label

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới




VATICAN. Sáng ngày 22-2-2014, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhóm Công nghị đầu tiên để tấn phong 19 Hồng y mới.

Hiện diện trong buổi lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y thượng phụ và đẳng Giám Mục. Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện tại Đền thờ Thánh Phêrô trước công chúng từ sau khi từ nhiệm cách đây gần một năm.

18 tiến chức Hồng y ngồi phía trước bàn thờ, gần đó phía sau là 130 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 9 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, giáo hữu và 15 phái đoàn chính phủ các nước: phái đoàn Brazil và Haiti do Tổng thống liên hệ làm trưởng đoàn; nhiều phái đoàn các nước khác do các vị ngoại trưởng hoặc bộ trưởng hướng dẫn. Đặc biệt cũng có phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 5 người do ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng ban tôn giáo chính phủ, làm trưởng đoàn. Đoàn đến dự để mừng ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi còn làm thứ trưởng ngoại giáo, ngài đã 3 lần hướng dẫn phái toàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam và làm việc với các quan chức chính phủ.

Thành phần tiến chức Hồng Y

Có 16 tiến chức Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi, gồm 4 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 12 vị là GM chính tòa.

Xét về quốc tịch, các vị thuộc 12 nước: 4 vị người Ý, 12 vị còn lại thuộc 12 nước khác nhau, trong số này có 2 vị Á châu: thứ I là Đức TGM Anrê Yeom Soo Jung, hay là Liêm Chu Chánh, năm nay 71 tuổi (1943), TGM giáo phận thủ đô Hán Thành. Ngài đã làm GM phụ tá giáo phận này trong 12 năm trước khi thăng TGM chính tòa tại đây, kế nhiệm ĐHY Nicôla Trịnh Chấn Thích (Cheong Jin-Suk). Vị thứ II là Đức TGM Orlando Quevedo, 75 tuổi (1939), TGM giáo phận Cotabato ở miền nam Philippines, dòng thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI). Ngài từng làm Chủ tịch HĐGM Philippines và hiện nay cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu.

Trong số 19 tân Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, đó là ĐHY Orani João Tempesta, TGM Rio de Janeiro, Brazil, thuộc dòng Xitô, ĐHY Ricardo Ezzati Andrello, TGM Santiago de Chile thuộc dòng Don Bosco, và ĐHY Orlando Quevedo người Philippines thuộc dòng Thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, sau cùng là ĐHY Fernando Sebastián Aguilar, thuộc dòng thừa sai thánh Clarét (CMF), nguyên TGM giáo phận Pamplona bên Tây Ban nha.
Tiến chức Hồng y cao tuổi nhất là ĐHY Loris Francesco Capovilla, 98 tuổi, TGM hiệu tòa Mesembria, nguyên là bí thư của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23. Vì già yếu nên ngài không đến Roma nhận mũ đỏ trong buổi lễ, nhưng sẽ nhận sau trong một buổi lễ tổ chức tại nhà thờ làng quê của ngài, Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, bắc Italia.

Vị trẻ nhất là ĐHY Chibly Langlois, GM giáo phận Les Cayes bên Haiti 55 tuổi.

Lễ phong Hồng Y

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn Nhà thờ chính tòa Westminster, Luân Đôn, Anh quốc, Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 80 ca viên và ca đoàn của Học viện Giáo Hoàng về thánh nhạc ở Roma với 50 ca viên.
Khi tiến lên bàn thờ chính, ĐTC đã đến chào Đức nguyên Giáo Hoàng rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Khi ĐHY nhắc đến ĐGH Biển Đức 16 mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay thật lâu..

Tiếp đến, sau lời nguyện của ĐTC, cộng đoàn đã nghe tuyên bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) thuật lại hành trình của Chúa Giêsu cùng với 12 Tông đồ lên Jerusalem, qua đó Chúa loan báo cho các ông: Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và luật sĩ, bị kết án tử hình và giao cho dân ngoại, để chịu cực hình và hành quyết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhưng Tông Đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên tả và bên hữu; và trước sự phẫn nộ của các Tông Đồ khác, Chúa dạy các môn đệ ”Ai muốn trở thành người cao trong trong các con, thì hãy thành người phục vụ, ai muốn trở thành người thứ nhất trong các con, thì hãy trở thành tôi tớ cho mọi người”.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Phúc Âm vừa đọc:

”Chúa Giêsu đi trước họ..” (Mc 10,32)
”Cả trong lúc này, Chúa Giêsu cũng đi trước chúng ta. Chúa luôn luôn đi trước chúng ta. Ngài đi trước và mở đường cho chúng ta.. Và niềm tín thác và niềm vui của chúng ta là được làm môn đệ, ở với Chúa, đi sau, bước theo Chúa....

”Khi chúng ta cùng nhau đồng tế thánh lễ đầu tiên tại Nhà Nguyện Sistina, ”tiến bước” là lời đầu tiên mà Chúa đã đề nghị với chúng ta: tiến bước, và rồi xây dựng và tuyên xưng.

”Ngày hôm nay, lời ấy trở lại, nhưng như một hành vi, như một hành động của Chúa Giêsu tiếp tục: ”Chúa Giêsu đi.. ”. Điều này đánh động chúng ta trong Phúc Âm: Chúa Giêsu đi rất nhiều, và Ngài giảng dạy dọc theo hành trình. Đây là điều quan trọng. Chúa Giêsu không đến để giảng dạy một triết lý, một ý thức hệ.. nhưng một ”con đường”, một con lộ cần tiến bước với Ngài và con lộ này ta học biết trong cuộc hành trình.. Đúng vậy, anh em thân mến, niềm vui của chúng ta là tiến bước với Chúa Giêsu.

”Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, không phải là điều dễ chịu, vì con đường mà Chúa Giêsu chọn chính là con đường thập giá. Trong khi họ đi đường, Chúa nói với các môn đệ về điều sẽ xảy ra tại Jerusalem: Ngài báo trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài. Và họ ”kinh ngạc” và ”đầy sợ hãi”. Kinh ngạc vì đối với họ đi lên Jerusalem có nghĩa là tham dự vào chiến thắng của Đức Messia, chiến thắng của Ngài - chúng ta thấy điều đó qua lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan; và đầy sợ hãi vì điều mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu, và cả họ cũng có nguy cơ phải chịu.

