label

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh



VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị đại sứ và đại diện của 180 nước và tổ chức có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi bảo vệ gia đình, liên đới chấm dứt xung đột, bảo vệ các thai nhi và trẻ em.

Lúc gần 11 giờ sáng 13-1-2014, ĐTC Phanxicô đã nối tiếp truyền thống lâu đời của Tòa Thánh, tiếp kiến đoàn ngoại giao gồm đại diện của 180 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, ngài đặc biệt nhắc đến và chào mừng các vị đại sứ mới đến trình thư ủy nhiệm. ĐTC nói:

Bênh vực gia đình, ngưi già và người trẻ

Trong sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới nói về tình huynh đệ như nền tảng và là con đường hòa bình, tôi đã nhận xét rằng ”tình huynh đệ thường bắt đầu được học từ trong gia đình” (Sứ điệp 8-12-2013, 1), gia đình, ”do ơn gọi của mình, phải làm cho thế giới được lây nhiễm tình thương của mình” (ibid.) và góp phần làm cho tinh thần phục vụ và chia sẻ xây dựng hòa bình được tăng trưởng (Xc ibid. 10). Hang đá máng cỏ kể lại cho chúng ta điều ấy, nơi mà chúng ta thấy Thánh Gia Thất không đơn độc và lẻ loi đối với thế giới, nhưng có các mục tử và các đạo sĩ quây quần chung quanh, nghĩa là một cộng đồng cởi mở, trong đó có chỗ cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, người gần cũng như người xa. Và như thế chúng ta hiểu những lời của Vị Tiền Nhiệm quí mến của tôi, Đức Biển Đức 16, đã nhấn mạnh rằng ”một từ vựng gia đình là một từ vựng hòa bình” (Biển Đức 16, Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 41, 8-12-2007, 3).

Rất tiếc là điều ấy không thường xảy ra. vì con số các gia đình chia rẽ và bị xâu xé gia tăng, không những vì trong thế giới ngày nay, người ta thường thấy ý thức cảm thức mình thuộc về gia đình bị suy yếu, nhưng còn vì những điều kiện khó khăn trong đó nhiều gia đình đang phải chịu, đến độ họ thiếu cả những thương tiện sinh sống nữa. Vì thế, ta thấy cần có những chính sách thích hợp để nâng đỡ, trợ giúp và củng cố gia đình.

Ngoài ra, cũng xảy ra là những người già bị coi như một gánh nặng, trong khi những người trẻ không thấy trước mặt những viễn tượng chắc chắn cho cuộc sống của mình. Thực ra, người già và người trẻ là niềm hy vọng của nhân loại. Người già mang lại kinh nghiệm khôn ngoan, người trẻ mở cho chúng ta tương lai, ngăn cản chúng ta đừng khép kín vào mình (Xc Tông Huấn Evangelii gaudium, 108). Một điều khôn ngoan là không gạt những người già ra bên lề đời sống xã hội để duy trì ký ức sinh động của một dân tộc. Cũng vậy, nên đầu tư vào người trẻ, với những sáng kiến thích hợp giúp họ tìm được công ăn việc làm và thành lập gia đình. Đừng dập tắt lòng phấn khởi hăng say của họ! Tôi vẫn còn nhớ rõ kinh nghiệm về Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28 ở Rio de Janeiro. Tôi đã gặp được bao nhiêu người trẻ hài lòng! Bao nhiêu hy vọng và mong đợi nơi ánh mắt và kinh nguyện của họ! Bao nhiêu niềm khát sống và ước muốn cởi mở đối với tha nhân! Sự khép kín và cô lập luôn tạo nên bầu không khí ngột ngạt và nặng nề, trước sau gì cũng gây nên buồn sầu và làm ngộp thở. Trái lại cần có một sự dấn thân chung của tất cả mọi người để thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, vì chỉ những người có khả năng đi gặp tha nhân mới có thể mang lại thành quả, kiến tạo những mối giây hiệp thông, chiếu tỏa vui mừng, xây dựng hòa bình.

