label

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Tp Hồ Chí Minh



Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm
Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Tp Hồ Chí Minh
WHĐ (28.09.2013) – Hôm nay, 28 tháng 09 năm 2013, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Phaolô Bùi văn Đọc -hiện đang là giám mục giáo phận Mỹ Tho- làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi văn Đọc cũng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà giáo phận Mỹ Tho “trống toà và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).
Sau đây là tiểu sử của Đức cha Phaolô Bùi văn Đọc:



11-11-1944:    Sinh tại Đà Lạt
1956 – 1963:   Học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1963 – 1964:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1964 – 1970:   Học tại Đại học Truyền giáo Urbaniana, Roma
17-12-1970:    Thụ phong linh mục
1971 – 1975:   Giáo sư Tiểu chủng viện Simon Hoà, Đại chủng viện Minh Hoà và Đại học Đà Lạt.
1975 – 1995:   Giám đốc Đại chủng viện Minh Hoà, giáo phận Đà Lạt
1986 – 2008:   Giáo sư thần học tín lý Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1991 – 1995:   Giáo sư thần học tín lý Đại chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội
1994 – 1996:   Giáo sư thần học tín lý Đại chủng viện Huế
1995 – 1999:   Tổng đại diện giáo phận Đà Lạt
26-03-1999:    được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Mỹ Tho và đã chọn châm ngôn Giám mục là “Chúa là niềm vui của con”
20-05-1999:    Thánh lễ tấn phong Giám mục tại nhà thờ Chính toà Đà Lạt, do Đức Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong
27-05-1999:    Nhận giáo phận Mỹ Tho.


 
Huy Hoàng

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA PHÓ GIÁO XỨ CẦN XÂY



CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA PHÓ 
MICAE PHẠM ĐỨC TƯỜNG
Kính dâng lên Cha lẵng hoa lòng

Hôm nay ngày 29-09-2013 lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bổn mạng của Cha Phó. Cha sở, Hội Đồng mục vụ và toàn thể giáo dân giáo xứ Cần Xây xin chúc mừng bổn mạng Cha. Nguyện xin Thiên Chúa qua thánh bổn mạng ban cho Cha sức khỏe dồi dào, tràn đầy hồng ân của Chúa. Chúng con luôn nhớ cha và cầu nguyện thật nhiều cho Cha, đặc biệt trong thánh lễ.
                                                                              Cha sở HĐMV và toàn thể giáo dân

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên quốc tế

Đức Thánh Cha gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên quốc tế



VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các giáo lý viên tái khởi hành từ Chúa Kitô, sống như giáo lý viên, để dẫn đưa tha nhân về với Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài huấn dụ khi gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên từ các nước trên thế giới tham dự Đại hội quốc tế về giáo lý do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Vatican từ 26 đến 28-9 nhân dịp Năm Đức Tin.

Tham dự Hội nghị cũng có hơn 30 GM Chủ tịch các Ủy ban huấn giáo của các HĐGM trên thế giới, các vị giám đốc các văn phòng huấn giáo toàn quốc và giáo phận.

ĐTC đã đến Đại thính đường Phaolô 6 lúc 5 giờ chiều ngày 27-9-2013 và đã được mọi người tiếp đón nồng nhiệt. Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các giáo lý viên và cám ơn họ vì sự phục vụ cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. ĐTC nói:

”Các giáo lý viên thân mến,

”Tôi vui mừng vì trong Năm Đức Tin, có cuộc gặp gỡ này dành cho anh chị em: huấn giáo là một cột trụ để giáo dục đức tin và cần có những giáo lý viên tốt! Cám ơn anh chị em vì việc phục vụ dành cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Tuy rằng nhiều khi việc phục vụ này thật là khó khăn, ta làm việc rất nhiều, dấn thân tận tình nhưng không thấy kết quả mong muốn; giáo dục về đức tin thật là điều tốt đẹp! Giúp các trẻ em, thiếu niên, người trẻ, người lớn ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, đó thực là một cuộc phiêu liêu giáo dục đẹp đẽ nhất, ta xây dựng Giáo Hội qua việc làm đó! Sống như giáo lý viên! ('Essere' catechisti!) Xin anh chị em chú ý, tôi không nói ”làm” giáo lý viên, nhưng là ”sống như giáo lý viên” vì đây là điều bao gồm cuộc sống. Ta hướng dẫn tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu bằng lời nói và bằng cuộc sống, bằng chứng tá. Và ”sống như giáo lý viên” đòi phải có lòng yêu mến ngày càng nồng nhiệt hơn đối với Chúa Kitô, yêu mến Dân thánh của Chúa. Và tình yêu này nhất thiết phải khởi hành từ Chúa Kitô.

Tái khởi hành từ Chúa Kitô như thế có nghĩa là gì đối với một giáo lý viên, đối với anh chị em, đối với tôi, vì tôi cũng là một giáo lý viên!

1. Trước tiên tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là ”sống thân mật với Chúa”. Chúa Giêsu nồng nhiệt khuyến khích các môn đệ của Ngài về điều này trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài bắt đầu sống sự dâng hiến cao cả nhất của tình yêu, hy tế Thập Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và các cành, và Ngài nói: các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy gắn bó với thầy, như ngành nho gắn liền với thân cây nho. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa, chúng ta có thể sinh hoa trái, và đây chính là cuộc sống thân mật với Chúa Kitô.

Đối với một môn đệ, điều đầu tiên là ở với Thầy Chí Thánh, lắng nghe, học hỏi với Chúa. Và điều này luôn luôn có giá trị, là một hành trình kéo dài trọn cuộc sống! Ví dụ, đối với tôi, điều rất quan trọng là ở lại trước Nhà Tạm; ở trước mặt Chúa, để cho Chúa nhìn ngắm. Điều này sưởi ấm tâm hồn, giữ cho ngọn lửa tình bạn được luôn nồng cháy, làm cho ta cảm thấy thực sự được Chúa nhìn đến, gần gũi và yêu thương. Tôi hiểu rằng đối với anh chị em sự việc không đơn giản như vậy, nhất là đối với những người có gia đình và con cái, thật là khó tìm được thời giờ yên hàn lâu dài. Nhưng cám ơn Chúa, không phải tất cả mọi người đều phải làm như nhau, trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi và hình thái thiêng liêng khác nhau; điều quan trọng là tìm được cách thức thích hợp để ở với Chúa; và mỗi người, trong bậc sống của mình có thể thực hiện được điều đó. Trong lúc này đây mỗi người có thể tự hỏi: làm thế nào tôi có thể ”ở với Chúa Giêsu?” Tôi có những lúc ở lại trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng, để cho Chúa nhìn tôi hay không? Tôi có để cho ngọn lửa tái sưởi ấm tâm hồn tôi hay không? Nếu trong tâm hồn tôi không có sức nóng của Thiên Chúa, của tình yêu Chúa, sự dịu dàng của Ngài, làm sao chúng ta là những người tội lỗi nghèo hèn có thể sưởi ấm tâm hồn người khác?

2. Yếu tố thứ hai: tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa ra khỏi bản thân mình và đi gặp gỡ tha nhân. Đây là một kinh nghiệm đẹp, và hơi nghịch lý. Tại sao? Tại vì ai đặt Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống của mình, thì cũng tản ra ngoài! Hễ bạn càng kết hiệp với Chúa Giêsu, thì Chúa càng trở nên trung tâm cuộc sống của bạn, và Chúa càng làm cho bạn ra khỏi chính mình, làm cho bạn không co cụm vào mình, nhưng cởi mở đối với người khác. Đó thực là một năng động thực sự của tình yêu, là sự chuyển động của chính Thiên Chúa! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Ngài luôn luôn là sự hiến thân, là tương quan, là sự sống thông ban.. Cả chúng ta cũng trở nên như vậy, cả chúng ta cũng kết hiệp với Chúa Kitô, Ngài làm cho chúng ta đi vào năng động như thế của tình yêu. Nơi nào có sự sống đích thực trong Chúa Kitô, thì có sự cởi mở đối với tha nhân, có sự ra khỏi chính mình để đi gặp gỡ tha nhân nhân danh Chúa Kitô.