”Khác với các môn đệ thời ấy, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng, và chúng ta không phải sợ Thập Giá, trái lại, trong Thập Giá, chúng ta được hy vọng. Nhưng cả chúng ta vẫn luôn là phàm nhân, là người tội lỗi, và chúng ta bị cám dỗ nghĩ đến cách thức của con người, thay vì của Thiên Chúa.

“Và khi suy nghĩ một cách trần tục, thì hậu quả là gì? ”10 môn đệ khác tức giận với Giacôbê và Gioan” (v.41). Họ thịnh nộ. Não trạng trần tục trổi vượt, sự cạnh tranh, ghen tương, phe phái xâm nhập vào.

”Vì thế lời mà Chúa nói với chúng ta hôm nay rất là lành mạnh! Lời ấy thanh tẩy nội tâm chúng ta, soi sáng lương tâm chúng ta, và giúp chúng ta hoàn toàn hòa hợp với Chúa Giêsu, và chúng ta cùng nhau làm điều ấy trong lúc Hồng y đoàn được gia tăng với các thành viên mới.

”Bấy giờ Chúa Giêsu gọi họ đến cùng Ngài...” (Mc 10,42). Đó là một cử chỉ khác của Chúa. Dọc đường, Ngài thấy rằng cần phải nói với nhóm 12 môn đệ, Chúa dừng lại, gọi họ đến gần. Anh em thân mến, chúng ta hãy để Chúa Giêsu gọi chúng ta đến cùng Ngài! Hãy để Ngài triệu tập. Và hãy lắng nghe Chúa, cùng nhau chúng ta hãy vui mừng đón nhận Lời Ngài, để cho mình được Lời Chúa và Thánh Linh giáo huấn, để ngày càng trở thành một lòng một trí, chung quanh Chúa.

”Và trong khi chúng ta được triệu tập, được Thầy duy nhất của chúng ta gọi đến, cả tôi cũng nói với anh em điều mà Giáo Hội đang cần: Giáo Hội đang cần anh em, cần sự cộng tác của anh em, và trước hết là cần sự hiệp thông của anh em, sự hiệp thông với tôi và giữa anh em với nhau. Giáo Hội đang cần lòng can đảm của anh em, để loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, và để làm chứng về chân lý. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của anh em, cần sự tiến bước tốt đẹp của đoàn chiên Chúa Kitô, cầu nguyện, cùng với việc loan báo Lời Chúa, chính là nghĩa vụ đầu tiên của GM. Giáo Hội đang cần sự cảm thương của anh em, nhất là trong lúc đau thương và đau khổ tại bao nhiêu nước trên thế giới. Chúng ta hãy bày tỏ sự gần gũi tinh thần với những cộng đoàn Giáo Hội và tất cả các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của chúng ta cho họ, để họ vững mạnh trong đức tin và biết đáp lại sự ác bằng sự thiện. Và kinh nguyện này của chúng ta được nới rộng tới mỗi người nam nữ đang chịu bất công vì những xác tín tôn giáo của họ. Giáo Hội cũng đang cần chúng ta để chúng ta trở thành những con người hòa bình và hòa giải cho các dân tộc trong thời đại này đang bị thử thách vì bạo lực và chiến tranh.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh em rất thân mến, xin cám ơn anh em! Chúng ta cùng nhau bước theo Chúa, hãy luôn để cho Chúa triệu tập, giữa đoàn dân trung thành với Mẹ Giáo Hội thánh thiện.

Nghi thức tấn phong

Sau bài huấn dụ, ĐTC bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

”Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

”Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, ĐTC lần lượt xướng tên 19 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đứng đầu danh sách là ĐHY Pietro Parolin, người Ý, 59 tuổi, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, rồi đến 3 vị thuộc giáo triều Roma: Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, Đức TGM Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Tiếp đến là các vị TGM chính tòa của các giáo phận Westminster Anh quốc, Managua Nicaragua, Québec Canada, Abidjan bên Côte d'Ivoire, Rio de Janeiro Brazil, Perugia Italia, Buenos Aires Argentina, Hán Thành Hàn quốc, Santiago de Chile, Ouagadougou Burkina Faso, Cotabato Philippines, Les Cayes Haiti. Sau cùng là 3 vị đã quá 80 tuổi là Capovilla Italia, Sebastián Aguilar Tây Ban Nha, Edward Felix nguyên TGM Castries, thuộc quần đảo Antille.
ĐTC ấn định 3 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế là 3 vị thuộc Giáo triều Roma. 15 vị còn lại, kể cả ĐHY Parolin, là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của ĐTC, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Họi, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

”Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, ĐHY hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là ĐHY phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.
Và khi trao nhẫn, ngài nói:

”Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội của ĐHY được kiện cường”.

Sau cùng ĐTC trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.
Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với ĐTC các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 18 chiếc ghế dành cho các vị.
Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền. Sau cùng là bài thánh Ca Lạy Nữ Vương thiên đàng. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút.

Chiều cùng ngày 22-2-2014, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân hồng y đã được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 14 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Đại thính đường Phaolô 6.
G. Trần Đức Anh, O.P

Cáo phó Lm Gioan Baotixita TRẦN QUANG TRUNG (1951-2014)


LM Gioan Baotixita TRẦN QUANG TRUNG
Quản xứ giáo xứ Thánh Linh-Đ1
Hạt Thánh An-Giáo phận Long Xuyên
 
 



Sinh ngày 18.04.1951
tại Bạch Liên, Yên Mộ, Hà Nam Ninh


Thụ phong Linh mục ngày 10.01.1991
Tại Nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên


Đã được Chúa gọi về
lúc 20:00 giờ ngày 23.02.2014


Hưởng thọ 63 tuổi
23 năm Linh mục

TIỂU SỬ CHA GIOAN BAOTIXITA

Sinh ngày 18/04/1951
tại Bạch Liên, Yên Mộ, Hà Nam Ninh
Tên cha mẹ: Ông Fx. Trần Huấn
và Bà Marta Phạm Thị Xinh
Vào Tiểu Chủng Viện: 21/08/1964
Thụ Phong Linh Mục: 10/01/1991
Tại Nhà Thờ Chính Tòa Long Xuyên

GIÚP CÁC XỨ ĐẠO:
1. Giáo Xứ Bờ Bao: từ năm 1991
2. Giáo Xứ Thánh Linh: từ 2009
Qua đời vào lúc 20:00 ngày 23/02/2014
trong một tai nạn giao thông hết sức thương tâm tại giáo xứ Thánh Linh.
Xin Thiên Chúa là Cha nhân Lành ân thưởng cho cha triều thiên nước Trời.

