác trước những mệt mỏi
5/ Ý thức cần thiết của sự hiệp hành
6/ Kiên trì giữ vững niềm tin và hy vọng
7/ Cơ hội khám phá ra chính mình
8/ Phát huy khả năng nhận thức và thức tỉnh
Sau 30’ cầu nguyện, Đức cha Giuse tiếp tục triển khai bài Tu đức nói về việc Đối thoại – một cách thế Giáo hội hiện diện tại vùng ĐBSCL, mà cụ thể là trong giai đoạn 1 năm 2025 với việc Thay đổi não trạng – huấn luyện về đối thoại với 10 điểm quan trọng.
Buổi chiều, Đức cha giáo phận tiếp tục triển khai đề tài cuối cùng với chủ đề: Linh mục giáo phận Long Xuyên loan báo Tin Mừng trên đường lữ hành 2025. Dựa vào đoạn Lời Chúa Luca 24,13-36, nói về câu chuyện 2 môn đệ làng Emmaus, Đức cha nêu lên cuộc hành trình Emmaus có Chúa Kito đồng hành. Với Thánh Kinh, Thánh Thể, Hội Thánh và Thánh vụ, người lữ hành vui mừng và hy vọng tiến bước theo mầu nhiệm Chúa Kito. Từ đó, người lữ hành canh tân( đổi hướng đi) -chia sẻ (cảm nghiệm gặp được Chúa Phục sinh) – Hiệp nhất (trong một hội thánh thừa sai).
Phần kết thúc bài chia sẻ, Đức cha gợi ý anh em suy tư và cầu nguyện chiêm niệm và tạ ơn Chúa về tuần Tĩnh tâm kết thúc.
Sau giờ cầu nguyện, anh em cùng với Đức cha giáo phận dâng lễ tạ ơn và cầu bình an cho giáo phận trong năm mục vụ mới 2025 tại nhà thờ Chánh tòa.
TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC: NGÀY THỨ 3
Mở đầu cho ngày thứ 3 trong tuần Tĩnh tâm năm, anh em linh mục cùng nhau đọc Kinh Thần vụ buổi sáng và tiếp tục đươc Cha Đại diện Micae giúp nguyện gẫm với chủ đề Kinh nghiệm gặp gỡ một Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối của Giacóp và Gióp.
I. Kinh nghiệm của Gia-cóp: gặp gỡ một Thiên Chúa của đêm tối, một Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối.
Gia-cóp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, lo âu cùng cực. Ông đang trên đường trở về đất Canaan, trở về với người anh E-sau của ông. Anh ông có lẽ vẫn giận dữ, thù hận ông vì ông đã cướp mất lời chúc phúc của cha là Isaac. Chuyện xảy ra là sau khi sắp xếp mọi người và đoàn vật qua sông đi trước, Gia-cóp ở lại một mình trong bóng đêm, thì có một người lạ mặt đến vật lộn với ông. Đây là trận chiến một mất, một còn, một trận chiến không ngừng nghỉ, kéo dài cho tới lúc mặt trời mọc. Người lạ đánh vào khớp xương hông của ông làm ông bị thương. Hiển nhiên, trong thất vọng tột cùng, Gia-cóp cảm nghiệm về Thiên Chúa. Người xa lạ xuất hiện trong đêm tối, một người đã tấn công ông và làm ông bị thương…
Kinh nghiệm về một Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối không thể do tập luyện mà có. Kinh nghiệm này thường đến bất ngờ. Trận chiến kịch liệt của Gia-cóp với người lạ xuất hiện từ bóng đêm là một mình chứng.
Khi chúng ta không thấy gì nữa, khi tất cả trở nên tối tăm, khi mọi tư tưởng, hình ảnh quen thuộc của chúng ta về Thiên Chúa không còn, và khi ảo tưởng về hành trình thiêng liêng của chúng ta tiêu tan đi, thì đột nhiên, chúng ta có thể trải nghiệm về Thiên Chúa. Tuy nhiên, giờ đây, Ngài rất khác với Đấng mà chúng ta đã quá quen thuộc trước kia. Kinh nghiệm về Thiên Chúa không phải lúc nào cũng làm cho chúng ta hạnh phúc, vui tươi; kinh nghiệm đó có thể làm đau đớn tới tận xương tuỷ. Nó có thể làm chúng ta bị thương như tổ phục Gia-cóp ngày xưa.
II. Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của Gióp: một Thiên Chúa siêu việt, không thể hiểu thấu.
Một kinh nghiệm khác về Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu, cũng không thể giải thích được, đó là kinh nghiệm của Gióp.