Tâm hồn của giáo lý viên luôn sống sự chuyển động ”sistole - diastole”, bóp vào - dãn ra: kết hiệp với Chúa Giêsu - gặp gỡ tha nhân. Nếu một trong hai chuyển động này thiếu thì con tim ngừng đập và ta không còn sống nữa. Lãnh nhận hồng ân Tin Vui (kerigma), và trao ban hồng ân ấy. Đó là điều ở trong chính bản chất của kerygma: đó là một hồng ân tạo ra sứ mạng, luôn thúc đẩy đi xa hơn bản thân. Thánh Phaolô đã nói: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta”, nhưng ”sự thúc đẩy chúng ta” cũng có thể được dịch là ”sự chiếm hữu chúng ta”. Và thế là: tình yêu lôi kéo bạn và sai bạn đi, chiếm lấy bạn và trao bạn cho tha nhân. Trong động thái ấy, con tim của Kitô hữu cử động, đặc biệt là con tim của giáo lý viên. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi: phải chăng con tim giáo lý viên của tôi cũng đập như thế: kết hiệp với Chúa Giêsu và gặp gỡ tha nhân? Nó được nuôi dưỡng trong tương quan với Chúa, nhưng có phải để dẫn tương quan ấy tới tha nhân hay không? Tôi nói với anh chị em một điều: tôi không hiểu làm sao một giáo lý viên có thể đứng im, không có sự chuyển động như thế.

3. Và yếu tố thứ ba vẫn luôn ở trong đường hướng ấy: tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là không sợ ra đi với Chúa tới các khu ngoại ô. Ở đây tôi nghĩ đến chuyện ông Giona, một nhân vật thật là hay, nhất là trong thời đại chúng ta có những thay đổi và bất định. Giona là một người đạo đức, có đời sống yên hàn, ổn định, và điều này khiến ông có những khuôn mẫu rõ ràng và phán đoán mọi sự, mọi người theo những khuôn mẫu ấy một cách cứng nhắc. Vì thế khi Chúa gọi ông và bảo ông đi giảng ở thành Nivive, là thành phố lớn của dân ngoại, Giona không đồng ý. Thành Nivive vượt ra ngoài những khuôn mẫu của ông, ở ngoại ô thế giới của ông. Và thế là ông trốn chạy. Ông xuống tàu để đi xa. Anh chị em hãy đọc lại sách Giona! Sách này ngắn nhưng là một dụ ngôn có ý nghĩa rất xúc tích, nhất là đối với chúng ta là những người ở trong Giáo Hội. Sách này dạy chúng ta điều gì? Sách dạy chúng ta đừng sợ ra khỏi những khuôn mẫu của mình để theo Chúa, vì Chúa luôn đi ra ngoài, Thiên Chúa không sợ những vùng ngoại biên. Thiên Chúa luôn trung tín, có tinh thần sáng tạo, không khép kín, và vì thế Ngài không bao giờ cứng nhắc, Ngài tiếp đón, gặp gỡ, cảm thông chúng ta. Để trung tín, để có tinh thần sáng tạo, cần biết thay đổi. Để ở lại với Thiên Chúa cần biết ra ngoài, không sợ ra ngoài. Nếu một giáo lý viên để cho sự sợ hãi chiếm đoạt, thì họ là một người nhát sợ; nếu một giáo lý viên ở yên hàn, thì rốt cục sẽ trở thành một pho tượng trong viện bảo tàng; nếu một giáo lý viên cứng nhắc thì họ trở nhăn nheo và không mang lại lợi ích nào. Tôi hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em muốn trở thành nhát sợ, một tượng trong viện bảo tàng hoặc son sẻ hay không?
Nhưng cần lưu ý! Chúa Giêsu không nói: hãy đi và tự xoay sở lấy! Không, Chúa nói: Các con hãy đi, Thầy ở với các con! Đây là vẻ đẹp và là sức mạnh của chúng ta; nếu chúng ta đi, nếu chúng ta ra ngoài để mang Tin Mừng của Chúa với tình yêu thương, với tinh thần tông đồ đích thực, với parresia (nói thẳng thắn), thì Chúa đồng hành với chúng ta, Ngài luôn đi trước chúng ta.

Nay anh chị em đã học ý nghĩa của lời ấy. Đây là điều cơ bản đối với chúng ta: Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta! Khi chúng ta nghĩ mình đi xa, tới tận bờ cõi xa xăm, có lẽ chúng ta hơi sợ hãi, nhưng tron gthực tế Chúa đã có mặt tại đó: Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong tâm hồn người anh em, trong thân thể Ngài bị thương tích, trong cuộc sống bị áp bức, trong tâm hồn không có niềm tin. Chúa Giêsu có mặt tại đó, trong người anh em ấy. Ngài luôn đi trước chúng ta.

Các giáo lý viên thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm, nhưng nhất là vì anh chị em ở trong Giáo Hội, trong Dân Chúa đang lữ hành. Chúng ta hãy ở lại với Chúa Kitô, cố gắng ngày càng trở nên một với Chúa; chúng ta hãy theo Chúa, noi gương Chúa trong chuyển động yêu thương của Ngài, trong việc ra đi gặp gỡ con người; và chún gta ra ngoài, mở cửa, chúng ta bạo dạn vạch ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria tháp tùng anh chị em.

G. Trần Đức Anh chuyển ý O.P

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Hội đồng Toà Thánh về Gia đình hội thảo về tương lai của hôn nhân và gia đình


Hội đồng Toà Thánh về Gia đình hội thảo về tương lai của hôn nhân và gia đình
WHĐ (22.09.2013) – Từ ngày 19 đến 21 tháng Chín 2013 tại Roma đã diễn ra một Hội nghị về Gia đình do Hội đồng Toà Thánh về Gia đình Hiệp hội Luật gia Công giáo Italia đồng tổ chức tại Đại học giáo hoàng Urbaniana với chủ đề Quyền Gia đình và những thách đố của thế giới hiện nay”. Hội nghị này cũng được tổ chức Linh mục phò sự sống tài trợ.
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm công bố “Bản Hiến chương về Quyền gia đình” do Hội đồng Toà Thánh về Gia đình soạn thảo, Hội nghị nhằm thảo luận cách thức khôi phục ý nghĩa đích thực của gia đình trong bối cảnh ngày càng gia tăng xu hướng giải cấu trúc lẫn lộn ngày nay.
Ngày 19-09, Đức hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý nói rằng “Hầu như trên khắp thế giới gia đình vẫn còn được coi là điều thiện hảo”, và ngài thêm rằng trong xã hội thế tục “tất cả vẫn còn là những mảnh rời của hôn nhân, chứ không phải là một kiến trúc toàn bộ.
Hôn nhân đã không bị tiêu diệt bởi một quả bom, nhưng cấu trúc đã bị phá huỷ, đến nỗi chúng ta chỉ còn thấy được những mảnh rời mà không còn nhận ra cả tòa nhà.
Ngài nói, “Thách đố hiện nay là nói về sự thật của hôn nhân với những người không tin bằng cách trình bày với họ sự thật nhân học (một quan điểm chân thật về con người) và giá trị của gia đình với một ngôn ngữ làm sao để có sự đồng lòng cứu lấy gia đình”.
Hội nghị cũng bao gồm các triển lãm cũng như những bài phát biểu theo chủ đề và những đóng góp của các nhà báo nổi tiếng trong các cuộc thảo luận bàn tròn.
Buổi chiều 19-09, ông Greg Burke, cố vấn truyền thông của Toà Thánh đã chủ toạ một cuộc thảo luận bàn tròn gồm Alejandro Bermudez giám đốc CNA; Paolo Bustaffa, giám đốc hãng tin SIR của Italia; phóng viên Angela Shanahan của Autrlia; và Jean-Baptiste Sourou, giáo sư ngành truyền thông xã hội.
Các chủ đề được thảo luận theo nhóm gồm có: vai trò của phụ nữ trong và cho gia đình; việc làm, gia đình những thách đố kinh tế; sinh sản và những thách đố của công nghệ sinh học; gia đình trong kinh nghiệm nhập cư.
Các diễn giả khác trong Hội nghị này: Đức giám mục Jean Laffitte, thư ký Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, nói về chủ nghĩa đa nguyên, đời sống tình cảm và lối sống; Carmen Dominguez, nói về t do trong giáo dục;Maria Hildingsson, Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo châu Âu, nói về gia đình từ góc nhìn chính trị quốc tế.
(Theo CNA/EWTN News)
 
Minh Đức

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp người nghèo, tù nhân, giới văn hóa và giới trẻ tại Cagliari, Sardegna

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp người nghèo, tù nhân, giới văn hóa và giới trẻ tại Cagliari, Sardegna



CAGLIARI. Trong chuyến viếng thăm mục vụ chúa nhật 22-9-2013, ĐTC Phanxicô đã dành buổi chiều cùng ngày để gặp gỡ người nghèo, các tù nhân được Caritas giúp đỡ, giới văn hóa và giới trẻ tại thành phố Cagliari, thủ phủ đảo Sardegna của Italia.