 

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ
WHĐ (22.02.2014) – Tngày 18 đến 20-02-2014, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích đã phối hợp với Đại học Giáo hoàng Latêranô tổ chức một Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ tại Đại học Latêranô. Hội nghị có chủ đề Sacrosanctum Concilium Lời tạ ơn dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông giáo hội, để kỷ niệm 50 năm Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (được Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 04-12-1963). Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến Đức hồng y Bộ trưởng Antonio Cañizares Llovera một sứ điệp như sau:
Gửi người Anh em đáng kính,
Đức hồng y Antonio Cañizares Llovera -
Bộ trưởng Bộ Phụng TựKỷ Luật các Bí Tích,
Đã 50 năm từ khi ban hành Hiến chế Sacrosanctum Concilium, văn kiện đầu tiên của Công đồng Vatican II, và kỷ niệm quan trọng này khơi lên tâm tình tạ ơn về công cuộc canh tân sâu rộng đời sống phụng vụ, đã trở nên hiện thực nhờ giáo huấn của Công đồng, để vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Hội Thánh, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực đón nhận và thực hiện giáo huấn này một cách ngày càng đầy đủ hơn.
Hiến chế Sacrosanctum Concilium và sự triển khai thêm nữa của Huấn Quyền đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về phụng vụ trong ánh sáng của mặc khải của Thiên Chúa: phụng vụ thực thi sứ vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô, trong đó “việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa bởi Đầu và các chi thể” (SC, 7). Chúa Kitô tự mặc khải Người là nhân vật chính thực sự của mọi cử hành, và Người luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quý đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu (nt). Hành động này, diễn ra nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, có một sức mạnh sáng tạo sâu xa, có khả năng lôi kéo mọi người –và một cách nào đó, toàn thể thụ tạo–, đến với Người.
Cử hành việc thờ phượng thiêng liêng thực sự nghĩa là hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Một phụng vụ tách rời khỏi sự thờ phượng thiêng liêng sẽ trở nên rỗng tuếch, không còn nét độc đáo của Kitô giáo với ý nghĩa thánh thiêng, gần như chỉ là ma thuật, và mất hết vẻ đẹp. Nhờ hành động của Chúa Kitô, phụng vụ được thúc đẩy từ bên trong để mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, và trong sự năng động này toàn bộ thực tại được biến đổi. Cuộc sống hng ngày của chúng ta trong thân xác, trong những việc nhỏ, cần phải bắt nguồn, đắm mình trong thực tại thần linh, để có thể hành động cùng với Thiên Chúa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải luôn nghĩ về Thiên Chúa, nhưng chúng ta thực sự phải để cho thực tại của Thiên Chúa đi vào trong chúng ta, ngõ hầu toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở nên một phụng vụ, việc thờ phượng” (ĐGH Bênêđictô XVI, Lectio Divina tại Chủng viện Roma, 15-02-2012) .
Để tạ ơn Thiên Chúa về những gì có thể thực hiện, anh em cần sẵn sàng đổi mới để tiến bước trên con đường các Nghị phụ công đồng đã vạch ra, vì vẫn còn nhiều việc phải làm để các tín hữu các cộng đoàn Giáo hội hiểu đúng và đầy đủ Hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Đặc biệt tôi nghĩ đến sự dấn thân để khởi sự một cách chắc chắncó tổ chức, huấn luyện về phụng vụ cho giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ.
Trong khi bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai đã thúc đẩy và chuẩn bị Hội nghị này, tôi hy vọng Hội nghị sẽ mang lại những kết quả mong ước. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho tất cả tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho quý Hồng y, các cộng tác viên, thuyết trình viên và tất cả các tham dự viên Hội nghị.
 
Minh Đức

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn




VATICAN. Chiều tối ngày 21-2-2014, Hồng y đoàn với 150 vị hiện diện, đã kết thúc Công nghị ngoại thường với 4 phiên họp về các vấn đề của gia đình.

Trong cuộc họp báo vào đầu chiều ngày 21-1-2014, Cha Lombardi cho biết trong phiên họp ban sáng cùng ngày, ĐTC đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay ở Roma, đó là:

- ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Pháp
- ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila, Philippines
- ĐHY Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil

Cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 10 năm ngoái, 2013, ĐTC đã bổ nhiệm vị Tổng tường trình viên của THĐGM về gia đình là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest, Hungari, và Đức TGM Bruno Forte, TGM Chieti, Italia là Tổng thư ký đặc biệt.

Cha Lombardi cho biết tính đến trưa ngày 21-2-2014 có 43 Hồng y lên tiếng phát biểu ý kiến về các vấn đề của gia đình. Còn nhiều vị khác đăng ký phát biểu trong phiên họp cuối cùng vào ban chiều, nhưng người ta không biết có đủ thời giờ cho các vị nói hay không. Nhiều Hồng y góp ý bằng giấy tờ.

Cha Lombardi không đi vào nội dung chi tiết các bài phát biểu, nhưng nói rằng các bài đó xoay quanh các khía cạnh rất khác nhau liên quan đến gia đình, từ nhân loại học Kitô về gia đình, quan điểm này trong bối cảnh văn hóa bị tục hóa ngày nay, vấn đề tính dục, những tình trạng khó khăn của gia đình; việc mục vụ gia đình, các nhóm linh đạo, các giáo xứ, việc chuẩn bị hôn nhân, linh đạo hôn nhân và gia đình. Có một loạt các bài phát biểu về vấn đề những tín hữu ly dị tái hôn, về phương diện pháp lý và giáo luật, các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, việc nhận cho các cặp ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, v.v..

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng không có quyết định nào được đề ra, nhưng người ta thấy có một cố gắng lớn làm sao dung hòa sự trung thành với Lời Chúa Kitô và sự từ bi trong đời sống giáo hội. Cha kết luận rằng: ”Không nên chờ đợi nơi Công nghị Hồng y này một kết luận hoặc một hướng đi thống nhất, nhưng các bài phát biểu là một sự dẫn nhập đầy khích lệ vào hành trình của Thượng HĐGM về gia đình vào tháng 10 năm nay. Vì nếu Thượng HĐGM làm việc được với tinh thần này, với một chân trời rộng ở và với chiều sâu như vậy, thì Giáo Hội đang ở trên con đường đứng để đáp ứng những thách đố của ngày nay, để ý tới sự trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và sự quan tâm mục vụ đối với con người và những hoàn cảnh khác nhau.

Trong cuộc họp báo, Phó giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Angelo Scelzo, cho biết có 298 ký giả đăng ký ngoại thường để tham dự công nghị của Hồng đoàn, và lễ tấn phong các Hồng y mới, không kể hơn 300 ký giả đăng ký thường xuyên.

Trong số 298 người vừa nói, có 54 người thuộc các hãng tin hình ảnh, 74 báo chí, 51 đài truyền hình, 153 ký giả và phóng viên thuộc các đài vừa nói.

G. Trần Đức Anh OP


Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Ly dị và tái hôn

                                                                                    LY DỊ VÀ TÁI HÔN
Vũ Văn An
Cứ đọc truyền thông thế tục, người Công Giáo sẽ có cảm tưởng đạo mình rồi ra cũng không khác gì thế gian. Cuối cùng, rồi cũng cho người ta ly dị thôi, và do đó, dây hôn phối có còn chi là vĩnh viễn, là bất khả tiêu nữa.
 
Thực vậy, theo hãng tin AP, “cuộc họp tuần này giữa Đức GH Phanxicô và các Hồng Y của ngài sẽ thảo luận một số vấn đề gai góc nhất đang thách thức Giáo Hội, kể cả việc phần lớn người Công Giáo bác bỏ một số giáo huấn nòng cốt của đạo liên quan tới việc làm tình trước hôn nhân, ngừa thai, đồng tính và ly dị”.
 
Phần lớn đây là phần lớn nào? Đọc xuống dưới một chút nữa, ta mới hiểu. AP cho rằng năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã gửi tới các giám mục thế giới một bản câu hỏi để các tín hữu Công Giáo bình thường trả lời cho biết họ hiểu và thực hành ra sao các giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, tính dục và các vấn đề khác liên hệ tới gia đình.
 
Kết quả, ít nhất của Âu Châu và Hoa Kỳ, cho thấy: chính các giám mục đã tường trình rằng các giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội về luân lý tính dục, kiểm soát sinh đẻ, đồng tính luyến ái, hôn nhân và ly dị bị đại đa số người Công Giáo bác bỏ như là không thực tiễn và lỗi thời, dù họ xác nhận vẫn tích cực tham gia sinh hoạt giáo xứ và coi đức tin của mình quan trọng một cách sinh tử.
 
Hãng tin không quên trích dẫn lời của Đức Cha Robert Lynch của giáo phận St. Petersburg, Florida, viết trên Blog của ngài tóm tắt các câu trả lời của giáo dân: “Về việc ngừa thai nhân tạo, các câu trả lời được biểu trưng bằng câu nói: ‘xe lửa rời bến đã lâu’. Người Công Giáo đã nhất quyết trong ý nghĩ của họ và cảm thức tín hữu (sensus fidelium) cho thấy họ bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về chủ đề này”. AP không cho biết nhận định riêng của Đức Cha Lynch, người có bổn phận “dạy dỗ” tín hữu, duy trì đức tin của họ.
 
AP tường trình cùng một phản ứng ấy ở Đức và Thụy Sĩ. Các giám mục Đức cho hay: “các tuyên bố của Giáo Hội về liên hệ tính dục tiền hôn nhân, về đồng tính luyến ái, về những người ly dị và tái hôn, và về kiểm soát sinh đẻ… một là hầu như chưa bao giờ được chấp nhận, hai là bị minh nhiên bác bỏ trong đại đa số các trường hợp”.
 
Các giám mục Đức là thế nào, là một số giám mục Đức hay là toàn thể giám mục Đức. Và một lần nữa, AP cũng không cho biết nhận định của các giám mục này, vốn là những vị có nhiệm vụ “chăn dắt” đoàn chiên Chúa, về các câu trả lời của tín hữu.
 
Tuy nhiên, AP có cho hay về trường hợp ly dị và tái hôn, thần học gia Đức, và hiện đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là TGM Gerhard Mueller, chính thức lên tiếng xác nhận rằng: giáo huấn của Giáo Hội chưa có gì thay đổi cả: Ngài bác bỏ các luận chứng cho rằng người ta nên theo tiếng lương tâm để quyết định liệu cuộc hôn nhân đầu của họ có thành hiệu hay không. “Việc quyết định đối với tính thành hiệu của hôn nhân không phải là việc của các cá nhân liên hệ mà là việc của Giáo Hội”.
 
Quan điểm một chiều
 
Mặt khác, tại cuộc điều trần gần đây về tự do tôn giáo tại Hạ Viện Mỹ, John Allen cho rằng người Công Giáo tiêu biểu thời nay không còn là người đàn ông giầu có của Âu Châu hay của Bắc Mỹ lái những chiếc Lincoln bóng loáng đi nhà thờ, mà là người phụ nữ nghèo một nách 4 đứa con tại Botswana. Đứng thế, hết 2/3 dân số Công Giáo hiện nay sống ở các nơi không phải là Âu Châu và Bắc Mỹ. Những cái phần lớn hoặc đại đa số trên xem ra không có giá trị gì.
 
Người ta cũng nhận ra thái độ bất xứng của một số giám mục Âu Châu và Bắc Mỹ. Thái độ này hoàn toàn phản ảnh triết lý sống của truyền thông hiện đại, chuyên sử dụng cái đại đa số thổi phồng hay tưởng tượng để làm áp lực.
 
Về phương diện này, Sandro Magister cho ta một số thoáng nhìn: Trước nhất, khu vực nói tiếng Đức là khu vực nhanh nhẩu nhất cả trong việc trả lời bản câu hỏi của Tòa Thánh lẫn trong việc cho công bố chúng. Thứ hai, nhân sự trổi vượt của câu trả lời “yes” cho câu hỏi có nên cho người ly dị và tái hôn được phép rước lễ và nhìn nhận cuộc hôn nhân thứ hai của họ hay không, để đưa ra lời kêu gọi phải có “một cách tiếp cận mới đối với nền luân lý tính dục Công Giáo, vì tín hữu không còn hiểu được các luận điểm của Giáo Hội về các vấn đề này nữa”.
 