Khi đứng trước đau khổ của người khác hoặc của chính mình, thì ai trong chúng ta cũng muốn nổi loạn chống đối thiên Chúa: “Điều đó không thể được. Tại sao Thiên Chúa toàn năng, nhân từ, thương xót vô cùng lại để xảy ra như vậy?” Ngay cả sự nổi loạn chống đối Thiên Chúa cũng có thể dẫn đến một kinh nghiệm mới về Thiên Chúa. Ông Gióp đã có kinh nghiệm như vậy.
Từ 2 ý tưởng trên, Cha Đại diện giúp anh em tự nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhân từ, thương xót vô cùng. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng mờ mịt, tăm tối mà chúng ta không thể nắm bắt được, nhất là khi chúng ta lâm vào cảnh lo âu, buồn phiền, thất vọng như Gia-cóp, như Gióp.
Đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng siêu việt mà chúng ta không thể hiểu thấu, không thể diễn tả được. Vì thế, chúng ta chỉ có thể càm nhận Ngài, gặp gỡ Ngài trong thinh lặng, trong chiêm ngắm những điều kỳ diệu phi thường nơi muôn vàn tạo vật Ngài dựng nên, mà thán phục, mà lạ lùng, bỡ ngỡ, để rồi không một đau khổ thảm thương nào, một bất công tàn bạo nào, một hoàn cảnh nghiệt ngã, khó hiểu nào có thể làm lung lay đức tin của chúng ta.
Sau giờ suy niệm, anh em linh mục cùng quý Đức cha đã dâng thánh lễ để cầu nguyện cho gia đình linh mục trong giáo phận, cho cha mẹ của các linh mục đã qua đời và cho gia đình giáo xứ được sống tín thác vào Chúa như gia đình Nagiaret.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha giảng phòng nói đến việc chịu bách hại vì Chúa bằng những ý chính sau:
Thái độ: Tận dụng cơ hội để làm chứng cho Chúa. Hãy nghe lời Thánh Thần để biết chúng ta cần làm gì, nói gì, cần trung tín và bền đỗ đến cùng. Nhìn vào gương các Thánh Tử đạo, các ngài đã đã sống đúng với ý nghĩa của bài Tin Mừng này, đã thực sự là môn đệ của Chúa.
Linh mục chúng ta không bị bách hại như xưa nhưng hiện giờ chúng ta đang sống trong một xã hội mà các giá trị bị đánh tráo về lương tâm, về nhận thức... Thế gian đang dần bóp méo sự thật, những giá trị bị đảo lộn. Ta làm chứng tá sao đây khi đối diện với điều này?
Trong Bài suy niệm và cầu nguyện thứ 4, Đức Cha giảng phòng đã giúp anh em cầu nguyện với đề tài: Linh mục sống khó nghèo để truyền giáo
Khó nghèo là nhân đức cần lập đi lập lai. Chúa Giesu nhập thế và nhập thể để sống nghèo. Sứ mạng của Người là quan tâm đến người nghèo. Linh mục hãy rao giảng cho người nghèo bằng chính cái nghèo của mình. Sống chứng tá nghèo là lời chứng hiệu quả nhất trong việc loan Tin Mừng.
Sống nghèo để thanh thoát và để thuộc về Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn hạnh phúc đích thực nên linh mục phải biết sống nghèo để sống phó thác tuyệt đối vào Chúa.
Đức cha nhấn mạnh rằng, sống khó nghèo là một gương sáng. Linh mục phải ý thức tất cả những gì ta có là Chúa ban và ta cần ý thức cái nghèo của ta.
Cần cảnh giác vì cám dỗ của linh mục là sợ người ta coi thường mình nghèo. Rất nhiều người không có khả năng sống nghèo. Tìm đủ mọi cách để sống tiện nghi, mà khi nhiều tiện nghi quá sẽ mất đi định hướng của đời linh mục. Bởi không có thập giá không có hoa phục sinh. Linh mục cần bám víu vào cái gì vững chắc nhất vì nếu không ta như con diều đứt dây. Ta Chỉ có thể sống được tinh thần khó nghèo nếu thực sự ta sống nghèo vật chất.
Trong đời sống tu đức thì từ bỏ vật chất là điều tất yếu để sống thánh thiện. Và đây cũng là cách truyền giáo tốt nhất cho người nghèo .
Trong giờ Tu Đức, Đức cha giáo phận tiếp tục trình bày chủ đề Đối thoại với những người nghèo để loan báo Tin Mừng. Dựa vào bài hướng ý của Đức cha giảng phòng, Đức cha Giuse đã tóm tắt bằng 5 ý sau đây:
1/ Linh mục là hiện thân của CGS, hiện thân của một Thiên Chúa giầu sang trở thành nghèo và cho người nghèo để giúp ta trở thành con Thiên Chúa.