ĐTC Phanxicô đã dành 12 tiếng đồng hồ để viếng thăm Tổng giáo phận Cagliari có 570 ngàn tín hữu Công Giáo. Cao điểm cuộc viếng thăm là thánh lễ ngài cử hành trước 100 ngàn tín hữu tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ Bonaria. Tên của Đền thánh này có liên hệ đặc biệt với tên của thành phố Buenos Aires ở Argentina nơi ĐTC làm GM. Thực vậy các thủy thủ của đoàn tàu từ Sardegna có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Bonaria nên họ đã lấy tên của Đền Thánh Đức Mẹ nơi quê hương để đặt cho nơi họ đến cư ngụ ở Argentina.

Gặp gỡ người nghèo, tù nhân và Caritas
Sau thánh lễ, ĐTC đã dùng bữa với các GM đảo Sardegna tại Đại chủng viện miền, rồi lúc quá 3 giờ chiều ngài đến Nhà thờ chính tòa Cagliari để gặp gỡ người nghèo và các tù nhân do tổ chức Caritas trợ giúp.
Có 130 người nghèo cùng với một số tù nhân và các nhân viên Caritas hiện diện tại Nhà Thờ, trong bầu không khí hân hoan và cảm động.
Trong bài huấn dụ tại cuộc gặp gỡ, ĐTC nói:

”Khi nhìn Chúa Giêsu chúng ta thấy Chúa đã chọn con đường khiêm hạ và phục vụ. Đúng ra, chính bản thân Chúa là con đường ấy... Con đường của Chúa là con đường bác ái. Vì thế chúng ta thấy bác ái không phải chỉ là ban cấp sự giúp đỡ, nhưng là sự chọn lựa một lối sống; là con đường khiêm hạ và liên đới. Sự khiêm hạ của Chúa Kitô không phải là để dạy đời, không phải là một tình cảm, nhưng đó là điều chân thực: Chúa muốn trở nên bé nhỏ, ở với những người hèn mọn, với những người bị loại trừ, ở với chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng chúng ta cần để ý, đây không phải là một ý thức hệ! Nhưng là một lối hiện hữu và sống, đi từ tình yêu, từ con tim của Thiên Chúa Cha.

”Nhưng nhìn ngắm Chúa mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải theo Chúa nữa. Và đó là khía cạnh thứ hai. Chúa Giêsu không đến để trình diễn cho người ta thấy. Chúa Giêsu là đường và con đường là để bước theo.”

ĐTC cám tạ Chúa vì sự dấn thân của tất cả những anh chị em tận tụy quảng đại tại Cagliari và Sardegna này trong việc thực thi những công việc từ bi bác ái và ngài khích lệ họ tiếp tục con đường ấy đồng thời nhắc nhở rằng:
”Chúng ta phải thực thi các công việc từ bi bác ái với lòng từ bi, dịu dàng, và luôn luôn với lòng khiêm tốn! Anh chị em biết không: Đôi khi người ta cũng thấy sự kiêu hãnh trong việc phục vụ người nghèo! Một số người làm đẹp, sống bằng người nghèo; một số người lợi dụng người nghèo để phục vụ cho tư lợi hoặc cho phe nhóm của họ. Tôi biết đó là chuyện phàm nhân, nhưng điều ấy không tốt! Và tôi muốn nói hơn nữa, đó là tội lỗi! Tốt hơn những người ấy nên ở nhà.”

”Khi theo Chúa Kitô trên con đường bác ái, chúng ta gieo vãi hy vọng. Đó là xác tín thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Xã hội Italia ngày nay đang rất cần hy vọng, đặc biệt tại đảo Sardegna này. Ai có trách nhiệm chính trị và dân sự thì có nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ cần được hỗ trợ tích cực, như những công dân...
”Nhưng trong tư cách là Giáo Hội, tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm lớn, đó là gieo vãi hy vọng bằng những công việc liên đới, luôn tìm cách cộng tác một cách tốt đẹp hơn với các tổ chức công cộng, trong sự tôn trọng các thẩm quyền liên hệ. Đức bác ái diễn tả cộng đoàn, và sức mạnh của cộng đoàn Kitô là làm tăng trưởng xã hội từ bên trong như men. Tôi nghĩ đến những sáng kiến của anh chị với các tù nhân trong các nhà tù, tôi nghĩ đến sự thiện nguyện của bao nhiêu hội đoàn, đến tình liên đới với các gia đình đang chịu đau khổ nhiều hơn vì thiếu việc làm. Về điểm này, tôi nói với anh chị em: hãy cam đảm, đừng để cho người ta cướp mất niềm hy vọng và hãy tiến bước!

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã chào thăm nhiều người. Có những người nhân dịp này trao cho ngài những lá thư riêng hoặc một món quà nhỏ.. Ngài mời mọi người đọc kinh Lạy Cha trước khi ban phép lành kết thúc.
Trước khi rời Nhà thờ chính tòa Cagliari, ĐTC cũng chào thăm các nữ tu thuộc các dòng khác nhau, kể cả các nữ tu chiêm niệm. Ngài nói với họ: ”Chị em là sự nâng đỡ tinh thần cho Giáo Hội. Hãy tiếp tục tiến bước với xác tín đó. Chúa kêu gọi chị em để nâng đỡ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của chị em”.

Gặp giới văn hóa

Hoạt động thứ hai của ĐTC chiều chúa nhật vừa qua là cuộc gặp gỡ với giới văn hóa lúc quá 4 giờ chiều tại thính đường Giáo Hoàng phân khoa thần học ở Cagliari do các cha dòng Tên đảm trách. Ngoài ra còn có đại diện của hai Đại học công lập ở Cagliari và Sassari.

Ngỏ lời trong dịp này, sau lời chào mừng của LM khoa trưởng thần học và hai giáo sư viện trưởng Đại học, ĐTC đã trình bày một số suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng về thái độ của hai môn đệ trên đường làng Emmaus sau khi Chúa chịu chết, họ rời khỏi thành Jerusalem và trở về quê. ĐTC đã cô đọng suy tư của ngài trong 3 điểm: thất vọng, cam chịu và hy vọng.

Thứ 1. Hai môn đệ mang trong tâm hồn nỗi đau khổ và lạc hướng vì cái chết của Chúa Giêsu, họ thất vọng vì sự việc xảy ra. Chúng ta thấy tâm tình tương tự trong tình trạng chúng ta ngày nay: thất vọng, vỡ mộng, vì cuộc khủng hoảng không những về kinh tế tài chánh, nhưng cả về môi sinh, giáo dục và luân lý nữa. Đó là một cuộc khủng hoảng liên quan đến hiện tại và tương lai lịch sử, trong cuộc sống con người thuộc nền văn minh tây phương và liên hệ tới toàn thế giới... Ít nhất trong 4 thế kỷ gần đây, người ta chưa hề thấy tình trạng những xác tín chắc chắn cơ bản bị rúng động như hiện nay, những xác tín ấy vốn tạo nên cuộc sống con người. Tôi nghĩ đến sự suy thoái môi trường, những chênh lệch xã hội, tiềm năng kinh khủng của võ khí, hệ thống kinh tế tài chánh, sự phát triển, sức nặng của các phương tiện thông tin, truyền thông, chuyên chở.

2. ”Đâu là những phản ứng đứng trước thực tại ấy? Hai môn đệ làng Emmaus đã có phản ứng cam chịu, tìm cách trốn chạy khỏi thực tại, rời bỏ thành Jerusalem. Chúng ta cũng thấy thái độ như thế trong thời điểm lịch sử này. Đứng trước cuộc khủng hoảng, người ta có thể có thái độ cam chịu, bi quan đối về những gì có thể thực hiện hữu hiệu... Sự thất vọng và vỡ mộng cũng đưa tới sự trốn chạy, tìm những ”hòn đảo” hoặc ngưng lại. Thái độ đó phần nào cũng giống như thái độ rửa tay của Philatô. Thái độ này có vẻ là thực tiễn, nhưng trong thực tế nó cố tình không biết đến tiếng kêu công lý, nhân đạo, trách nhiệm xã hội và dẫn tới chủ nghĩa cá nhân, giả hình, nếu không muốn nói là đi tới thái độ sống chết mặc bay.

3. ĐTC nhận xét rằng: Về điểm này chúng ta tự hỏi: có một con đường phải đi trong tình trạng của chúng ta hay không? Phải chăng chúng ta phải cam chịu, trốn chạy thực tại, rửa tay và co cụm vào mình? Tôi nghĩ không những có một con đường phải đi, nhưng chính trong thời điểm lịch sử này, chúng ta được thúc đẩy tìm thấy những con đường hy vọng, mở ra những chân trời mới cho xã hội chúng ta. Và đây chính là vai trò của Đại học như một nơi soạn ra và thông truyền kiến thức, huấn luyện về sự khôn ngoan theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, giáo dục toàn diện con người.

Trong ý hướng trên đây, ĐTC nói đến 3 vai trò của đại học: Đại học như một nơi phân định, đọc thực tại và phân tích suy xét, không chút sợ hãi, không hoảng hốt.. Đại học, như một môi trường của sự khôn ngoan có chức năng rất quan trọng là huấn luyện về sự phân định, để nuôi dưỡng hy vọng.

Tiếp đến đại học như một nơi kiến tạo nền văn hóa gần gũi. Sự cô lập và co cụm vào mình hoặc đóng khung trong những lợi lộc riêng của mình không bao giờ là con đường tái tạo hy vọng và thực huện sự canh tân, trái lại chính sự gần gũi, nền văn hóa gặp gỡ mới làm được điều đó. Đại học là nơi ưu tiên để thăng tiến, giảng dạy và sống nền văn hóa đối thoại..

ĐTC nhận xét rằng khi Chúa Giêsu đến gần các môn đệ làng Emmanus, ngài đồng hành, lắng nghe cái nhìn thực tại, sự thất vọng của họ, đối thoại với họ, và với cách thức đó, Ngài khơi dậy nơi họ niềm hy vọng, những chân trời mới đã hiện diện, mà chỉ có cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh giúp nhận ra.
Yếu tố sau cùng: Đại học là nơi huấn luyện về tình liên đới.. Phân định thực tại, nhận thức khủng hoảng, thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, và đối thoại, hướng về tình liên đới, như yếu tố cốt yếu để canh tân xã hội chúng ta. Và ĐTC kết luận rằng:

”Đức tin ban cho các tín hữu Kitô chúng ta niềm hy vọng vững chắc thúc đẩy phân định thực tại, sống sự gần gũi và tình liên đới vì Thiên Chúa đi vào lịch sử chúng ta, trở thành ngừơi trong Đức Giêsu, ngụp lặn trong sự yếu đuối của chúng ta, trở nên gần gũi tất cả mọi người, chứng tỏ tình liên đới cụ thể, nhất là với những ngừơi nghèo khổ túng thiếu nhất mở ra cho chúng ta một chân trời vô biên và chắc chắn của niềm hy vọng”.

Gặp giới trẻ
Giã từ giới văn hóa, ĐTC trở lại Quảng trường Carlo Felice gần bến tàu Cagliari nơi ngài đã gặp giới lao động của đảo Sardegna vào ban sáng chúa nhật. Tại đây 100 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây ca hát, suy tư và nghe chứng từ về đề tài: ”Con hãy thả lưới!” dựa trên Tin Mừng theo thánh Luca (5,4-11).

Khi ĐTC đến, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt. Một số đại diện bạn trẻ đã chào mừng và xin ĐTC trả lời một số thắc mắc xin ngài giải đáp.

Trong phần huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn Tin Mừng về sự tích các môn đệ vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào từ hồ Galilea. Nhưng rồi Chúa Giêsu đến, gọi Phêrô, Anrê, và Giacôbê và Gioan, cũng với các ngư phủ khác, ngài bảo Phêrô thả lưới, nhưng ông nói: ”Thưa thầy chúng con vất vả cả đêm mà chẳng được gì!”
Đó là điểm đầu tiên ĐTC muốn nói tới, là kinh nghiệm về sự thất bại, có cái gì đó không ổn, có một sự thất vọng.
ĐTC nói: ”Trong tuổi trẻ chứng ta đề ra dự phóng, hướng về đằng trước, nhưng nhiều khi gặp phải thất bại, thất vọng: đó là một sự thử thách.

Cả trong Giáo Hội, chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm ấy: các LM, giáo lý viên, những người linh hoạt vất vả rất nhiều, mất bao nhiêu năng lực, dồn toàn lực, nhưng rốt cục không thấy những thành quả tương ứng với cố gắng. Đức tin bị suy giảm, nhiều tín hữu không tích cực tham gia đời sống Giáo Hội, nhiều tín hữu Kitô mệt mỏi và buồn sầu, nhiều người trẻ, sau khi chịu phép thêm sức, thì không còn tham gia đời sống giáo xứ nữa.

ĐTC đặt câu hỏi: đứng trước thực tại ấy chúng ta có thể làm gì? Chắc chắn một điều không được làm là để cho mình bị thái độ bi quan và nản chí đè bẹp. Các bạn trẻ không thể và không được sống mà không có hy vọng, hy vọng là điều thuộc về cuộc sống của các bạn. Một người trẻ không có niềm vui và hy vọng thì thật là đáng lo, và không còn là người trẻ nữa.

Thánh Phêrô, trong giờ phút nguy kịch, thất bại, lẽ ra Người có thể chiều theo sự mệt mỏi và nán chí, nghĩ rằng thật là vô ích và tốt hơn nên rút lui về nhà. Nhưng, với lòng can đảm, thánh nhân ra khỏi mình và quyết định tín thác vào Chúa Giêsu và nói: ”Vâng lời Thầy con sẽ thả lưới!” Phêrô không nói: theo sức lực, theo những tính toán, kinh nghiệm của con như một ngư phủ lành nghề, nhưng Người nói: ”theo lời Thầy”! Và kết quả là một mẻ cá lạ lùng, lưới đầy cá, đến độ suýt bị rách!

Sang điểm thứ 2: tín thác vào Chúa Giêsu. ĐTC nói:
”Chúa luôn ở với chúng ta. Chúa đến bên bờ biển cuộc đời chúng ta, gần gũi với những thất vọng của chúng ta, sự dòn mỏng, tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng. Các bạn đừng bao giờ ngừng tiếp tục cuộc chơi, như những thể tháo gia giỏi biết đương đầu với những vất vả của việc tập luyện, để đạt kết quả! Những khó khăn không được làm các bạn kinh hãi, nhưng thúc đẩy các bạn đi xa hơn. Hãy nghe những lời Chúa nói với các bạn: ”hãy ra khơi và thả lưới, hỡi các bạn trẻ Sardegna! Các bạn hãy luôn ngoan ngoãn đối với Lời Chúa.. Khi những cố gắng khơi dậy đức tin nơi các bạn đồng lứa dường như vô ích, như những vất vả suốt đêm của các ngư phủ, các bạn hãy nhớ rằng với Chúa Giêsu, tất cả có thể thay đổi. Lời Chúa đã làm đầy lưới, và lời Chúa làm cho công việc truyền giáo của các môn đệ trở nên hữu hiệu. Theo Chúa Giêsu có nhiều đòi hỏi, và có nghĩa là không hài lòng với những mục tiêu bé nhỏ, nhưng can đảm nhắm lên cao!

Điểm thứ ba: ”Hãy thả lưới bắt cá (v.4).” ĐTC nói: Các bạn trẻ Sardegna thân mến, điều thứ ba tôi muốn nói với các bạn là các bạn cũng được mời gọi trở thành những người ngư phủ lưới người. Các bạn đừng do dự dành trọn cuộc đời mình để vui mừng làm chứng về Tin Mừng, nhất là cho các bạn đồng lứa tuổi.

”Tôi muốn kể cho các bạn một kinh nghiệm bản thân. Hôm qua (21-9), tôi đã kỷ niệm 60 năm ngày tôi cảm thấy tiếng Chúa Giêsu trong tâm hồn tôi.. Tôi không bao giờ quên. Chúa đã cho tôi nghe được mạnh mẽ rằng tôi phải đi con đường ấy. Lúc đó tôi 17 tuổi. Tôi đã trải qua vài năm trước đó trước khi quyết định đi tu trở thành cụ thể và chung kết. Sau bao nhiêu năm với một vài thành công, vui mừng, những cũng có bao năm thất bại, mong manh, tội lỗi.. 60 năm trên con đường của Chúa, đi theo Chúa, cạnh Chúa, luôn luôn cùng với Chúa. Tôi chỉ nói với các bạn điều này: tôi không bao giờ hối hận vì đã đi theo Chúa! Không phải vì tôi mạnh như Tarzan, tôi không hối hận vì cả trong những lúc đen tối, những lúc tội lỗi, yếu đuối mong manh, thất bại, tôi đã nhìn Chúa Giêsu và tôi tin thác nơi Ngài và Chúa không bao giờ để tôi một mình. Các bạn hãy tín thác vào Chúa Giêsu, luôn tín thác vào ngài và tiến bước!

Sự đóng góp của các bạn thật là quan trọng cho sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng: Người trẻ làm tông đồ của người trẻ! Hãy nói với mọi người bằng cuộc sống của các bạn và bằng niềm vui rằng Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài luôn thời sự. Và các bạn hãy can đảm đi ngược dòng, đừng để mình bị cuốn theo dòng đời. Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, cảm nghiệm tình thương và lòng từ bi của Chúa là một cuộc phiêu lưu lớn nhất và đẹp nhất có thể xảy ra cho một người.

”Các thánh cũng như vậy, các ngài không phải là hoàn hảo khi sinh ra, không là thánh khi chào đời! Các ngài nên thánh vì đã tín thác vào lời Chúa và ra khơi như Simon Phêrô. Các bạn hãy noi gương các ngài, tín thác nơi sự chuyển cầu của các ngài và luôn luôn là những người hy vọng”.
Cuối cuộc gặp gỡ, ĐTC còn chào thăm một số bạn trẻ, trong đó có những người khuyết tật. Rồi lúc gần 7 giờ ngài đáp máy bay từ phi trường Cagliari để trở về Roma.
Sở cảnh sát ở Cagliari cho biết có tới 400 ngàn người đã tham dự các sinh hoạt và buổi lễ do ĐTC cử hành tại đây chúa nhật vừa qua.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Biển Đức 16 trả lời một nhà toán học vô thần

Đức Biển Đức 16 trả lời một nhà toán học vô thần



VATICAN. Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã trả lời cho những tấn công của một nhà toán học vô thần người Italia, ông Piergiorgio Odifreddi.

Ông thường xuất hiện trên truyền hình ở Italia và mạnh mẽ phê bình tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo. Ông đã viết cuốn ”Giáo Hoàng thân mến, tôi viết cho ngài” (Caro Papa ti scrivo), để trả lời cho cuốn ”Dẫn vào Kitô giáo” (Introduzione al Cristianesimo) của ĐGH Ratzinger.

Lá thư dài 11 trang được Đức nguyên Giáo Hoàng viết trong tháng 8 gửi đến ông Odifreddi hồi đầu tháng 9-2013. Ông đã cho báo phe tả ”Repubblica” (Cộng Hòa), đăng tải trong số ra ngày 24-9-2013.

Trong thư ĐGH Biển Đức cho biết đã đọc sách của ông Odifreddi và ngạc nhiên vì giọng văn gây hấn và sự nhẹ dạ của tác giả trong các biện luận. Ngài bác bỏ lập luận cho rằng thần học là một khoa học giả tưởng, đồng thời xác quyết ngài không bao giờ tìm cách che đậy những điều xấu trong Giáo Hội, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Thư của Đức Biển Đức 16 có đoạn viết: ”Tôi không bao giờ tìm cách che đậy những điều ấy. Sự kiện quyền lực sự ác thấu nhập đến mức độ đó vào trong lòng thế giới đức tin, đối với chúng tôi, đó thực là một điều đau khổ mà một đàng chúng tôi phải chấp nhận, và đàng khác chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để những vụ như thế không tái diễn. Cũng không phải là một điều an ủi khi biết rằng theo nghiên cứu của các nhà xã hội hoc, tỷ lệ các linh mục phạm những tội ác lạm dụng như thế không cao hơn tỷ lệ trong các giới chuyên nghiệp tương tự. Dầu sao đi nữa, không được ngoan cố trình bày sự lệch lạc ấy như thế đó là một sự nhơ bẩn riêng của Công Giáo mà thôi. Và cũng không được im lặng trước vết tích lớn lao về thiện hảo sáng ngời và tinh tuyền mà đức tin Kitô đã vạch ra qua dòng lịch sử. Và một điều thực sự là ngày nay đức tin đang thúc đẩy nhiều người yêu thương vô vị lợi, phục vụ tha nhân, sống chân thành và công chính”.

Sự trách cứ nghiêm khắc nhất Đức nguyên Giáo Hoàng dành cho ông Odifreddi là về đề tài lịch sử. Ngài viết: ”Điều mà ông nói về Đức Giêsu không đáng với trình độ khoa học của ông. Nếu Ông đặt vấn đề như thế, xét cho cùng, người ta không biết gì về Đức Giêsu, và không gì có thể chấp nhận được chứng tỏ Ngài là một nhân vật lịch sử, như thế thì tôi chỉ có thể quyết liệt mời gọi ông hãy tỏ ra có thẩm quyền hơn một chút về phương diện sử học. Về vấn đề này, tôi đặc biệt khuyên ông đọc 4 cuốn mà Martin Hengel, một nhà chú giải Kinh Thánh thuộc phân khoa thần học tin lành ở Tuebingen, đã xuất bản cùng với Maria Schwmer: đây là một thí dụ tuyệt hảo về sự chính xác lịch sử và cung cấp rất nhiều thông tin lịch sự. Đứng trước sự điện ấy, điều mà ông nói về Đức Giêsu thực là một kiểu nói nhẹ dạ không nên lập lại”.

ĐGH Biển Đức 16 cũng đặt câu hỏi với ông Odifreddi: ”Nếu ông muốn thay thế Thiên Chúa bằng ”Thiên Nhiên”, thì vẫn còn có câu hỏi: thiên nhiên này là ai hoặc là gì. Không có chỗ nào trong sách ông định nghĩa thiên nhiên và vì thế nó thiên nhiên xuất hiện như thần minh vô lý, chẳng giải thích gì cả.. Nhưng nhất là tôi muốn nhận xét rằng trong Tôn giáo của ông về toán học, có 3 đề tài cơ bản của cuọc sống con người không được xét tới: tự do, tình yêu và sự ác. Tôi ngạc nhiên vì ôngchỉ nhắc lướt qua tới tự do, mặc dù đây đã và đang còn là giá trị chủ yếu của thời đại ngày nay”. Tình yêu cũng không được nói đến trong sách của Odifreddi và cả sự ác cũng chẳng được đề cập đến.. Tôn giáo toán học của ông không biết thông tin nào về sự ác. Một tôn giáo bỏ qua những câu hỏi cơ bản như thế thì là một tôn giáo trống rỗng”

Từ khi từ nhiệm và sống ẩn dật tại Vatican, đây là lần thứ hai ĐGH Biển Đức 16 ”xuất hiện” công khai, nhưng ngài vẫn giữ nguyên lời hứa ẩn mình đối với thế giới (Vat. Ins. 24-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo hệ thống kinh tế tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận

Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo hệ thống kinh tế tôn thờ tiền bạc và lợi nhuận



Cuộc khủng hoảng kinh tế âu châu và toàn cầu cũng là cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, tinh thần và nhân bản. Ở nguồn gốc của nó có sự phản bội thiện ích chung từ phía các cá nhân và các nhóm quyền lực. Nó là hậu qủa của một lựa chọn quốc tế, của một hệ thống kinh tế đưa tới thảm cảnh này, một hệ thống kinh tế có một thần tượng ở trung tâm gọi là tiền bạc. Tất cả chúng ta phải cùng nhau tranh đấu để ở trung tâm, ít nhất của cuộc sống chúng ta, là người nam, người nữ và gia đình. Anh chị em đừng để cướp mất niềm hy vọng!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ trong buổi gặp gỡ tại Cagliari thủ phủ đảo Sardaigna sáng Chúa Nhật 22-9-2013.