Thứ ba, lý lẽ của các vị này không hẳn dựa vào tín lý, thánh kinh, Giáo Hội học, giáo phụ học hay bất cứ cái học nào trong Đạo, cho bằng dựa vào thực tế. Họ cho rằng mẫu gia đình cổ điển, có tính bất khả tiêu, bao gồm cha, mẹ và con cái, đang có khuynh hướng tan biến đi. Ngay nơi người Công Giáo, vẫn đang “có các gia đình ly thân, gia đình mở rộng, nhiều gia đình đang nuôi dậy con cái mà không có người phối ngẫu, lại còn hiện tượng đẻ thuê nữa, những cuộc hôn nhân không có con cái, và đừng quên còn những cuộc phối hợp giữa những người đồng phái”.
 
Một thực tế không mới lạ
 
Theo Magister, tình thế trên không có chi là đặc biệt cả. Ngay từ lúc bắt đầu cuộc hành trình của mình qua lịch sử, trong nền văn minh Rôma của các thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã thấy mình phải chứng kiến nhiều hình thức liên hệ giữa các phái tính rồi, chúng đa dạng không kém thời nay; các mẫu thức gia đình cũng thế, chúng có gì phù hợp với mẫu thức bất khả tiêu do Chúa Giêsu giảng dạy đâu!
Với nền văn minh ấy, Giáo Hội đề xuất một mô thức hôn nhân chưa hề “cổ lỗ” nhưng rất mới lạ và đòi hỏi. Mô thức này phải trải qua một diễn trình dài và gian lao mới đạt tới mức hoàn hảo, vì nó phải “lách” qua nhiều tầng trùng trùng điệp điệp của văn hóa thời đại. Đến nỗi từ thời Mátthêu, đã có nố trừ “porneia” (19:9), dù lúc ấy, giáo huấn của Chúa Giêsu thật rõ ràng và nóng hổi: ai ly dị vợ và cưới người đàn bà khác là phạm tội ngoại tình.
Người ta còn tìm thấy dấu vết “lách” ấy trong nhiều soạn phẩm của các giáo phụ, kể cả sắc lệnh các công đồng: Tại Đông Phương, thói quen tha thứ cho những ai kết hôn lần thứ hai sau khi ly thân người phối ngẫu đầu, với việc cho phép họ được rước lễ sau một thời gian đền tội lâu dài, đã phát sinh trong ngữ cảnh này. Nó giống trường hợp Môsê vì sự cứng lòng của dân mà đành chấp nhận để họ ly dị. Ai cũng biết, Chúa Giêsu không chấp nhận chủ trương ấy của Môsê.
 
Nhưng từ thời Đức GH Grêgôriô VII, tức thế kỷ 11, Tây Phương bắt đầu phá bỏ thói quen trên một cách có hệ thống. Đến Công Đồng Trent, thì kỷ luật hôn nhân tuyệt đối chống lại ly dị đã thành nền nếp từ lâu. Thành thử khi Đức HY Del Monte, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, đề nghị giải thích Mátthêu 19:9 và một số bản văn của giáo phụ như là cho phép cuộc hôn nhân thứ hai, ngài đã bị Trent bác bỏ. Nhưng Trent không lên án thói quen đã thành nền nếp tại Đông Phương nói trên. Tại Vatican II, có ít nhất một giám mục là Đức Cha Elias Zoghby, thuộc nghi lễ Melkite, TGM Baalbek, muốn mở lại vấn đề này. Và một giám mục khác muốn theo gương ngài tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1980. Cả hai cố gắng đều đã không thành công.
 
Magister cho biết thêm: trong phần dẫn nhập cuốn “On pastoral care for the divorced and remarried” năm 1998 của Gilles Pelland, Dòng Tên và là một nhà nghiên cứu giáo phụ học, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tuy không chối cãi đã có những lúc và những nơi cuộc hôn nhân thứ hai được chấp nhận cả ở Tây Phương nữa, nhưng ngài thấy trong diễn biến lịch sử của thói quen này, là xu hướng muốn trở về nguồn.
 
Mà nguồn đây, theo ngài, là chính lời Chúa Giêsu nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Đây là những lời “mà Giáo Hội không có bất cứ quyền hành nào trên đó”. Những lời này minh nhiên loại bỏ ly dị và tái hôn.
 
Vì lý do này, “trong Giáo Hội thời các Giáo Phụ, các tín hữu đã ly dị và tái hôn chưa bao giờ chính thức được phép rước lễ sau một thời gian đền tội”. Nhưng điều cũng đúng là Giáo Hội “không luôn luôn mạnh mẽ thu hồi các nhượng bộ về vấn đề này tại các nước cá thể”. Cũng đúng nữa là có “những cá nhân Giáo Phụ, như Đức Lêô Cả chẳng hạn, đã đi tìm các giải pháp ‘mục vụ’ cho những trường hợp tranh tối tranh sáng”.
 
Như trên đã nói, tại Tây Phương, “sự mềm dẻo và sẵn sàng thỏa hiệp đối với các tình thế hôn nhân khó khăn” đã được mở rộng và kéo dài tới thế kỷ 11, nhất là “tại các nước Pháp và Đức”. Sau đó, nhờ cuộc cải cách của Đức Grêgôriô VII, “ý niệm nguyên thủy của các Giáo Phụ đã được khám phá trở lại”. Việc trở về nguồn này đã được cả hai Công Đồng Trent và Vatican II thừa nhận làm giáo huấn của Giáo Hội.
 
Lá thư gửi các giám mục hoàn cầu năm 1994 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc lại huấn quyền chính thức về việc rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn. Huấn quyền này liên tiếp được hai vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI củng cố và gần đây được Đức TGM Gerhard Mueller nhắc lại.
 
Nhưng không vì thế, cuộc tranh luận về chủ đề này đã được đóng lại. Nhất là vì Đức Phanxicô đang mở ra viễn tượng duyệt xét lại các thủ tục liên quan tới diễn trình vô hiệu hóa nói riêng và nền thần học về tính dục và gia đình nói chung.
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kỳ tới có trọng trách tìm ra giải pháp mục vụ vừa duy trì được giáo huấn minh nhiên và dứt khoát của Chúa Kitô về tính bất khả tiêu của hôn nhân vừa mang lại cho những người ly dị và tái hôn cơ hội hiệp thông trọn vẹn với anh chị em con cùng Mẹ Giáo Hội với mình. Chỉ nghiêng về phía “ăn khách” trong phương trình này không những không đem lại bình an cho Giáo Hội Chúa Kitô mà còn làm rối tung Giáo Hội này và đem nó tới phân rẽ không tài nào hàn gắn nổi. Hai phần ba người Công Giáo thế giới hiện nay không hẳn đứng ở phía “ăn khách” ấy.

Từ bỏ chính mình (21.2.2014 – Thứ sáu Tuần 6 Thường niên)


Từ bỏ chính mình 
Lời Chúa: Mc 8, 34 – 9, 1
Khi ấy, Ðức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”
Ðức Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Ðại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”
Suy nim:
Trên con đường đi ngang giáo phận Xuân Lộc,
có ngôi nhà thờ mặt tiền mang một dòng chữ to: “Sống là chọn.”
Câu này dễ làm ta nghĩ đến câu kế tiếp: “mà chọn là bỏ.”
Bỏ là điều, dù muốn dù không, ai cũng phải làm nhiều lần trong đời.
Thai nhi phải bỏ bụng mẹ ấm êm, cô gái bỏ gia đình để về nhà chồng.
Bỏ khi chọn việc, chọn trường, chọn nhà, chọn ơn gọi…
Bỏ thường làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn tất cả.
Tuy nhiên, có khi từ bỏ đem lại niềm vui, đến nỗi ta không biết mình đang bỏ.
Một vận động viên, một nhà khoa học hay một tu sĩ đã tự ý bỏ nhiều điều.
Nhưng họ rất vui khi nghĩ đến kết quả của việc từ bỏ đó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ và đám đông
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ngài (c. 34).
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa,
không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt.
Vác thanh ngang của thập giá là việc mà người sắp bị đóng đinh phải làm.
Như thế vác thập giá đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết sắp xảy ra.
Đức Giêsu đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống.
Ngài đã vác thập giá Cha trao cho Ngài.
Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá.
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng,
vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu.
Thập giá ghi dấu ấn trên bất cứ ai dám sống thật sự ơn gọi Kitô hữu.
Nhưng thập giá lại không phải là kết thúc của Kitô giáo.
Kitô giáo kết thúc bằng sự sống và sự sống lại của Đức Giêsu.
Tất cả nghịch lý nằm ở chỗ ai dám mất thì lại được,
còn ai cố giữ cho được thì lại mất.
Mà cái được và cái mất không như nhau.
Cái mất chỉ là mạng sống tạm bợ ở đời này,
còn cái được là sự sống vĩnh hằng ở đời sau (c. 35).
Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm được và mất.
Ngài mời chúng ta dám sống kinh nghiệm ấy cùng với Ngài.
Được cả thế giới này mà mất sự sống đời đời thì có ích chi? (c.36).
Đức Giêsu hôm nay vẫn muốn nhắc nhở chúng ta như thế.
Cầu nguyn:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy cầu nguyện cho thừa tác vụ giáo hoàng


 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy cầu nguyện cho thừa tác vụ giáo hoàng
WHĐ (20.02.2014) – Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 19-02 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chào mừng các nhóm hành hương bằng nhiều ngôn ngữ; với các khách hành hương Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng ngày thứ Bảy 22-02 là Lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông đồ, “ngày các tín hữu hiệp thông đặc biệt với Người kế vị Thánh Phêrô và với Tòa Thánh. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em đã cầu nguyện cho thừa tác vụ giáo hoàng của tôi, và đã dùng chứng tá đời sống trong Chúa Kitô để xây dựng cộng đoàn Giáo hội.
Đức Thánh Cha cũng chào mừng các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium – Lời tạ ơn và dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông giáo hội”, cùng với Đức hồng y Antonio Cañizares Llovera, Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích, và các tham dự viên đang tham dự Hội nghị khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, nhân kỷ niệm hai mươi năm thành lập Hàn lâm viện. Đức Thánh Cha khích lệ họ tiếp tục sứ vụ quan trọng này trong việc phục vụ Tin Mừng sự sống.
(VIS)


 
Minh Hoà

Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Hòa Giải

Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Hòa Giải




VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 19-2-2014, ĐTC Phanxicô đã giải thích về bí tích Hòa giải và mời gọi các tín hữu siêng năng lãnh nhận bí tích này.

Trong số các tín hữu hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm từ Italia, trong số này có 450 tham dự viên Hội nghị do cơ quan hành hương của giáo phận Roma tổ chức, 150 sĩ quan và binh sĩ thuộc trường hạ sĩ quan của Italia ở Italia, 1 ngàn tín hữu tham dự cuộc hành hương do Ngân hàng tín dụng Scafati và Cetara tổ chức. Từ các nước khác, đặc biệt có 25 LM thuộc giáo phận Meaux ở miền bắc Paris do ĐGM giáo phận hướng dẫn, 100 tín hữu từ tổng giáo phận Québec, Canada, do Đc Cha Gérald Lacroix, hướng dẫn. Ngài sẽ được phong Hồng y vào thứ bẩy tới đây. Và rất nhiều nhóm nhỏ khác từ các nước.

Tuy giờ chính thức được ấn định cho buổi tiếp kiến là 10 giờ rưỡi, nhưng lúc 9 giờ 45, ĐTC đã xuất hiện tại quảng trường, trên chiếc xe díp mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các bí tích và trình bày về bí tích giải tội. Ngài nói:

Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo, rửa tội, thêm sức và Mình Thánh Chúa, con người con nhận sự sống mới trong Chúa Kitô. Giờ đây, sự sống này chúng ta ”mang trong bình sành” (2 Cr 4,7), chúng ta còn phải chịu cám dỗ, đau khổ, sự chết, và do tội lỗi, thậm chí chúng ta có thể đánh mất cả sự sống mới nữa. Vì thế Chúa Giêsu đã muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho các chi thể của mình, đặc biệt là với Bí tích Hòa giải và xức dầu bệnh nhân, hai bí tích này có thể được gọi chung là ”các bí tích chữa lành”. Bí tích hòa giải là một bí tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội, là để chữa lành, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành con tim tôi, vì một số điều tôi đã làm, khiến cho tôi không được khỏe.

Hình ảnh Kinh Thánh diễn tả tốt đẹp nhất mối liên hệ sâu xa của hai bí tích này chính là giai thoại về việc tha thứ và chữa lành người bất toại, trong đó Chúa Giêsu tỏ ra ngài là bác sĩ của các linh hồn và thân xác (Xc Mc 2,1-12 // Mt 9,1-8; Lc 5,17-26).