2/ Linh mục phục vụ người nghèo để thăng tiến người nghèo.
3/ Chọn sống nghèo qua các điều kiện: ăn ở, xe cộ, sở thích, tương quan với người ngheo, cách chi tiêu tài chánh cho mình và mọi người
4/Ý thức Linh mục sử dụng tiền bạc như người quản lý trong gia đình của Thiên Chúa để phục vụ, bác ái với người nghèo và chia sẻ với anh em linh mục khác
5/ Ta phải chịu phán xét về nén vàng của Chúa trao, và tự hỏi mình sử dụng những nén vàng này ra sao?
Và cũng từ những điều rút ra từ chủ đề đối thoại một cách thế để giáo hội thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Long Xuyên, Đức Cha nhấn mạnh đến các bước sau:
Bước 1: Thay Đổi Thái Độ – Huấn Luyện Đối Thoại
Bước 2: Sinh Sống với Họ - Đối Thoại bằng Cuộc Sống
Bước 3: Cộng tác với họ - Đối thoại bằng hành động
Bước 4: Thảo luận với họ - Đối thoại bằng diễn giảng
Bước 5: Cảm nghiệm với họ: Đối thoại về linh đạo
Buổi chiều, Đức cha Đaminh tiếp tục triển khai đề tài thứ 5, cũng là bài chia sẻ cuối với chủ đề Dấn thân phục vụ Tin Mừng theo gương Đức Maria. Dựa Bài Tin mừng Mt 10, 1.5-17, Đức cha nhấn mạnh người rao giảng phải đối phó với nhiều trở ngại nên phải dấn thân.
Chính Chúa Giesu đã thấy trước những khó khăn nhưng nếu người rao giảng Tin Mừng tín thác vào Chúa, thì Người vẫn ban bình an cho họ. Mặt khác, khi gặp khó khăn thử thách là điều cần thiết để họ tín thác vào Chúa.
Người môn đệ đích thực là người mang niềm vui nhận được khi ở bên Chúa và trao ban cho người khác. Phải cảm nhận được niềm vui Tin Mừng mới mang được Tin Mừng đến người khác. Ai dấn thân rao giảng Tin Mừng thì người đó là người mang quà tặng Tin mừng.
Người rao truyền không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận buồm xuôi gió nên họ phải trông cậy vào Chúa. Đặc biệt cần tập những đức tính cần thiết:
1/ Tính cách vui vẻ: Một bộ mặt tươi cười có sức thuyết phục hơn cả một bài diễn văn dài! “Niềm vui toát ra nơi những ai được lôi cuốn bởi Đức Kitô và Thần Khí của Người, đó là điều có thể làm cho mỗi sáng kiến truyền giáo trở nên phong phú và hiệu quả”.
2/Vun trồng lòng biết ơn và món quà cho không.
Đây là niềm hạnh phúc của từng môn đệ đã có kinh nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa chạm đến. Từ thân phận thấp hèn, chúng ta được Chúa yêu thương chọn gọi và trao ban thánh vụ. Biết ơn tình Chúa yêu thương, biết ơn lòng nhân từ của Chúa. Biết ơn từng giây phút cuộc đời. Hãy rao giảng trong tâm tình biết ơn.
3/ Thái độ khiêm nhường:
Đức Giáo Hoàng cảnh báo: Không bao giờ có thể phục vụ sứ mạng của Hội Thánh “bằng thái độ kiêu ngạo”, coi các bí tích và các lời của đức tin Kitô giáo “như là một chiến lợi phẩm” mình đáng được. Bởi vì chân lý, đức tin, hạnh phúc và ơn cứu độ không phải là “tài sản riêng của chúng ta”, chúng ta phải loan báo Tin Mừng Đức Kitô với lòng khiêm nhường.
4/ Tạo thuận lợi, thay vì biến Tin mừng thành gánh nặng:
ĐGH nói: “Một trái tim truyền giáo nhận ra những hoàn cảnh thực tế mà người ta đang sống, với những giới hạn, những tội lỗi, những yếu đuối của họ, và làm cho mình trở nên ‘yếu đuối với những người yếu đuối”
- Truyền giáo đôi khi phải là đi chậm lại “để cùng đi với những người bị bỏ lại bên đường”.
- “Không chất thêm những gánh nặng vô ích cho cuộc sống vốn đã nặng nề của người ta, không áp đặt những đường lối đào tạo rắc rối và vất vả để tận hưởng những gì mà Chúa ban cho một cách dễ dàng”.
5/ Gần gũi với con người:
- “Việc loan báo ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến được với những con người tại chính những nơi họ đang sống và trong tình trạng thực tế của họ, trong đời sống cụ thể của họ”.
- Người môn đệ đích thực sẽ tìm gặp những con người trong đời sống thường nhật của họ “bằng cách tham gia vào các nhu cầu, các niềm hi vọng và các vấn đề của mọi người”.
- Người truyền giáo phải tìm đến những nơi mình có thể gặp gỡ tha nhân. Một điểm gỡ nút thắt mời gọi chúng ta ra khỏi những cái vòng khép kín của mình.
6/ Ưu ái người nghèo
- Mọi người truyền giáo, nếu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sẽ “biểu lộ lòng ưu ái đối với những người nghèo và những người bé mọn, như là dấu chỉ và phản chiếu sự ưa thích đặc biệt của Chúa Giêsu đối với những con người ấy”
- Chúng ta thường hay viện cớ phải tập trung sức lực cho các công việc ưu tiên của sứ vụ, là điều đa phần được sử dụng trong một số giới giáo sĩ, để biện minh cho sự thiếu chú tâm của mình đối với những người nghèo.
7/ Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần
- “Đó là chính Chúa Thánh Thần làm bùng cháy đức tin và giữ gìn đức tin trong các tâm hồn”
“Chúa Thánh Thần luôn giữ một vai trò chính yếu trong việc tuyền giáo. Ngài có nhiều cách thức để khơi dậy tinh thần truyền giáo trong giáo hội Chúa, và đôi khi Ngài còn đi trước cả hành động của vị lãnh đạo đời sống Giáo hội” (AG 29)
- Những người truyền giáo phải tin rằng Đức Kitô có “trái tim của họ trong quyền năng của Người”.
- Tránh cám dỗ tìm những điều dễ dàng nhưng thứ yếu. Sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta để loan báo sự thật về Chúa Giêsu Kitô, đó chính là loan báo Tin Mừng. Những thứ khác chỉ là thứ yếu.
Tuy nhiên, việc truyền giáo thường phải đối diện với những khó khan nên mình phải trở thành con chiên để được Chúa bảo vệ. Nếu bạn không muốn là con chiên, Chúa sẽ không bảo vệ bạn khỏi những con sói. Hãy xoay sở như bạn có thể. Nhưng nếu bạn là con chiên, hãy yên tâm rằng Chúa sẽ bảo vệ bạn khỏi bầy sói. Hãy khiêm tốn. Chúa yêu cầu chúng ta phải như vậy, hiền lành và muốn trở nên trong sạch, sẵn sàng hy sinh.
Cuối cùng, ta cần trở về mẫu gương Truyền giáo là Đức Mẹ. Nơi Đức Maria, các điều kiện của một mẫu gương loan báo Tin mừng đều được thể hiện: Con người cầu nguyện, Vai trò của Thánh Thần, được Chúa chọn gọi; con người đáp lại “xin vâng”; được sai đi: lên đường; hân hoan loan báo; sự khiêm hạ; lòng tin tưởng và quyền năng Thiên Chúa; chủ sự cầu nguyện nhóm Tông đồ; Tin mừng lan tỏa. Mẹ Maria là mẫu gương của người cầu nguyện chuyên chăm. Mẹ cầu nguyện mỗi ngày để tìm thánh ý Chúa. Mẹ cầu nguyện để kết hợp với tình yêu thương của Thiên Chúa. Con đường cầu nguyện của Đức Maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.
Song song đó, vai trò của Chúa Thánh Thần là yếu tố quyết định trong công cuộc truyền giáo. Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Sau giờ chia sẻ, Đức cha Daminh đã chào tạm biệt anh em linh mục để trở về Hà Nội tham dự thánh lễ Truyền chức Giám mục ngày mai. Cha Tổng Đại diện Luy đã thay mặt anh em cám ơn Đức Cha Đaminh đã giúp các linh mục tĩnh tâm, đồng thời nhìn lại và hâm nóng sứ vụ loan báo Tin mừng của từng cá nhân trong thời gian trong những ngày tháng tới.
Kết thúc ngày thứ 3 trong tuần Tĩnh tâm năm, các linh mục lại đặt mình trước Chúa Giesu Thánh Thể trong giờ Chầu cuối ngày. Cảm tạ Chúa đã gìn giữ chúng con trong những ngày Tĩnh tâm vừa qua. Xin tiếp tục đồng hành với chúng con trong 2 ngày còn lại.
TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC – NGÀY THỨ 2
Mở đầu cho ngày thứ 2 trong tuần Tĩnh tâm năm của linh mục đoàn giáo phận, anh em cùng nhau đọc Kinh Thần vụ buổi sáng và nguyện gẫm với chủ đề: Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng của Êlia.
Cha Đại diện Micae Lê Xuân Tân đã giúp anh em nhận thức về tầm quan trọng của thinh lặng trong việc gặp gỡ Thiên Chúa với các ý chính sau đây:
Biến cố núi Carmen và hành trình đến núi Horeb tìm Chúa cho thấy Êlia đã trải qua những cung bậc khác nhau trong kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Hai biến cố đó cũng giúp ông hiểu rõ ông sẽ gặp gỡ Chúa cách đích thực thế nào. Đó cũng là hành trình và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của mỗi người chúng ta.
1. “Trước hết, một cơn bão mạnh xẻ núi non ập tới, nhưng Chúa không ở trong cơn bão.” (1 V 19, 10).
Cơn bão dữ dội xẻ núi non ở đây tượng trưng cho lòng nhiệt thành. Một lúc nào đó, Chúa có thể hoàn toàn chiếm hữu chúng ta và làm bừng cháy nơi chúng ta một cơn bão nhiệt tâm. Hãy cảnh giác, dè chừng vì rất có thể chúng ta đang lẫn lộn những cảm xúc của mình với Chúa. Đồng hoá Chúa với những cảm xúc của mình khiến chúng ta không gặp Chua mà là gặp những cảm xúc của ta, những ảo tưởng của ta. Hậu quả là chúng ta vẫn khép kín vào chính mình.
Êlia là tấm gương cho chúng ta. Sau những cảm xúc mãnh liệt của vinh quang, oai phong trên núi Carmen là sự trốn chạy trong cô đơn, chán nản của cuộc hành trình mệt nhọc đến núi Horeb. Ông đã không thực sự gặp Chúa trên núi Carmen trong sự kỳ diệu phi thường của ngọn lửa thiêu đốt lễ vật, mà chỉ gặp những cảm xúc mãnh liệt, chiến thắng của chính mình.
Chúng ta cũng vậy. Có những lúc chúng ta nghĩ rằng mình gặp Chúa nhưng thực ra chỉ gặp những cảm xúc, những tình cảm của lòng sốt sắng trong các giờ cầu nguyện và trong những việc đạo đức, mục vụ mình thực hiện. Vì thế, rất cần hiểu rõ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thực sự là gì.
2. “Sau cơn bão. Là một trận động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động đất.” (1 V 19, 11).
Trận động đất tượng trưng cho việc coi Chúa là một bậc thầy ma thuật có thể làm được mọi sự. Chỉ cần tin vững chắc vào Chúa, thế là có thể chiến thắng mọi định luật tự nhiên. Ngài sẽ chữa lành mọi chứng bệnh dù ngặt nghèo, dù nan y. Sức mạnh của Thần Khí sẽ lay chuyển mọi tâm hồn, giúp họ hoán cải, đổi mới hoàn toàn đời sống như một trận động đất biến đổi mọi sự.
Đó là trường hợp của những người sau khi tham dự một tuần tĩnh tâm, một khoá linh thao, hay một khoá Cursilô… thấy mình hoàn toàn thay đổi, thoát khỏi tật nghiện rượu hay cờ bạc; hoặc thoát khỏi tình trạng trì trệ, chán nản, thất vọng … Đúng thật là một phép lạ Chúa làm!
Tuy nhiên, đây có đúng là một phép lạ không? Vì có thể sự lệ thuộc này lại được thay thế bằng một sự lệ thuộc khác. Ví dụ, sau khi tham dự khoá Cursilô, một người được giải thoát khỏi tật nghiện rượu; từ đó trở đi, anh hoàn toàn thay đổi, hết sức tin tưởng vào Chúa. Anh cũng thường xuyên tham dự thánh lễ, tham dự hết khoá Cursilô này đến khoá khác. Anh luôn nuôi ý đinh hoán cải mọi người xung quanh để họ biết “trận động đất” trời long đất lở mà Chúa đã thực hiện nơi anh.
Anh không nhận ra rằng mình chỉ đang đi tìm quyền lực, uy tín và sự nhìn nhận của mọi người phản chiếu qua Thiên Chúa mà anh cho rằng mình đã gặp gỡ. Thực ra, đây không phải là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, vì Chúa không ở trong “trận động đất” dữ dội của sự hoán cải mãnh liệt nơi anh.
Rất có thể chúng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm tương tự.
3. “Sau trận động đất là lửa, Chúa cũng không ở trong lửa.” (1 V 19, 12a)
Lửa là biểu tương rất phong phú. Lửa có thể tượng trưng cho đam mê, cho tình dục, cho bản năng. Lửa cũng có thể tượng trưng cho cơn giận bừng bừng của Thiên Chúa khi thiêu huỷ hai thành Sôđôma và Gômôra tội lỗi. Tuy nhiên, lửa còn có thể tượng trưng cho tình tình yêu Thiên Chúa. Ngọn lửa tình yêu ấy có thể thiêu huỷ những yếu đuối, những dơ nhớp, những tội lỗi trong tâm hồn chúng ta.
Hình ảnh bụi gai bốc cháy mà Môsê gặp, cũng trên núi Horeb này, cho thấy điều đó. Dù lửa cháy bừng bừng, bụi gai vẫn không bị thiêu rụi. Nó vẫn khô khốc với những cành trơ trụi, vô giá trị. Bụi gai khô khốc đó là nhình ảnh những gì vô ích, hư hỏng, khô khan nơi mỗi người chúng ta.
Hãy thành thực và can đảm chấp nhận chính mình với mặt sáng, mặt tối của mình, vì chúng ta chỉ là người phàm, không phải là thiên thần, hay thần linh.
Đâu là mặt trái, mặt tối của tôi? Tôi có can đảm chân thành đón nhận mặt tối, mặt trái là những khuyết điểm, thiếu sót, dơ nhớp … của tôi không?
4. “Sau lửa là một cơn gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng gió, Êlia lấy áo choàng che mặt, đi ra và đứng ở cửa hang.” (1 V 19, 12b-13).
Tiếng gió nhẹ, hiu hiu tượng trưng cho bầu khí thinh lặng. Êlia đi ra đứng ở cửa hang. Ông biết Chúa đến trong làn gió nhẹ, hiu hiu này, một cơn gió im lặng khó có thể nhận ra, và bất cứ một tiếng động nhỏ nào cũng có thể làm nó tan biến.
Truyền thống linh đạo rất coi trọng kinh nghiệm của Êlia, và coi thinh lặng là nơi tuyệt hảo để gặp Chúa. Đây không chỉ là bầu khí thinh lặng bên ngoài như: khung cảnh yên ắng; không tiếng nói, không ồn ào, náo động; mà còn là thinh lặng nội tâm như: không lo âu, buồn phiền; không xúc động bởi bất cứ tình cảm nào …
Sự thinh lặng không chỉ làm cho những xáo trộn tâm hồn tan biến, và không chỉ giúp ta thoát khỏi những bất an, những xáo trộn của đời ta, mà quan trọng hơn cả, còn giúp ta ngừng suy tư về Thiên Chúa. Chỉ như vậy, ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thực. nếu không, ta vẫn bị gắn chặt vào những tư tưởng, những hình ảnh định sẵn về Ngài.
Một gặp gở Thiên Chúa đích thực là một gặp gỡ diễn ra trong thinh lặng tuyệt đối và chúng ta chỉ có thể rụt rè nói về nó.
Theo Eckhart, một bậc thầy về linh đạo, thì thinh lặng là hành vi cao cả nhất của con người. Ở trọng tâm của thinh lặng, nơi mà không một tư tưởng nào tới được; nơi mà chúng ta ngừng suy nghĩ, ngừng soạn thảo những chương trình, những dự định; nơi mà chúng ta không còn nghĩ đến người khác để xét đoán họ; đồng thời cũng không lo họ xét đoàn ta; nơi mà chúng ta không còn cho mình là quan trọng; thì chính ở nơi đó, Chúa sẽ sinh ra và ở với chúng ta.
Sau 30’ nguyện gẫm, anh em cùng với quý Đức cha dâng thánh lễ cầu nguyện cho hang giáo sĩ đã phục vụ trong giáo phận mà nay đã qua đời. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Đaminh đã nói lên tầm quan trọng của việc xây dựng đền thờ tâm hồn, đặc biệt là cần phát triển những nhà thờ nhỏ trong giáo phận để quy tụ thay vì làm những nhà thờ rất lớn nhưng lại không có giáo dân tham dự. Tuy dù giá trị vật chất, thánh thiêng của Đền thờ Gierusalem, của các vương cung thánh đường và của nhà thờ thì ai cũng biết. Chúa cũng biết. Nhưng giá trị cốt lõi nhất mà Chúa muốn đó chính là sự cứu độ cho con người. Chính con người là Đền thờ của Thiên Chúa.