Chúa Nhật hôm qua Đức Thána Cha Phanxicô đã viếng thăm Cagliari nơi có đền thánh Đức Bà Bonaria, trên đảo Sardaigna trong vòng 10 tiếng. Đây là chuyến viếng thăm thứ hai tại Italia sau chuyến viếng thăm người tị nạn trên đảo Lampedusa.

Theo truyền thuyết, chính tại Cagliari này vào năm 1370 các ngư phủ đã vớt được một tượng Đức Mẹ được họ rất tôn kính và nhận làm Bổn Mạng. Khi một nhóm ngư phủ di cư sang Argentina họ đã truyền bá lòng sùng mộ này và lấy tên Bonaria đặt cho thủ đô Argentina. Đây là lý do khiến cho Đức Thánh Cha, nguyên Tổng Giám Mục Buenos Aires, quyết định viếng thăm Cagliari. Đảo Sardaigna rộng hơn 24.000 cây số vuông có hơn 1,6 triệu dân, đa số sống về nông nghiệp và chăn nuôi.

Sau đây là chi tiết chuyến viếng thăm. Lúc 7 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Vaticăng để ra phi trường Ciampino lấy máy bay đi Cagliari, thủ phủ đảo Sardaigna. Máy bay đã cát cánh lúc 7 giờ rưỡi và đến phi trường Mario Mameli của thành phố Cagliari-Elmas sau 45 phút bay. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Cha Arrigo Miglio, Tổng Giám Mục Cagliari, và giới chức chính quyền tiếp đón. Sau đó Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố để gặp gỡ giới công nhân tại quảng trường Carlo Felice. Hàng chục ngàn công nhận thuộc mọi nghành nghề khác nhau mặc sắc phục riêng đã cùng với gia đình họ tiếp đón Đức Thánh Cha. Một công nhân thất nghiệp, một thành viên nghiệp đoàn và một nông dân đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha và trình bầy các khó khăn của họ.

Ngỏ lời với giới công nhân Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ bênh vực phẩm giá và quyền có công ăn việc làm và khẳng định rằng: cần phải đặt con người và việc làm vào trung tâm mọi sinh hoạt. Cuộc khủng hoảng kinh tế âu châu và toàn cầu cũng là cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, tinh thần và nhân bản. Ở nguồn gốc của nó có sự phản bội thiện ích chung từ phía các cá nhân và các nhóm quyền lực. Nơi đâu không có việc làm, thì cũng thiếu phẩm giá. Đây không chỉ là vấn đề của đảo Sardaigna, nơi có nạn thất nghiệp cao, cũng không phải chỉ là của Italia hay vài nước Âu châu. Và Đức Thánh Cha mạnh dạn tố cáo như sau:

Nó là hậu qủa của một lựa chọn quốc tế, của một hệ thống kinh tế đưa tới thảm cảnh này, một hệ thống kinh tế có một thần tượng ở trung tâm gọi là tiền bạc. Thần tượng tiền bạc chỉ huy mọi sự, và để bảo vệ nó tất cả chồng chất ở trung tâm và những người ở hai cực bị ngã, người già ngã, vì trong thế giới này không có chỗ cho họ... Và người trẻ ngã, vì không tìm ra việc làm, và phẩm giá. Một thế giới có hai thế hệ người trẻ không có việc làm, thì không có tương lai, vì họ không có phẩm giá.

Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi và hiểu biết thảm cảnh thất nghiệp, vì đó đã là kinh nghiệm gia đình ngài kể lại cho ngài. Chúng ta muốn một hệ thống công bằng. Một hệ thống làm cho chúng ta tất cả tiến tới, chứ không muốn hệ thống kinh tế toàn cầu gây ra biết bao đau khổ!

Để đối phó với cuộc khủng hoảng và nạn thiếu công ăn việc làm hiện nay, tất cả mọi thành phần xã hội: các giới chức lãnh đạo chính trị, kinh tế, tôn giáo và xã hội phải sát cánh cộng tác, đối thoại với nhau, để hiểu biết thực tại và tìm ra các con đường giúp tạo công ăn việc làm xứng đáng, nhân bản, công bằng, an ninh cho mọi người, chứ không phải công việc lậu hay công việc nộ lệ, không tôn trọng thiên nhiên, nhịp sống và nhu cầu nghỉ ngơi trong các ngày lễ của gia đình. Cần biết can đảm liên đới chia sẻ và hy vọng. Tất cả chúng ta phải cùng nhau tranh đấu để ở trung tâm, ít nhất của cuộc sống chúng ta, là người nam, người nữ và gia đình. Anh chị em đừng để cướp mất niềm hy vọng!

Sau cùng Đức Thánh Cha đã mời mọi người cùng ngài cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài thưa với Chúa: ”Lậy Chúa, xin hãy nhìn thành phố và dân chúng của toàn đảo Sardaigna, xin hãy nhìn từng người trong chúng con. Lậy Chúa, chúng con thiếu công ăn việc làm. Các thần tượng muốn cướp mất phẩm giá của chúng con. Các hệ thống bất công muốn ăn trộm niềm hy vọng của chúng con. Lậy Chúa, xin đừng để chúng con cô đơn. Xin giúp chúng con giúp đỡ nhau, để chúng con quên đi một ít ích kỷ và cảm thấy trong con tim tiếng ”chúng tôi”, chúng tôi, dân muốn đi tới. Lậy Chúa Giêsu, Chúa không thiếu việc làm, xin cho chúng con có việc làm và xin dậy chúng con tranh đấu cho việc làm và chúc lành cho chúng con”. Diễn văn và lời cầu của Đức Thánh Cha đã khiến cho nhiều người khóc vì cảm động.

Đức Thánh Cha đã bắt tay chào và hôn 30 người đại diện giới công nhân. Có một công nhân tặng ngài chiếc mũ thợ mầu vàng, ngài cám ơn và đội ngay lên đầu. Sau cùng môt em bé chạy lên tặng Đức Thánh Cha lá cờ Vaticăng em cầm trong tay.

Rời quảng trường Carlo Felice, Đức Thánh Cha đến quảng trường trước đền thánh nằm sát bãi biển. Đã có hơn 300.000 tín hữu từ khắp nơi trong đảo Sardaigna tuốn về đây để tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự. Trước cửa đền thánh ông Ugo Cappellacci, chủ tịch đảo Sardaigna và ông Massimo Zedda tỉnh trưởng Cagliari, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha. Tiếp đến Đức Thánh Cha vào đền thánh và chúc lành cho khoảng 100 bệnh nhân, đa số nằm trên giường, trước khi vào phòng thánh mặc áo để dâng thánh lễ cho tín hữu. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có các Giám Mục toàn đảo Sardaigna và hàng trăm linh mục.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói ngài đến để chia sẻ các niềm vui, hy vọng, sự nhọc mệt, các dân thân và khát vọng của người dân toàn đảo Sardaigna và để củng cố đức tin của họ. Cuộc sống của người dân gặp nhiều thử thách vì thiếu công ăn việc làm, bấp bênh và tương lai không chắn chắn. Cần phải có sự cộng tác của tất cả mọi người, và sự dấn thân của giới hữu trách các cơ cấu để bảo đảm cho các cá nhân và gia đình các quyền nền tảng, và khiến cho xã hội lớn mạnh với nhiều tình huynh đệ và liên đới hơn. Đức Thánh Cha nói:

Tôi gần gũi anh chị em, tôi nhớ anh chị em trong lời cầu nguyện và tôi khích lệ anh chị em kiên tri làm chứng cho các giá trị nhân bản và kitô đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân tộc này. Anh chị em hãy luôn luôn duy trì ánh sáng của niềm hy vọng!

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói ngài cũng đến để cùng họ ở dưới chân Đức Mẹ, Đấng đã ban Con Mẹ cho thế giới. Nơi đây biết bao thế hệ người Sarde đã đến hành hương để khẩn nài sự chở che của Đức Bà Bonaria, Bổn Mạng lớn nhất của đảo. Nơi đây anh chị em đem theo các niềm vui, khổ đau của vùng đất này, của các gia đình, của các người con ở xa, thường ra đi với nỗi đau đớn và sự nhung nhớ, để kiếm việc làm và một tương lai cho mình và cho những người thân yêu. Hôm nay tụ họp nhau nơi đây, chúng ta muốn cám ơn Mẹ, vì Mẹ luôn gần gũi chúng ta, chúng ta muốn canh tân sự tin tưởng và tình yêu của chúng ta đối với Mẹ.