Nếu cần thì có những hình ảnh tàn phá và chết chóc chúng ta đã thấy trong năm vừa qua, xác định điều đó. Bao nhiều đau thương, bao nhiêu tuyệt vọng vì sự khép kín vào mình, sự khép kín ấy dần dần mặc một khuôn mặt ghen tương, ích kỷ, cạnh tranh, khao khát quyền lực và tiền bạc! Đôi khi dường như những thực tại ấy nhắm trở thành sự thống trị. Trái lại, Lễ Giáng Sinh đổ tràn nơi các tín hữu Kitô chúng tôi xác tín rằng lời nói cuối cùng và chung kết thuộc về Vị Vua Hòa Bình, Đấng đã biến ”gươm thành lưỡi cày và biến giáo thành lưỡi liềm” (Xc Is 2,4) và biến ích kỷ thành sự hiến thân và biến oán thù thành tha thứ.

Tình hình khó khăn tại Siria
”Và tôi muốn nhìn năm mới với niềm tín thác ấy. Vì thế, tôi không ngừng hy vọng cuộc chiến tại Siria rốt cuộc được chấm dứt. Mối quan tâm đối với dân tộc yêu quí này và ước muốn làm cho bạo lực khỏi trở nên trầm trọng hơn đã khiến tôi tuyên bố một ngày ăn chay và cầu nguyện hồi tháng 9 năm ngoái. Qua quí vị, tôi chân thành cám ơn những vị nơi đất nước của quí vị, Chính Quyền cũng như những người thiện chí hưởng ứng và tham gia sáng kiến ấy. Nay cần có một ý chí chính trị chung được đổi mới để chấm dứt cuộc xung đột. Trong viễn tượng ấy, tôi cầu mong Hội nghị Genève 2, được triệu tập vào ngày 22 tháng 1 sắp tới, đánh dấu khởi đầu hành trình bình định hóa vốn được mong muốn. Đồng thời một điều không thể thiếu được, đó là sự tôn trọng hoàn toàn đối với công pháp nhân đạo. Không thể chấp nhận để cho những thường dân vô tội, nhất là các trẻ em, bị tổn thương. Ngoài ra, tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy bênh đỡ và bảo đảm bao nhiêu có thể sự trợ giúp cần thiết và cấp thiết cho phần lớn dân chúng. Tôi không quên những cố gắng đáng ca ngợi của những quốc gia, nhất là Liban và Giordani, đã quảng đại đón tiếp đông đảo người tị nạn Siria trên lãnh thổ của mình.

Trung Đông

Cũng liên quan đến Trung Đông, tôi lo âu nhận thấy những căng thẳng đang đè nặng trên vùng này bằng nhiều cách. Tôi đặc biệt lo lắng nhìn thấy những khó khăn kéo dài tại Liban, tại đây một bầu không khí cộng tác mới mẻ giữa các thẩm quyền khác nhau trong xã hội dân sự và các lực lượng chính trị là điều cần thiết hơn bao giờ hết để tránh cho những đố kỵ trở nên trầm trọng hơn và có thể làm thương tổn sự ổn định của đất nước. Tôi cũng nghĩ đến Ai Cập đang cần tìm lại sự hòa hợp xã hội, và Irak đang gặp khó khăn trong việc đạt tới hòa bình và sự ổn định mong ước. Đồng thời tôi hài lòng khi thấy có những tiến độ đáng kể trong cuộc đối thoại giữa Iran và nhóm ”5 cộng 1” về vấn đề hạt nhân.

Khắp nơi con đường tốt nhất để giải quyết những vấn đề bỏ ngỏ phải là con đường ngoại giao đối thoại. Và con đường chính đã được ĐGH Biển Đức 15 chỉ dẫn một cách sáng suốt khi ngài mời gọi các vị hữu trách của các nước Âu Châu hãy làm cho “sức mạnh tinh thần của luật pháp trổi vượt trên sức mạnh vật chất của võ khí” để chấm dứt thảm trạng chiến tranh vô ích” (Xc Biển Đức 15, thư gửi các vị Thủ lãnh các dân tộc đang giao chiến [1-81017] AAS 9, [1917], 421-423), là thế chiến thứ I, mà năm nay là năm kỷ niệm 100 năm. Cần ”can đảm di xa hơn bề mặt xung đột” (Tông huấn Evangelii gaudium, 228), coi tha nhân trong phẩm giá sâu xa nhất của họ, để sự đoàn kết vượt thắng xung đột và ”có thể phát triển một tình hiệp thông trong sự khác biệt” (Ibid.). Theo nghĩa đó, thật là một điều tích cực việc mở lại các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine và tôi cầu mong các phe quyết liệt đưa ra những quyết định can đảm, với sự hỗ trợ của cộng đoàn quốc tế, để tìm ra một giải pháp công chính và lâu bên cho cuộc xung đột mà sự chấm dứt ngày càng trở thành cần thiết và khẩn cấp. Một điều không ngừng gây lo âu là làn sóng xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông và Bắc Phi. Họ muốn tiếp tục được là thành phần của toàn bộ xã hội, chính trị và văn hóa của các nước mà họ đã góp phần xây dựng, và họ muốn góp phần vào công ích của xã hội nơi họ muốn được hoàn toàn hội nhập vào, như những người xây dựng hòa bình và hòa giải.