Sau giờ ăn sáng, Đức cha giảng phòng đã triển khai đề tài cầu nguyện thứ 2 với chủ đề Ơn gọi linh mục là để loan báo Tin mừng. Đức cha đã nhấn mạnh đến điểm chính yếu là Tông đồ là người được gọi để loan báo Tin mừng:
Các linh mục là những người môn đệ đã được kêu gọi để loan báo Tin mừng. Anh em linh mục cần ý thức rằng, trong muôn muôn người, Chúa đã tách một số người ra để làm công việc loan báo Tin mừng. Giống như trường hợp của Thánh Matthew, được gọi mời rời bỏ nơi danh giá, địa vị để làm chứng tá cho Chúa . Ông đã tạo cơ hội cho những người bạn tội lỗi được gặp Chúa qua bữa tiệc. Họ bị hấp dẫn bởi Chúa Giesu. Các linh mục được chọn là con người được cuốn hút bởi Tin mừng. Sự cuốn hút này phát xuất từ tâm hồn thánh thiện và không vướng bận bởi tiền tài, danh vọng… Kinh nghiệm của Mattheu cần được nhận thấy nơi người linh mục Chúa Kitô để có thể gặp gỡ, đối thoại (ngay cả với những người gây trở ngại khó khăn cho ta), để đón nhận họ với ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu, nhờ đó, Tin mừng được rao giảng qua chính chúng ta.
Đức cha nhấn mạnh rằng, người linh mục học cách sáng tạo trong truyền giáo không phải từ Chủng viện nhưng từ Thánh Thần và thực tế từ các lần ra đi. Tuy nhiên, phải có đời sống cầu nguyện thì mới có kinh nghiệm này.
Sau khi dành 30’ để cầu nguyện, anh em tiếp tục lắng nghe giờ Tu đức của Đức cha giáo phận. Khởi đi từ ý tưởng trong bài giảng của Đức cha Daminh trong thánh lễ sáng nay, Đức cha Giuse đã tóm tắt và giúp các linh mục suy nghĩ về nhiệm vụ rao giảng Tin mừng với các điểm sau đây:
1/ Dưỡng khí của người tông đồ là Loan báo Tin mừng. Vậy không Loan báo Tin mừng, người tông đồ sẽ quỵ ngã
2/ Căn tính của Linh mục là loan báo Tin mừng.
3/ Cha sở nhiệt tâm sẽ ảnh hưởng nhiều đến lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng của giáo dân
4/ Cần nhiều cộng đoàn nhỏ để người giáo dân sống niềm tin
5/ Cần thường huấn và huấn luyện tinh thần Loan báo Tin mừng
Dựa vào điểm nhấn năm 2025 trong công cuộc loan báo Tin Mừng của giáo phận là các vùng sâu vùng xa, đặc biệt là tại các hải đảo thuộc tỉnh Kiên Giang. 3 điểm chủ đạo cho sứ vụ:
1/ Do ý định của Thiên Chúa, với nhiều lý do và nhiều cách thế khác nhau, hiện tại đã có sự hiện diện của các Kitô hữu, khôg chỉ tại đảo Phú Quốc này, mà còn tại nhiều đảo khàc trong vùng biển Phú Quốc, Rạch Giá và Hà Tiên. Vì thế, giáo hội cần có chương trình mục vụ và loan báo Tin Mừng cho cac nhóm nhỏ ở các đào xa xôi.
2/ Vì những hòn đảo hiện diện giữa vùng biển thiên nhiên đẹp, nên chính quyền trung ương và địa phương đã và đang thực hiện những chương trình phát triển, đặc biệt là về kinh tế và du lịch. Vì phát triển về kinh tế nên sẽ có nhiều người tìm đến các đảo để kiếm sống và định cư. Vì phát triển về du lịch, nên sẽ có nhiều đoàn du lịch, kể cả từ nước ngoài đến để tham quan. Chính vì thế, các sinh hoạt tôn giáo phải là đa dạng, phong phú, uyển chuyển để có thể phục vụ cách hữu hiệu.
3/ Trong bối cảnh đặc thù của cac cộng đoàn tín hữu nhỏ tại các đảo xa xội giữa biển khơi, nên, chương trình tu đức, mục vụ và loan báo Tin Mừng cho cac đảo phải là phong phú với nhiều sáng kiến mục vụ và loan báo Tin Mừng. Đây là một thách đố cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và tông đồ giáo dân. Cụ thể là, không chỉ cần có đủ số lượng nhân sự, nhưng còn phải là những nhân sự có hồn tông đồ, có kỹ năng tông đồ, có phương pháp tông đồ và các tương quan tông đồ.
Buổi chiều, Đức cha giảng phòng tiếp tục triển khai bài suy niệm thứ 3 với chủ đề : Ơn gọi nên thánh nơi linh mục là để truyền giáo.
Linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa và được thánh hóa để nên thánh. Sống thánh thiện là đòi hỏi để nên giống Thiên Chúa. Các linh mục phải nên thánh để giúp giáo dân nên thánh. Không thánh thiện không thể đem Chúa đến cho người khác được.
Linh mục phải có tâm hồn khao khát nên thánh, không phải làm việc tối thiểu, nhưng là khao khát không ngừng, và chính điều này mới hấp dẫn người khác nên thánh. Tuy dù linh mục là những người tội lỗi nhưng được bao bọc bởi ân sủng, bởi ơn thánh nên linh mục có thể giúp người khác nên thánh. Tuy nhiên linh mục cần có tâm hôn hoán cải để đáp lại ân sủng của Thien Chúa. Đức cha nhắn nhủ anh em rằng nếu linh mục không có tâm hồn thánh thiện sẽ không có hồn tông đồ và chỉ khi có sự thánh thiện mới làm cho công cuộc loan báo Tin mừng được trổ sinh hoa trái.
Buổi tối anh em lại quay quần bên nhau trong giờ Chầu Thánh Thể để nhìn lại một ngày sống và kín múc nguồn ơn lành từ thánh Thể.
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện đã được cử hành tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội vào lúc 9g sáng nay, thứ Năm 28.11.2024.
Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế và chủ phong.
Hai vị phụ phong là Đức GM Đa Minh Hoàng Minh Tiến - Giáo phận (GP) Hưng Hóa - và Đức GM Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc - GP Ban Mê Thuột.
Cùng đồng tế thánh lễ này có Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y Phêrô Nguyên Văn Nhơn, cùng 25 giám mục và khoảng 250 linh mục.
Tham dự Thánh lễ có rất đông tu sĩ, chủng sinh và giáo dân của các giáo phận khác nhau.
Khởi sự Thánh lễ
Sau khi đoàn rước đồng tế đã an vị, Đức TGM chủ tế ngỏ lời chào mừng các vị giám mục hiện diện, và mời gọi mọi người cầu nguyện cho vị Giám mục tân cử cùng với Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội.
Truyền chức Giám mục
Sau bài Tin Mừng, Phụng vụ Truyền chức Giám mục bắt đầu với bài hát xin Ơn Chúa Thánh Thần (Veni Creator Spiritus), lời giới thiệu Tiến chức và lời công bố Tông sắc bổ nhiệm.
Tiếp theo là bài giảng của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho. Khai triển khẩu hiệu “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng” của vị Giám mục tân cử, Đức cha giảng lễ chia sẻ:
“Cách duy nhất để lắng nghe tiếng Chúa và tiếng của Dân Chúa là phải sống hiền lành và khiêm nhường, vì xác tín rằng trách nhiệm cao cả mà Chúa ban cho mình hoàn toàn là một quà tặng biếu không, không phải do tài năng cá nhân của mình.
Ngài quảng diễn thêm: “Giám mục cần sống hiền lành và khiêm nhường để loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả.”
Nhắc đến lời Thánh Phêrô: “Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”, Đức cha giảng lễ nói: “Giám mục phải là người vững vàng trong chân lý đức tin để hướng dẫn và bảo vệ đời sống đức tin của Dân Chúa, sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm tin Kitô giáo của mình - trả lời với sự hiền hòa và kính trọng.”
Phụng vụ Truyền Chức Giám mục tiếp tục với nghi thức đặt tay, lời nguyện truyền chức, xức dầu thánh, trao sách Tin Mừng, trao nhẫn giám mục, đội mũ mitra, trao gậy mục tử, mời vị tân chức ngồi vào ghế giám mục, và cái hôn bình an của các giám mục dành cho vị tân chức.
Tiếp tục Thánh lễ
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tân Giám mục được 2 vị Giám mục phụ phong dẫn đi ban phép lành cho toàn thể cộng đoàn.
Cuối thánh lễ, Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện Toà Thánh - đã chúc mừng và tin tưởng rằng, nhờ ơn Chúa giúp, Đức Tân Giám mục sẽ chu toàn nghĩa vụ làm đá tảng vững chắc cho Dân Chúa của TGP này.
Kế tiếp, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân - TGM phó TGP Huế - đã đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam ngỏ lời chúc mừng vị tân Giám mục phụ tá Hà Nội.
Cuối cùng, Đại diện Tổng Giáo phận Hà Nội đã chúc mừng, tặng hoa và bày tỏ niềm vâng phục với vị Tân Giám mục phụ tá TGP.
Sau những lời tri ân của Đức Tân Giám mục, Thánh lễ đã kết thúc lúc 11g25 trong niềm vui lớn lao vì Giáo hội Việt Nam đã có thêm một vị tân Giám mục nhiệt thành, hiền lành và khiêm tốn như chính khẩu hiệu của ngài.
Bài viết: Xuân Đại
Ảnh - Video: Ban Truyền thông TGP Hà Nội