1. Bí tích thống hối và hòa giải phát sinh trực tiếp từ mầu nhiệm phục sinh. Thực vậy, chiều ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang ở trong nhà tiệc ly khóa kín, và sau khi chào họ bằng câu ”Bình an cho các con!”, Ngài thổi hơi vào các ông và nói: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. (Ga 20,21-23). Đoạn này tỏ cho chúng ta thấy năng động sâu xa nhất chứa đựng trong bí tích ấy. Trước hết, sự kiện ơn tha thứ các tội lỗi chúng ta không phải là cái gì chúng ta có thể tự ban cho mình, tôi không thể nói: ”Tôi tự tha thứ các tội lỗi cho tôi”. Ta xin ơn tha thứ, ta xin lỗi người khác, và trong phép giải tội, chúng ta xin Chúa Giêsu tha thứ. Ơn tha thứ không phải là thành quả nỗ lực của chúng ta, nhưng là một món quà, là ơn của Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta được tràn đầy ơn thanh tẩy nhờ lòng từ bi và ân phúc không ngừng trào ra từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại.

Thứ hai, sự kiện ấy nhắc nhớ chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta để cho mình được hòa giải, trong Chúa Giêsu, với Chúa Cha và với anh em mình, thì chúng ta mới có thể được thực sự sống trong an bình. Và điều này, tất cả chúng ta đều cảm thấy, trong tâm hồn, khi chúng ta đi xưng tội, với một gánh nặng đè trong tâm hồn, có phần đau buồn.. Và khi chúng ta cảm thấy ơn tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta được an bình, niềm an bình trong tâm hồn mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta.

2. Trong lịch sử, việc cử hành bí thống hối đã tiến từ một hình thức công khai đến hình thức xưng tội cá nhân và kín đáo. Nhưng điều này không được làm mất chiều kích Giáo Hội, vốn là bối cảnh sinh tử của bí tích này. Thực vậy, chính cộng động Kitô là nơi trong đó có Thánh Linh hiện diện, Ngài đổi mới các tâm hồn trong tình yêu Thiên Chúa và biến tất cả mọi anh em thành một cộng đoàn duy nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế không phải chỉ xin Chúa tha thứ trong tâm trí mà thôi, nhưng còn cần khiêm tốn và tín thác xưng thú các tội của mình với vị thừa tác viên của Giáo Hội. Trong việc cử hành bí tích thống hối, vị linh mục không chỉ đại diện Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn đại diện toàn thể cộng đoàn nhìn nhận mình ở trong sự mỏng manh yếu đuối của mỗi phần tử, Giáo Hội cảm động lắng nghe sự thống hối của phần tử ấy, hòa giải với hối nhân, khích lệ và tháp tùng họ trong hành trình hoán cải và trưởng thành về mặt con người và Kitô.

Có thể có người nói: Tôi chỉ xưng tội với Thiên Chúa”. Đúng bạn có thể nói với Thiên Chúa: ”Xin tha thứ cho con” và kể các tội của bạn ra. Nhưng các tội chúng ta cũng chống lại anh em, chống lại Giáo Hội và vì thế cần xin lỗi Giáo Hội và anh em, trong vị linh mục. Có thể người ấy lại nói: ”Nhưng thưa cha, con xấu hổ!” Nhưng xấu hổ như vạy là điều tốt, cảm thấy xấu hổ một chút cũng là điều lành mạnh. Vì khi một người không xấu hổ, nước nước chúng tôi họ bảo người ấy là ”vô liêm xỉ!”. Xấu hổ cũng là điều tốt vì làm cho chúng ta khiêm nhường hơn. Và vị linh mục đón nhận sự xưng thú ấy, và nhân danh Thiên Chúa, tha thứ. Và kể cả về mặt con người, nói với một người anh em, để xả hơi, cũng là điều tốt, nói với vị linh mục những điều đang đè nặng trong tâm hồn mình: mình cảm thấy nhẹ nhàng trước mặt Chúa, với Giáo Hội và anh em. Anh chị em đừng sợ xưng tội,

Một người đứng xếp hàng chờ xưng tội, có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng rồi xưng tội xong, thì cảm thấy tự do, đẹp đẽ, được tha thứ và nên trong trắng, hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của phép giải tội.

Tôi muốn hỏi anh chị em, nhưng anh chị em đừng trả lời lớn tiếng nhe. Mỗi người tự trả lời trong tâm hồn: Lần chót bạn xưng tội cách đây bao lâu rồi? Mỗi người hãy xét xem nhé. 2 ngày, hai tuần, hai năm, 20 năm, hay 40 năm. Nếu thời gian qua lâu rồi, thì đừng để thêm ngày nào nữa. Hãy đi xưng tội, vị linh mục tốt lành. Và Chúa Giêsu càng tốt lành hơn các linh mục, Chúa Giêsu đón tiếp bạn. Ngài đón nhận bạn với bao nhiêu yêu thương. Hãy can đảm lên, hãy đi xưng tội.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, cử hành bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay nồng nhiệt; đó là vòng tay của lòng từ bi vô biên của Chúa Cha.
Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn thật đẹp, về người con bỏ nhà cha ra đi với tiền thừa tự, anh ta phung phí hết tiền bạc, rồi khi không còn gì nữa, anh quyết định trở về nhà cha, không phải như người con, nhưng như một người đầy tớ. Anh ta cảm thấy bao nhiêu tội lỗi trong con tim, bao nhiêu tủi hổ. Và điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu nói và xin lỗi, người cha không để anh ta nói: cha ôm lấy con, hôn con và mở tiệc mừng. Mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm lấy chúng ta, Thiên Chúa mừng lễ. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường đó. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan. Các vị cũng dịch những lời chào của ĐTC gửi đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Chính ĐTC tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Tây Ban Nha và chào thăm các tín hữu hành thương thuộc ngôn ngữ này cũng là tiếng mẹ của ngài, đặc biệt là 40 vị giám đốc các trung tâm truyền giáo giáo phận ở Tây ban Nha và Mỹ la tinh, đang tham dự khóa họp quốc tế về linh hoạt truyền giaó ở Roma.