Phi Châu
”Tại những nơi khác ở Phi Châu, các tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng về tình thương và lòng từ bi của Thiên Chúa. Không bao giờ được ngưng làm điều thiện kể cả khi điều này thật kham go và khi ta phải chịu những hành động bất bao dung, thậm chí cả khi mình bị bách hại thực sự.

”Tại những vùng rộng lớn ở Nigeria bạo lực không chấm dứt và bao nhiêu máu người vô tội tiếp tục bị đổ ra. Nhất là tôi nghĩ đến Cộng hòa Trung Phi, nơi mà dân chúng đang chịu đau khổ vì những căng thẳng mà đát nước trải qua và chúng đã gieo rắc nhiều tàn phá và chết chóc. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và đông đảo những người tản cư phải sống trong những tình trạng thiếu thốn, tôi cầu mong cộng đồng quốc tế quan tâm góp phần chấm dứt bạo lực, tái lập chế độ pháp quyền và bảo đảm cho các viện trợ nhân đạo được đưa tới những miền hẻo lánh nhất của đất nước. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục cam kết sự hiện diện và cộng tác, quảng đại nỗ lực trợ giúp bao nhiêu có thể cho dân chúng, và nhất là để tái tạo bầu không khí hòa giải và hòa bình giữa mọi thành phần trong xã hội. Hòa giải và hòa bình là những ưu tiên cơ bản tại những nơi khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt muốn nói đến Mali, nơi người ta ghi nhận có sự tái lập các cơ cấu dân chủ của đất nước, cũng như tôi nghĩ đến Nam Sudan, nơi mà sự bất ổn về chính trị trong thời gian qua đã làm cho nhiều người chết và tình trạng nhân đạo tái ở trong tình trạng trầm trọng.

Á châu
Tòa Thánh rất chú ý theo dõi cả những biến cố ở Á châu, nơi mà Giáo Hội muốn chia sẻ những vui mừng và mong đợi của mọi dân tộc của đại lục rộng lớn và cao quí này. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Hàn Quốc, tôi muốn cầu xin Chúa ban ơn hòa giải tại bán đảo này, với mong ước rằng vì thiện ích của toàn thể dân tộc Hàn quốc, các phe liên hệ không ngừng tìm kiếm những điểm gặp gỡ và những giải pháp khả thể. Thực vậy, Á châu có một lịch sử sống chung lâu dài giữa các thành phần dân sự, chủng tộc và tôn giáo. Cần khuyến khích sự tôn trọng nhau, nhất là đứng trước một số dấu hiệu đáng lo âu về sự suy yếu của nó, đặc biệt là thái độ ngày càng khép kín, dựa vào lý do tôn giáo có xu hướng làm cho các tín hữu Kitô không còn được tự do và gây nguy hiểm cho sự sống chung trong xã hội với nhau. Trái lại Tòa Thánh rất hy vọng khi nhìn thấy những dấu hiệu cởi mở đến từ những nước có truyền thống lớn về tôn giáo và văn hóa, mà Tòa Thánh muốn cộng tác với họ để xây dựng công ích.

Nạn đói
Ngoài ra, hòa bình cũng bị tổn thương vì bất kỳ sự phủ nhận nào đối với phẩm giá con người, trước hết là tình trạng không được dinh dưỡng đầy đủ. Không khuôn mặt nào của những người bị đói được làm cho chúng ta dửng dưng, nhất là các trẻ em, nếu chúng ta nghĩ đến bao nhiêu lương thực bị phung phí mỗi ngày tại nhiều nơi trên thế giới, theo điều mà tôi nhiều lần định nghĩa là nền văn hóa loại bỏ. Rất tiếc là đối tượng bị loại bỏ không phải chỉ là lương thực hoặc những của cải dư thừa, nhưng là chính con người, họ bị loại bỏ như thể họ là những đồ vật không cần thiết. Ví dụ điều gây kinh hoàng khi nghĩa đến có những trẻ em không bao giờ được chào đời, nạn nhân của nạn phá thai hoặc những trẻ em bị sử dụng như những binh sĩ, bị hãm hiếp hoặc bị giết trong các cuộc xung đột võ trang hoặc trở thành hàng hóa trong hình thức kinh khủng là nạn nô lệ tân thời, là nạn buôn người, nó là một tội ác chống lại nhân loại.