Mẹ Maria đã cầu nguyện cùng với cộng đoàn các môn đệ và dậy chúng ta tin tưởng tràn đầy nơi Thiên Chúa, nơi lòng thương xót của Người. Chúng ta đừng mệt mỏi gõ cửa của Thiên Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta hãy đem tới cho con tim của Thiên Chúa toàn cuộc sống và mỗi ngày sống của chúng ta.

Từ Thánh Gía Chúa Giêsu đã trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ. Nơi thánh Gioan là tất cả chúng ta, và cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu phó thác chúng ta cho sự giữ gìn hiền mẫu của Mẹ.
Sau cùng chúng ta cũng đến đây để gặp gỡ cái nhìn của Mẹ Maria, bởi vì ở đó phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa Cha, đã khiến cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cái nhìn của Con Mẹ từ thập giá khiến cho Người là Mẹ của chúng ta. Và với cái nhìn đó hôm nay Mẹ Maria nhìn chúng ta. Chúng ta cần đến cái nhìn dịu dàng, cái nhìn hiền mẫu của Mẹ, là Đấng hiểu biết chúng ta hơn bất cứ ai khác, chúng ta cần đến cái nhìn đầy cảm thương của Mẹ. Lậy Mẹ Maria, hôm nay chúng con muốn nói với Mẹ: Lậy Mẹ xin hãy ban cho chúng con cái nhìn của Mẹ. Cái nhìn của Mẹ đem chúng con tới với Thiên Chúa, cái nhìn của Mẹ là một ơn của Thiên Chúa Cha nhân lành, chờ đợi chúng con ở mỗi khúc rẽ của con đường cuộc sống...

Nhưng trên con đường thường khó khăn đó chúng ta không cộ đơn, chúng ta đông đảo và là một dân, và cái nhìn của Mẹ giúp chúng ta nhìn nhau một cách huynh đệ. Và Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau:

Chúng ta hãy nhìn nhau một cách huynh đệ hơn! Mẹ Maria dạy chúng ta có cái nhìn tìm tiếp đón, đồng hành, che chở. Chúng ta hãy tập nhìn nhau dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ Maria! Có những người chúng ta coi như ít nhưng trái lại họ lại cần đến cái nhìn đó hơn: những người bị bỏ rơi, người đau yếu, người không có phương tiện sống, người không biết Chúa Giêsu, người trẻ gặp khó khăn. Chúng ta đừng sợ hãi nhìn các anh chị em của chúng ta với cái nhìn của Mẹ.

Trước khi kết thúc thánh lễ Đức Thánh Cha đã đọc lời phó dâng toàn đảo Sardaigna cho Đức Bà Bonaria và nói: ”Lậy Mẹ, con xin Mẹ hướng cái nhìn của Mẹ trên tất cả và trên từng người. Con cầu xin cho từng gia đình của thành phố và vùng này. Con khẩn nài Mẹ cho các trẻ em và người trẻ, cho người già và người bệnh, cho tất cả những người cô đơn và những người bị tù tội, cho những người đói khát và cho những người không có công ăn việc làm, cho những người đã đánh mất niềm hy vọng và cho những người không có đức tin. Con cũng khẩn nài Mẹ cho các người cầm quyền và các nhà giáo dục. Lậy Mẹ, xin gìn giữ tất cả chúng con với lòng hiền dịu và ban cho chúng con sức mạnh của Mẹ và biết bao ủi an. Chúng con là con cái Mẹ, chúng con đặt mình dưới sự che chở của Mẹ. Xin đừng để chúng con cộ đơn trong lúc khổ đau và thử thách. Chúng con tín thác nơi trái tim hiền mẫu của Mẹ, và thánh hiến cho Mẹ tất cả những gì chúng con là và chúng con có. Và nhất là lậy Mẹ rất dịu dàng, xin chỉ cho chúng con Chúa Giêsu và dậy chúng con luôn luôn và chỉ làm những gì Người nói với chúng con.

Thánh lễ đã kết thúc với kinh Truyền Tin và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Trong đền thờ Đức Thánh Cha còn chào, an ủi và chúc lành cho các bệnh nhân, rồi về đại chủng viện miền để dùng bữa trưa với các Giám Mục và nghỉ ngơi chốc lát trước khi gặp các người nghèo và các tù nhân, cũng như giới văn hóa và giới trẻ vào ban chiều.

Linh Tiến Khải

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha tố giác mâu thuẫn trong y khoa

Đức Thánh Cha tố giác mâu thuẫn trong y khoa



VATICAN. ĐTC Phanxicô tố giác những xu hướng mâu thuẫn trong y khoa ngày nay và kêu gọi các bác sĩ sản khoa dấn thân bênh vực sự sống.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-9-2013, dành cho 100 bác sĩ sản khoa tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 10 về Công Giáo và việc săn sóc người mẹ do Liên hiệp quốc tế các hiệp hội bác sĩ Công Giáo tổ chức.

ĐTC nhận xét rằng ”trong nghề y khoa hiện nay, một đàng có sự hăng say tìm kiếm những tiến bộ trong việc trị bệnh, nhưng đàng khác người ta thấy có nguy cơ bác sĩ đánh mất căn tính của mình là người phục vụ sự sống, và nhiều khi không tôn trọng chính sự sống.. Người ta cũng thấy tình trạng mâu thuẫn này qua hiện tượng: trong khi người ta gán cho con người những quyền mới, nhiều khi chỉ là quyền giả tạo, thì họ lại không luôn bảo vệ sự sống như giá trị đầu tiên và là quyền tiên quyết của mỗi người. Mục tiêu tối hậu của hoạt động y khoa vẫn luôn là bảo vệ sự thăng tiến sự sống”.

Trong bối cảnh mâu thuẫn ấy, ĐTC nói: ”Giáo Hội kêu gọi lương tâm của mọi người chuyên nghiệp và thiện nguyện trong y khoa, đặc biệt là các bác sĩ sản khoa, hãy cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Não trạng duy lợi ích hiện nay, thứ văn hóa ”xài rồi bỏ”, đang nô lệ hóa tâm trí nhiều người, đang tạo nên một thiệt hại lớn: nó đòi phải loại bỏ con người, nhất là những người yếu thế về mặt thể lý và xã hội. Câu trả lời của chúng ta cho não trạng này là quyết liệt, không chút do dự, trong việc bênh vực sự sống. Quyền đầu tiên của con người là quyền sống.”

Cũng trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến các bác sĩ Công Giáo, ĐTC kêu gọi họ hãy sống và hoạt động phù hợp với ơn gọi Kitô; tiếp đến, đối với nền văn hóa ngày nay, hãy góp phần giúp người khác nhận ra chiều kích siêu việt, dấu vết công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong sự sống con người, ngay từ lúc đầu tiên sau khi được hoài thai. Sự dấn thân tái truyền giảng Tin Mừng như thế nhiều khi đòi tín hữu phải đi ngược dòng, trả giá bằng chính con ngừơi của mình. Chúa đang hy vọng nơi anh chị em để phổ biến Tin Mừng sự sống”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn bác sĩ thân mến, là những người được kêu gọi săn sóc sự sống con người trong giai đoạn đầu tiên, xin các bạn hãy nhắc nhở cho tất cả mọi người, bằng việc làm và lời nói, rằng sự sống luôn luôn là thánh thiêng trong mọi giai đoạn và mọi lứa tuổi và luôn luôn có chất lượng. Đây không phải là một xác tín đức tin, nhưng còn là của lý trí và khoa học! Không có sự sống con người nào thánh thiêng hơn sự sống khác, cũng như không có một sự sống con người nào có ý nghĩa hơn về phẩm chất hơn sự sống khác. Uy tín của một hệ thống y tế không phải chỉ được đo lường bằng hiệu năng, nhưng nhất là bằng sự quan tâm và yêu thương đối với con người, sự sống của họ luôn có tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm” (SD 20-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Một trái tim mở ra với Thiên Chúa: Trao đổi với Đức Thánh Cha Phanxicô



Một trái tim mở ra với Thiên Chúa: Trao đổi với Đức Thánh Cha Phanxicô
Ấn phẩm về Đức Thánh Cha Phanxicô
WHĐ (21.09.2013) – Ấn phẩm đầu tiên về Đức Thánh Cha Phanxicô đã được tạp chí “La Civiltà Cattolica” công bố và 16 tạp chí của Dòng Tên trên thế giới đã đồng loạt xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngày 19 tháng Chín, tuần báo Công giáo “America” ở Hoa Kỳ đã phát hành ấn bản điện tử Anh ngữ và linh mục Matthew Malone, S.J., Tổng biên tập “America” đã đồng ý để trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ và sử dụng ấn phẩm này.
Với nhan đề Một trái tim mở ra với Thiên Chúa: Trao đổi với Đức Thánh Cha Phanxicô, ấn phẩm này trình bày một chuỗi những hồi ức, linh đạo, suy tư mục vụ, tư tưởng thần học và hy vọng bừng cháy trong tâm tư của Đức Thánh Cha về ơn gọi cá nhân, đời sống thiêng liêng, sứ vụ phục vụ Hội thánh và dân Chúa trong dòng Tên, ở tổng giáo phận Buenos Aires và trong sứ vụ kế vị Thánh Phêrô. Ấn phẩm này được thực hiện rất công phu. Cha Antonio Spadaro, S.J., Tổng biên tập “La Civiltà Cattolica” – một tạp chí uy tín của dòng Tên từ năm 1850, đã ghi chép và quan sát chi tiết các buổi gặp gỡ và trao đổi riêng với Đức Thánh Cha qua 3 buổi phỏng vấn và hơn 6 giờ thảo luận. Có thể nói ấn phẩm này là một đặc phẩm vì Đức Thánh Cha xưa nay vốn dĩ rất ít khi trả lời phỏng vấn, như chính cha Spadaro kể rằng “Đức Thánh Cha thích suy nghĩ hơn là trả lời phỏng vấn”. Tuy nhiên, cha Spadaro cũng thừa nhận rằng “nói chuyện với Đức Thánh Cha như dòng chảy của núi lửa tuôn trào những ý tưởng đan quyện vào nhau” và khi phải ghi chép tỉ mỉ những câu chuyện mà Đức Thánh Cha kể, cha Spadaro cũng cảm thấy khó chịu vì việc ghi chép dường như “kìm hãm sự tiến triển của cuộc đối thoại”. Đức Thánh Cha có thể bộc bạch rất đơn thành về cá nhân ngài hoặc chia sẻ về sở trường văn chương và nghệ thuật qua những tác phẩm văn học và kiệt tác mỹ thuật một cách rất tự nhiên.
Từ một câu hỏi xem ra rất cơ bản về nhân thân, người đọc cảm thấy bất ngờ khi Đức Thánh Cha giới thiệu về mình là “một người tội lỗi”. Đức Thánh Cha nói về mình như thế này: “Tôi không biết mô tả như thế nào cho thích hợp nhất… nhưng tôi là một tội nhân. Đây là một định nghĩa chính xác. Đấy không phải là một hình thức tu từ, một kiểu nói văn chương”. Từ việc nhìn nhận không phải là một con người hoàn hảo, Đức Thánh Cha đã giải thích tâm niệm đời giám mục và cũng chính là tâm niệm cho sứ vụ phục vụ Hội thánh của ngài: tất cả được tuôn trào từ lòng xót thương và lựa chọn của Thiên Chúa.
Qua nhân cách đơn thành và khiêm nhường ấy của Đức Thánh Cha, người đọc như được mời gọi bước vào cuộc đời của ngài và cùng chia sẻ sứ mạng của Hội thánh. Thực ra, ấn phẩm này trình bày những lời tâm sự của Đức Thánh Cha hơn là những câu trả lời phỏng vấn đúng theo quy trình tác nghiệp truyền thông. Chiều sâu của những dòng chia sẻ mà Đức Thánh Cha trao gửi và mời gọi người đọc suy tư mang âm hưởng của một tu sĩ dòng Tên như ngài mô tả: “Người tu sĩ dòng Tên phải là một người có tư tưởng không khép kín, nghĩa là tư duy mở” vì chúng ta phải “hướng đến một chân trời phải đến, nơi Đức Kitô là trọng tâm”. Vì thế, Đức Thánh Cha không ngần ngại nhìn lại quá khứ của chính mình với lòng khiêm nhường khi kể lại kinh nghiệm làm Bề trên Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina: “Sự độc đoán và vội vàng trong quyết định của tôi dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng và bị mang tiếng là bảo thủ cực đoan”. Nhưng ngài cũng nhận ra rằng Thiên Chúa đã giúp ngài, qua những “sai phạm và lỗi phạm” này, được hiểu biết cách điều hành tốt hơn khi trở thành Tổng giám mục Buenos Aires như ngài tâm sự rằng từ những sai lầm trong vai trò giám tỉnh mà ngài biết cách thi hành sứ vụ giám mục một cách hiệu quả hơn.
Đức Thánh Cha đã chia sẻ và mời gọi mọi người cùng suy tư với ngài qua các chủ đề từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Trong ấn phẩm này, 20 chủ đề đã được “hỏi-đáp” và chia sẻ: từ nhân cách đến ơn gọi cá nhân, từ sứ vụ mục tử hoàn vũ qua trải nghiệm sứ vụ lãnh đạo dòng tu đến âm hưởng truyền giáo của các bậc tiền bối trong dòng Tên, từ kinh nghiệm cai quản Giáo hội đến những cảm thức cùng Hội thánh qua dòng lịch sử, từ những trăn trở nơi tòa giải tội đến thách đố mục vụ cho người đồng tính và ly dị, từ kinh nghiệm của một giáo hoàng dòng Tên đầu tiên đến những ưu tư về giáo triều Roma, từ vai trò của phụ nữ trong đời sống Hội thánh đến sức sống của Công đồng Vatican II, từ truyền thống “Tìm Chúa trong mọi sự” của Thánh Inhaxiô đến trải nghiệm mọi sự trong Chúa nơi cuộc sống thực tại, từ những giá trị nghệ thuật và sáng tạo đến những biên cương và thử nghiệm giữa lòng thế giới, từ phương pháp diễn giải Kinh Thánh đến mô phạm giảng dạy Lời Chúa, từ khám phá và nhận thức cá nhân đến đời sống cầu nguyện và đức tin. Trải rộng gần hết những đề tài được chiếu cố và cần quan tâm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác họa sứ vụ của ngài một cách rất cụ thể, không khai triển ở tầm cao tri thức nhưng cô đọng ở chiều sâu đức tin. Được hỏi về kinh nghiệm thiêng liêng hằng ngày, Đức Thánh Cha kể rằng: “Tôi đọc Giờ kinh Phụng vụ mỗi sáng. Tôi thích cầu nguyện với Thánh vịnh. Sau đó thì tôi dâng lễ. Tôi lần chuỗi Mân Côi. Điều mà tôi thích nhất là chầu Thánh Thể mỗi tối, ngay cả khi tôi bị chia trí và nghĩ đến những sự khác, hoặc ngay cả lúc ngủ gật khi cầu nguyện. Vào buổi tối, vào khoảng 7-8 giờ, tôi viếng Thánh Thể một giờ. Nhưng tôi có thể âm thầm cầu nguyện ngay cả khi đang đợi ở văn phòng nha sĩ hay những thời khắc khác trong ngày”.
Như thế đó, Một trái tim mở ra với Thiên Chúa của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng vươn rộng đến mọi ngóc ngách của cuộc đời và tâm hồn mỗi người. Mới đây, khi người ta lượng giá và nhận định về 6 tháng trong trách vụ kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha được cho là vị giáo hoàng với nhiều ‘cái nhất’ trong lịch sử. Và qua ấn phẩm này, người đọc có thể nhận ra rằng Đức Thánh Cha có thêm ‘cái nhất’, đó là ngài gặp Thiên Chúa nhiều nhất và gần nhất như dòng tâm sự này: “Thiên Chúa ở trong cuộc đời của mỗi người. Cho dù cuộc đời của một người bị bất hạnh, bị hủy hoại bởi thói xấu, ma túy hay bất cứ thứ gì khác – Thiên Chúa ở trong cuộc đời của người đó. Bạn có thể, và bạn phải thử tìm Chúa trong đời sống của từng người. Cho dẫu cuộc đời đầy những chông gai và tang tóc, vẫn còn chỗ để hạt giống tốt nảy mầm. Bạn phải tin vào Chúa”.
 
WHĐ