Với các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc Tổng giáo phận Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brazil, tháp tùng vị chủ chăn là Đức TGM Orani João Tempesta, thuộc dòng Xitô sẽ được phong hồng y vào sáng thứ bẩy 22-2 tới đây. ĐTC nói:

”Tôi cầu chúc anh chị em điều này: ước gì không điều gì và một ai có thể ngăn cản anh chị em sống và tăng trưởng trong tình bạn với Thiên Chúa là Cha; trái lại hãy để cho tình yêu Chúa luôn tái sinh anh chị em và hòa giải anh chị em với Chúa, với chính mình và với anh chị em. Xin phúc lành dồi dào của Chúa được đổ xuống trên anh chị em và gia đình anh chị em.

Sau cùng, ĐTC chào đông đảo các nhóm tiếng Ý, ngài nhắc đến 500 tham dự viên hội nghị do Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích tổ chức, được ĐHY Tổng trưởng Antonio Canizares Llovera hướng dẫn. Ngoài ra có 50 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. ĐTC nói: ”Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục theo đuổi công trình quí giá là phục vụ Tin Mừng sự sống”.

ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: Hỡi các bạn trẻ, xin Đức Trinh Nữ Maria giúp các con ngày càng hiểu giá trị của hy sinh trong việc huấn luyện các con về mặt nhân bản và Kitô giáo; hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, xin Mẹ nâng đỡ anh chị em trong việc đương đầu với đau khổ và bệnh tật trong thanh thản và can đảm. Và hỡi các đôi tân hôn, xin Mẹ hướng dẫn anh chị em xây dựng gia đình anh chị em trên những nền tảng vững chắc là lòng trung thành với thánh ý Chúa.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu ĐTC còn dành hàng giờ để chào thăm các HY, GM, các tín hữu, các bệnh nhân và những người tàn tật.

G. Trần Đức Anh OP

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Đức hồng y Tarcisio Bertone: “Giữ bí mật ý định từ nhiệm của Đức giáo hoàng Bênêđictô là một gánh nặng lớn”

Đức hồng y Tarcisio Bertone: “Giữ bí mật ý định từ nhiệm của Đức giáo hoàng Bênêđictô là một gánh nặng lớn”

Đức hồng y Tarcisio Bertone: Giữ bí mật ý định từ nhiệm của Đức giáo hoàng Bênêđictô là một gánh nặng lớn
WHĐ (18.02.2014) – Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho hãng tin truyền hình quốc tế Rome Reports, Đức hồng y Tarcisio Bertone, cộng sự viên chính của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói về sự từ nhiệm lịch sử của Đức Bênêđictô mọi chuyện khác.
Mặc dù Đức hồng y Bertone đã nghỉ hưu vào tháng Mười năm ngoái, nhưng lịch làm việc của ngài khá bận rộn.
Đức hồng y Bertone cho biết: “Tôi khoẻ. Tôi rất bận rộn với công việc, nên không có nhiều thời gian rảnh rỗi, bởi vì tôi tham gia nhiều hoạt động của các cơ quan trong giáo triều Rôma. Tôi cũng bận rộn với các cuộc họp và tiếp khách tùy theo khả năng của tôi. Ngoài ra còn có nhiều đề nghị mời tôi diễn thuyết”.
Đức hồng y Quốc vụ khanh Bertone cũng nói về thời điểm khi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bắt đầu nghĩ đến việc từ nhiệm: “Đức giáo hoàng Bênêđictô đã nghĩ đến quyết định này rất lâu trước khi ngài công bố. Ngài nói với tôi về điều đó vào giữa năm 2012. Tôi đã thưa với ngài rằng nếu ngài làm thế sẽ có thể nảy sinh mọi vấn đề. Tuy nhiên, ngài cảm thấy mệt mỏi, tuổi tác đè nặng lên ngài. Ngài lo lắng về Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro. Hẳn ngài sẽ tự hỏi: ở tuổi này, làm sao mình sẽ nói chuyện với hàng triệu người trẻ được?’”
Thế là, Đức hồng y Bertone đã giữ điều bí mật ấy trong nhiều tháng cho đến ngày lịch sử 11-02-2013, ngày Đức Bênêđictô công bố quyết định từ nhiệm.
Đức hồng y thổ lộ: “Giữ kín điều bí mật này lâu như thế, khi Giáo hội vẫn sinh hoạt bình thường, với tất cả những xáo trộn bàn luận vào thời điểm đó, thật là một gánh nặng rất lớn. Tôi sẽ phải suy nghĩ về tất cả những lời giải thích có thể có do lời tuyên bố lịch sử này”.
Tất nhiên, khi Đức giáo hoàng Bênêđictô tuyên bố từ nhiệm, một trong những vấn đề chính là làm thế nào hai vị giáo hoàng có thể cùng tại Vatican. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng tình thế năng động này thực sự là khá đơn giản.
Đức hồng y Bertone nói: “Cuộc đời của Đức Bênêđictô, vị nguyên giáo hoàng của chúng tacủa Đức giáo hoàng Phanxicô là một cuộc sống bình an, hoà hợp. Đức Phanxicô không xóa mất sự hiện diện của Đức Bênêđictô XVI. Sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô làm cho Giáo hội hoàn vũ càng thêm kính yêu và đánh giá cao đối với ngài. Thực vậy, cả Đức Phanxicô cũng ca ngợi ngài và xem ngài như một người ông và người khôn ngoan để tâm sự. Đức Phanxicô rất quan tâm chăm sóc thăm viếng ngài. Đó thật là một nghĩa cử huynh đệ đẹp đẽ và cũng là một bài học cho chúng ta về cách cư xử với người già cả. Nhiều lần Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng người già là người nắm giữ di sản khôn ngoan, di sản đức tin và đời sống tinh thần, và họ chuyển giao di sản ấy cho người trẻ”.
Đức hồng y Tarcisio Bertone bắt đầu làm việc sát cánh với Đức hồng y Ratzinger vào năm 1995 khi ngài giữ vị trí số hai tại Bộ Giáo lý Đức tin. Một năm sau khi Đức hồng y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, ngài trở thành cộng tác viên gần gũi nhất của Đức giáo hoàng. Để ghi lại giai đoạn này, hiện nay Đức hồng y Bertone đang xem xét viết một cuốn sách hầu làm sáng tỏ chương này trong cuộc sống của ngài và cuộc sống của Giáo hội.
(Theo Rome Reports)
 
Minh Đức