Thảm trạng người tị nạn và di dân
Chúng ta không thể lãnh đạm trước thảm trạng của nhiều người buộc lòng phải chảy trốn nạn hạn hán hoặc bạo lực, nạn cường quyền, nhất là tại Vùng Sừng ở Phi châu và tại miền Đại Hồ. Nhiều người trong số họ đang sống như người tị nạn hoặc tản cư trong những trại trong đó họ không còn được coi như con người, nhưng như những con số vô danh. Những người khác, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơm, thực hiện một cuộc xuất hành bấp bệnh, và nhiều khi họ gặp nạn bi thảm. Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều người di dân từ Trung Phi tìm đường sang Mỹ, nhưng nhất là những người từ Phi châu oặc Trung Đông tìm nơi tị nạn ở Âu Châu.
Và trong ký ức tôi vẫn còn sống động cuộc viếng thăm ngắn của tôi tại đảo Lampedusa hồi tháng 7 năm ngoái để cầu nguyện cho nhiều người đắm tàu trong Địa Trung Hải. Rất tiếc là có một sự dửng dưng của nhiều người trước những thảm trạng như vậy, đó là dấu hiệu thê thảm về sự đánh mất cảm thức trách nhiệm huynh đệ (Bài giảng thánh lễ tại Lampedusa 8-7-2013), vốn là nền tảng của mỗi xã hội dân sự. Nhưng trong hoàn cảnh ấy tôi đã có thể nhận thấy sự đón tiếp và tận tụy của bao nhiêu người. Tôi cầu chúc cho nhân dân Italia mà tôi quí mến, cũng như do căn cội chung liên kết chúng ta với nhau, biết canh tân sự dấn thân liên đới đáng ca ngợi đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ, và với nỗ lực chân thành và cùng nhau của các công dân và tổ chức, vượt thắng những khó khăn hiện nay, tìm lại được bầu không khí sáng tạo xây dựng về xã hội vốn là đặc tính lâu đời của mình.

Bảo vệ môi sinh
Sau cùng, tôi muốn đề cập đến một vết thương khác gây ra cho hòa bình nảy sinh từ sự khai thác ham hố các tài nguyên môi sinh. Tuy rằng thiên nhiên tùy thuộc sự sử dụng của chúng ta (sứ điệp Ngày Thế Giới về hòa bình lần thứ 47 (8-12-2013), nhưng quá nhiều khi chúng ta không tôn trọng và quí chuộng như một hồng ân nhưng không cần phải chăm sóc và dành để phục vụ anh chị em kể cả những thế hệ trẻ” (Ibd.). Cũng vậy trong trường hợp này cần kêu gọi trách nhiệm của mỗi người để, với tinh thần huynh đệ, chúng ta theo đuổi những chính sách tôn trọng trái đất của chúng ta, và là nhà của mỗi người. Tôi nhớ châm ngôn bình dân nói rằng: ”Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng thiên nhiên, công trình tạo dựng, không bao giờ tha thứ khi nó bị ngược đãi!”. Đàng khác, chúng ta có trước mắt những hậu quả tàn hại của một số thiên tai gần đây. Đặc biệt tôi muốn nhắc nhớ một lần nữa đông đảo các nạn nhân và sự tàn phá trầm trọng tại Philippines và tại một số nước Đông Nam Á do cuồng phong Haiyan gây ra.

Sau cùng, ĐTC nói đến hoạt động của Giáo Hội tại các nơi trên thế giới, qua các LM, các thừa sai và tín hữu giáo dân, với tinh thần tận tụy đang xả thân trong nhiều hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện để phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, những cô nhi và những người cần được giúp đỡ an ủi. Từ sự quan tâm yêu thương ấy (Tông huấn Evangelii gaudium, 199), Giáo Hội cộng tác với tất cả các tổ chức quan tâm đến thiện ích của mỗi người cũng như công ích.

G. Trần Đức Anh OP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét